Một trong những nguyên nhân của cuộc chiến mà từ cửa miệng người ta hay nói, là “Nga đánh Ukraine vì Ukraine định vào NATO”. Hoặc có một cách nói khác: “Nếu Nga không đánh Ukraine thì Ukraine sẽ vào NATO.”
Vậy điều này có gì đúng và có gì sai? NATO có muốn kết nạp Ukraine không? Tại sao Putin lại sợ việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu và xa hơn nữa, trở thành thành viên của NATO?
Zbigniew Brzezinski trong cuốn Bàn cờ lớn: Trong mắt thế giới nói chung và trong mắt châu Âu nói riêng, Nga không bao giờ là châu Âu, vì thế, “Nga cần Ukraine để trở thành châu Âu.”
Nhưng nếu Ukraine trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu thì đã là một bước đưa nền độc lập của Ukraine lên một tầm cao mới. Còn nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO, cũng có nghĩa là họ nhận được sự bảo đảm chính thức về an ninh, và nước Nga của Putin có muốn xâm lược họ cũng không được nữa.
Thực tế là, NATO và mở rộng hơn, phương Tây nói chung chưa bao giờ hứa rằng họ sẽ không mở rộng NATO, từ khi Liên Xô sụp đổ. Vậy tai sao lại có câu chuyện này? Bản thân với những người Việt Nam chúng ta cũng thường xuyên nghe thấy trên truyền thông chính thống về câu chuyện đó nhưng hóa ra, nó chủ yếu được trích dẫn từ những phát biểu trên quan điểm chính thống của Nga. Nói chính xác, đó là luận điểm hay “luận điệu” của Putin.
Putin thường xuyên tuyên bố rằng NATO đã lợi dụng điểm yếu của Nga sau sự sụp đổ của Liên Xô để mở rộng về phía đông, vi phạm những lời hứa mà các nhà lãnh đạo phương Tây đã hứa với Mátxcơva. Trong bài phát biểu vào tháng Hai năm 2007 tại Hội nghị An ninh Munich, Putin nói:
“Và chúng ta có quyền đặt câu hỏi: việc mở rộng (NATO) này nhằm vào ai? Và điều gì đã xảy ra với những đảm bảo mà các đối tác phương Tây của chúng ta đưa ra sau khi Khối Hiệp ước Warsaw bị giải thể? … Tôi xin trích dẫn bài phát biểu của Tổng thư ký NATO, ông Woerner tại Brussels vào ngày 17 tháng Năm năm 1990. Ông ấy nói vào thời điểm đó rằng: “việc chúng tôi sẵn sàng không bố trí quân đội NATO bên ngoài lãnh thổ Đức mang lại cho Liên Xô một đảm bảo an ninh vững chắc.” Những đảm bảo này ở đâu?”
Trong bài phát biểu tại Kremli ngày 18 tháng Ba năm 2014 sau sự kiện sáp nhập Crimea, Putin nói: “… họ (các nhà lãnh đạo phương Tây) đã nhiều lần lừa dối chúng tôi, đưa ra các quyết định sau lưng chúng ta, đặt chúng ta trước một sự thật hiển nhiên; điều này sẽ xảy ra với sự mở rộng của NATO về phía đông, cũng như việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự ở biên giới của chúng ta.” Sau đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng nguồn Nga và thân Nga, câu trên không còn nữa mà chỉ còn đoạn Putin nói về viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO:
“Tôi cũng xin nhắc các bạn rằng những tuyên bố đã được đưa ra ở Kiev về việc Ukraine sẽ sớm gia nhập NATO. Tương lai này có ý nghĩa gì đối với Crimea và Sevastopol? Việc một hạm đội NATO xuất hiện tại thành phố vinh quang của quân đội Nga, rằng một mối đe dọa sẽ nảy sinh đối với toàn bộ miền nam nước Nga không phải là một điều gì đó hão huyền mà rất cụ thể. Mọi thứ thực sự sẽ có thể xảy ra nếu không phải nhờ có sự lựa chọn của người Crimea. Xin cảm ơn họ vì điều này.”
Tại sao lại có chuyện những thông tin bị xóa đi như vậy? Hóa ra không có lời hứa nào được đưa ra cho lãnh đạo Liên Xô (và cả Nga sau này!) về việc NATO sẽ không bao giờ mở rộng về phía đông. Điều này đã được xác nhận bởi một người chắc chắn ở địa vị trí có thể biết rất rõ: Mikhail Gorbachev, cựu tổng thống Liên Xô.
Mark Kramer đã tìm hiểu một cách chi tiết và viết lại trong năm 2009 trong ấn phẩm của “The Washington Quarterly”. Ông đã dựa trên các hồ sơ đã được giải mật của Mỹ, Đức và Liên Xô để đi đến kết luận rằng trong các cuộc thảo luận về việc thống nhất nước Đức theo “format” (định dạng) hai cộng bốn (gồm hai nước Đức cộng với Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp), Liên Xô chưa bao giờ đặt ra câu hỏi về việc mở rộng NATO ngoài việc nó có thể áp dụng như thế nào ở Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) cũ.
M. S. Gorbachev hồi đó đã nhận được rất nhiều sự đảm bảo trong “định dạng 2+4” giúp mang lại thỏa thuận dễ dàng hơn cho ông, nhưng không điều nào trong các nội dung thỏa thuận liên quan đến việc có hoặc không được mở rộng NATO ra bên ngoài nước Đức. Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bây giờ, J. Baker đã mang theo một gói “bảo đảm” (hoặc “khích lệ”) chín điểm đến Mátxcơva để đàm phán với Gorbachev và Shevardnadze vào ngày 16 đến 19 tháng Năm năm 1990. Chín điểm đó bao gồm:
(1) Cam kết tổ chức đàm phán về việc cắt giảm mạnh hơn mức độ lực lượng quân sự quy ước ở châu Âu;
(2) Đề xuất bắt đầu đàm phán để cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm ngắn;
(3) Sự tái khẳng định của các nhà lãnh đạo Đức rằng Đức sẽ không sở hữu hoặc sản xuất vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học;
(4) Cam kết tránh bất kỳ sự triển khai nào của NATO ở miền đông nước Đức trong một giai đoạn chuyển tiếp cụ thể;
(5) Dành giai đoạn chuyển tiếp hợp lý để rút toàn bộ quân đội Liên Xô khỏi lãnh thổ Đức;
(6) Cam kết cải tổ NATO để “tính đến những thay đổi đã xảy ra ở châu Âu”;
(7) Cam kết giải quyết mọi khúc mắc về biên giới nước Đức trước khi thống nhất;
(8) Cam kết nâng cao vai trò của CSCE (Commission on security and cooperation in Europe – Ủy ban an ninh và hợp tác châu Âu.)
(9) Khuyến khích “thúc đẩy thỏa đáng quan hệ kinh tế của Liên Xô với Đức”.
Thậm chí hồi đó, quan điểm của NATO đối với trật tự mới của châu Âu sẽ là:
“Nhiệm vụ chính của thập kỷ tới sẽ là xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu mới, bao gồm Liên Xô và các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw. Liên Xô sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống như vậy. Nếu bạn xem xét tình trạng khó khăn hiện tại của Liên Xô vốn thực tế không còn đồng minh nào, thì bạn có thể hiểu mong muốn chính đáng của họ là không bị buộc rời khỏi châu Âu.” – Đây là trich đoạn lời phát biểu của Tổng thư ký NATO Manfred Wörner khi đến thăm Đại học Bremer Tabaks.
Chưa dừng lại ở đó, ông Manfred Wörner còn khẳng định việc “nước Đức phải trở thành thành viên chính thức của NATO” nhưng trên cơ sở quan hệ của NATO với Liên Xô là “Chúng ta muốn quốc gia đó trở thành đối tác của chúng ta trong việc đảm bảo an ninh. Mặt khác, chúng ta hy vọng Liên Xô không coi chúng ta là một hiệp ước quân sự chống lại họ hoặc thậm chí đe dọa họ. Thay vào đó, chúng ta mong muốn Liên Xô coi Liên minh của chúng tôi là một công cụ ổn định cởi mở và hợp tác trong một hệ thống an ninh chung của châu Âu...” (Phát biểu ngày 17 tháng Năm năm 1990).
Khoảng sau năm 2010, có một cuộc phỏng vấn cựu tổng thống Liên Xô, M. S. Gorbachev của “Russia behind the Headlines” về các cuộc thảo luận và đàm phán hiệp ước liên quan đến việc thống nhất nước Đức. Người phỏng vấn hỏi tại sao Gorbachev không “khẳng định rằng những lời hứa với ông (Gorbachev) – đặc biệt là lời hứa của Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker rằng “NATO sẽ không mở rộng sang phía Đông” được chính thức giải mật?”
Gorbachev đã trả lời: ““Chủ đề 'mở rộng NATO” hoàn toàn không được thảo luận và nó không được đưa ra trong những năm đó… Một vấn đề khác mà chúng tôi đưa ra và đã được thảo luận là “đảm bảo rằng các cấu trúc của NATO sẽ không phát triển và các lực lượng vũ trang bổ sung sẽ không được triển khai trên lãnh thổ của CHDC Đức (cũ) sau khi nước Đức đã được thống nhất. Tuyên bố của Baker là được đưa ra trong bối cảnh đó… Đó là mọi thứ có thể và cần phải làm để thực hiện nhiệm vụ chính trị đó và chúng đã được thực hiện. Và (chúng đã được) hoàn thành.”
Theo những ký ức của tôi, một thanh niên ở độ tuổi đôi mươi quan tâm đến tình hình quốc tế hồi đó, nhưng lại từ góc độ... ủng hộ Liên Xô, khối xã hội chủ nghĩa và coi đó là chỗ dựa của Việt Nam, chúng tôi không khỏi lo lắng. Tuy vậy các thông tin chủ yếu thông qua báo đài trong nước đến với người dân Việt Nam đã đánh tan những sự lo lắng đó. Qua truyền thông nước nhà, việc “phương Tây cam kết không mở rộng NATO sang miền đông nước Đức” biến thành “phương Tây cam kết không mở rộng NATO về phía đông.”
Sau này khi Liên Xô đã sụp đổ, đặc biệt là từ thời V. Putin lên làm tổng thống thì mệnh đề trên trở thành “phương Tây cam kết không mở rộng NATO về phía đông và cả trong việc kết nạp các nước Liên Xô cũ.” Điều này có một chỗ rất chênh vênh nhưng đã bị lờ đi. Đầu tiên là việc các nước xã hội chủ nghĩa cũ thuộc khu vực Đông Âu được kết nạp vào NATO: C.H. Séc, Slovakia, Ba Lan... Sau đó điều đáng nói hơn cả, là ba nước cộng hoà cũ của Liên Xô vùng Baltic cũng trở thành thành viên của Liên minh quân sự này. Vậy tại sao Nga của Putin không gây chiến chống NATO, thậm chí chỉ ở mức độ phản đối?
Vì đã bao giờ tồn tại một cam kết như vậy đâu cơ chứ! Cam kết đó nói thẳng thừng là, do Putin bịa ra, nhưng nhiều lần nhắc đi nhắc lại thì nó thành sự thật, ít nhất với chúng ta là những người ít được tiếp cận với thông tin cấp cao. Nếu nhìn lại, Cộng hoà Séc gia nhập NATO năm 1999, năm 2004 bảy quốc gia Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia trở thành thành viên chính thức. Đó là thời gian “hòa hoãn” trong quan hệ Nga – phương Tây thậm chí với tiến trình “Đối thoại Nga – NATO” người ta đã hoàn toàn có thể hi vọng được vào một thiết chế an ninh mới với quan hệ đối tác của Nga với NATO. Ở thời của tổng thống Barrack Obama những người theo chủ nghĩa lạc quan còn cho phép mình hồ hởi tin vào một thiết chế chính trị mới trong sự gia nhập Liên minh châu Âu của Nga và vài nước Liên Xô cũ như Belarus và Ukraine.
Chúng ta nhận ra thế giới biết rất rõ về “có hay không có cam kết” trong việc NATO mở rộng sang phía đông. Điều đó thể hiện ra ở việc trao quy chế “Kế hoạch hành động thành viên” cho Bosna và Hercegovina. Tiếp theo, Gruzia, được mệnh danh là “quốc gia mong mỏi” gia nhập NATO tháng 12 năm 2011. Ukraine cũng đã được công nhận là một “quốc gia mong mỏi” sau cuộc cách mạng Maidan năm 2014. Nếu có các “cam kết” đó thì sẽ chẳng bao giờ các quốc gia trên được trao các quy chế đó cả.
Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine còn cho chúng ta lời khẳng định hùng hồn nữa: vào năm 2022, NATO đã ký các giao thức với Thụy Điển và Phần Lan về việc gia nhập của họ sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Té ra, không phải là “NATO mở rộng” mà chính là quá trình các quốc gia ùn ùn xin gia nhập Liên minh để được bảo vệ...
PHÚC LAI 31.01.2023
Không có nhận xét nào