Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam: 10 sự kiện tôn giáo nổi bật trong năm 2022

    Chính quyền càng siết chặt gọng kìm đối với tự do tôn giáo.

    Thiện Trường 

    31/12/2022

    Đồ họa: Luật Khoa.

    Đồ họa: Luật Khoa. 

    Năm 2022 là năm diễn ra nhiều sự kiện tôn giáo nổi bật nhưng đồng thời cũng là năm chứng kiến việc chính quyền gia tăng sách nhiễu, đàn áp và siết chặt hơn nữa gọng kìm quản lý tôn giáo.

    Sau đây là 10 sự kiện tiêu biểu, khái quát nên bức tranh tôn giáo tại Việt Nam trong 12 tháng qua.

    1. Xét xử các thành viên Tịnh thất Bồng Lai

    Ngày 7/1/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã khởi tố bốn thành viên ở Tịnh thất Bồng Lai theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bao gồm ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi). [1]

    Đến tháng 5/2022, chính quyền tiếp tục bắt tạm giam thêm hai thành viên là bà Cao Thị Cúc (62 tuổi) và ông Lê Thanh Nhị Nguyên (23 tuổi) cùng với tội danh trên. [2] [3]

    Ngày 30/6/2022, Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa đã tuyên bố hoãn phiên tòa xét xử sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai với lý do vắng mặt nhiều nhân chứng quan trọng. [4]

    Đến ngày 20 và 21/7/2022, phiên tòa xét xử sơ thẩm sáu thành viên của tịnh thất mới mở lại. Các bị cáo bị cáo buộc đã thực hiện đăng tải năm clip và một bài viết trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xúc phạm cá nhân Thượng tọa Thích Nhật Từ, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương, v.v. [5]

    Các thành viên Tịnh thất Bồng Lai (áo nâu) trong phiên tòa xét xử sơ thẩm tháng 7/2022. Nguồn: TTXVN.

    Các thành viên Tịnh thất Bồng Lai (áo nâu) trong phiên tòa xét xử sơ thẩm tháng 7/2022. Nguồn: TTXVN.

    Theo đó, tòa đã tuyên phạt: [6]

    Ông Lê Tùng Vân (bị xác định là chủ mưu): 5 năm tù;

    Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương: 4 năm tù;

    Lê Thanh Nhị Nguyên: 3 năm 6 tháng tù;

    Bà Cao Thị Cúc: 3 năm tù.

    Sau phiên tòa, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã đưa sáu thành viên tịnh thất vào danh sách các nạn nhân của việc đàn áp tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới. [7] Danh sách này hiện tại có 76 người Việt Nam.

    Ngày 2 và 3/11/2022, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An đã tuyên y án sơ thẩm đối với sáu thành viên Tịnh thất Bồng Lai. [8]

    Tịnh thất Bồng Lai là cơ sở Phật giáo độc lập, hoạt động công khai nhưng lại không đăng ký với chính quyền. Điều này khác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vốn là tổ chức Phật giáo duy nhất được chính quyền công nhận.

    2. Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập pháp môn Làng Mai, đã qua đời vào ngày 22/1/2022 tại chùa Từ Hiếu, tỉnh Thừa Thiên - Huế. [9] Ông là một trong các lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng nhất tại Việt Nam và trên thế giới.

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nguồn: Làng Mai.

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nguồn: Làng Mai.

    Tang lễ của ông kéo dài bảy ngày, được cử hành tại chùa Từ Hiếu, nơi ông xuất gia năm 16 tuổi và trở về an dưỡng từ năm 2018 cho đến lúc qua đời.

    Ngay sau khi ông qua đời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo duy nhất được nhà nước công nhận, đã đến viếng và ra văn bản yêu cầu Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ chùa Từ Hiếu tổ chức lễ tang theo nghi thức cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và di nguyện tổ chức lễ tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. [10]

    Về phía chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cùng Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc đã đến dự tang lễ vào ngày 26/1/2022. Bộ Nội vụ mô tả việc viếng thăm là nhằm tri ân những đóng góp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong “việc giới thiệu và phát triển Phật giáo, văn hóa Việt Nam trên thế giới”. [11]

    Sau khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về nước lần đầu vào năm 2005, một số tu sinh của Làng Mai từng được phép tu tập ở Việt Nam tại chùa Bát Nhã, một ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2008, việc tu tập bị cản trở do nhiều người đến quấy nhiễu. Cuối cùng, các tu sinh bị đuổi ra khỏi chùa. [12]

    Vụ việc này xảy ra không lâu sau Lá thư Làng Mai số 31, đăng vào tháng 2/2008, trong đó nêu nhiều quan điểm liên quan đến đảng, “công an tôn giáo” và Ban Tôn giáo Chính phủ. [13] Sau đó, báo Công an Nhân dân đã dùng bức thư này để phỉ báng Làng Mai và Thích Nhất Hạnh vì cho rằng ông đã can thiệp quá sâu vào công tác quản lý tôn giáo và chính trị. [14]

    Cho đến nay, Tăng đoàn Làng Mai vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

    3. Chính quyền sửa đổi nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và công bố dự thảo nghị định đầu tiên về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

    Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 và Nghị định 162/2017/NĐ-CP cho phép chính quyền can thiệp vào từng “đường tơ kẽ tóc” của các tổ chức tôn giáo. Mỗi bước đi của tổ chức tôn giáo đều phải được chính quyền chấp thuận. [15]

    Đến đầu tháng 6/2022, Ban Tôn giáo Chính phủ lại công bố dự thảo thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [16]

    Dự thảo này có ba quy định mới cho phép chính quyền gia tăng kiểm soát, trấn áp các hoạt động tôn giáo có đăng ký:

    Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương và ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc theo phân cấp thẩm quyền (Điều 13).

    Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có quyền đình chỉ toàn bộ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo (Điều 17).

    Muốn sinh hoạt tôn giáo trực tuyến cũng phải xin phép chính quyền (Điều 28).

    Cũng trong tháng 6/2022, Ban Tôn giáo Chính phủ đã công bố dự thảo nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Dự thảo này nếu được thông qua sẽ trở thành văn bản quy định việc xử phạt hành chính đầu tiên trong lĩnh vực tôn giáo. [17]

    Dự thảo gồm 4 chương, 51 điều, quy định cụ thể về các hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016.

    Đáng chú ý, dự thảo cho phép chính quyền can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của tổ chức tôn giáo được cho là có hành vi vi phạm, như buộc hủy bỏ việc thuyên chuyển chức sắc, buộc hủy bỏ kết quả bổ nhiệm, suy cử, bầu cử. Nhà chức trách cũng có quyền buộc dừng cuộc lễ khi đang diễn ra. Những việc này được gọi là “biện pháp khắc phục hậu quả”. [18]

    Mức phạt tiền tối đa cho việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là 30 triệu đồng đối với cá nhân, 60 triệu đồng đối với tổ chức. [19]

    Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị siết chặt hơn nữa nếu hai dự thảo văn bản quy phạm pháp luật này được thông qua.

    4. Chính quyền đẩy mạnh đàn áp đạo Dương Văn Mình theo “Đề án số 78”

    Báo Công an Nhân dân ngày 12/7/2022 cho biết chính quyền tỉnh Bắc Kạn lần đầu tiên công khai về Đề án số 78 do Chính phủ ban hành năm 2021, để “đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. [20]

    Nội dung đầy đủ của đề án này không được chính quyền công bố nhưng mục tiêu chung là xóa bỏ hoàn toàn đạo Dương Văn Mình vào năm 2023.

    Kể từ khi có đề án, chính quyền đã liên tục đàn áp các tín đồ theo đạo này trên khắp các tỉnh miền núi phía Bắc.

    Một trong số đó là cuộc đàn áp vào rạng sáng 2/8/2022, Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng bố ráp và đập phá nhà bảo quản đồ tang lễ của các tín đồ theo đạo Dương Văn Mình. [21]

    Sau khi phá dỡ các nhà tang lễ, công an còn cử lực lượng xông vào nhà một số hộ dân để tiếp tục dỡ bỏ nơi thờ tự, thay thế bằng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Cũng tại tỉnh này vào ngày 28/9/2022, chính quyền huyện Hà Quảng tổng kết “100 ngày tuyên truyền, đấu tranh với tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn”. [22]

    Theo đó, chính quyền đã dẹp bỏ 6/6 nhà tang lễ, thay 66/66 “tấm phông trắng” bằng ảnh Hồ Chí Minh, và vận động 54 hộ với khoảng 340 người từ bỏ đạo Dương Văn Mình.

    Nơi đặt nhà tang lễ của các tín đồ Dương Văn Mình chỉ còn là một bãi đất trống sau khi công an phá hoại vào rạng sáng ngày 2/8/2022. Nguồn: RFA.

    Nơi đặt nhà tang lễ của các tín đồ Dương Văn Mình chỉ còn là một bãi đất trống sau khi công an phá hoại vào rạng sáng ngày 2/8/2022. Nguồn: RFA.

    Trước đó, vào ngày 18/5/2022, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã tuyên phạt tù 12 người H’Mông là tín đồ của đạo Dương Văn Mình. [23]

    Đến tháng 11/2022, chính quyền tỉnh Bắc Kạn cũng thông báo việc thực hiện cao điểm “đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” theo Đề án số 78. [24]

    Trong giai đoạn “cao điểm đấu tranh”, chính quyền tỉnh Bắc Kạn tuyên bố xóa bỏ 5 nhà tang lễ, 50 bàn thờ tại nhà riêng và vận động 112 hộ, 602 người tại 14 thôn, 10 xã, 2 huyện ký cam kết từ bỏ tổ chức tôn giáo này.

    Sau khi nhà sáng lập đạo Dương Văn Mình qua đời, chính quyền vẫn không ngừng trấn áp các tín đồ theo đạo.

    Theo lời ông Vũ Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, việc xóa bỏ đạo Dương Văn Mình là “nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, chứ không riêng của lực lượng, địa phương nào”. [25]

    5. Hàng loạt vụ trấn áp các tín đồ theo các nhóm Tin Lành độc lập

    Sáu tháng cuối năm 2022 là thời gian chính quyền gia tăng hàng loạt cuộc trấn áp các tổ chức Tin Lành độc lập diễn ra trên khắp các tỉnh Tây Nguyên.

    Vào ngày 5/7/2022 tại tỉnh Đắk Lắk, Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã ngăn cản 40 tín đồ Tin Lành làm lễ tại một tư gia thuộc ​​buôn K’mrơng Prông B, xã Ea Tu. [26]

    Sau đó, từ ngày 8 đến ngày 10/7/2022, chính quyền xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã ngăn cản các tín đồ Hội thánh Tin Lành đấng Christ tụ tập sinh hoạt tôn giáo. [27]

    Ngày 13/7/2022, ít nhất ba thành viên của hội thánh, trong đó có ông Nay Y Blang và ông Ksơr Y Thêm, đã bị chính quyền mời lên làm việc về hoạt động của hội thánh.

    Đến ngày 22/11/2022, chính quyền huyện Sông Hinh tiếp tục cưỡng chế và xử phạt hành chính đối với ông Nay Y Blang liên quan đến việc hoạt động trong Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên. Chính quyền đã xâm nhập tư gia, đọc lệnh khám xét nhà ông và tịch thu chiếc xe máy trị giá 28 triệu mà không để lại biên bản. [28]

    Chính quyền đang xử phạt ông Nay Y Blang. Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.

    Chính quyền đang xử phạt ông Nay Y Blang. Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.

    Trước đó, vào ngày 30/9/2022, ông bị câu lưu ở bến xe Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa khi trên đường đi gặp phái đoàn phụ trách tôn giáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại TP. HCM.

    Không dừng lại ở đó, vào ngày 14/10/2022, một số tín đồ Tin Lành độc lập tại tỉnh Đắk Lắk cho biết chính quyền đã liên tục ngăn chặn, canh gác ở cửa ngõ ra vào các làng và nhà ở của họ. [29]

    Cụ thể, tại buôn Chuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, hai người đàn ông mặc thường phục (được cho là công an) đã xuất hiện ở nhà ông Y An Hdruĕ lúc ban đêm. Hai người này nói rằng họ đến nhà để khuyên về những điều nên và không nên làm. [30]

    Đến ngày 30/10/2022, chính quyền xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã xông vào nhà của ông Y Nguyệt Bkrông để giải tán một buổi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Hội thánh Tin Lành đấng Christ. [31]

    Khác với các Hội thánh Tin Lành thuộc chính quyền quản lý, việc sinh hoạt tôn giáo của các nhóm Tin Lành độc lập luôn gặp nhiều khó khăn do sự đàn áp từ chính quyền.

    6. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính thức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN)

    Vào ngày 1/9/2022, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của GHPGVNTN đã công bố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính thức giữ chức Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống. [32]

    Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Nguồn: RFA.

    Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Nguồn: RFA.

    Trước đó, vào năm 2020, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đề cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ thay ông lãnh đạo GHPGVNTN ở vị trí Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống. [33]

    Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ nhấn mạnh trong một bức thư vào đầu tháng 9/2022: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào.” [34]

    Vị trí Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đảm nhận hiện nay được coi là quyền lãnh đạo tạm thời của giáo hội.

    Việc bầu chọn tăng thống phải được tổ chức trong một kỳ đại hội của giáo hội. [35] Tuy nhiên, trong bối cảnh đàn áp hiện nay của chính quyền Việt Nam, việc tổ chức đại hội để chọn người giữ chức tăng thống là điều khó thực hiện.

    Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ từng giảng dạy ở Viện Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn trước năm 1975. Ông cũng là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà bất đồng chính kiến.

    Vào tháng 9/1988, ông từng bị chính quyền tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Nhưng nhờ sự can thiệp của quốc tế, ông được giảm án xuống tù chung thân và ra tù sau 10 năm bị giam giữ. [36]

    7. Chính quyền tổng kết 30 năm kiểm soát đạo Cao Đài

    Vào tháng 3/2022, các tổ chức Cao Đài ở Đà Nẵng, Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang và Tiền Giang đã phải làm việc với chính quyền về việc duy trì các quy định kiểm soát theo Thông báo số 34-TB/TW của Ban Bí thư về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài. [37] [38] [39] [40]

    Báo chí nhà nước cho biết đây là Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Đề án của Trung ương về “Tổng kết 30 năm thực hiện Thông báo số 34-TB/TW ngày 14/11/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài”.

    Thông báo 34-TB/TW nêu rõ ba quan điểm của đảng đối với đạo Cao Đài: [41]

    Không khuyến khích phát triển các tôn giáo, trong đó có đạo Cao Đài.

    Không cho phép các hệ phái Cao Đài lập bộ máy hành chính và không cho thống nhất các hệ phái Cao Đài toàn quốc dưới bất kỳ hình thức nào.

    Ngăn chặn và làm thất bại những hoạt động của bọn phản động, ngoài nước lợi dụng đạo Cao Đài để chống phá nhà nước.

    Người dẫn đầu các đoàn làm việc này đều là các cán bộ cấp cao của nhà nước. Tại tỉnh Tây Ninh, đó là Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; tại tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; tại thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; tại các tỉnh Long An, Kiên Giang và Tiền Giang là Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc.

    Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với các tổ chức Cao Đài tại tỉnh Long An (trái) và tỉnh Kiên Giang. Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ. Minh họa: Luật Khoa.

    Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với các tổ chức Cao Đài tại tỉnh Long An (trái) và tỉnh Kiên Giang. Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ. Minh họa: Luật Khoa.

    Nội dung cụ thể của các buổi làm việc không được báo chí tường thuật chi tiết. Ví dụ như đoàn làm việc tại các tỉnh Long An, Kiên Giang và Tiền Giang có nói rằng sẽ hỗ trợ các tín đồ giải quyết các vấn đề của đạo, nhưng không nói cụ thể là những vấn đề gì. [42]

    Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh tại Việt Nam. Sau năm 1975, với quá khứ chống cộng sản, đạo này đã bị chính quyền cấm hoạt động cho đến những năm 1990. Hiện nay, chính quyền vẫn áp dụng nghiêm ngặt Thông báo 34-TB/TW để kiểm soát chặt chẽ đạo Cao Đài. [43]

    8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không muốn chính quyền can thiệp vào việc quản lý tiền công đức

    Ngày 20/4/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi công văn phản hồi dự thảo thông tư lần thứ ba của Bộ Tài chính về việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích. [44]

    Trước hết, giáo hội không chấp nhận quy định nhà chùa phải báo cáo cho nhà nước về các khoản thu, chi khi tổ chức lễ hội tại các di tích thuộc giáo hội.

    Kế đến, giáo hội phản đối yêu cầu dùng tiền công đức của nhà chùa để trích chi cho các lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức tại các di tích tôn giáo.

    Sau cùng, giáo hội yêu cầu dự thảo không đặt ra quy định về việc quản lý chi tiêu, minh bạch tiền công đức, tiền tài trợ của các tổ chức tôn giáo và các di tích tôn giáo.

    Yêu cầu này của giáo hội khó có thể trở thành hiện thực. Trên thực tế, chính quyền đưa ra dự thảo này nhằm quản lý, minh bạch tiền công đức ở các di tích, bao gồm cả các di tích của Phật giáo. [45]

    Giáo hội Phật giáo Việt Nam có rất nhiều cơ sở được công nhận là di tích. Ít nhất 28 ngôi chùa được công nhận trực tiếp hoặc nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt, và khoảng 500 ngôi chùa được công nhận là di tích cấp quốc gia. [46] Nhiều năm qua, các nhà sư của giáo hội và chính quyền các địa phương đã bắt tay nhau làm du lịch tâm linh và thu về số tiền công đức rất lớn.

    Đối với vấn đề minh bạch tiền công đức, dự thảo bắt buộc việc tiếp nhận tiền công đức, tiền tài trợ (tiền mặt) phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng, và ghi chép đầy đủ khi tiếp nhận các loại tài sản khác.

    Mặt khác, dự thảo cũng yêu cầu việc chi tiêu tại các di tích, bất kể di tích thuộc quản lý của nhà nước hay tổ chức tôn giáo, đều phải thực hiện theo các khoản chi do dự thảo quy định.

    9. Hai cán bộ thị trấn Vụ Bản cản trở thánh lễ do Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ trì

    Vào lúc 10 giờ sáng ngày 20/2/2022, khi Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đang dâng lễ tại nhà thờ giáo xứ Vụ Bản, tỉnh Hòa Bình thì hai cán bộ thị trấn Vụ Bản đã xuất hiện và yêu cầu giải tán thánh lễ.

    Theo Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, hai cán bộ được cho là ông Phạm Hồng Đức - Bí thư thị trấn Vụ Bản, và ông Phạm Văn Chiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Vụ Bản. [47]

    Một video trên mạng xã hội cho thấy hai người này bước lên lễ đài, giật microphone, yêu cầu giáo dân giải tán trong khi các vị linh mục đang cử hành nghi lễ. [48]

    Ông Phạm Hồng Đức (ngoài cùng bên phải), và ông Phạm Văn Chiến (người cầm microphone) đang yêu cầu giải tán thánh lễ vào ngày 20/2/2022. Nguồn: Amen TV.

    Ông Phạm Hồng Đức (ngoài cùng bên phải), và ông Phạm Văn Chiến (người cầm microphone) đang yêu cầu giải tán thánh lễ vào ngày 20/2/2022. Nguồn: Amen TV.

    Một ngày sau khi thánh lễ bị cản trở, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã gửi đơn khiếu nại về vụ việc đến UBND tỉnh Hòa Bình, yêu cầu tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các giáo sĩ và giáo dân. Theo họ, chính quyền tỉnh Hòa Bình thường xuyên gây khó khăn đối với các thánh lễ Công giáo.

    Theo báo Hòa Bình, chính quyền thị trấn Vụ Bản đã làm đúng chức năng quản lý nhà nước khi ngăn cản thánh lễ. [49]

    Bài báo khẳng định thánh lễ do Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên cử hành không có trong chương trình đã gửi cho chính quyền, được tổ chức tại địa điểm thờ tự xây dựng trái phép và không thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

    10. Một linh mục bị sát hại tại tỉnh Kon Tum

    Vào ngày 29/1/2022, chỉ vài ngày trước tết Nguyên Đán, linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh đã bị một người đàn ông tấn công khi đang ngồi tòa giải tội. Ông qua đời cùng ngày do vết thương quá nặng. [50]

    Người tấn công linh mục tên Nguyễn Văn Kiên, là con của một gia đình Công giáo trong giáo xứ.

    Nhà thờ Đắk Mót, nơi linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh bị sát hại và di ảnh của ông tại Đền thánh Martino, nơi ông được chôn cất. Nguồn: Huy đoàn Giáo dân Đa Minh.

    Nhà thờ Đắk Mót, nơi linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh bị sát hại và di ảnh của ông tại Đền thánh Martino, nơi ông được chôn cất. Nguồn: Huy đoàn Giáo dân Đa Minh.

    Tin tức về vụ việc này chỉ xuất hiện trên báo chí trong nước sau đó năm ngày, khi có quyết định khởi tố. [51]

    Đến ngày 18/2/2022, ông Kiên khai rằng bản thân ông bị “vong” theo quấy phá, khiến ông hay đau ốm và không lập được gia đình. Ông cho rằng sát hại linh mục Trần Ngọc Thanh sẽ giải thoát cho bản thân. Ông làm việc này một cách tự nguyện, không bị ai xúi giục. [52]

    Đến ngày 30/5/2022, chính quyền bất ngờ công bố kết quả giám định tâm thần đối với ông Kiên, nói rằng ông này “mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi” - một kết luận tương tự với vụ hung thủ đâm linh mục và đốt nhà thờ ở Gia Lai trước đó. [53]

    Điều này đồng nghĩa rằng chính quyền sẽ “áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc” đối với ông Kiên mà không phải bị đưa ra xét xử.

    ***

    10 sự kiện tôn giáo nêu trên cho thấy chính quyền đang dần biến mình thành một “giáo hội” cao nhất, có quyền can thiệp vào tất cả các hoạt động tôn giáo của các giáo hội khác.

    https://www.luatkhoa.com/2022/12/10


    Không có nhận xét nào