Phần 2. Gồm 5 phần
Báo Tiếng Dân ngày 22 tháng 2 năm 1930. Số 258
Chuyến đi tuyên truyền ở Xiêm La (Thái Lan) tháng 6/1927
Chuyến đi này được những người khởi xướng thành lập VNQDĐ quyết định ngày 22/05. Nguyễn Thái Sơn, Hồ Văn Mịch và Phạm Tiềm (tức Tú Tiềm) đã tới Xiêm La vào tháng 6/1927. Ba người tới Udon ở Tây Bắc Thái Lan, gặp nơi có nhiều chí sĩ Việt Nam lưu vong sinh sống, trong đó có Hy Tống và Ngọc Ân của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Ba ông tham dự cuộc họp tưởng niệm người đã hy sinh trong vụ ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin năm 1924. Nhân dịp này, ba ông đã có những bài phát biểu, vận động hợp nhất với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, nhưng đảng này đã trả lời cần phải tham vấn ý kiến của những người cộng sản ở Quảng Châu. Cuối tháng 7/1927, Tú Tiềm về nước và có bản báo cáo về chuyến đi trong cuộc họp ngày 02/9.
Chuyến đi của Nguyễn Ngọc Sơn và Hồ Văn Mịch tới Nam Kỳ
Nguyễn Ngọc Sơn và Hồ Văn Mịch không trở về Bắc Kỳ sau khi rời Xiêm La mà tới Nam Kỳ, với mục đích thành lập các chi bộ tại đây. Cả hai có các cuộc gặp với Nguyễn An Ninh, Tú Kiên và Trần Nguyên Phú, những nhà lãnh đạo của các phong trào chống Pháp tại Nam Kỳ. Theo Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn An Ninh là người vừa trở về từ Pháp, mang tư tưởng phương Tây và đảng do Nguyễn An Ninh lập nên không có cơ sở vững chắc, vì một người trong gia đình khi gia nhập đảng, đồng nghĩa với tất cả gia đình của họ cũng trở thành đảng viên của đảng. Do vậy tuy đảng có số lượng thành viên đông nhưng nhiều người không có khả năng, không có sự bình đẳng giữa các đảng viên. Nguyễn Ngọc Sơn đã chứng minh cho Nguyễn An Ninh thấy những ưu điểm trong tổ chức của VNQDĐ. Nguyễn An Ninh bị bắt và Nguyễn Ngọc Sơn buộc phải dừng kế hoạch hợp tác với Nguyễn An Ninh. Tú Kiên và Nguyễn Ngọc Sơn cũng đã gặp nhau. Tú Kiên là lãnh tụ của Đảng Tân Việt ở Trung Kỳ. Ông cũng cho Nguyễn Ngọc Sơn biết ông hy vọng dẫn đắt đảng của ông thành công trong 3 năm tiếp theo. Việc Tú Kiên bị Pháp bắt đã giáng đòn mạnh vào đảng của ông và bất chấp mọi nỗ lực của Tú Kiên sau khi ra tù, Đảng Tân Việt không thể vực dậy. Trần Nguyên Phú, một thợ ảnh là người sáng lập một đảng chính trị mang khuynh hướng cộng sản. Trong thời gian lưu trú ở Nam Kỳ, Nguyễn Ngọc Sơn đã tổ chức thành công 8 chi bộ và khi về Bắc Kỳ, ông được Trần Nguyên Phú thông báo có thêm 4 chi bộ được thành lập. Dựa vào những hoạt động trên, Đào Khắc Hùng ra thông tri về việc Tú Kiên và Trần Nguyên Phú đã chấp nhận hợp nhất với VNQDĐ tại Nam Kỳ trên nguyên tắc. Thông tin này được mật thám Pháp nắm được khi thu được cuốn sổ tài liệu của VNQDĐ. Cũng trong thời gian lưu trú tại Nam Kỳ, Nguyễn Ngọc Sơn đã tới Cao Miên (Campuchia) để gặp một người tên là Trần Đinh Sóc, cháu của Ba Liệu (Nguyễn Công Riệu) song không có kết quả.
Phân bố các chi bộ của VNQDĐ giai đoạn cuối năm 1928 đầu 1929
Việt Nam Quốc Dân Đảng qua tài liệu lưu trữ Hải ngoại Pháp.
Kỳ II : Quốc dân Đảng những năm 1928-1929
Báo cáo quý I năm 1928 của mật thám Pháp đã liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) vào tầm ngắm theo dõi các đảng chính trị chống Pháp quyết liệt tại Đông Dương, với tiền thân là Nam Đồng thư xã dưới vỏ bọc một hội truyền bá văn hóa.
Biên bản phiên tòa ngày 02 và 3.07.1929
Chủ trương dùng bạo lực ?
VNQDĐ thành lập ủy ban biên soạn sách, tạp chí tuyên truyền nhằm mục đích truyền bá, tuyên truyền tới quần chúng. Đầu tiên là Hồn Cách Mệnh: trong số thứ hai, nội dung đề cập đến việc hành động bằng bạo lực. Một số ấn phẩm đang trong giai đoạn chuẩn bị như bản thông tri của Đào Khắc Hùng, cuốn sách về lịch sử giành độc lập của nước Mỹ, một cuốn sách về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc, cuốn sách viết về người tiên phong trong cách mạng.
Bên cạnh đó, VNQDĐ đẩy mạnh tuyên truyền trong binh lính. Mua chuộc binh lính được xem là một trong những phương cách đánh đuổi quân Pháp, đối tượng nhắm tới là bộ phận chỉ huy các toán quân, những người làm việc liên quan đến thiết bị chiến tranh, tuyên truyền kết nạp họ tham gia hoạt động đấu tranh của đảng nhằm hỗ trợ trang bị quân sự cho các đảng viên khác. Một số chi bộ quân sự được thành lập. Những quân nhân bị bắt thừa nhận tham gia VNQDĐ, nhưng luôn phủ nhận ủng hộ bạo lực và kêu gọi cầm vũ khí, mật thám Pháp khẳng định các điều lệ của VNQDĐ lại cho thấy điều đó. Những chú thích tìm thấy trên sổ ghi chép của Nguyễn Ngọc Sơn ghi khá cụ thể về thiết bị vũ khí, số lượng quân Pháp đóng ở Hà Nội.
Mật thám Pháp đã phục hồi được các báo cáo của Nguyễn Thế Nghiệp bị tiêu hủy trong các vụ bắt bớ, lục soát ở Nam Đồng thư xã. Đó là những tài liệu quân sự, có hướng dẫn về sử dụng lựu đạn. Viên Chánh án Tòa đại hình Brides khẳng định, hoạt động của VNQDĐ không chỉ dừng lại ở mức độ hòa bình, kêu gọi binh lính Việt trong quân đội Pháp nổi dậy .
Cuộc họp ngày 01/07/1928
Cuộc họp dự kiến diễn ra ở Gia Lâm với sự tham dự của tất cả các đại biểu, nhưng cuối cùng lại được quyết định diễn ra ở Nam Đồng thư xã. Cuộc họp cũng thống nhất cử ba đại biểu đi Xiêm La (Thái Lan) để kết nối liên lạc với các nhóm chí sĩ yêu nước lưu vong lưu trú tại đây. Trên thực tế, ba đại biểu được cử là Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Tú Tiềm đã thực hiện nhiệm vụ này từ tháng 6/1928. VNQDĐ quyết định mở các cửa hàng nhằm cung cấp tài chính cho các cuộc ám sát.
Cuộc họp ngày 02/09/1928
Cuộc họp diễn ra ở số 5 đường Sơn Tây (Route de Sơn Tây, Hà Nội) do Nguyễn Thái Học chủ trì. Ông đã khen ngợi 19 đảng viên bất chấp các vụ bắt bớ của Pháp vẫn tới dự họp. Ông kêu gọi các đảng viên hy sinh vì đất nước để một ngày nào đó lá cờ độc lập có thể tung bay trên đất Việt Nam, làm biến mất vĩnh viễn lá cờ của Pháp. Chương trình nghị sự của cuộc họp gồm: cử đại biểu đến Vân Nam, Quảng Châu và Quảng Tây cũng như các vùng biên giới để tiến hành các chiến dịch tuyên truyền ủng hộ đảng. Gửi đại biểu đến gặp Phan Bội Châu để thảo luận các vấn đề tuyệt mật. Thành lập Khách sạn Việt Nam để đại biểu các tỉnh có thể lưu trú trong thời gian ở Hà Nội cũng như tăng thêm nguồn tài chính cho đảng. Thành lập tờ báo xuất bản bằng chữ quốc ngữ, tăng cường xuất bản sách về cách mạng. Yêu cầu con của các đảng viên khi trưởng thành phải gia nhập đảng, tăng mức độ tuyên truyền trong lính bản xứ (khố đỏ và khố xanh). Phân phát bản tổng kết hoạt động của đảng trong tháng 7 và 8. Cũng trong cuộc họp này, số đầu tiên của Hồn Cách Mạng đã được phát cho các đại biểu nhưng các đại biểu đánh giá là có nội dung không phù hợp với trình độ của đa số đảng viên.
Cuộc họp ngày 01/11/1928
Cuộc họp diễn ra tại ngõ Bourrin (phố Yên Ninh ngày nay, Hà Nội) do Nguyễn Thái Học chủ trì. Ông đã quyết định quyên góp tiền để đưa các đại biểu sang Trung Quốc. Hội nghị bàn về những đảng viên được cử đi sang Trung Quốc. Báo cáo tài chính tháng 9 và 10 không hoàn tất và phiên họp bất thường được quyết định diễn ra vào ngày 11/11.
Cuộc họp ngày 11/11/1928 tại Khách sạn Việt Nam
Trong cuộc họp này, ba đại biểu đã được cử sang Trung Quốc và các đảng viên được kêu gọi quyên góp tiền để chi trả cho chuyến đi này. VNQDĐ cũng quyết định gửi 100 đồng hỗ trợ Nguyễn Ngọc Sơn quay về Bắc Kỳ. Các đảng viên thống nhất đóng 5% lương hoặc thu nhập. Cuộc họp cũng ca ngợi lòng dũng cảm của các đảng viên đương đầu với những hiểm nguy trong hành động cách mạng, tổng kết tài chính tháng 9 và 10 của đảng, chương trình hành động. Tạp chí Hồn Cách Mạng số thứ 2 với những thay đổi về nội dung cho phù hợp được phát cho các đại biểu dự họp. Chính trong cuộc họp này mà kế hoạch ám sát Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã được đưa ra. Sự sụp đổ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) Pháp Poincaré xoa dịu các lo ngại của các đảng viên của Tổng bộ. Họ cho rằng sự kiện này sẽ ngăn viên Toàn quyền rời khỏi Đông Dương.
Cuộc họp ngày 25/12/1928
Cuộc họp diễn ra tại phố Charron kéo dài (phố Mai Hắc Đế ngày nay, Hà Nội), vẫn do Nguyễn Thái Học chủ trì với sự tham dự của các đại biểu của nhiều tỉnh. Điều lệ đảng đã có những sửa đổi, được sao chép và phân phát cho các đảng viên dự họp. Tổng bộ cũ kết thúc nhiệm kỳ và Tổng bộ mới ra đời phù hợp với điều lệ vừa được sửa đổi. Các ban Lập pháp và Hành pháp cần phải được thành lập. Cuộc họp tiến hành bầu thành viên của ban Lập pháp, sau đó chỉ định các thành viên của Ủy ban thuộc ban Hành pháp. Các đại biểu khác được phân bổ về hai bộ. Trước khi giải tán, Tổng bộ cũ đã đọc các báo cáo về tình hình của đảng, dự đoán về một sự can thiệp từ bên ngoài, những quan hệ cần duy trì để đạt được các mục tiêu: Nguyễn Thái Học và Tú Tiềm được chỉ định để hoàn thành sứ mệnh bên Trung Quốc. Cuối cuộc họp, tổng bộ cũ đã trao lại quyền cho tổng bộ mới và cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 01/01/1929.
Cuộc họp ngày 01/01/1929 vẫn tại địa điểm cũ. Đây là cuộc họp của Ban Hành pháp và Lập pháp. Ban Hành pháp do Nguyễn Khắc Nhu chủ trì, Lê Xuân Hy là Phó chủ tịch. Ban Hành pháp do Nguyễn Thế Nghiệp làm Chủ tịch, Lê Văn Phúc là Phó chủ tịch. Nguyễn Khắc Nhu đọc diễn văn nói về tình hình đất nước bị quân Pháp chiếm đóng, mọi tự do bị bóp nghẹt và đảng phải sử dụng mọi sức mạnh để phát động cách mạng. Nguyễn Thế Nghiệp giải thích về các quy chế liên quan đến việc phân chia Tổng bộ thành hai ban. Mục đích của biện pháp này là dẫn tới nguyên tắc phân chia quyền lực. Các quyết định khác được xem xét kỹ lưỡng.
Vừa trở về từ Nam Kỳ, Nguyễn Ngọc Sơn, đã báo cáo kết quả của các hoạt động tuyên truyền, những kết nối liên lạc với Nguyễn An Ninh, Trần Nguyên Phú và Nguyễn Đinh Kiêm.
Cuộc họp ngày 20/01/1929
Cuộc họp được tiến hành tại nhà của Hoàng Thúc Gị, phố Goussard (phố Thái Phiên ngày nay, Hà Nội). Trước tình hình tài chính đáng lo ngại của Khách sạn Việt Nam, ông kêu gọi các đảng viên quyên góp tiền để duy trì sự tồn tại của nhà nghỉ.
Cuộc họp ngày 02/02/1929, cũng vẫn tại nhà Hoàng Thúc Gị
Đây là cuộc họp cuối cùng, với vấn đề chính được nêu ra là việc quản lý kém Khách sạn Việt Nam của Hoàng Văn Đào tức Mỹ Hữu Đào. Một số đảng viên đề nghị thành lập một số nhà nghỉ tự quản mỗi tỉnh.
Nguyễn Thái Học, Nguyến Thế Nghiệp dự kiến việc kinh doanh nhà nghỉ là nguồn thu thường xuyên của đảng, để không phải quyên góp tiền từ các đảng viên. Đề nghị này từng được trình lên trong cuộc họp hồi tháng 7/1928 và đã được chấp nhận dù có những phản đối.
Tháng 9/1929 Nguyễn Thái Học đi Thanh Hóa và quyết định giao cho Hoàng Văn Đào làm chủ nhà nghỉ. Khách sạn Việt Nam mở cửa từ ngày 26/10 tại phố Hàng Bông.
Nguồn thu của VNQDĐ mỗi quý ước chừng 2.000 đồng và ngày 01/01/1929, đảng ra quyết định quyên góp tiền bằng cách trích 5% lương hoặc thu nhập của các đảng viên. Khách sạn Việt Nam được lập ra nhằm cung cấp tài chính cho hoạt động tuyên truyền, nhưng trên thực tế, nó lại ngốn phần lớn nguồn tài chính của đảng và duy trì tồn tại nhờ vào tiền quyên góp tự nguyện từ đảng viên.
Cũng trong cuộc họp, người soạn thảo chương trình hành động của VNQDĐ là Ngô Văn Triện ( tức Trúc Khê) đã nêu ra những điều kiện của một nhà tuyên truyền giỏi : có thể chất, trí tuệ và đạo đức tốt. Ông cũng đưa ra những lời khuyên trong việc tuyển thêm đảng viên, xem xét cá nhân cũng như cách tiếp cận tiếp xúc.
Thư của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Piétri gửi Toàn quyền Đông Dương ngày 17.12.1929 về việc một số đảng viên VNQDĐ tìm cách đi sang Nga
Phiên tòa ngày 02/07/1929 xét xử các đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng
Ngày 29/02/1929, tên trùm mộ phu Bazin bị ba đảng viên của VNQDĐ là Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung (Ký Cao) ám sát.
Trong bốn tháng sau đó, Pháp đã tiến hành bắt bớ 227 người, ba người trốn thoát. Cũng theo báo cáo này, nhà tù Hỏa Lò - nơi giam giữ 227 tù nhân không đáp ứng được các điều kiện giam giữ cần thiết số lượng tù nhân chính trị lớn như vậy. Bản báo cáo của Brides khẳng định toàn bộ 227 người trên đều tham gia các phong trào đấu tranh chống Pháp, phần lớn trong số những người bị Pháp kết án làm việc trong chính quyền Pháp hoặc bản xứ :
Thư ký các tòa Công sứ : 8 người
Giáo viên bản xứ trường tư thục : 4 người
Giáo viên dạy chữ Hán : 2 người
Sinh viên : 6 người
Nghị viên, hội viên, nhân viên trong chính quyền bản xứ : 13 người
Phóng viên : 4 người
Nhân viên : 10 người
Thư ký tại các cơ quan chính quyền khác : 28 người
Giáo viên dạy tại các cơ sở công : 36 người
Địa chủ, làm nông, thầy lang : 37 người
Buôn bán, thợ thủ công và các nghề khác : 39 người
Quân đội : 40 người
Ngày 02 và 03/07/1929, Tòa Đại hình Bắc Kỳ tuyên án 227 người bị bắt, 147 người trong số đó được miễn tố do vai trò của họ trong các cuộc đấu tranh, 78 người bị kết án. Tình hình sức khỏe của Hồ Văn Mịch rất yếu, ông ho ra máu và được chuẩn đoán chỉ còn sống được ít ngày .
Kết án vắng mặt :
Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Dương Hạc Đình : 20 năm tù giam ;
Nguyễn Tường Loan : 10 năm tù giam
Nguyễn Như Hy : 5 năm tù giam
Nguyễn Văn Viên (Hà Nội) : 15 năm tù giam
Nguyễn Văn Viên (Bắc Ninh): 10 năm tù giam
Kết án :
Phạm Tuấn Tài : 15 năm tù giam
Hoàng Thúc Gị : 10 năm tù giam
Nguyễn Ngọc Sơn : 10 năm tù giam
Lê Văn Phúc : 10 năm tù giam
Tương Đan Bảo: 10 năm tù giam
Nguyễn Thế Nghiệp : 10 năm tù giam
Đào Khắc Hùng (tức Đào Nam Hinh, Đào Hinh, Đào Hinh Nam) : 10 năm tù giam
Nguyễn Thái Trác : 5 năm tù giam
Hồ Văn Mịch : 5 năm tù giam
Hoàng Trác : 10 năm tù giam
Hoàng Phạm Trân (tức Nhượng Tống), Lê Xuân Hy (tức Cử Hy), Nguyễn Văn Năng, Trần Văn Môn, Đặng Xuân Tiếp, Phạm Hữu Phùng, Nguyễn Công (Ngọc) Riêu, Hoàng Hồ, Lê Văn Chu, Đoàn Mạnh Chế, Trần Bích, Phạm Duy Kiêu (tức Hàn Kiêu), Nguyễn Danh Doi, Đặng Đình Hướng, Nguyễn Văn Đàm : 5 năm tù giam
Lê Thành Vị, Chu Dưỡng Bình, Phạm Hữu Chinh, Phạm Tiềm, Trương Văn Tân, Đặng Đình Diên, Nguyễn Văn Kệch, Đoàn Tiệp (tức Phó Tiệp), Nguyễn Văn Khoa (có sách ghi là Khác), Đào Danh Hợi, Đào Viết Chuyên, Trần Hưng Long, Đặng Ngọc Như (tức Giáo Như), Nguyễn Canh Hoan, Nguyễn Trọng Phú, Trần Bình Kim, Nguyễn Đăng Đóa, Phùng Văn Đê : 5 năm tù giam
Nguyễn Hữu Đạt, Hà Đức Vong, Hoàng Văn Đào, Chu Văn Phác, Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Kim Ngữ, Vũ Đức Hiền, Trần Xuân Ngưỡng, Vũ Tá Chu, Trần Văn Chinh, Ngô Thúc Địch, Lê Văn Quyền, Đặng Minh Phụng, Lê Đức Phong, Liễu Bá Dung, Nguyễn Văn Vỵ, Nguyễn Duy Cương, Phạm Hữu Nữu, Phạm Liên Hoa, Ngô Văn Triên, Trịnh Thế Hưng, Lê Trọng Dang, Nguyễn Văn Tôn, Lê Văn Tô, Nguyễn Thư Hoàng, Lê Duy Châu, Nguyễn Văn Tâm, Phó Đức Chính, Nguyễn Đức Phương, Mai Ngọc Thiệu (Cả Sâm), Nguyễn Huy Viên, Phạm Minh Đức : 2 năm tù giam
Nguyễn Hữu Đạt, Chu Dưỡng Bình, Phạm Hữu Chinh, Phạm Tiềm, Hà Đức Vương, Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Kim Ngữ, Vũ Đức Hiền, Trần Xuân Ngưỡng, Đặng Đình Diên, Trần Văn Chinh, Ngô Thúc Địch, Lê Văn Quyền, Đặng Minh Phụng, Lê Đức Phong, Liễu Bá Dung, Phạm Hữu Nữu, Ngô Văn Triện, Trịnh Thế Hưng, Lê Văn Tô, Nguyễn Thư Hoàng, Nguyễn Văn Tâm, Phó Đức Chính, Nguyễn Đức Phương, Nguyễn Huy Viên tạm thời được hoãn thi hành án.
Mật thám Pháp cũng cho rằng VNQDĐ đứng sau vụ ám sát Trịnh Thị Nhu và Trịnh Thị Uyển ở Hải Phòng. Hai người này bị nghi ngờ đã phản bội VNQDĐ và vụ ám sát này có nhiều điểm khá tương đồng với vụ ám sát trùm mộ phu Bazin.
Viên Chánh án Tòa đại hình Bắc Kỳ đánh giá VNQDĐ đã hoạt động khá thành công, khi kết nạp nhiều đảng viên là viên chức làm việc trong chính quyền Pháp hay chính quyền bản xứ. Hơn thế, chỉ trong thời gian ngắn (hơn 1 năm), Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông đã biến tổ chức quy mô nhỏ là Nam Đồng thư xã thành một đảng chính trị chống Pháp có quy mô lớn, với các ban Lập Pháp, Hành pháp, Tòa án tối cao. Tháng 12/1928, mật thám Pháp ước tính VNQDĐ khoảng 800 đảng viên thuộc 70 chi bộ và đến tháng 2/1929, khoảng 1540 đảng viên thuộc 120 chi bộ.
Danh sách các bắt bớ đảng viên VNQDĐ tại các tỉnh
Chuẩn bị
Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, và Phó Ðức Chính bị mật thám vây bắt hụt tại làng Võng La, tổng Hạ Bì, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) ngày 8-12-1929. Tuy nhiên, để qua mặt Pháp, các ông lại triệu tập đại hội ngay tại Võng La ngày 26-1-1930, gồm khoảng 20 đại biểu các tỉnh miền Trung du Bắc Kỳ. Sau khi kiểm điểm tình hình, Nguyễn Thái Học tuyên bố:
“… Người ta bảo: cần phải đứng trước ở chỗ không thua! Nhưng chúng ta thì đứng trước ở chỗ thua mất rồi! Thế nhưng liệu chúng ta hãy hoãn để tổ chức lại rồi mới đánh có được không? Tôi tin rằng không thể được! Cuộc đời là cả một canh bạc, gặp canh bạc đen, người ta có thể thua sạch hết cả vốn. Gặp thời thế không chiều mình, đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam, âu là chết đi để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta “không thành công thì thành nhân”, có gì mà ngần ngại. ”
Nguyễn Thái Học trình bày xong, một đảng viên tên là Trần Hải tiếp lời:
“Chúng ta có cả ngàn chi bộ dân sự, 4, 5 trăm chi bộ nhà binh, cùng sự ủng hộ của đồng bào, lực lượng chúng ta không đến nỗi yếu kém! Chúng ta đã đứng vào cái thế cưỡi cọp, không thể lùi bước được nữa! Tôi đề nghị đảng ta ra lệnh tổng khởi nghĩa.(29)
Khi hỏi ý kiến để lấy quyết định chung, toàn thể những người có mặt trong hội nghị Võng La đều biểu quyết đồng tâm tổng khởi nghĩa, nhưng hội nghị này chỉ bàn thảo kế hoạch thực hiện ở Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ và Yên Bái. Những tỉnh trung du nầy đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Khắc Nhu.
Sau đó một hội nghị khẩn cấp khác được Nguyễn Thái Học triệu tập tại làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, mới phân công kế hoạch khởi nghĩa ở Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Ðáp Cầu, Phả Lại. Các tỉnh miền đồng bằng do Nguyễn Thái Học điều động. Riêng tỉnh Sơn Tây do Phó Ðức Chính phụ trách. Tại Hà Nội, VNQDĐ xét thấy chưa đủ thực lực để khởi nghĩa, nên chỉ giao cho Ðặng Trần Nghiệp tức Ký Con (30) chỉ huy đoàn quân cảm tử làm nghi binh để cầm chân quân Pháp.
Ngày trọng đại được chọn là tối mồng 9 rạng mồng 10-2-1930. Các nhà lãnh đạo chọn ngày nầy để khởi nghĩa vì mồng 10-2 dương lịch là mồng 1 Tết âm lịch năm canh ngọ. Nhân dịp Tết cổ truyền, dân chúng thường đi lại mua bán tấp nập, người Việt Nam lại có tập tục đốt pháo để mừng xuân, là cơ hội thuận tiện cho việc chuyển quân và vũ khí được dễ dàng. Tuy nhiên, vào phút chót, vì sự liên lạc khó khăn, việc tập họp đảng viên gặp trở ngại nên các tỉnh miền đồng bằng như Hải Dương, Hài Phòng, Kiến An cử người tìm gặp Nguyễn Thái Học, xin hoãn cuộc tổng khởi nghĩa đến ngày 15-2-1930. Nguyễn Thái Học liền phái người báo cho Nguyễn Khắc Nhu, nhưng đã quá trễ nên nhiều nơi vẫn nổi lên tối mồng 9-2.
Trước hoàn cảnh cùng cực của người dân, trước sự ruồng bố gắt gao của Pháp, Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết định Tổng Khởi Nghĩa vào ngày 10-2-1930 sau phiên họp lịch sử của VNQDĐ tại Võng La làng Mỹ Xá ngày 26 tháng Giêng năm 1930, dưới sự chủ toạ của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu (Xứ Nhu) và Phó Đức Chính. Cũng trong phiên họp lịch sử này, Nguyễn Thái Học đã để lại cho hậu thế câu nói bất hủ “KHÔNG THÀNH CÔNG CŨNG THÀNH NHÂN”.
Sáng sớm ngày 10 tháng 2 năm 1930, Quân Cách Mạng đồng loạt tấn công nhiều cứ điểm quân sự của Pháp ở khắp nơi: Tấn công Yên Báy, Lâm Thao, Hưng Hóa; ném bom cầu Long Biên, nội thành Hà Nội; đánh Đáp Cầu, Phả Lại; tấn công đồn binh Pháp Kiến An; đánh Phủ Dực, Vĩnh Bảo, Thái Bình; giết chết nhiều sĩ quan, binh lính địch và chiếm nhiều căn cứ của thực dân. Đặc biệt, trên mỗi tay áo các chiến sĩ VNQDĐ đều có gắn chữ “Cách Mạng Quân”, với khăn choàng trước ngực có hàng chữ : “THỀ CHẾT GIẾT GIẶC PHÁP, LIỀU MÌNH CỨU DÂN NAM”.
Quân Pháp với vũ khí tối tân đã phản công mạnh bạo khiến cho quân Khởi Nghĩa cuối cùng bị đẩy lui vì phương tiện còn thiếu thốn. Nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học trốn thoát nhưng cuối cùng bị sa lưới quân thù vào ngày 20/2/1930 tại ấp Cổ Vịt vì ông nhất định ở lại, sống chết cùng các đồng chí, không chịu trốn sang Trung Hoa lưu vong.
Khi hỏi ý kiến để lấy quyết định chung, toàn thể những người có mặt trong hội nghị Võng La đều biểu quyết đồng tâm tổng khởi nghĩa, nhưng hội nghị này chỉ bàn thảo kế hoạch thực hiện ở Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ và Yên Báy. Những tỉnh trung du nầy đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Khắc Nhu.
Sau đó một hội nghị khẩn cấp khác được Nguyễn Thái Học triệu tập tại làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, mới phân công kế hoạch khởi nghĩa ở Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Ðáp Cầu, Phả Lại. Các tỉnh miền đồng bằng do Nguyễn Thái Học điều động. Riêng tỉnh Sơn Tây do Phó Ðức Chính phụ trách. Tại Hà Nội, VNQDĐ xét thấy chưa đủ thực lực để khởi nghĩa, nên chỉ giao cho Ðặng Trần Nghiệp tức Ký Con (30) chỉ huy đoàn quân cảm tử làm nghi binh để cầm chân quân Pháp.
Ngày trọng đại được chọn là tối mồng 9 rạng mồng 10-2-1930. Các nhà lãnh đạo chọn ngày nầy để khởi nghĩa vì mồng 10-2 dương lịch là mồng 1 Tết âm lịch năm canh ngọ. Nhân dịp Tết cổ truyền, dân chúng thường đi lại mua bán tấp nập, người Việt Nam lại có tập tục đốt pháo để mừng xuân, là cơ hội thuận tiện cho việc chuyển quân và vũ khí được dễ dàng. Tuy nhiên, vào phút chót, vì sự liên lạc khó khăn, việc tập họp đảng viên gặp trở ngại nên các tỉnh miền đồng bằng như Hải Dương, Hài Phòng, Kiến An cử người tìm gặp Nguyễn Thái Học, xin hoãn cuộc tổng khởi nghĩa đến ngày 15-2-1930. Nguyễn Thái Học liền phái người báo cho Nguyễn Khắc Nhu, nhưng đã quá trễ nên nhiều nơi vẫn nổi lên tối mồng 9-2.
Một điều cần ghi nhận cuối cùng là trước ngày khởi nghĩa, đảng Cộng Sản Ðông Dương rải truyền đơn tố cáo Việt Nam Quốc Dân Ðảng sắp tấn công Bắc Kỳ; cô Giang đưa cho Nguyễn Thái Học xem truyền đơn này, nhưng Nguyễn Thái Học “lấy lòng quân tử đo bụng tiểu nhân”, không tin là những người cộng sản lại có thể làm như vậy được.
Xem tiếp phần 3
Không có nhận xét nào