Header Ads

  • Breaking News

    Tưởng Năng Tiến – Chữ Việt




    Khi Phạm Thế Duyệt còn tại chức, đôi lúc, tôi vẫn thường nghe nhân vật này than phiền rằng mình không thể nào tiếp xúc trực tiếp được với những nhóm dân bản địa vì rất nhiều người (Thượng, Nùng, Tầy, Mán, Mèo, Do, Khơ Mú, Cơ Tu, Lô Lô, Chu Ru …) hoàn toàn không biết tiếng Kinh.

    Ông Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc giữ chức vụ này gần chục năm, từ 1999 đến 2008. Từ đó đến nay, cả đống nước sông/nước suối/nước mưa (và nước mắt) đã ào ạt qua cầu và qua cống. Tuy thế, vấn đề dường như vẫn thế. Rất nhiều người miền núi vẫn không nói được tiếng ở miền xuôi.

    Bà Trịnh Nhung, phu nhân của nhà bất đồng chính kiến Bùi Văn Thuận, vừa cho biết:

    “Gần 40 ngày sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, gia đình mới được phía trại tạm giam cho phép thăm gặp anh Thuận vào thứ hai ngày 26/12. Bố mẹ anh Thuận bắt đầu đi từ trên Hòa Bình xuống Thanh Hóa từ 4h sáng. Đến 7h sáng thì cả nhà có mặt tại trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa…

    Sau khi nộp đơn xin thăm gặp và chờ được duyệt thì đến 10h sáng, gia đình được vào gặp anh Thuận… Sau đó anh Thuận nói chuyện với mẹ, anh Thuận hỏi thăm mẹ được vài câu thì cán bộ trại giam giật điện thoại, yêu cầu anh và mẹ phải nói tiếng Kinh với nhau, không được nói tiếng dân tộc. Anh Thuận giải thích rằng mẹ anh là người dân tộc Mường, không giỏi tiếng Kinh nên chỉ có thể nói chuyện bằng tiếng Mường…”

    Tuy bích chương, tranh cổ động, và khẩu hiệu đề cao tinh thần đoàn kết/yêu thương/đùm bọc (trong đại gia đình 54 dân tộc anh em) luôn tràn ngập trên mọi nẻo đường đất nước nhưng sau nửa thế kỷ Nam/Bắc hòa lời ca – xem ra – “anh em” vẫn … chưa hiểu được nhau. Tiếng Kinh vẫn còn xa lạ với rất nhiều người dân bản địa.

    Thực phẩm ở miền xuôi cũng thế, cũng vẫn còn “xa lạ” (và xa xôi) lắm, theo như tường thuật của FB Chi Lê:

    Tỉnh Bình Phước có Sóc Bom Bo nổi tiếng trong trận chiến ác liệt Mùa hè Đỏ Lửa 1972. Tính từ ngày “giải phóng” đến nay, hầu hết trẻ con ở Sóc Bom Bo chưa từng biết Phở là gì cho đến khi Tổng công ty Acecook tổ chức Ngày Của Phở (12/12/2019) đưa Phở đến với các em. Những “Gánh Phở Lên Đồi” đã làm rộn rã Sóc Bom Bo …


    Chỉ thương dân làng Bom Bo đã từng phải giã gạo suốt đêm vì:“Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ...” để bây giờ họ vẫn phải...“cái bụng không no, khố chăn chẳng lành...”



    Khi “cái bụng không no” và “khố chăn chẳng lành” thì học hành, kể cả việc học tiếng Kinh – tất nhiên – là chuyện rất xa vời và vô cùng xa xỉ. Bởi thế, thay vì chú tâm đến việc giảng dậy Việt Ngữ nơi vùng xa/vùng sâu/vùng căn cứ cách mạng, nhà đương cuộc Hà Nội đã quyết định “xuất khẩu” tiếng Việt ra nước ngoài – “Gửi Tiếng Việt Tặng Người Việt Tị Nạn” – theo như tựa một bài viết của nhà báo Ngô Nhân Dụng:

    “Đảng Cộng sản Việt Nam lo lắng giúp người Việt tị nạn hoặc di cư sống ở nước ngoài. Họ lo dân Việt xa quê có ngày sẽ không còn đủ tiếng Việt để xài nữa, dù có cố gắng tiết kiệm, chỉ dần dần xài mỗi ngày một chút cho đỡ tốn. Cho nên, để giúp đỡ hơn 5 triệu người Việt ở 130 quốc gia trên thế giới, Đảng đã chọn ngày 8 tháng Chín làm ngày đề cao Tiếng Việt.

    Theo ký giả Sen Nguyen, trên the South China Morning Post ở Hồng Kông ngày10 tháng Chín, 2022, một ông phó thủ tướng tên là Phạm Quang Hiêu (Hiếu, Hiệu, hoặc Hiểu, …), nói đã có một “kế hoạch 8 năm” nhằm viện trợ tiếng Việt cho đồng bào ruột thịt!”

    Quý hóa thế!

    Tuy thế, thiện chí và thiện ý của nhà nước hiện hành – dường như – không được đám “đồng bào ruột thịt” (nói chung) và tác giả của bài báo thượng dẫn (nói riêng) tán thưởng hay ghi nhận. Chả những thế, ông nhà báo còn nhắn nhủ độc giả “nên tránh không ‘va chạm’ với chữ nghĩa của các ông cộng sản” nữa cơ!

    Sao “khó khăn” với nhau vậy nhỉ?

    Ngô Nhân Dụng cho biết lý do:

    Bên bờ hồ Hoàn Kiếm quý vị có thể thấy hai tấm bảng treo trên một cửa ra vào, viết giống hệt nhau, một cái treo ngoài đường, một cái ở trước cửa bên trong. Tấm bảng xanh lá cây viết bốn hàng chữ trắng, tất cả viết hoa, như thế này:

    CÔNG TY TNHH NHÀ NƯỚC MỘT THÀNH VIÊN MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ

    XÍ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ SỐ 2

    NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG – TOILET

    ĐỊA CHỈ: SỐ 8 LÊ THÁI TỔ, HOÀN KIẾM, HÀ NỘI – ĐT : 043.8288072 – 043.9288508

    Tất cả tấm bảng 41 chữ và số, cuối cùng, chỉ có một chữ mọi người cần biết, là “Toilet!” Người đi đường, các du khách chỉ cần đọc chữ “Toilet” hay “Toa Lét” là hiểu ngay! Không hiểu tại sao người ta phải đọc 25 chữ VIẾT HOA lòng thòng rồi mới được thấy chữ “Toilet!”

    Cũng không hiểu tại sao phải ghi cả địa chỉ cái toa lét này? Người đi tìm toa lét có ai chọn một địa chỉ trước, đúng địa chỉ mới vào, hay không? Lại còn số điện thoại nữa! Có cần gọi điện thoại xin hẹn trước, giữ chỗ, mới được dùng toa lét hay không?

    Giời ạ! Cứ tưởng chuyện gì? Chớ xá chi đến cái tấm bảng con con đặt trước cầu tiêu, hay mấy đống sạn lụn vụn vương vãi trong mớ sách giáo khoa của lũ trẻ con. Cứ nhìn thử cái slogan của Vietnam Airlines mà xem: SẢI CÁNH BAY XA/ SẢI CÁNH VƯƠN CAO!

    Vậy mà vẫn được trưng bầy khắp mọi nơi, kể cả ở sân bay nước ngoài, từ năm này sang năm khác mà có thấy ai thắc mắc hay khiếu nại gì đâu. Cả nước đã quen mắt với Việt Ngữ (“đương đại”) thế rồi.


    Tự điển Soha: Xoải (động từ): vươn rộng ra hết sức về cả hai phía (thường là chân cánh). Thí dụ:“Xoải chân bước tới. Chim xoải cánh bay.”

    Tự điển Lạc Việt: Xoải (động từ): đưa rộng ra hai phía. Thí dụ:“Đôi chim trắng xoải cánh bay.”

    Tiếng Việt hiện nay nó thế đấy!

    Ấy thế nhưng vẫn là hàng xuất khẩu, ngoài tầm tay với của đám dân bản địa, và chỉ dành riêng cho những khúc ruột xa ngàn dặm (hay những “sứ giả lạc hồng”) thôi.

    Không có nhận xét nào