Header Ads

  • Breaking News

    7 lý do khiến quyền đất đai và tài sản đứng đầu chương trình nghị sự toàn cầu

    Ts. Phạm Đình Bá

    18/02/2023

    Tháng 3/2019, hơn 1.500 chuyên gia phát triển từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại Hội nghị Đất đai và Nghèo đói hàng năm của Ngân hàng Thế giới, thảo luận về nghiên cứu mới nhất và những đổi mới trong chính sách cũng như thực tiễn tốt về quản trị đất đai.

    Đảm bảo quyền sở hữu tài sản và các thể chế đăng ký đất đai hiệu quả là nền tảng của bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào. Những đảm bảo nầy tạo niềm tin cho các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào đất đai, cho phép các công ty tư nhân vay - sử dụng đất làm tài sản thế chấp - để mở rộng cơ hội việc làm và cho phép chính phủ thu thuế bất động sản cần thiết để tài trợ cho việc cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho người dân.

    Nhưng chỉ có 30% dân số toàn cầu có quyền đăng ký hợp pháp đối với đất đai và nhà cửa của họ.

    Nếu không có hệ thống sở hữu đất đai hiệu quả, các nền kinh tế có nguy cơ mất nền tảng cho tăng trưởng bền vững, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của người nghèo và những người dễ bị tổn thương. Đơn giản là không thể xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung nếu không đạt được tiến bộ nghiêm túc về quyền sở hữu đất đai và tài sản.

    Cộng đồng quốc tế đã công nhận vai trò cơ bản của đất đai đối với tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách đưa đất đai vào 8 mục tiêu và 12 chỉ số của các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này, các nhà hoạch định chính sách và chính phủ sẽ cần phải thận trọng để chuyển sự an toàn về các quyền sở hữu đất đai lên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu. Dưới đây là bảy lý do tại sao:

    1. Đảm bảo quyền về đất đai là một trụ cột quan trọng cho nông nghiệp.

    Khi dân số và mức tiêu thụ tiếp tục gia tăng, nhu cầu toàn cầu về lương thực cũng sẽ tiếp tục gia tăng. Một chiến lược toàn cầu đa diện và toàn diện là cần thiết để đảm bảo an ninh và công bằng về lương thực bền vững. Chiến lược này sẽ cần bao gồm các biện pháp can thiệp để tăng sản lượng nông nghiệp thông qua cải thiện và minh bạch về quyền sử dụng đất, cũng như đảm bảo quyền sở hữu đất nông nghiệp, nghiên cứu và khuyến nông, và tăng nhiều đầu vào nông nghiệp hơn (chẳng hạn như phân bón). 

    Nghiên cứu đã chỉ ra rằng quyền sở hữu đất đai đảm bảo và khuyến khích nông dân đầu tư vào đất đai, vay tiền để mua đầu vào cho nông nghiệp, và cải tạo đất đai của họ, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường bán và cho thuê đất đai để đảm bảo sử dụng đất đai một cách đầy đủ và hiệu quả.

    2. Đảm bảo quyền sử dụng đất là cần thiết để phát triển đô thị.

    Năm 1950, khoảng hai phần ba dân số toàn cầu sống ở các khu định cư nông thôn và một phần ba ở các khu định cư thành thị. Đến năm 2050, chúng ta sẽ quan sát thấy sự phân bổ ngược lại với hơn 6 tỷ người sống ở khu vực thành thị. Hầu hết sự gia tăng ở các khu vực đô thị sẽ xảy ra ở Châu Phi và Châu Á. 

    Việc không làm rõ các quyền về đất đai và sửa chữa các chính sách đất đai bị bóp méo góp phần làm tăng giá trị tài sản, khiến chúng có khả năng trở nên khó tiếp cận đối với người nghèo ở các đô thị. Những khoảng cách giàu nghèo giữa người có sở hữu nhà đất và người không có ở các đô thị đã dẫn đến việc hình thành các khu định cư lớn không chính thức ở nhiều thành phố trên thế giới. 

    Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ưu tiên hàng đầu của các thành phố để tạo ra môi trường đô thị dễ sống và giá cả phải chăng hơn là chính thức hóa thị trường đất đai, làm rõ quyền sở hữu, và thiết lập quy hoạch đô thị hiệu quả.

    3. Bảo đảm quyền sở hữu nhà đất là góp phần bảo vệ môi trường.

    Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người quản lý tốt hơn môi trường và cơ sở tài nguyên thiên nhiên khi quyền sở hữu của họ được bảo đảm. Một trong những hành vi phá hoại môi trường nhất trong 50 năm qua là suy thoái rừng. Trong những năm 1950 và 1960, nhiều quốc gia đã cố gắng bảo vệ rừng bằng cách phân định ranh giới rừng, nhưng không thực hiện được vì tình trạng pháp lý của những vùng đất này không rõ ràng. 

    Để đảo ngược tình trạng suy thoái môi trường, các chính phủ cần phát triển các chính sách cải thiện quyền sở hữu và bảo tồn an toàn các khu vực rừng (vì rừng là vùng đất nhạy cảm với môi trường) và cho phép chuyển việc sử dụng đất ở các khu vực không nhạy cảm về môi trường sang nông nghiệp hoặc sản xuất khác.

    4. Đảm bảo quyền sở hữu và tiếp cận đất đai là rất quan trọng đối với sự phát triển của khu vực tư nhân và tạo công ăn việc làm.

    Khu vực tư nhân cần đất để xây dựng nhà máy, làm thương mại và nhà ở. Theo một báo cáo đánh giá hoạt động của khu vực tư nhân, những hạn chế hàng đầu bao gồm việc thiếu khả năng tiếp cận đất đai cũng như các vấn đề liên quan đến đăng ký và cấp giấy tờ về điều kiện và quyền sử dụng đất. Các công ty thường sử dụng quyền sở hữu đất hoặc tài sản để làm tài sản thế chấp cho mục đích tài trợ các chi phí hoạt động, mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại, hoặc mở kinh doanh mới, do đó tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn là khi các công ty nầy bị rắt rối về sở hữu hay tiếp cận đất đai và tài sản.

    5. Đảm bảo các quyền về tài sản là rất quan trọng để tạo bình đẳng cho phụ nữ.

    Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh khả năng tiếp cận tài sản là một trong ba trụ cột chính để trao quyền cho phụ nữ trong cố gắng tạo bình đẳng nam nữ. Nhiều phụ nữ trên khắp thế giới tiếp tục bị từ chối quyền sử dụng đất vì nhiều lý do: i) khung pháp lý không hỗ trợ đầy đủ quyền tiếp cận bình đẳng đối với quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất như một tài sản thế chấp mà không có người giám hộ là nam giới; ii) nam giới không phải lúc nào cũng đăng ký tài sản đứng tên cả vợ và chồng, dẫn đến phụ nữ thường bị mất nhà và đất khi ly hôn hoặc khi chồng chết; và iii) ở một số nền văn hóa, phụ nữ không được thừa kế đất đai hoặc tài sản mặc dù có quyền hợp pháp để làm như vậy – họ thường bị người thân là nam giới buộc phải từ bỏ quyền của mình. 

    6. Đảm bảo quyền sở hữu giúp đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số.

    Nhiều quốc gia không công nhận hợp pháp quyền sử dụng đất của người dân tộc, mặc dù họ đã sống trên mảnh đất tổ tiên của họ trong nhiều thế hệ, thường có trước khi nhà nước hiện đại được thành lập. Công nhận quyền sử dụng đất của người dân tộc không chỉ là vấn đề nhân quyền mà còn có ý nghĩa về kinh tế và môi trường. Một khi quyền về đất đai của họ được công nhận, người dân tộc sẽ có thể sử dụng tài nguyên trên đất đai của họ bền vững hơn, do đó cải thiện địa vị kinh tế và xã hội của họ với tư cách là một lực lượng xây dựng trong xã hội.

    7. Quyền sở hữu an toàn là yếu tố sống còn để gìn giữ hòa bình.

    Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến ​​sự khủng khiếp của chiến tranh và xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới. Xung đột buộc hàng triệu người phải chạy trốn, bỏ lại tài sản của họ. Nếu quyền sở hữu tài sản của họ không được bảo vệ hợp pháp, những người bị di dời sẽ không thể quay trở lại nhà và sinh kế của họ. 

    Trên thực tế, hòa bình không thể đạt được trọn vẹn nếu các quyền về đất đai và tài sản không được giải quyết tốt, có khả năng gây ra xung đột kế tiếp. Một lưu ý đầy hy vọng là khi những xung đột này kết thúc, quyền sở hữu được đảm bảo có thể trở thành nền tảng quan trọng cho quá trình tái thiết.

    Với các cam kết hiện tại khoảng 1,5 tỷ đô la, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ hơn 50 quốc gia trong 25 năm qua nhằm cải thiện an ninh trong quyền sử dụng đất thông qua hỗ trợ chính sách và pháp lý, phát triển thể chế và năng lực, và các nỗ lực tài chính cho việc cấp quyền sử dụng đất và số hóa hệ thống đăng ký đất đai, ngoài các sản phẩm phân tích và hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều quốc gia.

    Quyền sử dụng đất đai và tài sản an toàn không chỉ là trọng tâm của phát triển bền vững mà còn phải được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu.

    Tin tốt là với các công cụ hiện đại để thu thập dữ liệu – chẳng hạn như lập bản đồ bằng máy bay không người lái và thiết bị GPS cầm tay – và các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể làm mọi việc nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn.

    Chúng tôi hy vọng rằng đến năm 2030, về mặt tập thể, chúng ta có thể đảo ngược tỷ lệ đảm bảo quyền sở hữu và chứng kiến ​​70% dân số thế giới có quyền sở hữu tài sản đảm bảo – được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của công nghệ mới, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cũng như tăng cường tài chính. Điều đó sẽ mang lại cho chúng ta một bước quan trọng hơn để đạt được các cộng đồng toàn diện, kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người.

    Nguồn: Laura Tuckwael Zakout. 7 reasons for land and property rights to be at the top of the global agenda. 25/03/2019. https://blogs.worldbank.org/voices/7-reasons-land-and-property-rights-be-top-global-agenda


    Không có nhận xét nào