Máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet hạ cánh trên boong tàu sân bay USS Nimitz, ở Biển Đông, ngày 27 tháng 1 năm 2023. REUTERS - JOSEPH CAMPBELL
Hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ tổ chức tập trận ở Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ Washington - Bắc Kinh leo thang căng thẳng vì khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ và bị quân đội Mỹ bắn hạ cách nay vài ngày.
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, đóng tại Nhật Bản, hôm Chủ Nhật 12/02/2023 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 13 đã tiến hành “các hoạt động của lực lượng tấn công viễn chinh tổng hợp” ở Biển Đông. Cuộc tập trận diễn ra vào thứ Bảy 11/02, gồm các tàu, phương tiện trên mặt đất và phi cơ. Tuy nhiên, Hạm đội 7 không cho biết thời điểm bắt đầu và kết thúc cuộc tập trận.
Theo AP, trong thông cáo báo chí, Hạm đội 7 nhấn mạnh cuộc tập trận này đã “thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực, hỗ trợ hòa bình và ổn định”.
Mỹ - Hàn thao dượt chống drone
Cũng trong ngày 12/02, hãng tin Hàn Quốc Yonhap, dựa vào những tấm ảnh được đăng trên trang web của Cơ quan phân phối thông tin hình ảnh quốc phòng của Lầu Năm Góc, loan báo Mỹ - Hàn đã tổ chức cuộc thao dượt chung chống drone tại căn cứ không quân Kunsan, cách Seoul 275 km về phía nam, vào hôm thứ Ba tuần trước 07/02.
Yonhap nhắc lại các vụ drone của Bắc Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc hồi tháng 12/2022 cho thấy quân đội Hàn Quốc thiếu chuẩn bị trong việc đối phó với drone Bắc Triều Tiên có khả năng mang vũ khí sát thương. Do đó, Seoul đã vạch ra hàng loạt biện pháp chống drone, nhất là tập trận thường xuyên, xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin theo thời gian thực và trang bị các phương tiện, chẳng hạn thiết bị gây nhiễu drone.
Mỹ yêu cầu công dân rời khỏi Nga ngay lập tức
Liên Thành
Đại sứ quán Mỹ tại Moskva, Nga. (Ảnh: AP).
Guardian đưa tin, Mỹ đã yêu cầu công dân của mình rời khỏi Nga ngay lập tức do cuộc chiến ở Ukraine và nguy cơ bị các cơ quan thực thi pháp luật Nga bắt giữ tùy tiện hoặc sách nhiễu.
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Matxcova cho biết: “Công dân Hoa Kỳ cư trú hoặc du lịch tại Nga nên khởi hành ngay lập tức. Tăng cường thận trọng do nguy cơ giam giữ sai trái và đừng đi du lịch đến Nga”, đại sứ quán nói.
Mỹ đã nhiều lần cảnh báo công dân của mình rời khỏi Nga. Lần cuối cùng cảnh báo công khai như vậy là vào tháng 9 sau khi Tổng thống Putin ra lệnh huy động một phần.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga cho biết thêm: “Các cơ quan an ninh Nga đã bắt giữ các công dân Mỹ và quấy rối, từ chối đối xử công bằng và minh bạch với họ, đồng thời kết án họ trong các phiên tòa bí mật hoặc không đưa ra bằng chứng đáng tin cậy”.
“Chính quyền Nga tùy tiện thực thi luật pháp địa phương đối với những người hoạt động tôn giáo là công dân Hoa Kỳ và đã mở các cuộc điều tra hình sự đáng ngờ đối với công dân Hoa Kỳ tham gia hoạt động tôn giáo”.
Nga hiện chưa đưa bình luận về thông báo của Đại sứ quán Mỹ.
Mức độ phóng xạ thực phẩm của Trung Quốc cao gấp 16 lần Nhật Bản: Cư dân mạng chế giễu báo cáo của CCTV
Liên Thành
Ảnh minh hoạ.
Mới đây, kênh truyền hình ĐCSTQ CCTV và các phương tiện truyền thông chính thống khác của nước này đã đồng loạt đưa tin chất phóng xạ trong cá rô Nhật Bản vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Theo CCTV đưa tin, Hiệp hội Hợp tác xã Nghề cá tỉnh Fukushima ngày 7/2 đã thông báo rằng cá vược địa phương đánh bắt ở vùng biển gần tỉnh Fukushima sẽ bị đình chỉ bán ra thị trường, do phát hiện chất phóng xạ cesium vượt quá tiêu chuẩn. Chất phóng xạ Cesium-137 được báo cáo phát hiện trong cá vược ở Fukushima ở mức 85,5 Bg, vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 50 Bg.
Sau khi báo cáo này được công bố, một số cư dân mạng Weibo đã kiểm tra tiêu chuẩn phóng xạ thực phẩm quốc gia của Trung Quốc và phát hiện ra rằng, mức độ chính thức của 12 loại chất phóng xạ trong thực phẩm của Trung Quốc là rất cao.
Trong số đó, tỷ lệ phóng xạ thực phẩm đối với Cesium-137 cao tới 800 Bg, cao gấp 9 lần so với cá vược bị ô nhiễm đánh bắt ở Fukushima và cao hơn 16 lần so với tiêu chuẩn chính thức của Nhật Bản.
Một cư dân mạng bình luận: “Tôi không quan tâm đến an toàn thực phẩm nước ngoài. Tôi chỉ quan tâm đến thịt, dầu, gạo và rau mà chúng ta ăn và liệu sữa bột của con chúng ta có an toàn hay không. Chúng tôi mổ một con lợn ở đây và bỏ ra 20 nhân dân tệ để mua tem kiểm dịch. Còn việc cho lợn ăn như thế nào thì không ai hỏi. Tất cả các biện pháp cách ly đều dựa trên quy trình này: thanh toán, dán tem và niêm yết. Người Trung Quốc từ lâu đã miễn nhiễm với mọi chất độc rồi!”
Một người khác nói: “Nhiều tiêu chuẩn ở Nhật Bản rất khắt khe, không chỉ cao hơn Trung Quốc mà còn cao hơn nhiều so với Châu Âu và Hoa Kỳ… Chỉ có thể nói rằng trình độ biên tập của CCTV còn quá thấp.”
Trung Quốc với cơn sốt ChatGPT
Tidoo Nguyễn / SGN
11/02/2023
Ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images
Ứng dụng ChatGPT bị hạn chế người dùng ở Trung Quốc nhưng nước này đang rất quan tâm đến công nghệ chatbot. Nhiều công ty Trung Quốc tung ra các ứng dụng tương tự để cạnh tranh với ChatGPT.
Ông Ding Daoshi, giám đốc công ty tư vấn internet Sootoo có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Người ta rất hào hứng với ứng dụng ChatGPT, còn Metaverse thì gặp trở ngại lớn trong việc tìm kiếm ứng dụng gần gũi với đời sống con người. ChatGPT bất ngờ tạo ra tương tác giữa người và máy tính trực tiếp và nhanh hơn. Bước tiến bộ được nhìn thấy ngay tức thời.”
Ông Henson Tsai, người sáng lập SleekFlow cho biết: “Khách hàng của chúng tôi trên khắp thế giới. ChatGPT dịch tốt hơn so với các công cụ dịch khác hiện có trên thị trường.” SleekFlow, một công ty khởi nghiệp do Tiger Global tài trợ ở Hong Kong, cho biết họ đang đưa AI vào các công cụ nhắn tin trong quan hệ khách hàng. Các công ty ở Trung Quốc sử dụng các giải pháp kết nối hoặc quan hệ đối tác của Microsoft -đang đầu tư hàng tỷ đô la vào OpenAI – để có thể nhúng công nghệ AI vào sản phẩm của mình.
OpenAI đang xem xét để cung cấp dịch vụ rộng rãi hơn đến người dùng khắp thế giới. Đại diện OpenAI nói, “Chúng tôi cũng muốn cung cấp công nghệ của mình ở mọi nơi, nhưng chúng tôi gặp khó khăn vì các điều kiện riêng ở một số quốc gia, vì chúng tôi khó có thể tuân theo các điều kiện được đặt ra vì trái với sứ mệnh của mình. Chúng tôi đang xem xét để tăng số người dùng ở các lãnh thổ khác theo tiêu chí truy cập an toàn và có ích.”
Tháng Mười Hai 2022, WeChat của Tencent Holdings, ứng dụng nhắn tin lớn nhất của Trung Quốc, đã đóng một số chương trình liên quan đến ChatGPT nhưng chúng vẫn tiếp tục xuất hiện. Hiện nay, hàng chục chương trình trò chuyện chatbot với công nghệ ChatGPT đã xuất hiện trên WeChat. Một tài khoản tính phí người dùng khoảng $1.47 để đặt 20 câu hỏi với chatbot.
Cùng thời gian đó, Proximai có trụ sở tại Thâm Quyến đã đưa một nhân vật ảo vào chò chơi 3D – đại loại giống như ứng dụng mạng xã hội, nhân vật này được tạo ra theo công nghệ cơ bản của ChatGPT để trò chuyện với người dùng. SleekFlow – công ty phần mềm giải trí có trụ sở tại Bắc Kinh Kunlun Tech có kế hoạch kết hợp ChatGPT trong trình duyệt web Opera của mình.
Reuters làm cuộc thử nghiệm trên ChatGPT thì thấy rằng chatbot phản ứng khá phù hợp với bộ máy tuyên truyền Trung Quốc với các câu hỏi về các vấn đề nhạy cảm. Chẳng hạn, với câu hỏi đưa ra suy nghĩ về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thì chatbot của ChatGPT trả lời “không có ý kiến cá nhân và có nhiều quan điểm khác nhau”.
Theo điều tra của Reuters thì một số chatbot trên WeChat đã bị liệt kê vào danh sách đen với những từ khóa liên quan kết các vấn đề nhạy cảm như vậy, tuân thủ kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với không gian mạng. Với câu hỏi có liên quan đến ông Tập Cận Bình thì nó báo vi phạm các quy tắc. Để tuân thủ các quy tắc của Trung Quốc, Will Duan – người sáng lập Proximai – cho biết nền tảng ứng dụng mạng xã hội của ông lọc thông tin từ người dùng trong quá trình tương tác với ChatGPT.
Rogier Creemers – trợ lý giáo sư tại Đại học Leiden – cho biết, phần lớn nội dung do AI tạo ra mang tính chất phi chính trị. Với các quy định được đặt ra vào năm ngoái, nhà cầm quyền Trung Quốc nói rằng “chúng tôi biết công nghệ này đang phát triển, và chúng tôi muốn đi trước đón đầu”.
Năm ngoái, các cơ quản quản lý Trung Quốc đưa ra các quy tắc thắt chặt quản lý công nghệ “deepfake” (một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo). Baidu cho biết trong tuần này họ sẽ hoàn tất cuộc thử nghiệm nội bộ “Ernie Bot”, và cập nhật nền tảng của họ. Tuyên bố này khiến cổ phiếu của họ tăng vọt. “Ernie Bot” là một mô hình AI lớn thuộc dự án của công ty này được thực hiện từ năm 2019, và dự tính đưa vào sử dụng vào tháng Ba năm nay.
Hôm thứ Tư, Alibaba cho biết viện nghiên cứu Damo Academy của họ cũng đang thử nghiệm một công cụ tương tự ChatGPT. Duan, có công ty đang sử dụng chatbot AI của Baidu mang tên là Plato để xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cho biết: ChatGPT mạnh hơn so với các giải pháp hiện tại của Trung Quốc, tuy nhiên, nó yếu hơn ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như chưa hiểu tốt ngữ cảnh trong cuộc hội thoại. Ông nói thêm: Các công ty Trung Quốc rất có thể sẽ thay thế ChatGPT bằng một giải pháp thay thế địa phương trong tương lai, nếu chúng đáp ứng tốt các chức năng như ChatGPT – Reuters đưa tin.
Mỹ ngắm, Ukraine nã đạn!
Lương Thái Sỹ /SGN
12/02/2023
Hỏa tiễn HIMARS đang giúp quân đội Ukraine giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường (ảnh: Dondi Tawatao/Getty Images)
Các quan chức Ukraine vừa tiết lộ những lần phóng HIMARS đều phụ thuộc vào việc nhắm mục tiêu của Mỹ. Họ không bao giờ phóng HIMARS nếu không có tọa độ chi tiết do quân đội Mỹ ở những nơi khác tại châu Âu cung cấp.
Tiết lộ, được xác nhận bởi ba quan chức cấp cao Ukraine và một quan chức cấp cao của Mỹ, được đưa ra sau nhiều tháng lực lượng Kyiv phản công các mục tiêu Nga, gồm trung tâm chỉ huy, kho đạn dược và doanh trại trên đất Ukraine bằng Hệ thống rocket Pháo binh Cơ động Cao (High Mobility Artillery Rocket System-HIMARS) và các vũ khí dẫn đường chính xác tương tự khác như hệ thống rocket phóng loạt (multiple-launch rocket system) M270. Một quan chức cấp cao Ukraine khẳng định lực lượng Ukraine hầu như không bao giờ phóng vũ khí tiên tiến mà không có tọa độ cụ thể do phía Mỹ cung cấp từ một căn cứ tại châu Âu.
Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cũng thừa nhận với tờ The Washington Post “vai trò quan trọng” của Mỹ trong chiến dịch. “Hỗ trợ nhắm mục tiêu vừa để đảm bảo độ chính xác vừa để số rocket hạn chế đạt hiệu quả tối đa – ông nói – Nhưng Ukraine không cần sự chấp thuận của Mỹ về quyết định tấn công mục tiêu nào sau khi được Mỹ trao tọa độ. Mỹ chỉ đóng vai trò cố vấn khi cung cấp tọa độ chính xác”.
Các cuộc tấn công do GPS dẫn đường đã đẩy lùi hiệu quả lực lượng Nga trên chiến trường và được xem là yếu tố then chốt khi mọi nỗ lực trước đó của Kiev chỉ thành công rất hạn chế. Trong một cuộc phỏng vấn vào Tháng 10 dành cho The Washington Post, Thiếu tướng Andriy Malinovsky chỉ huy lực lượng huấn luyện pháo binh và tên lửa của quân đội Ukraine cho biết các đồng minh phương Tây thường xác nhận tọa độ các mục tiêu trong cuộc phản công chiếm lại thành phố Kharkiv.
Ông nói:
“Các đối tác của chúng tôi đã đề ra một quy trình phối hợp: Ukraine nhận tọa độ chính xác để các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (multiple-launch rocket artillery systems-MLRS) không bắn trật mục tiêu, đặc biệt là khi cần phản công nhanh. Nhờ Mỹ chốt tọa độ cũng tránh được việc Nga gây nhiễu tín hiệu của máy bay trinh sát không người lái… Chúng tôi luôn trong tình trạng trực tuyến để khi tọa độ được cung cấp có thể khai hỏa MLRS ngay lập tức”.
Một quan chức Ukraine khác xác nhận việc nhắm mục tiêu đều thông qua một trung tâm của Mỹ trên đất NATO và ông mô tả quy trình này là “rất nhanh”.
Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Toà Bạch Ốc vào Tháng Mười Hai qua, ông đã trao cho Tổng thống Biden huy chương công trạng quân sự do chỉ huy đơn vị HIMARS của Ukraine ký. HIMARS là vấn đề rất nhạy cảm đối với chính phủ Mỹ, vốn luôn cho mình là “người bạn không hiếu chiến” của một chính phủ (Ukraine) đấu tranh cho chủ quyền và sự tồn vong chủ quyền quốc gia. Kremlin đã nhiều lần cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO tiến hành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” ở Ukraine.
Các quan chức cấp cao của Ngũ Giác Đài từ chối trả lời câu hỏi của The Washington Post về việc liệu họ có cung cấp tọa độ cho các cuộc tấn công hay không và bằng cách nào, nêu lý do lo ngại về an ninh. Thay vào đó, họ nhấn mạnh về “những hạn chế tham gia” của Mỹ vào cuộc chiến.
“Từ lâu, chúng tôi đã chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine để hỗ trợ họ bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của Nga; và theo thời gian, chúng tôi đã tối ưu hóa hoạt động chia sẻ thông tin bằng việc đáp ứng các yêu cầu của họ về tọa độ các mục tiêu sao cho đạt kết quả cao nhất – Tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nhấn mạnh – Người Ukraine chịu trách nhiệm tìm kiếm mục tiêu và quyết định chọn lựa các ưu tiên mục tiêu. Hoa Kỳ không phê duyệt mục tiêu, chúng tôi cũng không tham gia vào việc lựa chọn hoặc tấn công các mục tiêu. Hoàn toàn không đúng sự thật khi nói rằng người Ukraine chỉ nhắm các mục tiêu được chúng tôi duyệt”.
Quan chức cấp cao của Ukraine cũng mô tả quy trình nhắm mục tiêu một cách chung chung: “Phía Ukraine xác định các mục tiêu muốn tấn công, sau đó thông tin được gửi tới các chỉ huy cấp cao và chuyển tiếp đến các đối tác Hoa Kỳ để có tọa độ chính xác hơn. Nhưng không phải lúc nào người Mỹ cũng cung cấp tọa độ theo yêu cầu. Khi họ không cung cấp, quân đội Ukraine không khai hỏa. Ukraine cũng có thể tự tiến hành các cuộc tấn công mà không cần sự giúp đỡ của Mỹ, nhưng vì không muốn lãng phí đạn dược quý hiếm và bắn chệch mục tiêu nên họ thường chọn không tấn công khi không có xác nhận mục tiêu của Mỹ. Cả hai bên thấu hiểu tình huống này nên không có mâu thuẫn khi cùng làm việc”.
Trong nhiều tháng nay, chính phủ Ukraine đã vận động Washington cung cấp vũ khí chính xác tầm xa. Ngoài HIMARS và hệ thống rocket đa bệ phóng M270, mỗi bệ phóng một rocket có thể bắn xa 50 dặm, Kyiv cũng xin thêm Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (Army Tactical Missile System-ATACMS) với khả năng bắn xa tới 285 dặm!
Các quan chức chính quyền Biden từ chối cung cấp loại vũ khí này, nêu lý do “số lượng hạn chế”, trong khi các quan chức cấp cao Mỹ xem đây là hành động leo thang có thể khiêu khích Nga và đưa Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Cam kết của Kyiv không sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công qua biên giới vào bên trong lãnh thổ Nga không đủ để trấn an Mỹ.
Hiện thời, để tránh tổn thất, các lực lượng Nga đã chuyển kho dự trữ đạn dược của họ ra khỏi tầm bắn của HIMARS nên họ không còn khả năng bắn phá cấp tập hàng ngày vào các thành phố và lực lượng Ukraine; nhưng Kiev cũng không còn cơ hội tiêu diệt các kho vũ khí Nga khi chúng nằm ngoài “vòng phủ sóng” của HIMARS. Nếu có ATACMS, quân đội Ukraine dễ dàng nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự Nga ở bán đảo Crimea bị Nga xâm chiếm và sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.
Gần đây, Mỹ đã thông qua việc mua và giao một loại đạn dẫn đường bằng GPS khác có thể phóng từ HIMARS và các bệ phóng tương tự. Đó là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (ground-launched small-diameter bomb-GLSDB), bắn xa hơn 90 dặm. Ban đầu, loại đạn này được thiết kế để bắn từ máy bay nhưng đã thay đổi mục đích sử dụng.
Thêm “vật bay lạ” bị bắn hạ trên bầu trời Canada
Bình Phương
11/02/2023
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ tháng Một 2023. Ông Trudeau vừa ra lệnh bắn hạ một “vật thể lạ” xâm phạm không phận Canada mà người ta nghi là công cụ do thám của Trung Quốc. Ảnh Daniel Cardenas/Anadolu Agency via Getty Images
Thủ tướng Canada Justin Trudeau chiều thứ Bảy 11 Tháng Hai 2023 cho biết, theo lệnh của ông, một chiến đấu cơ F-22 của Không quân Hoa Kỳ đã bắn hạ một “vật thể không xác định” đang bay cao trên vùng trời Yukon phía Tây Canada.
Đây là vật thể bay thứ ba bị bắn hạ trên bầu trời Bắc Mỹ gần đây, một ngày sau khi Hoa Kỳ bắn rơi một vật thể lạ tương tự ở Alaska chiều hôm qua và một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn hạ thứ Bảy tuần trước.
“Tôi đã ra lệnh bắn hạ một vật thể không xác định đã xâm phạm không phận Canada,” ông Trudeau nói trong một tuyên bố đăng trên Twitter.
Theo tin của hãng AP, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) – tổ chức kết hợp giữa Hoa Kỳ và Canada có nhiệm vụ bảo vệ chung không phận của hai quốc gia – đã phát hiện vật thể bay ở độ cao lớn vào tối thứ Sáu trên bầu trời tiểu bang Alaska, sau đó nó bay vào không phận Canada hôm thứ Bảy.
Thủ tướng Trudeau cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người cũng đã ra lệnh bắn hạ vật thể. Cả máy bay phản lực của Canada và Hoa Kỳ trong lực lượng NORAD đều bay lên và chính máy bay phản lực F-22 của Hoa Kỳ đã bắn hạ vật thể đó bằng hỏa tiễn đối không .
Cho đến nay các máy bay chiến đấu F-22 đã bắn hạ ba vật thể trong không phận phía trên Hoa Kỳ và Canada, đặt ra câu hỏi chính xác là thứ gì đang bay lơ lửng trên đầu và ai đã gửi chúng đến. Có phải tất cả những vật thể bay này đều là công cụ do thám quân sự của Trung Quốc hay không.
Ít nhất một trong ba vật thể bị bắn rơi được xác định là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, nhưng hai vật thể còn lại vẫn chưa biết rõ được. Trong khi Thủ tướng Trudeau mô tả vật thể bị hạ hôm thứ Bảy là “không xác định”, thì một phát ngôn viên của NORAD, Thiếu tá Olivier Gallant, cho biết quân đội đã xác định được nó là gì nhưng sẽ không tiết lộ chi tiết.
Thủ tướng Trudeau cho biết các lực lượng Canada sẽ thu hồi các mảnh vỡ của vật thể đó để nghiên cứu. Yukon là lãnh thổ cực Tây của Canada, giáp với tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ và là một trong những vùng ít dân cư nhất của nước này.
Quả khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ chiều thứ Bảy tuần trước đang được Hải quân Mỹ thu hồi và nghiên cứu. Đây là một phần trong chương trình của Bắc Kinh do thám quân đội nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh US Navy
Chiều hôm qua thứ Sáu 10 Tháng Hai, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết một vật thể có kích thước bằng một chiếc xe hơi đã bị bắn hạ trên bầu trời Alaska, nhưng các quan chức không thể nói liệu nó có chứa thiết bị giám sát nào hay không, nó đến từ đâu hoặc mục đích của nó là gì.
Theo ông Kirby, vào khoảng 9 giờ tối thứ Năm giờ Alaska, hệ thống radar Bộ Tư lệnh Phương Bắc Hoa Kỳ đã phát hiện một vật thể không xác định đang xâm nhập không phận và Tổng thống Biden ra lệnh bắn hạ nó. Bộ Tư lệnh đã cử một máy bay trinh sát AWACS cùng một máy bay tiếp nhiên liệu trên không để theo dõi nó. Các quan chức cho biết hôm thứ Sáu rằng họ không thể biết liệu vật thể mà họ mô tả có kích thước bằng một chiếc xe hơi nhỏ có phải là một quả bóng bay hay không, nhưng nó đang di chuyển ở độ cao 40,000 feet (13,000 mét) khiến nó trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với máy bay dân sự.
Ông Kirby cho biết nó bị bắn hạ vì để bảo đảm an toàn bay chứ không phải vì nó đang tham gia do thám. Việc thu hồi các mảnh vỡ của vật thể vẫn đang được Hoa Kỳ thực hiện vào thứ Bảy trên biển băng gần Deadhorse, Alaska.
Thứ Bảy tuần trước, Hoa Kỳ cũng đã bắn hạ một khinh khí cầu lớn màu trắng ngoài bờ biển Nam Carolina. Ngũ Giác Đài cho biết khinh khí cầu đó là một phần trong chương trình do thám rộng lớn mà Trung Quốc đã tiến hành ở hàng chục quốc gia trên khắp các châu lục trong vài năm gần đây.
Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ đa “phản ứng thái quá rõ ràng và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế” và đòi có hành động trả đũa.
Võ Thái Hà tổng hợp
Hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ tập trận ở Biển Đông
Thùy Dương /RFI
Không có nhận xét nào