Header Ads

  • Breaking News

    Tưởng nhớ 19 năm nhà văn Xuân Vũ qua đời 1/1/2004 – 1/1/2023

    https://thoisu-doisong.com/wp-content/uploads/2022/12/image-105.png

    Nói đến nhà văn Xuân Vũ, chắc hẳn người Việt chúng ta không ai không biết những tác phẩm để đời của ông trong đó có “Đường Đi Không Đến” đã đoạt giải thưởng Văn Học Toàn Quốc của VNCH năm 1972,

    Ông sinh năm 1930 và qua đời ngày 1/1/2004 do bạo bệnh trong lúc sức sáng tác của ông vẫn còn dồi dào, thọ 74 tuổi

    Để tưởng nhớ một chiến sĩ đấu tranh không ngừng nghỉ, một nhà văn đầy nhiệt huyết, một nhà lý luận bằng thực tiễn phản bác nhẹ nhàng nhưng sâu sắc cái chủ nghĩa và chế độ mà trước đây ông đã lầm đi theo vì lòng yêu nước chống thực dân, nhưng sau ông đã nhìn rõ tỏ tường, tòa soạn TS & ĐS xin phép được đăng lại bài dưới đây của tác giả Minh Võ, trích từ Việt Báo để quý độc giả thưởng lãm.

    Ngoài ra, chúng tôi cũng đính kèm hình chụp thủ bút chúc Tết của ông để chúng ta cùng tưởng nhớ. 

    Trân trọng – Hoàng Độ – (NXB Hưng Đạo)


    https://thoisu-doisong.com/wp-content/uploads/2022/12/tho-xv-gui-xbhd-2-791x1024.jpg

    https://thoisu-doisong.com/wp-content/uploads/2022/12/tho-xv-gui-xbhd-3-1024x584.jpg


    Tưởng Nhớ Xuân Vũ

    02/01/2007

    Minh Võ

    Xuân Vũ mất tại Antonio, Texas lúc 2 giờ 22 phút trưa ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2004.  Đến nay đã 3 năm tròn. Theo phong tục tập quán Việt Nam ngày giỗ ba năm thường được gọi là giỗ đoạn tang, đối với một đại tang.

    Nhân dịp này  tôi viết thêm một bài để tưởng nhớ một nhà văn lớn mà tôi ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ, không phải chỉ vì sự nghiệp văn học đồ sộ của anh, với 72 tác phẩm đủ loại (trong đó có cuốn The Survivor bằng song ngữ Anh Việt) từ kịch, thơ, ký sự, hồi ký, truyện phim, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài và trường thiên tiểu thuyết có bộ trên 2000 trang, đã được ít nhất 8 nhà xuất bản đua nhau xuất bản trong 33 năm qua.. Ngưỡng mộ còn vì tấm lòng của anh yêu quê hương, yêu tự do dân chủ, can đảm tố cáo những tội ác, thói hư tật xấu của giai cấp tư bản đỏ trong những tác phẩm óng ả, duyên dáng, điểm xuyết bằng những nhận xét dí dỏm, hay hoạt kê, châm biếm cười ra nước mắt..

    Xuân Vũ tên thật là Bùi Quang Triết, sinh ngày 19-3-1930 tại làng Minh Đức,  quận Mỏ Cầy, tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa). Độc giả  thường chỉ biết Xuân Vũ là một nhà văn. Nhưng tác phẩm đầu tay của anh là một bài thơ được đăng trên báo Nhân Dân miền Nam do Lưu Qúy Kỳ, một cán bộ CS nổi tìếng làm chủ bút. Anh ký tên Công Nhân. Đó là vào năm 1947, anh mới 17 tuổi, đã bỏ nhà đi theo “Kháng chiến” được 2 năm. Trong số những tập thơ của Xuân Vũ chúng tôi được biết có 2 trường ca Trả Ta Sông Núi, và Ta Về Hôn Đất, tất cả hàng ngàn câu. Anh có khiếu về thơ vì cha anh, tuy là một nhà nông, nhưng cũng rất thích thơ và cũng là tác giả của hàng ngàn câu thơ. Tiếc rằng chưa in ra thì mất trong chiến tranh. Người có công khai tâm cho Xuân Vũ về thơ là nhà thơ Tâm Diền, tức “nhà thơ vàng” Xuân Tước.

    Tâm hồn thơ mộng ấy, thi tài, thi hứng ấy đã bị thực tế phũ phàng trong xã hội miền Bắc, mà anh thường gọi là “xã nghĩa” vùi dập, làm thui chột, để nhường chỗ cho một nhà văn trồi lên chống “xã nghĩa” với gần năm chục tác phẩm chỉ chuyên để kể tội, chỉ trích CS, phơi bầy những cái xấu xa trong cái “xã nghĩa” ấy. Vì vậy ban đầu tôi cũng như phần đông độc giả, kể cả những nhà phê bình văn học, chỉ biết anh như một nhà văn, gọi anh là nhà văn, chưa bao giờ gọi anh là nhà thơ. Phải chăng biết thế, nên khi đã thân nhau, anh  gửi tặng tôi một bài thơ theo kiểu “sonnet” của thơ Pháp. Anh đọc nhiều thơ văn Pháp, coi những Victor Hugo, Beaudelaire, Honoré De Balzac, Sait Exupery, nhất là Alexandre Dumas, Guy De Maupassant là những bậc thầy của mình cũng như một số nhà văn Việt Nam từng nổi tiếng một thời như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nam Cao v.v….  Bài thơ anh tặng tôi có hai câu mà tôi thích nhất:

    Sắc đẹp, uy quyền đều hủy diệt.

    Thế gian còn lại chữ mà thôi. (1)

     Trong những lần điện đàm, và  những bức thư dài viết tháu, chữ viết ngoằn nguèo như toa thuốc của bác sĩ, Xuân Vũ thường nói với tôi, chữ như nước, có thể chảy đi khắp nơi, chảy mãi. Chết rồi là hết chỉ còn chữ ở lại với đời. Và Minh Võ ạ, chúng ta hãy dùng chữ nghĩa để làm sáng chính nghĩa.

    Đó chính là lý do tại sao Xuân Vũ viết không ngừng nghỉ, “viết như thác đổ”, như  một nhà Xuất Bản đã viết về “sức viết như vũ bão” của anh. Có năm anh viết 4, 5  tác phẩm, toàn chuyện dài. Và tuy đã có lần anh tuyên bố, sau cuốn “Những Bậc Thầy Của Tôi” (2) anh sẽ dừng chân rồi nghỉ luôn, nhưng rồi cuối cùng anh vẫn lại viết, viết  cho đến hơi thở cuối cùng.

    Cuốn trường thiên tiểu thuyết Tôm Hùm Huýt Sáo, dự tính sẽ gồm 6 bộ. Nhưng anh chỉ mới hoàn tất được một bộ đầu gồm 3 tập, thì anh đã đột ngột ra đi. Thư Viện Việt Nam Online Thư Quán (thuvienvietnam.com), trước khi đưa in tập đầu, đã mang bản thảo đến cho tôi xem và bảo, tác giả muốn Minh Võ đề tựa. Tôi đã không dám nhận, vì tôi chưa có một cuốn truyện nào được xuất bản, làm sao giới thiệu một văn hào với 72 tác phẩm. Nhưng nhà thơ Tâm Vô Lệ, giám đốc Thư Viện Việt Nam nói “đó là lệnh của anh Xuân Vũ cho nhà xuất bản”. Sau nhiều lần trao đổi với tác giả, tôi đành phải nhận viết lời giới thiệu, và đại diện anh ra mắt trong buổi sinh hoạt văn hóa gới thiệu THHS tại Quận Cam năm 2003.

    Thế rồi chỉ mấy tháng sau anh mất. Tác phẩm dở dang!

     Trong khi là người đầu tiên đọc bản thảo Tôm Hùm Huýt Sáo đến những đoạn tác giả đặt tên những ổ điếm, những trung tâm buôn người, buôn thuốc phiện, buôn lậu, “chích choác” v.v…hiện thời ở Hà Nội bằng những danh từ mỹ miều như “trung tâm phục hồi nhân phẩm”, “trung tâm trau dồi đạo đức” v.v… tôi lại nhớ tới George Orwell với tiểu thuyết chính trị giả tưởng trứ danh “1984”. Trong tác phẩm tiên tri này tác giả đặt tên những bộ trong chính phủ tương lai là bộ Chân Lý chuyên nói dối, bộ Hòa Bình chuyên lo chiến sự, bộ Sung Túc phụ trách nền kinh tế bi thảm nhất trần gian, bộ Bác Ái chuyên giam cầm tra tấn, thủ tiêu v.v….George Orwell là một trong những tác giả chống cộng một cách vô cùng sâu sắc, với tác phẩm 1984 nói trên và tác phẩm “Trại Súc Vật” ông đã đóng góp công lớn vào việc đánh đổ chế độ CS ở Đông Âu sau này bằng vũ khí phi vũ trang là ngòi bút, một thứ ngòi bút phép như Xuân Vũ viết.

    Và trong khi nghĩ tới George Orwell, thì tôi lại không thể không nghĩ tới  những Arthur Koestler, André Gide, Solzhenitsyn, Boris Pasternack, Milovan Gjilas, Gerard De Tongas v..v.. với những tác phẩm văn học tuyệt vời như Darkness At Noon (Đêm Tối Giữa Trưa, hay Đêm Giữa Ban Ngảy), J’ai Choisi La Liberté (Tôi Chọn Tự Do), Quần Đảo Gulag, Bác Sĩ Jivago, Giai Cấp Mới, và  J’ai Vécu Dans L’enfer Communist au Nord Viet Nam Et J’ai Choisi La Liberté (Tôi đã sống Trong Hỏa Ngục Bắc Việt Và Đã Tìm Tự Do) v.v….

    Những tác giả và tác phẩm ấy kèm với 2 đài phát thanh ở Âu Châu trong những năm hậu thế chiến 2 là đài Tự Do và đài Âu Châu Tự Do đã góp công không nhỏ vào việc đánh sập Liên Xô và Khối Cộng Đông Âu.

    Nhưng tiếc rằng người ta chỉ nhắc nhiều tới, và ghi nhận công lao của những Michael Gorbachev,  Boris Yeltsin, Richard Nixon, Ronald Reagan, George Bush cha và Giáo Hoàng John Paul 2.

    Ngày nay trong cuộc chiến ý thức hệ giữa chúng ta và VC, những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tường, Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần,  và cà Hoàng Hữu Quýnh, Bảo Ninh, Phùng Gia Lộc, Đào Hiếu v.v……năng được nhắc tới. Nhưng người đáng nhắc đến hơn cả phải là Xuân Vũ mới đúng. Nhưng vì Xuân Vũ đã phản tỉnh, “hồi chánh” sớm quá, ngay từ 1968, nên người ta quên anh chăng” Nếu chỉ kể số lượng thì tác phẩm chống Cộng của một mình Xuân vũ đã hơn hẳn của tất cả những nhân vật trên cộng lại.

    Trở lại với Tôm Hùm Huýt Sáo, xin trích vài đoạn vắn trong những câu đối đáp của nhân vật chính trong truyện, để bạn đọc có một vài ý niệm về cái xã hội “xã nghĩa” trong nước những năm gần đây.

    Tuấn nói với mẹ: “… Con đi theo biện chứng pháp trong tình yêu…Nói tóm lại, tình yêu là con kỳ nhông, nó thay đổi màu da tùy theo thời tiết. Hôm nay nó đỏ, mai nó xanh. Hoặc nó xanh khúc đầu mà đỏ khúc mình và cái đuôi. Con bé này hiện giờ là bồ của con. Chốc nữa nó không phải là của con mà của người khác. Con xin lỗi má, má đừng ngạc nhiên.”

    Những cuôc cãi lộn giữa mẹ con Tuấn, giữa các tay trùm băng đảng, giữa vợ chồng Tuấn- Ngọc Toàn, trong đó hàng chục tiếng lóng của giới ăn chơi và xã  hội đen làm cho người đọc cảm thấy mình như lạc vào một thế giới ở giữa địa ngục và âm ty, đã chứng minh rằng, quan niệm sống, lối sống, cách hưởng lạc đồi trụy của thanh thiếu niên ngày nay trong nước là xuất phát từ chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đôi thanh niên vừa cưới nhau hôm trước, thì ngày hôm sau đã sẵn sàng “đổi đĩa, thay kim”, nghĩa là giao vợ mới cưới của mình cho đối thủ, để nhận vợ đối thủ là vợ mình.

    Mẹ của Tuấn, bà Ba Sao, vợ thượng tướng Hoàng Su Phì, cũng như chồng bà, được tác giả chọn trong số một vài nhân vật tương đối trong sạch trong bọn lãnh đạo để cho cuốn tiểu thuyết có chút hơi hướng nhân bản. Nhưng cả hai đều không thể cưỡng lại sức cám dỗ và hoàn cảnh xung quanh.Cuối cùng cũng mánh mung, hối lộ, đàng điếm. Vì sống khác đi sợ bị hãm hại.

    Hai vợ chồng ông thượng tướng cãi nhau kịch liệt cả đêm chỉ vì vấn đề này. Bà Ba Sao chỉ sợ không tham nhũng như người ta thì sẽ bị đặt bom mà chết:

    “…Nói xong bà òa lên khóc:

    “Ông ấy bị đặt bom suýt chết là vì tội không chịu tham nhũng. Người ta đặt trên bàn một tỷ bạc mà ông không nhận cho chiếc tầu buôn vô. Đã vậy ông còn gọi công an bắt kẻ hối lộ. Hu, Hu!……Tưởng vậy là yên, nhưng hôm sau vợ ông phát hiện ra quả bom tay đặt ở ngõ nhà ông. Nếu chậm một chút ông đi làm, xe chạy ra sẽ tan xác. Hu, hu…”

    Cũng giống nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, nhà văn Xuân Vũ nhất định không chịu dùng máy điện toán. Có lẽ các anh cũng có quan niệm giống anh Lam Giang Nguyễn Quang Trứ: “Cơ khí sinh cơ tâm”” Xuân Vũ quý cây bút của mình như trân châu, coi nó là “cây bút phép” (1) có phép thần thông mà Tổ Quốc đã ban cho mình để “làm sáng chính nghĩa”. Nhưng có điều hơi khác giữa nhà thơ và nhà văn: Chữ viết của nhà thơ NCT dễ đọc, nếu không bảo là đẹp và nắn nót. Còn chữ nhà văn XV thì như toa bác sĩ, rất khó đọc. Chính nhà xuất bản đã nhiều lần phải đưa bản thảo đến nhờ tôi “giải mã”. Mấy lần còn phải gửi lại bản thảo để hỏi ý tác giả. Tôi cứ hay nói đùa với Xuân Vũ, chữ anh như rồng bay, phượng múa ở trên mây. Nhưng có điều phải nhận rằng chữ ký của Xuân Vũ thì đúng là rồng bay phượng múa. Đẹp, tuyệt đẹp. Nó biểu lộ một văn tài thiên phú. Tiện đây xin mời bạn đọc chiêm ngưỡng một chữ ký Xuân Vũ ký tặng tôi trên cuốn truyện dài cuối cùng của anh. (xem hình). Chữ ký trên thư thường thì nhỏ thôi, nhưng có lẽ còn đẹp hơn.

    Truyện ngắn đầu tiên của Xuân Vũ, Chiến Lũy Ngầm được xuất bản tại Hà Nội năm 1960, và nhiều tác phẩm khác viết cho Cộng Sản để “đái tội lập công” không được kể trong số 72 tác phẩm nêu trên.

    Nói “đái tội lập cộng”, là vì chỉ vài tháng sống ở Hà Nội, sau khi tập kết ra Bắc, Xuân Vũ đã sớm nhận ra “cái xã hội xã nghĩa” ngoài đó nó kỳ cục làm sao ấy”. Anh chịu hết nổi. Nhưng vì còn quá trẻ chưa biết sợ là gì, anh đã ngây thơ đến trụ sở Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, do hiệp định Genevơ quy định lập nên, để xin được trở về Nam, trước khi thời hạn 300 ngày chấm dứt.. Thế là anh bị bắt, và phải bó buộc lên đài phát thanh giải thích, chiụ nhận mình lầm, và từ đó phải viết cho đảng.

    Mãi đến năm 1967 anh mới nhờ Trần Bạch Đằng là huynh trưởng cũ giúp đỡ can thiệp để được lên đường “đi B” nghĩa là vượt trường sơn, trở vào Nam qua ngả đường mòn Hồ Chí Minh. Sáu tháng trèo đèo lội suối, băng rừng, trải qua những trận pháo kích, và bom B52 kinh khủng, đã là chất liệu cho anh viết bộ hồi ký 5 tập Đường Đi Không Đến. Tập đầu tiên mang cùng tên là cuốn đầu tiên anh viết sau khi đã ra “hồi chánh” với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, và nhận giữ chức phó giám đốc nha Chiêu Hồi, mà người bạn và cựu đồng chí của anh là Giáo Sư Phạm Thành Tài, giáo sư Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, cũng mới hồi chánh, làm giám đốc. Tác phẩm này đã được giải thưởng văn học của tổng thống. Phần cuối bài này, chúng tôi sẽ tóm tắt sơ qua và trưng dẫn một số đọan văn óng ả để bạn đọc thưởng thức.

    Tôi xin kể qua danh sách của một số tác phẩm Xuân Vũ viết sau khi tới Mỹ, được nói đến nhiều nhất, ngoài bộ hồi ký 5 cuốn Dường Đi Không đến, và bộ tiểu thuyết cũng 5 tập Đỏ Và Vàng (toàn bộ các tác phẩm của Xuân Vũ đã được tác giả uỷ quyền cho thuvienvietnam.com lưu trữ trên mạng):

    2000 Ngày Đêm Trấn Giữ Củ Chi (7 tập)

    Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết

    Mười Năm Mưa Phùn Gió Bấc

    Những Bậc Thầy Của Tôi

    Tình Trên Cánh Gió

    Nửa Thế Kỷ Phạm Duy

    Trả Ta Sông Núi (Thơ, Trường Ca)

    Lệnh Tấn Công (kịch)

    Cách Mạng Tháng 8, Cha Đẻ Còng Số 8.

    Kẻ Sống Sót (song ngữ Việt Anh: The Survivor)

    Đỏ Và Bùn

    Bùn Đỏ

    Biển Lửa Và Núi Tro

    Ta Về Hôn Đất

    Sông Nước Hậu Giang

    Cái Rác

    Coi Chừng Chó Dữ

    Ngọn Rạch Bằng Lăng

    Thiên Đàng Treo

    Thiên Đàng Treo Đứt Giây

    Thiên Đàng Chuột

    Con Người Vốn Qúy Nhất

    Tự Vị Thế Kỷ

    Ông Lão Thổi Bong Bóng

    Trăng Kia Chưa Xế

    Vàng Mơ Bông Lúa

    Những Độ Gà Nòi

    Thầy Tư Cóc

    Dưới Bóng Dừa Xanh

    Xóm Cái Bần

    Mưu Trí Đàn Bà

     Buồng Cau Trổ Ngược

     Tấm Lụa Đào

     Cô Ba Trà

     Ngọc Vùi

     Hột Xoàn Là Của Trời Cho

     Quê Hương Yêu Dấu

     Đồng Bạc Để Nái

     Cái Móng Tay

     Bữa Tiệc Thịt Chó Dưới Trời Cần Vương (lịch sử tiểu thuyết)…

    Sau đây là tên (ít nhất là) 8 nhà xuất bản đã thay nhau xuất bản sách của Xuân Vũ:

    Đất Mới, Nam Cường, Xuân Thu, Người Việt, Đại Nam, Trời Nam, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông, và Thư Viện Việt Nam Ấn Quán (thuvienvietnam.com).

    Trong số 8 nhà xuất bản này, có Xuân Thu đã đăng nguyên văn lời ca ngợi văn tài của Xuân Vũ của 13 vị, trong đó có: Võ Phiến, Phạm Duy, Hà Huyền Chi, Lê Xuân Nhị, Hải Bằng, Lê Nhật Thăng, Vũ Uyên Giang, nhà cách mạng lão thành, ký giả Trần Văn Ân…

    Một điều khiến nhiều người ngạc nhiên là sách của Xuân Vũ được VC liệt vào loại độc dược. Một cán bộ Công An ở Saigon đã nói với Bác Sĩ Phạm Thành Tài, giám đốc Nha Chiêu Hồi, mà Xuân Vũ là phó giám đốc (Bác Sĩ Tài không chạy kịp ngày 30 tháng 4) như sau: “….Thằng Thiệu trốn, bỏ lại đất nước tan hoang, ta còn có thể sửa lại được. Còn thằng Xuân Vũ bỏ lại tác phẩm (ý nói cuốn Đường Đi Không Đến), thì chả ai sửa lại được. Vì nó là chất độc. Cực độc.” Thế nhưng lạ một điều là chính công an lại thích đọc Xuân Vũ mới chết. Cô Hương tị nạn ở Bỉ kể:

    “…Lúc sắp lui ghe vượt biên, tôi bị công an xét. Chúng thấy cuốn Đường Đi Không Đến giắt trong mui ghe. Tên công an bảo là sách cấm. Tôi sợ quá, định “đấm mõm” hắn (bằng một số tiền hối lộ. chú thích của MV). Nhưng hắn lại hỏi mua quyển sách. Tôi tưởng hắn nói chơi ai dè thiệt. Tôi không dám lấy tiền. Hắn bèn cho tôi mấy lít gạo tịch thu của ai đó….Qua đây tôi mua lại cuốn “Đường Đi Không Đến”, mua luôn Xương Trắng Trường Sơn và Mạng Người Lá Rụng. Định mua luôn Đồng Bằng Gai Góc cho đủ bộ mà chưa kiếm được.” Thực ra muốn mua đủ bộ thì phải chờ cuốn thứ 5 là Đến Mà Không Đến nữa kia. Nhưng lúc cô Hương viết thế thì tác giả viết chưa xong.

    Khi viết bộ  sách cuối cùng, Tôm Hùm Huýt Sáo, Xuân Vũ đã kiệt sức. Tay anh đã run nhiều cái “toa bác sĩ” cuối cùng quả tình có nhiều chỗ “không giải mã được” Văn phong của anh cũng đã không còn trong sáng và lôi cuốn như trước. Trong tập I bộ sách này có đoạn anh năn nỉ người đọc hãy rán đọc anh để biết CS:

     “Khi tôi về Sài Gòn tôi có nói rằng tôi sẽ dùng những ngày còn lại của đời tôi  để viết ra cho hết cái bụng của tôi về Cộng Sản.

     “Viết về cái sự kỳ cục của chủ nghĩa CS mà tôi phải chạy bạt mạng trốn khỏi nó năm 1967. May mắn thay tôi đã tự giải phóng.

     “Sống trong lồng CS tôi đã thấy nó kỳ cục. Thoát ra khỏi lồng nó, ngoảnh nhìn lại, tôi càng thấy nó kỳ cục hơn, đúng như những cảm nghĩ đầu tiên của tôi về nó. Và càng ngày nó càng trở nên kỳ cục, siêu kỳ cục,  đến quái gở. Quyển sách này không thể mô tả hết nổi hết nửa thế kỷ mà sự kỳ cục đó ngự trị trên đầu dân tộc ta.

    “Xin đọc dùm tôi chút. Đó là một lời khẩn nài của một nhà văn.”

    Nhớ lại những giờ ngồi đọc những hàng thủ bút của bản thảo cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Xuân Vũ, tôi thật xúc động. Xúc động vì mình được diễm phúc là kẻ đầu tiên đọc nó. Càng xúc động hơn, khi lại nhớ ra rằng, cuốn Hồ Chí Minh Nhận Định Tổng Hợp của tôi đã chỉ đến tay Xuân Vũ khi anh đã vào bệnh viện để chờ giải phẫu rồi đi luôn. Chị Triết bảo tôi: Anh ấy mong cuốn sách của anh mãi. Đến khi cầm được cuốn sách, nâng niu nó trong tay thì đã lâm trọng bệnh. Không biết anh ấy đã đọc được trang nào chưa.

    Quả thực Xuân Vũ, cũng như Uyên Thao là một trong mấy người thúc dục tôi phải viết về Hồ Chí Minh. Sau khi đọc xong cuốn Ai Giết Hồ Chí Minh, mà Uyên Thao đứng ra xuất bản năm 2002, Xuân Vũ đã viết ngay một bài dài đưa cho anh Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng đăng ở Văn Nghệ Tiền Phong. Bài báo là một truyện ngắn đặc biệt có giọng miền Nam nhan đề THẰNG TÍ LỪA CẢ LÀNG. Ai cũng hiểu thằng Tí đây chính là ông Hồ. Và cả làng đây chính là cả nước.

    Khi biết tôi đã viết xong cuốn sách và đã trao cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương của Uyên Thao xuất bản, thỉnh thoảng Xuân Vũ lại gọi tôi hỏi, sách đã in xong chưa” Bao giờ được đọc đây” Nhà thơ trẻ Tâm Vô Lệ là người đứng xuất bản cuốn THHS của Xuân Vũ, biết Xuân Vũ nóng lòng muốn đọc Hồ Chí Minh, nên khi sách này vừa in xong đã sốt sắng đến gặp nhà văn Trần Phong Vũ là đại diện của Tiếng Quê Hương ở Cali, để nhận trước một cuốn gửi gấp cho Xuân Vũ. Nhưng chẳng hiểu sự sốt sắng ấy đã thành ra lúng túng chậm chạp thế nào mà mãi đến nửa tháng sau sách mới đến nơi. Vì thế nên Xuân Vũ đã không còn thì giờ để đọc. Buồn thay. Buồn cho người ở lại nhiều hơn cho người ra đi..

    Xin lỗi bạn đọc dịp đầu năm lại nhắc đến cái buồn riêng. Nhưng mong quý bạn lượng thứ cho khi thuvienvietnam.com đã cho đăng bài này để tưởng nhớ, nhớ mà buồn thương, tiếc thương một nhà văn nổi tiếng, một chiến sĩ chống độc tài đảng trị bằng ngòi bút, với cả sức sống và cuộc sống của mình.

    Xuân Vũ, Bùi Quang Triết mất trong một cuộc giải phẫu tim bất toàn, chưa phải lúc, để lại chị Triết với 5 người con, 3 gái, 2 trai; ngưới con trai út lúc ấy mới 20 tuổi. Gia  đình anh, bằng hữu của anh, độc giả của anh mãi mãi thương nhớ anh. Mong rằng các nhà đấu tranh cho dân chủ tự do bằng những phương pháp bất bạo động cũng coi anh là chiến hữu và tưởng nhớ tới anh trong dịp này.

    Sau đây, để thay đổi không khí, xin mời bạn đọc lướt nhanh qua một vài đoạn văn hay trong cuốn ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐỀN là tập 1 của bộ hồi ký Đường Đi Không Đến gồm 5 tập. Về nội dung của 4 tập còn lại của bộ hồi ký và nội dung bộ tiểu thuyết Đỏ Và Vàng, xin mời xem chương 18 cuốn Phản Tỉnh Phản Kháng Thực Hay Hư.

    Minh Võ

    Cuối năm 2006

    Chú thích:

    (1) Toàn bài thơ như sau:

       Bài Thơ Một Đời

      Khi Xuân vắng bóng trên đồng lúa

      Là Xuân đang ngủ ở trên mây

      Giữa trời Xuân hái thêm hương nhụy

      Đền ơn cha mẹ, tạ ơn thầy

      Sắc đẹp uy quyền đều hủy diệt

      Thế gian còn lại chữ mà thôi  (MV tô đậm)

      Cuộc sống trải ra trang giấy hẹp

      Càng viết càng say nét mực ngời

      Đất nước cho tôi cây bút phép

      Viết đã lâu mà mực chưa vơi

      Tổ quốc cầm tay tôi nắn nót

      Phập phồng dòng chữ ánh vàng tươi

      Đại Nam sống mãi cùng trời đất

      Lương tâm của thế kỷ hai mươi

     Bài thơ này anh cũng tặng nhà thơ vàng Xuân Tước và nhà thơ Tâm Vô Lệ.

    (1bis) Xin đọc kỹ nguyên văn bài thơ trích dẫn trên để dừng lầm là bút thép, như có người trích sai.  

    (2) Do Cành Nam, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông xuất bản.

     *

     *  *


    Đường Đi Không Đến

    Đường Đi Không Đến là cuốn đầu trong bộ hồi ký (Vượt Trường Sơn) mang cùng tên “Đường Đi Không Đến” gồm 5 cuốn. Vào những năm 1968-1969, cuốn này đã được đăng dần trên tờ báo Tiền Tuyến của Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng VNCH rồi được xuất bản tại Saigon năm 1973. Tác phẩm đã được giải thưởng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Không đầy 1 năm sau nó đã được tái bản  tại Saigon và tính đến năm 1993 thì nó đã được tái bản 8 lần tại Mỹ. Tuy là một cuốn hồi ký gồm những sự việc có thật được thuật lại theo thứ tự thời gian nhưng đã được tác giả viết một cách trau chuốt đến độ hấp dẫn không kém gì những tiểu thuyết thời danh. Có lẽ vì nguyên những sự việc xảy ra tự chúng đã rất ư độc đáo và đã để lại trong tâm trí tác giả những ấn tượng sinh động khác thường. Để trả lời những ai nghi ngờ tác giả cường điệu, xin trưng dẫn lời tác giả trong bài tựa cuốn tiểu thuyết “Đỏ Và Vàng”:

    “…Đó có phải là “cường độ” không” Ai CƯỜNG nổi đến ĐỘ đó” Chính cái thực tế đó, tự  nó đã là một sự cường độ tối cao rồi, cần gì phải cường độ nữa. Đúng tiếng của nó là cường điệu. Không có nhà văn nào không cường điệu. Nhưng khi sáng tác về cộng sản thì không cần. Chỉ sợ không viết nổi sự thực về c.s. thôi.”

    Tôi không phải là một nhà phê bình văn học. Mục đích  cuốn sách này cũng không phải để nêu lên những cái hay cái đẹp của một tác phẩm văn chương.  Tuy nhiên với tư cách là một độc giả thường tôi muốn chia sẽ với bạn đọc sự cảm phục của tôi đối với lối viết chuyện linh hoạt, tài hoa của tác giả, bằng cách trích dẫn dưới đây một vài đoạn vắn mà tôi cho là hay, để kéo sự chú ý của độc giả tới những điều chân thật, sâu sắc mà tác giả giãi bày trong cuốn sách liên quan đến cái nhìn của ông đối với cộng sản Việt Nam trước và sau khi ông rời bỏ cộng sản.

    1. Đôi chân ngọc của cô vũ công vũ Ba Lê tên Thu:

    “Tôi trỏ vào Thu đang từ suối đi lên. Vì sợ ướt quần nên Thu xắn lên quá đầu gối rất xa. Màu da trắng loáng thoáng qua những kẽ cây rừng. Tôi rỉ tai anh trạm trưởng: Cặp đùi đẹp nhất thủ đô đó, anh xem giùm một chút là hết bi quan ngay.

    – Khậc, khậc! Anh trạm trưởng nhìn theo hướng tay tôi chỉ rồi quay lại, nét mặt hững lên, thơ ngây như một anh chàng lần đầu mới nhìn thấy đàn bà.

    Thu không thấy tôi và anh trạm trưởng, nên cứ tự  nhiên đi tới, càng lúc càng gần chúng tôi. Cái màu trắng mơ hồ lúc nãy bây giờ đã hiện lên gần quá. Có thể nom thấy những hạt nước còn đọng trên làn da như những hạt sương điểm trên những cành hoa bạch huệ. Nhưng anh trạm trưởng không nhìn thẳng. Hình như anh bị lóa mắt trước một hiện tượng kỳ lạ, xa lạ với cuộc sống lâu nay của anh. Còn tôi thì có thói quen, khi thì công khai , khi thì lén lút, khi thì thiệt tình khi thì vờ vịt tôi đã nhìn cái hiện tượng đó, cái kỳ quan đó không biết bao nhiêu lần, mỗi lần mỗi rung động, mỗi ý nghĩ, mỗi diễn biến tâm trạng, mỗi dục vọng. Tôi đã tìm thấy tất cả an ủi trong cái hiện vật lạ lùng ấy. Thơ tứ ở trong đó và những ý nghĩ sôi nổi, những cảm tình nồng cháy cũng ở trong đó….

    Nói đến Thu là tôi nghĩ ngay đến đôi thỏi ngà thon thon, không no tròn quá cũng không mong manh quá, một cái gì gần như được cân tiểu ly cân đo và một bàn tay điêu khắc kỳ diệu nhào nặn tác hợp.” (trang 178)   (và nơi trang 245): “Coi chừng …hòn đá đó trơn lắm!” Tôi chỉ hòn đá mà mắt tôi không rời chân nàng. Làn da trắng vừa xanh mét vừa ướt nước. Những hạt nước còn đeo dính rải rác trên chân nàng như luyến tiếc những giây phút sinh thú của chúng nên chúng cố bám vào đấy như những hạt ngọc để trang điểm cho những vật thể mà sắc đẹp vốn đã thừa. Thu ơi! Nếu tôi được là một hạt nước dính nơi chân em! (…)

    – Ước gì anh được làm một hạt bụi dưới chân em.

    – Em sẽ nghiền nát anh ra.

    – Không, anh sẽ bay tung lên và đáp lên tóc lên má em.

    Thu đỏ rừ hai má…” (tr.245)

    Tác giả dành rất nhiều trang sách cho cặp chân cô vũ nữ Ba Lê. Vì chẳng những nó đẹp, nó còn bị thương, bị sưng, bị độc nữa. Biết bao người chiêm ngưỡng nó, ao ước nó, giành nhau săn sóc nó. Khi đôi chân ngọc sưng húp cần qua suối hết người này đến người kia ước mong được cõng nàng con gái đẹp có đôi chân ngà. Tác giả cũng đòi cõng, nhưng vừa qua cơn sốt rét xong sức đâu mà cõng. Khi nàng té trên dòng suối, chàng cố tiến tới chỉ mong được đỡ nàng lên nhưng không kịp vì đã có những anh lính trẻ ôm lấy nàng trước rồi. Nhưng dầu sao chàng vẫn có ưu  thế với nàng hơn bất cứ ai. Những lúc không cần sức thì chỉ có chàng có cơ hội và quyền lực để săn sóc nàng. Nàng vẫn biết chàng đa tình:

    ” – Ai anh cũng yêu! Tôi vui vẻ: – Em trách anh làm gì chuyện đó”  – Không, em đâu có trách anh. Thu lặng lẽ nhìn tôi với đôi mắt đờ dại không còn ánh sáng. Rồi Thu khẽ lắc đầu: – Anh đừng yêu em! – Tình yêu như trái chín. Làm sao ngăn cản được”  – Em không chịu đựng nổi tình cảm mãnh liệt của anh!” Tôi quỳ sụp xuống và ôm chặt lấy đôi chân nàng. Tôi nghe như có một khối nam châm hút tôi vào một vật gì mền mại và ngọt ngào hương. Bên tai tôi tiếng gió rít, tiếng suối reo. Một cánh buồm đang no gió hứa hẹn một cuộc vượt trùng dương” (tr 318-319)

    Cũng vẫn đôi chân nõn nà, thon thon của Thu sẽ là đề tài tranh cãi gay go giữa ông Chín, ngoại ngũ tuần, với đám lính trẻ về “Lập Trường” (Lập trường chính trị, lập trường cách mạng hay lập trường giai cấp”) kéo dài trong nhiều trang sách linh động mà duyên dáng gần cuối sách nói lên hết cái thâm ý của tác giả nhằm chế riễu lập trường của Đảng.(tr. 257-262)

    2. Tiếng gọi ân tình của đôi chim gi gợi nhớ lại cuộc giao tình của cặp trai gái (Chính là tác giả và cô bạn gái tên Phương):

    “Tôi nghiêng đầu ra mép võng. Không gian sầu thảm. Một con chim gi đang đậu ngay trên đỉnh đầu tôi, tự nãy giờ đứng ở đấy, chốc chốc lại kêu lên những tiếng ai oán. Tôi không thấy nó nhưng tôi chắc nó mầu xanh sậm và có đôi mắt chan chứa u buồn. Ở đàng kia có một cô luôn luôn đáp lời, mỗi lần chú đàng này gióng lên tiếng gọi. Dường như chúng đang hò hẹn tìm kiếm nhau. Tôi có cảm giác đó là linh hồn của hai người chết vì một mối tình nan giải, và đôi linh hồn ấy đêm đêm lại quờ quạng tìm đến nhau để nối lại cuộc tình ái dang dở  trên dương trần. Tiếng kêu của chúng nghe não nùng ai oán lạ. Nghe chim kêu tôi thấy đau khổ tràn lòng. Tôi nghe như gan ruột mình chín từng đoạn một, nỗi tình yêu, nỗi cuộc đời.

    “Dội lên trong tâm tư  tôi một nỗi ai hoài xa xót. Hiện lên trong đầu óc tôi một đôi nhân tình …Họ yêu nhau. Họ bị cấm đoán…Nhưng rồi họ vẫn yêu nhau. Họ bị cảnh cáo (…)

    …Rồi nàng nghe tất cả những cảm giác của nàng dồn lại ở một trung tâm, một nơi, một cái rốn đại dương ào ào sóng dậy mà cây thiết bảng thần thông trấn giữ vừa cắm thẳng vào, đau đớn mà êm ái. Nàng nghe nàng trôi bập bềnh trên mặt của một biển nhạc mênh mông với một nhịp điệu đều đều với những trường canh chắc nịch. Nàng không thấy ngọn cây đang quay tít bên ngoài, không thấy đôi chim đang trố mắt nhìn nàng. Giây phút đó kéo dài. Đột nhiên nàng muốn rít lên, nàng thấy toàn thân nàng rắn lại thành một tảng băng và đồng một lúc nàng cũng nghe có một làn nước ấm đê mê chảy qua suốt khối băng ấy. Hai cánh tay nàng giơ lên ôm siết lấy, quấn chặt lấy, ghì xuống, miết xuống một vật gì vừa nặng vừa ấm làm cho khối băng kia tan vỡ, đầm đìa. Ngọn gió hiếm hoi của rừng già thổi qua như một người khách lãnh đạm. Lá lại rơi, đàn ve lại thổi điệu nhạc sầu muôn thuở.

    Nàng đã nghe lại tiếng vỡ của lá khô dòn và nàng gọi: -Anh!

    (…) Chao ôi tôi nằm một mình ở đây, treo lủng lẳng trên cành cây mà tiếc cái kỷ niệm của chính tôi. Cái cảnh đó đối với tôi đáng lẽ ra là cuộc sống thực hàng ngày, thế mà nó đã trở thành kỷ niệm, đáng lẽ là tương lai, nó lại là dĩ vãng, đáng lẽ là hạnh phúc, nó lại là khổ đau, và tôi biết tôi với Phương từ đó chỉ còn sống với nhau bằng kỷ niệm. (trang 202-206) 

    Ý nghĩa của nhan đề “Đường Đi Không Đến”.

    Sau 30 tháng Tư, khi đã chiếm được miền Nam rồi, các người cộng sản, các đồng chí cũ của tác giả đã cười đắc thắng, nếu như họ gặp được tác giả chắc sẽ ngạo nghễ bảo ông rằng:  “Đấy, mày đã thấy là đường đi có đến hẳn hòi… “Chúng tao đã đến. Cách Mạng đã đến. Thống nhất đã đến. Mày còn dám nói không đến nữa hay thôi””

    Đó là ý nghĩa tiềm ẩn sâu xa của cái tựa, cái nhan sách. Có lẽ khi đặt tên cho cuốn sách Xuân Vũ không phải không nghĩ tới điều đó. Và chắc ông cũng không ngờ rằng Cộng Sản lại có thể chiếm được miền Nam. Nhưng ông vẫn có thể trả lời không nao núng: “Đến mà vẫn là không đến. Để rồi xem có đúng vậy không.” Và cho đến khi tác phẩm này được tái bản ở Hoa Kỳ thì mọi người, nhất là những đồng chí cũ người Nam Bộ của ông, đều thấy rằng cuộc “chiến thắng” đã chẳng đi đến đâu, vì người miền Nam đã bị lừa gạt, lợi dụng, bạc đãi và bóc lột, phải sống kiếp sống tù túng, kìm kẹp và cực khổ gấp trăm lần hơn xưa. Và không phải  chỉ có người miền Nam mà cả người miền Bắc cũng cùng chung số phận. Chỉ trừ một số rất ít thuộc giai cấp lãnh đạo mới, giai cấp “tư bản đỏ”. Vậy thì đường đi vẫn không đến, theo ý nghĩa tượng trưng, chung cuộc. Vì vậy tập cuối cùng trong bộ hồi ký này mang tựa đề: “Đến Mà Không Đến.”

    Nhưng tựa đề của cuốn sách (tập 1) còn có ý nghĩa  cụ thể, giai đoạn của nó đối với một số đông những người đi trên con đường đó, con đường Trường Sơn gian lao hiểm trở ngàn dặm, thiếu lương thực, thuốc men, nhất là thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo. Cụ thể nhất, đau đớn nhất, chua xót nhất  là những người bạn thân của tác giả, kể cả cô bạn gái tên Phương, đã bỏ thây ở dọc đường.

    Lý do khiến số đông đã không đến nơi được là đói, bệnh; đáng sợ nhất là sốt rét rừng; dã thú, hùm beo, rắn rít, ve, đỉa, vắt; mưa rừng làm đổ cây đè chết người; sông sâu, núi cao phải vượt trong khi chân đau, sức yếu, bụng đói. Và trên hết là biệt kích của đối phương, máy bay trực thăng, B52 và trọng pháo lúc nào cũng có thể “thụt” tới. Tác giả đã tả tất cả những cái đó một cách sinh động với những chi tiết độc đáo mà chính ông cũng phải nhận rằng mặc dầu là một nhà văn đã từng dựng lên những cốt chuyện lôi cuốn người đọc chỉ nhờ óc tưởng tượng của mình, nhưng vẫn không sao có thể tưởng tượng ra nổi những sự việc thực sự xảy ra trước mắt. Chính vì vậy mà tác phẩm của ông đã có sức lôi cuốn, dẫn độc giả từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trên mỗi trang sách.

    Ông đã nói nhiều về cái đói nơi nhiều người, như Roánh, như Hồng em ruột của Thu… Cái đói không những làm biến đổi hình thể con người, mà còn biến đổi hẳn tính tình, phẩm cách và lương tri con người. Cứ lấy một ví dụ thiết thực nhất là chính tác giả. Ông đã không thể hiểu nổi tại sao có lúc ông đã từ chối một củ khoai mì với một anh lính trẻ vì quá đói đã ngửa tay xin ông, trong khi củ khoai mì của ông chưa cần tới vì ông còn đang sốt chưa có thể lấy ăn. Dưới đây tôi chỉ xin chọn một vài hàng trích lảy từ câu chuyện thương tâm khá dài của tác giả:

    “Bỗng một tiếng người hỏi tôi: – Anh ngủ à”

    – Tôi định nằm chơi nhưng lại buồn ngủ, nguy hiểm quá! Tôi trả lời và mở mắt ra thì thấy một anh bộ đội đứng sừng sững ở đầu võng. Mặt anh ta phù lên no tròn như một cái bánh bao, mắt anh ta lờ đờ, hình như anh ta đang sốt. Anh ta nói ngay:

    – Đồng chí còn khúc sắn trên đầu võng. Chắc đồng chí không dùng cho tôi…tôi xi..xin.

    “Tôi ngồi bật dậy. Tôi như bị điện giật vì có người đụng tới cái bao tử sắp thủng của tôi. Tôi không nói năng gì mà cứ bàng hoàng. Tôi không hiểu anh ta nói gì cả. Và tôi cũng đáp lại như một cái máy, không hiểu rằng mình đã nói gì!

    “- Không được đâu đồng chí, đây là của một đồng chí khác, mà đồng chí đó đang sốt không ăn cơm được. Chứ phải của tôi thì tôi cho đồng chí ngay rồi. Đồng chí với nhau mà! Hơn nữa đồng chí vào giải phóng miền Nam của tôi.”Bây giờ nhớ lại những lời đó, tôi thấy thật xấu xa. Ghê gớm thay cái miệng con người, cái miệng khôn ngoan hay ngu xuẩn cũng chỉ  vì cái dạ dầy. Trong một con người cái cao nhất không phải là cái đầu mà là cái dạ dầy.…”

    Triết lý về cái dạ dầy còn được tác giả nói tiếp thật dài… Sau đó tác giả đã hối hận, tự trách và cố tìm cách chuộc tội bằng cách nhờ một người khác chuyển củ sắn tới anh lính đói kia. Nhưng người này đi được một quãng thì  bóc ăn, còn ngoái nhìn lại như chế riễu tác giả!

    “…mắt tôi trông thấy từng người rõ ràng. Chỉ cách tôi độ mười bước thì vỏ sắn đã rơi tơi tả xuống đất….Anh ta đã nuốt trửng cái lương tâm của tôi…” (trang 262-263)

    Đến đây tôi xin trích nguyên văn một đoạn của tác giả để mô tả con đường họ đi và lý do tại sao không đến:

    “Tất cả những người tìm ra con đường xuyên qua hàng ngàn cây số rừng sâu núi thẳm để đưa quân về “giải phóng miền Nam” thật là giỏi chứ chẳng phải chơi đâu. Nhưng vạch đường là để cho người ta đi. Muốn cho người ta đi một con đường dài một trăm ngày thẳng thét, liên tục như vậy và là con đường núi, đường đèo, đường lội, đường trèo, đường đi đêm không đốt đèn, đường đi hai ngày với một bi đông nước với mấy vắt cơm thiu, con đường mang vác khổ sai mà không đủ muối gạo ăn, con đường qua sông không thuyền, con đường chưa ai đi và sẽ không ai đi nếu người ta biết trước và v.v..Muốn cho quân sĩ hành quân trên một con đường nguy hiểm như vậy, ít ra phải cho nó ăn uống, phải có thuốc men, có bóng cây, có nhà có trạm nghỉ ngơi thì mới hòng mong nó đi tới nơi được. Đàng này thì không có gì cả ngoài con đường trơ ra đó với những dẫn đường bất mãn hà khắc, đôi khi ác nghiệt, và lúc nào cũng muốn rời bỏ chức nghiệp của mình, một con đường đầy những người bệnh liệt võng (không phải liệt giường, vì ở đây không có giường) với bom đạn máy bay không ngớt với những toán đào ngũ trở lui do cả cán bộ tiểu đoàn “lãnh đạo” với những tên bất mãn tự gây thương tích để khỏi đi tới nơi v.v…Một con đường như vậy bảo sao người ta vui vẻ hy sinh mà đi cho được”…

    …chỉ nội cái sốt rét thôi cũng đủ đánh tan một nửa lực lượng vô Nam rồi. Vượt trường Sơn vai đeo ít nhất 30 kí súng đạn mà trong lưng chỉ có mỗi  một kí muối và 20 viên kí ninh. Tôi nghĩ lại mà rùng mình.”

    Hãy đọc thêm về con đường Trường Sơn vinh quang qua ngòi bút quặn đau của Xuân Vũ:

    “Trường Sơn, cái tên đó hùng vĩ thật, nghe thì thích lắm, xem ảnh thì ai cũng mê say cảnh lạ kỳ thú, nhưng than ôi! Trường Sơn xanh bạt ngàn, xanh vô tận mà chẳng bới ra đâu được một lá rau, còn nấm của Trường Sơn nhiều người thèm quá, ăn bừa, ăn xong , lỗ chân lông ra máu, mồm hộc máu ra mà chết. Nước Trường Sơn uống to bụng, phải nấu thật kỹ rồi mới dám nuốt vào. Mưa Trường Sơn thì bất ngờ và day dẳng thúi đất, thúi cả da thịt.

    “Trường Sơn đứng về mặt dinh dưỡng thì không có gì đáng ca ngợi cả, ngoại trừ  những bầy khỉ, voi và trâu rừng rất nhát, rất nguy hiểm. Tôi biết rằng con đường về là con đường đầu thai một lần nữa, con đường về là con đường đói khát, con đường sấm sét, con đường đau khổ và gian khổ, con đường dốc, con đường dài, con đường đi không đến mà rồi vẫn phải đi, trên vai phải mang theo những sứ mạng bày đặt, không biết ai trao cho, một thứ vinh quang không có, một thứ tình cảm ái quốc cũng giả tạo nốt, chỉ còn lại có tình cảm gia đình là thực thôi!” (tr.111)

    Mỗi trang giấy trong tác phẩm, mỗi ngày trên con đường vào Nam, mỗi chặng đường trèo đèo vượt núi lội sông băng suối đều thấy toàn đói, khát, bệnh tật, hiểm nguy và chết chóc, chết vì đói, chết vì bệnh, chết vì bom, vì hỏa tiễn, chết nằm trên võng, chết trong hốc đá, chết không ai chôn, hay chôn mà để lòi hai bàn chân ra, chết trôi sông, chết vì bị cây đè, hay vì cây gẫy trong mưa đâm vào ngực, thậm chí chết vì bị huyện ủy làm tình trên võng, võng bị đứt, lưng cô gái rơi xuống đúng hòn đá nhọn bị trọng thương, không ai cấp cứu vì huyện ủy đã bỏ trốn! V.v. và v.v….

    Tất cả những thảm cảnh đó do ai gây nên” Tác giả không nói một cách minh thị. Nhưng cứ đọc lời tựa và những trang cuối của cuốn sách thì thấy rõ đó chính là “Đảng ta” vậy. Vì lời tựa và đoạn kết không dài nên tôi xin trích nguyên văn ở đây để thay kết luận riêng đối với cuốn đầu của bộ hồi ký ĐĐKĐ:

    “Thay lời tựa.

    Thuở bé đi học trường quận tôi thường đi một chiếc xe ngựa quen ở chợ làng. Chủ xe là một lão già có lẽ đưa xe ngựa chuyên nghiệp. Khi tôi đến trường làng tôi đã thấy lão đánh xe đưa khách, và về sau, khi tôi lớn lên, tôi vẫn không thấy lão làm nghề nào khác.

    Thời ấy con ngựa của lão thật gầy. Không biết nó đã chạy mấy vạn lần trên con đường đá lởm chởm từ  làng lên quận, cũng không rõ nó đã mang lại cho chủ bao nhiêu bạc cắc xu năm, chỉ thấy nó gầy quá, hầu như không đủ sức kéo xe nữa, nhưng nó vẫn nện móng hằng ngày trên con đường quen thuộc ấy.

    Nó chạy chậm nổi tiếng. Điều đó làm cho lão già không hài lòng. Lão ta dùng roi. Nhưng roi không có kết quả. Thực ra không phải con ngựa chạy chậm vì lười mà chính vì nó kiệt sức. Để lợi dụng cái sức còn lại trong con vật, lão già đã nghĩ ra một cách có vẻ nhân đạo hơn. Lão ta buộc một mớ cỏ non trên đầu cần câu và buộc chiếc cần câu dọc theo gọng xe.

    Mỗi lần con ngựa bị mắc vào xe nó cứ nhìn thấy mớ cỏ non đó nhảy múa trước mặt nó, tưởng chừng nó có thể ngoạm được và nhai ngấu nghiến đi ngay.

    Nhưng tôi nghiệp con vật ngây thơ, có ngay xương sống ra kéo chiếc xe đầy khách, mong rút ngắn cái khoảng cách giữa mồm nó và mớ cỏ. Cái mớ cỏ vẫn nhảy múa trước mặt nó, quyền rũ vô cùng, giục nó chạy tới, chạy nhanh tới.

    Con vật ngây thơ  vẫn cố sức phi tới với chút sức tàn, mong đớp được mớ cỏ. Có bao giờ lão chủ xe lại giải thích cho con vật thân yêu của lão vì sao nó chạy hoài mà không ngoạm được mớ cỏ”

    Sài Gòn tháng Năm, 1973. Tác giả.” (ĐĐKĐ, tr.10-11)

    Đến cuối sách, có lẽ ngụ ý chặng cuối của con đường đi không đến, tác giả viết về chiếc xe và con ngựa như sau:

    “Mái nhà, bờ ruộng với những hàng trâm bầu râm mát trưa hè. Và đây rồi cái kỷ niện sâu sắc nhất của cậu học sinh trường làng. Trên con đường đá xanh đầy ổ gà từ làng lên quận, một chú ngựa còm kéo chiếc xe ọc ạch với lão già đầu bạc cầm con roi nẹt đen đét trong không khí.

    Không hiểu sao cứ mỗi lần nhớ tới quê tôi thì tôi lại bắt gặp cái hình ảnh ấy. Chiếc xe ngựa quá thân thuộc với tuổi thơ của tôi. Từ lúc chú ngựa hãy còn tơ sung sức đã từng oanh liệt đuổi theo xe hơi cho đến chú ngựa gầy yếu đi cam chịu cho chúng bạn lướt qua mặt mình, tôi vẫn đi chiếc xe ấy.

    Rồi cho đến khi chú ngựa kiệt sức, lão già đem  một mớ cỏ non treo trên đầu cần câu buộc dọc theo gọng xe để khuyến khích chú ngựa chạy nhanh lên, tôi cũng không đi chiếc xe nào khác.

    Một hôm tôi nói với lão già:

     – Sao bác chơi chi ác vậy”

    Lão già chỉ cười, cái cười thỏa mãn của một kẻ thi hành một quỷ chước thành công. Vì là khách quen cho nên một hôm tôi được chứng kiến một cảnh não lòng. Hôm đó chiếc xe sắp về tới chợ. Cái dốc cầu cao quá. Lần nào về đến đây lão già cũng hò hét nẹt roi vang trong không khí. Lần này cũng thế. Chú ngựa bỏ vó rầm rập xuống mặt đường đá xanh, tóe lửa, cố lôi chiếc xe lên đến nửa dốc. Bỗng nó bỏ vó lơi hẳn đi. Mớ cỏ non đang nhảy múa tung tăng trước mặt nó bổng lắc lư như quả lắc đồng hồ. 

    Lão già vừa nẹt roi vừa quát, nhưng chiếc xe sựng lại rồi tụt xuống dốc. Lão già vội nhảy xuống đất, cắn chiếc roi vào mồm và hai tay bắt bánh xe lăn tiếp với con vật. Nhưng chiếc xe nặng quá và đằng sau chiếc xe còn có cả hàng chục năm lao lực, cho nên lão già dù có tài cán mưu kế đến đâu cũng không đẩy nổi chiếc xe và con ngựa già kiệt sức của lão lên dốc.

    Chiếc xe cứ tụt dần, rồi bỗng đánh rầm một cái, chiếc xe lật ngang qua. Lão già chạy vụt tới nắm lấy cái hàm thiếc của chú ngựa lôi nó đứng dậy, nhưng chú ngựa đã ngã xuống, bốn vó bơi lia, cùng với hai bánh xe quay tít trong không khí. Lão già vội vã rứt lấy mớ cỏ đã héo ở ngọn cần câu nhét vào mồm con vật đã sùi bọt lên trắng xóa, và thân mật bảo:

    – Ăn đi, ăn đi con là khỏe lại ngay!

    Con vật như nghe thấy lời nói ân nghĩa đó của lão chủ, nó cố há mồm ra mà nhận lấy cái phần thưởng độc nhất của đời nó trước khi nó trợn đôi mắt lên mà nhìn lão chủ …lần cuối cùng.  (…)

    Chao ôi! Sao giữa cái cảnh hãi hùng này mà tôi nhớ lại một chuyện buồn làm chi vậy”

    Tiếng rên rỉ của anh lính gẫy chân làm cho tôi chợt nhớ ra rằng mình đang nằm bên bờ  một con suối lũ. Trời vẫn mưa. Nước đã dâng lên sát đít võng tôi.Gió hú trên những ngọn cây cao như bước đi của những đám cô hồn tìm chỗ nghỉ chân. Một nhánh cây thò vào trước đầu võng tôi chập chờn như một mớ cỏ non nhún nhảy. Nếu quả thật đó là mớ cỏ non thì đây chính là chiếc xe đã gẫy đổ dọc đường.” (trang 357-358)

    Trân trọng cảm ơn tác giả Minh Võ đã chia sẻ — 

    Bài do nhà thơ Tâm Vô Lệ chuyển.

    https://vietbao.com/a103686/tuong-nho-xuan-vu

    https://thoisu-doisong.com


    Không có nhận xét nào