Header Ads

  • Breaking News

    Putin ngừng hiệp ước New START, leo thang chiến tranh Ukraine



    Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang ở Moscow ngày 21 tháng Hai 2023, trong đó ông ta đổ lỗi cho phương Tây gây ra cuộc chiến tranh ở Ukraine và tuyên bố ngừng hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ. Ảnh Contributor/Getty Images

    Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ sự tham gia của Moscow trong hiệp ước New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại với Hoa Kỳ, đồng thời nói rõ ông ta sẽ không thay đổi chiến lược của mình trong cuộc chiến ở Ukraine.

    Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang đọc trước lưỡng viện Quốc hội, các thống đốc và tướng lĩnh cao cấp của quân đội Nga, Putin nhấn mạnh rằng Nga vẫn chưa rút khỏi hiệp ước New START mà chỉ đình chỉ thực hiện nó. Hiệp ước New START được ký kết năm 2010 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga khi ấy là ông Dmitry Medvedev, có nội dung hạn chế số đầu đạn hạt nhân mà mỗi nước nắm giữ và cơ chế kiểm soát việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Hiệp ước hết hạn vào năm 2020 nhưng đã được Washington và Moscow gia hạn thêm năm năm, tới năm 2026. Vài giờ sau bài phát biểu của ông Putin, Bộ Ngoại giao cho biết Moscow sẽ tôn trọng giới hạn vũ khí hạt nhân của hiệp ước và Nga sẽ tiếp tục trao đổi thông tin về các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo theo các thỏa thuận trước đó với Hoa Kỳ.

    Theo tường thuật của hãng tin AP, đáp lại tuyên bố của ông Putin, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga và Mỹ quay lại đối thoại ngay lập tức vì “một thế giới không có kiểm soát vũ khí hạt nhân là một thế giới nguy hiểm và bất ổn hơn nhiều”.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken mô tả quyết định đình chỉ hiệp ước New START của Moscow là “thực sự đáng tiếc và rất vô trách nhiệm”. “Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận xem Nga thực sự làm gì,” ông Blinken nói trong khi đi thăm Hy Lạp.


    Đống đổ nát bao phủ lối vào một trường mẫu giáo bị phá hủy ở Avdiivka vào ngày 20 Tháng Mười Hai năm 2022 tại Vùng Donetsk, Ukraine. (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

    Trọng tâm bài diễn văn của ông Putin là cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, chỉ còn vài hôm nữa là tròn một năm. Điều phi lý là ông Putin coi đất nước Nga – và Ukraine – là nạn nhân của thói hai mặt của phương Tây và nói rằng chính Nga, chứ không phải Ukraine, mới đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình. “Chúng tôi không chiến đấu với người dân Ukraine,” Putin nói. “Người dân Ukraine đã trở thành con tin của chế độ Kyiv và các chủ nhân phương Tây của nó, những kẻ đã chiếm đóng đất nước Ukraine một cách hiệu quả.”

    Bài phát biểu nhắc lại một loạt những nỗi bất bình mà ông ta thường đưa ra để biện minh cho cuộc chiến tranh xâm lược bị phần lớn thế giới lên án, đồng thời thề sẽ không từ bỏ biện pháp quân sự.

    Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng Hai năm ngoái bằng cuộc hành quân về phía Kyiv, dường như mong muốn nhanh chóng chiếm được thủ đô Ukraine. Nhưng sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng Ukraine – được hỗ trợ bởi vũ khí phương Tây – đã khiến quân đội Moscow phải rút lui. Trong khi Ukraine đã giành lại nhiều khu vực ban đầu bị Nga chiếm giữ, cuộc chiến đã sa lầy ở những nơi khác.

    Cuộc chiến đã khơi lại sự chia rẽ giữa Nga và phương Tây, củng cố lại liên minh NATO và tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự cai trị của Putin trong hơn hai thập niên.

    Trong bài phát biểu hôm thứ Ba, Putin một lần nữa đưa ra phiên bản lịch sử của riêng ông ta, theo đó Ukraine không phải là một quốc gia độc lập có chủ quyền mà chỉ là một phần của đất nước Nga trong lịch sử. Ông ta bác bỏ lập luận của Ukraine rằng họ cần sự giúp đỡ của phương Tây để ngăn chặn sự xâm lăng của quân đội Nga. Ông đã nhiều lần mô tả sự mở rộng của NATO để bao gồm các quốc gia gần Nga như một mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước của ông.

    “Chính họ [phương Tây] đã bắt đầu cuộc chiến. Và chúng tôi đang sử dụng vũ lực để chấm dứt nó,” ông Putin nói trước cử tọa gồm các nhà lập pháp, quan chức và binh lính và phát sóng trên tất cả các kênh truyền hình nhà nước, bất chấp thực tế chứng minh điều ngược lại.

    Ông Putin cũng cáo buộc phương Tây hủy diệt văn hóa, tôn giáo và các giá trị của Nga. Ông đã công kích quyết liệt các chính sách về giới tính của phương Tây mà ông ta mô tả là những nỗ lực nhằm phá hủy các giá trị “truyền thống”. Về kinh tế, Putin nói các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã “không đạt được bất cứ điều gì và sẽ không đạt được bất cứ điều gì.”

    Putin còn trâng tráo phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào ở Ukraine, ngay cả sau khi lực lượng Nga giội hỏa tiễn và phi pháo vào các mục tiêu dân sự, bao gồm cả bệnh viện và bị nhiều người cáo buộc là tội ác chiến tranh.


    Tại Lâu đài Hoàng gia ở thủ đô Warsaw của Ba Lan, hôm 21 tháng Hai 2023 Tổng thống Joe Biden đọc bài diễn văn quan trọng nhân một năm ngày nổ ra chiến tranh Nga – Ukraine. Ông cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất chấp “những ngày khó khăn và cay đắng phía trước”Ảnh Artur Widak/NurPhoto via Getty Images

    Vài giờ sau bài diễn văn của ông Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang ở Ba Lan một ngày sau chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine, đã có bài phát biểu quan trọng về cuộc chiến tranh ở Ukraine. Ông Biden không đề cập đến việc đình chỉ hiệp ước New START nhưng lên án Putin vi phạm tội ác chống loài người. Ông cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất chấp “những ngày khó khăn và cay đắng phía trước”.

    “Các nền dân chủ trên thế giới sẽ bảo vệ tự do hôm nay, ngày mai và mãi mãi,” ông Biden nói tại Lâu đài Hoàng gia nổi tiếng ở Warsaw trước đám đông người Ba Lan và người tị nạn Ukraine.

    Tuyên bố của Putin không thay đổi chiến lược chiến tranh cho thấy cuộc chiến Ukraine có thể bước sang một giai đoạn mới đầy nguy hiểm, sau khi Ngoại trưởng Blinken cuối tuần qua cảnh cáo Trung Quốc rằng sẽ là một “vấn đề nghiêm trọng” nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga.

    Trung Quốc và Nga đã liên kết các chính sách đối ngoại của họ để chống lại Washington. Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc xâm lược hoặc hành động tàn bạo của Nga đối với dân thường ở Ukraine, trong khi chỉ trích mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moscow. Cuối năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung.

    Phó giám đốc cơ quan tình báo Ukraine, Vadym Skibitskyi, nói với hãng tin AP rằng cơ quan của ông cho đến nay chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang cung cấp vũ khí cho Moscow.

    Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, người đang thăm ở Ukraine và hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết bà ước gì Putin có một cách tiếp cận khác. “Những gì chúng tôi nghe [Putin nói] sáng nay là tuyên truyền mà chúng tôi đã biết,” bà Meloni nói bằng tiếng Anh. “Ông ấy nói (Nga) đã làm việc ngoại giao để tránh xung đột, nhưng sự thật là có những kẻ xâm lược và những người tự bảo vệ mình”.

    Hôm nay thứ Ba 21 tháng Hai 2023, Tổng thống Zelensky cũng đã đón tiếp phái đoàn Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ gồm năm dân biểu đảng Cộng hòa đa số, do Dân biểu Mike McCaul (Texas) dẫn đầu. Ông McCaul cho biết phái đoàn đã có một cuộc trao đổi hiệu quả về những gì mà Ukraine cần để giành chiến thắng. Tổng thống Ukraine đã cung cấp cho phái đoàn một danh sách vũ khí, bao gồm pháo tầm xa và hệ thống hỏa tiễn không đối đất.

    Phái đoàn Cộng hòa Hạ viện đến Kyiv chỉ một ngày sau chuyến thăm bất ngờ và bí mật của Tổng thống Joe Biden chứng tỏ vấn đề yểm trợ Ukraine đang thu hút sự quan tâm sâu sắc của cả hai đảng, cả lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ. Trong lúc một số đảng viên Cộng hòa cực hữu tuyên bố sẽ ngăn chặn viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine trong tương lai, ông McCaul tuyên bố: “Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến đa số các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ sự trợ giúp của Hoa Kỳ đối với Ukraine. Nhưng chính quyền Biden cần vạch ra một chiến lược dài hạn.”

    Không có nhận xét nào