Hồng Dân/VNTB
22/02/2023
Nếu như không quản lý được đội tàu và tàu còn vi phạm vùng biển nước ngoài thì EC không gỡ thẻ vàng
“Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” (sau đây gọi tắt là khai thác IUU) được chính phủ Việt Nam đặt ra mốc hoàn thành là tháng 5-2023.
Theo đó từ trung tuần tháng 2-2023 đến hết tháng 5-2023 phải hoàn thành cho được các đầu việc cụ thể như sau về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: Rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định;
Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý;
Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn /trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá;
Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS;
Khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh.
Trao đổi với giới truyền thông về việc chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 vào tháng tư tới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết kế hoạch triển khai 180 ngày kể trên là các yêu cầu trước khi EC vào thanh tra lần thứ tư.
Qua ba lần thanh tra, EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng, có chuyển biến tích cực, tuy nhiên để gỡ thẻ vàng thì chưa đạt những yêu cầu mà EC đề ra.
Theo ông Tiến, trong 4 yêu cầu của EC thì việc quản lý, giám sát đội tàu là bài toán lớn nhất.
“Mặc dù chúng ta đã lắp 95% thiết bị nhưng số còn lại là những tàu nguy cơ cao và số lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Từ đầu năm đến nay, cả nước vẫn có 6 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ yếu vùng biển của Malaysia, trong đó Bình Định 3 tàu, Khánh Hòa 1 tàu và Bình Thuận 2 tàu.
Nếu như không quản lý được đội tàu và tàu còn vi phạm vùng biển nước ngoài thì EC không gỡ thẻ vàng. Đây là vấn đề mấu chốt mà chúng ta phải giải quyết trong thời gian tới” – ông Tiến nói.
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Năm 2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định IUU. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.
Bình luận về kế hoạch triển khai 180 ngày, hành động trước khi EC vào thanh tra lần thứ tư, ông Nguyễn Quang Hùng – Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhìn nhận đang cần đến việc, “thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU.
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC”.
Như vậy xét cho đến tận cùng, một lần nữa cho thấy đây thuộc về trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không có nhận xét nào