Võ Thái Hà tổng hợp
Australia mua tên lửa HIMARS của Mỹ để tăng cường hệ thống phòng thủ
05/01/2023
Một hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS ) trong một cuộc tập trận ở Riga, Latvia, 26/9/2022.
Australia tuyên bố hôm thứ Năm 5/1 rằng họ sẽ tăng cường khả năng phòng thủ với việc chi hơn 700 triệu đô la Mỹ cho các hệ thống tên lửa và rocket tiên tiến mới, bao gồm loại HIMARS do Mỹ sản xuất đã được quân đội Ukraine sử dụng thành công.
Tại Ukraine, HIMARS di động, gắn trên xe tải đã chứng minh tầm quan trọng có tính quyết định trong việc giúp các lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu chủ chốt, bao gồm cả cuộc tấn công gần đây vào một tòa nhà khiến ít nhất 89 binh sĩ Nga mất mạng.
Chính phủ Australia cho biết loại HIMARS mà họ mua bao gồm bệ phóng, tên lửa, và rocket dùng để huấn luyện, và sẽ chính thức được trang bị vào năm 2026. Họ cho biết hệ thống này có tầm bắn hiện tại là 300 km, dự kiến sẽ còn tăng lên cùng với những tiến bộ công nghệ.
Chính phủ Australia cho hay họ cũng đã ký hợp đồng với hãng Kongsberg có trụ sở ở Na Uy để mua loại tên lửa tấn công của hải quân để lắp cho các tàu khu trục và tàu hộ tống của hải quân; từ năm tới, những tên lửa này sẽ thay thế các tên lửa chống hạm Harpoon đã cũ.
Với lý do bảo mật cho các vấn đề an ninh và điều hành, chính phủ Australia, do Thủ tướng Anthony Albanese đứng đầu, không đưa ra chi phí cụ thể của hai hệ thống và cũng không cho biết họ mua bao nhiêu hệ thống.
Nhưng năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã duyệt một thương vụ tiềm tàng về bán đồ quân sự cho nước ngoài, và cho hay rằng Australia đề nghị mua 20 hệ thống HIMARS do Lockheed Martin sản xuất và các thiết bị liên quan với chi phí ước tính là 385 triệu đô la.
“Thương vụ dự kiến này sẽ hỗ trợ các mục tiêu về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ viết trong hồ sơ về thương vụ vào thời điểm đó. “Australia là một trong những đồng minh quan trọng nhất của chúng ta ở Tây Thái Bình Dương. Vị trí chiến lược của cường quốc chính trị và kinh tế này góp phần đáng kể vào việc đảm bảo hòa bình và ổn định kinh tế trong khu vực", vẫn theo hồ sơ.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nói rằng việc quân đội được trang bị vũ khí cao cấp, hiện đại là điều quan trọng khi họ tìm cách ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.
“Chính phủ của ông Albanese đang thực hiện một cách tiếp cận chủ động để giữ an toàn cho Australia - và các bệ phóng HIMARS và Tên lửa Tấn công của Hải quân sẽ mang lại cho Lực lượng Phòng vệ của chúng tôi khả năng ngăn chặn xung đột và bảo vệ lợi ích của chúng tôi”, ông Marles nói trong một tuyên bố.
Australia và Mỹ trong những năm gần đây ngày càng lo ngại về sự hung hăng mỗi lúc một lớn thêm của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Những lo ngại đó càng tăng cao sau khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh vào năm ngoái với Quần đảo Solomon, khiến Mỹ đẩy mạnh kế hoạch mở lại đại sứ quán ở thủ đô Honiara của quần đảo.
(AP)
Mỹ và Đức sẽ cung cấp xe bọc thép hạng nhẹ cho Ukraina
Minh Anh / RFI
06/01/2023
Ảnh minh họa : Xe tăng Bradley trong một cuộc tập trận với Lực lượng Dân chủ Syria ở vùng Deir Ezzor, Syria, ngày 08/12/2021. AP - Baderkhan Ahmad
Sau Paris, đến lượt Washington và Berlin hôm qua, 05/01/2023, trong thông cáo chung thể hiện « quyết tâm » hậu thuẫn Ukraina, cùng loan báo sẽ lần lượt chuyển giao các loại xe bọc thép cho Ukraina, gồm xe Bradley của Mỹ và Marder của Đức.
Ngoài ra, theo AFP, dưới áp lực của quốc tế tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina, thủ tướng Đức còn cho biết sẽ cung cấp một hệ thống phòng không Patriot như những gì đồng minh Mỹ tuyên bố.
Quyết định này của Mỹ và Đức được đưa ra sau thông báo của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Tư, 04/01, sẽ giao cho Ukraina loại xe tăng hạng nhẹ AMX-10RC. Quyết định của Paris đã gây thêm áp lực với thủ tướng Đức, thường xuyên bị chỉ trích là tìm cách trì hoãn trong vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraina.
Theo tuần báo Đức Der Spiegel, số xe bọc thép Marder được chuyển giao là khoảng từ 20-40 chiếc. Được đưa vào sử dụng từ năm 1970, Marder là loại xe bọc thép hạng nhẹ dành để vận chuyển quân. Vũ khí chính được trang bị là pháo 20 ly.
Còn xe Bradley của Mỹ, có phần cùng dòng với Marder, được sử dụng từ những năm 1980. Với dòng M2 cải tiến, xe bọc thép Bradley được trang bị pháo 25 ly cùng với một bệ phóng tên lửa chống tăng, và có thể chở được nhiều binh sĩ hơn - đến 6 người.
AFP nhắc lại, từ đầu cuộc chiến đến nay, Ukraina đã nhận được nhiều xe tăng từ các nước đồng minh tại châu Âu, chủ yếu là các loại xe tăng thiết kế từ thời Liên Xô. Đây sẽ là lần đầu tiên, các loại xe bọc thép của phương Tây được giao cho Kiev.
Tuy nhiên, đây chưa phải là loại phương tiện mà Kiev mong muốn. Ukraina đã nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp các loại xe tăng tấn công hiện đại, được trang bị vũ khí mạnh hơn, như kiểu xe tăng Leopard 2 của Đức.
Cựu lãnh đạo NATO: Phải cho Trung Quốc thấy hậu quả nếu đánh Đài Loan
Bình Phương
05/01/2023
Ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO (trái), tiếp kiến Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tại Đài Bắc hôm 5 tháng Giêng 2023. Ảnh chụp màn hình Taiwan Plus News.
Cựu Tổng thư ký Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen đang viếng thăm Đài Loan nói rằng các quốc gia dân chủ nên làm rõ “hậu quả kinh tế nghiêm trọng” mà Trung Quốc phải đối mặt nếu nước này có hành động chống lại Đài Loan tự trị.
Trung Quốc luôn tuyên bố Đài Loan là của họ bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền và người dân đảo quốc dân chủ, đã gia tăng áp lực lên Đài Loan suốt nhiều năm qua, bao gồm việc Không quân Trung Quốc hàng ngày thực tập tác chiến gần hòn đảo này.
Theo bản tin của Reuters, trong cuộc trò chuyện với báo chí tại Đài Bắc ngày 5 tháng Giêng 2023, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã so sánh giữa cuộc xâm lược Ukraine của Nga và cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào Đài Loan và khẳng định các nước dân chủ phải hành động đoàn kết để bảo đảm chiến thắng cho Ukraine nhằm ngăn chặn một cuộc xâm lược tương tự của Trung Quốc vào Đài Loan.
“Bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Đài Loan bằng vũ lực cũng phải dẫn tới phản ứng thống nhất tương tự và chúng ta phải làm rõ điều này với Trung Quốc ngay bây giờ”, ông Rasmussen nói. Ông cho rằng “Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu hơn là Nga. Việc nêu ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng của bất kỳ cuộc tấn công nào vào lúc này sẽ là một biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ” và thêm rằng ông tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo dõi sát tình hình và triển vọng cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Ông Rasmussen là cựu thủ tướng Đan Mạch, là một trong những nhà ngoại giao cao cấp nhất thế giới cho đến khi ông rời ban lãnh đạo NATO vào năm 2014. Ông đã đôi lần kêu gọi các nước châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt “toàn diện” đối với Trung Quốc nếu nước này có động thái vũ lực đối với Đài Loan.
Trung Quốc nói họ có quyền sử dụng vũ lực để “thống nhất” Đài Loan nếu cần thiết. Trong khi đó, Đài Loan nói chỉ người dân Đài Loan mới có thẩm quyền quyết định tương lai của chính họ và các yêu sách của Bắc Kinh là vô hiệu vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị hòn đảo này.
Ông Rasmussen khuyên các nước châu Âu nên tham gia các cuộc tập trận với lực lượng quân sự của Đài Loan, hiện đang sử dụng vũ khí chủ yếu do Mỹ và trong nước sản xuất.
“Tất cả những ai tin vào một Đài Loan dân chủ và tin vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phải làm việc để bảo đảm Ukraine chiến thắng. Người dân Ukraine và người dân Đài Loan có quyền tự quyết định tương lai của họ, vì vậy thế giới tự do phải ủng hộ họ.”
Ukraine bác lời kêu gọi đình chiến Giáng sinh của ông Putin
06/01/2023
Một phụ nữ nấu ăn cho binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến, đông bắc Kyiv, ngày 3/3/2022.
Ukraine bác đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin về một lệnh ngừng bắn kéo dài 36 giờ trong dịp lễ Giáng sinh của Chính thống giáo, khẳng định sẽ không có thỏa thuận ngừng bắn cho đến khi Nga rút các lực lượng xâm lược khỏi vùng đất chiếm đóng.
Điện Kremlin cho biết ông Putin đã ra lệnh ngừng bắn từ giữa trưa ngày thứ Sáu 6/1 sau lời kêu gọi đình chiến vào dịp Giáng sinh từ Thượng phụ Kirill của Moscow, người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga.
“Xét đến lời kêu gọi của Đức Thượng phụ Kirill, tôi chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đưa ra chế độ ngừng bắn dọc theo toàn bộ đường tiếp giáp của đôi bên ở Ukraine từ 12:00 giờ ngày 6/1/2023 đến 24:00 giờ ngày 7/1/2023,” ông Putin nói trong chỉ thị.
“Xuất phát từ việc một số lớn công dân theo Chính thống giáo sống trong các khu vực chiến sự, chúng tôi kêu gọi phía Ukraine tuyên bố ngừng bắn và cho phép họ tham gia các buổi lễ vào Đêm vọng Giáng sinh, cũng như trong Ngày Giáng sinh”, ông Putin nói.
Nhưng cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak nói Nga “phải rời khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng - chỉ khi đó họ mới có ‘thỏa thuận ngừng bắn tạm thời’. Đừng đạo đức giả với người khác nhé.”
Ông nói khác với Nga, Ukraine không tấn công lãnh thổ nước ngoài hay giết dân thường, mà chỉ tiêu diệt “các thành viên của quân đội chiếm đóng trên lãnh thổ của mình.”
Ông Podolyak, trước đó nói thỏa thuận ngừng bắn của Kirill là “một cái bẫy ích kỷ và là một yếu tố tuyên truyền.” Ông mô tả Giáo hội Chính thống giáo Nga, vốn ủng hộ cuộc xâm lược, là “nhà tuyên truyền chiến tranh” đã kích động “giết hàng loạt” dân Ukraine và quân sự hóa Nga.
Ukraine trước đây từng nói bất kỳ lời kêu gọi ngừng bắn nào của Nga là một nỗ lực của Moscow nhằm đảm bảo một số thời gian nghỉ ngơi cho quân đội của họ.
Giáo hội Chính thống giáo Nga cử hành Lễ Giáng sinh vào ngày 7/1. Giáo hội Chính thống giáo chính của Ukraine không chấp nhận thẩm quyền của Thượng phụ Moscow, và nhiều tín đồ Ukraine đã chuyển sang cử hành Lễ Giáng sinh vào ngày 25/12 như ở phương Tây.
Khước từ hòa giải
Trước đó trong ngày 5/1, Nga và Ukraine đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không có cuộc hòa đàm nào giữa họ trong thời gian sớm, điều này đã thực sự từ chối đề nghị hòa giải của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người đã nói chuyện riêng với cả ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Điện Kremlin cho biết ông Putin đã nói với ông Erdogan rằng Moscow sẵn sàng đàm phán - nhưng chỉ với điều kiện Ukraine “có tính đến thực tế lãnh thổ mới”, ám chỉ thừa nhận việc Moscow sáp nhập lãnh thổ Ukraine.
Ông Podolyak gọi yêu cầu đó là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
“Liên bang Nga (Putin) dưới danh nghĩa ‘đàm phán’ đề nghị Ukraine và thế giới công nhận ‘quyền chiếm giữ các lãnh thổ nước ngoài’ và ‘thao túng việc không có hậu quả pháp lý đối với các vụ giết người hàng loạt trên lãnh thổ nước ngoài’,” ông viết trên Twitter .
Mười tháng sau khi ông Putin ra lệnh xâm lược nước láng giềng và chiếm giữ nhiều dải đất của Ukraine, cả Nga và Ukraine đều bước sang năm mới với lập trường ngoại giao cứng rắn.
Sau những chiến thắng lớn trên chiến trường vào nửa cuối năm 2022, Kyiv ngày càng tự tin rằng họ có thể đẩy lùi quân xâm lược Nga khỏi nhiều vùng đất của mình hơn.
Về phần mình, ông Putin đã tỏ ra không sẵn sàng thảo luận về việc từ bỏ các cuộc chinh phục lãnh thổ mặc dù tổn thất trong quân đội của ông ngày càng tăng, sau khi ông ra lệnh động viên quân trừ bị đầu tiên kể từ Thế chiến Thứ hai.
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Erdogan đã nói với ông Putin hôm 5/1 rằng cần phải ngừng bắn để chấm dứt xung đột và nói với ông Zelenskyy rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải cho một nền hòa bình cuối cùng.
Trước đây, ông Erdogan đã đóng vai trò trung gian hòa giải, đáng chú ý là đã giúp môi giới cho một thỏa thuận do Liên hiệp quốc hậu thuẫn nhằm dỡ bỏ lệnh phong tỏa các cảng của Ukraine để vận chuyển ngũ cốc, và đã nhiều lần nói chuyện qua điện thoại với cả ông Putin và ông Zelenskiy vào cùng một ngày, gần đây nhất là vào tháng trước.
Tròn hai năm vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ
Thứ Sáu này tổng thống Joe Biden sẽ tổ chức một buổi lễ tại Nhà Trắng để đánh dấu hai năm vụ bạo loạn Đồi Capitol ở Washington, DC. Trước đó ủy ban hạ viện do đảng Dân chủ dẫn đầu đã công bố kết quả điều tra dài 800 trang về vụ việc, trong đó đề nghị truy tố ông Trump về bốn tội danh liên bang, bao gồm hỗ trợ nổi dậy. Mặc dù khó xảy ra, nhưng một bản án sẽ ngăn ông quay lại giữ chức vụ liên bang.
Đáp lại, một số đảng viên Cộng hòa đang đề xuất chuyển bằng chứng của ủy ban ra khỏi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, nơi nó có thể được lưu trữ trong nhiều thập niên tới, sang một ủy ban riêng biệt do đảng Cộng hòa kiểm soát. Làm vậy sẽ tạo cơ sở cho một bản báo cáo phản biện, quy trách nhiệm cho người khác.
Hàn gắn mâu thuẫn giữa hai bên là rất khó. Tại sự kiện vinh danh các sĩ quan của lực lượng chấp pháp trong ngày 6 tháng 1 vào tháng trước, một số người đã từ chối bắt tay với các lãnh đạo quốc hội của đảng Cộng hòa. Nhưng cho đến nay cả Mitch McConnell và Kevin McCarthy đều chưa loại trừ khả năng ủng hộ ông Trump nếu ông trở thành ứng viên tổng thống của đảng họ vào năm 2024.
Lạm phát giảm nhẹ ở châu Âu
Trong khi châu Âu trải qua một đợt nắng ấm trái mùa dễ chịu — nhiệt độ lên tới 25°C ở Bilbao — giá xăng giảm càng làm cuộc sống dễ dàng hơn. Hiện giá xăng thậm chí còn thấp hơn cả trước khi Nga xâm lược Ukraine. Các diễn biến này sẽ giúp ích nhiều cho nỗ lực kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Số liệu lạm phát tháng 12 của khu vực đồng Euro, được công bố vào thứ Sáu, sẽ cho chúng ta thấy tiến độ.
Số liệu tháng 12 được một số quốc gia công bố trong tuần này cho thấy xu hướng giảm. Lạm phát hàng năm giảm từ 7,1% xuống 6,7% ở Pháp, 11,3% xuống 9,6% ở Đức và 6,7% xuống 5,6% ở Tây Ban Nha. Nhưng nếu loại bỏ năng lượng và lương thực, thì lạm phát “lõi” ở khu vực đồng euro vẫn có thể tăng, như ở Tây Ban Nha. Những tác động lâu dài của lạm phát và thị trường lao động thắt chặt hậu đại dịch tiếp tục là đề bài nan giải cho ECB.
Hội nghị thường niên của các kinh tế gia Hoa Kỳ
Giới kinh tế học sẽ tề tựu về New Orleans vào cuối tuần này để tham dự sự kiện thường niên của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (AEA), hiệp hội uy tín nhất trong ngành. Kinh tế học đã có một vài năm mất uy tín khi các mô hình của họ không dự đoán được lạm phát gia tăng. Những người tham dự sẽ tập trung xem xét các yếu tố thúc đẩy giá cả tăng, đồng thời phân tích ưu nhược điểm của các chính sách kinh tế trong đại dịch.
Ngoài ra AEA còn chịu căng thẳng gia tăng trong nội bộ. Những tháng gần đây trong ngành này đang xuất hiện cáo buộc kiểu #MeToo về hành vi sai trái tình dục của các giáo sư nam. Đồng thời, các học giả bảo thủ than phiền rằng hiệp hội đang tập trung quá mức vào nghiên cứu các chủ đề tiến bộ xã hội. Trong khi đó, các tiến sĩ mới ra trường, những người trước đây đến dự sự kiện này để phỏng vấn xin việc, năm nay sẽ ứng tuyển trực tuyến. Và thật kỳ lạ, AEA vẫn bắt buộc người tham dự đeo khẩu trang, một yêu cầu có lẽ không hợp lý về mặt phân tích lợi ích – chi phí.
Anh vất vả đối phó các cuộc đình công triền miên
Nước Anh đang khá bế tắc khi khu vực công vẫn chìm trong các đợt đình công liên tiếp. Vào thứ Sáu, công nhân đường sắt của công đoàn RMT cùng công chức của các cơ quan xử lý giấy phép lái xe, thanh toán nông nghiệp, và quản lý đường cao tốc, đều nghỉ làm để phản đối. Cuối tháng này các công đoàn đại diện cho y tá, giáo viên và nhân viên xe buýt cũng lên kế hoạch đình công. Nguyên nhân trực tiếp của các cuộc đình công là vì lương không theo kịp lạm phát, nhưng chúng chỉ là giọt nước tràn ly của nhiều năm bất mãn và những hạn chế lương trong phần lớn khu vực công.
Đối phó với đình công bất tận là nhiệm vụ quan trọng của thủ tướng Rishi Sunak. Ông kỳ vọng rằng giải quyết lạm phát, mà ông tuyên bố sẽ giảm một nửa chỉ trong một năm (tương tự với dự báo của các nhà kinh tế), sẽ giảm bớt áp lực tiền lương. Nhưng trong khi chờ đợi, ông không thể để cho đất nước đứng yên. Một luật chống đình công để duy trì hoạt động tối thiểu trong các lĩnh vực quan trọng đang được xem xét.
Chính quyền Biden thông báo bắt đầu trục xuất nhanh chóng người di cư,
bao gồm cả người xin tị nạn, từ Cuba, Haiti và Nicaragua ở biên giới Mexico. Cho đến giờ những người này được miễn trục xuất, không như công dân từ các nước khác, vì Mexico từ chối tiếp nhận họ. Nhưng Mexico đã đồng ý nhận 30.000 người từ mỗi quốc gia một tháng. Khoảng 30,000 người cũng có thể vào Mỹ nếu được bảo lãnh bởi một công dân nước này.
Tàu chiến Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc tức giận
Tàu chiến Mỹ quá cảnh qua Eo biển Đài Loan hôm 28/8. (Ảnh Hạm đội 7 đăng trên Twitter)
Một tàu chiến Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan nhạy cảm hôm thứ Năm, một phần của điều mà quân đội Hoa Kỳ gọi là hoạt động thường lệ bình thường, nhưng đã khiến Trung Quốc nổi giận, theo Reuters báo cáo.
Trong những năm gần đây, các tàu chiến của Hoa Kỳ, và đôi khi là của các quốc gia đồng minh như Anh và Canada, đã đi qua eo biển này, khiến Trung Quốc nổi giận phản đối.
Trong một tuyên bố, quân đội Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường Chung-Hoon đã thực hiện quá cảnh.
“Việc Chung-Hoon quá cảnh qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” tuyên bố nói thêm.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu cho biết trong một tuyên bố rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái này và kêu gọi Hoa Kỳ “ngay lập tức ngừng kích động rắc rối, leo thang căng thẳng và phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.”
“Các tàu chiến Mỹ thường phô trương sức mạnh dưới danh nghĩa thực thi quyền tự do hàng hải. Đây không phải là giữ cho khu vực tự do và cởi mở,” tuyên bố viết.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục cảnh giác cao độ và sẵn sàng đáp trả mọi mối đe dọa và khiêu khích bất cứ lúc nào, đồng thời sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”
Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến trường phía Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết họ đã tổ chức quân đội để theo dõi và canh phòng quá trình di chuyển của con tàu, và “mọi hoạt động đều nằm trong tầm kiểm soát.”
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết con tàu đi theo hướng Bắc qua eo biển, rằng các lực lượng của họ đã theo dõi hành trình của nó và không nhận thấy điều gì khác thường.
Eo biển Đài Loan là nguồn căng thẳng quân sự thường xuyên kể từ 1949 khi Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bại trận chạy sang Đài Loan. Đài Loan trở thành quốc đảo, và hiện nay hoạt động như chính thể tự do dân chủ. ĐCSTQ chiến thắng trong cuộc nội chiến năm đó đã thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một quốc gia chỉ do một đảng cai trị, và tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ.
Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng vẫn luôn cung cấp hậu thuẫn về quân sự cho Đài Loan, với lý do là bị ràng buộc bởi luật pháp giúp đỡ cho Đài Loan để tự vệ.
Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan. Đài Loan thề sẽ tự bảo vệ mình nếu bị tấn công, nói rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh là vô hiệu vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từng chưa bao giờ cai trị hòn đảo này.
Thiên Đức
Ủy ban mới về Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ lên kế hoạch cứng rắn chống ĐCSTQ
Ban lãnh đạo của Ủy ban Lựa chọn Hạ viện về Trung Quốc mới do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã sẵn sàng theo đuổi một chương trình nghị sự cứng rắn nhằm chống lại ảnh hưởng xấu của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher, người dự kiến sẽ lãnh đạo Ủy ban, nói rằng ông rất háo hức bắt đầu quá trình này, nhưng việc trì hoãn xác định Chủ tịch Hạ viện sẽ tạo thêm áp lực cho những tuần đầu tiên của Ủy ban.
“Chúng tôi có một kế hoạch rất cứng rắn đã sẵn sàng triển khai, nhưng chúng tôi không thể triển khai nó cho đến khi Ủy ban được thành lập và chúng tôi có các thành viên trong ủy ban đó,” ông Gallagher nói trong một cuộc phỏng vấn ngắn hôm thứ Năm với NTD.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa lần đầu tiên tuyên bố rằng họ sẽ thành lập một Ủy ban Lựa chọn về Trung Quốc mới để chống lại các mối đe dọa từ chế độ cộng sản vào đầu tháng 12.
Vào thời điểm đó, Lãnh đạo phe thiểu số khi đó là Kevin McCarthy đã chọn ông Gallagher làm chủ tịch Ủy ban dựa trên kinh nghiệm của ông với tư cách là một Thủy quân lục chiến và sự cống hiến để củng cố quân đội quốc gia.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất trong thời đại của chúng ta,” ông McCarthy nói trong một tuyên bố vào thời điểm đó. “Chúng ta cần một cách tiếp cận toàn chính phủ dựa trên nỗ lực của Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc do Đảng Cộng hòa lãnh đạo và đảm bảo rằng nước Mỹ sẵn sàng giải quyết các thách thức kinh tế và an ninh do ĐCSTQ đặt ra.”
“Là một thành viên từng phục vụ với tư cách là sĩ quan Phản gián Thủy quân lục chiến và đã dành thời gian của mình tại Quốc hội để hiểu, giáo dục và bảo vệ nước Mỹ khỏi mối đe dọa mà ĐCSTQ gây ra, ông Mike Gallagher có trình độ đặc biệt và là người phù hợp để lãnh đạo và thúc đẩy chương trình nghị sự quan trọng vào thời điểm quan trọng này.”
Mối đe dọa từ ĐCSTQ
Ủy ban Lựa chọn Hạ viện về Trung Quốc sẽ nhằm mục đích kiềm chế ảnh hưởng ác ý của ĐCSTQ, tổ chức đang tham gia vào nỗ lực toàn xã hội nhằm thay thế Hoa Kỳ để trở thành lãnh đạo toàn cầu.
Các chuyên gia quốc phòng và an ninh nói rằng ĐCSTQ đã áp dụng học thuyết chiến lược “chiến tranh không giới hạn” nhằm đạt được các mục tiêu quân sự thông qua ngoại giao, kinh tế, công nghệ và các phương tiện khác.
Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2022 của Lầu Năm Góc cho thấy ĐCSTQ đang phát triển quân đội để tìm cách đánh bại Hoa Kỳ. Báo cáo đó cũng cho thấy rằng chế độ này đã tìm cách chiếm Đài Loan, loại bỏ Hoa Kỳ ra khỏi Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc đứng đầu thế giới.
Do đó, ông Gallagher tuyên bố rằng ủy ban mới, mặc dù do đảng Cộng hòa thành lập, sẽ xây dựng một mặt trận thống nhất và có sự tham gia của lưỡng đảng để chống lại sự xâm lược của ĐCSTQ và bảo vệ lợi ích của Mỹ khỏi âm mưu của ĐCSTQ.
“ĐCSTQ tiếp tục phạm tội diệt chủng, che đậy nguồn gốc của đại dịch virus corona, đánh cắp tài sản trí tuệ trị giá hàng trăm tỷ đô la của Mỹ và đe dọa Đài Loan,” ông Gallagher cho biết trong một tuyên bố vào tháng 12.
Ngân Hà (theo The Epoch Times)
Hàn Quốc tập trận rầm rộ sẵn sàng trừng phạt hành vi khiêu khích
Ngày 4/1, Hải quân Hàn Quốc đã thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên trong năm 2023 tại nhiều vùng biển ngoài khơi nước này.
Các cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển ngoài khơi phía đông, phía tây và phía nam Hàn Quốc trong ngày 4/1, với sự tham gia của tàu chiến chỉ huy và sĩ quan thuộc Hạm đội 1, 2, 3 của Hải quân Hàn Quốc.
Động thái này được thực hiện nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng tác chiến của Hải quân Hàn Quốc.
Để phục vụ nhiệm vụ tập trận cường độ cao, Hải quân Hàn Quốc đã huy động 13 tàu chiến, bao gồm tàu khu trục Eulji Mundeok lượng giãn nước 3.200 tấn, 4 máy bay. Các bài tập tập trung vào nâng cao năng lực bảo vệ các khu vực hoạt động hàng hải của mỗi hạm đội tham gia tập trận.
Tham mưu trưởng Hải quân Hàn Quốc – Đô đốc Lee Jong-ho cho biết trong khi đang giám sát cuộc tập trận từ máy bay tuần tra P-3C,“Chúng ta sẽ xây dựng năng lực sẵn sàng tác chiến để có thể trừng phạt nghiêm khắc bất cứ hành vi khiêu khích nào từ kẻ địch.
Trong buổi giám sát, ông Lee kêu gọi đẩy mạnh huấn luyện thực binh, nâng cao tinh thần chiến đấu, sức mạnh tinh thần của binh sĩ.
Trong khi đó, chỉ huy tàu khu trục Eulji Mundeok – ông Kim Kook-hwan cũng khẳng định quyết tâm của đơn vị trong việc đối phó với mối đe dọa từ kẻ thù.
Hàn Quốc thừa nhận UAV Triều Tiên vào vùng cấm Văn phòng Tổng thống
Theo hãng tin Yonhap, quân đội Hàn Quốc vừa thừa nhận UAV Triều Tiên đã bay vào vùng cấm quanh Văn phòng Tổng thống hôm 26/12/2022.
Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo khẩn triển khai tiêm kích, trực thăng vũ trang và cường kích hạng nhẹ để ứng phó 5 UAV Triều Tiên xâm nhập không phận, trong đó một chiếc bay tới vùng trời phía bắc thủ đô Seoul.
Một trực thăng vũ trang Hàn Quốc đã khai hỏa 100 phát đạn pháo về phía UAV, nhưng không chiếc nào bị rơi. Một cường kích hạng nhẹ Hàn Quốc còn gặp sự cố và rơi, trong khi toàn bộ UAV được cho là đã quay về vùng trời Triều Tiên sau 7 giờ hiện diện trên không phận Hàn Quốc.
Tổng thống Yoon chỉ trích quân đội không chuẩn bị cho những tình huống như vậy, cho rằng nguyên nhân một phần bắt nguồn từ việc chính quyền tiền nhiệm quá phụ thuộc vào thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018.
Các chuyên gia cho rằng lưới phòng không của Hàn Quốc hiện nay thiếu trang thiết bị và không được chuẩn bị đầy đủ để đối phó mối đe dọa từ UAV Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó đề xuất chi 441 triệu USD trong 5 năm tới để trang bị các khí tài chuyên đối phó UAV, trong đó có vũ khí laser gắn trên máy bay và hệ thống chế áp điện tử, đồng thời phê duyệt dự án trị giá 2,73 tỷ USD để nâng cấp phi đội F-15K trong giai đoạn 2024-2034, nhằm nâng cao khả năng tác chiến và sống sót của lực lượng này trước những mối đe dọa mới từ Triều Tiên.
Liên Thành
Hàn Quốc nói Triều Tiên đã thanh trừng cựu Bộ trưởng Ngoại giao
Cựu Ngoại trưởng Triều Tiên – Ông Ri Yong-ho (AP)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thanh trừng một cựu Ngoại trưởng, người đóng vai trò quan trọng trong các hội nghị thượng đỉnh của ông với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 và 2019, các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết hôm thứ Năm (5/1), trích dẫn các quan chức tình báo, Reuters đưa tin.
Ông Ri Yong-ho, cựu Ngoại trưởng Triều Tiên, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh thất bại vào đầu năm 2019 tại Việt Nam giữa Kim và Trump.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản hôm thứ Tư đưa tin rằng ông đã bị hành quyết vào năm ngoái, trích dẫn các nguồn tin giấu tên. Tờ này cũng cho biết một số nhà ngoại giao khác từng làm việc tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Anh cũng bị xử tử.
Yoo Sang-bum, một thành viên của ủy ban tình báo quốc hội, cho biết Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp rằng ông Ri đã bị thanh trừng nhưng không rõ liệu ông có bị xử tử hay không.
“Họ xác nhận việc thanh trừng Ri nhưng không xử tử ông ấy”, ông Yoo nói với các phóng viên sau cuộc họp báo của cơ quan tình báo.
Ông Yoo không giải thích lý do tại sao ông Ri bị thanh trừng và các nhà lập pháp không thể xác nhận báo cáo của tờ Yomiuri.
Ông Ri được nhắc đến lần cuối trên các phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên vào tháng 4 năm 2020, khi ông bị loại khỏi Ủy ban Các vấn đề Nhà nước, cơ quan ra quyết định hàng đầu do Kim làm chủ tịch. Ông đã bị sa thải khỏi chức vụ ngoại giao vài tháng trước đó.
Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ăn nói nhỏ nhẹ với nhiều năm kinh nghiệm đàm phán hạt nhân, ông Ri đã tháp tùng Chủ tich Kim tới cả Singapore và Hà Nội để dự các hội nghị thượng đỉnh với ông Trump lần lượt vào năm 2018 và 2019.
Trước đó, Triều Tiên đã bất ngờ sa thải ông Pak Jong Chon – vị quan chức quân sự quyền lực thứ hai sau nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Ông Pak – Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng Lao động cầm quyền và là Bí thư Ủy ban Trung ương đảng, đã bị thay thế bởi ông Ri Yong Gil tại cuộc họp thường niên của ủy ban vào tuần trước, hãng thông tấn chính thức KCNA hôm 1/1 cho biết.
Ông Yoo nói, cơ quan gián điệp cho rằng việc sa thải Pak Jong Chon là do sự thiếu sẵn sàng trong quá trình huấn luyện và thiếu khả năng lãnh đạo.
“Ông Kim đã thay thế hoàn toàn ban lãnh đạo quân đội, và điều đó cuối cùng nhằm thắt chặt sự kiểm soát của ông ấy đối với quân đội,” ông Yoo nói.
Lê Vy (theo Reuters)
Sri Lanka khởi động lại đàm phán thương mại với Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan
Một quan chức cho biết hôm thứ Năm (5/1), Sri Lanka sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại với Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan sau 4 năm gián đoạn, trong bối cảnh quốc gia bị khủng hoảng này đang chạy đua để đạt được các thỏa thuận nhằm giúp họ tái thiết nền kinh tế.
Hòn đảo 22 triệu dân đang rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong hơn 7 thập kỷ, gây ra bởi tình trạng thiếu ngoại hối nghiêm trọng khiến đất nước phải vật lộn để trả tiền nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.
Ông K.J. Weerasinghe, Trưởng đoàn đàm phán các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) của Sri Lanka thông báo, các quan chức từ Thái Lan dự kiến sẽ đến Sri Lanka vào ngày 9/1 để bắt đầu vòng đàm phán thứ ba sau khi các cuộc đàm phán bị đình chỉ vào năm 2018.
Các cuộc đàm phán với Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng Hai và tháng Ba. Đây là hai đối tác thương mại lớn nhất của Sri Lanka, chiếm khoảng 5 tỷ USD mỗi bên trong thương mại song phương vào năm 2021.
Ông Weerasinghe nhận xét với Reuters: “Trọng tâm [của thỏa thuận] là cải thiện hợp tác kinh tế và thu hút đầu tư, điều rất quan trọng để Sri Lanka vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế.”
“Mục tiêu chính của tôi là hoàn thành tất cả các thỏa thuận này vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024,” ông tiếp tục.
Trong khi đó, ông Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại Thái Lan cho hay, các cuộc đàm phán đã bị trì hoãn do cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka và đại dịch COVID-19. Ông nói: “Chúng tôi đang hướng tới việc tiếp tục thảo luận.”
Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Sri Lanka, thương mại song phương giữa Thái Lan và Sri Lanka đạt khoảng 460 triệu USD vào năm 2021.
Ngoài ra, ông Weerasinghe lưu ý, các cuộc thảo luận về FTA với Trung Quốc, bên cho vay song phương lớn nhất của hòn đảo, cũng bị đình trệ vào năm 2018 do những bất đồng về tốc độ tự do hóa nền kinh tế của Sri Lanka. Cả hai quốc gia đều có phản ứng tích cực với việc nối lại các cuộc đàm phán nhưng vẫn chưa ấn định ngày cụ thể.
Theo Ngân hàng trung ương, nền kinh tế Sri Lanka được dự đoán sụt giảm 8,7% vào năm 2022, nhưng dự kiến sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
Sri Lanka đã ký một thỏa thuận sơ bộ về gói cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng 9 năm ngoái. Dù vậy, họ vẫn phải xử lý nợ của mình trước khi việc giải ngân có thể bắt đầu.
Minh Ngọc (Theo Reuters)
Covid : Trung Quốc cập nhật tình hình dịch tễ với WHO
06/01/2022
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Phong Dương (Fengyang), tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), Trung Quốc, ngày 05/01/2023. © NOEL CELIS / AFP
Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO hôm 05/01/2023 cho biết đã nhận được báo cáo của Bắc Kinh cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới thông báo, sau nhiều tuần lễ im lặng, Trung Quốc gửi trở lại một số tài liệu cập nhật về tình hình dịch tễ. cho biết số ca dương tính với virus corona tăng gần 50% trong vòng một tuần lễ. Bắc Kinh cho biết trên toàn quốc có 22.416 bệnh nhân Covid, thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch hồi đầu tháng 12/2022, khi 29.000 bệnh nhân được điều trị trong các bệnh viện. Nhưng hãng tin Anh Reuters ghi nhận giới chuyên gia không còn mấy tin tưởng vào những con số chính thức của Bắc Kinh.
Trưa nay, Ủy Ban Y Tế Quốc Gia của Trung Quốc thông báo đã đề xuất một số « biện pháp kiểm soát và quy trình » để thích nghi với diễn biến của dịch trong thời gian gần đây. Cũng trong ngày 06/01, bên bộ Giao Thông kêu gọi người dân hạn chế đi lại vào dịp Tết Nguyên Đán, đặc biệt là đối với « người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ ».
Trung Quốc khó che đậy thực tế dịch Covid-19
Dù chỉ thông báo một vài ca tử vong mỗi ngày, nhưng hình ảnh tại các bệnh viện bị quá tải, các nhà thiêu hoạt động hết công suất mà vẫn không xuể khiến ngay cả công luận Trung Quốc cũng hoài nghi về những thông cáo chính thức của các giới chức y tế.
Thêm vào đó là tin một số nhân vật nổi tiếng ở Hoa lục tử vong, bị cho là vì Covid. Trong số này có Trữ Lan Lan (Chu Lanlan), ngôi sao hàng đầu của sân khấu nghệ thuật hát tuồng Bắc Kinh. Nữ diễn viên họ Chu qua đời ở tuổi 40. Một số tên tuổi khác trong làng nghệ thuật Trung Quốc và nhất là những người cao tuổi như nam diễn viên Cung Cầm Đường (Gong Jintang), nhà soạn kịch Bích Trân (Ni Zhen )… và không dưới 16 nhà khoa học lão thành của Trung Quốc đã qua đời trong vòng chưa đầy 3 tuần lễ vừa qua.
Đài Loan lại đề nghị hỗ trợ Hoa lục đối phó với đại dịch
Báo chí Đài Bắc hôm 05/01 cho biết, chính quyền Đài Loan một lần nữa đề nghị hỗ trợ Trung Quốc đối phó với làn sóng dịch Covid đang dâng cao. Hiện tại, Trung Quốc không hồi âm.
Trước đó, trong thông điệp đầu năm mới, tổng thống Thái Anh Văn đã đề nghị « hỗ trợ » Trung Quốc về mặt y tế, song bà nói thêm « các hoạt động quân sự gần hòn đảo này không đóng góp cho hòa bình và ổn định » trong khu vực. Bộ Y Tế Đài Loan đề nghị cung cấp thuốc và vac-xin cho Hoa lục, nhưng hãng thông tấn Đài Loan CNA « không chắc » Bắc Kinh sẽ chấp nhận cử chỉ hòa hoãn này.
Không có nhận xét nào