Phần 1. Gồm 5 phần
Tờ Tuyên cáo khởi nghĩa
Ngày 25 tháng 12, 1927 Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí thành lập VNQDĐ với chủ trương “làm cuộc cách mạng quốc gia, đánh đổ thực dân phong kiến, lập nên một chế độ Cộng Hòa Dân Chủ nhằm mang lại Độc Lập, Tự Do cho Dân Tộc, Hạnh Phúc và Tiến Bộ cho toàn dân”. Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đặt ra thách thức đầu tiên của chủ nghĩa dân tộc có tổ chức đối với sự thống trị của thực dân ở Việt Nam.
Vào những năm 20 của thế kỷ trước, dân tộc Việt Nam vẫn còn chìm đắm trong cảnh nước mất nhà tan. Các phong trào yêu nước do giới sĩ phu lãnh đạo nổ ra vào các thập niên cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX đều thất bại. Một không khí hoang mang, tiêu trầm tràn ngập trong giới Nho sĩ bấy giờ. Cuộc Khởi nghĩa Yên Báy do đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng- Nguyễn Thái Học làm ngọn cờ và linh hồn đã nổ ra trong khung cảnh ấy. Hầu hết những người tham gia cuộc khởi nghĩa đều ở độ tuối thanh xuân, đó là: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc ... và của nhiều chiến sĩ vô danh khác…Họ đã lấy trái tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ để đốt lên những bó đuốc, tuy rằng không thay được ánh bình minh, song nó cũng khiến cho bóng tối bớt đi phần cô quạnh, góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của toàn thể Quốc Dân Việt…
Việt Nam Quốc Dân Đảng là đảng cách mạng có tư tưởng cải cách, sự kết hợp giữa sự đàn áp của Pháp và sự thất vọng với chủ nghĩa cải cách thuộc địa thất bại đã khiến đảng áp dụng một đường lối cấp tiến hơn. Năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã tổ chức và phát động “Tổng khởi nghĩa” chống Pháp ở miền Bắc Việt Nam nhằm đánh đuổi thực dân, thống nhất đất nước và lập nền Cộng Hòa
Việt Nam Quốc dân Đảng qua tài liệu lưu trữ Hải ngoại Pháp.
Kỳ I: Hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng qua tài liệu của mật thám Pháp
Lưu trữ Hải ngoại Pháp (ANOM) lưu trữ nhiều tài liệu của Sở Liêm phóng (hay còn gọi là Sở Mật thám) Đông Dương về Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Đây chủ yếu là các báo cáo, đánh giá về hoạt động của đảng này, kể từ ngày thành lập (năm 1927) đến khi khởi nghĩa Yên Báy thất bại, các phiên tòa xét xử các đảng viên bị bắt.
Báo cáo của Bride, Chánh án Tòa đại hình Bắc Kỳ năm 1929 tổng hợp quá trình hoạt động của một tổ chức chính trị lớn chống Pháp có tên gọi Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), đòi giành độc lập cho Việt Nam bằng mọi cách và mọi giá có thể. Bản báo cáo nêu khá cụ thể về nội dung các cuộc họp của VNQDĐ, cũng như đánh giá vai trò của những lãnh đạo như Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thế Nghiệp hay Nguyễn Khắc Nhu (Xứ Nhu).
Nam Đồng thư xã và tổng hợp các hoạt động của các đảng viên cao cấp
Nam Đồng thư xã được thành lập từ năm 1925, do Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên), và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống) đứng ra thành lập, tại số 6 đường 96 khu Nam Đồng (trước Bờ Hồ Trúc Bạch, Hà Nội). Đây là nơi chuyên viết, dịch và cho xuất bản các tác phẩm cách mạng thế giới.
Tháng 7/1927, mật thám Pháp phát hiện Nguyễn Thái Học xuất hiện ở Nam Đồng thư xã, nơi được ông dùng để ở. Tháng 9/1927, Nguyễn Thái Học cùng với Phạm Tuấn Tài lên kế hoạch chống Pháp. Cũng trong tháng 9/1927, Nguyễn Ngọc Sơn lên đường sang Trung Quốc.
Tháng 11/1927, mật thám Pháp báo cáo về một cuộc nổi dậy có thể diễn ra vào ngày 11/11/1927 ở Bắc Ninh, kỷ niệm Ngày Đình chiến. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy đã không diễn ra do Nguyễn Thái Học cho rằng thời điểm chưa thuận lợi, một cuộc nổi dậy chưa được chuẩn bị kỹ có thể ảnh hưởng không tốt đến tổ chức cũng như sự phát triển của VNQDĐ. Ngày 24,25 và 26/11/1927, Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn họp tại nhà của Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài vừa trở về từ Tuyên Quang. Mỗi người trình bày quan điểm cũng như kế hoạch của riêng mình và tuyên bố thành lập tổ chức có tên gọi Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nguyễn Thái Học muốn tập hợp các đảng nhóm nhỏ chống Pháp trong vùng.
Tháng 12/1927, Nguyễn Thế Nghiệp đi Nam Kỳ nghiên cứu tình hình chính trị, đến Thanh Hóa, ông đã phân công Hoàng Văn Tùng tiến hành các hoạt động tuyên truyền trong vùng cũng như Bắc Trung Kỳ. Nguyễn Ngọc Sơn đến Ninh Bình cùng với Phạm Tiềm (tức Tú Tiềm), Nhượng Tống đến Thái Bình, Nguyễn Thái Học và Hồ Văn Mịch lên Lào Cai. Phạm Tuấn Tài về lại Tuyên Quang. Tháng 2/1928, Nguyễn Thế Nghiệp từ Nam Kỳ trở về và ở lại Nam Đồng thư xã, khi đó chỉ còn lại Nguyễn Thái Học.
Vào giai đoạn này, mật thám Pháp coi Nhượng Tống là nhân vật hoạt động tích cực nhất của đảng. Ông đóng vai trò tuyên truyền, thư ký, biên tập, là cầu nối với các nhà xuất bản ở Nam Kỳ bị chính quyền Pháp nghi ngờ tham gia VNQDĐ. Ông vận động cho kế hoạch thành lập một chi bộ lớn ở Sài Gòn cũng như tại các thành phố lớn của Đông Dương. Nhượng Tống cố vấn cho những người mà ông thường trao đổi thư từ trong soạn thảo tài liệu tuyên truyền phân phát tại Bắc Kỳ, kêu gọi giành tự do cho đất nước.
Các cuộc họp của VNQDĐ không có thời gian và địa điểm cố định. Ngày 7/4/1928, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Kim Ngữ đến Yên Phụ. Cũng trong tháng này, các đảng viên của các chi bộ trong vùng cũng về họp tại Nam Đồng thư xã để tổng kết tình hình chính trị. Biết bị mật thám Pháp theo dõi, Nguyễn Thế Nghiệp không rời khỏi nơi ở, tiếp tục soạn thảo điều lệ đảng. Tháng 5/1928, ông đi Thái Bình, Thanh Hóa và Vinh. Trong thời gian này, VNQDĐ nhóm họp dưới sự điều hành của những thành viên sáng lập. Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Lê Văn Phúc là ủy viên lâm thời, đảm trách việc tổ chức VNQDĐ dưới sự chủ trì của Nguyễn Thái Học. Tháng 7/1928 diễn ra cuộc họp đầu tiên có sự tham dự của đại biểu các vùng và Ủy ban trung ương được thành lập. Cũng từ mốc thời gian này, mọi hoạt động của VNQDĐ bị mật thám Pháp theo dõi chặt chẽ, trong đó có các thông tin về chương trình họp, thảo luận, các cuộc họp.
Tổ chức của Việt Nam Quốc Dân Đảng
Chuyến đi của Nguyễn Thế Nghiệp ở Trung và Nam Kỳ tháng 12/1927
Tại Vinh, Nguyễn Thế Nghiệp gặp rất nhiều nhà cách mạng tham gia và liên quan đến vụ lưu vong bí mật ở Móng Cái, đa số họ đã là đảng viên của VNQDĐ ở Bắc Trung Kỳ. Tại Huế, ông gặp Phan Bội Châu. Ở Sài Gòn, ông gặp Vũ Đình Dy - chủ bút của tờ «Thanh niên Đông Dương», Nguyễn Khánh Toàn, cựu chủ bút của tờ «Nhà quê» (năm 1929, đã chuyển sang sống ở Marseille, Pháp). Hai ông đã cung cấp cho Nguyễn Thế Nghiệp thông tin về tình hình chính trị và tổ chức của các hội nhóm do Nguyễn An Ninh, Trần Nguyên Phú và Nguyễn Đinh Kiêm lãnh đạo. Gấp gáp trở về Bắc Kỳ tham dự lễ thành lập VNQDĐ, tháng 3/1927, Nguyễn Thế Nghiệp lên tàu về Bắc Kỳ cùng với Nguyễn Văn Ngọc và Cao Hữu Tạo, mà theo mật thám Pháp cho là nhân viên Ngân hàng Đông Dương.
Xem tiếp phần 2
Không có nhận xét nào