Quê Hương tổng hợp
Chiến tranh thực và xung đột hèn
Nguyễn Thông
24-2-2023
Cách nay đúng một năm, ngày 24.2.2022, bọn phát xít mới do Putin cầm đầu đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, một đất nước độc lập, có chủ quyền, thành viên của Liên Hợp Quốc.
Dù bè lũ Putin khốn nạn và những kẻ xu nịnh nó có bẻ quanh bẻ queo, uốn éo chữ nghĩa từ ngữ kiểu gì đi chăng nữa, thì vẫn lộ ra thực chất: Đó là chiến tranh, là xâm lược, là phi nghĩa, là chống lại loài người.
Gần như cả thế giới đều nhận thức được điều ấy, bằng chứng rõ nhất là những cuộc bỏ phiếu trong năm 2022 của Liên Hợp Quốc. Đám dùng phiếu chống lại nghị quyết lên án Nga, dùng phiếu trắng ngầm ủng hộ Nga, đám ăn theo nói nịnh bọn Nga gọi cuộc xâm lược là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, là cuộc “xung đột”, lệnh cho báo chí truyền thông phải tìm cách khen Nga, dìm hàng Ukraine, lấy thông tin từ báo đài Nga… đã ngày càng bộc lộ sự khốn nạn của chúng. Loại tướng Cương tá Mẫu thời nào chả có nên dù chúng có che mặt mo, người đời vẫn sớm nhận ra.
Coi các kênh thời sự thế giới, chỉ trừ bọn Nga và vài nước “ngưu tầm ngưu”, ta thấy khi nói về cuộc chiến tranh tại Ukraine, đề mục đều dùng cụm từ “War in Ukraine”. Người trình độ nửa chứng chỉ A tiếng Anh cũng có thể dịch chính xác là “Cuộc chiến tranh tại Ukraine” hoặc ngắn gọn “Chiến tranh tại Ukraine”.
Vậy nhưng, có những quân ngợm ngầm chỉ đạo không được gọi là chiến tranh mà chỉ dùng từ “xung đột”, xung đột tại Ukraine. Cũng giống như không được nói cuộc xâm lược mà chỉ được dùng “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Xung xung đột đột cái con bà nhà nó. Tởm.
Làm xiếc ngôn từ, biến “chiến tranh” thành “xung đột” là chạy tội cho bọn xâm lược Nga, bênh thằng ăn cướp.
Trong tiếng Anh có những từ “conflict”, “strife” để chỉ sự xung đột, tranh giành, va chạm, đối lập, mâu thuẫn, cãi nhau, bất hòa, giận dữ, tranh chấp, tranh cãi… Tiếng Việt cũng có từ “xung đột” nghĩa tương tự. Nói chung là không hài lòng nhau, thậm chí có thể nện thụi nhau, nhưng tầm mức thường chỉ trong cá nhân, gia đình, xóm giềng, làng xã, phạm vi hẹp. Giải quyết xung đột cũng chả cần đao to búa lớn ùng oàng. Nhưng một khi nước này kéo quân sang xâm lược, chiếm đất, tàn phá, giết chóc nước khác thì phải gọi là “war”, chiến tranh. Chỉ những quân khốn nạn mới gọi cuộc chiến tranh là cuộc xung đột.
Cứ thử lẩn mẩn, nếu có ai gọi cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam trước kia, “War in Vietnam” là xung đột, lại chả đầy đứa nhảy lên như choi choi phản đối. Chúng từng gọi Mỹ là quân xâm lược, gọi cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành là… chiến tranh, gọi cuộc chiến đấu chống kẻ xâm lược là chính nghĩa, “hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ”, đều đúng cả, nhưng lại im thin thít không dám nhắc đến cuộc xâm lược của quân Trung Quốc năm 1979 mà chỉ dám nói chung chung là “cuộc chiến tranh biên giới phía bắc”, vô hình trung làm nhòe, xóa nhòa kẻ gây chiến và người chống lại bọn xâm lược, kiểu như bên nào cũng có lỗi. Thế thì đừng đòi hỏi gì ở đám ấy việc phải chỉ thẳng thực chất “War in Ukraine” là chiến tranh ở Ukraine.
Cuộc chiến tranh ở Ukraine như một cái sàng, sàng lọc tư cách quốc gia. Lọt xuống nia, chắc chắn có Việt Nam.
Dân Việt lúc này nhiều người giỏi ngoại ngữ, nhất là những vị làm ngoại giao hoặc đám báo chí truyền hình. Chưa cần phải thạo 29 thứ tiếng, chỉ tiếng Anh thôi, đọc/nghe “War in Ukraine” là rõ chiến tranh ở Ukraine, chứ không phải xung đột, cãi nhau hàng tôm hàng cá. Có phải thế không, hở ngài Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn người đất thuốc lào?
Kinh tế ảm đạm, người dân khó khăn duy trì đời sống
24/02/2023
Nguyễn Lại
Một người bán hàng rong tại Hà Nội dịp cận Tết
Đối với không ít người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ du lịch hay hàng không, cho đến giờ, dù Việt Nam đã mở cửa trở lại sau Covid, thu nhập của họ vẫn bị cắt giảm hơn một nửa để bù vào những gì mà các doanh nghiệp đã phải trả cho họ trong suốt thời gian đình trệ vì đại dịch.
Anh Nguyễn Thành Trung, một nhân viên làm việc trong lĩnh vực cung cấp hàng hoá miễn thuế ở sân bay Nội Bài, Hà Nội, cho biết hiện thu nhập hàng tháng của anh chỉ hơn 10 triệu đồng trong khi người vợ làm cùng ở sân bay trong suốt hơn 3 năm qua không có thu nhập nên đời sống gia đình vô cùng khó khăn.
“Lương của tôi đến giờ vẫn bị cắt 60%, tôi đã hồi lại lương đâu. Nhưng mình phải chấp nhận vì trong suốt hơn 2 năm người ta vẫn trả lương cho mình, dù là có cắt đi như thế nhưng vẫn trả đều vì người ta vẫn muốn giữ mình. Còn bà xã nhà tôi thì vẫn đang nghỉ không lương nhưng cũng xác định là nghỉ luôn công ty cũ rồi.”
Ra Tết, vợ chồng anh hy vọng đời sống kinh tế khấm khá hơn và người vợ nghỉ ở nhà mở một cửa tiệm nhỏ bán một số loại hàng hoá nhập khẩu từ các đầu mối quen biết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại thì việc bán buôn cũng vô cùng ế ẩm.
“Thật ra những dân thành phố như Hà Nội thì họ vẫn có tiền để chi tiêu trong việc ăn uống, nhưng đối với các chi phí khác thì họ cũng thắt lưng buộc bụng và hạn chế hơn rồi,” anh Trung chia sẻ.
Bà Nguyễn Thu Hương có chồng là giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu thiết bị y tế tại Hà Nội. Bà cho biết trước chiến dịch ‘đốt lò‘ của ông Nguyễn Phú Trọng, các hoạt động kinh doanh-cung cấp thiết bị y tế và dược phẩm trong nước ngày càng khó khăn, không lãnh đạo bệnh viện công nào còn muốn liên doanh, đầu tư máy móc vì sợ sai phạm.
“Ông ấy liên doanh với cả bệnh viện. Kiểu như ông ấy bỏ tiền mua máy mang vào bệnh viện thì được chia đôi lợi nhuận. Nhưng bây giờ thì không làm được như thế nữa bởi vì bệnh viện họ không còn dám nhận. Giám đốc bệnh viện không dám nhận bởi vì cái tiền chia đôi đấy không biết ghi vào đâu…Nói chung quy chế kiểu gì nên giờ mang máy về thành đống sắt vụn, trong khi bệnh nhân thì không có máy mà dùng.”
Bà Hương nói thậm chí việc nhập khẩu thuốc chữa bệnh cũng đang đình trệ vì những lãnh đạo mới trong Bộ Y Tế cũng không dám ký giấy phép.
Trước tình cảnh hoạt động kinh doanh của công ty sẽ còn khó khăn kéo dài, gia đình bà Hương chỉ còn biết hạn chế mọi khoản chi tiêu để chờ cho đến khi những ngày khó khăn này qua đi.
“Tất nhiên là nó sẽ bị hạn chế một số vấn đề. Ví dụ như quan hệ xã hội chẳng hạn, mình phải hạn chế đi. Ngày xưa làm ăn được thì xông xênh khao người này người kia. Còn bây giờ thì thôi, mình phải sống với những gì mình có thôi,” bà Hương than thở.
Anh N.T.P, một nhà báo làm việc lâu năm cho một số cơ quan báo chí trung ương ở Hà Nội, cho biết cái Tết vừa rồi ảm đạm vì những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội nhưng ra Tết tình hình cũng không sáng sủa gì hơn và khó khăn sẽ còn kéo dài.
“Tôi thấy còn ảm đạm lâu. Doanh nghiệp thì khó khăn, bất động sản thì đóng băng rồi. Còn nhìn vào các nhà hàng và khách sạn thì có khách khứa gì mấy đâu,” anh P cho biết.
Cơ quan báo chí nơi anh công tác không còn thu hút được quảng cáo từ các doanh nghiệp như trước, mà giờ chủ yếu chỉ trông vào tiền ngân sách, nên thu nhập của nhân viên tòa soạn cũng bị giảm sút. Để đối phó với tình hình khó khăn, anh P phải nhận thêm công việc tay trái. Tuy vậy, đây cũng không phải là giải pháp khi mà vợ anh tiếp tục thất nghiệp, mọi chi tiêu đều trông vào đồng lương và ít tiền nhuận bút hàng tháng của anh.
“Tôi thì đang ký hợp đồng với hãng phim truyền hình để làm một bộ phim truyền hình. Nhưng kéo dài mà mất thời gian quá. Một tập thì ông cứ phải viết từ 5.000 cho tới 6.000 chữ mà từng đấy thì cũng chỉ được nhuận bút từ 5 đến 6 triệu. Thu nhập đấy thì chỉ bằng viết báo vặt thôi. Chả đáng bao nhiêu cả,” anh P than thở và cho biết giờ anh phải đành chấp nhận hạn chế tối đa các khoản chi chứ thực sự cũng chẳng biết xoay vào đâu nữa.
https://www.voatiengviet.com/a/6976459.html
‘Bỏ túi’ hơn 2,2 tỷ đồng, chuyên viên Sở Xây dựng Hải Phòng bị bắt
Sở Xây dựng Hải Phòng, nơi bà Liên làm việc. (Ảnh: Lưu Thanh Bình/google-maps)
Bà Hoàng Thị Thúy Liên tự ý thu hơn 2,2 tỷ đồng tiền cấp chứng chỉ của gần 11.000 tổ chức, cá nhân nhưng không nộp về cho thủ quỹ.
Ngày 24/2, Công an TP. Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Thúy Liên (SN 1974, ở quận Ngô Quyền) để điều tra về hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Các quyết định và lệnh tạm giữ được VKSND TP. Hải Phòng phê duyệt.
Theo công an, bị cáo Liên là chuyên viên thuộc Sở Xây dựng Hải Phòng, phụ trách bộ phận một cửa, có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả chứng chỉ cho các tổ chức và cá nhân.
Trong khoảng thời gian 2018-2021, mặc dù không được Sở Xây dựng TP. Hải Phòng phân công nhiệm vụ thu tiền lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức và chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân, bị cáo Liên vẫn tiếp nhận và thu tiền lệ phí cấp chứng chỉ cho 6.074 tổ chức và 5.443 cá nhân với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Số tiền trên, bị cáo Liên không nộp về cho thủ quỹ Sở Xây dựng, gây thiệt hại ngân sách.
Hiện cơ quan công an TP. Hải Phòng đang mở rộng điều tra vụ án.
Phạm Toàn
Các bệnh viện công đang cạn kiệt hóa chất, vật tư cứu người
Lê Thiệt/SGN
23/02/2023
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nếu Bộ Y tế không tháo gỡ chắc chắn bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất. Hình: Hệ thống máy chụp PET/CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy – Ảnh: Duyên Phan/Tuổi Trẻ
Chưa bao giờ người bệnh lại sợ chết như lúc này, khi Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang, cho biết nhiều hóa chất, vật tư tại đơn vị đang cạn kiệt, có hóa chất chỉ đủ dùng trong 7 ngày nữa.
Ông Giang nói rõ hơn là nếu không đủ hóa chất, vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động.
Trong buổi tọa đàm online chủ đề “Ngành y vượt khó”, nhiều giám đốc bệnh viện đã than (không thấu trời) về cái cơ chế nghiệt ngã do Bộ Y tế “đẻ” ra, giờ không chỉ trói chân trói tay bác sĩ, mà còn như cái thòng lọng sẵn sàng thắt cổ bệnh nhân.
Báo VNExpress trích lời ông Giang cho biết cụ thể, hóa chất xét nghiệm công thức máu (xét nghiệm đơn giản nhất) tại bệnh viện Việt Đức chỉ đủ dùng trong một tuần. Số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.
Điều này có thể hiểu là do quy chế do các lãnh đạo ngồi salon trong phòng lạnh Bộ Y tế đặt ra và bắt buộc các bệnh viên công phải tuân thủ, khiến các bệnh viện không thể tự đấu thầu mua trang thiết bị cần thiết được.
Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần “vào cuộc hết sức cấp thiết” để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.
Ngoài thiếu hụt vật tư y tế, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đơn vị này đang đối mặt với những khó khăn “vô cùng” về tài chính. Ba năm gần đây, bệnh viện không được đầu tư cũng như không mua sắm thiết bị. Các tòa nhà xuống cấp trầm trọng, không được duy tu bảo dưỡng, trong khi bệnh viện quá tải, mỗi ngày khám, điều trị 8.000-12.000 bệnh nhân.
Bạch Mai cũng đang phải bỏ không nhiều thiết bị y tế, do thông tư liên doanh liên kết hết hiệu lực, trong khi thông tư mới chưa ban hành. Do đó, đơn vị không thể tái ký hợp đồng, còn mua mới thì “không có tiền”. Việc này đang ảnh hưởng đến hàng nghìn người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp nan y hiểm nghèo.
“Vì những lý do trên, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh”, ông Cơ chia sẻ.
Cũng trong tọa đàm, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói nhiều về những khó khăn, vướng mắc của ngành y, nhưng cuối cùng ông cũng không đưa ra được hướng giải quyết nào sáng sủa, gỡ rối cho các bệnh viện đang đi đến bước đường cùng là có thể phải đóng cửa trong thời gian tới.
Để tháo gỡ cho các bệnh viện, ông Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành văn bản nghị định, đặc biệt trong luật Khám chữa bệnh sửa đổi cũng có hẳn một chương về tài chính trong các bệnh viện. Bộ cũng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu, các nghị định liên quan đến vấn đề máy móc liên doanh liên kết.
Cuộc tọa đàm chấm dứt như nó chưa từng xảy ra.
Điều này cũng có nghĩa là bệnh nhân sẽ gánh chịu hết hậu quả nếu phải nhập viện. Bởi thế trên nhiều diễn đàn, người ta bàn tán về cuộc tọa đàm này rồi “kêu gọi nhau không nên bệnh trong lúc này, vì nếu bệnh là… chết!”
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/cac-benh-vien-cong-dang-can-kiet-hoa-chat-vat-tu-cuu-nguoi/
Việt Nam: Nhiều ngân hàng phát mãi xe cầm cố để thu hồi nợ xấu
Lê Thiệt
23 tháng 2, 2023
VIB đang rao bán nhiều mẫu xe sang giá trị tiền tỷ – Ảnh: VIB
Trong các mẫu xe cầm cố được các nhãn hàng rao bán thanh lý đợt này, có nhiều mẫu xe hạng sang như Mercedes Benz E280, BMW 730Li… với giá từ 235 triệu đồng/xe.
Xe hơi là loại tài sản được rao bán sau các đợt rao bán bất động sản từ các ngân hàng trong chưa đầy hai tháng đầu năm nay. Đây là tài sản được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay phát sinh tại ngân hàng, tuy nhiên, do khách hàng không thể tiếp tục chi trả nợ gốc và nợ lãi, ngân hàng đã tiến hành thu giữ để đấu giá thu hồi nợ.
Cụ thể, mới đây VPBank đã phát đi thông báo rao bán đấu giá chiếc Mercedes-Benz E180 đăng ký năm 2021 đã qua sử dụng với giá khởi điểm 1.6 tỷ đồng.
VPBank, BIDV Chi nhánh Đông Đô cũng đang rao bán đấu giá chiếc BMW X6 sản xuất năm 2009 đã qua sử dụng với giá khởi điểm chỉ gần 390 triệu đồng. Ngoài ra, nhà băng này cũng đang đấu giá một chiếc Mercedes-Benz E280 đời 2008 với giá 235 triệu đồng..
Nhận định chung của giới mua bán xe thì các mẫu xe đang được BIDV rao bán đều là xe đời cũ, đã qua sử dụng với số km di chuyển cao. Tuy nhiên, nếu so với giá xe cùng tình trạng đang rao bán trên thị trường, mức giá khởi điểm ngân hàng đưa ra vẫn thấp hơn.
Cũng trong Tháng Hai này, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đang bán đấu giá xe hơi thương hiệu Mercedes-Benz GL550 đăng ký năm 2011 với giá khởi điểm 690 triệu đồng để thu hồi nợ.
Cùng thời gian, VIB – một trong những nhà băng có số lượng xe rao bán thanh lý nhiều nhất – cũng mang nhiều mẫu xe sang là tài sản thế chấp của khách hàng ra bán đấu giá.
Đơn cử, chiếc xe nhãn hiệu BMW 320i đời 2013 đang được ngân hàng này rao bán với giá 476 triệu đồng. Tương tự, mẫu xe BMW 730Li đăng ký năm 2018 do Công ty TNHH SX TM XD Đại Đại Phát đứng tên đang được bán với giá khởi điểm 2.28 tỷ đồng; hay chiếc Mercedes-Benz E180 đời 2020 có giá 1.16 tỷ đồng, với tình trạng đã đi được 54,000 km.
Ngoài ra, nhiều mẫu xe giá rẻ trong khoảng 200-500 triệu đồng thuộc các hãng Ford, Toyota, Kia, Hyundai, Chevrolet, Honda… cũng đang được ngân hàng này rao bán.
Siêu xe Rolls-Royce Ghost mạ vàng của ông Trịnh Văn Quyết được rao bán đấu giá lần thứ 6, xuống giá còn 18.4 tỷ đồng, rẻ hơn 10 tỷ đồng so với giá lần rao bán đầu tiên, vẫn chưa có người mua – Ảnh: Thanh Niên
Hiện, các loại xe thanh lý được ngân hàng rao bán theo hai hình thức mua bán trực tiếp hoặc thông qua đấu giá. Với hình thức bán trực tiếp, người mua liên hệ với ngân hàng và làm các thủ tục. Hình thức còn lại là bán đấu giá thông qua công ty thứ ba. Mặc dù có giá rẻ hơn so với thị trường, người tiêu dùng thường có tâm lý e dè khi tìm hiểu mua xe thanh lý của ngân hàng.
Một chuyên viên đấu giá xe hơi cao cấp cho biết, những loại xe sang, giá cao thường sẽ được ngân hàng đưa giá bán thanh lý cao hơn giá trị thực để tránh bị chủ cũ khiếu nại. Sau đó, nếu bán không được (đó là điều chắc chắn), họ sẽ giảm giá từ từ, như trường hợp chiếc xe Rolls-Royce Phantom của ông Trịnh Văn Quyết, sau nhiều lần đấu giá không thành, công ty Đấu giá hợp danh Đông Nam phải hạ giá khởi điểm xuống còn 18.4 tỷ đồng, rẻ hơn 10 tỷ đồng so với giá lần rao bán đầu tiên.
Bởi vậy, lời khuyên cho người muốn mua xe thanh lý là nên chịu khó chờ cho đến khi giá cả được hạ xuống thấp nhất thì hãy vào đấu giá.
Một người trong ngành ngân hàng lại nhìn tình hình bi đát hơn: “Người ngoài ngành đừng mong mua được chiếc xe rẻ như ý. Nhưng chiếc xe đó sẽ được cán bộ ngân hàng duyệt mua trước với giá không thể rẻ hơn, còn lại mới mang ra đấu giá”.
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/nhieu-ngan-hang-phat-mai-xe-cam-co-de-thu-hoi-no-xau/
Thanh Hóa xin xây thêm tượng đài, Bình Định để khu di tích biến thành bãi rác
Ông Tư Sài Gòn
23/02/2023
Phố cảnh dự án công viên tưởng niệm 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh khi bảo vệ đê sông Mã năm 1972, sẽ ngốn mất 125 tỷ đồng – Ảnh: VNExpress
Cả hai chuyện xem ra chẳng liên quan gì đến nhau, vì “chuyện tỉnh nào tỉnh đấy lo”, mắc mớ chi đang gộp lại rồi nặng nhẹ?
Suy cho cùng, hai chuyện dù không liên quan gì đến nhau, nhưng cách ứng xử của lãnh đạo hai tỉnh đều… khốn nạn như nhau. Không tiền thì chúng bỏ mặc di tích (cấp quốc gia) “trơ gan cùng tuế nguyệt” như ở Bình Định. Còn ở Thanh Hóa, một năm chúng “đẻ” ra tới ba khu tượng đài, mặc cho dân tự thắt bao tử nhỏ lại vì cơm không đủ ăn:
– Tượng đài Bà Triệu sẽ được xây trên mảnh đất 5 ha, với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành năm 2025
– Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có quy mô hơn 40 ha, có tượng đài con tàu tập kết với tổng mức đầu tư gần 255 tỷ đồng. Dự án này hiện đang được thi công và theo kế hoạch sẽ được hoàn thành trong năm 2023.
– Và mới đây nhất, ngày 21 Tháng Hai, các nhà thầu đã san lấp mặt bằng để triển khai dự án công viên tưởng niệm 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh khi bảo vệ đê sông Mã năm 1972, kinh phí hơn 125 tỷ đồng.
Phối cảnh khu vực trung tâm Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sẽ ngốn tới 255 tỷ đồng – Ảnh: VNExpress
Tổng cộng ba dự án tiêu tốn mất 500 tỷ đồng, tương đương gần $21 triệu.
Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao tỉnh Thanh Hóa lại được trung ương ưu ái cho xây nhiều tượng đài trong một thời gian ngắn như thế?
Câu hỏi tuy không thể trả lời, nhưng người ta có thể hình dung bóng dáng to lớn của ông thủ tướng đương nhiệm đứng đằng sau các công trình vĩ đại này. Lý do dễ hiểu vì ông là người Thanh Hóa.
Mẫu tượng Bà Triệu bị chê tơi tả trên mạng xã hội – Ảnh: VNExpress
Dân xây dựng cũng dễ dàng phỏng chừng, nếu các đơn vị nhận thầu phải “lại quả” cho chủ đầu tư 30% giá trị công trình thì số tiền lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhận được cũng tròm trèm 150 tỷ đồng (tức hơn $6 triệu). Còn chia như thế nào cho phải đạo tôi tớ là chuyện của lãnh đạo Thanh Hóa.
Nói gì thì nói, khi làm lãnh đạo rồi thì cái tầm suy nghĩ của họ khác dân đen. Họ nhìn xa hơn, và lo nhiều hơn cho cái “tiền đồ của họ” mà thôi. Nói thẳng ra là nếu làm cái gì ra tiền thì họ bu vào nhận trách nhiệm, còn không thì cho dù đang quản lý di tích cấp quốc gia họ cũng bỏ mặc nó xuống cấp như ở Bình Định.
Thành Hoàng Đế bị bỏ hoang vì thiếu kinh phí – Ảnh: VTC
Di tích thành Hoàng Đế tại xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định) được xếp hạng cấp quốc gia ngày 24/12/1982. Và mới đây nhất, ngày 30/1/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận cặp tượng voi đá trong khuôn viên di tích là bảo vật quốc gia.
Thành Hoàng Đế tọa lạc tại xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định), được xây dựng vào năm 1776, trên cơ sở của thành Đồ Bàn, kinh đô của Vương quốc Champa (thế kỷ X – XV). Nơi đây một thời cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự của triều đại Tây Sơn. Thế nhưng hiện nay khu này giống như một bãi rác vô thừa nhận chứ không phải khu di tích.
Hồ nước trong Thành Hoàng Đế thành nơi xả rác thải sinh hoạt – Ảnh: VTC
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Bình Định cho biết do không có người trông coi nên nó mới xuống cấp, và người dân mới vào phóng uế, đổ rác, trồng cỏ chăn bò,… như khu đất hoang như thế.
Ông Chánh nói như ông không có chút trách nhiệm gì về khu di tích này. Khi được hỏi tại sao, thì ông trả lời gọn là do không có tiền. Sau đó ông cho biết sắp tới khu này sẽ được tôn tạo, chỉnh trang lại. Hiện dự án đã được trình lên Bộ VHTT&DL chờ duyệt. Hiện nay đã cắm mốc toàn bộ xung quanh khu di tích, việc xây dựng đền thờ Thái Đức-Nguyễn Nhạc đã chuẩn bị thông qua UBND tỉnh là chủ đầu tư.
Khuôn viên khu di tích cấp quốc gia trở nên nhếch nhác – Ảnh: VTC
Ông Chánh không cho biết dự trù kinh phí là bao nhiêu, nhưng có lẽ ông cũng được chút sơ múi chi đó vì có chân trong Ban Quản lý nên vui hẳn lên. Sắp có tiền rồi mà.
Đài Loan kích cầu du lịch 150 triệu USD, Việt Nam xin visa khó nhọc, khách bỏ sang Thái Lan
Chính phủ Đài Loan vừa công bố gói chi tiêu khoảng 5,3 tỷ Đài tệ (gần 150 triệu USD) để kích cầu du lịch, thu hút khách quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam đang bị cộng đồng doanh nghiệp du lịch tố chính sách cấp visa chậm chạp, chi phí cao, làm mất đi nhiều cơ hội đón khách quốc tế và tuột lại so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Singapore,…
Theo Bloomberg, hôm 23/2, Chính phủ Đài Loan vừa công bố một gói chi tiêu ngân sách 5,3 tỷ Đài tệ (gần 150 triệu USD) để vực dậy ngành du lịch của nước này trong năm 2023, sau khi COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) khiến Đài Loan đóng cửa gần 3 năm.
Tăng trưởng của Đài Loan dự kiến chậm lại vào năm 2023 khi lĩnh vực thương mại phải vật lộn ứng phó với sự sa sút của hoạt động xuất khẩu, khiến nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh tế thông qua nhu cầu trong nước và du lịch càng quan trọng hơn.
Khoản ưu đãi này chưa được công bố chi tiết, bao gồm các điều kiện hoặc cách thức du khách được chọn nhận ưu đãi. Các quan chức Đài Loan cho biết số tiền này có thể được trao qua ví điện tử hoặc dưới dạng giảm giá cho phí lưu trú khách sạn.
Kế hoạch chi tiêu còn bao gồm đề xuất trợ cấp 10.000 Đài tệ cho những công ty lữ hành thu hút mỗi nhóm du khách tối thiểu 8 người đến Đài Loan. Con số này sẽ tăng gấp đôi lên 20.000 Đài tệ nếu họ thu hút mỗi nhóm du khách tối thiểu 15 người.
Lin Fu-shan, một lãnh đạo ở Cơ quan Giao thông vận tải Đài Loan, nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy và mở rộng các nỗ lực để thu hút khách quốc tế đến Đài Loan”.
Trước đại dịch COVID-19, du lịch chiếm khoảng 4% GDP của Đài Loan. Nhưng lượng du khách quốc tế giảm sâu khi Đài Loan đóng cửa biên giới và thực hiện các quy tắc kiểm dịch để ngăn chặn đại dịch lây lan.
Căng thẳng địa chính trị cũng khiến ngành du lịch Đài Loan trở nên ảm đạm do Trung Quốc cấm khách du lịch cá nhân đến Đài Loan vào năm 2019. Tháng trước, Trung Quốc không đưa Đài Loan vào danh sách thí điểm 20 điểm đến được phép đón khách du lịch theo đoàn từ Trung Quốc. Việt Nam cũng không nằm trong danh sách này.
Đài Loan đã tiến hành một số động thái để thu hút du khách trở lại, bao gồm mở lại biên giới cho khách du lịch cá nhân từ Hồng Kông và Ma Cao trong tháng này.
Từ ngày 5/2 đến 19/2, Cục Du lịch Đài Loan đã phối hợp với thành phố Đài Bắc để tổ chức Lễ hội đèn lồng Đài Loan. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức lại sau 23 năm.
Nhân dịp này, Đài Loan đã mời đại diện của 200 hãng lữ hàng quốc tế đến thăm nhiều điểm đến khắp Đài Loan để họ tìm hiểu và thiết kế các gói tour phù hợp. Sau khi tái mở cửa biên giới vào tháng 10 năm ngoái, Đài Loan đã đón gần 900.000 lượt khách quốc tế trong năm 2022.
Người đứng đầu Cơ quan Giao thông vận tải Đài Loan (MOTC) Wang Kwo-tsai cho biết Đài Loan đặt mục tiêu thu hút 6 triệu khách quốc tế trong năm nay. Để đạt mục tiêu đó, ông cho biết MOTC triển khai 3 chiến lược chính gồm tăng tốc thu hút khách đoàn, ổn định công suất phục vụ của các khách sạn và thúc đẩy các nỗ lực khác để phục hồi ngành du lịch.
Gói kích cầu du lịch 5,3 tỷ Đài tệ nói trên là một phần của gói kích thích kinh tế lớn hơn, trị giá 380 tỷ Đài tệ đã được các nhà lập pháp Đài Loan phê duyệt thông qua một Đạo luật đặc biệt trong tuần này. Các nhà lập pháp còn cần phải phê duyệt các khoản chi tiêu riêng lẻ của gói kích thích này.
Chiến dịch kích cầu du lịch của Đài Loan được đưa ra giữa lúc những nơi khác trong khu vực cũng tung ra các ưu đãi để thu hút khách quốc tế. Chẳng hạn, đầu tháng 2, chính quyền đặc khu Hồng Kông đã triển khai chiến dịch “Hello Hong Kong”, chi khoảng 2 tỷ đô la Hồng Kông (255 triệu đô la Mỹ) để mua vé máy bay và phát miễn khí do du khách quốc tế cùng với voucher mua sắm trị giá 100 đô la Hồng Kông.
Thủ tục cấp visa chậm chạp: “10 năm rồi vẫn như vậy”
Theo một vị Giám đốc Kinh doanh (CEO) của đơn vị lữ hành tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) kể rằng công ty của bà vừa phải hủy toàn bộ dịch vụ như vé máy bay, khách sạn, nhà hàng,… đặt cho đoàn khách gần 25 khách Iran. Nguyên nhân chính vì thủ tục xin visa vào Việt Nam có nhiều rắc rối, bị lùi đi lùi lại mãi khiến khách chán nản, chuyển luôn sang đặt vé máy bay đi Thái Lan, báo Việt Nam Net đưa tin.
“Đến giờ này, tôi vẫn không thể lý giải nổi tại sao việc xin visa vào Việt Nam lại khó khăn đến vậy. 10 năm trước tôi trả lời trên truyền hình về vấn đề này, bây giờ vẫn như vậy”, vị nữ CEO buồn bã nói.
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, nhưng xảy ra gần đây nhất, khiến chính sách visa lại một lần nữa được nêu ra như là rào cản ngáng chân khách quốc tế đến Việt Nam.
Do đó, “Việt Nam chỉ miễn thị thực nhập cảnh cho 25 quốc gia, thời gian miễn thị thực 15 ngày cũng ngắn hơn nhiều so với các nước khác trong ASEAN (30 ngày trở lên) không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách, mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế kế hoạch du lịch”, Chuyên gia của EuroCham chỉ rõ.
Du lịch Việt Nam chỉ cần học hỏi Thái Lan. Điển hình là chính sách thị thực thông thoáng, khi kéo dài thời gian từ 30 lên 45 ngày đối với khách quốc tế được miễn thị thực và từ 15 lên 30 ngày đối với khách du lịch đủ điều kiện nhận thị thực khi đến.
Nhờ đó, năm 2022, Thái Lan đón được hơn 11,8 triệu lượt khách quốc tế, mang về 16 tỷ USD. Tỷ lệ phục hồi của Thái Lan cả về số lượt khách quốc tế (25%) và doanh thu từ khách quốc tế (28,6%) đều vượt xa Việt Nam. Đây là cơ sở đến Thái Lan có khả năng đạt 25 triệu khách quốc tế trong năm 2023 và đặt mục tiêu 80 triệu khách quốc tế mỗi năm vào năm 2027, gấp đôi con số của năm 2019.
Tuy là một trong những nước mở cửa đầu tiên đón khách quốc tế sau đại dịch COVID-19, chỉ số phục hồi của du lịch Việt Nam lại xếp cuối bảng trong khu vực. Năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% mục tiêu đề ra. Từ chỉ thua Thái Lan 2 lần về số khách đón được (18 triệu so với 40 triệu năm 2019), nay khoảng cách đó bị nới rộng lên 3 lần.
Khách quốc tế đến Việt Nam mặc dù chỉ bằng khoảng 1/5 số khách du lịch nội địa, nhưng đóng góp vào tổng doanh thu du lịch nhiều hơn (khoảng 1,4 lần).
Trong Sách trắng, các chuyên gia EuroCham cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét cấp miễn visa 3 hoặc 6 tháng cho những người châu Âu muốn có kỳ nghỉ dài ngày tại Việt Nam. Đồng thời, nên mở rộng danh sách miễn visa cho tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu, kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và xem xét miễn visa ngắn hạn cho một số trường hợp nhất định, đặc biệt để tổ chức triển lãm, diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại, sự kiện thể thao.
Tuấn Minh
Không có nhận xét nào