Nhiều đồi keo đã bị sạt lở mất đất, phá vỡ hệ sinh thái rừng.
“Đếm cuộc đời bằng những mùa keo”, đó là một trong những điều tôi học được trong chuyến về quê vừa rồi, như là hệ lụy của cuộc phản-cách-mạng-xanh sẽ khiến chúng ta tiếp tục tụt hậu, y như Trung Quốc từng bị thế vào cuối thế kỷ 18, vì củ khoai lang.
“Phản-cách-mạng-xanh”, xin nói ngay, là cách dụng từ của tôi nhưng tôi không hề có ý sách động thù hận. Tôi yêu màu xanh. Tôi đứng về phía những nhà môi sinh. Và tôi ủng hộ những cuộc cách mạng xanh nhưng cái màu xanh của giống thực vật ngoại lai mang tên keo kia đang hủy hoại không-thời gian sinh tồn của chúng ta, đang kềm chân khiến chúng ta không thể vượt qua cái bẫy mà các nhà kinh tế học gọi là “thu nhập trung bình”, hệ quả từ việc an phận, không chịu cải tổ, nhắm mắt sống bám vào tài nguyên và bắp thịt giá rẻ.
Nhưng đầu tiên là keo, như một bản vị thời gian. Từ một mâm nhậu tại gia với mấy chai rượu trắng cho đến một nhà hàng chợ quê lăn lóc đầy vỏ bia trên nền xi măng nhớp nhúa hay một quán cà phê mù mịt khói thuốc, đâu đâu cũng loáng thoáng nghe được cái điệp khúc về chu kỳ đẵn gỗ đếm tiền. Hẹn nhau, thách đố nhau cái gì đó trong tương lai, những nông dân rủng rỉnh tiền trong túi và thô cứng trong phong thái thị dân tập sự bao giờ cũng mang keo ra làm bản vị, ngắn thì hẹn “một mùa keo nữa”, dài hơn thì đến hai, ba hay những bốn, năm mùa.
Thời gian đã được chuẩn định bằng đời keo thì không gian cũng biến dạng theo và tôi thảng thốt nhớ lại cái nỗi lòng tê tái của Nguyễn Văn Tý đâu gần bốn mươi năm trước, khi nhạc sĩ này rưng rưng “Nuối tiếc một cành sim”. Chỉ là mấy chữ trong một ca khúc thuộc loại địa phương ca thôi, thứ nhạc đặt hàng nhưng nhạc sĩ tài hoa này đã bần thần tiếc nuối khi hình ảnh con chim bay về “đậu trên cành sim chín” bị Tỉnh ủy Nghệ-Tĩnh (?), trong vai trò chủ đơn hàng, đề nghị nên lạc quan hơn, nên hình dung ra một ngày không xa khi những công trình thủy lợi đã hoàn tất, những đồi sim được cải tạo trở thành những đồi dâu để nuôi tằm dệt lụa. Cực chẳng đã, con chim đành phải bay về đậu trên “cành dâu chín” để tác giả, nhiều năm sau đó, khi quay lại chốn cũ, bẽ bàng nhìn khung cảnh y như cũ “dâu nào đâu thấy, chỉ thấy những đồi sim” mà lòng bồi hồi, nuối tiếc cho cành sim đã bẻ. [1]
Có tiếc cành sim, lúc ấy Nguyễn Văn Tý chỉ tiếc một hình tượng nghệ thuật còn bây giờ thì ai có đủ “lòng” để tiếc khi bao nhiêu là đồi sim – và bao nhiêu cánh rừng tự nhiên khác – bị keo nuốt chửng để loài chim mất hẳn nơi ngừng cánh mỏi? Sim đã hầu như tuyệt chủng và, còn chăng, chỉ lác đác đâu đó trong những chậu bonsai như một thứ của hiếm và tôi chợt nghĩ đến những thế hệ ngơ ngác sau này khi đọc “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan hay “Anh lùa bò vô đồi sim trái chín” của Bùi Giáng: để mường tượng nên màu sim thì, âu, đành phải mượn tới màu tím của nho thôi.
Kể ra thì núi đồi – cả những đồi trọc trơ trơ đất đỏ – đang um lên màu xanh nhưng đó lại là một thứ “phản-cách-mạng-xanh”. Hình dung cái sắc xanh gân guốc hay mướt mát đậm đà của những đồi sim cằn cỗi hay rừng rậm như là chén canh súp đậm đà hương vị tự nhiên thì cái màu xanh xốp xáp của keo chỉ trơ trẽn là tô nước ấm vứt thêm chút bột ngọt và vài ba giọt hương liệu nhân tạo rẻ tiền thế thôi. Sự thay đổi này, nói theo Bùi Giáng, cũng từa tựa sự thay đổi từ “hồng quần” đến “quần hồng” và, thậm chí, đến cả “cái quần đỏ tươi”, sau một cuộc cách mạng long trời lở đất.
“Hồng quần” là chữ của Nguyễn Du: “Phong lưu rất mực hồng quần”, một hình tượng mà Bùi Giáng cho là kỳ dị bởi, dù được sử dụng như là biểu tượng đàn bà, chẳng ai ngô nghê đến độ dùng “đàn bà” thay nó. “Phong lưu rất mực đàn bà” nghe đã ngô nghê nhưng sẽ ngô nghê không kém nếu đảo ngược “Phong lưu rất mực quần hồng”. Bùi Giáng còn giễu “ngôn ngữ tèm nhem” của René Crayssac, người dịch Truyện Kiều sang Pháp ngữ, khi câu trên trở thành “La coutume chinoise, un rouge pantalon” để rồi Võ Phiến còn đẩy đi xa hơn. Võ Phiến tưởng tượng nên một cuộc “cách mạng” có thể hủy diệt tất cả, khiến cả Truyện Kiều mất hẳn dấu vết để rồi, sau đó, khi cách mạng qua đi, thế hệ sau chỉ có thể khôi phục từ bản dịch của Crayssac và, đến lúc này, cái câu “Phong lưu rất mực hồng quần” thất truyền sẽ tái sinh từ tiếng Pháp trong một hình thức còn ngô nghê hơn nữa: “Mặc theo lối xẩm cái quần đỏ tươi.”[2]
Hẳn nhiên, chưa có một cuộc cách mạng nào triệt để đến thế, kể cả “đại cách mạng văn hóa vô sản” của Mao nhưng chắc chắn cái cuộc “phản-cách-mạng-xanh” đang diễn ra này sẽ khiến không gian sinh tồn của vùng nông thôn và miền núi của chúng ta biến đổi như thế. Nếu cuộc siêu cách mạng tưởng tượng nên có thể biến “hồng quần” thành “cái quần đỏ tươi” thì giống thực vật ngoại lai này lại đang khiến môi trường bị biến dạng với những hậu quả nhãn tiền tương tự. Trên cao thì keo – giống cây thẳng chiếc như đũa – đã đuổi chim bay đi hết vì không còn chỗ đậu còn dưới thấp thì keo đã tận diệt những loài bò sát như rắn nước. Keo hút cạn khe suối với chùm rễ cạn nhưng dày đặc, hút nước như những cái máy bơm, hút cạn cả những giếng sâu trong mùa khô. Keo mọc đến đâu thì đất đai khô khốc và không khí nóng lên tới đó. Keo khiến những loài cây khác không thể ngóc đầu mà, vạn nhất, có trụ được, như những cây bản địa đã trụ vững bao năm, như cây bồ quân đầy gai góc thể hiện khả năng chịu đựng chẳng hạn, cũng phải chào thua, chịu lép như là bị hoạn, không thể nào đâm quả.[3]
Hủy hoại môi trường khiếp thế nhưng keo, như là nguyên liệu bán cho nước ngoài làm bột giấy, lại ăm ắp tiền tươi. Rễ keo làm khô cạn khe suối nhưng gỗ keo lại tràn trề những suối bia suối rượu với những tiếng “vô vô” rôm rả cuối xóm đầu làng khi những cuộc nhậu ngày càng dài hơn, với tần số dày đặc hơn. Keo đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Xe máy, xe hơi, nhà cao cửa rộng, lộng lẫy hay lòe loẹt, cùng những dàn karaoke công suất lớn inh ỏi cả không gian làng và, chợt, những nông dân từng một đời bán mặt cho đất mà vẫn hoài túng thiếu, trở nên mãn nguyện và đắc ý: “cơ đồ chưa bao giờ được như thế này” hay, “đời được thế thì còn đòi gì hơn nữa”. Dưới đã mãn nguyện với những mùa keo thì trên cũng yên lòng với cái “tư duy nhiệm kỳ” hay, thậm chí, cao hơn là “tư duy đại hội”, không nhìn xa hơn cái sổ hưu hay sự “hạ cánh an toàn” của mình một ly. Tình thế, xem ra, cũng là một mối quan hệ cộng sinh bởi dưới có tự mãn thì trên mới an tâm nên, do đó, bất chấp cái giá phải trả, phải giữ nguyên cái status quo, cái tình thế “ổn định” hiện tại mà, suy cho cùng, cái mô thức sống bám vào tài nguyên sẵn có và mồ hôi giá rẻ!
Và tôi nghĩ đến củ khoai lang, với người Trung Quốc!
Đi đầu nhân loại, người Trung Quốc đã sớm thực hiện nhiều phát minh kỹ thuật và chứng tỏ cả “tinh thần tư bản”, thế nhưng cách mạng khoa học, cách mạng kỹ thuật và cách mạng kinh tế-sản xuất vẫn không diễn ra, cũng vì cái củ khoai này.
Khoai lang, ở đâu trên thế giới, Trung Quốc hay Việt Nam, đều có chung một tổ tiên từ một ngọn núi tại Chile và, từ bờ Tây của Nam Mỹ, người Tây Ban Nha đã mang khoai đến những thuộc địa khác của mình. Theo dật sử Trung Quốc thì cuối thế kỷ 16, khi đến Philippines buôn bán, thương nhân Trần Chân Long (Chen Zhenlong) tình cờ phát hiện ra khoai nên tìm mọi cách ăn cắp mang về. Bất chấp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền thuộc địa tại đây để bảo vệ độc quyền, họ Trần vẫn có thể qua mặt bằng cách vừa ngụy trang những sợi dây khoai như là dây thừng, vừa hối lộ các viêc chức quan thuế người Tây Ban Nha. Phần lớn đã bị khô héo trong chuyến hải hành, chỉ một sợi sống sót nhưng thế là đủ và, dần dà, lọai cây lương thực dễ tính, không đòi hỏi hệ thống dẫn nước này được cộng đồng người Hẹ (Hakka) ở Phúc Kiến phát triển để sau đó trở thành vị cứu tinh cho cả vùng trong nạn đói.[4]
Đó là câu chuyện mà người Trung Quốc lưu truyền, còn theo sử gia Mark Elvin, trong cuốn The Pattern of the Chinese Past, thì đến gần cuối thế kỷ 18, khi dân số vượt qua con số 300 triệu, Trung Quốc lại đối diện với một thách đố mới: phải tiến hành một cuộc cách mạng để cải tổ nền sản xuất và hình thái kinh tế để có thể nuôi sống chừng đó con người. Nhưng cũng lúc này thì các giống hoa màu như khoai lang cùng khoai mì, bắp hay đậu phộng có gốc gác Nam Mỹ đã phổ biến khắp Hoa lục và tự dưng, đất đai vẫn được xem là vô dụng từ ngàn năm qua đã trở nên hữu dụng và chúng đã giải toả những áp lực cải tổ. Chính củ khoai lang – cùng với khoai mì, bắp và đậu phụng – đã khiến Trung Quốc bị “hụt hơi”, tuột mất một cơ hội để tiến hành một cuộc cách mạng trong kỹ nghệ, sản xuất![5]
Trước Công Nguyên, vào thế kỷ thứ ba, người Trung Quốc đã đúc được lưỡi cày và đến thế kỷ thứ nhất thì phát minh ra la bàn. Sau Công Nguyên thì họ phát minh ra giấy vào thế kỷ thứ nhất, lò luyện thép vào thế kỷ thứ tư, thuốc súng vào thế kỷ thứ tám. Ðến thế kỷ thứ mười thì Trung Quốc đã phát triển đến mức cực thịnh, đứng hàng đầu trên thế giới và trong khi người Âu Châu hãy còn ghi chép trên những mảnh da dê thì họ đã biết sử dụng máy in, biết phát hành tiền giấy và thiết lập những phương tiện tín dụng, một hình thức ngân hàng thuộc hàng cổ xưa nhất.
Lúc đó họ đã phát minh ra bàn tính và đồng hồ nước. Họ cũng hoàn thiện nghề dệt và xây dựng những hạ tầng cơ sở để sửa chữa tàu thuyền trên cạn. Những dấu hiệu của một hoạt động kỹ nghệ với quy mô sản xuất hàng loạt đã manh nha với những công binh xưởng lớn sản xuất hơn 16,5 triệu đầu mũi tên sắt mỗi năm cũng như xưởng đúc súng thần công.
Đó là đời Tống (960-1279), thời mà quá trình đô thị hoá đẩy mạnh với những thị tứ có hơn 20000 nóc nhà và một con số nhiều hơn những đô thị có 10000 nóc nhà. Trong khi đó thì cả Châu Âu chỉ có được 4 thành phố có dân số xấp xỉ 10000 người, hết thảy đều tập trung tại Ý. Âu Châu vào thế kỷ 11, theo những sử gia, là một vùng đất của nền kinh tế nông nghiệp với mhững nông dân mù chữ và mức sống cực thấp. Máy in, được xem là một phát minh mang tính cách mạng đã thúc đẩy những sinh hoạt trí thức Âu Châu, chỉ được Gutenberg thực hiện chậm hơn ba thế kỷ (1455-56) so với người Trung Quốc. Kỹ thuật hàng hải cũng phát triển và vào đời Minh, Trịnh Hoà đã vượt qua Hảo Vọng Giác để dong buồm dọc theo bờ biển Tây Phi: trong cả bảy chuyến hải hành kéo dài từ năm 1405 đến 1433, họ Trịnh đã hai lần vượt qua mũi Hảo Vọng để chạy dọc theo bờ biển Tây Phi (1417-19 & 1421-22), trước chuyến đi Tân Thế Giới của Christoper Columbus (1493) khá xa.
Thậm chí, cả ý niệm cổ điển và căn bản nhất của chủ nghĩa tư bản là laissez-faire, theo một số sử gia, cũng được vay mượn từ Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử.
Với Lão Tử thì tự nhiên là biểu hiện của một trật tự hài hoà, tối hảo, do đó nếu muốn hướng đến một trật tự như thế thì con người không nên can thiệp vào những quy luật của tự nhiên. Vô vi, ấy là chiều theo, là buông thả theo những quy luật của tự nhiên trong khi laissez-faire là thả lỏng, để tự thân nền kinh tế điều chỉnh theo những quy luật riêng thị trường, diễn tả như một “bàn tay vô hình”. Adam Smith đã nêu ý tưởng này trong cuốn An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, xuất bản năm 1776, bộ sách kinh điển của chủ nghĩa tư bản, cổ xuý cho một chế độ kinh tế tự do, chính quyền càng ít can thiệp chừng nào sẽ tốt hơn chừng đó.
Từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18 – tức khoảng nửa sau triều nhà Minh và nửa đầu triều nhà Thanh – giữa lúc Châu Âu còn tối tăm và chia cắt trong trong mô thức phong kiến kiểu lãnh địa thì những nhà truyền giáo Âu Châu đã ngạc nhiên nhìn thấy hiệu năng của một hệ thống kinh tế tương đối tự do, ít bị ngăn trở bởi những ràng buộc phường hội hay biên giới lãnh địa như Âu Châu. Người Trung Hoa giải thích điều đó như là “vô vi”, là tránh không can thiệp quá nhiều mà hãy để tự nhiên tự định đoạt lấy. Khái niệm này được triết gia Pháp François Quesnay – người được mệnh danh “Khổng Tử Âu Châu” – dịch sang tiếng Pháp là laissez-faire vào năm 1758 và chính Quesnay, theo nhiều sử gia, cũng là người đã hướng dẫn Smith, được chính tác giả này gọi là “mentor” của mình trong lời đề tặng in ở đầu của bộ sách kinh điển nói trên.
Nghĩa là Trung Quốc đã hội đủ những điều kiện để bứt phá và vươn lên nhưng tại sao cách mạng kỹ nghệ hay cách mạng sản xuất không thể diễn ra? Lời giải đáp bao hàm nhiều yếu tố khác nhau nhưng, trước hết, cần chú ý rằng tập hợp một mớ những phát minh kỹ thuật không làm nên một cuộc cách mạng kỹ nghệ. Ðể nâng thành một sức mạnh tổng lực thì tinh thần phát minh đó phải được thúc đẩy và kích thích bởi những nhu cầu xã hội mang tính vĩ mô và được khuyến khích trong một môi trường xã hội - văn hoá cởi mở. Ở Trung Quốc, những yếu tố như thế không có, hay không đủ mạnh.
Và, trong đề tài này, như đã nói, cái nhu cầu vĩ mô bùng lên vào cuối thế kỷ 18 đã bị củ khoai lang tháo ngòi. Áp lực cải cách đã bị giải toả thì thôi, không cần cải tổ, chỉ vác cuốc ra xới đất trồng khoai hay bắp là xong. Dưới, người bình dân trồng khoai để có cái cho vào mồm, trên thì hệ thống cai trị thở phào rằng dân đã đầy bụng, khỏi phải sợ họ làm loạn vì đói. Dân đã đếm cuộc đời bằng những mùa khoai thì trên quan lại đếm cuộc đời bằng những dịp thăng quan và thế là yên, là đủ.
Điều này, rõ ràng, cũng đang diễn ra trên quê hương chúng ta khi mà, từ người nhà nước đến người bình dân, ai cũng đắc ý và mãn nguyện bởi “cơ đồ” có bao giờ được như thế này: thế là yên, là đủ, chỉ cần phá rừng trồng keo là đầy đặn cơ đồ. Nhưng sức đất có hạn và liệu đất của chúng ta sẽ chịu đựng được bao nhiêu mùa keo nữa? Đó đây, giới môi sinh đang la toáng về những hệ lụy từ nông nghiệp độc canh nhưng cây keo thì, còn khủng khiếp hơn, là lâm nghiệp độc canh, là cả một không gian sinh tồn và cái giá của việc đảo lộn cân bằng sinh thái này sẽ là bao nhiêu? Giữa những thông tin về các vụ lỡ đất đó đây như là hậu quả nhãn tiền từ cuộc “phản-cách-mạng-xanh”, tôi mơ hồ nghĩ đến cái ngày mà thiên nhiên của chúng ta tàn tạ, tan nát, để từ hình tượng đẹp đẽ duyên dáng của “hồng quần” trơ lại như một thứ “quần đỏ tươi”![6]
Nên tôi cực kỳ bi quan, từ cái màu xanh xốp xáp của những trại keo ngút ngàn đồi núi tôi mơ hồ nhìn ra cả một màu đen tăm tối hay sắc trắng tang tóc cho mai hậu. Tội nghiệp cho thế hệ ngày sau của chúng ta quá. Rồi đây chúng sẽ thừa hưởng một đất nước tàn tạ, tan hoang nhưng phải è cổ ra với những món nợ khổng lồ chỉ vì cha ông chúng đắc ý, mãn nguyện và vô hậu. Cha ông chúng mãn nguyện với những mùa keo. Cha ông chúng đắc ý với mớ tiền tươi hăng hăng mùi mồ hôi. Và cha ông chúng vô hậu với những khoản vay vô tội vạ.
Nhưng không chỉ vay nợ để mặc con cháu gánh trả mới là vô hậu, cái tiếng chửi mà – theo những người Huế khét tiếng chửi hay, có âm điệu và bài bản – là độc địa nhất, ác nghiệt nhất. Chính việc phá tan hay cho phép phá tan những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn để trồng keo cũng là một hành vi vô hậu bởi, thực chất, cái bọn phá sơn lâm cổ áo xanh hay cổ cồn này đã vay mượn của thiên nhiên rồi để mặc cho con cháu ngày sau phải trả!
Chú thích & tham khảo:
[1] Bài viết “Tiếc nuối một cành sim” của Nguyễn Văn Tý, đăng trên tạp chí của Hội Nhạc sĩ vào giữa thập niên 1980.
Tôi thuật lại theo trí nhớ, không thể đoan chắc rằng có phải đây là bài “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, trong có câu “Nghe xuân sang chim đâu bay đến /đậu cành sim chín, chín mọng vườn đồi”?
[3] Đây là ghi nhận từ quan sát của chính tôi, từ tường thuật của những nông dân “sống chung với keo”, đã kiểm chứng với ý kiến của giới chuyên môn:
[5] Elvin, Mark (1973), The Pattern of the Chinese Past. California: Stanford University Press.
Không có nhận xét nào