Hiếu Bá Linh /VNTB
31/01/2023
Lê Anh Tú bị kết án 5 năm tù vì tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh do mật vụ Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 7 năm 2017.
Hôm nay 30/1/2023, Tòa án Thượng thẩm Berlin đã kết án Lê Anh Tú 5 năm tù vì tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh do mật vụ Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 7 năm 2017.
Sau gần 3 tháng xét xử, tòa án đã khẳng định rằng vụ bắt cóc này là một hoạt động của cơ quan mật vụ Việt Nam, trong đó bị cáo – mặc dù ở vị trí cấp dưới theo thứ bậc – nhưng biết âm mưu này và đã tham gia.
Ngay sau vụ bắt cóc, Lê Anh Tú đã trốn về Việt Nam. Trở lại Praha sau 5 năm chắc bởi cho rằng mọi chuyện đã chìm vào dĩ vãng. Nhưng ngay lập tức bị cảnh sát CH Séc bắt tại sân bay hồi tháng 4 năm ngoái và bị dẫn độ sang Đức hồi tháng 6 năm 2022, nơi từng gây án.
Chủ tọa phiên tòa Ralf Fischer nói rằng vụ bắt cóc giống như “cốt truyện của một bộ phim gián điệp khá ly kỳ”, nhưng mà thực sự đã xảy ra như thế. Tòa án đã có thể chứng minh bị cáo “có tham gia đáng kể vụ bắt cóc”. Theo kết luận của tòa án, bị cáo là người đã lái chiếc xe chở hai nạn nhân bị bắt cóc ngày 23-7-2017, gồm Trịnh Xuân Thanh và người tình Đỗ Thị Minh Phương, đến Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Tòa án cho biết ở chỗ dựa đầu ghế tài xế của chiếc xe này, các chuyên gia điều tra đã tìm thấy những mảnh gàu và theo kết quả xét nghiệm ADN đó là của Lê Anh Tú. Đây là một bằng chứng quan trọng. Ngoài ra những dữ liệu điện thoại di động cho thấy Lê Anh Tú có mặt tại khu vực hiện trường trong thời điểm diễn ra vụ bắt cóc.
Hai ngày sau (25/7), hai chiếc xe mang biển số của Đại sứ quán Việt Nam do Lê Thanh Hải – sĩ quan liên lạc của công an Việt Nam tại Đức – và Vũ Quang Dũng – sĩ quan tình báo Việt Nam – lái, chở Trịnh Xuân Thanh sang Brno, Cộng Hoà Séc. Sau khi bàn giao Trịnh Xuân Thanh, 2 chiếc xe này quay trở về Berlin.
Sau khi nghỉ qua đêm ở thành phố Brno tại Cộng hòa Séc, hôm sau ngày 26/07/2017, Lê Anh Tú đã cùng với một đoàn xe hộ tống chở Trịnh Xuân Thanh sang Bratislava, thủ đô của Slovakia. Bị cáo lái chiếc xe Mercedes Vito (7 chỗ ngồi) màu xanh đen mang biển số 4SF-5888 được Nguyễn Hải Long và ông cậu Đào Quốc Oai thuê một ngày trước đó tại văn phòng dịch vụ thuê mướn xe của Bùi Hiếu tại chợ Sapa ở Praha. Tòa nhận định rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh ở trên chiếc xe này. Camera kiểm soát giao thông trên đường cao tốc đã ghi hình được khuôn mặt của Lê Anh Tú khi đang lái chiếc xe Mercedes Vito. Đây là một bằng chứng cho thấy bị cáo đã tham gia đoàn xe hoặc đã đích thân chở Trịnh Xuân Thanh từ Brno (CH Séc) đến khách sạn Bôrik của chính phủ Slovakia ở thủ đô Bratislava, nơi tiếp đón phái đoàn Tô Lâm, và đậu xe trong khoảng thời gian 1 giờ 40 phút trong bãi đậu xe của khách sạn Bôrik – căn cứ theo dữ liệu của hệ thống định vị GPS trang bị trong chiếc xe này mà các nhà điều tra thu thập được.
Trong ngày đó (26/07/2017) diễn một gặp gỡ chính thức giữa các quan chức an ninh cao cấp của Việt Nam và Slovakia. Ngoài Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm phó thủ tướng Robert Kalinak và ba cộng sự thì phía Việt Nam có Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam dẫn đầu một phái đoàn Công an cao cấp gồm mười một người tham dự.
Từ khách sạn Bôrik, Trịnh Xuân Thanh được chuyển sang một chiếc xe của cảnh sát Slovakia, chiếc xe này cũng đưa ông ta cùng với các thành viên của phái đoàn Tô Lâm đến sân bay để lên một chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Robert Kaliňák đã cho phái đoàn Việt Nam mượn để bay đến Moscow. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh từ Moskva bị đưa về Hà Nội.
Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán đã kết tội bị cáo Lê Anh Tú với mức án 5 năm tù là đúng với yêu cầu của Tổng Công tố liên bang Đức, trong khi luật sư của bị cáo đòi hỏi tha bổng cho thân chủ của mình.
Hai luật sư không phủ nhận Lê Anh Tú, 32 tuổi cư ngụ ở Praha, có tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, tuy nhiên các luật sư nói rằng thân chủ của mình đã bị Đào Quốc Oai lợi dụng – Lê Anh Tú đã từ lâu là tài xế cho Đào Quốc Oai (một nhân viên mật vụ Việt Nam cư ngụ tại Praha) – mà không hề biết trước âm mưu bắt cóc.
Với lý lẽ này, từ đầu vụ xử cho đến phút cuối, bị cáo Lê Anh Tú luôn nuôi hy vọng sẽ được trắng án.
Trong phần viện dẫn kết án được đọc tại tòa hôm nay, Chủ tọa phiên tòa Ralf Fischer có nêu ra một trong các bằng chứng then chốt là bị cáo Lê Anh Tú đã nhiều lần điện thoại cho Trung tướng Đường Minh Hưng, người từ Việt Nam sang Berlin để trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc. Với bằng chứng này cùng những bằng chứng khác đã làm lý lẽ nêu trên của các luật sư sụp đổ tan tành.
Trong vụ xử bị cáo Nguyễn Hải Long hồi năm 2018, bị cáo chỉ bị kết án 3 năm 10 tháng tù, sau khi thỏa thuận nhận tội với tòa án để được mức án nhẹ. Trong tờ thú tội, Nguyễn Hải Long công nhận « có biết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và có tham gia », đồng thời nhìn nhận « làm việc cho cơ quan tình báo Việt Nam ».
Như vậy, trong khi Việt Nam vẫn phủ nhận vụ bắt cóc và nói Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú, thì tòa án Đức một lần nữa khẳng định vụ bắt cóc là có thật và do cơ quan mật vụ Việt Nam tổ chức. Bị cáo thứ hai cũng bị kết tội.
Không có nhận xét nào