10/2/1930 - 10/2/2023
Võ Thái Hà
Phần 4. Gồm 5 phần
10/02/2023
Báo Tiếng Dân 5 tháng 3 năm 1930 Số 261
Theo trình tự thời gian, những tài liệu đó gồm:
I. Những văn bản có tính chất “thông báo” sự kiện phản kháng của 18 sinh viên du học tại Paris từ chính quốc gửi về thuộc địa.
*Công điện số 885-C.A.I ngày 13-5-1930 của Bộ trưởng Thuộc địa gửi Toàn quyền Đông Dương về đơn thỉnh cầu của các sinh viên ở Nhà nội trú của sinh viên Đông Dương tại Khu Học xá Đại học ở Paris, nội dung như sau:
“Paris ngày 13-5-1930
Bộ trưởng Thuộc địa
Gửi Ông Toàn quyền Đông Dương
Tôi hân hạnh chuyển tới Ông, để Ông được biết, bản chụp lá đơn thỉnh cầu của các sinh viên ở Nhà nội trú của sinh viên Đông Dương về những kẻ bị kết án bởi Tòa Đại hình Hà Nội.
Một lá đơn khác có cùng nội dung đã được gửi cùng ngày tới Tổng thống nước Cộng hòa [Pháp].
Công điện số 885-C.A.I ngày 13-5-1930 của Bộ trưởng Thuộc địa gửi Toàn quyền Đông Dương
Trang cuối danh sách các sinh viên Đông Dương tại Khu Học xá Paris - những người đã ký tên trong đơn gửi Bộ trưởng Thuộc địa và Tổng thống nước Cộng hòa Pháp
Ông sẽ tìm thấy kèm theo đây một bản chỉ dẫn do C.A.I lập có các thông tin về những người bản xứ ký tên trong lá đơn này.
Thừa lệnh Bộ trưởng
Giám đốc Vụ Chính trị
Đã ký: JOSEPH”
Bức điện có đóng dấu “Mật” (Secret) và dòng chữ: “Trong danh sách này có tên hai con trai của Bạch Thái Bưởi”.
Khu học xá Đại học ở Paris (Cité Universitaire à Paris)số 41 đại lộ Jourdan, Paris – quận 14. Ảnh: https://www.paris2018.com/sites/cite-universitaire/
Kèm theo công điện số 885-C.A.I ngày 13-5-1930 của Bộ trưởng Thuộc địa gửi Toàn quyền Đông Dương là bản chụp lá đơn viết ngày 12-4-1930 của 18 sinh viên Đông Dương được gửi từ Khu Học xá, Nhà nội trú của sinh viên Đông Dương, số 41 đại lộ Jourdan, Paris, quận 14, với nội dung sau:
Bản chụp toàn văn lá đơn viết ngày 12-4-1930 của 18 sinh viên Đông Dương gửi Bộ trưởng Thuộc địa và Tổng thống nước Cộng hòa Pháp. Nội dung lá đơn yêu cầu tha cho những người đã bị Tòa Đại hình Hà Nội kết án tử hình “vì lý do chính trị” và phản đối những vụ ném bom vào các làng xóm, gây chết chóc cho những người dân lương thiện của chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương.
“Paris ngày 12-4-1930
Gửi Ông Bộ trưởng Thuộc địa,
Thưa ông Bộ trưởng,
Chúng tôi ký tên dưới đây, những sinh viên người Đông Dương ngụ tại Nhà nội trú Đông Dương ở Khu Học xá hân hạnh được kêu gọi lòng khoan dung của Ông đối với 52 đồng bào của chúng tôi đã bị kết án tử hình bởi Tòa Đại hình ở Hà Nội vì lý do chính trị.
Chúng tôi kêu gọi Ông hãy vì tinh thần Công lý và Nhân đạo mà can thiệp với Tòa án tối cao để những người này được ân xá.
Mặt khác, chúng tôi vô cùng phẫn nộ đối với những trận ném bom vào các làng xóm gây nên chết chóc cho những người dân lương thiện.
Xin Ông hãy nhận của chúng tôi, thưa Ông Bộ trưởng Thuộc địa, những tình cảm đau buồn sâu sắc nhất”.
Dưới thư là chữ ký của các sinh viên.
Cũng được gửi kèm theo công điện số 885-C.A.I ngày 13-5-1930 của Bộ trưởng Thuộc địa là danh sách 18 sinh viên đã viết lá đơn trên:
“1. Trần Bá Chi: có thể là người Nam Kỳ, quốc tịch Pháp, đi từ Sài Gòn ngày 16-8-1926, hộ chiếu số 175.
2. Nguyễn Ngọc Ky: người Nam Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số C-53513, sinh ngày11-1-1910 ở Da Phuoc, tổng Minh Dat, Bến Tre, con của Nguyễn Ngọc Tương, Tri phủ đại diện hành chính ở Xuyen Moc (Bà Rịa) năm 1928 và Bùi Thị Giàu; đi từ Sài Gòn ngày 20-8-1928.
3. Phan Ngọc Tôn: có học bổng, người Nam Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số C-37472, sinh ngày 2-11-1010 ở Tan Kien, tổng Long Hung thuong, Chợ Lớn, con của Phan Ngọc Trinh, Tri huyện năm 1929 ở Mỹ Tho; từ Sài Gòn đi Paris ngày 3-9-1929.
4. Trương Trương Vinh: có học bổng (?), người Nam Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số C-12083, sinh ngày 19-2-1905 ở Binh Duc, Long Xuyên, con của Trương Minh Giang, đốc phủ hạng nhất năm 1928 và được thưởng Bắc đẩu bội tinh hạng năm; đi từ Sài Gòn ngày 29-8-1910.
5. Nguyễn Sinh Nam: người Bắc Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số T-74900, sinh năm 1911 ở Phúc Xá, tổng Phúc Lâm, huyện Hoàn Long, Hà Đông, con của Nguyễn Văn Vy tức Félix Young.
6. Trương Minh Hàm: có thể là người Nam Kỳ, sinh năm 1909 tại Sài Gòn, đi từ Sài Gòn ngày 29-6-1921, em trai của Trương Văn Xương.
7. Trương Văn Xương: người Nam Kỳ, sinh năm 1907 tại Sài Gòn, rời khỏi Sài Gòn ngày 26-6-1921, anh trai của Hàm.
8. Lê Quang Thắng: người Nam Kỳ, gốc Sa Đéc, con trai của Lê Quang Biên, quốc tịch Pháp.
9. Nguyễn Văn Tất: người Nam Kỳ, giấy chứng nhận căn cước số C-27994, sinh ngày 5-8-1902 tại Long Châu, tổng Bình Long, Vĩnh Long, con của Nguyễn Văn Thiên năm 1926 là thư ký chính hạng của Khu Hành chính Vĩnh Long, đi từ Sài Gòn ngày 25-8-1926.
10. Lê Quang Huy: không rõ tin tức ở Nhà nội trú sinh viên Đông Dương, không được nhận dạng bởi cơ quan an ninh.
11. Nguyễn Văn Nhơn Jean: có thể là người Nam Kỳ cùng tên, sinh ngày 8-7-1910 ở Phuoc Hai, tổng Bình Phước, tỉnh Trà Vinh, con của Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Thị Dương, đi từ Sài Gòn ngày 7-3-1927.
12. Nguyễn Huy Bao: có vẻ chắc chắn là người Bắc Kỳ cùng tên, sinh năm 1909 ở Hà Nội, số 9 đại lộ Doudart de Lagrée [phố Hàm Long], đi từ Hải Phòng ngày 26-11-1925.
13. Bạch Thái Sáu: người Bắc Kỳ, sinh năm 1908 ở Thanh Oai, Hà Đông, con của Bạch Thái Bưởi, đi từ Hải Phòng ngày 2-9-1925.
14. Lê Quang Đức: người Nam Kỳ, sinh ngày 21-8-1921 ở Sa Đéc, con trai của Lê Quang Liên, quốc tịch Pháp và Lê Thị Thi. Được phiên chế vào Pháp ngày 10-11-1928 để làm nhiệm vụ chính thức. Trong thời gian này đã có chứng chỉ học dự bị quân sự cao cấp, nằm trong tốp học sinh sĩ quan dự bị.
15. Bạch Thái Bảy: người Bắc Kỳ, em của Bạch Thái Sáu đã được chỉ rõ ở trên.
16. Thao Nhouy: người Lào, sổ đại học số 1 ngày 27-11-1929, sinh ngày 19-1-1909 ở Khong [?], Bassac [Hậu Giang], có học bổng.
17. Lê Quang Trọng: con trai của Đốc phủ quá cố Lê Quang Hiên, quốc tịch Pháp. Ở Pháp từ 1905.
18. Trần Văn Be: không rõ tin tức ở Nhà nội trú sinh viên Đông Dương, không được nhận dạng bởi cơ quan an ninh”.
Không có nhận xét nào