Giữa tuần trước, Tử Long viết về giá bán lẻ điện lại tăng, ngại rằng dân nghèo lại gặp eo. [1] Theo tôi hiểu bài nầy, nhà nước gần đây qui định lại để chỉ định mức cao thấp cho giá bán lẻ, có thể chuẩn bị để giá bán lẻ được điều chỉnh tùy thuộc vào chi phí đầu vào cho sản xuất, vận chuyển và phân bổ đến người dùng. Tuy qui định nầy không có nghĩa là giá bán lẻ sẽ tăng lên liền, nhưng từ nay về sau, quyết định về thay đổi giá sẽ có thể linh hoạt hơn. Quyết định giá lẻ sẽ từ bộ Công thương, bộ Tài chính và Thủ tướng, theo thứ tự ấy.
Theo bài nầy, có áp lực quốc tế lên VN để giảm điện than và tăng điện sạch. Muốn doanh nghiệp tư nhân tích cực tham gia vào công nghiệp điện sạch, ngành điện cần cam kết mức giá hấp dẫn hợp lý trong thời gian dài (ví dụ như 20 năm) và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mới nổi, nhất là khi vị trí sản xuất điện sạch cách xa các đô thị lớn. Có vẻ mức giá thành nhà nước đặt ra hiện nay cho điện gió và mặt trời chưa được hấp dẫn lắm.
Bài nầy cũng chỉ ra rằng việc tăng giá điện không những tác động đến túi tiền chi dụng khiêm tốn của người tiêu thụ mà còn cắt vào các hoạt động doanh nghiệp, bởi điện là đầu vào cho nhiều thứ.
Sau đó, tôi có chia xẽ về những điều tôi hiểu trong công nghiệp điện ở nơi tôi ở, tỉnh Ontario ở Gia Nã Đại. [2] Ở đây, điện là một mặt hàng trong thị trường cạnh tranh, được doanh nghiệp sản xuất theo đúng quy định và chất lượng để bỏ lên mạng lưới chung mà phân bổ đến người dùng. Có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất điện và có một tập đoàn độc lập điều hành mạng lưới điện và quản trị thị trường cạnh tranh.
Trong bài tiếp, Tử Long bàn về công nghệ điện bên nhà, có chú ý một phần đến cách làm ở tỉnh Ontario và bao quanh vấn đề “Khi nào mới có điện lực tư nhân?” [3] Theo tôi hiểu, Tử Long cho rằng cách làm ở Ontario là phù hợp với Luật Điện lực hiện nay ở VN. Trong dự tính tu chỉnh Luật Điện lực, doanh nghiệp tư nhân sẽ có vai trò nào đó trong sản xuất, lưu giữ, truyền tải và tương tác công tư.
Bài nầy cũng đề cập đến những thách thức về lưu trữ và truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất thích hợp đến các đô thị, trong bối cảnh ngày càng thận trọng về tác động môi trường của thủy điện, nhất là việc chủ điện xã đập khẩn làm khốn đốn dân cư hạ lưu. [4]
Theo bài, nhà nước vẫn giữ độc quyền điều độ điện. Tới đây, Trung tâm Điều độ điện Quốc gia sẽ tách khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Bộ Công thương để bảo đảm tính khách quan, cân đối vùng miền và an ninh năng lượng quốc gia. Nhà nước kiểm soát điều hành hệ thống điện, quản lý về tiêu chuẩn đầu tư, và định mức lợi nhuận cho ngành điện.
Theo bài nầy, doanh nghiệp tư nhân trong nước có khả năng để đầu tư cho sản xuất và truyền tải điện nhưng họ cần “quy định rõ ràng, cơ chế minh bạch, không nhân danh lý do chính trị nào đó để úp vốn của họ trong quá trình đầu tư”, cũng như những lo âu của doanh nghiệp tư về khó khăn quản lý trong cấu trúc ngành điện, đặc biệt khi nhà nước có một vai trò trung tâm trong ngành.
Bài nầy gợi ý về nghiên cứu kỹ bài học các nước, có cơ chế dung hòa làm sao phát huy tư nhân đầu tư và cho phép cơ quan quản lý vẫn có quyền giám sát, vận hành đường dây, tránh để tư nhân bán lại cho đối tác nước ngoài làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, như trường hợp ở Phi Luật Tân, với việc Trung Quốc nắm 40% cổ phần của mạng lưới truyền tải và hệ thống điều khiển nằm ở Bắc Kinh.
Ở trên tôi tóm tắt ba bài gần đây trên VNTB về tăng giá điện. Tiếp theo, tôi xin phân tích những tương đồng và tương phản ở cách làm bên nhà và bên đây. Nói tóm gọn, cách làm bên nhà có đặc trưng là độc quyền, bao cấp và thiếu tiếng nói của người tiêu dùng. Cách làm bên đây có đặc trưng là cạnh tranh, trách nhiệm giải trình và tiếng nói hiệu quả của người tiêu dùng.
Đặc trưng thứ nhất là độc quyền, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiếm tỉ trọng lớn trong thị trường sản xuất, bên cạnh các tập đoàn nhà nước khác như PetroVietnam (các nhà máy điện khí) hay Vinacomin (các nhà máy điện than). [5]
Các tập đoàn độc quyền dù cho là sở hữu tư nhân hay nhà nước cũng biểu lộ những hành vi thúc đẩy bởi quyền lực thị trường mà họ sở hữu. [6] Họ có khuynh hướng chèn ép những doanh nghiệp mới nổi để ngăn chận tại cửa vào thị trường. Họ hay tăng giá thành phẩm để có nhiều lợi nhuận. Họ ít đầu tư vào đổi mới và thường hoạt động với hiệu quả không cao. Các đặc trưng nầy không chỉ áp dụng cho ngành điện.
Ngược lại thị trường cạnh tranh tránh được phần lớn những hành vi nêu trên. Ở tỉnh Ontario, Cơ quan Điều hành Hệ thống Điện Độc lập (IESO) giám sát và phát triển thị trường điện, thúc đẩy cạnh tranh để duy trì khả năng chi trả bằng cách:
xem xét và chấp nhận giá thầu từ các nhà cung cấp điện, bắt đầu với các lựa chọn có chi phí thấp nhất, chi phí thấp kế tiếp, cho đến khi nhu cầu năng lượng của tỉnh được đáp ứng, đặt ra và thực thi các quy tắc chi phối việc tham gia vào thị trường, ví dụ như cá lớn điện hạt nhân không nuốt cá nhỏ điện mặt trời, và thúc đẩy một thị trường mở, năng động và bền vững, khuyến khích các cơ hội cho các nguồn tài nguyên mới nổi (ví dụ như năng lượng sinh học hay công nghệ lưu trữ mới).
Đặc trưng “bao cấp” là từ tôi dùng để chỉ ra vai trò trung tâm của nhà nước trong ngành điện bên nhà (có thể cách dùng từ nầy không đúng). Nhà nước có sở hữu lớn ở các tập đoàn sản xuất điện. Nhà nước vẫn giữ độc quyền điều độ điện qua Trung tâm Điều độ điện Quốc gia dưới sự điều hành trực tiếp của Bộ Công thương. Nhà nước kiểm soát thông qua điều hành hệ thống điện, quản lý về tiêu chuẩn đầu tư, và định mức lợi nhuận cho ngành điện.
Đặc trưng “trách nhiệm giải trình” là từ tôi dùng để chỉ cách làm việc của chính phủ bên nầy. Thứ nhất, tập đoàn sản xuất điện là một tập đoàn nhà nước nhưng được vận hành với quyền tự chủ quản lý lớn hơn nhiều so với các cơ quan chính phủ. [7] Nhà nước chỉ kiểm soát trực tiếp các hoạt động của tập đoàn qua ngân sách của tập đoàn và việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao.
Thứ hai, việc truyền tải hiện chủ yếu được xử lý bởi một công ty cổ đông cung cấp điện cho một số tiện ích địa phương để đảm bảo điện đến tay khách hàng, với 47% sở hữu là nhà nước. [8]
Thứ ba, Cơ quan Điều hành Hệ thống Điện Độc lập (IESO) là một tập đoàn nhà nước với trách nhiệm giải trình. [9] Nhà nước chỉ kiểm soát cơ quan qua ngân sách và việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao.
Thứ tư, một cơ quan chính phủ trực tiếp phê duyệt và đặt giá cho phân phối và truyền tải điện cũng như giá cho người tiêu dùng. [10] Cơ quan nầy làm việc giống như cơ quan tương tự bên nhà.
Nhưng bối cảnh rộng bên đây và bên nhà có khác nhau. Một khi chính phủ ở tỉnh thay đổi (thường là khoảng 4 tới 5 năm một lần qua bầu cử trên nguyên tắc 1-người-1-phiếu), cả bốn bộ phận trên trong ngành điện sẽ chịu trách nhiệm giải trình trước chính phủ mới.
Phần lớn lịch sử của tỉnh Ontario về điện gắn liền với một thực thể hiện không còn tồn tại được gọi là Ontario Hydro. Trước đây, Ontario Hydro chịu trách nhiệm cho cả ba thành phần của hệ thống điện của tỉnh - sở hữu và vận hành các nhà sản xuất điện, truyền tải điện và điều chỉnh giá. [11]
Ontario Hydro trở thành nguồn gốc của các tranh cải chính trị trong tỉnh, trên báo chí và trong các khảo sát dư luận bắt đầu từ khoảng những năm 1970, lúc giá điện cứ thỉnh thoảng lại tăng lên làm người tiêu thụ lo lắng, dư luận không vui, và cuối cùng các đảng cạnh tranh nhau để thuyết phục dân bỏ phiếu cho những cải cách mà họ đề bạt cho ngành điện. [11]
Năm 1999, một đảng đối lập thắng cử một phần dựa vào chính sách họ đề xuất để cải cách ngành điện. [11] Theo đó, nhiều người dân muốn phân quyền thực thể độc quyền Ontario Hydro. Chính phủ mới phân chia độc quyền nầy thành nhiều mảng, để rồi qua thời gian, tái tạo lại cấu trúc với bốn bộ phận chính mà tôi lượt lại ở trên. Tôi tạm gọi cái quá trình nầy là tác dụng hiệu quả của tiếng nói từ người tiêu dùng.
Để tạm kết, cách làm bên nhà có đặc trưng là độc quyền, bao cấp và thiếu tiếng nói của người tiêu dùng. Cách làm bên đây có đặc trưng là cạnh tranh, trách nhiệm giải trình và tiếng nói hiệu quả của người tiêu dùng.
Nguồn:
1. Tử Long. VNTB – Giá bán lẻ điện lại tăng: nghèo gặp cái eo. 08/02/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-gia-ban-le-dien-lai-tang-ngheo-gap-cai-eo/.
2. Phạm Đình Bá. VNTB – Vì sao không thay điện bao cấp bằng điện cạnh tranh? 10/02/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-vi-sao-khong-thay-dien-bao-cap-bang-dien-canh-tranh/.
3. Tử Long. VNTB – Khi nào mới có điện lực tư nhân? 11/02/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-khi-nao-moi-co-dien-luc-tu-nhan/.
4. Triệu Tử Long. VNTB – Các nhà khoa học Việt Nam cần dũng cảm để liên tục lên tiếng…. 21/10/2020; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-cac-nha-khoa-hoc-viet-nam-can-dung-cam-de-lien-tuc-len-tieng/.
5. Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ. Ngành điện ở Việt Nam. Cập nhật ngày 09/02/2023; Available from: http://gizenergy.org.vn/vn/knowledge-resources/power-sector-vietnam.
6. Shapiro, C., Chapter 6 Theories of oligopoly behavior, in Handbook of Industrial Organization. 1989, Elsevier. p. 329-414.
7. Wikipedia. Ontario Power Generation. Accessed 11/02/2023; Available from: https://en.wikipedia.org/wiki/Ontario_Power_Generation.
8. Wikipedia. Hydro One. Accessed 11/02/2023; Available from: https://en.wikipedia.org/wiki/Hydro_One.
9. IESO. Ontario's Electricity Grid. Accessed 09/02/2023; Available from: https://www.ieso.ca/en/.
10. Wikipedia. Ontario Energy Board. Accessed 11/02/2023; Available from: https://en.wikipedia.org/wiki/Ontario_Energy_Board.
11. Global News. How does the hydro system work in Ontario? 16/05/2018; Available from: https://globalnews.ca/news/4213256/hydro-system-ontario-election/.
Không có nhận xét nào