Header Ads

  • Breaking News

    Lê Bá Vận. Giải mã thân thế Hồ Chí Minh

    Phần 1 và phần 2.




    “Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng - Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, mắt như sao râu hơi dài…” (Tác giả : Phong Nhã 11/1945).
    -------
    I) BÍ ẨN THÂN THẾ.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM) là nguyên thủ quốc gia cọng sản duy nhất có lai lịch bí ẩn cho đến nay vẫn chưa được giải mã. Xác ướp nằm trong lăng Ba Đình được tôn thờ có đúng là xác của Nguyễn Ái Quốc/Lý Thụy… ngày 13/8/1942 lần đầu tiên lấy tên HCM đại diện Việt Minh sang Tàu họp việc?

    Mọi thắc mắc của nhân dân là hợp lý. Người dân kính ngưỡng Bác là chủ tịch nước, ước mong thân thế Bác được minh bạch hóa song chỉ gặp toàn thất vọng.

    Chủ tịch HCM giấu kín quá khứ, xuất hiện dưới nhiều tên nên không dễ gì theo dõi gốc gác của ông.

    Báo L’Humanité (Nhân Đạo) cơ quan trung ương của đảng cọng sản Pháp, năm thứ 29, số 12292, ngày thứ ba 09/08/1932 đã đăng tin và chia buồn về Nguyễn Ái Quốc (NAQ), sáng lập viên kiên cường của Đảng cọng sản Đông Dương đã từ trần vì bệnh lao phổi tại bệnh xá nhà tù ở Hong Kong.

    Từ năm 1932 NAQ ẩn danh, đến năm 1938 mới thấy ló dạng.

    Như vậy NAQ sau này là giả mạo?

    Điều này nếu đúng thì việc giả mạo thi công cũng đơn giản và cần tiến hành vì NAQ còn có giá trị sử dụng. NAQ tuy cấp bậc thứ yếu, ít người biết đến, chết gây tiếng vang nhỏ chóng tắt, được hồi sinh triển vọng tiền đồ vẫn u ám, song Quốc Tế Cọng Sản (QTCS) cần trù hoạch mọi bước đi.

    Mặt khác các đồng chí qua Tàu không nhiều, biết HCM thì về nước hoạt động chết sớm trong ngục tù Pháp. Những ai còn đó đều nhắm mắt triệt để tuân theo QTCS, có khi đồng tình đồng lõa.

    Những thuận lợi này khiến sự giả mạo chấp nhận sơ suất mà không đòi hỏi toàn hảo.

    Đầu năm 1946 Chủ tịch HCM sang Pháp hội thảo và ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. Nếu còn người Pháp nào nghi hoặc về quá khứ của ông thì cũng không tiện nêu lên vì thấy HCM nay để râu dài, trán vồ, mặc áo lãnh tụ, diện mạo khác hẳn NAQ trẻ trung, lịch sự mới vừa đây.
    ____

    II) GIẢI MÃ BÍ ẨN.

    1) Ngoại Hình - Lúc bất ngờ thành công, trở thành chủ tịch nước, HCM là người hoàn toàn xa lạ trong nước và quốc tế. Nếu nhìn thoáng qua thì chỉ thấy ông người dong dỏng, cao hơn bình thường, đúng như trong lời hát được nghe khắp nơi : “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, mắt như sao, râu hơi dài…“ trong bài hát “Ai yêu bác HCM hơn thiếu niên nhi đồng”.

    Chắc chắn tác giả Phong Nhã năm 1945 đã quan sát thật kỹ để mô tả trong bài hát nổi tiếng này, ngoại hình của Bác “dáng cao cao” là chính xác, phù hợp với các hình ảnh Bác chụp tập thể. (1).

    Thật chẳng ai ngờ bài hát nhỏ bé này lại là chìa khóa để giải mã bí ẩn về thân thế của Chủ tịch HCM sánh ngang “Cuộc phỏng vấn định mệnh của HCM” năm 1966 giải mã tài năng, trí tuệ của người (2).

    Dáng cao cao là khá cao (tallish), cũng như ‘xanh xanh’ là khá xanh, (bluish) láy, ý giảm.

    Các số liệu cho biết NAQ cao 1m65, theo căn cước NAQ đến xin làm và khai tại sở Cảnh sát Paris, Pháp ngày 4/9/1919 và cao 1m62 được ghi trong hồ sơ số 39 lập năm 1931 của sở Cảnh sát hình sự tại Bắc Kỳ. Về HCM thì chưa ai đo chiều cao, có khi lại dùng số liệu của NAQ năm 1919.

    2) Thẻ Căn Cước. Thẻ căn cước cấp tại Paris năm 1919 là đơn giản. Cụ thể được ghi : Nguyễn Ái Quấc, sinh viên, sinh 15/1/1894, tại Vinh, hạt Annam, cư ngụ tại 6 villa des Gobelins, Paris 13.

    Nhân dạng : cao 1m65, tóc đen, mắt đen, mũi tẹt, da xỉn màu, mặt trái xoan.

    Dấu đặc biệt (Signes particuliers) : không có (néants).

    Ở Pháp ai cũng có quyền làm chính trị, tùy sở thích, chẳng ai hỏi tới.

    Nguyễn Tất Thành xin làm thẻ căn cước mới, thay đổi cả tên (NAQ), ngày, nơi sinh, nhân dạng chiều cao… thì được song là với ý đồ gì? Đi xa ông vẫn hay dùng nhưng tên khác.

    Thẻ căn cước nay không còn phần ghi nhân dạng chung chung dễ giả mạo, cũng loại bỏ ghi chiều cao dễ làm cho có lệ : nhón chân, đi giày dép đế cao, ước đoán hay người xin cho biết sẵn chiều cao để ghi vào thẻ… Hiện nay là kỷ nguyên căn cước mã vạch gắn chip .

    3) Hồ Sơ Hình Sự - Hồ sơ của sở Cảnh sát (Mật thám) hình sự tại Bắc Kỳ số 39 thiết lập năm 1931 thì chi tiết do cần điều tra kỹ lai lịch của đối tượng thuộc diện tình nghi cần theo dõi cùng thân nhân, bạn bè… bổ túc với các tài liệu được các sở cảnh sát Pháp, Hong Kong cung cấp cập nhật, mới nhất là lúc NAQ bị bắt giam ở Hong Kong, tháng 6 năm 1931.

    Hồ sơ này là hình sự nên được làm rất chuyên nghiệp.

    Trong hồ sơ ghi : NGUYỄN -ÁI-QUỐC, Nguyễn-Tất-Thành hoặc Nguyễn-Văn-Thành cũng gọi là Nguyễn-Sinh-Con hoặc Nguyễn-Bé-Con, cũng gọi là Lý -Thụy, sinh năm 1892 tại Kim-Liên (Nghệ-An), con của năm 1929].

    Dấu đặc biệt (Physical Characteristics) : cao 1m62 (Height 1m62), vóc người mảnh khảnh (lean built), môi dày (thick lips). Điều chú ý là chiều cao này ở đây được đặt nằm trong mục các dấu đặc biệt, vì được cho là dấu đặc biệt của NAQ, cao 1m62, gạch đỏ ở dưới, được đo chuẩn xác. (3).

    Ghi chú : Theo VNExpress Sức khỏe - “Tầm vóc người Việt qua 45 năm“. (2021/04/16).

    Năm 1975, chiều cao trung bình đàn ông Việt Nam là 160 cm, nữ 150 cm. Năm 1985 là nam 161 cm, nữ 151 cm. Năm 2000 là nam 162,3 cm, nữ 152,4 cm… [Trước nữa ít thay đổi].

    Lưu ý : Hồ sơ hình sự mới thanh lọc những thông tin cũ ghi trong thẻ căn cước năm 1919 có các điểm thiếu trung thực? Cũng lưu ý sẹo nhỏ được xem là dấu ấn ở vành tai NAQ không được ghi trong cả 2 văn kiện ‘căn cước và hồ sơ hình sự’ kể trên. Có lẽ sẹo nhỏ đó dễ tạo hình bắt chước. Thật ra nhìn thật kỹ thì thấy sẹo, vành tai và dái tai của NAQ và HCM cũng có nét khác biệt.

    4) Chứng Cứ Cơ Sở - Sẹo vành tai cứ ngỡ thiếu nó là HCM giả nào ngờ lại là đồ giả. Mọi thứ có thể giả chỉ có chiều cao là không thể sửa đổi nhiều nên phải kết luận NAQ cao 1.62m (tầm thước) và HCM cao 1.70m+ (cao cao) là 2 người khác nhau, không thể cãi bướng! Một chứng cứ gót chân Achilles là đủ.

    Chứng cứ cơ sở gồm 3 yếu tố độc lập với nhau : 1- HCM dáng cao cao. 2- các hình HCM dù về già giảm chiều cao, chụp chung xác nhận điều này. 3- NAQ cao 1m62 theo hồ sơ hình sự năm 1931.

    Tiếng Pháp có thành ngữ “Chercher midi à quatorze heures“ dịch nghĩa là “Đi tìm buổi trưa lúc 14 giờ“, (to look for noon at 2 pm). Nghĩa đen là cố làm điều bất khả thi, vì lúc 2 giờ thì trưa đã qua từ lâu. Nghĩa mức cần thiết - biến một điều đơn giản thành một điều phức tạp. Cơ sở chứng minh NAQ khác HCM thực ra là đơn giản, không phải tìm đâu xa xôi.

    Cố tâm giả dạng người là khả thi song nếu tầm vóc cách biệt đủ nhiều thì tối hậu sẽ bị lộ tẩy.

    Trong bài thơ ngụ ngôn “Lừa đội lốt sư tử“ của nhà thơ Pháp, La-Fontaine, thế kỷ 17, một chú lừa khoác bộ da sư tử làm thiên hạ kinh sợ, lâu sau đó bị phát giác chỉ vì 1 mẩu tai lừa thò ra ngoài.

    5) Chứng Cứ Phụ - Thân sinh Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929). thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan (1868-1901). Nếu so sánh hình Bác và hình của song thân lúc cùng tuổi đời thì không thấy nét giống.

    Nhìn hình HCM năm 1945 tóc còn xanh rồi hình NAQ thì thấy khác lạ ngoại trừ vết sẹo nhỏ ở tai.


    HCM nói năng ngượng nghịu, thích ở Nhà sàn, ghiền nặng, phóng tâm hút thuốc lá, hầu như luôn có điếu thuốc trên tay trái kể cả lúc ở hang Pắc Bó. Bác lạnh nhạt với thân quyến, không muốn gặp.

    NAQ ăn diện đúng thời trang song không bao giờ thấy tay cầm điếu thuốc trên các hình chụp và là người mồm miệng? CSVN khoe NAQ nhiều lần đi diễn thuyết, có lúc làm phóng viên báo, tờ báo Đức “Die Welt” (Thế Giới).

    Đối chiếu HCM và NAQ về phong cách, hình dáng thì chỉ thấy điểm khác, chưa thấy điểm giống.

    Tóm lại một nửa bài toán, phần quan trọng nhất : “HCM khác NAQ. Hai Người Khác Nhau” đã được giải. Nửa kia phức tạp là tìm hiểu HCM là ai mà thấy cách nói tiếng Việt không mấy suôn sẻ.

    Lại còn bí ẩn về hậu duệ của Bác tức là con cháu hiện còn sống trong nước.

    Mọi việc sẽ sáng tỏ hơn chỉ cần hài cốt của Bác, của bà Hoàng Thị Loan và các con, của các thân nhân bên ngoại, của Nông Thị Xuân và con được giám định DNA, là điều đảng CSVN luôn chống đối.

    Tuy nhiên năm 1998 một ngôi mộ có bia mang tên Trần Phú, chết năm 1931 được phát hiện tại nghĩa trang họ đạo Chợ Quán, đường CMT8, Q. 10, TP. HCM. Đảng CSVN cho xét nghiệm DNA ngay, được xác nhận là hài cốt của đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. (Wikipedia).

    Các thân nhân của TBT Trần Phú được cấp giấy phép mang hài cốt của ông về Hà Tĩnh.

    ______


    III) LỜI KẾT.

    Cho dù là NAQ hoặc ai đó giả mạo thì xác ướp của HCM, chức sắc QTCS cũng đã tiến nhập Lăng.

    Chủ nghĩa Mác-Lê đem về nghe Bác nói là theo ý nguyện của toàn đảng, toàn dân, tất yếu lịch sử!

    Đúng sai chưa vội tỏ, chủ nghĩa Mác-Lê hay dở chưa vội bàn, chỉ cần biết Việt Nam tự chuốc đại họa vào thân : giang sơn do chủ nghĩa Mác-Lê kết nối, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” tất yếu rơi vào tay đồng chí Trung Quốc bành trướng khổng lồ láng giềng.

    Tiếp nhận chủ nghĩa Mác- Lê là đánh mất bản sắc dân tộc, là sự sai lầm chết người mất nước do bất cứ ai hoặc nguyên nhân nào thì một tập đoàn giới cầm quyền hậu duệ muốn tháo gỡ trước khi quá muộn, đòi hỏi lòng yêu nước và nghị lực phi thường.

    Việc cần làm ngay là viết lại tiểu sử Chủ tịch HCM, dù khó và mất hào hứng. Trước kia mọi việc đều dễ tô lục chuốt hồng, nguồn gốc gia đình nho học khoa bảng, thời niên thiếu của Bác là các huyền thoại Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Ái Quốc ra đi cứu nước. Nay những điều kỳ diệu ấy Bác không còn, các dấu tích nhận lầm phải chóng được xóa bỏ tại Bảo tàng HCM, cũng như tại mọi nơi khác.

    Lê Bá Vận.

    --------





    1) Thẻ căn cước làm tại Paris năm 1919 của Nguyễn Ái Quấc, Sinh Viên, sinh năm 1894.

    2) Hồ sơ số 39 năm 1931 tại sở Mật thám Bắc Kỳ của Nguyễn Ái Quốc hoặc Lý Thụy sinh năm 1892. Hình tại Moskva (1924), NAQ áo đen bên trái và áo trắng bên phải xem ra quả là vóc người nhỏ nhắn.


    Chú thích:



    (1) Hình minh họa.

    1) Chính phủ lâm thời nước VN DCCH, tháng 9 năm 1945. Bác Hồ đứng giữa, nhìn xuống. (Ảnh tư liệu).

    2) Chiến sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, Hà Nội 11/1965. Bác tóc bạc, đứng cao nhất, 1m72?

    (“Bác chúng em người cao cao, dáng thanh thanh”. NAQ người tầm thước, cao 1m62, trong hình cỡ bằng người thứ 5 từ trái qua và người thứ 7 là thấp nhất, 1m54?).
    Theo nhân trắc học, thông thường đầu =1/8 và mặt (miệng+mũi+trán) =1/10 chiều cao cơ thể.

    Một người cao 1m70 thì mặt=17 cm (miệng = mũi = trán = 5cm6) và thêm tóc cao 4cm.

    Nếu NAQ đứng ngang đỉnh trán (chân tóc) của HCM thì kém HCM 4cm.

    Nếu NAQ đứng ngang lông mày của HCM thì kém HCM (4cm+5cm6) = 9cm60…


    Các chuyên gia cho biết từ độ tuổi 40, cứ sau mỗi 10 năm, cơ thể người sẽ thấp hơn 1,2 cm. Sau tuổi 70, chiều cao giảm sút nhanh chóng hơn. Tổng cộng, mỗi người có thể “lùn đi” từ 2,5 đến 7,5 cm trong suốt nửa cuối cuộc đời. (Tạp chí JAMA Internal Medicine). Theo 2 hình trên HCM 55 tuổi năm 1945, chiều cao giảm 1cm, lúc 75 tuổi, năm 1965 giảm 3cm … tính ra trước đó, chưa giảm cao hơn NAQ nhiều.


    (2) Tư tưởng Hồ Chí Minh ra đời là một kỳ tích. http://ykhoahuehaingoai.com/99do/TuTuongHCM_LBV.html


    (3) Trước năm 1975 chiều cao trung bình của người Việt Nam, nam giới là 1m60. Tuy nhiên vua Bảo Đại và Phạm Quỳnh người cao lớn, nhiều hơn trong khi Mạc Đĩnh Chi và Lê Văn Duyệt người thấp bé.

    Lắm người có tầm vóc (chiều cao) khiêm tốn là những vĩ nhân thiên tài làm thay đổi lịch sử : Án Anh đời Tề, Vladimir Lenin 1m65, Đặng Tiểu Bình 1m53 ngang Nguyễn Phú Trọng? (!)…


    Thống kê về tầm vóc cúa các lãnh đạo quốc gia trên thế giới, ngoại trừ các nước châu Á không có số liệu, cho biết chiều cao các vị ấy là từ 1m62 đến 1m90 với đông đảo nhất là từ 1m70 đến 1m75.

    Lấy thí dụ các tổng thống Pháp đệ ngũ cọng hòa : Charles de Gaulle (1959-69) cao 1m96, Nicolas Sarkozy (2007-12) cao 1m66, Emmanuel Macron đương nhiệm cao 1m73.

    Tổng thống Nga: Boris Yeltsin 1m87, Dmitry Medvedev 1m63, Vladimir Putin đương nhiệm 1m68+.
    _____

    Hình Bổ Túc.






    1) Bác Hồ (NAQ?) mơ màng khói thuốc, trước hang Pắc Bó giữa trưa suy gẫm xuất thần. Tương lai còn mờ mịt. Hình giống đuôi sau mông chưa xác định được là vật thể gì!

    2) Chính phủ Việt Nam DCCH sau cuộc tổng tuyển cử trên cả nước năm 1946 (Đứng hàng đầu, từ trái sáng phải : Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh tư liệu).

    3) Nguyễn Tất Thành/Văn Ba hầu bàn, phụ bếp trên tàu buôn Pháp. Chú ý vóc người nhỏ nhắn.


    ----------



    Lê Bá Vận. Giải mã thân thế Hồ Chí Minh
    Phần 2





    Chủ tịch Hồ Chí Minh tựa ”Thần long kiến thủ bất kiến vĩ” (rồng thần thấy đầu không thấy đuôi), hành tung, chân tướng, thân thế giữ bí ẩn, người trần mắt thịt khó theo dõi toàn vẹn.


    -------

    Bí ẩn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc 3 loại : 1. về sự nghiệp. 2. về thân thế. 3. về phong cách.

    - Bí ẩn về sự nghiệp xét việc làm, hành tung của Hồ Chí Minh (HCM).

    - Bí ẩn về thân thế xác định quan hệ HCM và Nguyễn Ái Quốc (NAQ).

    - Bí ẩn về phong cách nhìn vào lối sống, sở thích của HCM.

    Sau năm 1975 các diện “ngụy quyền” được Cách mạng lưu dụng đã trải nghiệm viết tờ khai lý lịch, rất dài dòng nộp cho phòng tổ chức của cơ quan là phòng nhân viên cũ của các công sở.

    Tờ khai lý lịch ở các trại tập trung học tập cải tạo thì khai báo thế nào cũng bị phê phán còn thiếu sót thông tin, chưa hối cải nên trại viên phải viết đi viết lại tờ khai nhiều lần.

    Sống dưới chế độ “Đảng, Nhà nước”, lý lịch quan trọng, người công dân phải khai báo trần trụi sự thật, đảng viên lại cần lý lịch minh bạch tuyệt đối để tránh gian tế xâm nhập hàng ngũ?

    Riêng chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM) thì khác, lý lịch Bác chứa đầy bí ẩn - lại là một thế mạnh của chế độ. Đảng tiện thêu dệt ‘tô son trát phấn’. Đồng thời lại quy hoạch thành bí mật nhà nước! tức là những gì mà nhân dân cũng như Quốc hội cấm biết, cấm nói, có cả trăm ngàn thứ cấm kỵ.

    Bí ẩn gợi tò mò, phỏng đoán lệch lạc. Giải mã hợp lý mỗi bí ấn là giải pháp thích hợp.

    _____

    I) BÍ ẨN VỀ SỰ NGHIỆP – ĐIỂN HÌNH MỸ DU.

    Các bí ẩn loại này không cần bận tâm tìm hiểu tất cả. Chỉ cần biết Tuyên giáo Đảng nói sự thật hay không để suy diễn. Điển hình sự nghiệp Mỹ du của NAQ, bằng chứng quý báu Đảng có mặt ở Mỹ từ lâu:

    1- Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp trên các tàu buôn Pháp, đến Hoa Kỳ và ở lại từ cuối năm 1912 đến cuối năm 1913. Tại New York Thành đi làm thuê để kiếm sống, đã đến nghe Marcus Garvey diễn thuyết ở khu Harlem và tham khảo ý kiến của ​​các nhà hoạt động vì nền độc lập của Triều Tiên.

    Thành đều đặn tham dự các cuộc họp của Hiệp hội cải thiện người da đen toàn cầu, UNIA (Universal Negro Improvement Association) và hào hiệp đóng tiền giúp quỹ của Hội. (Wikipedia),

    Hiệp hội UNIA do Marcus Garvey (1887-1940), anh hùng dân tộc sáng lập ngày July 15,1914 tại Jamaica. Ông sang Hoa Kỳ năm 1916, sinh sống tại khu Harlem, hoạt động doanh nghiệp và tranh đấu xóa bỏ chế độ thuộc địa của người Âu tại châu Phi, khai mạc chi nhánh UNIA tại New York năm 1917.

    Ông là một nhà hùng biện, năng đi diễn thuyết nhiều nơi ở Mỹ, Canada, châu Âu…

    Jamaica nằm kề Cuba là cựu thuộc địa lâu đời của Anh, được trao trả độc lập năm 1962.

    Harlem rộng lớn, vào thế kỷ trước là khu người da đen đông đảo, ở về mạn Bắc thành phố New York, nghèo khó, dơ bẩn, có nhiều tệ nạn xã hội, người lạ e ngại, tránh đến.

    NT Thành lại kể đến Boston, xin phụ làm bánh tại Parker House Hotel song các cuộc điều tra với ban quản lý Nhà Parker cho thấy không có hồ sơ nào về việc Bác đã từng làm việc ở đó.[8]: 51,

    Dù vậy lúc Đảng, Nhà nươc Việt Nam nói chắc Chủ tịch HCM có ở và làm việc tại đây thì Parker House không cải chính làm gì, xem như có người đánh bóng, quảng cáo không công cho khách sạn được vinh dự đón tiếp nhiều danh nhân vãng lai. Khách sạn này có từ năm 1885, được xây lại năm 1927.

    Họ cũng để yên khi một khung hình của NAQ được treo lên tường phòng truyền thống với dòng chữ: “1911-1912 Future Vietnamese leader works Parker House bakeshop” (Năm 1911-1912, nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam đã từng làm việc tại tiệm bánh Parker House).

    Cũng như khi nói đến các kỷ vật và chiếc bàn đá trong nhà bếp, nơi Bác làm việc được họ có linh cảm – đoán biết là của quý nhân – nên qua nhiều thế hệ khư khư giữ kỹ, chờ ngày con cháu Bác dồn dập đến tìm tòi và hành lễ, hơn 100 năm sau.

    Quả vậy ngày 14/5/2022 Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến Parker House để tìm thăm nơi làm việc cũ của Bác (!) và bày tỏ sự xúc động sâu sắc nhớ ơn Bác xưa.

    Phái đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng năm 2015 và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ năm 2018 đi Hoa kỳ cũng tìm đến Parker House Hotel. Trong dịp này Gs Kevin Bowen (một cựu binh Mỹ phản chiến) kể lại trân trọng nhìn nhận Văn Ba, dùng cụm từ là “người thợ làm bánh nổi tiếng nhất trong lịch sử”. Nói theo cách này thì Bác ”cào tuyết, đốt lò, rửa chén, phụ bếp...” việc gì Bác mó tay vào đều trở thành người nổi tiếng nhất trên đời! Con đường Bác đi, nơi Bác đến, đồ Bác dùng, phòng Bác ở, thì gọi là Thánh lộ, Thánh địa, Thánh cụ, Thánh thất!


    Thủ tướng Phan Văn Khải thì tả oán, nhắc nhở đến cục gạch nung Bác Hồ :

    Trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ năm 2005, Thủ tướng và đoàn tùy tùng cấp cao đã đến thăm khách sạn Omni tại Boston (Hoa Kỳ), căn bếp mà ngày xưa Bác Hồ đã kiếm sống bằng nghề làm bánh trong căn hầm tồi tàn, lạnh lẽo; nơi mà câu chuyện Bác Hồ dùng cục gạch hơ nóng để giữ ấm giấc ngủ trong giá rét của mùa Đông nước Mỹ (ở góc bếp Bác đã ở từ năm 1911 đến 1913) trên con đường bôn ba tìm đường đến hòa bình, độc lập cho dân tộc... (Thủ tướng Phan Văn Khải và gian bếp nơi Bác Hồ từng kiếm sống tại Mỹ https://congan.com.vn >tin-chinh> ) Chủ Nhật 18/03/2018.

    Cục gạch nung Bác Hồ rất nổi danh, được tri ân vì đã cứu sống Bác yếu đuối và túng thiếu thoát qua mùa Đông rét buốt ở Paris, Pháp, hiện lưu giữ tại Bảo tàng HCM.

    Còn nữa, Boston xa New York trên 300 km mà Bác ở New York còn bao nhiêu việc đang làm!

    2- Rời Hoa Kỳ NT Thành sang sinh sống ở Anh Quốc (1913-1916), gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh ở Pháp cho biết : “… Nay cháu đã tìm nơi để học tiếng. Mấy bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn luôn. Tuy ở Anh nhưng chẳng khác gì ở Pháp và ngày tháng chỉ lo làm cho khỏi đói (!) chứ chẳng học được bao nhiêu. Cháu ao ước rằng 4, 5 tháng nữa khi gặp Bác thì cháu sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều… Nay kính Cuồng Điệt Tất Thành.“ [đây là lời Thành ao ước].

    NT Thành là người con chí hiếu, ra nước ngoài chí chú lao động cật lực, hầu bàn, rửa chén bát, phụ bếp, đốt lò, cào tuyết ở các nhà hàng, khách sạn Pháp tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, dành tiền gởi về cho cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc ở quê nhà. Chỉ từ năm 1917 sang ở luôn tại Paris, Pháp đến khi được cụ Phan Chu Trinh truyền nghề nhiếp ảnh, Thành mở tiệm rửa, chụp ảnh nghệ thuật để sinh sống, lao động trí óc, thẩm mỹ.

    NHẬN XÉT.

    Các giai thoại viết về Bác Hồ ở Boston, Mỹ đếm được hàng trăm hoặc cả ngàn bài, nói đi nói lại, nói thêm đến từ Tuyên giáo mọi cấp và các tờ báo lớn : Nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh niên, Công An… các phóng viên, các Tiến sĩ, Thạc sĩ. Các mẩu chuyện lắm khi gây bất ngờ đến khó tin. Chẳng hạn :

    + Bác Hồ cựu sinh viên trường MIT : "Cũng trong thời gian này (1911-1913), Người còn theo học tại Viện Công nghệ Massachussetts (MIT). Ngày ấy, người thợ bánh mang chí tiến thủ đạp tuyết giữa mùa đông giá lạnh ở Boston, ngày ngày đi bộ mấy dặm đường để đến Trường MIT gần bờ sông Charler". (Trường MIT được xếp hạng đứng đầu trong danh sách các trường Đại học trên thế giới).

    + Chân dung HCM. Theo báo tuổi trẻ : Trên xa lộ 93 chạy vào trung tâm Boston, có một bể chứa gas khổng lồ được trang trí bằng những vệt màu bảy sắc cầu vồng. Người Boston tin rằng một trong những vệt màu đó, màu xanh dương, là hình ảnh chân dung HCM nhìn nghiêng. Đó là bồn chứa khí đốt mang tên ‘Bồn chứa khí tưởng niệm HCM’, The Ho Chi Minh Memorial Gas Tank, ở I-93, Dorchester.

    +Bác Hồ phụ xế. Báo tuổi trẻ: Bác Hồ đã làm việc tại khách sạn mang tên Parker House Hotel ở số 60 School St. tại Tremont và giữ chân phụ xế (bus boy). Ngỡ rằng Bác phụ xế là phụ xe, phụ tài xế xe bus của khách sạn, song tiếng Anh ‘bus boy’ là ‘phụ hầu bàn’, dọn sạch bàn ăn, rửa bát, làm những công việc bẩn thay vì cứ ngỡ công việc của Bác là thợ nướng bánh tài nghề siêu đẳng hiếm có.


    + HCM nhã nhặn, lịch thiệp… Tuyên giáo Đảng trích dẫn Bác được các nhà văn, nhà báo nước ngoài khen ngợi. Dù họ khen ngợi thật tình thì cũng không có nghĩa sự thực hẳn là như vậy. Nhạc Bất Quần ai cũng khen là Quân tử kiếm song là một kẻ giả dối ( Tiếu Ngạo Giang Hồ - Kim Dung).


    Vẫn biết ”Thần long kiến thủ bất kiến vĩ. Chân nhân bất lộ tướng”, Bác Hồ muốn hư cấu đề cao thêu dệt bao nhiêu cũng được, tuy nhiên phải tránh mâu thuẫn, phi lý, sai ngày tháng.

    Đó là những sơ hở Cọng sản Việt Nam (CSVN) mắc phải, lộ liễu các điều nói sai sự thực :


    + Hội ngộ tưởng tượng. Bác Hồ rời Hoa Kỳ cuối năm 1913. Marcus Garvey từ Jamaica đến Hoa Kỳ năm 1916, khai trương chi nhánh hội UNIA năm 1917. Như vậy Bác không thể đến Harlem nghe ông Marcus diễn thuyết và đều đặn tham dự các buổi họp của UNIA. Trình độ tiếng Anh của Bác lúc đó có đi cũng không thu hoạch được gì!

    + Thời gian lưu trú kéo dài. Congannhandan online (2/9/2005) cho biết Bác Hồ ở Boston từ 1911-1913, gần 3 năm. [Bác lưu lại ở Mỹ thật sự chỉ trong vòng một, hai tháng].

    Nhà báo Susan Wilson của tờ Boston Globe có đoạn: “Thật thú vị để lưu ý rằng, một nhà cách mạng trứ danh là lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng dành thời gian làm việc như là một người thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của Omni Parker House từ năm 1911 đến năm 1913. Vị đầu bếp đặc biệt ấy đã đem đến niềm vinh dự cho nơi này...”.

    Báo Thanh Niên : Theo tài liệu được ghi lại của khách sạn, Bác Hồ đã có mặt và làm việc tại đây trong hai năm (1911 -1913). (


    + Bà A. Strong - Tại Mỹ, từ năm 1912 đến 1913, Nguyễn Tất Thành đã 3 lần tiếp xúc và nói chuyện với nhà văn Anne Louise Strong (1885-1970).


    Bà Strong là nhà văn và nhà báo Mỹ thiên tả nổi tiếng, sống ở Ohio, Chicago (PhD Triết học), Seattle, Liên Xô và những năm cuối cùng tại Trung Quốc. Có khả năng HCM gặp bà nhưng tại Trung Quốc.

    + Tối hậu bằng chứng duy nhất cho thấy Bác đã ở Hoa Kỳ là lá thư gửi cho Khâm sứ Trung kỳ ngày 15/12/1912 về việc gởi tiền cho cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc và đóng dấu bưu điện Thành phố New York (ông cho biết địa chỉ của mình là poste restante (hộp thư lưu) ở Le Havre (Pháp), ông là một thủy thủ, tên Paul Tất Thành)[17] và một bưu thiếp gửi Phan Chu Trinh ở Paris, đề cập đến việc làm việc tại khách sạn Parker House. [Bác tự xưng mình là thủy thủ để làm gì?].

    + Và Bảo tàng Hồ Chí Minh.vn nghiên cứu các văn kiện chính thức, đưa ra nhận định :

    Nguyễn Tất Thành đến Mỹ trong tháng 12, 1912, trước ngày 15 và rời Mỹ đầu năm 1913.

    (Từ khóa: Nguyễn Tất Thành, Mỹ). Điều này phù hợp với NT Thành phải đi theo tàu buôn.

    Phóng sự Mỹ du của HCM là một thiên ký sự hư cấu khổng lồ, phản ánh ‘đồng thanh tương ứng’, suy ra toàn bộ sự nghiệp của Bác đều là công trình thêu dệt đồ sộ. Tuyên giáo Đảng là Tổng biên tập.

    Đọc say mê như ”Tứ đại danh tác” của Trung Quốc.

    Chuyến Mỹ du của Bác dù ngắn ngủi vài tuần lễ ‘cưỡi ngựa xem hoa’ hoặc kéo dài hai, ba năm tập trung tại khách sạn Parker House nơi Bác được đào tạo thành đầu bếp làm bánh nổi tiếng nhất trong lịch sử, ‘nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’ thì cũng đem lại những trải nghiệm quý báu trên dặm trường Bác ra đi cứu nước. Hiện tại căn phòng bếp ở tầng hầm khách sạn Parker House, Boston là Thánh địa tôn nghiêm của chế độ Đảng, Nhà nước ta đặt trên đất nước Hoa Kỳ (?).
    ----------

    II) BÍ ẨN VỀ THÂN THẾ - TẦM VÓC : HCM 1M75 VÀ NAQ 1M62.

    Điểm mấu chốt? Người nằm trong Lăng phải chăng cũng là NAQ? Sự giải mã không khó. Khó chăng là bí ẩn lớn thứ hai, cũng về gốc gác: ‘HCM, ông thực sự là ai’?

    Như đã nói, giải mã HCM khác biệt NAQ không khó nếu có yếu tố tầm vóc chênh lệch rõ ràng.

    Dần dần lại được phát hiện hai người là hai thái cực đối lập.

    Hiện tại hồ sơ chứng cứ nhận diện tập hợp 3 yếu tố độc lập với nhau : 1- NAQ cao 1m62. 2- HCM dáng cao cao + Nguyễn Tất Thành người nhỏ nhắn. 3- các hình HCM chụp chung minh họa.

    Hãy xét lần lượt mỗi yếu tố :




    1) NAQ Cao 1M62, là số liệu chuẩn xác ghi trong hồ sơ hình sự của NAQ tại sở Mật thám Bắc Kỳ. NAQ không có hình đứng chụp chung vớí ai nên không có thêm chi tiết.


    2) HCM Dáng Cao Cao. Trích trong bài hát nổi danh “Ai yêu bác HCM hơn thiếu niên nhi đồng”, tác giả Phong Nhã cung cấp một ý niệm sơ khởi.

    Trước năm 1975 “dáng cao cao” là hàm ý cao 1m70+ cho đàn ông, 1m60+ cho phụ nữ.

    Nhớ hồi xưa binh lính gọi tướng DV Minh là ‘Minh lớn’, nghe nói cao 1m83 (6 ft), lúc đi học bạn bè gọi là ‘Minh cồ’, phân biệt với tướng TV Minh là ‘Minh nhỏ’. Ở sân tennis Huế có thầy Lộc Đờ Gôn dạy trường Quốc học, cao lêu nghêu như Tổng thống Pháp De Gaulle và thầy Lộc lùn, vóc dáng như trẻ em.






    “Vào tham quan Omni Parker House, chúng tôi đứng rất lâu bên chiếc bàn Bác làm bánh khi xưa ở một căn phòng nhỏ chừng 20 m2, không khí ngột ngạt… Trong mường tượng, hình ảnh người thanh niên nhỏ nhắn, dáng thư sinh nhào bột bánh cứ hiện ra khiến ai nấy trào dâng cảm xúc, nước mắt rưng rưng nhớ Bác những ngày gian truân, bôn ba đi tìm đường cứu nước. Theo Chi Phan/chinhphu.vn”.

    Đoạn tường thuật này vô hình trung khẳng định Nguyễn Tất Thành là người nhỏ nhắn. Hoặc giả căn cứ vào bức ảnh Văn Ba, tuổi 22, hầu bàn và phụ bếp trên các tàu buôn Pháp, tầm vóc trông nhỏ nhắn thật sự (hình bên).

    3) HCM Chụp Hình Chung.

    Chiều cao rất quan trọng, được mơ ước. Chúng ta có thói quen khi nhìn vào một tấm hình là chú trọng xem ai cao, ai thấp.

    Một số ngành nghề đòi hỏi chiều cao tối thiểu : cảnh sát, phi công, người mẫu...

    Các môn thể thao, điền kinh, tennis, bóng rổ... muốn xuất sắc phải là người có chiều cao.

    Phụ nữ thường bị thu hút bởi nam giới cao lớn.

    Do đó người dân thích bác Hồ cao lớn, xem các tượng đài thì Bác là đúng như vậy.


    3.1) Giải mã sơ bộ.

    Hình HCM chụp với các cộng sự viên.

    Xem lại 2 tấm hình về chính phủ VNDCCH năm 1945 và năm 1946 thì thấy rõ đại khái Bác cao lớn nhất trong số người đứng ở hàng đầu cùng Bác, dù chẳng biết được thực sự ai cao bao nhiêu mét.

    Song đặc biệt nhìn kỹ tấm hình Bác chụp với lớp trẻ chúng ta khai thác được những điểm sau :



    Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam tại Phủ Chủ tịch vào tháng 11/1965. Ảnh tư liệu

    a) Về chiều cao : Bác cao nhất trong nhóm, ước đoán khiêm tốn : 1m70 +

    b) Về tuổi tác thì Bác 75 tuổi, các chiến sĩ chụp chung trên dưới 30, kém Bác 30-40 tuổi.

    Về già chiều cao giảm, nếu chụp lúc 40 tuổi Bác sẽ cao thêm 3 cm, tổng cọng là 1m73+ (1).


    c) Về tư thế Bác đứng không thẳng người. Tay phải của Bác xòe các ngón bấu chặt bờ vai phải của cô gái chiến sĩ, kéo mạnh xoay ghì cô áp sát khiến người Bác, vai và đầu nghiêng lệch về trái, lưng hơi còng. Tư thế này làm giảm chiều cao vài cm. Nếu đứng thẳng người Bác sẽ cao 1,75+.

    d) Cô gái có vẻ ngại ngùng song trông Bác phấn khởi, cười miệng mở rộng. Điều khích lệ là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở tuổi gần 80, đầu tóc bạc phơ mà nét mặt trông trẻ hơn, hay là ổng nhờ vóc người thấp bé, cỡ có thể là người thứ 2 trong lúc NAQ có cỡ người thứ 4 trong ảnh kể từ phải qua? Chú ý là bác Hồ luôn đi dép mỏng, không cần thiết mang giày để tăng chiều cao.

    3.2) Giải mã dứt điểm.


    Hình HCM chụp với các lãnh đạo nước ngoài.

    HCM ít chụp hình với các lãnh đạo quốc gia châu Âu song Bác chụp nhiều ảnh với các lãnh tụ ở châu Á : Mao Trạch Đông (Mao ZeDong) nhiều lần, Kim Nhật Thành (Kim ll-sung) năm 1958 và Jawaharlal Nehru năm 1958. Nếu có hình Bác đi ngang hàng sát với các vị ấy thì có thể so sánh tầm vóc.

    Được biết thủ tướng Ấn Đô J. Nehru (1889-1964) có chiều cao 1m78 (5’10”), chủ tịch Bắc Hàn Kim Nhật Thành (1912-1994) cao 1m75 (5’9”) và chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (1893-1976) cao 1m80 (5’11”). (Wikipedia). Riêng chủ tịch HCM (1890-1969) không rõ song có nơi dùng số liệu chiều cao của NAQ ghi trong căn cước, cho rằng hai người là một.






    Hình 1- Thủ tướng Ấn Đô, J. Nehru, cao 1m78 và chủ tịch HCM (đi dép) . New Delhi 2/1958.

    Hình 2- Chủ tịch Triều Tiên, Kim Nhật Thành và chủ tịch HCM. Hà Nội 12/1958. Kim Nhật Thành 46 tuổi, cao 1m75, HCM 68 tuổi, lại đi dép mỏng khiến chiều cao giảm 2 - 4cm. (1).

    Hình 3- Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cao 1m80 và chủ tịch HCM. Trong hình chú thích tiếng Anh : Ho Chi Minh explains to Mao Zedong how to do the dab and whip nae nae circa 1967 .

    Tạm dịch: HCM giải thích cho Mao Trạch Đông nhảy điệu `dab` và `nae nae` khoảng 1967.

    Các điệu nhảy này thuộc loại rap, hip hop. Chú ý HCM đi giày, nhún chân, thao tác tay.

    Phân tích kỹ các hình chụp trên chúng ta có thể khẳng định chiều cao của chủ tịch HCM lúc trẻ dưới 40 tuổi là 1m75 (5’9”), đối với NAQ cao 1m62 (5’3”) lúc trên 30 tuổi.

    Ba vị lãnh đạo quốc gia châu Á đã tiết lộ chiều cao của mình, được ghi vào trang Wikipedia, tuy vô tình song đã làm thước đo sống giúp giải mã dứt điểm thân thế HCM.
    _____

    III) BÍ ẨN VỀ PHONG CÁCH : HAI THÁI CỰC ĐỐI LẬP.

    Khác biệt về tầm vóc, HCM và NAQ lại khác biệt về lối sống, sở thích, văn hóa.

    NAQ cần cù lao động, ham việc, ăn mặc chỉnh tề, đứng đắn trong lối sống, tự trọng, bảo thủ?

    HCM ăn mặc xuề xòa, do cố ý? song tài hoa, tiến bộ như người Tây phương, khiêu vũ giỏi, sành sõi những vũ điệu mới, điều khiển ngoạn mục ban nhạc, đó là những điểm trội hơn người.

    Bác lại là một cao thủ Thái Cực Quyền. Năm 1957 võ sư Cố Lưu Hinh (1908-1990), người Thượng Hải (TQ), là một trong những chuyên gia về Thái Cực Quyền nổi tiếng trong và ngoài Trung Quốc đã đến Hà Nội dạy Thái cực quyền cho Bác. Sau đó Bác qua Trung Quốc và được Cố Lưu Hinh dạy thêm.

    Chỉ tiếc không nghe nói HCM là một đầu bếp. Nếu Bác là Nguyễn Tất Thành thì tất phải nấu ăn giỏi do được danh sư chỉ bảo, ở Parker House Hotel, Boston và nhất là ở khách sạn Carlton, London Anh Quốc trong giai đoạn 1913-1917. Theo tài liệu Tuyên giáo Trung ương, cảm xúc thấy Tất Thành làm việc chịu thương, chịu khó, vị đầu bếp huyền thoại người Pháp A. Escosffier (1846-1935), người cũng nhỏ nhắn song được mệnh danh “vua đầu bếp, đầu bếp của vua” đã “truyền nghề” cho Thành.

    Điểm bất lợi là Chủ tịch HCM có những hành vi dễ gây phản cảm đối với người Việt Nam như Bác ôm ghì các cô gái đứng cạnh, hôn môi các cháu gái Indonesia đến chào mừng, ôm hôn bừa các cô gái Indonesia gặp ở đường phố, khiến báo chí bản địa la ó, đả kích nặng lời (JAKARTA. Sat.- The 68-year old North Vietnamese President Ho Chi Minh, has been told bluntly to stop kissing Indonesian girls and respect Islamic teachings. Dịch: Chủ tịch HCM 68 tuổi của miền Bắc Việt Nam, đã được bảo thẳng thừng ngừng hôn các cô gái Indonesia và tôn trọng các giáo lý Hồi giáo), hôn môi thủ tướng Chu Ân Lai.

    Một số hình ảnh minh họa các điều này :




    Hình 1- HCM khiêu vũ với một cô gái Indonesia buổi trưa, ngoài đường phố trong chuyến công du quốc gia này năm 1959. Bác mang dép râu, nhảy bebop? rất dẻo. (Here, Ho is seen dancing with an Indonesian girl during a visit to that country in 1959. UPI TELEPHOTO/FILES jL).

    Hình 2- Chủ tịch HCM bắt nhịp Bài ca Kết đoàn, tối ngày 19/9/1960 tại công viên Bách thảo, Hà Nội.

    Hình 3- HCM hôn Chu Ân Lai (Thủ tướng Trung Quốc, kém HCM 8 tuổi). Bác xòe các ngón tay bấu chặt cổ vít xuống, hôn môi. Tuần báo Life.

    Tóm lại trong nước Bác có thể được trông thấy sống khắc khổ như một tu sĩ song có dịp ra nước ngoài thì Bác sống theo bản tính phàm trần là hồn nhiên, cởi mở, vui nhộn, hưởng lạc.

    Còn nhớ đầu tháng 11/2021 Đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng Công An thừa dịp công du Anh Quốc đã dắt tùy tùng vào nhà hàng nổi tiếng của “Thánh Rắc Muối” Salt Bae hưởng lạc, thưởng thức món “Bò dát vàng” tính tiền tỷ.

    Cách ăn độc đáo, kích thích khẩu vị. Video cho thấy đích thân thánh Salt Bae cầm que dài xóc thịt rắc muối đút nhanh vào mồm bộ trưởng đang há rộng chực sẵn, kịp thời đón đớp miếng thịt gọn ghẽ, trông rất ấn tượng như một màn biểu diễn võ thuật. Báo chí quốc tế, mạng xã hội trong nước sôi động. Đảng, Nhà nước thì giữ im lặng, xem như bí mật quốc gia, tầm cỡ bí ẩn Bác.

    Nói của đáng tội, các lãnh đạo ta công du nước ngoài cứ nghĩ xui xẻo lắm mới bị quay lén video.
    ---------

    LỜI KẾT.

    Sự kiện HCM và NAQ là hai người khác biệt nghe khó tin song đó là sự thật hai năm rõ mười.

    Điều này đột ngột, gây bàng hoàng đưa đến những cảm xúc đối nghịch :

    “Không cần biết Bác là ai, không cần biết Bác từ đâu, không cần/còn biết bao ngày sau . Ta yêu Bác, yêu Bác không ngại ngần, ta yêu Bác yêu Bác không chần chừ . Ta yêu Bác vì chỉ biết đó là Bác Hồ Chí Minh (bạn NTA). Và:

    “Còn em thì suốt đời phải cảnh giác với…. “Không cần biết Bác là ai”, nhưng em phải tránh xa loại người như Bác, vì Bác hội đủ tính cách loại người mà em phải cảnh giác. “Ta không yêu Bác vì biết Bác đó là Chính Mi”. Thế thôi! (cô NTL).

    Song dù khác nhau một trời một vực, NAQ và HCM cơ bản giống nhau về tài nghệ bịa đặt, lại được tuyên giáo cọng sản thêm thắt, hư cấu, thổi phồng khiến con ếch trở thành con bò.

    Vụ Marcus Garvey và UNIA năm 1916 ở Hoa Kỳ chẳng hạn đối với NAQ đã phơi bày sự dối trá.

    Cái gọi là ‘Tư tưởng HCM’ thì hầu như hoàn toàn do tuyên giáo Đảng soạn theo bài bản liệt kê nhiệm vụ của những lãnh đạo nước, nhất là trong thời chiến, những gì phải nói, những gì phải làm.

    HCM năm 1966 được phóng viên hãng thông tấn Nhật Bản NDN phỏng vấn, tất cả 4 câu hỏi ngắn, đơn giản về diễn biến chiến cuộc. Video cho thấy Nhật Bản hỏi một câu, được chuyển ngữ thì HCM lấy kính đeo vào mắt, cầm tập giấy, cắm cúi đọc câu trả lời được soạn sẵn. Cứ thế cho đến hết bốn câu, kéo dài 11 phút. (https://www.youtube.com/watch?v=nCPdpYMrhzI). Thử hỏi một người tài trí trình độ chỉ có thế thì làm sao có khả năng sáng tác!

    Có chăng HCM đã bỏ công lặn lội tìm kiếm mang về cho đất nước chủ nghĩa Mác-Lê, lặp đi lặp lại chắc nịch rằng là theo ý nguyện toàn Đảng, toàn dân, tất yếu lịch sử (?). Dạ, xin thưa :

    + Ý nguyện toàn đảng thì có thể đúng với nhiều trăm đảng viên thời ấy, năm 1945.

    + Ý nguyện toàn dân thì cần nhìn lại vì trong nước có nhiều đảng phái, giáo phái và triều Nguyễn.

    + ‘Tất yếu lịch sử’ thì năm 1991, Liên Xô và các nước Đông Âu qua trải nghiệm đã dứt khoát chối bỏ chủ nghĩa tất yếu lịch sử quái thai này vì họ đánh giá làm con người đánh mất nhân tính, mù quáng quyền lực, tham tàn, xảo quyệt, hủy hoại bản sắc dân tộc và truyền thống đạo đức, phá nát giang sơn.

    Việt Nam hậu tiến không thể đòi “trứng khôn hơn rận”.


    “Của Caesar hãy trả về cho Caesar”. Vật hoàn cố chủ. Bác rốt cuộc trở về cùng Karl Marx, Lenin.

    “Thôi thôi thôi thôi, chú Mác thím Mác, ông Lê bà Lê, xin xuống tầu trước, cả nước tôi van!” (2).


    Lê Bá Vận.

    Chú Thích .


    (1) Các chuyên gia cho biết từ độ tuổi 40, cứ sau mỗi 10 năm, cơ thể người sẽ thấp hơn 1,2 cm. Sau tuổi 70, chiều cao giảm sút nhanh chóng hơn. Tổng cộng, mỗi người có thể “lùn đi” từ 2,5 đến 7,5 cm trong suốt nửa cuối cuộc đời. (Tạp chí JAMA Internal Medicine).




    (2) Tài bàn, tài bàn! Ai sinh ra chàng… cả nước tôi van! (Đánh Tài bàn - Nguyễn Thiện Kế).

    Không có nhận xét nào