Nguồn hình ảnh, STEVE WAKEHAM Chụp lại hình ảnh,
Các chuyên gia đang cố gắng tìm hiểu xem một số món đồ từng được dùng vào việc gì
Một lượng lớn đồ trang sức thời Angkor của Campuchia, trong đó có những món có niên đại từ thế kỷ 7, đã xuất hiện trở lại ở London hồi mùa hè năm ngoái.
Những món đồ bị đánh cắp này thuộc về tay buôn lậu đồ cổ người Anh Douglas Latchford.
Các chuyên gia cho biết họ chưa từng nhìn thấy hầu hết những món đồ trang sức này và vô cùng sửng sốt trước sự tồn tại của chúng.
Bộ sưu tập đã được bí mật đưa trở lại thủ đô Phnom Penh và sẽ được trưng bày tại bảo tàng quốc gia của Campuchia.
Latchford qua đời vào năm 2020 khi đang chờ ra hầu tòa ở Mỹ. Gia đình ông ta hứa sẽ trả lại bộ sưu tập những món đồ bị đánh cắp mà ông ta nắm giữ cho Campuchia sau khi ông ta chết, nhưng giới chức không biết đích xác những gì đã được bàn giao cũng như việc bàn giao đã diễn ra thế nào.
Brad Gordon, người đứng đầu nhóm điều tra của Campuchia, đã trở thành đại diện đầu tiên của quốc gia này nhìn thấy các món đồ trang sức khi ông đến London vào mùa hè năm ngoái.
Ông nói với BBC: "Tôi được một đại diện của gia đình Latchford lái xe đưa đến một địa điểm không được tiết lộ. Trong bãi đậu xe có một chiếc xe với bốn chiếc hộp bên trong.
"Tôi cảm thấy muốn khóc. Tôi chợt nghĩ - chao ôi - những viên ngọc quý của nền văn minh Campuchia cổ đại được chất trong bốn chiếc hộp ở phía sau một chiếc xe hơi."
Khi tất cả được mở ra, bộ sưu tập mới được tìm thấy gồm 77 món đồ trang sức bằng vàng và đá quý, bao gồm các vương miện, thắt lưng và hoa tai. Có một chiếc bát lớn được cho là có niên đại từ thế kỷ 11, làm từ vàng nguyên khối, tuy vẫn chưa được giám định. Các chuyên gia tin rằng nó có thể đã được dùng làm bát ăn cơm của hoàng gia Angkor.
Nguồn hình ảnh, Getty Images Chụp lại hình ảnh,
Có thể một số món đồ trang sức trong bộ sưu tập này đã bị cướp đi từ các đền chùa như Angkor Wat
Các chuyên gia tin rằng một trong những chiếc vương miện dường như có từ thời kỳ tiền Angkor và có thể được làm bởi các nghệ nhân vào thế kỷ 7.
Các món đồ khác, trong đó có một bông hoa được chạm trổ, vẫn còn là điều bí ẩn. Các chuyên gia chỉ đơn giản là không biết tại sao nó được tạo ra hoặc nó được sử dụng như thế nào.
Vẫn chưa rõ chính xác làm thế nào và khi nào mà những món đồ trang sức này bị bị đánh cắp, và làm thế nào chúng đến được London.
Nhiều hiện vật có thể là bị lấy đi từ các tác phẩm chạm khắc trên đá trên các bức tường của Angkor Wat, Di sản Thế giới của Unesco.
Là tượng đài tôn giáo lớn nhất thế giới, công trình này bắt đầu được xây dựng vào năm 1122 như một sự cống hiến cho Thần Vishnu của đạo Hindu, mặc dù vài thâp niên sau đó, công trình này đã chuyển đổi thành một ngôi đền Phật giáo.
Angkor Wat bị cướp phá nặng nề trong thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, nhiều đền chùa khác của Campuchia đã bị cướp phá trong thời Khmer Đỏ, hồi thập niên 1970, và tình trạng hỗn loạn đó vẫn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ.
Nhà khảo cổ học Sonetra Seng đã nghiên cứu đồ trang sức của người Angkor trong nhiều năm bằng cách kiểm tra các hình chạm khắc trong đền thờ. Bà tin rằng chúng là đồ thật.
"Những đồ trang sức này chứng minh những gì được chạm khắc trên đó và những gì được đồn đại là thực sự đúng. Campuchia trong quá khứ thực sự rất giàu có," bà nói. "Tuy nhiên, tôi vẫn không thể tin được, đặc biệt là chuyện chúng đều thuộc về một bộ sưu tập được tìm thấy ở nước ngoài."
Chụp lại hình ảnh,
Nhà khảo cổ Sonetra Seng nhận ra một số món đồ trang sức từ việc kiểm tra các hình chạm khắc trong đền chùa
Một số món đồ trang sức đã từng xuất hiện trước đó; Douglas Latchford đã nói về năm hiện vật từ bộ sưu tập vào một cuốn sách có tựa đề Khmer Gold mà ông viết cùng Emma Bunker vào năm 2008.
Chuyên gia về cổ vật Khmer Ashley Thompson mô tả cuốn sách này và hai cuốn khác giống như những tờ quảng cáo bán hàng công phu, mang đến cho các nhà sưu tập tư nhân một trải nghiệm thú vị về những gì đã được bán bất hợp pháp đằng sau hậu trường.
“Xuất bản những tài liệu này, mời các học giả khác đóng góp và so sánh các vật phẩm với các tác phẩm của bảo tàng là một cách để xác nhận chúng và liên kết chúng với các tài liệu đã biết trong bảo tàng và nâng cao giá trị của chúng một cách hiệu quả,” bà giải thích.
Bà Thompson, giáo sư về nghệ thuật Đông Nam Á từ trường SOAS thuộc Đại học London, cho biết các chuyên gia sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm ra nguồn gốc thực sự của những món đồ trang sức mới được phát hiện vì cuốn sách chứa quá nhiều sự thật nửa vời.
Nguồn hình ảnh, STEVE WAKEHAM Chụp lại hình ảnh,
Có 77 món đồ được tìm thấy, trong đó có một số món được làm từ vàng nguyên khối
Giới chức Campuchia tin rằng vẫn còn nhiều món đồ trang sức khác của thời Angkor vẫn chưa được tìm thấy. Campuchia có bằng chứng từ các thư điện tử của Latchford cho thấy ông ta đã cố gắng bí mật bán bộ sưu tập từ một nhà kho ở phía bắc London hồi cuối năm 2019.
Chúng tôi đã hỏi Cảnh sát Đô thành London liệu các cộng sự của Latchford ở Anh cũng đang bị điều tra hay không. Họ từ chối bình luận và nói họ không xác định có người nào đang bị điều tra trước khi người đó bị cáo buộc hình sự.
Năm ngoái, BBC đã tới Campuchia để gặp gỡ những kẻ cướp bóc đã trở thành nhân chứng của chính phủ, những người đã xác định những món đồ mà họ nói rằng họ đã lấy trộm từ các ngôi đền và bán cho Latchford. Một số món đồ đó đã được các nhà điều tra đối chiếu với những món đồ bảo tàng hiện đang nằm trong các tổ chức uy tín của Anh, như Bảo tàng Anh quốc và V&A.
Hiện tại, sự trở lại của bộ sưu tập sẽ được chào đón bởi nhà lãnh đạo độc đoán của đất nước, Hun Sen. Cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng Bảy, và vì đảng cầm quyền của ông đã triệt tiêu phe đối lập một cách hiệu quả, nên diễn biến này sẽ được coi là điều Hun Sen làm vì lợi ích của nhân dân.
Gạt chính trị sang một bên, người dân Campuchia bình thường muốn lấy lại tất cả những món đồ đã bị cướp đi. Sau nhiều thập kỷ bị giấu trong những chiếc hộp bụi bặm, chúng sẽ sớm được trưng bày trước côbng chúng ở Phnom Penh, cho phép những món đồ trang sức này một lần nữa tỏa sáng.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0k7p49nn59o
Không có nhận xét nào