Header Ads

  • Breaking News

    Xã hội cố làm mà đảng phá việc dân nước có thu nhập cao ra sao?

    Ts. Phạm Đình Bá

    08/02/2023

    Inconvenience of Income Inequality

    Năm 2021, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người là $3.410 đô la Mỹ. Theo cách phân loại của Ngân hàng Thế giới, VN có thu nhập trung bình thấp, phân loại khoảng từ $1.046 đến $4.095. Tuy thế với bất bình đẳng kinh niên trong xã hội, khoảng 1 trong 5 người mình (20%) vẫn sống nghèo nàn dưới $5,50 đô một ngày ($2.000 một năm). [1] Khát vọng để có thu nhập cao là tiềm tàng trong nhiều người.

    Trên diện quốc gia, VN sẽ phải nâng cấp lên thu nhập trên trung bình ($4.096 đến $12.695), rồi vượt trội hơn để đến thu nhập cao (>$12.695). Để tiện so sánh, Trung Quốc đã ở mức $3.208 thu nhập đầu người vào năm 2001, nâng cấp lên khoảng $11.873 năm 2013, mức nâng cấp trải qua khoảng 12 năm. [1]

    Ngày 18/05/2022, báo Nhân dân có bài tựa đề “Thực thi chính sách hiệu quả để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045”. Báo nầy lý giả rằng VN cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải thiện năng lực của chính phủ trong phối hợp và triển khai những cải cách chính sách kinh tế và đầu tư công. [2] Nhưng có phải chính phủ là động cơ cho chuyển đổi như báo nầy nói?

    Theo bài báo Nhân dân, giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại VN, bà Carolyn Turk đánh giá, GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần sau 3 thập kỷ qua, trong khi thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó kể từ thời kỳ Đổi mới vào cuối thập kỷ 1980. [2] Ngụ ý của bà Turk phải chăng là thể chế chính trị ù lỳ và ngăn chận chuyển đổi?

    Bài nầy lập luận rằng triển vọng đi đến thu nhập cao là dựa vào sức mạnh của xã hội, không phải chính phủ hay giai cấp cầm quyền. Bài nầy xem xét việc thể chế độc tài độc đảng hành xử như là tảng đá rất nặng buộc vào cổ dân khi xã hội đang ráng bơi qua sông để đến bờ với thu nhập cao. Trái với tuyên truyền trong báo lề đảng, bài nầy tìm hiểu xem độc tài độc đảng là giải pháp hay là bế tắc trong chuyển đổi để VN đi từ nước với thu nhập trung bình thấp đến thu nhập cao.

    Lập luận trong bài nầy bắt nguồn từ một bài viết mang tựa là “Làm thế nào để tránh 'bẫy thu nhập trung bình'” bởi tác giả Maximiliano Mendez-Parra trên trang mạng ODI. ODI là một nhóm tư duy (think tank) toàn cầu và độc lập. ODI làm việc để truyền cảm hứng cho mọi người hành động chống lại sự bất công và bất bình đẳng.  

    Theo ODI, hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp đều đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và nhiều quốc gia đã thành công để chuyển đổi từ một nước có thu nhập thấp lên thu nhập trung bình.

    Tuy nhiên, chỉ một số ít nước – đáng chú ý nhất là Hàn Quốc, Đài Loan và Do Thái – đã cố gắng tiếp tục chuyển đổi từ trạng thái thu nhập trung bình lên thu nhập cao. Phần còn lại, như Argentina và Nam Phi, bị mắc kẹt trong 'bẫy thu nhập trung bình'.

    Có bốn lý do chính khiến các nước trở nên bế tắc và bên dưới là ứng dụng của những lý do nầy vào tình cảnh ở VN.

    Bế tắc 1 - Di sản trong sản xuất: Theo ODI, lý do chính của bế tắc thường là giai cấp quyền lực có lợi từ những lĩnh vực sản xuất cố giữ cách sản xuất cũ và ngăn chận những cách sản xuất mới để duy trì quyền lực. Điều này tạo ra các nhóm lợi ích hùng mạnh cố gắng ngăn chặn các cải cách chính sách được thiết kế cho quá trình chuyển đổi. 

    Ví dụ: Trong năm 2022-2023, các nhóm lợi ích lớn trong công nghệ than và nhà máy nhiệt điện than đã áp lực lên nhà nước để bảo tồn quyền lợi nhóm, dẫn đến hàng loạt các vụ truy tố và bắt giam các nhà hoạt động môi trường và đóng cửa các trung tâm hoạt động cho năng lượng sạch. [3] [4] [5] Việc làm nầy của nhà nước làm tăng trưởng bệnh tật trong dân bởi ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện, và về lâu dài, tăng trưởng nghèo đói vì các nước khác tích cực phát triển các công nghệ xanh đột phá trong khi VN dưới áp lực của lợi ích nhóm sẽ vẫn đốt than tràn lan trong cả chục năm nữa. [6]

    Chuyển đổi từ than sang điện sạch trên toàn thế giới vào năm 2040 là rất quan trọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5C. [7] Tăng trưởng năng lượng gió và mặt trời đang đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu khí hậu. Hà Lan, Úc và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đối với các nguồn tái tạo vào năm 2022. 

    Giai cấp quyền lực đã phát triển thủy điện từ hơn 30 năm qua, dẫn đến những chi phí môi trường và xã hội rất đắc giá cho đời sống và tâm tư của người dân trên khắp nước, nhất là dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. [8] 

    Ngược lại, xã hội đang chủ động trong phát triển năng lượng xanh, bất chấp những ngăn chận của giai cấp quyền lực. Lấy ví dụ về nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, người bị giai cấp quyền lực bắt giam gần đây. Bà Khanh đã hỗ trợ nhà nước cho ra đời Quy hoạch điện 7 vào tháng 3/2016. [9] Quy hoạch này giảm đáng kể số nhà máy nhiệt điện than so với kế hoạch trước đây, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21% trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030. Bà Khanh bị bắt dưới áp lực của lợi ích nhóm trong công nghệ than và công nghệ điện than.

    Bế tắc số 1 nầy không chỉ giới hạn trong công nghệ than mà có thể là rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất mà các tập đoàn trong giai cấp quyền lực đang khốn chế. 

    Một ví dụ nữa là vụ việc anh Trần Huỳnh Duy Thức bị tù 16 năm từ năm 2010 khi anh đạt được những tiến bộ đáng kể trong công nghiệp thông tin trong khoảng thời gian từ 1994 đến 2009. Anh Thức cũng có thể bị tù dưới áp lực của lợi ích nhóm quyền lực trong công nghệ viễn thông.

    Những trường hợp tù đày nầy có thể chỉ là chóp đỉnh nhỏ của một tảng đá ngầm rất lớn, mà những trường hợp trấn áp khác không được đưa tin sâu rộng. Nhiều hành động trấn áp lớn nhỏ khác trong thương trường có thể diễn ra thường xuyên nhưng không được tường trình nhiều như những trường hợp điển hình tóm tắt ở trên. Bởi vậy bế tắc số 1 có thể là thông thường và có tác động ngăn cản lớn về chuyển đổi đến thu nhập cao.

    Bế tắc 2 - Chuyển đổi kinh tế cũng tốn kém để duy trì: Theo ODI, các ngành sản xuất mới nổi trong các nước thu nhập thấp có xu hướng bắt đầu với việc vay tiền để tổ chức sản xuất những mặt hàng cho người tiêu thụ trong nước. Những nước có thu nhập thất cũng có xu hướng bắt đầu với những vay mượn để tổ chức sản xuất những sản phẩm trung gian – những sản phẩm được sử dụng để sản xuất một sản phẩm cuối cùng hoặc thành phẩm.

    Nếu những lĩnh vực sản xuất hàng nội địa hay hàng trung gian nầy không nhanh chóng cải tiến sản xuất để có lợi thế cạnh tranh quốc tế để xuất khẩu, hoặc để đáp ứng và phát triển các nguồn cung ngày càng lớn cho hàng hóa tiêu thụ trong nước, thì việc chuyển đổi kinh tế sẽ trở nên rất tốn kém trên tổng thể.

    Ví dụ: Năm 1997, VN xuất khẩu 9.614 ngàn tấn dầu thô, để rồi nhập khẩu 5.958 ngàn tấn sản phẩm dầu tinh luyện, và 2.527 ngàn tấn phân hóa học. [10] Năm 1997, tổng sản lượng quốc nội bình quân đầu người lúc ấy là $353 đô la Mỹ, một nước thu nhập thấp và ngành sản xuất dầu trong nước chưa phát triển khả năng lọc dầu và những sản phẩm hoàn chỉnh từ dầu thô. 

    Trong vài thập kỷ kế tiếp, VN đã sản xuất dầu và đẩy mạnh các hoạt động thăm dò và cho phép các công ty nước ngoài đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. [11] Về phía cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, công nghiệp hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu đã thúc đẩy lượng năng lượng tiêu thụ trong nước. 

    Hiện nay, VN có hai nhà máy lọc dầu đang hoạt động - Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở phía bắc tỉnh Thanh Hóa, do công ty bán buôn dầu mỏ Nhật Bản Idemitsu Kosan vận hành và Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở tỉnh Quảng Ngãi, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vận hành. Tháng 8/2022, tập đoàn nầy đã công bố kế hoạch xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu ở Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư dự kiến ​​lên đến 18,5 tỷ đô la Mỹ. [12] 

    Với ví dụ nầy, ngành dầu khí đã phát triển để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nhưng VN có vẻ như không có triển vọng để dùng công nghệ tân tiến để trở thành một nước xuất cảng những sản phẩm hoàn chỉnh từ dầu thô, như cách Singapore đã làm. Singapore đã triển khai thành công về kỹ thuật hóa học, thiết bị khí thiên nhiên lỏng, thiết bị xử lý dầu khí và kỹ thuật đường ống. Những công nghệ nầy được kỳ vọng sẽ là những triển vọng tốt nhất trong những năm tới. [13]

    Một câu hỏi cốt lõi là ngành dầu khí đã phát triển ra sao nếu trong các thập kỷ qua các doanh nghiệp tư nhân đã được để tự do cạnh tranh với tập đoàn dầu khí quốc doanh. Câu trả lời cho câu hỏi nầy là không chắc chắn, nhưng các vấn đề liên quan đến phản cạnh tranh của các doanh nghiệp độc quyền nhà nước tiếp tục được quan tâm như những trăn trở đương thời. [14]

    Một ví dụ thành công từ xã hội để vượt qua bế tắc 2 là ngành cà phê. Những gì đang diễn ra tại Sài Gòn là một sự phục hưng về cà phê mà sự sống lại nầy có thể giúp định hình cách uống cà phê trên thế giới. [15] 

    VN là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới sau Ba Tây. Cà phê VN thường xuyên thức tỉnh nhiều người ở VN và trên thế giới. Nó đóng góp cho văn hóa bằng nhiều cách – những gói nhỏ xinh xắn, cà phê phin và tiệm cà phê là nơi làm việc thư giản. [15]

    Trong vài năm qua, tầm vóc cà phê của VN đã phát triển lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước cũng như phát triển nhanh chóng ra nước ngoài. Sự nổi lên của những cái tên như Nguyen Coffee Supply ở New York, cũng như các quán cà phê mang màu sắc VN nổi tiếng trên khắp châu Âu và Mỹ, đã nhanh chóng mở ra một đánh giá lại về giá trị của VN, cả về cà phê phong phú cũng như văn hóa cà phê. Đây là sức mạnh mềm gắn liền với văn hóa và cách sống đẹp. [15]

    Công nghệ cà phê là lĩnh vực sản xuất và sản phẩm chủ yếu do doanh nghiệp tư nhân điều hành. Lĩnh vực này đã vượt qua được những trở ngại trong bế tắc số 2 về phát triển thu nhập cao, bao gồm phát triển thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu. 

    Không giống như ba lĩnh vực sản xuất khác như nhiệt điện, dầu khí và viễn thông đều do doanh nghiệp nhà nước điều hành, lĩnh vực sản xuất và thương mại cà phê là một ví dụ điển hình ở chỗ nó được điều hành bởi doanh nghiệp tư nhân. Sự tương phản ở đây cho thấy rằng nếu để thị trường và công nghệ ở VN được hoạt động tự do, VN sẽ phát triển hơn nhiều để hướng tới một quốc gia có thu nhập cao, không khác gì Đài Loan hay Hàn Quốc. 

    Bế tắc 3- Thiếu tri thức và đổi mới: ODI cho rằng nhiều quốc gia đạt được vị thế thu nhập trung bình nhờ sử dụng các chính sách trợ cấp công nghiệp để thúc đẩy hoạt động và cải thiện một số lĩnh vực sản xuất, thường là thông qua tiền trợ cấp, bảo hiểm, cho vay lãi suất thấp hoặc giảm thuế. Tuy vậy, những nước nầy không phân bổ đủ tài nguyên và nỗ lực để tạo ra các chính sách thúc đẩy tri thức và đổi mới.

    Ví dụ: Chủ nghĩa cộng sản từ 175 năm trước vẫn là kim chỉ nam cho giai cấp quyền lực hiện nay; đây là bằng chứng đáng lo ngại về thiếu tri thức và thiếu đổi mới. 

    Để áp đặt chủ nghĩa cộng sản vào xã hội, giai cấp quyền lực chi khoảng 4 tỉ đô la Mỹ mỗi năm để duy trì một lượng công an rất lớn (15 công an để trấn áp mỗi 1000 dân) và dùng các quy định mơ hồ của các điều 109, 117 và 331 của bộ luật hình sự để truy tố và giam cầm bất đồng chính kiến. [16] [17] 

    Ngược lại, xã hội đã liên tục phải dành một lượng năng lượng rất lớn để điều hướng các hoạt động xã hội để tránh khỏi sự áp bức của độc tài độc đảng toàn trị. Lượng năng lượng nầy đáng lý ra phải dành để xã hội làm việc cho chuyển đổi lên thu nhập cao.  

    Nhà nước VN mở rộng cửa để bán lao động làm gia công cho các công ty nước ngoài có chi nhánh sản xuất ở VN. Năm 2022, VN xuất khẩu các mặt hàng gia công cho nước ngoài, các mặt hàng chính là điện thoại, điện thoại di động và linh kiện (21% tổng tiền xuất khẩu); hàng dệt may (12%); máy tính và sản phẩm điện tử (12 phần trăm); giày dép (7%); và máy móc, dụng cụ và phụ kiện (6%). 

    Mặt khác, nhà nước không bảo vệ quyền lợi tối thiểu của công nhân làm cho các hãng nước ngoài. Để thu hút đầu tư, nhà nước chèn ép lương tối thiểu mà doanh nghiệp nước ngoài trả cho công nhân. Mức lương tối thiểu ở VN thấp hơn mức lương tối thiểu ở Nam Dương hay Mã Lai, và các nước khác trong khu vực. [18] 

    Cách làm nầy của nhà nước thường xuyên dẫn đến những cuộc đình công đột biến khi người lao động đột nhiên từ chối làm việc để đòi tăng lương và cải thiện các loại phụ cấp cho đủ sống. [18] Quan hệ lao động với các hãng nước ngoài sẽ cải thiện nếu thể chế mới thực sự lo lắng cho đời sống công nhân và sòng phẳng trong cách thể chế mới thương thảo với chủ nhân nước ngoài. 

    Nền kinh tế VN hiện nay một phần phụ thuộc vào kiều hối. Kiều hối là lượng tiền tệ phân tán thông qua cá nhân sống ở nước ngoài phụ giúp người bên nhà. Ví dụ, kiều hối chuyển về Sài gòn đạt hơn $6,6 tỷ đô la Mỹ năm 2022, tương đương 33% thu ngân sách của thành phố. [19] Kiều hối chuyển về nước là $19 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 5% ngân sách cả nước. Điều nầy gợi ý là khi có chuyển đổi thể chế, sẽ có nhiều nguồn đầu tư tích cực hơn nữa từ người Việt sống ở nước ngoài vào công nghiệp trong nước, không chỉ qua kiều hối mà thôi.

    Báo nhà nước huyên hoang rằng trong năm 2022, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch. Đây cũng là số lượng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. [20] Nguồn nhân lực nầy lý ra phải được giáo dục đầy đủ, tạo dựng cơ hội để họ làm việc gần gia đình và đóng góp cho xã hội, nếu họ muốn, thay vì phải tha phương cầu thực như là nguồn kiều hối cho nhà nước đương thời.

    Đảng đã bỏ bê giáo dục đại học và việc đào tạo hàng hàng thế hệ thanh niên từ hơn 12 năm qua. [21] VN là một nước với một trong những mức chi tiêu công thấp nhất tính theo tổng sản phẩm quốc nội, và là một trong những nước với mức chi tiêu đại học phụ thuộc vào học phí cao nhất. [22] So với các nước khác, VN rõ ràng là một ngoại lệ. VN chi 0,33% tổng sản phẩm quốc nội cho đại học, so với 0,57% Nam Dương, 0,64% Thái, 0,87% Trung Quốc, 1% Hàn Quốc, 1% Singapore, và 1,13% Mã Lai. [22]

    Hệ thống giáo dục đại học của VN chưa sẵn sàng tận dụng tiềm năng to lớn này của những người trẻ mới tốt nghiệp phổ thông. Nhưng xã hội coi trọng việc học. Thường thì cha mẹ khuyến khích con cái học mọi thứ có thể ở trường. Một số phụ huynh trả tiền học thêm cho con em, nếu có khả năng. Họ muốn con mình thành công. Trẻ em nước mình đã và đang nổi tiếng về thành tích hiếu học và học giỏi. 

    VN xếp thứ 48 trong số 157 quốc gia về “Chỉ số vốn con người” của Ngân hàng Thế giới, kết quả tốt nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình. [4] Đây là thành quả của cha mẹ các học sinh, bất chấp những chính sách giáo dục rối loạn từ đảng và nhà nước. Thực vậy, VN đặc biệt mạnh về khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục phổ thông. Số năm đi học trung bình của VN, đã điều chỉnh cho việc học, là 10,2 năm, chỉ đứng sau Singapore trong số các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. 

    Nếu có chuyển đổi thể chế, xã hội có cơ hội rất tốt để tạo dựng chính sách tự trị đại học và để tự do cho sinh viên nước mình bắt kịp nhịp phát triển rồi vượt trội sinh viên các nước lân cận. Kinh nghiệm sinh viện VN thành công trong đại học và hậu đại học là đầy dẫy ở những nơi người Việt đến định cự. 

    Một ví dụ về sáng tạo của người Việt hải ngoại là nhóm CFGNY. Tin Nguyen và Daniel Chew gặp nhau lần đầu tiên giữa bối cảnh nghệ thuật của New York vào đầu những năm 2010; Nguyen đến thành phố để học hội họa và điêu khắc, Chew học điện ảnh tại đại học New York. Một nhãn hiệu thời trang và nghệ thuật, kết hợp hai thế giới cùng một lúc, nhóm CFGNY bắt đầu vào năm 2016 như một cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Nguyen và Chew về sự giao thoa giữa thời trang, chủng tộc, bản sắc và tình dục. [23]

    Bế tắc 4- Thể chế không tương xứng với thu nhập cao: ODI cho rằng các thể chế không phải lúc nào cũng phát triển cùng tốc độ với các nền kinh tế ngày càng phức tạp. Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình phải đối mặt với những thách thức tham nhũng và sự yếu kém của bộ máy nhà nước quan liêu.

    Ví dụ: Một cuộc khảo sát năm 2018 của Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ trong khu vực ASEAN về triển vọng thương mại và đầu tư cho thấy những lĩnh vực cần quan tâm sau đây ở VN: tham nhũng, pháp luật và các quy định, hệ thống pháp luật và sự tôn trọng các hợp đồng, cơ cấu thuế và cơ sở hạ tầng. [24] 

    Cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng yếu tố bất thuận lợi cho đầu tư là các chính sách và thông lệ ưu đãi của nhà nước nhằm bảo vệ các công ty địa phương chống lại sự cạnh tranh từ các công ty nước ngoài, trong bối cảnh của các hành vi trục lợi phổ biến và sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền còn yếu. [24]

    Trên diện khác, VN đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố chuỗi cung ứng đa dạng và an toàn cho các nước muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Với vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ và am hiểu công nghệ, cách tiếp cận chào đón đầu tư nước ngoài và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do rộng lớn, VN đã trở thành điểm đến hàng đầu của ngành sản xuất toàn cầu. [24]

    Tuy vậy, những di sản thể chế, bao gồm khu vực sở hữu nhà nước vẫn còn lớn, thể chế thị trường chưa hoàn thiện và môi trường đầu tư cồng kềnh tiếp tục cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân VN. Với việc nhà nước vẫn tham gia vào các hoạt động sản xuất và phân bổ nguồn lực, vẫn còn rất nhiều câu hỏi về bình đẳng trong thương trường, sự điều tiết thị trường độc lập và khuôn khổ cạnh tranh hiệu quả. Nếu không được giải quyết, những điểm yếu thể chế này có thể trở thành lực cản đối với tăng trưởng trong tương lai. [25]

    Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 800.000 doanh nghiệp của VN, chỉ có khoảng 17.000 doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn và 21.000 doanh nghiệp quy mô vừa. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 45% tổng sản lượng quốc nội, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu người làm. [26]

    Các tỉnh nơi công nhân của các hãng tư nhân tăng nhiều hơn có tỷ lệ giảm nghèo nhiều hơn. Các doanh nghiệp đa quốc gia có thể là tác nhân chính đằng sau kết quả nầy, trong khi đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong nước cho kết quả như thế có vẻ hạn chế. [27] 

    Con đường của VN hướng tới một nền kinh tế tự do hơn, thân thiện với thị trường hơn đã không tiến triển theo một đường thẳng. Nó đã chao đảo về phía trước, với những kế hoạch lớn chỉ được thực hiện một phần. Nhưng điểm mấu chốt là cơ cấu nền kinh tế đang dần chuyển dịch khỏi sở hữu nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực cạnh tranh thực sự như dệt may và bán lẻ. [28]

    Đầu tư nước ngoài và xuất khẩu ổn định, dài hạn đang mang lại thặng dư tài khoản lớn và tạo việc làm, đồng thời là một phần quan trọng trong thành công của VN cho đến nay. Nhưng hoạt động mạnh mẽ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước – và tùy vào mức quyết tâm của nhà nước dành chỗ cho họ, ngay cả khi tạm dừng – là một yếu tố khác có lẽ không được chú ý nhiều như lẽ ra. Cuối cùng, chính sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau này đã mang lại cho VN một số linh hoạt kinh tế hơn trong tương lai. [28]

    Thảo luận

    Để vượt qua bế tắc về di sản cũ, xã hội VN đang làm việc linh hoạt dưới áp lực của giai cấp quyền lực để dần dần chuyển đổi cán cân giữa cố gắng để giữ cái cũ và triển khai nền tảng cho VN có thu nhập cao. Tuy bế tắc đầu là về công nghệ, sản xuất, thương mại, kinh tế và nhiều khía cạnh không chính trị khác, nhưng mấu chốt của bế tắc nầy lại là thể chế độc tài độc đảng toàn trị bị chi phối bởi giai cấp quyền lực. 

    Giai cấp quyền lực là bế tắc lớn nhất cho chuyển đổi để xã hội có thu nhập cao. Trái với tuyên truyền đầy rẫy trong báo chính thống hàng ngày, xã hội là động cơ đang vận hành để chuyển đổi và gia tăng thu nhập của người dân. Hành trình chuyển đổi với sự hiện diện của giai cấp quyền lực là rất dài (ví dụ như 25 năm), với kết quả không chắc chắn là VN có thể vượt đến thu nhập cao một cách thành công. 

    Độc tài độc đảng là tảng đá rất nặng buộc vào cổ dân khi xã hội đang ráng bơi qua sông để đến bờ với thu nhập cao.

    Nguồn:

    1. World Bank. New World Bank country classifications by income level: 2021-2022. 01/07/2021; Available from: https://blogs.worldbank.org/opendata/new-world-bank-country-classifications-income-level-2021-2022.

    2. Nhân dân. Thực thi chính sách hiệu quả để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. 18/05/2022; Available from: https://nhandan.vn/thuc-thi-chinh-sach-hieu-qua-de-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-thu-nhap-cao-vao-nam-2045-post697745.html.

    3. VOV. Giám đốc Trung tâm LPSD Đặng Đình Bách bị tuyên y án sơ thẩm 5 năm tù. 11/08/2022; Available from: https://vov.vn/phap-luat/giam-doc-trung-tam-lpsd-dang-dinh-bach-bi-tuyen-y-an-so-tham-5-nam-tu-post962722.vov.

    4. Lao động. Bị cáo Mai Phan Lợi được giảm án tội "Trốn thuế" 11/08/2022; Available from: https://laodong.vn/phap-luat/bi-cao-mai-phan-loi-duoc-giam-an-toi-tron-thue-1079738.ldo.

    5. VOV. Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh được giảm 3 tháng tù liên quan tội trốn thuế. 21/11/2022; Available from: https://vov.vn/phap-luat/giam-doc-greenid-nguy-thi-khanh-duoc-giam-3-thang-tu-lien-quan-toi-tron-thue-post985425.vov.

    6. Phạm Đình Bá. VNTB - Trấn áp hoạt động môi trường để tăng trưởng giả dối, bệnh tật và nghèo đói. 03/02/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-tran-ap-hoat-dong-moi-truong-de-tang-truong-gia-doi-benh-tat-va-ngheo-doi/.

    7. Ember. Why Coal to Clean?  ; Available from: https://ember-climate.org/about/why-coal-to-clean/.

    8. Nhung Nguyen – Bình Yên Đông lược dịch. Thay đổi khí hậu và đập buộc cư dân lớn tuổi rời đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. 24/10/2022; Available from: https://mekong-cuulong.blogspot.com/2022/11/thay-oi-khi-hau-va-ap-buoc-cu-dan-lon.html.

    9. The Goldman Environmental Prize. 2018 Goldman Prize Winner - Khanh Nguy Thi. 2018; Available from: https://www.goldmanprize.org/recipient/khanh-nguy-thi/.

    10. Japan International Cooperation Agency. Vietnam National Transport Strategy Study (VITRANSS). 1998; Available from: https://openjicareport.jica.go.jp/pdf/11596756_03.pdf.

    11. Energy Global News. A brief history of the oil and gas in Vietnam. 20/10/2019; Available from: http://www.energyglobalnews.com/a-brief-history-of-the-oil-and-gas-in-vietnam/.

    12. Nikkei Asia. PetroVietnam plans to build oil refinery complex for $18.5 billion. 19/08/2022; Available from: https://asia.nikkei.com/Business/Materials/PetroVietnam-plans-to-build-oil-refinery-complex-for-18.5-billion.

    13. Official Website of the International Trade Administration (US). Singapore - Oil & Gas. 2021; Available from: https://www.trade.gov/energy-resource-guide-singapore-oil-and-gas.

    14. Long, T.T., Anti-Competitive Behaviour of State Monopolies from the Economics Approach with Reference to Vietnam’s State Monopolies. Asian journal of law and economics, 2019. 10(1).

    15. Asia, N. Tasting the future of coffee in Vietnam. February 19, 2022 Available from: https://asia.nikkei.com/Life-Arts/Life/Tasting-the-future-of-coffee-in-Vietnam.

    16. Tiếng Dân. Kiến nghị 117: Yêu cầu hủy bỏ 3 điều của Bộ luật Hình sự 2015. 01/01/2022; Available from: https://baotiengdan.com/2022/01/01/kien-nghi-117-yeu-cau-huy-bo-3-dieu-cua-bo-luat-hinh-su-2015/.

    17. VNTB. Công an và chính trị trấn áp từ giai cấp quyền lực. 30/01/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-cong-an-va-chinh-tri-tran-ap-tu-giai-cap-quyen-luc/.

    18. Phạm Đình Bá. Hoan hô bạn đình công vì mức lương tối thiểu quá thấp. 15/02/2022; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-hoan-ho-ban-dinh-cong-vi-muc-luong-toi-thieu-qua-thap/.

    19. BBC. Kiều hối ‘vẫn là nguồn lực quan trọng’ cho Việt Nam. 24/01/2023; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-64389446.

    20. Báo Điện tử Chính phủ. Xuất khẩu lao động phục hồi mạnh mẽ, đưa hơn 142.000 người đi làm việc. 06/01/2023; Available from: https://baochinhphu.vn/xuat-khau-lao-dong-phuc-hoi-manh-me-dua-hon-142000-nguoi-di-lam-viec-102230106165036477.htm.

    21. Phạm Đình Bá. VNTB – Đảng đã bỏ bê đại học, thế hệ trẻ và tương lai dân tộc từ bao lâu? 21/01/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-dang-da-bo-be-dai-hoc-the-he-tre-va-tuong-lai-dan-toc-tu-bao-lau/.

    22. Parajuli, D., et al., Improving the performance of higher education in Vietnam: Strategic priorities and policy options. 2020.

    23. AnOther, CFGNY: The Art-Fashion Duo Creating Community With Clothes. 15/10/2019.

    24. Official Website of the International Trade Administration (US). Vietnam - Country Commercial Guide. 15/12/2022; Available from: https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-market-challenges.

    25. Sebastian Eckardt and Vu Viet Ngoan, How can Vietnam avoid the middle-income trap? 16/05/2019.

    26. Ministry of Planning and Investment. Roundtables: Small and Medium Enterprises and the EVFTA. 26/03/2021; Available from: https://www.mpi.gov.vn/en/Pages/tinbai.aspx?idTin=49802&idcm=133.

    27. Jaax, A., Private sector development and provincial patterns of poverty: Evidence from Vietnam. World Development, 2020. 127: p. 104747.

    28. James Guild. A Dream Deferred? The ‘Equitization’ of Vietnam’s State-Owned Enterprises. 11/02/2011; Available from: https://thediplomat.com/2021/02/a-dream-deferred-the-equitization-of-vietnams-state-owned-enterprises/.


    Không có nhận xét nào