Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,
Năm 2022, mức thâm hụt thương mại Việt Nam với Mỹ là 116 tỷ USD, trong đó các mặt hàng điện tử, quần áo và giày dép chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong nền thương mại song phương
Các công ty xuất khẩu tại Việt Nam đang tìm cách tuân thủ một lệnh cấm nhập khẩu vật liệu thô từ tỉnh Tân Cương (Trung Quốc) do Mỹ áp đặt, theo Reuters.
Các mặt hàng như quần áo, tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam đang bị Washington giám sát chặt chẽ. Đại diện Phòng Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai có chuyến đi đến Việt Nam trong tuần này.
Các lãnh đạo điều hành, và một số người nắm vấn đề cho biết một số ngành công nghiệp tại Việt Nam có lẽ đang nhập khẩu, đôi khi không biết là đang nhập vật liệu thô từ Tân Cương - hoặc có thể thấy việc đưa ra bằng chứng không nhập khẩu vật liệu từ Tân Cương là không hề dễ dàng.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội không đưa ra bình luận và vấn đề này không thuộc danh sách các chủ đề chính thức mà bà Katherine Tai dự kiến thảo luận với chính phủ Việt Nam, theo tuyên bố từ truyền thông.
Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Uyghur (Uyghur Forced Labor Prevention Act) của Mỹ đã có hiệu lực hồi tháng 6/2022, đã khiến hơn 1.500 chuyến hàng đến Mỹ từ khắp nơi trên thế giới bị ngưng lại, với trị giá khoảng 500 triệu USD, theo dữ liệu từ Hải quan Mỹ.
Washington đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành diệt chủng nhằm vào người Uyghur bản địa và người Hồi giáo ở Tân Cương, dồn họ vào những trại tập trung.
Bắc Kinh đã bác bỏ có vi phạm tại Tân Cương, nhưng cho biết đã thiết lập "những trung tâm đào tạo việc làm" nhằm kiểm soát chủ nghĩa khủng bố, ly khai và cực đoan tôn giáo.
Năm 2022, thâm hụt thương mại Việt Nam với Mỹ là 116 tỷ USD, trong đó các mặt hàng điện tử, quần áo và giày dép chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong nền thương mại song phương.
Lĩnh vực tấm pin năng lượng mặt trời có thể đặc biệt chịu rủi ro, khi phụ thuộc rất nhiều vào polysilicon đối với các tế bào quang điện, vốn có nền sản xuất toàn cầu tập trung tại Tân Cương.
Nguồn hình ảnh, Getty Images/ Chụp lại hình ảnh,
Các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hàng đầu ở Việt Nam hầu hết là các công ty Trung Quốc, theo công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira
Cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam chiếm khoảng 80% số lượng tấm pin năng lượng mặt trời cung cấp cho Mỹ, và giá trị xuất khẩu năm 2020 sang Mỹ là 3,4 tỷ USD.
"Đây là mối lo ngại lớn liệu silicon này có nguồn gốc từ khu vực đang bị quan ngại," Kheng Joo Ung, Giám đốc Điều hành công ty First Solar Inc ở Việt Nam cho biết, đây cũng là một nhà xuất khẩu hàng đầu tấm pin năng lượng mặt trời sang Mỹ.
First Solar không sử dụng polysilicon trong các tấm pin của mình, nhưng các công ty cạnh tranh thì có, ông cho biết, không nêu tên bất kỳ công ty nào. Ông Ung nói một số lượng polysilicon được sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh First Solar, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hàng đầu ở Việt Nam hầu hết là các công ty Trung Quốc, theo công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira.
Hiện có thêm các nhà cung cấp Trung Quốc về phụ tùng và dịch vụ hỗ trợ, như khuôn nhựa, đúc khuôn có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam để cung cấp cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời tại đó, hai chuyên gia trong lĩnh vực này nói với Reuters, và từ chối được nêu tên vì tính chất bảo mật của thông tin.
Cho đến nay không có bằng chứng nào được công bố về việc polysilicon của Tân Cương được sử dụng tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam không phản hồi ngay lập tức trước yêu cầu bình luận từ Reuters.
Một chuyên gia thương mại thứ ba, người đã tham dự các cuộc họp nội bộ với giới chức hải quan của Mỹ trong tuần rồi nói với Reuters là Việt Nam gần đây thường xuyên bị đề cập nằm trong số các nước chịu rủi ro cao bị xung đột với các lệnh hạn chế thương mại từ Mỹ. Chuyên gia này cũng từ chối được nêu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.
Giới chức Mỹ cũng nêu các nỗ lực mang tính tích cực của Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định mới và một số người cho rằng điều này chỉ là vấn đề tạm thời.
Thậm chí các công ty tuân thủ chặt chẽ các quy định cũng đối mặt với rủi ro.
Đối với các công ty nhỏ hơn, thì việc cung cấp giấy tờ cần thiết có thể không dễ dàng bởi vì chi phí thẩm định cao và chuỗi cung ứng rộng lớn, một nhà điều hành công ty có trụ sở tại Việt Nam nói với Reuters, và lưu ý thêm rằng lĩnh vực dệt may cũng lo lắng bởi vì Tân Cương cũng là nơi cung cấp nguồn bông vải lớn. Người này cũng muốn giấu tên vì không được phép trả lời truyền thông.
Không có nhận xét nào