Tổng Bí thư phải “có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…”
Có lẽ cần ghi công trạng của Trưởng ban tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, khi ông ‘bật đèn xanh’ cho báo chí được… đi cả ‘hai lề trái – phải’.
Mấy hôm nay các phiên bản điện tử của báo chí nhà nước đều công khai 3 tin tức được giới biên tập viên đánh giá là có mức độ ‘kinh khủng’ như nhau: Thứ nhất, các ngư dân Quảng Nam cho tàu vô Hoàng Sa tránh bão, bị người Trung Quốc tịch thu hải sản, phá hoại ngư cụ. Tin này cho thấy sự mất nhân tính của người Trung Hoa cộng sản, đã không giúp người hoạn nạn mà còn cướp bóc. Qua đó cho thấy mấy cái chữ vàng 4 tốt cũng như huân chương hữu nghị mà ngài Tổng bí thư vừa nhận, chỉ là trò mèo chính trị không hơn kém.
Thứ hai, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ cho biết, trong số 20 ngàn chi tiết làm nên chiếc xe hơi, Việt Nam chỉ sản xuất được con ốc vít gắn biển số xe. Điều này suy ra, vậy thì nguyên cả chiếc xe của Vin bán ra thị trường là do nước khác làm chớ không phải người Việt làm.
Vậy thì nửa thế kỷ cả nước cùng dắt tay tiến lên chủ nghĩa xã hội, cả tham vọng lẫn trí tuệ Việt sao lại ngày càng bèo bọt, càng tệ hại đến thế này sao?
Thứ ba, hiệu trưởng trường đại học bách khoa Đà Nẵng bị bắt, không phải vì đòi tự do học đường, tự do học thuật mà vì liên quan đến biển thủ tiền bạc.
Vậy là sau khi đảng thanh trừng nhân sự chủ chốt suy đồi của ngành y tế cũng vì dính đến tiền, giờ tới ngành giáo dục. Việc này cho thấy nhân sự trong 2 ngành quan trọng nhất đối với xã hội là dạy người và cứu người đang bị tha hóa thê thảm theo thời cuộc.
Ở nội dung tin về chuyện ngư dân Quảng Nam cho tàu vô Hoàng Sa tránh bão và đã bị người Trung Quốc cướp bóc, tịch thu tài sản, động thái cần thiết tối thiểu là người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam phải lập tức lên tiếng phản ứng trên công luận; đồng thời ông yêu cầu lập đường dây điện đàm ngay với người đồng cấp ở Bắc Kinh, vì đây là hành vi cố tình phá hoại tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Trung mà chính ngài Tổng bí thư đã nhận huân chương hữu nghị do Tổng bí thư Tập Cận Bình trao tặng.
Cho đến nay, chưa thấy tin tức nào liên quan đến vấn đề trên từ văn phòng Tổng bí thư. Thường trực Ban bí thư cũng… im lặng tương tự.
Về bản tin “con ốc vít”, đó là phát biểu của ông Phan Đăng Tuất – chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), thì khi đánh giá một nền công nghiệp ô-tô thì sẽ dựa trên quy mô thị trường và năng lực sản xuất nội tại của thị trường. Thông thường theo các thống kê quốc tế, một thị trường tiêu thụ 500.000 xe/năm mới là thị trường ô-tô hoàn hảo, kéo theo phát triển ngành công nghiệp ô-tô.
Còn hiện nay, “Việt Nam tiêu thụ khoảng 200.000 xe, chủ yếu nhập khẩu lắp ráp thì có gọi là ngành công nghiệp ô-tô không? Vì để có nền công nghiệp ô-tô cần phải có nền khoa học công nghệ kỹ thuật cơ bản, đến nền công nghiệp vật liệu, sản xuất ra thép hợp kim” – ông Tuất nêu vấn đề. Dẫn chứng thêm, ông nói trên một chiếc xe ô-tô hiện nay hơn 20.000 chi tiết linh kiện, dùng hơn 200 mã kim loại. Tuy nhiên, Việt Nam chưa chế tạo được một mã nào trong số đó, thì không thể gọi là công nghiệp ô-tô.
Ông cho rằng đây là sự thật cần được thẳng thắn nhìn nhận và nhắc lại câu chuyện: “Có thời tôi hay nói mỉa mai rằng Việt Nam chỉ duy nhất làm được ốc vít để lắp biển số mà chỉ 6 tháng sau đã gỉ mất rồi”.
Ở đây cũng là trách nhiệm của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, bởi chính ông Nguyễn Phú Trọng là người đã ký ban hành về tiêu chuẩn của tổng bí thư tại Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017.
Theo đó, tại mục 2.3 cho biết Tổng bí thư là “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…
Có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc. Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm.
Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định)”.
Ba năm sau đó, ông Nguyễn Phú Trọng thay đổi Quy định số 90-QĐ/TW bằng Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nội dung về tiêu chuẩn Tổng bí thư vẫn là tương tự.
Như vậy, nếu thỏa mãn các tiêu chuẩn trên song hiện tình đất nước vẫn tiếp tục là “Việt Nam chỉ duy nhất làm được ốc vít để lắp biển số mà chỉ 6 tháng sau đã gỉ mất rồi”, thì rất cần xem lại cách thức lâu nay trong chuyện suy cử nhân sự vào ghế Tổng bí thư.
Nhận định trên còn nhằm giải thích cho bản tin thứ ba của “thanh trừng nội bộ”, đó là phải chăng người kém cả tài và đức đang cố níu kéo quyền lực bằng chuyện bắt bớ, răn đe nhau của “tham quyền cố vị”?
Không có nhận xét nào