Nga nói vừa giành quyền kiểm soát Soledar của Ukraine
13/01/2023
Soledar bị tàn phá vì chiến sự.
Nga cho biết hôm thứ Sáu 13/1 rằng các lực lượng của họ vừa giành quyền kiểm soát thị trấn khai thác muối mỏ Soledar ở miền đông Ukraine, tuyên bố họ đạt được chiến thắng lớn đầu tiên sau nửa năm chịu các thất bại quân sự.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay các lực lượng Nga đã chiếm được thị trấn vào tối 12/1, nơi này lâu nay là tâm điểm của các cuộc giao tranh và bắn phá ác liệt.
Bộ nói rằng sự kiện này sẽ tạo thuận lợi để cắt đứt các tuyến đường tiếp tế của Ukraine đến thị trấn lớn hơn là Bakhmut, ở phía tây nam, và cô lập các lực lượng Ukraine còn lại ở đó.
Reuters không thể kiểm chứng ngay lập tức tuyên bố của Nga, được đưa ra sau nhiều ngày bộ quốc phòng Nga không nói gì về số phận của thị trấn.
Thủ lĩnh của đội quân đánh thuê Nga Wagner hôm 11/1 nói rằng lực lượng của ông ta đã hoàn toàn "giải phóng" thị trấn khai thác muối mỏ Soledar, tuyên bố này bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bác bỏ và nói rằng giao tranh vẫn tiếp diễn.
Bộ Quốc phòng ở Moscow cho hay: “Việc chiếm được Soledar là kết quả nhờ có các cuộc oanh tạc liên tục nhằm vào quân địch bằng máy bay cường kích, máy bay của lục quân, lực lượng tên lửa và pháo binh của một tập đoàn quân Nga”.
Trước đó, trong cùng ngày 13/1, Ukraine nói rằng các lực lượng của họ vẫn đang cầm cự ở Soledar sau một đêm giao tranh "khốc liệt", nơi này đã trở thành một trong những chiến trường đẫm máu nhất trong toàn bộ cuộc chiến.
Cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề trong trận chiến giành thị trấn nhỏ.
Moscow đã và đang cố gắng giành chiến thắng lớn đầu tiên sau nửa năm rút lui nhiều lần một cách nhục nhã. Kyiv nói rằng Nga đang liên tục tung quân vào một cuộc chiến vô nghĩa để giành một vùng đất hoang tàn vì bom đạn .
Các quan chức Hoa Kỳ cho rằng một chiến thắng của Nga ở Soledar, hoặc thậm chí ở Bakhmut, thành phố lớn gấp mười lần, nơi quân Nga cho đến nay đã bị đẩy lùi, sẽ có ý nghĩa rất nhỏ đối với hướng đi chung của cuộc chiến.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: "Ngay cả khi cả Bakhmut lẫn Soledar đều rơi vào tay người Nga, điều đó sẽ không có tác động chiến lược đối với cuộc chiến, và chắc chắn sẽ không chặn đường hay làm chậm bước tiến của người Ukraine".
(Reuters)
Nhật Bản đạt được các thỏa thuận an ninh mới, đặt nhiều trọng tâm vào chống Trung Quốc
Rishi Sunak, UK prime minister, right, Fumio Kishida, Japan’s prime minister, during the signing of a defence agreement at the Tower of London in London, UK, on Wednesday, Jan. 11, 2023. The UK and Japan will allow military forces to be deployed to one anothers nations, as Tokyo expands bilateral cooperation with other US allies amid concerns about Chinas rise. Photographer: Chris J. Ratcliffe/Bloomberg via Getty Images
Tăng cường phòng thủ không gian, triển khai thêm quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản và một thỏa thuận “cực kỳ quan trọng” với Anh là những thành tích mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang thu được trong chuyến công du ngoại giao của mình.
Các nhà phân tích cho biết, quốc phòng là lĩnh vực chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của ông Kishida trong tuần này với các cuộc gặp với các đồng minh của Nhóm G7 ở châu Âu và Bắc Mỹ, khi nhà lãnh đạo Nhật Bản tìm cách tập hợp đồng minh trước áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Amy King, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói với AFP rằng Nhật Bản muốn bình thường hóa “vai trò là một cường quốc”.
Theo bà, Nhật Bản đang tăng cường “các loại quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ quốc phòng – vốn là điều khá bình thường đối với các quốc gia khác, nhưng phần lớn là vượt ra ngoài giới hạn đối với Nhật Bản” vì bản hiến pháp hòa bình sau chiến tranh của nước này.
Các cuộc trò chuyện của Kishida cũng đã đề cập đến nhiều lĩnh vực khác, từ thương mại đến các vấn đề khí hậu, cho thấy ông đang cố gắng mở rộng mối quan hệ của Tokyo với các đồng minh.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố một cuộc đại tu quốc phòng lớn vào tháng 12, bao gồm tăng gấp đôi chi tiêu lên 2% GDP vào năm 2027 và chỉ định Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay” đối với an ninh của Nhật Bản.
Mitsuru Fukuda, giáo sư tại Đại học Nihon, người nghiên cứu về quản lý khủng hoảng, cho biết những nỗ lực ngoại giao của ông Kishida “phản ánh rằng quốc phòng của Nhật Bản không thể được thực hiện bởi một mình Nhật Bản”.
“Trong quá khứ, Nhật Bản có thể tách rời kinh tế và chính trị,” làm ăn với các nước như Trung Quốc và Nga trong khi được hưởng sự bảo vệ an ninh của liên minh với Hoa Kỳ.
Nhưng xích mích ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia dân chủ và độc tài, bao gồm cả cuộc chiến của Nga ở Ukraine, có nghĩa là “chúng ta không thể làm điều đó nữa”, ông nói.
Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay và ông Kishida sẽ đến thăm tất cả các thành viên của khối ngoại trừ Đức, trong chuyến đi được kết thúc bằng cuộc hội đàm ở Washington vào thứ Sáu với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đồng ý gia hạn hiệp ước phòng thủ chung trong không gian, đồng thời tuyên bố triển khai một đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tinh nhuệ hơn trên đất Nhật Bản.
Tại Anh, ông Kishida đã ký một thỏa thuận tạo cơ sở pháp lý để hai bên triển khai quân đội trên lãnh thổ của nhau.
Nhật Bản đã đưa ra một thỏa thuận tương tự với Australia vào năm ngoái và các cuộc thảo luận đang được tiến hành đối với Philippines.
Năm ngoái, Tokyo cũng đồng ý phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh và Ý, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác quốc phòng với Australia.
Bắc Kinh đã cảnh báo Nhật Bản vào năm ngoái về việc “đi chệch hướng” khỏi quan hệ song phương.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Tokyo đang hành động thận trọng để tránh thách thức trực tiếp nước láng giềng hùng mạnh của mình.
“Mở rộng mạng lưới quân sự chắc chắn là một cách hiệu quả để chống lại hoặc cố gắng ngăn chặn Trung Quốc”, Daisuke Kawai, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, cho biết.
Tuy nhiên, vì các thỏa thuận không có liên minh đầy đủ với các cam kết phòng thủ chung, nên chúng vẫn “được Bắc Kinh chấp nhận vào lúc này”, ông Kawai nói.
Yee Kuang Heng, giáo sư về an ninh quốc tế tại Trường Chính sách Công của Đại học Tokyo, cho biết các động thái này “ít nhất sẽ làm phức tạp thêm các tính toán của Trung Quốc về việc nước này có thể đẩy mạnh giới hạn các hoạt động của mình trong khu vực bao xa”. Nhưng chúng “vẫn không làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự trong khu vực đối với Trung Quốc,” ông nói.
Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản ngăn cản nước này tiến hành chiến tranh và kế hoạch mua tên lửa của chính phủ đã gây tranh cãi về giới hạn của khung pháp lý.
Nhưng các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng Nhật Bản phần lớn ủng hộ sự thay đổi, ngay cả khi có một số bất đồng ý kiến về cách chi trả.
Lê Vy (theo AFP)
Trung Quốc chỉ trích hiệp ước quốc phòng Anh-Nhật
13/01/2023
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc diễn hành tại Căn cứ Asaka ở Asaka, bắc Tokyo ngày 14/10/2018.
Trung Quốc chỉ trích một hiệp ước quốc phòng ký kết hôm 11/1 giữa Anh và Nhật có thể cho phép quân đội hai nước triển khai trên lãnh thổ của nhau. Cả London và Tokyo đều mô tả Trung Quốc là một “thách thức” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Châu Á-Thái Bình Dương là nơi tạo nhịp độ cho hòa bình và phát triển, không phải là sân đấu cho các trò chơi địa chính trị. Trung Quốc là một đối tác hợp tác cho tất cả các nước chứ không phải là một thách thức”, ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh.
“Hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia có liên quan phải có lợi cho việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tin tưởng và hợp tác giữa các quốc gia và không nên tạo ra kẻ thù tưởng tượng hoặc đưa tư duy lỗi thời về đối đầu khối vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” ông Uông nói.
Hiệp ước hỗ tương
Thỏa thuận quốc phòng được ký bởi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Anh Rishi Sunak tại Tháp Luân Đôn, một pháo đài thời trung cổ, nơi lưu giữ những viên ngọc quý. Hai nhà lãnh đạo đã được cho xem một bộ áo giáp của các võ sĩ đạo Nhật Bản được Sứ quân Tokugawa tặng cho Vua James của Anh vào năm 1613 để đánh dấu hiệp định thương mại đầu tiên giữa Anh và Nhật Bản.
Hiệp ước này có tên chính thức là Thỏa thuận Tiếp cận Hỗ tương và đã được thống nhất về nguyên tắc vào tháng 5 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản ký một thỏa thuận như vậy với một đồng minh châu Âu. Hàng ngàn lính Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản như một phần của Hiệp ước An ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản.
Trong một tuyên bố, văn phòng của Thủ tướng Anh nói, “Trong thế giới ngày càng cạnh tranh này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các xã hội dân chủ tiếp tục kề vai sát cánh khi chúng ta vượt qua những thách thức toàn cầu chưa từng có trong thời đại của chúng ta.”
Máy bay phản lực chiến đấu
Hai nước cũng đồng ý hợp tác cùng với Ý trong việc phát triển một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu mới. Công ty BAE Systems của Anh đã làm việc trên một nguyên mẫu được gọi là Tempest. Đây sẽ là chương trình hợp tác quốc phòng Nhật Bản-châu Âu lớn nhất từng được thực hiện.
Tập trận chung
Nhà phân tích Jonathan Eyal thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh cho biết, Nhật Bản đang tìm cách củng cố các mối quan hệ quốc phòng trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.
“Việc các lực lượng đặc biệt [của Anh] đang huấn luyện trên lãnh thổ Nhật Bản là một bí mật hiện mọi người đã biết. Trên thực tế, quân đội hai nước đã tiến hành huấn luyện trong nhiều năm nay. Điều này sẽ dễ thực hiện hơn ở Nhật Bản vì khung pháp lý sẽ được áp dụng,” ông Eyal nói với VOA.
“Có mọi ý định giúp đỡ người Nhật về mặt huấn luyện. Và yếu tố then chốt là rèn luyện khả năng phản ứng nhanh. Nỗi sợ hãi của Nhật Bản là họ có thể phải đối mặt với một sự việc đã rồi, chẳng hạn như việc Trung Quốc chiếm giữ một số hòn đảo không có người ở của Nhật Bản, tại thời điểm mà người Nhật hiện không thể đáp trả thỏa đáng,” ông Eyal nói thêm.
Nghiêng về Châu Á-Thái Bình Dương
Đối với Anh, hiệp ước quốc phòng vừa kể là một phần của sự nghiêng về địa chính trị đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Ảnh hưởng duy nhất mà Anh có thể có - đối với những gì đang trở thành tâm điểm của các mối quan ngại về an ninh thế giới - là thông qua một hệ thống liên minh. Có một quan điểm ở London rằng người châu Âu không thể tiếp tục yêu cầu sự bảo vệ của Hoa Kỳ ở châu Âu mà không giúp Hoa Kỳ đảm bảo an ninh ở châu Á,” ông Eyal nói với VOA.
Hai ông Sunak và Kishida cũng thảo luận về việc Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại được 11 quốc gia ký kết. Anh đang tìm kiếm các hiệp định thương mại mới sau khi rời khỏi Liên hiệp châu Âu.
An ninh Mỹ-Nhật
Thủ tướng Nhật Bản đang thăm các đồng minh châu Âu và Bắc Mỹ thuộc Khối G7, bao gồm Pháp, Ý, Canada và Hoa Kỳ. Nhật Bản hiện đang giữ chức chủ tịch G7.
Tiêu dùng cả thế giới ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc thấp nhất trong 3 năm
Công nhân đang sản xuất bàn để xuất khẩu sang Mỹ, Pháp, Đức và các nước khác, tại một nhà máy ở Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 4 tháng 9 năm 2019. (STR/AFP/Getty Images)
Chỉ số niềm tin tiêu dùng suy giảm khắp Châu Âu trong tháng cao điểm nhất về tiêu dùng đón lễ Noel và Năm mới 2023. Tại Mỹ chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng nhẹ trong tháng 12 nhưng nguy cơ suy thoái 2023 và nỗi lo lạm phát vẫn là hạn chế lớn. Đây là lý do khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Bắc Kinh trong tháng vàng về tiêu dùng suy giảm thấp nhất trong 3 năm qua.
Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc đã giảm 9,9% so với cùng kỳ vào tháng 12/2022 xuống còn 306,08 tỷ USD.
Mức giảm này tương đương với dự báo của thị trường là 10%. Trước đó, vào tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Kinh đã giảm 8,7% so cùng kỳ. Đây là tháng thứ ba liên tiếp kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc giảm; đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.
Nhu cầu tiêu dùng hàng hoá toàn cầu giảm mạnh do lạm phát bùng phát sau đại dịch, tăng trưởng phục hồi sau đại dịch không tốt như kỳ vọng. Tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu, niềm tin tiêu dùng giảm mức kỷ lục, thấp hơn nhiều so với bình quân dài hạn. Vào tháng 12/2022, tháng tiêu dùng mạnh nhất nhờ Lễ Noel và đón năm mới 2023, niềm tin tiêu dùng của khu vực này vẫn là -22,2 điểm, chỉ tốt hơn mức -23,9 điểm của tháng 11/2022. Niềm tin tiêu dùng khu vực đồng tiền chung Châu Âu giảm sâu ở mức kỷ lục (Nguồn: Trading Economics)
Người Châu Âu thu hẹp tiêu dùng khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang EU giảm 17,5% vào tháng 12/2022 sau khi đã giảm tới 10,62% vào tháng 11/2022.
Tại Mỹ, mặc dù chỉ số niềm tin tiêu dùng phục hồi nhẹ trong tháng 12/2022 nhưng lạm phát kéo dài từ 2021- 2022, Fed tăng mạnh lãi suất trong suốt năm 2022 đã tác động tiêu cực tới thu nhập khả dụng của người Mỹ. Điều này cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Trung Quốc giảm 19,51%, giảm tháng thứ 5 liên tiếp.
Trong cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7% so với cùng kỳ lên 3,6 nghìn tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng 17,7%, trong khi xuất khẩu sang EU tăng 8,6%.
Quang Nhật
LHQ xác nhận nhiệt độ thế giới tăng cao kỷ lục trong vòng 8 năm qua
Ngày 12/1, Liên Hợp Quốc xác nhận rằng khoảng thời gian 8 năm qua là thời điểm nóng nhất từng được ghi nhận, kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển.
Một cánh đồng ô liu nhìn từ trên cao khi hạn hán trên khắp châu Âu đe dọa ngành nông nghiệp ở Jaen, Tây Ban Nha vào ngày 6/1/2023 (Ảnh minh họa: Getty Images)
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết năm ngoái, khi thế giới phải đối mặt với một loạt các thảm họa thiên nhiên chưa từng có do biến đổi khí hậu gây ra, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,15 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
“8 năm qua là khoảng thời gian nóng kỷ lục nhất trên toàn cầu, gây ra bởi nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng và nhiệt tích lũy,” cơ quan của Liên Hợp Quốc nêu rõ trong một tuyên bố.
Năm nóng nhất được ghi nhận là năm 2016, tiếp theo là năm 2019 và 2020.
Đáng lưu ý, năm 2022 đánh dấu năm thứ tám liên tiếp nhiệt độ toàn cầu hàng năm cao hơn ít nhất một độ so với mức thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850 đến 1900.
Thỏa thuận Paris, được gần như tất cả các quốc gia trên thế giới nhất trí vào năm 2015, kêu gọi hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5C. Các nhà khoa học đánh giá, mức này sẽ hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở mức có thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, WMO đã cảnh báo hôm 12/1, “nguy cơ nhiệt độ tăng vượt giới hạn 1,5C… đang gia tăng theo thời gian.”
WMO đưa ra kết luận dựa trên việc hợp nhất sáu bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu, bao gồm bộ theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu (C3S) và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA). Các tổ chức này đã công bố những phát hiện tương tự trong tuần này.
Cơ quan của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, khoảng thời gian 8 năm nóng nhất được ghi nhận là kể từ năm 2015, bất chấp các sự kiện La Nina liên tiếp kể từ năm 2020.
Nhờ sự kiện La Nina, năm 2022 chỉ là năm nóng thứ năm hoặc thứ sáu từng được ghi nhận, theo WMO.
Dù vậy, tình hình cục bộ khá nghiêm trọng hơn ở một số khu vực.
Copernicus liệt kê trong báo cáo thường niên hôm 10/1, các vùng cực của Trái Đất đã trải qua nhiệt độ kỷ lục vào năm ngoái, cùng với nhiều khu vực rộng lớn ở Trung Đông, Trung Quốc, Trung Á và Bắc Phi.
Châu Âu cũng đã trải qua năm nóng thứ hai từ trước đến nay khi Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italy lập kỷ lục nhiệt độ trung bình mới. Các đợt nắng nóng cùng với tình trạng hạn hán nghiêm trọng diễn ra trên khắp lục địa.
WMO nhận định, tác động của La Nina đối với hành tinh nói chung dự kiến sẽ kết thúc trong vòng vài tháng và đây chỉ là hiệu ứng ” trong thời gian ngắn”. Hiện tượng La Nina cũng “sẽ không đảo ngược xu hướng ấm lên trong thời gian dài do mức độ khí nhà kính đang ngày càng tăng mạnh trong bầu khí quyển của chúng ta”.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã tiết lộ kế hoạch 5 năm trị giá 3 tỷ USD để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Minh Ngọc (Theo AFP)
Trung Quốc dọa “trả đũa quân sự” với Nhật Bản
Bình Phương /SGN
12/01/2023
Lữ đoàn Nhảy dù số 1 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận hôm 8 tháng Giêng 2023 gần Tokyo, có sự tham dự của các chỉ huy binh chủng Dù của các nước Mỹ, Anh và Úc. Nhật Bản đang gia tăng sức mạnh quốc phòng trước thách thức từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Ảnh David Mareuil/Anadolu Agency via Getty Images.
Trung Quốc hôm thứ Năm bắn tín hiệu về một kế hoạch trả đũa quân sự đối với các sáng kiến an ninh mới giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, cảnh báo rằng sự gia tăng hợp tác giữa hai đồng minh sẽ tạo ra các mối đe dọa mới cho chính họ.
Theo tường thuật của US News & World Report, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) bằng tiếng Anh của Trung Quốc trích lời một nhà phân tích quân sự nước này nói rằng nếu Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh chi tiêu quân sự và phối hợp các tư thế an ninh với Mỹ – đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan – thì quân đội Trung Quốc “chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp đối phó, bao gồm tổ chức nhiều cuộc tập trận và tuần tra trong vùng biển và không phận quốc tế xung quanh Nhật Bản.”
Một nhà phân tích khác nhận xét quan hệ đối tác mới giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đang “thực sự đặt Nhật Bản vào một vị trí rủi ro hơn và hy sinh nhiều hơn” trong khu vực.
Global Times không phải là cơ quan ngôn luận chính của đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng các nhà phân tích tin rằng tờ báo này thường công bố những điều mà các quan chức ở Bắc Kinh suy nghĩ nhưng không thể nói công khai.
Các mối đe dọa mới, các lời cảnh cáo được các quan chức quân đội Trung Quốc đưa ra nhiều hơn sau khi Mỹ và Nhật Bản công bố một sáng kiến mới nhằm chuẩn bị tốt hơn cho việc đương đầu với Bắc Kinh về mặt quân sự trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực nhằm chiếm quyền kiểm soát Đài Loan, một quốc gia độc lập mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai.
“Hội nghị 2+2”, gồm các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Hoa Kỳ đã bắt đầu từ hôm qua thứ Tư 11 tháng Giêng 2023 tại thủ đô Washington, D.C. ngay trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tới Tòa Bạch ốc vào thứ Sáu. Hội nghị đã ca ngợi quyết định của Nhật Bản bắt đầu đầu tư vào quân đội như các quốc gia phát triển cao khác, cũng như chuẩn bị đối phó với những thách thức ngày càng hiếu chiến do các cường quốc khu vực đưa ra.
Như tin đã đưa, chính phủ Nhật Bản vào giữa tháng Mười Hai năm ngoái đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, xây dựng khả năng tấn công phủ đầu và mở rộng kho hỏa tiễn hành trình để chủ động ứng phó với các mối đe dọa từ láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên.
Tại cuộc họp báo của hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã thông báo kế hoạch của Hoa Kỳ cơ cấu lại Trung đoàn Thủy quân lục chiến số 12 hiện đang đóng tại đảo Okinawa của Nhật để làm cho nó có tính “sát thương hơn, nhanh nhẹn hơn, có năng lực hơn” trong những năm tới. Hoa Kỳ cũng phối trí lại lực lượng đồn trú tại Nhật Bản, đưa các đơn vị tới đóng tại các hòn đảo gần Đài Loan hơn để phản ứng nhanh hơn khi có tình huống bất trắc tại đó.
Trong cuộc họp báo hàng ngày vào sáng nay thứ Năm 12 tháng Giêng 2023, Vương Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cảnh báo rằng bất kỳ hình thức hợp tác mới nào giữa hai cường quốc Hoa Kỳ-Nhật Bản đều không được làm tổn hại đến lợi ích của một quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc sự ổn định, hòa bình hiện tại của khu vực.
Thực ra các nhà phân tích đã biết trước rằng Bắc Kinh sẽ nổi giận và phản đối mạnh sáng kiến an ninh mới của Washington và Tokyo. Trong một báo cáo phân tích mới công bố hôm thứ Tư 11/1/2023, hãng tình báo tư nhân RANE nhận định: “Bất kỳ sự gia tăng sức mạnh quân sự nào của Nhật Bản cũng sẽ gây lo ngại cho các nước láng giềng vì nó thay đổi căn bản hiện trạng an ninh trong khu vực, trong đó Trung Quốc và Triều Tiên là những bên khó chịu nhất”.
Tuy nhiên, RANE cho rằng Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu trả đũa về mặt kinh tế, bằng cách đóng cửa thị trường lớn của Trung Quốc với các sản phẩm của Nhật Bản.
Báo cáo của RANE lưu ý rằng Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới đã chính thức từ bỏ quyền tuyên chiến. “Bằng việc tăng ngân sách quốc phòng và năng lực quân sự, Nhật Bản không nhất thiết phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh sắp xảy ra, mà là bảo đảm họ có thể chủ động hơn trong việc thực thi chủ quyền lãnh thổ trên biển của nước mình trước các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, giống như mọi quốc gia có chủ quyền bình thường khác mà không cần đợi Hoa Kỳ bật đèn xanh cho hành động của họ,” báo cáo viết.
“Cho đến gần đây, Trung Quốc và Triều Tiên không phải là mối đe dọa chủ quyền của Nhật Bản vì Trung Quốc chưa đủ phát triển và Triều Tiên chỉ lo ngại xung đột với Hàn Quốc. Giới lãnh đạo hiện tại của Nhật Bản có thể sử dụng các mối đe dọa mới và ngày càng tăng từ Triều Tiên và khả năng Nhật bị kéo vào một cuộc xung đột ở Đài Loan để biện minh cho việc tăng chi tiêu quốc phòng, dù những mối đe dọa đó không tồn tại trước đây,” báo cáo của RANE nhận định.
Nói cách khác, chính việc gia tăng sức mạnh quân sự và chính sách hiếu chiến của Trung Quốc và Triều Tiên là đòn bẩy thúc đẩy sự mở rộng hợp tác an ninh Hoa Kỳ với Nhật Bản chứ không phải là ngược lại như cảnh báo của Trung Quốc.
Hoa Kỳ - Bộ Tư pháp bổ nhiệm biện lý đặc biệt điều tra tài liệu Biden
Bình Phương /SGN
12/01/2023
Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland (bên phải) họp báo chiều 12-1-2023 thông báo bổ nhiệm một biện lý đặc biệt để điều tra vụ phát hiện tài liệu mật liên quan tới Tổng thống Joe Biden. Bên cạnh ông là Biện lý liên bang khu vực Illinois John Lausch – người đang điều tra sơ bộ vụ việc này. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Merrick Garland hôm thứ Năm đã chỉ định một cố vấn đặc biệt để điều tra vụ các tài liệu mật được tìm thấy gần đây tại nhà của Tổng thống Joe Biden ở Wilmington, Delaware và tại một văn phòng không được bảo mật ở thủ đô Washington. Như vậy cả cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden mỗi người đều có một biện lý đặc biệt điều tra hành vi mang tài liệu mật của chính phủ về nơi ở.
Luật sư Robert Hur, một biện lý liên bang Hoa Kỳ từng được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, sẽ dẫn đầu cuộc điều tra và sẽ sớm bắt đầu công việc. Việc bổ nhiệm ông Hur làm cố vấn đặc biệt (Special Counsel) là hành động bất thường thứ hai trong vài tháng, sau khi Bộ trưởng Garland bổ nhiệm ông Jack Smith làm công tố viên đặc biệt dẫn đầu cuộc điều tra vụ tài liệu mật phát hiện ở dinh thự riêng của cựu Tổng thống Trump.
Hành động bổ nhiệm bất thường này cho thấy Bộ Tư pháp đang nỗ lực thực hiện các cuộc điều tra cấp cao một cách độc lập trong một môi trường chính trị chia rẽ. Cả hai cuộc điều tra đều liên quan đến việc xử lý thông tin mật, mặc dù có sự khác biệt quan trọng giữa trường hợp ông Trump và ông Biden.
Quyết định của Garland kết thúc một tuần đầy biến động. Chính quyền của ông Biden phải đối mặt với thách thức mới vào thứ Hai 9 tháng Giêng 2023, khi họ thừa nhận các tài liệu nhạy cảm đã được tìm thấy tại văn phòng cũ của ông Biden ở Washington. Tình hình trở nên căng thẳng hơn vào sáng thứ Năm 12 tháng Giêng, khi luật sư của ông Biden thừa nhận một lô tài liệu mật khác đã được tìm thấy tại một căn phòng trong ngôi nhà của ông ở Wilmington, Delaware – sau đó được biết là thư viện cá nhân của ông – cùng với các tài liệu khác được tìm thấy trong nhà để xe.
Trong cuộc họp báo vào chiều thứ Năm, Bộ trưởng Garland tiết lộ rằng các luật sư của ông Biden đã thông báo cho Bộ Tư pháp về vụ phát hiện mới nhất tại nhà của tổng thống vào sáng thứ Năm, sau khi các đặc vụ FBI đã tìm thấy tài liệu trong nhà để xe vào tháng Mười Hai năm ngoái.
Nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden tái khẳng định rằng ông “hợp tác đầy đủ và hoàn toàn” với cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về cách lưu trữ thông tin mật và hồ sơ của chính phủ.
Richard Sauber, luật sư của tổng thống cho biết: “Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong suốt quá trình xem xét và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với công tố viên đặc biệt. Chúng tôi tin tưởng rằng việc xem xét kỹ lưỡng sẽ cho thấy những tài liệu này đã vô tình bị thất lạc và tổng thống cùng các luật sư của ông đã hành động ngay khi phát hiện ra sai sót.”
Bộ trưởng Garland cho biết thêm rằng biện lý đặc biệt được ủy quyền điều tra xem có bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào vi phạm pháp luật hay không. “Việc bổ nhiệm này nhấn mạnh cho công chúng cam kết của bộ bảo đảm tính độc lập và trách nhiệm giải trình trong các vấn đề đặc biệt nhạy cảm, cũng như việc đưa ra các quyết định chỉ dựa trên sự thật và luật pháp một cách không thể chối cãi”. Hàm ý của ông Garland có thể là để tránh bị cáo buộc để chính trị và đảng phái can thiệp vào các cuộc điều tra.
Biện lý đặc biệt Robert Hur cũng ra tuyên bố cho biết: “Tôi sẽ thực hiện cuộc điều tra được giao với phán quyết công bằng, khách quan và không thiên vị. Tôi sẽ làm theo sự thật một cách nhanh chóng và kỹ lưỡng, không sợ hãi hay thiên vị và tôn trọng sự tin tưởng đặt vào tôi để thực hiện công việc này.”
Mặc dù vụ tài liệu mật của ông Biden và của ông Trump có các tình huống khác nhau về mặt thực tế và pháp lý, nhưng việc phát hiện ra các chúng tại hai địa điểm riêng biệt có liên quan đến Biden – cũng như việc bổ nhiệm một biện lý đặc biệt mới – chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm bất kỳ vụ truy tố nào mà Bộ Tư pháp có thể đưa ra chống lại ông Trump.
Sau khi có tin phát hiện lô tài liệu thứ hai ở nhà ông Biden, Chủ tịch mới của Hạ viện Hoa Kỳ, Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng hòa – California), nói: “Tôi nghĩ Quốc hội phải điều tra việc này… Bây giờ chúng ta phát hiện ra rằng một phó tổng thống đã giữ các tài liệu đó trong nhiều năm ở các địa điểm khác nhau”. Tuy nhiên, trái với một số đảng viên Cộng hòa khác, ông McCarthy nói, “Chúng tôi không nghĩ rằng cần phải có một biện lý đặc biệt.”
Dân biểu Mike Turner (Cộng hòa – Ohio) người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng đã yêu cầu các cơ quan tình báo thực hiện “đánh giá thiệt hại” đối với các tài liệu có khả năng được phân loại “mật” vừa được tìm thấy. Ông Turner hôm thứ Năm cũng yêu cầu Bộ trưởng Garland và Giám đốc Tình báo quốc gia Avril Haines, báo cáo tóm tắt về các đánh giá của họ cho ủy ban trước ngày 26 tháng Giêng 2023. “Sự hiện diện của tài liệu mật tại vài địa điểm khác nhau này có thể cho thấy Tổng thống liên quan đến việc xử lý sai, có khả năng lạm dụng và làm lộ thông tin bí mật,” Turner viết cho các quan chức.
Hoa Kỳ: Tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm xuống 6.5%; chi phí thực phẩm và nhà ở làm tăng thêm áp lực giá
Tác giả Andrew Moran
13/01/2023
Một người mua hàng đi ngang qua tấm biển ghi giá mỗi pound khoai tây đỏ tại một siêu thị ở Montebello, California, hôm 23/08/2022. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)
Theo Cục Thống kê Lao động, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã giảm xuống 6.5% trong tháng 12/2022, từ mức 7.1% trong tháng 11/2022. Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0.1% so với tháng trước đó.
Tỷ lệ lạm phát căn bản, loại trừ các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm biến động, đã giảm xuống 5.7% trong tháng trước, từ mức 6% trong tháng trước đó.
Giá thực phẩm vẫn tăng khi chỉ số này cao hơn 10.4% so với cùng thời kỳ năm trước đó. Giá tại siêu thị tương đối ổn định so với tháng 11/2022, với mức tăng 11.8% trong tháng 12/2022 so với cùng thời kỳ năm trước đó.
Giá xăng tiếp tục xu hướng giảm, giảm 9.4% từ tháng 11 đến tháng 12/2022. Trên cơ sở hàng năm, giá xăng giảm 1.5 %. Chi phí dầu nhiên liệu tăng 41.5% so với năm trước đó, nhưng lại giảm 16.6% so với tháng trước đó.
Các phương tiện mới tiếp tục giảm xuống 5.9% và giảm 0.1% so với tháng trước đó. Giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng giảm 8.8% so với năm trước đó và giảm 2.5% so với tháng trước đó.
Giá quần áo tăng 2.9%, chi phí nhà ở tăng 7.5%, và giá dịch vụ vận tải tăng 14.6%. Hàng hóa và dịch vụ chăm sóc y tế tăng giá lần lượt là 3.2 và 4.1% so với năm trước đó.
Trong chỉ số thực phẩm, trứng ghi nhận mức tăng đáng kể khi giá tăng 60% so với năm trước. Từ tháng 11 đến tháng 12/2022, giá trứng tăng 11.1%. Các mặt hàng thực phẩm khác chứng kiến mức tăng đáng kể so với một năm trước đó: bơ thực vật (43.8%), bơ (31.4%), rau diếp (24.9%), bột mì (23.4%), cà phê (14.3%), và sữa (12.5%).
Tin không vui cho các bậc cha mẹ là thực phẩm tại các trường tiểu học và trung học đã tăng 305% so với một năm trước đó.
Giá thuê nhà tăng 7.6% so với năm 2021 và tiền thuê nhà ở chính tăng 8.3%, làm tăng thêm chi phí nhà ở. Các tiện ích cũng tăng cao hơn, với giá điện tăng 14.3% và dịch vụ đường ống khí đốt tiện ích tăng hơn 19%.
Các chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ kết thúc ngày 12/01 với mức tăng khiêm tốn sau dữ liệu lạm phát mới nhất. Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones và S&P 500 mỗi chỉ số tăng khoảng 0.4% và chỉ số Nasdaq Composite tăng khoảng 0.3%.
Giá hàng hóa kim loại tăng vọt sau báo cáo này, với giá vàng lên tới 1,900 USD/ounce và bạc tăng gần 3% lên trên 24 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm chuẩn giảm 5 điểm cơ bản xuống khoảng 3.50%.
Bước tiếp theo của kế hoạch chống lạm phát?
Chuẩn bị công bố chỉ số CPI tháng 01/2023, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland dự kiến tỷ lệ lạm phát hàng năm sẽ ở mức 6.5% và chỉ số hàng tháng sẽ tăng 0.5%.
Ông Greg McBride, nhà phân tích tài chính chính tại Bankrate, nói rằng dữ liệu lạm phát “sẽ thu hút rất nhiều sự chú ý và hữu ích trong việc hình thành kỳ vọng hơn nữa cho cuộc họp đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang vào năm 2023.”
Ông cho biết trong một lưu ý: “Việc tiếp tục điều chỉnh áp lực giá đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ sẽ nhấn mạnh quan điểm rằng lạm phát đã đạt đỉnh điểm và duy trì hy vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới.”
Theo Công cụ FedWatch CME, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày tiếp theo vào hôm 31/01 và 01/02, với nhiều nhà đầu tư dự đoán lãi suất chỉ tăng 25 điểm cơ bản.
Các nhà quan sát thị trường cho biết việc điều chỉnh dữ liệu lao động và lạm phát chậm lại có thể thúc đẩy Fed nhấn nút tạm dừng đối với chu kỳ thắt chặt vào mùa xuân, khiến lãi suất quỹ liên bang ở mức khoảng 5%.
Ông Giuseppe Sette, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch của Toggle AI cho biết: “Việc công bố dữ liệu lạm phát này không đủ để cản trở một Fed cương quyết trong chính sách thắt chặt tiền tệ. Lạm phát đang giảm (như các chỉ số hàng đầu của nó đã gợi ý) nhưng Fed có thể cân nhắc rằng mức độ lạm phát vẫn còn quá cao và nguy cơ lạm phát dai dẳng quá cao, để ngăn chặn chu kỳ tăng vọt đang diễn ra. Cho đến khi thị trường lao động vẫn mạnh mẽ như hiện tại — ngoài lĩnh vực công nghệ và tài chính — thì Fed có thể sẽ tiếp tục hành trình và tiếp tục tăng lãi suất.
Khảo sát về các Dự đoán Kinh tế của ngân hàng trung ương đã đưa ra tỷ lệ trung bình là 5.1% vào năm 2023. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên trong cuộc họp báo sau cuộc họp FOMC hồi tháng trước rằng tổ chức này đang tiến gần đến một mức giới hạn, đó là chính sách tiền tệ làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Nhiều quan chức của Fed đã trình bày trường hợp rằng ngân hàng trung ương cần nâng lãi suất cao hơn, tạm dừng, rồi sau đó duy trì mức này để xem các hành động của họ ảnh hưởng đến lạm phát và nền kinh tế rộng lớn hơn như thế nào.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis, ông Neel Kashkari, gần đây đã viết trong một bài luận đăng trên trang web của ngân hàng trung ương khu vực rằng ông thấy FFR đạt đỉnh mốc 5.4%.
Ông nói, “Mặc dù tôi tin rằng còn quá sớm để tuyên bố chắc chắn rằng lạm phát đã lên đến đỉnh điểm, nhưng chúng tôi đang thấy ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy điều đó có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, sẽ là phù hợp nếu tiếp tục tăng lãi suất ít nhất là trong vài cuộc họp tiếp theo cho đến khi chúng tôi tin rằng lạm phát đã đạt đến đỉnh điểm.”
“Một khi chúng ta đạt đến điểm đó, thì bước thứ hai trong quy trình chống lạm phát của chúng ta, theo quan điểm của tôi, sẽ là tạm dừng để những biện pháp thắt chặt mà chúng ta đã thực hiện tác động đến nền kinh tế.”
Các đồng nghiệp của ông dự đoán một con số thấp hơn một chút.
Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hôm 09/01, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco Mary Daly cho rằng tỷ lệ chuẩn cần tăng lên phạm vi 5 và 5.25% để ứng phó thành công với lạm phát.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, Raphael Bostic cũng nói với Atlanta Rotary Club hôm 09/01 rằng lãi suất sẽ tăng lên mức 5 đến 5.25% và duy trì mức này trong “một thời gian dài”.
Ông nói: “Tôi không phải là người thích thay đổi. Tôi nghĩ chúng ta nên tạm dừng và giữ nguyên ở đó, và để chính sách hoạt động.”
Ông Andrew Moran đã đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính trong hơn một thập niên. Ông là tác giả của cuốn sách “The War on Cash: How Governments and Banks are Killing Cash and What You Can do to Protect Yourself” (“Cuộc Chiến Với Tiền Mặt: Các Chính Phủ và Ngân Hàng đang Giết Chết Tiền Mặt Như Thế Nào và Quý Vị Có Thể Làm Gì để Tự Bảo Vệ Mình”).
Nhật Thăng biên dịch
Ukraina cảnh báo Nga đang chuẩn bị tấn công hoả tiễn quy mô lớn
Huệ Liên
Bà Gumenyuk.
Quân đội Ukraina cảnh báo Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hoả tiễn quy mô lớn vào Ukraina, bằng chứng là các hoạt động của máy bay không người lái gần đây của kẻ thù.
Thông tin trên được bà Natalya Gumenyuk, người đứng đầu trung tâm báo chí của lực lượng phòng vệ miền Nam Ukraina chia sẻ với tờ ‘Suspilny’ vào ngày 11 tháng 1.
Bà Gumenyuk nói Nga đang sử dụng máy bay không người lái trinh sát các mục tiêu để chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn trong tương lai. Theo bà, trước khi khai hoả, kẻ thù sẽ thu thập thông tin về các mục tiêu mà họ muốn tấn công. Nhiều khả năng, đây sẽ là những cơ sở hạ tầng quan trọng.
Bà Gumenyuk cũng cho rằng quân Nga cần khoảng 10-14 ngày để chuẩn bị, vì vậy Ukraina hiện đang đứng trước một cuộc tấn công hoả tiễn quy mô lớn.
Trước đó vào ngày 4 tháng 1, đại diện của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraina Vadym Skibitsky cũng cảnh báo Nga đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công hoả tiễn quy mô lớn, và điều đó có thể xảy ra trong tuần này.
Đại sứ Ukraina: Vladimir Putin có thể phải đích thân chỉ huy quân đội
Liên Thành
Đại sứ Ukraina tại Vương quốc Anh – ông Vadym Prystaiko đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Sky News.
Nếu việc bổ nhiệm Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga làm chỉ huy mới của lực lượng Nga ở Ukraina không thành công nữa, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể phải đích thân chỉ huy đội quân xâm lược của mình.
Phát biểu này được Đại sứ Ukraina tại Vương quốc Anh – ông Vadym Prystaiko đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Sky News.
Ông Prystaiko cũng bình luận về tình hình ở Soledar, tỉnh Donetsk. Ông lưu ý, Soledar là một thành phố quan trọng, nhưng nó không lớn, người Ukraina tiếp tục chiến đấu.
Theo lời ông, ‘rất ít những gì còn lại từ Soledar’, nhưng lực lượng Nga cần phải đạt được một chiến thắng nào đó cho Putin, ‘nhưng chúng ta sẽ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào’. Nga nói lực lượng của họ đã kiểm soát được Soledar.
Tư lệnh quân đội Ấn Độ: Tình hình biên giới với Trung Quốc ‘không thể đoán trước’
Tư lệnh quân đội Ấn Độ hôm thứ Năm (12/1) cho biết tình hình biên giới với Trung Quốc ổn định nhưng “không thể đoán trước”, sau gần hai năm rưỡi đối đầu giữa hàng chục nghìn binh sĩ của hai nước ở khu vực phía đông Ladakh.
Tướng Manoj Pande nói với các phóng viên rằng các nước đang tiếp tục đối thoại cả ở cấp độ ngoại giao và quân sự, và quân đội Ấn Độ duy trì sự sẵn sàng cao độ.
“Chúng tôi có đủ lực lượng. Chúng tôi có đủ dự trữ … để có thể đối phó hiệu quả với mọi tình huống hoặc tình huống bất ngờ”, ông Pande nói. “Tôi muốn nói rằng tình hình ổn định và trong tầm kiểm soát, nhưng không thể đoán trước,” ông nói thêm.
Ông Pande cho hay xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến việc cung cấp các khí tài thay thế cho quân đội Ấn Độ, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ông cũng nói về sự phụ thuộc của Ấn Độ vào thiết bị từ các quốc gia này.
“Việc duy trì các hệ thống vũ khí này – thiết bị thay thế, đạn dược – là một vấn đề mà chúng tôi đã đang lưu tâm,” ông nói.
Các chuyên gia cho biết có tới 60% thiết bị quốc phòng của Ấn Độ đến từ Nga.
Tờ Times of India hôm thứ Năm đưa tin rằng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển trở lại một trong những tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của nước này sau đợt tái trang bị lớn ở Nga, quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt về cuộc chiến Ukraine.
Ấn Độ cho biết Trung Quốc chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của họ ở Cao nguyên Aksai Chin, mà Ấn Độ coi là một phần của Ladakh, nơi đang diễn ra cuộc đối đầu hiện nay.
Ấn Độ nói rằng bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng biên giới của Bắc Kinh là không thể chấp nhận được.
Nhật Minh (theo AFP)
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào