Quê Hương tổng hợp
Tổng thống Đức cùng một đoàn doanh nghiệp bãi bỏ chuyến thăm Việt Nam
15/02/2023
Thục-Quyên/VNTB
Campuchia đã được đưa vào lịch trình của Tổng Thống Đức Steinmeier sau khi chuyến đi dự định tới Việt Nam bị hủy bỏ
Sau cuộc viếng thăm đầu tháng 11/2022 của Thái tử và Công nương Đan Mạch dẫn đầu hơn 30 doanh nghiệp đến Việt Nam với chủ đề “Chung tay kiến tạo tương lai xanh hơn’’, thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã nhanh chóng ghé thăm Hà Nội trên đường đi dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia, để nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Đức-Việt cũng như trình bày một kế hoạch hành động với các dự án chung quan trọng. (1).
Hai cuộc viếng thăm từ Đan Mạch và Đức đánh dấu thời điểm bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Âu Châu với ASEAN: tăng cường sự có mặt và hợp tác thương mại của Âu Châu tại châu Á hầu nới lỏng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tháng 12/2022, văn phòng Tổng thống Cộng Hoà Liên Bang Đức đã chính thức yêu cầu Ủy ban Châu Á-Thái Bình Dương các Doanh nghiệp Đức (Asien-Pazifik-Ausschuss APA) thăm dò và sửa soạn thành lập một phái đoàn doanh nghiệp gồm các đại diện công ty cỡ lớn và cỡ trung bình, đặc biệt những đại diện thuộc phái nữ, để tháp tùng Tổng thống Frank Steinmeier trong chuyến công du của ông tại Việt Nam và Mã Lai dự định từ ngày 13/2 tới 19/02/2023. (2)
Việt Nam bị thay thế bằng Campuchia. (3)
Tuy văn phòng Tổng Thống Đức không đưa ra lý do, Campuchia đã được đưa vào lịch trình của TT Steinmeier sau khi chuyến đi theo kế hoạch của ông tới Việt Nam bị hủy bỏ, ngay sau một chấn động chính trị ở Hà Nội: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ chức trong bối cảnh các cấp phó của ông bị buộc đồng loạt từ chức, do bê bối tham nhũng liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền.
Ông Phúc đã từng nhiều lần gặp gỡ TT Steinmeier, từ chuyến thăm Hà Nội năm 2016 của ông Steinmeir khi còn là ngoại trưởng Đức, và ông Phúc lúc đó vừa được bổ nhiệm làm thủ tướng Việt Nam. Sau đó, năm 2017, ông Phúc đã được TT Steinmeier tiếp đón tại Schloss Bellevue – dinh tổng thống Đức –chỉ khoảng nửa tháng trước khi một sự cố ngoại giao lớn nổ ra liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn ở Đức trong khi bị truy nã về tội tham nhũng tại Việt Nam.
Mặc dù bà Võ Thị Xuân Anh đang giữ quyền chủ tịch nước Việt Nam, vị trí chính thức sẽ vẫn bị bỏ trống cho đến ít nhất là tháng 5 khi quốc hội độc đảng triệu tập. Một trong những ứng cử viên tiềm năng là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, người đã bị các công tố viên và thẩm phán Đức nhắc tới trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại công viên Tiergarten, ngay trung tâm chính trị của Berlin, cách dinh tổng thống 550m. Tô Lâm bị cho là đã trực tiếp có mặt tại Slovakia để mượn máy bay đem TXThanh qua ngã Nga về Việt Nam.
Bộ trưởng Tô Lâm còn kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia phụ tá, hỗ trợ Trưởng ban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, nên là tác nhân quan trọng trong việc khui những vụ bê bối tham nhũng của những thủ tướng và phó thủ tướng vừa mất chức.
Quyết định không đến Việt Nam của TT Steinmeier phản ảnh điều gì?
Tin tức chiến tranh càng ngày càng khốc liệt tại Ukraine cùng những tin liên quan đến cuộc động đất với trên 35.000 người chết tại Thổ nhĩ Kỳ và Syria đang tràn ngập cuộc sống
Tại Đức và Liên minh Âu châu.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của TT Steinmeier diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm một năm cuộc chiến tranh mà Đức đi đầu trong Liên minh Âu châu thống nhất để ủng hộ Ukraine chống lại các hành động xâm lược của Nga, đánh dấu sự thay đổi của một kỷ nguyên, đồng nghĩa với việc đánh giá lại hoàn toàn cách tiếp cận kinh tế, quốc phòng và chiến lược của Đức và Liên minh Âu châu đối với thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á.
Đức cũng như các quốc gia trong Liên minh Âu châu cần Đông Nam Á như một trong những lối thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, một tình trạng mà họ muốn tránh hệ lụy chính trị và chiến lược với những bài học rút ra từ trường hợp đã từng phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga trước cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng quan trọng hơn thế nữa là bài học phải củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương, cũng như phát triển bền vững phải nằm trên những lợi ích ngắn hạn.
Việt Nam hiện nay đôi khi được đánh giá là một “Trung quốc nhỏ”, nhưng bên cạnh sự chú ý đến các tiềm năng kinh tế của Việt Nam, bài học Trung Hoa làm phương Tây rất ý thức và không muốn tạo điều kiện cho một quốc gia với một chế độ toàn trị thêm lớn mạnh, vì điều này sẽ không mang lại an ninh cho thế giới.
Địa chính trị thay đổi liên tục. Quân đội Mỹ trở lại Philippines mang theo những thay đổi ảnh hưởng tại vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Những trò ảo thuật tráo bài đổi tướng của đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là trò “vải thưa che mắt thánh”, không thể đạt được lòng tin và sự kính nể quốc tế, cần thiết cho một sự hợp tác vững mạnh để Việt Nam có thể thực sự phát triển, củng cố nội lực hầu bảo đảm nền an ninh quốc gia.
____________
Chú thích:
1. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp9k2zrn1e1o
3. https://www.bundespraesident.de/DE/Presse/Terminkalender/terminkalender-node.html
Than có sẵn, xúc lên bán cũng lỗ… 3 tỷ đôla Mỹ!
Ông Tư Sài Gòn
14/02/2023
Trước đó, báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính tiết lộ loạt các công ty khai thác khoáng sản đang thua lỗ. – Ảnh minh họa: Website Vinacomin
Với bản tin “Gánh nợ hơn 3 tỷ USD đè nặng Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam”, trang VTC News cho thấy tình hình ngổn ngang của tập đoàn này.
Than là loại khoáng sản tự nhiên, nằm sẵn trong lòng đất, chỉ cần tổ chức đào lên rồi đem bán mà các ông lãnh đạo tập đoàn cũng bị lỗ từ năm này sang năm kia thì quả thật khó hiểu. Người dân nói “khó thế mà mấy ổng cũng làm được thì quả thật là ‘thiên tai’ cho đất nước”.
Thực ra, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam “phá gia chi tử” đến đâu, họ cũng chẳng mang một gánh nợ nào cả, vì đó là tập đoàn của nhà nước. Lời thì nhà nước hưởng, còn lỗ thì dân đóng thuế thêm bù vào. Nhiều người ta thán: “Khi làm ăn có lời thì mấy ông chia nhau, khi lỗ thì dân chúng tôi gánh chịu”, cũng chẳng sai.
Mà ngặt một cái, không chỉ có một mình ông bán than than lỗ, hay ông bán điện cũng than lỗ,… nhưng lỗ tới 3 tỷ đôla Mỹ thì quả thật khó có ai nghĩ ra được.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất sáu tháng đầu 2022, Vinacomin ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến 74.4 nghìn tỷ đồng (hơn $3 tỷ), trong đó nợ ngắn hạn là hơn 44.4 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 30 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ phải trả hiện gấp 1.6 lần vốn sở hữu của Vinacomin.
Trụ sở Vinacomin chậm tiến độ, sau nhiều năm vẫn chưa đưa vào hoạt động – Ảnh: VTC News
Cứ tính bình quân như thế này cho dễ hiểu: Mỗi sáng, khi mở mắt dậy là mấy thằng dân phải gom tiền lại trả giùm thằng bán than hơn 6.5 tỷ đồng tiền lãi (trên $276 ngàn) cho nhiều khoản nợ vay. Chỉ tính những món nợ vay lớn, trong sáu tháng đầu năm ngoái, Vinacomin phải trả tới 1.1 nghìn tỷ đồng lãi suất vốn vay (hơn $46 triệu)!
Có người hỏi than có sẵn, chỉ việc đào lên bán thôi mà cũng lỗ vốn là sao? Đương nhiên câu trả lời phải dành cho mấy ông lãnh đạo ngành bán than (bán luôn nước). Tuy vậy, nhìn vào hoạt động của tập đoàn này thì người ta thấy lý do lỗ cũng dễ hiểu thôi, vì đào lên bán được bao nhiêu mấy ông mang đầu tư tràn lan, không định hướng, dẫn đến nhiều công ty con cũng theo công ty cha, lỗ chỏng gọng.
Đơn cử như Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa lỗ 30.8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 252 tỷ đồng, bằng 63% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê lỗ lũy kế là 21 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đồng Tả Phời lỗ 203.4 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 230.5 tỷ đồng, bằng 50.3% vốn điều lệ…
Đặc biệt hơn, một số đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính, phải đưa vào giám sát tài chính đặc biệt. Đơn cử như Công ty than Hà Lầm có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hai năm liên tiếp cao hơn mức quy định (trên 10 lần). Một số đơn vị đầu tư vốn nhiều năm đến nay đã tạm dừng hoạt động, gây nên rủi ro thu hồi vốn. Bao gồm Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê…
Thấy gì từ các chỉ số tài chính của tập đoàn ‘xúc than lên bán cũng lỗ’?
Trang VTC News lấy số liệu từ Vinacomin cho biết, đến ngày 30/6/2022, hàng tồn kho (tức là bán không ai mua) của Vinacomin lên đến hơn 22.3 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so hồi đầu năm. Hàng bán rồi cũng không nhận được tiền, vì con nợ cứ “trây” ra không trả. Những con nợ lớn nhất là Công ty mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 2.9 nghìn tỷ đồng, Formosa Hà Tĩnh hơn 260 tỷ đồng, Nhiệt điện Mông Dương hơn 657 tỷ đồng…
Thi hành kỷ luật đối với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – Ảnh: Báo Chính Phủ
Đặc biệt, tại thời điểm lập báo cáo, Vinacomin có hơn 270.8 tỷ đồng nợ khó đòi nhưng dự kiến chỉ thu hồi được 37.6 tỷ đồng. Nhiều “anh em giang hồ” góp ý đòi nợ giùm rồi “cưa đôi” số tiền đòi được, cũng may mấy ông bán than cương quyết từ chối.
Tình hình tập đoàn “xúc than lên bán cũng lỗ” nát như tương bần như thế nên cũng không lạ khi có hàng loạt lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật, có ông vô tù nghỉ dưỡng. Riêng ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin, đại biểu Quốc hội – đã bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng và hành chính, phải từ chức Chủ tịch Vinacomin.
Có người nói với thành tích làm lỗ tới $3 tỷ, chỉ cần ông Chuẩn bỏ túi $300 triệu, 10% thôi cũng đủ gia đình ông sống đế vương suốt đời, cần gì cái chức chủ tịch tập đoàn “xúc than lên bán cũng lỗ” làm chi nữa!
Hà Nội sẽ xóa sổ bốn địa điểm bán dâm “phức tạp”?
An Vui
14/02/2023
Tú bà Nguyễn Thị Hương Giang (giữa) và 2 nàng trong đường dây bán dâm trên mạng tại văn phòng công an Hà Nội – Ảnh: Công an
Từ nay đến cuối năm 2023, Sở Lao động – thương binh và xã hội Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xóa sổ bốn điểm “phức tạp” về tệ nạn mua-bán dâm.
Bốn điểm bao gồm: Ba điểm thuộc huyện Thanh Trì (ngã ba Ngọc Hồi, đường Kim Giang và tuyến đường Cầu Bươu – Phan Trọng Tuệ), một điểm ở quận Hoàng Mai (khu vực đường Giải Phóng, gần bến xe Giáp Bát). Trước đó, TP. Hà Nội đã “triệt xóa” (chữ dùng của truyền thông trong nước) bảy địa điểm “phức tạp” về tệ nạn mua-bán dâm và thực hiện nhiều giải pháp để bảy điểm này không tái hoạt động.
Trong số những điểm đã “triệt xóa”, có bốn điểm là các cơ sở kinh doanh karaoke, massage, nhà nghỉ, khách sạn ở khu vực đường 32 thuộc xã Đức Thượng và xã Đức Giang, huyện Hoài Đức; khu vực gần Bến xe Yên Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa và khu vực chùa Tổng thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông; khu vực đường Trần Duy Hưng thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Ngoài ra, còn ba điểm thuộc khu vực công cộng là đường ven sông Tô Lịch, gần cầu Nguyễn Khánh Toàn thuộc phường Cống Vị, Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, quận Ba Đình; phố Yersin – Vườn hoa Pasteur thuộc phường Phạm Đình Hổ và phố Nguyễn Huy Tự – Trần Khánh Dư thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
Có rất nhiều hình ảnh của sugar baby đang tìm kiếm sugar daddy ở Hà Nội – Ảnh chụp màn hình
Dân Việt dẫn nguồn tin này từ Công an Hà Nội hôm 14 Tháng Hai 2023 và không cho biết cụm chữ “điểm phức tạp” ám chỉ điều gì: Điểm bán dâm có quy mô lớn? Hay điểm bán dâm tồn tại lâu đời, dai dẳng, cứ dẹp xong lại tiếp tục hoạt động?
Tuy nhiên, việc “triệt xóa” hay xóa sổ những điểm bán dâm ở Hà Nội (hay Sài Gòn và Việt Nam) thật ra cũng chỉ là hình thức, tô vẽ cho đẹp những báo cáo của nhà cầm quyền. Vì thực tế cho thấy, ngoài những điểm mua-bán dâm trực tiếp (hữu hình) có thể đếm được thì còn có cả thị trường mua-bán dâm nhộn nhịp trên mạng không thể kể xiết.
Hồi Tháng Tám 2022, Hà Nội đã khui một đường dây môi giới mua-bán dâm trên mạng, do “tú bà” trẻ đẹp quê Hải Dương tên Nguyễn Thị Hương Giang (sinh năm 1998) cầm đầu. Bảng giá của Giang từ 10 – 15 triệu đồng/lượt ($423-$635) và cao hơn, từ $1,000 – $2,000/lượt, trong đó 70% thuộc về Giang.
Thông tin từ Công an Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021, Giang sử dụng nhóm kín trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram… để kết nối gái bán dâm và người mua dâm ở nhiều tỉnh, thành phố và điểm hẹn cuối cùng là các khách sạn ở Hà Nội.
Vụ đường dây mua -bán dâm qua mạng của “tú bà” Hương Giang không phải là duy nhất. Ngày 20 Tháng Mười 2021, VOV đưa tin công an Hà Nội đã bắt tạm giam “tú ông” Hà Trọng Thắng (sinh năm 1993), điều hành đường dây môi giới sugar baby (con nuôi – bán dâm trá hình) và sugar daddy (bố nuôi – mua dâm trá hình) trên mạng xã hội, cho khách lựa chọn trả tiền từng lần gặp gỡ hay theo tháng.
Tú ông Hà Trọng Thắng môi giới sugar baby và sugar daddy ở Hà Nội và hình ảnh một cô gái trong đường dây sugar baby – Ảnh VOV
“Tú ông” này cho khách hàng hai lựa chọn: Gói thứ nhất là “bao nuôi”, khách phải trả từ 15-20 triệu đồng ($635-$847) để gặp baby 4-8 lần trong một tháng; Gói thứ hai là khách trả tiền trước mỗi lần gặp gỡ baby. Mỗi lần baby gặp daddy thành công, Thắng được trả từ 1 – 2 triệu đồng ($42-$85).
Luật Việt Nam hiện không quy định bán dâm là tội phạm, nhưng cấm việc mua – bán dâm, do đó những đối tượng bán dâm trên 18 tuổi sẽ bị xử lý hành chính, bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền, từ 300,000 đồng – 500,000 đồng ($12-$21); nếu bán dâm cùng lúc cho hai người thì bị phạt từ 1-2 triệu đồng ($42-$85).
Còn kẻ mua dâm người trên 18 tuổi, theo luật cũng xử phạt tiền, với mức từ 1 – 2 triệu đồng ($42-$85). Khi mua dâm từ hai người trở lên cùng một lúc, sẽ bị phạt từ 2 – 5 triệu đồng ($85-$213).
Mức phạt quả như… đùa! Thế nên, truy bắt và dẹp mua-bán dâm ở Việt Nam đúng chỉ là trò “bắt cóc bỏ dĩa”!
Không có nhận xét nào