Bình Phương /RFI
31/01/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Lee Jong-sup (bên phải) tại lễ đón tiếp ông Austin ở trụ sở Bộ QP Nam Hàn sáng 31/01/2023 ở Seoul. Sau Nam Hàn, ông Austin sẽ đến Philippines để bàn thỏa thuận bố trí quân đội Mỹ tại các căn cứ quân sự của Philippines để phòng Trung Quốc gây hấn. Ảnh Kim Hong-Ji – Pool/Getty Images
Ngay sau thỏa thuận gia tăng quân viện và cung cấp xe tăng Abrams cho quân đội Ukraine, Mỹ đã chuyển trọng tâm sang châu Á -Thái Bình Dương để chuẩn bị ứng phó với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang có chuyến công du tới Nam Hàn và Philippines, gặp Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Nếu các cuộc đàm phán ở Seoul tập trung vào mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn thì tại Manila, ông Austin dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận cho phép bố trí quân đội Mỹ ở một số căn cứ quân sự của Philippines ven biển Đông – một chiến lược đề phòng Trung Quốc gây chiến chống Đài Loan hoặc nếu thực hiện các hoạt động hung hăng hơn ở Biển Đông.
Báo The Wall Street Journal nói, Mỹ hy vọng đạt được thỏa thuận trong tuần này để đưa quân đội Mỹ tới bốn căn cứ quân sự của Philippines. Hai trong số các căn cứ đó có thể nằm trên đảo Luzon phía bắc và ở tỉnh Palawan phía tây nam. Chưa rõ hai địa điểm còn lại sẽ ở đâu hoặc sẽ có bao nhiêu binh sĩ Hoa Kỳ tham gia. Đổi lại, Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho Manila, cung cấp cả máy bay không người lái để các lực lượng Philippines có thể giám sát các hoạt động ở Biển Đông. Mỹ cũng sẽ đồng thời giúp Manila hiện đại hóa quân đội và xoay trục khỏi sứ mệnh chống khủng bố hiện nay để có thể đối đầu tốt hơn với Bắc Kinh.
Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm bố trí các lực lượng nhỏ trên khắp Châu Á Thái Bình Dương, củng cố các liên minh cũ và hình thành các liên minh mới để chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Việc bố trí quân đội luân phiên trên khắp Philippines có thể giúp lực lượng Mỹ chủ động về hậu cần trên một khu vực rộng lớn hơn nếu xung đột nổ ra.
Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, cho biết hiện có khoảng 500 nhân viên quân sự luân phiên của Mỹ ở Philippines.
Xe lội nước đổ bộ của TQLC Mỹ tham gia cùng quân đội Philippines trong khuôn khổ cuộc tập trận Balikatan ở tỉnh Zambales của Philippines gần quần đảo Trường Sa. Ảnh Dondi Tawatao/Getty Images
Các quan chức Mỹ cho biết, việc đạt được một thỏa thuận với Philippines là một nỗ lực kéo dài nhiều tháng do mối quan hệ phức tạp của Manila với Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, trong khi Hoa Kỳ là một đồng minh an ninh lâu đời, khiến chính phủ Philippines không muốn đứng về một phía chống lại phía bên kia. “Đó là một sự cân bằng rất bấp bênh,” Tổng thống Marcos nói với The Wall Street Journal vào đầu tháng này.
Việc Mỹ bố trí các nhóm lực lượng luân phiên nhỏ trong khu vực cũng nhằm tránh leo thang với Bắc Kinh, vì Trung Quốc có thể coi việc lập các căn cứ lớn là hành động khiêu khích trực tiếp các yêu sách hàng hải của họ ở Biển Đông, cũng là một bước đi quá xa đối với các nước nhỏ như Philippines – những nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington.
Ở Biển Đông, nơi Philippines và bốn quốc gia khác đang có tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với Trung Quốc, Bắc Kinh đã xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở tuyến đường thủy chiến lược, đồng thời lực lượng hải quân và cảnh sát biển của họ hiện diện mạnh mẽ trong một khu vực có tính cạnh tranh cao. Các quan chức Hoa Kỳ và Philippines nói rằng các đội tàu đánh cá của Trung Quốc cũng hoạt động như lực lượng dân quân hàng hải để thực thi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, buộc người dân Philippines phải rời khỏi các ngư trường truyền thống.
Đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đón ông Marcos tới Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước, trong đó hai nhà lãnh đạo đã ký một loạt thỏa thuận củng cố hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả an ninh. Hai nước nhất trí thiết lập một kênh liên lạc trực tiếp giữa các bộ ngoại giao về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Các lực lượng Hoa Kỳ được quyền hoạt động hợp pháp tại Philippines theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký kết năm 2014, cho phép binh sĩ Hoa Kỳ đóng quân tại các doanh trại quân đội Philippines trong một thời gian dài. Quân đội Philippines có thể sử dụng các địa điểm do Hoa Kỳ xây dựng sau khi các lực lượng này rời đi.
Năm 2016, năm căn cứ của Philippines—Fort Magsaysay, Căn cứ không quân Basa, Căn cứ không quân Antonio Bautista, Căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen và phi trường Lumbia—được chỉ định cho quân đội Hoa Kỳ sử dụng theo EDCA.
Vào tháng Chín năm 2021 hai bên đã bắt đầu các cuộc đàm phán về bổ sung các địa điểm mới và kết quả có thể là thỏa thuận sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Bộ trưởng Austin.
***
Ngoài Philippines, Mỹ cũng đã tìm cách biến Úc trở thành đồng minh trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các nước phương Tây ngày càng lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc. Năm ngoái, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh thông báo sẽ hợp tác để giúp Úc xây dựng và vận hành hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2040, mở rộng phạm vi quân sự của họ trong khuôn khổ liên minh AUKUS.
Đổi lại, Úc đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân mới ở Bờ biển phía Đông nhằm cung cấp tiếp liệu và bảo trì cho các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, tăng cường khả năng của cả hai nước trong việc chống lại Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ cũng đang củng cố ảnh hưởng đối với hàng chục quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương để nhấn mạnh cam kết của mình đối với khu vực hiện đang đi đầu trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ sớm công bố việc mở các đại sứ quán mới ở Kiribati và Tonga. Trong những tuần gần đây, Hoa Kỳ đã ký các biên bản ghi nhớ với Quần đảo Marshall và Palau, hai hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, theo đó Hoa Kỳ sẽ viện trợ đáng kể cho các đảo quốc này về kinh tế và chống biến đổi khí hậu để có quyền quân sự và các quyền an ninh khác trên các đảo.
Không có nhận xét nào