Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam - Giáo dục ‘đọc-chép, học vẹt’ ở Việt Nam gặp thách thức thay đổi vì ChatGPT, AI



    Hãng OpenAI tung ra ChatGPT hôm 30/11/2022.

    Các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), mới nhất là ứng dụng ChatGPT, đặt ra thách thức to lớn phải thay đổi đối với nền giáo dục Việt Nam, vốn bị xem là nặng về đọc-chép, văn mẫu, học vẹt…, nhiều người trong công chúng Việt Nam đưa ra nhận định khi thảo luận trên mạng trong vài tuần nay.

    Đó cũng là quan điểm của giáo sư người Mỹ gốc Việt Trương Nguyện Thành khi ông trả lời phỏng vấn của VOA, trong khi phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng các nhà quản lý giáo dục Việt Nam sẽ khó có nhiều thay đổi ngay lập tức.

    ChatGPT được hãng Mỹ OpenAI đưa ra cho công chúng sử dụng thử nghiệm từ hồi cuối tháng 11/2022 và nhanh chóng gây chú ý về khả năng trả lời các câu hỏi về nhiều lĩnh vực kiến thức, dù vẫn còn một số khuyết điểm về tính chính xác.

    Một số báo Mỹ cảnh báo sẽ có những công việc bị ChatGPT thay thế như lập trình máy tính, soạn email cơ bản, nghề viết lách ở cấp trung, lập kế hoạch và mua quảng cáo-quảng bá trên truyền thông, một số nghề liên quan đến pháp lý.

    Dư luận Việt Nam cũng trầm trồ, thán phục ChatGPT trong những tuần gần đây, đồng thời tỏ ý lo lắng về viễn cảnh công cụ AI mới này có thể làm nguồn nhân lực Việt Nam trở nên kém cạnh tranh khi nền giáo dục của đất nước vẫn chủ yếu đi theo lối mòn đọc-chép, học vẹt.

    Giáo sư Trương Nguyện Thành, đã nghỉ hưu từ Đại học Utah, Mỹ, và hiện đang theo đuổi một số dự án giáo dục ở Việt Nam, nhận xét:

    “Giáo dục Việt Nam chưa thay đổi nhiều trong mấy chục năm qua. Thày cô có dùng công nghệ trong giảng dạy. Tuy nhiên, về đánh giá năng lực học tập vẫn chưa thay đổi nhiều, vẫn yêu cầu sinh viên nhớ kiến thức và biết sử dụng kiến thức đó, tức là phải học thuộc lòng và nhớ đấy”.

    Đọc-chép, học vẹt đã giảm ở VN 10 năm nay?

    Nữ phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học kỳ cựu trong ngành kinh doanh quốc tế ở Hà Nội, có cái nhìn khác. Bà cho rằng quan niệm về đọc-chép, học vẹt ở Việt Nam không còn đúng trong 10 năm trở lại đây, ít nhất trong ngành kinh doanh và tại những trường bà Ánh giảng dạy, được bà mô tả là những trường tiên tiến ở Việt Nam.

    Bà cho biết đó là nhờ sách vở giờ đây phong phú, các trường tổ chức cho sinh viên đi thực tế, giao cho họ làm đồ án kinh doanh, thi hùng biện, v.v… Mặc dù vậy, bà vẫn chỉ ra một vấn đề:

    “Cái mà người Việt thiếu - như một người lao động, đi làm - là tính sáng tạo bị hạn chế. Bởi vì ở Việt Nam quá chú trọng thực hành. Nó liên quan nhiều đến văn hóa”.


    Ảnh minh họa: Học sinh trong một lớp học ở Việt Nam

    Theo lời nữ phó giáo sư-tiến sĩ, văn hóa của Việt Nam thích tập thể trong khi những người có tính sáng tạo thường có tính cá nhân, hay bị tập thể ghét bỏ, nên người có tính sáng tạo khó được khuyến khích. Bên cạnh đó, vẫn lời bà Ánh, có vấn đề về bản quyền không được bảo vệ đúng mức ở Việt Nam nên họ không muốn sáng tạo.

    Những vấn đề này không liên quan đến AI hay ChatGPT, dưới con mắt của phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh.

    Bà thậm chí nhận định rằng ảnh hưởng của các công cụ kiểu đó tới Việt Nam sẽ không nhiều, trước hết là do có ít người sử dụng tiếng Anh thành thạo ở trong nước:

    “Bởi vì rào cản ngôn ngữ, số người làm được điều đó không nhiều. Đa số, chắc là đến 90% các cơ sở giáo dục Việt Nam đều dùng tiếng Việt, đằng nào cũng phải nộp bài bằng tiếng Việt. Nếu bây giờ chúng ta đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, app trả lời bằng tiếng Anh, rồi chúng ta lại dịch ra tiếng Việt thì quá phiền. Tôi nghĩ sẽ không áp dụng dễ dàng”.

    Thêm vào đó, từ kinh nghiệm của mình, bà Ánh lưu ý rằng trong hệ thống giáo dục Việt Nam, điểm nói được tính thành tích cao hơn điểm viết, còn bài viết phải làm trên lớp, có giáo viên coi thi, nên ChatGPT không giải quyết gì được. Bà nói thêm:

    “Nó chỉ tốt cho những người viết luận. Nhưng thực tế ở Việt Nam, tất cả các cấp đều không chú trọng đến viết luận. ‘Academic writing’ ở Việt Nam trong hệ thống giáo dục công tôi có thể đảm bảo nó là zero”.

    Đó là chưa kể đến việc người sinh sống ở Việt Nam chưa được chính thức lập tài khoản để sử dụng ChatGPT, bà Ánh nói.

    Tình hình như vậy được bà Ánh gọi là sự “lạc hậu và đóng cửa” của giáo dục Việt Nam, với thực trạng là nền giáo dục của đất nước có lẽ đi sau nước láng giềng Trung Quốc 20 năm.

    Nhưng theo bà, đó cũng là “may mắn” để giáo dục Việt Nam chưa bị ChatGPT ảnh hưởng nhiều, tương tự như một nền kinh tế đóng cửa ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng hơn nền kinh tế phát triển và mở cửa.

    Về tác động đến các lãnh đạo ngành giáo dục, nữ phó giáo sư-tiến sĩ nói:

    “Với những gì tôi hiểu từ các nhà quản lý giáo dục Việt Nam, tôi thấy mọi người cũng không muốn thay đổi tình trạng đấy, vì nó đòi hỏi sự thay đổi quá nhiều trong hệ thống quản lý mà người ta chưa sẵn sàng để làm”.

    Ở cấp độ các trường, bà Ánh dự báo:

    “Với những trường muốn có năng lực cạnh tranh, chẳng hạn các trường tham gia vào hệ thống quốc tế thì tôi tin đây là cú hích để mọi người phải thay đổi. Còn những trường nằm ngoài hệ thống buộc phải cạnh tranh, buộc phải liên thông với giáo dục quốc tế thì người ta cứ tiếp tục đi theo con đường của người ta thôi”.


    Sinh viên Việt Nam học tiếng Anh.

    ‘Sóng thần’ tạo thay đổi

    Về phần giáo sư Trương Nguyện Thành, từng giữ cương vị phó hiệu trưởng lần lượt tại hai trường đại học Hoa Sen và Văn Lang ở thành phố Hồ Chí Minh, ông gọi tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là “cơn sóng thần AI” và tiên liệu rằng nó sẽ ập tới Việt Nam.

    “Dù nền giáo dục của đất nước có sẵn sàng hay không, họ vẫn phải giải quyết các vấn đề mà sự hiện diện của nó tạo ra”, giáo sư Thành nói với VOA. Thậm chí tới cả lãnh đạo chính phủ cũng phải thay đổi, vẫn lời của giáo sư:

    “Nếu họ không thay đổi, họ sẽ không có khả năng đánh giá và quản lý giáo dục được. Vấn đề rất đơn giản, trí tuệ nhân tạo sẽ len lỏi vào tất cả các vấn đề của cuộc sống. Cơn sóng thần khi nó ập tới thì mọi người đều phải giải quyết”.

    Để củng cố cho lập luận của mình, giáo sư Thành đưa ra viễn cảnh các sinh viên sử dụng ứng dụng AI hoặc ChatGPT đều sẽ “giỏi”, “có điểm cao” cả - đây là vi phạm về liêm chính học thuật - để phát hiện cũng như quản lý được, giới chức ngành giáo dục phải thích ứng, thay đổi.

    Ông Thành cho rằng Việt Nam đang bị đặt trước hai sự lựa chọn, một là đưa ra giải pháp hay triết lý về thay đổi giáo dục, hai là tìm cách này cách kia để cấm sử dụng các công cụ AI, nhưng ông lưu ý rằng sẽ không thể cấm được hoàn toàn. “Ngày nào còn có internet, còn mở internet, không thể cấm được”, ông nói.

    Mặc dù vậy, giáo sư Thành dự báo Việt Nam sẽ tiến hành thận trọng:

    “Việt Nam sẽ chờ và đi sau một bước. Tại sao giáo dục Việt Nam không thay đổi nhiều trong thời gian qua? Tại vì các cuộc cách mạng công nghệ trong quá khứ chưa tạo nên sức ép thay đổi thị trường lao động, chưa đánh thẳng vào nền giáo dục. Với trí tuệ nhân tạo, nó đánh thẳng vào hệ thống giáo dục, cũng như các giá trị và mục tiêu đào tạo con người”.

    Vị giáo sư người Mỹ gốc Việt nhấn mạnh với VOA rằng cuộc cách mạng công nghệ trí tuệ nhân tạo này sẽ ép tất cả các hệ thống giáo dục trên thế giới thay đổi, kể cả ở Mỹ, các nước tiên tiến, lẫn các nước đang phát triển như Việt Nam, cũng như các nước nghèo, chưa phát triển.

    VOA cố gắng liên lạc với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn để tìm hiểu quan điểm của bộ về vấn đề nêu trên, nhưng không nhận được hồi đáp.

    Không có nhận xét nào