Header Ads

  • Breaking News

    Ba đi tù ‘cải tạo’, mẹ đi ‘kinh tế mới’, con nhà nghèo trở thành viện sỹ Viện hàn lâm kỹ thuật Mỹ



    GS.TS. Nguyễn Thục Quyên vừa được Viện Hàn Lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc Gia Hoa Kỳ (NAE) kết nạp làm viện sỹ vào đầu tháng 2/2023. Photo: Courtesy photo

    Xuất thân từ gia đình nhà giáo nghèo khó đông anh chị em ở xã Phước Lâm, huyện Long Điền, cô thôn nữ ngày nào thích thơ ca và văn chương Việt Nam, tò mò muốn tìm cách giữ ánh sáng ban ngày để dành cho ban đêm học bài vì nhà không có đèn điện, nay trở thành viện sỹ Viện Hàn Lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc Gia Hoa Kỳ, rạng danh với thành tựu quan trọng trong ngành hóa hữu cơ ứng dụng.

    Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thục Quyên vừa được Viện Hàn Lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc Gia Hoa Kỳ (NAE) kết nạp làm viện sỹ vào đầu tháng 2 năm nay. GS. Thục Quyên được các đồng nghiệp tại NAE đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực hóa hữu cơ ứng dụng. Bà cũng có những công trình nghiên cứu đặc biệt về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng.

    Ngoài vai trò là Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ tại Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ, (UCSB) bà còn là đồng chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture từ năm 2020, được bình chọn là trí tuệ khoa học mang tầm ảnh hưởng nhất thế giới nhiều năm liên tiếp.

    Nhân tháng Lịch sử Phụ nữ Hoa Kỳ, tháng 3, VOA Việt ngữ có cuộc trò chuyện với GS. TS. Nguyễn Thục Quyên.

    VOA: Xin GS cho biết cảm tưởng khi trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên trong NEA?

    GS. Nguyễn Thục Quyên (NTQ): Trước hết xin cho Thục Quyên kính chào quý thính giả của đài VOA. Thú thật là tôi cũng chưa từng mơ ước hay tưởng tượng được rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành viện sỹ của Viện Hàn Lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc Gia Hoa Kỳ.

    Mình thấy vô cùng vinh hạnh bởi vì đó là một trong những sự công nhận cao nhất từ đồng nghiệp và đây cũng là sự ghi nhận cho nhiều năm lao động sáng tạo và cống hiến của mình và nhóm nghiên cứu của mình trong lĩnh vực khoa học. Rất là vui vì được NAE công nhận. Tôi được đào tạo để trở thành một nhà lý hóa chứ không phải bên khoa học kỹ thuật.

    Vinh dự này đánh dấu một cột mốc sự nghiệp rất quan trọng đối với tôi. Nói chung là tôi không thể làm việc này một mình được mà có cả một nhóm nghiên cứu của tôi, những sinh viên, tiến sĩ và cộng tác viên đã làm việc chung với tôi. Ở cấp độ cá nhân thì không có từ ngữ nào có diễn tả được cảm giác của tôi trước sự công nhận này bởi vì tôi đã vượt qua nhiều thử thách và khó khăn trong cuộc sống và việc làm để có thể có ngày hôm nay.

    Tôi không chỉ hoàn thành ước mơ của riêng bản thân mình mà còn là cho cả mẹ tôi nữa, cho cả những người phụ Việt Nam và phụ nữ trên thế giới vì những giấc mơ của họ bị tan vỡ vì những thử thách trong cuộc sống và lo toan cho gia đình họ. Như mẹ tôi từng ước mơ được học cao hơn nữa và được trở thành nữ bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của thành phố Buôn Ma Thuột, nhưng rồi mẹ tôi kết hôn năm 18 tuổi rồi sau đó có năm đứa con nên thành thử ước mơ của mẹ tan thành mây khói.

    VOA: Thưa GS, với vai trò mới trong Viện Hàn Lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc Gia Hoa Kỳ, GS có kế hoạch gì để thực hiện vai trò đó?

    NTQ: Viện Hàn Lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc Gia Hoa Kỳ có trách nhiệm cung cấp tư vấn, khả năng lãnh đạo kỹ thuật để phục vụ quốc gia, và không chỉ phục vụ cho quốc gia Mỹ mà còn có thể là của thế giới nếu cần. Là một thành viên của Viện mình có trách nhiệm và bổn phận nhiều hơn trong khoa học. Ngoài việc đóng góp cho nền khoa học công nghiệp và giáo dục, mỗi người đều cần cố gắng tạo ảnh hưởng, dùng uy tín của mình để mang đến những thay đổi tích cực cho nền giáo dục, cộng đồng khoa học ở Mỹ và trên thế giới, và cả cuộc sống của người dân.

    Trách nhiệm của tôi là không chỉ làm công việc làm hàng ngày trong trường học ở California như là nghiên cứu, giảng dạy, mà còn có trách nhiệm với cộng đồng khoa học, với thế hệ trẻ trong và ngoài nước, và của cả xã hội. Tôi tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy việc đào tạo và nghiên cứu nhất là về STEM [STEM là một mô hình giáo dục dạy trẻ em kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách tích hợp liên môn], tôi cũng muốn tăng sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhiều hơn để nâng cao sự đa dạng và có một cơ hội bình đẳng. Nói chung bây giờ trong lĩnh vực khoa học, số nam giới vẫn nhiều hơn so với phụ nữ nên tôi cố gắng là trong tương lai sẽ thay đổi để có nhiều phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học hơn.

    Tôi cũng mong muốn cố gắng hỗ trợ các nhà khoa trẻ vì thế hệ trẻ rất là quan trọng, đặc biệt là những những thế hệ trẻ thuộc những nước đang phát triển. Tôi mong muốn đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối với các nhà khoa học nước ngoài trên toàn cầu với nhau, và cả với cộng đồng khoa học Việt Nam.

    Đồng thời tôi sẽ phối hợp sâu hơn với giới kinh doanh, công ty và các nhà hoạch định về chính sách của chính quyền để đề ra và thực hiện những chính sách có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội như giảm chất thải ra môi trường, tái chế chất nhựa, dùng nhựa phân hủy sinh học thay vì dùng nhựa plastic, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo… Đó là những điều trước mắt tôi muốn thực hiện.


    GS.TS Nguyễn Thục Quyên tại một hội thảo khoa học.

    VOA: GS có nói về sự chệnh lệch số lượng nam và nữ làm khoa học. Theo GS, người phụ nữ làm khoa học có những trở ngại, khó khăn gì so với nam giới?

    NTQ: Nữ giới làm khoa học thì khó hơn nam giới rất nhiều. Điều này không chỉ thấy qua phụ nữ làm khoa học ở Mỹ mà bất cứ nước nào khi tôi đi công tác thì cũng đều thấy điểm chung này trên toàn thế giới. Nữ giới làm khoa học rất vất vả vì về nhà họ còn phải chăm lo cho gia đình, làm nội trợ, lo cho chồng…ngoài việc làm nghiên cứu, giảng dạy. Họ thường bị thiếu ngủ, thường xuyên vội vã, không có thời gian cho bạn bè, không có thời giờ lo cho bản, không được gặp bố, mẹ, anh, chị, em…

    Phụ nữ làm khoa học phải làm việc chăm chỉ và tốt hơn rất là nhiều để mà có được sự công nhận giống như là các đồng nghiệp nam; ở nhiều nước, tiền lương của nữ khoa học lại thấp hơn so với nam giới làm chung trong các cấp bậc, trong các nghề nghiệp giống nhau…


    GS.TS Nguyễn Thục Quyên tại lễ trao giải VinFuture 2022.

    VOA: Lúc nảy GS có nói là trong vai trò ở Viện Hàn Lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc Gia Hoa Kỳ, GS khi không chỉ dừng lại ở trong đất nước Hoa Kỳ mà còn giúp những nước đang phát triển khác. Không rõ liệu GS có kế hoạch trợ giúp Việt Nam trong công tác khoa học?

    NTQ: Tôi rất mong muốn được giúp đỡ Việt Nam. Từ hồi ra đi từ năm 1991 đến giờ thì lần đầu tiên tôi về nước - về thăm gia đình thôi – là vào năm 1999. Sau khi trở thành giáo sư đại học thì tôi bắt đầu về nhiều hơn. Lần gần nhất là vào năm 2023 để tham dự lễ trao giải thưởng của Quỹ VinFuture. Năm 2022, tôi về nước, Tôi cùng với Tiến sĩ Phùng Việt Bắc, là nhân viên của quỹ VinFuture, có tới thăm rất nhiều trường đại học ở Việt Nam. Tôi gặp gỡ các sinh viên, những nhà khoa học, những người làm nghiên cứu tại vì tôi muốn tìm hiểu thêm về những cái khó khăn, thử thách nào mà họ phải đối mặt khi mà làm nghiên cứu tại Việt Nam.

    Người Việt mình thì rất khó chịu khó, siêng năng, rất cần cù, thông minh mà nếu có cơ hội thì người ta vươn lên rất thành công. Tôi trò chuyện với mọi giới từ Bắc tới trong Nam. Đó là chuyến đi rất là “mở mắt” cho tôi và tôi đã học hỏi từ mọi người…Tôi thấy rằng điều thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng một sở hạ tầng hiện đại nhất để phục vụ nghiên cứu khoa học khoa học kỹ thuật. Điểm thứ hai, tôi thấy các nghiên cứu sinh ở Việt Nam không nhận được tiền lương, chỉ một số rất ít mới có và cũng rất thấp; họ không được tiền lương như bên Mỹ hay châu Âu, do đó họ phải đi làm việc để kiếm sống, và làm nghiên cứu chỉ là phụ thôi…do vậy họ không tập trung làm nghiên cứu toàn thời gian được. Một điểm nữa, Việt Nam là nước đang phát triển…và các nhà khoa học Việt Nam cần hợp tác nhiều và chặt chẽ với nhau. Ông Bà ta có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

    Việt Nam nên vừa thực hiện nghiên cứu ứng dụng vừa kết hợp nghiên cứu căn bản.

    Việt Nam gửi những người trẻ thông minh giỏi nhất đi du học ở nước ngoài, nhưng người ta học xong và ở lại nước ngoài, vì tại Việt Nam không có cơ sở hạ tầng và nhiều cơ hội để người ta làm việc nghiên cứu.

    Việt Nam cần xây dựng những cơ sở hạ tầng, nếu như không có tiền để xây tại mỗi trường đại học một cái thì nên xây những cơ sở làm nghiên cứu chung như bên Mỹ gọi là phòng nghiên cứu quốc gia (national laboratory). Việt Nam có thể bắt đầu với ba cái trung tâm ở ba miền: Bắc, Trung, Nam. Những cơ sở này không thuộc về ai cả [mà dùng chung] để cho tất cả những người làm nghiên cứu muốn sử dụng những cái máy móc nào đó thì họ có thể viết một cái dự án xin một số giờ, sau đó họ có thể đi vô trong đó làm nghiên cứu. Tôi hy vọng trong tương lai tôi có thể giúp đỡ được những việc đó nếu Việt Nam chịu đầu tư vốn. Mô hình cơ sở hạ tầng này rất thông dụng ở Mỹ và những nước phát triển trên thế giới.


    GS. TS Nguyễn Thục Quyên (thứ hai, từ trái) được sinh ra trong gia đình có bố là cảnh sát đặc biệt, mẹ là giáo viên, nhà có tất cả năm anh em.

    VOA: GS có thể cho biết cơ duyên nào khiến GS dấn thân vào con đường ngành hóa học, đặc biệt là ngành hóa hữu cơ nghiên cứu về quang điện hữu cơ, cũng như là về những vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng?

    NTQ: Con đường đến với khoa học của tôi rất là dài dòng, nó không như những nhà khoa học khác. Khi còn ở Việt Nam tôi yêu thích lịch sử thế giới và văn học. Tôi rất thích thơ, văn chương Việt Nam, thích địa lý nữa nhưng mà khi sang Mỹ lúc đó tôi 21 tuổi, không biết tiếng Anh, chỉ biết vài chữ tiếng Anh thôi, mà theo học văn chương thì phải đọc sách rất nhiều, tra tự điển mệt lắm. Tôi cũng có lấy một số lớp…nhưng sau đó từ từ tôi chuyển sang lớp toán, hóa học, rồi học sinh học, vật lý. Và tôi học những lớp này rất tốt nên thành thử chỉ đi theo con đường hóa học thôi.

    Nói chung, tôi không phải là nhà hóa học truyền thống. Khi nghĩ về nhà hóa học, người ta thường nghĩ đến những người làm ra những vật chất gì đó…Tôi thì được đào tạo trở thành nhà lý hóa, tức là nghiên cứu về tính vật lý, tính hóa học.

    Khi tôi đang làm nghiên cứu để bảo vệ luận án tiến sĩ thì tôi làm nhiều bên căn bản, nhưng tôi lại rất thích bên ứng dụng vì tôi muốn công trình nghiên cứu của mình có tác động nào đó trong cuộc sống hằng ngày. Trong các nghiên cứu của tôi, chất quang học và nhựa liên hợp, tôi muốn ứng dụng những chất này dùng làm pin năng lượng mặt trời, bóng bán dẫn, bộ tách song quang, điện tử sinh học…Tôi muốn có những ứng dụng từ những chất hữu cơ.

    Tôi lớn lên từ ngôi làng nhỏ ở Việt Nam, ở Phước Lâm, Phước Tỉnh, Long Điền cho đến năm lớp 11 thì gia đình tôi chuyển qua Vũng Tàu [tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu]. Khi lớn lên thì ở làng chưa có điện, tôi ước mơ có cách nào đó để giữ được ánh sáng ban ngày để dùng cho ban đêm để học bài. Sở thích năng lượng mặt trời của tôi xuất phát từ đó, nhưng mình không để ý tới. Lớn lên trong sự nghèo khó dẫn đến sự tìm tòi, óc sáng tạo…Ông bà mình nói “Trong cái khó ló cái khôn”. Bản tính tò mò, sáng tạo thúc đẩy tôi đi theo con đường nghiên cứu khoa học, còn động lực theo nghề giáo của tôi xuất phát từ gia đình tôi có bốn thế hệ làm nhà giáo. Ông cố tôi dạy chữ Nho ở trong làng ngoài Bắc, ông ngoại tôi dạy toán, mẹ tôi dạy toán [trường] cấp hai.


    GS. Thục Quyên và các đồng nghiệp nữ.

    VOA: Thưa GS, GS có một cái thông điệp nào đó cho các bạn trẻ mà đang ấp ủ giấc mơ làm khoa học giống như GS không ạ?

    NTQ: Với các bạn trẻ, tôi khuyên các bạn phải nỗ lực theo đuổi những đam mê và ước mơ của mình và hãy cố gắng biến giấc mơ thành sự thật, đừng để cho ai ngăn cản việc theo đuổi ước mơ của mình. Các bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh mình và hãy học hỏi từ những người đã thành công. Những người thành công thường cho mình những lời khuyên rất hữu ích. Những phụ nữ đam mê khoa học nên nói chuyện nhiều với những nhà khoa học khác để có cơ được học hỏi người ta, được trao đổi ý kiến, làm việc chung.

    Về phần tôi thì tôi sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên trẻ, những nhà khoa học trẻ. Tôi có những sinh viên liên lạc với tôi từ Ấn Độ, Mexico, và từ các nước Trung Đông. Họ liên lạc với tôi qua email. Tôi hi vọng trong tương lai tôi có giúp đỡ được nhiều sinh viên trẻ hơn, nhất là các em sinh viên trẻ Việt Nam.

    VOA: Được biết GS cũng có vai trò trong hội đồng sơ khảo giải VinFuture, xin GS chia sẻ một vài thông tin về vai trò này?

    NTQ: Tôi giúp đỡ sáng lập quỹ VinFuture này vì nó có ý nghĩa rất lớn trên thế giới. Đây là cơ hội để góp phần đem lại những tác động tích cực cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Quỹ VinFuture giúp thế giới biết tới Việt Nam. Câu hỏi mà mọi người luôn đặt ra là: hiện nay có quá nhiều giải thưởng, làm sao chúng ta có thể phân biệt được giải thưởng của mình với những giải thưởng khác trên thế giới? Điều quan trọng nhất là chúng ta không cạnh tranh với họ, chúng ta chân thành tạo ra một điều gì đó độc đáo, một điều gì đó khác biệt, một điều gì đó của Việt Nam và là đại diện cho Việt Nam.

    Tôi từng sống trong sự thiếu thốn và nghèo khó, tôi hiểu những người nghèo hoặc người dân lao động quan tâm những điều gì, họ chỉ lo là có đủ cơm ăn trong ngày, có được nước sạch để uống, có quần áo, có điện,…còn những việc như khoa học tối tân như phi thuyền lên sao Hoả, ít ai để ý tới…Vì có nguồn gốc từ Việt Nam, giải thưởng VinFuture vinh danh những trí tuệ xuất chúng, những thành tựu khoa học công nghệ và phát minh tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trên quy mô toàn cầu, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho hàng triệu người ở mọi tầng lớp và ngành nghề.

    VOA: GS có thể cho biết một số thông tin về gia đình, sở thích của GS không ạ?

    NTQ: Tôi sinh ra trong một đình có 5 anh chị em ở Buôn Ma Thuột. Ba tôi là cảnh sát đặc biệt, mẹ tôi là giáo viên dạy toán cấp 2. Khi tôi lớn lên thì chỉ biết ba chơi nhạc trong phòng trà. Tôi không biết ba là cảnh sát đặc biệt cho tới khi tôi học cấp hai.

    Trong chiến tranh nhà tôi bị bỏ bom nên mất tất cả mọi thứ, và sau 1975 khi gia đình đi về Sài Gòn thì ba tôi đi học cải tạo hơn 5 năm [Chương trình giam giữ tập trung tù binh của chính quyền Việt Nam sau 1975 đối với binh lính chế độ Việt Nam Cộng hòa hay những người tham gia phục vụ cho chính quyền này]. Gia đình tôi đi kinh tế mới [chính sách cưỡng bức giãn dân có nguồn gốc Việt Nam Cộng Hòa nhằm được cho là dễ kiểm soát “phần tử chống đối” sau 1975], mua rơm cối xây nhà nhỏ ven sông ở Phước Lâm. Mẹ tôi không được đi dạy học nên cuộc sống rất khó khăn, một thời gian sau nhà nước mới cho đi dạy học.

    Năm tôi 21 tuổi thì gia đình tôi định cư sang Mỹ theo diện HO. Lúc ban đầu gia đình sống ở bang Michigan, sau đó chuyển về Nam California. Tôi đã trải qua nhiều sự nhọc nhằn, bố mẹ làm đủ nghề như là đi may, rửa chén cho nhà hàng, phụ bếp, rồi lại may, rồi mở tiệm nail.

    Tôi đi học adult schools [trường dành cho người trưởng thành] ở Los Angeles, học ba trường/ngày vì quyết tâm học tiếng Anh cho thật lẹ. Vào 1993, tôi học trường đại học cộng đồng Santa Monica. Tôi vừa học vừa làm thêm ở thư viện và giúp mẹ ở tiệm nail nhưng cũng không đủ tiền sinh sống nên tôi mượn thêm tiền của chính phủ (loan).

    Năm 1995 vừa đi làm vừa đi học Đại học California ở Los Angeles. Tôi rửa dụng cụ thí nghiệm cho một phòng nghiên cứu. Thấy họ làm thật thích nên tôi cũng xin làm nghiên cứu nhưng người ta nói tiếng Anh của tôi không giỏi nên họ không cho làm. Tôi xin cả chục phòng thí nghiệm nhưng người ta từ chối hết. Nhưng tôi xem đó là động lực để tôi cố gắng hơn mà thôi. Tôi không bỏ cuộc dễ dàng.

    Sau khi tốt nghiệp năm 1997, tôi nộp đơn học cao học. Xong cao học thì tôi học luôn tiến sỹ và ra trường năm 2001, sau 10 năm đặt chân tới Mỹ với vài chữ tiếng Anh. Sau đó, tôi làm tu nghiệp ở Trường Đại học Columbia ở New York và hợp tác với đồng nghiệp ở IBM.

    Năm 2004, tôi xin về làm việc ở Đại học California ở Santa Barbara (UCSB) và ở đây tôi gặp khó khăn trong sự nghiệp rất nhiều, nhiều lần khóc và muốn bỏ cuộc. Tôi phải đối mặt với sự kỳ thị chủng tộc, bị bắt nạt bởi những đồng nghiệp nam lớn tuổi hơn, và người Mỹ trắng.

    Đằng sau sự thành công này có rất nhiều nước mắt nhưng “có công mài sắc có ngày nên kim”.

    VOA: Xin chân thành cảm ơn GS.TS. Thục Quyên.

    Không có nhận xét nào