Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 12 tháng 01 năm 2023


    Ảnh minh họa: Một xe tăng Leopard 2 của Đức tham gia thao dượt tại Munster, gần Hanover, Đức, ngày 24/11/2022. AP - Philipp Schulze

    Viện trợ quân sự của các đồng minh cho cuộc kháng chiến Ukraina có thêm một bước tiến mới. Hôm qua, 11/01/2023, Vacxava tuyên bố sẵn sàng chuyển cho Kiev xe tăng Leopard 2.

    Theo hãng tin Pháp AFP, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố: ‘‘Một đại đội tăng Leopard (gồm 14 chiến xa) sẽ được chuyển giao, trong khuôn khổ một liên minh đang hình thành’’. Tuyên bố của nguyên thủ Ba Lan được đưa ra trong cuộc họp báo chung với hai đồng nhiệm Ukraina và Litva tại thành phố Lviv, miền tây Ukraina.

    Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đánh giá thông báo của đồng nhiệm Ba Lan là ‘‘rất tích cực’’, và nhấn mạnh Ukraina đang chờ ‘‘một quyết định chung’’ của các quốc gia liên quan đến chiến xa nói trên. Nguyên thủ Ukraina không nhắc trực tiếp đến Đức. Về nguyên tắc, việc chuyển giao cho Ukraina xe tăng Leopard 2, do Đức sản xuất, phải được chính quyền Berlin bật đèn xanh.

    Áp lực gia tăng với chính phủ Đức

    Hôm qua, trong cuộc hội kiến với đồng nhiệm Đức Annalena Baerbock ở thành phố Kharkiv (Ukraina), ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba lấy làm tiếc là Đức chậm trễ trong việc ra quyết định : ‘‘Quyết định càng chậm, thì càng có thêm nhiều nạn nhân, càng có thêm nhiều thường dân thiệt mạng’’. Trên báo Đức Tagesspiegel, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội Đức, Anton Hofreiter, nhấn mạnh là thủ tướng Đức cần đảm đương vai trò ‘‘phối hợp tổ chức cung cấp chiến xa’’ cho Ukraina ‘‘với lãnh đạo các nước phương Tây khác’’.

    Hãng tin Đức DPA cho hay, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, trong một cuộc họp báo tại Stockholm hôm qua,, dự kiến vấn đề cấp xe Leopard 2 cho Ukraina ‘‘sẽ được làm rõ trong những tuần tới’’. Tương tự như Ba Lan, quân đội Thụy Điển cũng được trang bị chiến xa Leopard 2 của Đức.

    Ukraina có thể thắng trong năm nay nếu được cấp tên lửa tầm xa

    Không chỉ chiến xa, quân đội Ukraina cần gấp tên lửa tầm xa. Trả lời AFP hôm qua, cố vấn của tổng thống Ukraina Mykhaïlo Podoliak khẳng định : ‘‘Chỉ có tên lửa tầm bắn xa hơn 100 cây số mới giúp chúng tôi tăng cường đáng kể tiến độ giải phóng các vùng đất bị chiếm đóng’’. Cố vấn của tổng thống Ukraina cũng cam kết các hỏa tiễn tầm xa nói trên sẽ không được sử dụng để tấn công vào các vùng lãnh thổ Nga.

    Chiến tranh Ukraina: Chiến sự tiếp diễn ác liệt tại thành phố Soledar

    Thùy Dương /RFI

    12/01/2023


    Một binh sĩ Ukraina chỉ về hướng chiến tuyến gần Soledar, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 11/01/2023. AP - LIBKOS

    Theo hãng tin AFP hôm nay, 12/01/2023, Mykhaïlo Podoliak, một cố vấn của phủ tổng thống Ukraina, nhận định Bakhmout và Soledar vẫn là hai nơi giao tranh « đẫm máu nhất » từ đầu chiến tranh Ukraina đến nay. Các cuộc giao tranh đang tiếp diễn ở Bakhmout, dù thành phố gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Còn tại Soledar và khu mỏ muối cũ, chiến sự cũng vẫn ác liệt.

    Từ Kramatorsk, đặc phái viên Aabla Jounaïdi và Boris Vichith gửi về bài phóng sự :

    Ở phía tây Soledar, có một ngọn đồi mà từ đó có thể nhìn thấy thành phố mỏ phía dưới. Khói bốc lên mù mịt từ nhiều nơi, cho thấy các cuộc giao tranh khốc liệt đang diễn ra với hỏa lực phần lớn là từ các khẩu pháo.

    Từ trên đỉnh đồi, Sasha, một binh sĩ thuộc đơn vị thiết giáp, mô tả tình hình với những ngôn từ hoa mỹ : « Chiếm được Soledar chẳng có ý nghĩa gì hết. Bởi vì nếu sau đó tiến ra bên ngoài để hướng tới các vùng lãnh thổ khác, quân của chúng tôi sẽ lộ ra ở không gian trống. Nếu quân Nga tấn công từ các khu mỏ để chiếm Bakhmout, quân chúng tôi sẽ trả giá đắt. »

    Liệu Soledar sẽ thất thủ hay không ? Đây thực sự không phải là câu hỏi khiến chỉ huy Serhii phải bận tâm nhất vào lúc này. Ở mặt trận phía Bakhmout, quân của ông trấn giữ tuyến phòng thủ trong lúc đang hao mòn sức lực.

    Chỉ huy Serhii nói : « Tình hình không ổn định, ngày càng khó khăn hơn. Lực lượng của địch mất đi một số quân thì họ sẽ nhanh chóng thay thế. Nếu chúng tôi tiêu diệt được 100 binh lính, thì ngay tối hôm đó sẽ có 100 lính khác được bổ sung. Chúng tôi phải chiến đấu chống các tù nhân Nga và các đơn vị tinh nhuệ. Trước đây, khi nhiệt độ dịu hơn, mặt đất khiến chúng tôi và họ đều không thể di chuyển. Bây giờ, khi đất đóng băng, các loại xe di chuyển dễ dàng, nhưng việc đào hào và xây nơi trú ẩn lại trở nên khó khăn hơn. »

    Viên sĩ quan này muốn có thêm nhiều pháo để đẩy lui phòng tuyến của quân địch. Trong bầu không khí băng giá, ở phía bên này của vùng Donbass, các trận giao tranh còn lâu mới lắng xuống.

    Hôm qua, lãnh đạo tổ chức lính đánh thuê Wagner, đội quân của Nga đang ở tuyến đầu trong trận chiến này, khẳng định đã kiểm soát được thành phố mỏ, nhưng cũng thừa nhận các trận giao tranh vẫn tiếp diễn tại một số khu vực trong thành phố. Điện Kremlin tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Phát ngôn viên phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov, tuyên bố « trước khi công bố chiến thắng, phải chờ các tuyên bố chính thức ». Tối hôm qua, tổng thống Ukraina Volodymy Zelensky cũng bác bỏ thông tin Soledar, thành phố 10.000 dân, đã rơi vào tay quân Nga.

    Hành lang nhân đạo và trao đổi tù binh : Nga và Ukraina muốn Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian

    Các nhà hòa giải nhân quyền Ukraina và Nga, trong cuộc gặp hôm 10-11/01 tại Ankara, đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp trong vấn đề thiết lập « hành lang nhân đạo » và trao đổi khoảng 40 tù binh của 2 nước. Theo AFP, tổng thống thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định sẵn sàng đảm nhận vai trò này. Đại diện của Nga, Tatiana Moskalkova, nói với báo giới là hai bên đã trao đổi danh sách tù binh và quyết định trao trả cho Ukraina 40 người. Đồng nhiệm Ukraina chưa bình luận về thông tin nói trên.

    Mỹ-Nhật tăng cường liên minh để ngăn mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc

    12/01/2023


    VOA


    Thủ tướng Nhật Fumio Kishida bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden tại văn phòng Thủ tướng ở Tokyo, ngày 24/5/2022.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề an ninh chung cũng như kinh tế toàn cầu tại cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 13/1, một quan chức cao cấp trong chính quyền cho Reuters biết.

    Cuộc họp giữa hai đồng minh thân cận có phần chắc sẽ bao gồm việc kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn sang đối thủ chiến lược Trung Quốc sau khi Mỹ loan báo hồi năm ngoái các hạn chế nghiêm ngặt, vẫn theo nguồn tin này.

    Washington đang làm việc chặt chẽ với Nhật về vấn đề này và tin rằng đôi bên chia sẻ cùng tầm nhìn dù cấu trúc pháp lý có khác nhau, nguồn tin này cho hay.

    Thủ tướng Kishida từng nói ông ủng hộ nỗ lực của ông Biden hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn tân tiến thông qua các quy định xuất khẩu.

    Nhắc tới các cải tổ quốc phòng rộng lớn mà Nhật loan báo tháng trước, nguồn tin này cho biết các mối đe dọa từ Triều Tiên, sự gầy dựng quân sự của Trung Quốc và cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine đã khiến Nhật muốn có một vai trò an ninh tăng cường hơn.

    Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tổ chức cuộc họp 2+2 hôm 11/1 tại Washington với Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu.

    Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết: “Thách thức lớn là Trung Quốc, trong suốt 15 đến 20 năm qua đã thực sự tăng cường hành vi hiếu chiến, không chỉ ở Biển Đông, không chỉ ở khu vực biên giới của các nước láng giềng, mà còn ở Biển Hoa Đông, xung quanh Senkaku và xung quanh Đài Loan.”

    Quan chức này nói với VOA “dòng chảy thương mại tự do qua vùng biển xung quanh Đài Loan và xa hơn về phía nam đến Biển Đông là một trong những vấn đề lớn” đối với Nhật Bản và các nước.

    Tờ báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin Hoa Kỳ sẽ thảo luận về kế hoạch phân tán các đơn vị Thủy quân lục chiến của mình trên khắp quần đảo Okinawa của Nhật Bản vào năm 2026 và trang bị cho họ phi đạn cũng như thiết bị nhẹ hơn để ngăn chặn quân đội Trung Quốc.

    Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nói Hoa Kỳ phải có khả năng sử dụng các căn cứ của mình ở Nhật Bản cho các hoạt động tác chiến trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

    Báo cáo của CSIS nói: “Nếu không sử dụng các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, máy bay chiến đấu và tấn công của Mỹ không thể tham gia chiến tranh một cách hiệu quả.”

    Cuộc hội đàm ngày 11/1 giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ và Nhật Bản diễn ra hai ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tòa Bạch Ốc.

    Liên minh chiến lược Mỹ-Nhật ngày càng sâu rộng sau khi Nhật Bản công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới, theo đó nước này sẽ tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới và lần đầu tiên triển khai phi đạn có thể tấn công các mục tiêu quân sự ở các quốc gia khác.

    WHO làm việc với Trung Quốc về nguy cơ COVID dịp Tết

    12/01/2023



    Cư dân Bắc Kinh mua sắm đón Tết Nguyên đán, ngày 7/1/2023.

    Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đang làm việc với Trung Quốc để xử lý các rủi ro COVID-19 tăng cao trở lại khi mọi người đi lại đón Tết Nguyên đán, nhưng phản hồi của Bắc Kinh tiếp tục bị thách thức do thiếu dữ liệu.

    COVID-19 đang lan rộng vượt kiểm soát ở Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ chính sách zero-COVID vào tháng 12 vừa qua, nhưng WHO cho biết họ vẫn chưa có đủ thông tin từ Trung Quốc để đánh giá đầy đủ về sự nguy hiểm của đợt bùng phát này.

    Đó cũng là một vấn đề trong quá trình làm việc với Trung Quốc về cách giảm thiểu rủi ro khi du hành trước kỳ nghỉ Tết chính thức diễn ra từ ngày 21/1, WHO cho biết. Tết Nguyên đán là dịp đi lại nhộn nhịp nhất hàng năm trên thế giới.

    “Chúng tôi đang làm việc với các đồng nghiệp Trung Quốc,” ông Abdi Rahman Mahamud, giám đốc bộ phận điều phối phản ứng và cảnh báo của WHO, cho biết Trung Quốc cũng có một số chiến lược đối với những người di chuyển từ khu vực có nguy cơ cao đến khu vực có nguy cơ thấp cũng như xung quanh việc xét nghiệm và các phòng khám.

    “Nhưng để hiểu rõ hơn, chúng tôi cần dữ liệu đó,” ông nói thêm.

    WHO nói Trung Quốc vẫn đang báo cáo dưới mức các trường hợp tử vong do COVID-19, mặc dù hiện tại họ đang cung cấp thêm thông tin về đợt bùng phát dịch bệnh.

    Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, Maria Van Kerkhove, cho biết: “Có một số khoảng trống thông tin rất quan trọng mà chúng tôi đang làm việc với Trung Quốc để lấp đầy.”

    Trung Quốc nói họ đã minh bạch với dữ liệu COVID-19 của mình.

    Ủy ban Y tế Quốc gia của nước này cho biết các quan chức Trung Quốc đã trao đổi quan điểm với WHO trước đó vào ngày 11/1 trong một cuộc họp video về các vấn đề bao gồm tình hình dịch bệnh hiện tại, điều trị y tế, tiêm chủng và các vấn đề kỹ thuật khác.

    Biến thể

    WHO cũng nói sẽ sớm công bố đánh giá rủi ro đối với biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron vốn đang làm gia tăng các ca nhiễm COVID tại Hoa Kỳ.

    Giám đốc của WHO phụ trách tình hình khẩn cấp, Mike Ryan, ca ngợi Hoa Kỳ về “sự minh bạch triệt để” của dữ liệu về sự lây lan của biến thể.

    Ông nói rằng đó là một lý do tại sao WHO không ủng hộ các biện pháp giám sát du khách đến từ Hoa Kỳ, trong khi WHO nói các bước tương tự mà một số quốc gia đã thực hiện đối với du khách từ Trung Quốc, bao gồm xét nghiệm COVID và giám sát nước thải, là “có thể hiểu được”.

    “Tôi thực sự nghĩ rằng bạn không thể so sánh hai tình huống này,” ông nói.

    Hoa Kỳ, Canada, và Mexico công bố kế hoạch thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn

    Tác giả Jeff Louderback

    Thứ năm, 12/01/2023



    Tổng thống Joe Biden (giữa), Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải), và Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đến dự Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ (NALS) tại Phòng phía Đông của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 18/11/2021. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

    Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ giữa Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, và Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador vào cuối ngày, sáng hôm thứ Ba (09/01), Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một tuyên bố cho biết ba quốc gia sẽ thực hiện các bước để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của lục địa này.

    Tòa Bạch Ốc cho biết, Hoa Kỳ, Canada, và Mexico sẽ tăng cường “hợp tác kinh tế, thúc đẩy đầu tư, và củng cố khả năng cạnh tranh, đổi mới, và khả năng phục hồi bằng cách tổ chức diễn đàn về chất bán dẫn ba bên lần đầu tiên cho ngành công nghiệp này để điều chỉnh các chính sách của chính phủ và tăng cường đầu tư vào chuỗi cung ứng bán dẫn trên khắp Bắc Mỹ.”

    Tuyên bố này cho biết các quốc gia cũng sẽ làm việc cùng nhau để điều phối các nỗ lực lập bản đồ chuỗi cung ứng chất bán dẫn và xác định “các cơ hội đầu tư phụ trợ lẫn nhau.”

    Vi mạch bán dẫn được sử dụng cho nhiều mục đích, trong đó có sản xuất xe hơi, viễn thông, và quốc phòng. Ngành công nghiệp này đã do Á Châu thống trị trong nhiều năm và sự gián đoạn trong đại dịch virus corona đã tạo ra các vấn đề trong chuỗi cung ứng ở Bắc Mỹ.

    Theo các quan chức Mỹ, các công ty bán dẫn đang xây dựng các cơ sở sản xuất mới ở Hoa Kỳ muốn có các nhà cung cấp linh kiện ở Mexico.

    Ông Scott Jones, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Alvarez & Marshal, đã từng là cố vấn cho các công ty bán dẫn quan tâm đến việc khai triển hoạt động ở Mỹ Latinh.

    Ông Jones nói với tờ Wall Street Journal rằng “Việc chuyển sản xuất về gần quê nhà (nearshoring) là một cân nhắc đặc biệt vì các hiệp định thương mại đang có hiệu lực. Điều đó cộng thêm phần thưởng bổ sung về mức lương lao động thấp hơn … khiến Mexico trở thành một lựa chọn rất hấp dẫn để đặt một số bộ phận nhất định của chuỗi cung ứng chất bán dẫn.”

    Nhập cư, năng lượng sạch, và an ninh là những chủ đề khác mà các nhà lãnh đạo dự kiến ​​sẽ thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh này.

    Tranh chấp về chính sách năng lượng của Mexico đã tác động tiêu cực đến sản lượng chất bán dẫn của nước này.

    Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, sự tập trung của ông López Obrador vào củng cố công ty dầu mỏ quốc doanh và công ty điện lực công cộng của Mexico đã cản trở đầu tư tư nhân và ngoại quốc. Chính sách năng lượng của Mexico đang khiến hàng tỷ USD đầu tư vào Mỹ gặp rủi ro. Canada cũng đồng tình với khiếu nại này.

    Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết tranh chấp về chính sách năng lượng sẽ không được thảo luận một cách rõ ràng tại hội nghị thượng đỉnh này. Ông lưu ý rằng một quá trình giải quyết đã bắt đầu và các quốc gia không muốn biến cuộc họp này thành tập trung vào tranh chấp đó.

    Ông Ebrard nói với một đài phát thanh Mexico, “Tôi không nghĩ đó là một vấn đề lớn trong hội nghị thượng đỉnh hôm nay,” đồng thời cho biết thêm rằng ông Trudeau có thể sẽ đề cập đến chủ đề này trong cuộc nói chuyện trực tiếp với ông López Obrador hôm 11/01.

    Các ông Biden, ông Trudeau, và ông López Obrador đã ăn tối cùng nhau hôm 09/01.

    Hôm 10/01, ông Biden đã gặp ông Trudeau trước hội nghị thượng đỉnh. Họ đã thảo luận về năng lượng sạch, tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, và các cách giúp ổn định Haiti, Tòa Bạch Ốc thông báo.

    Ông Biden nói, “Có rất nhiều điều chúng ta sẽ nói đến, trong đó có năng lượng sạch. Chúng ta nên là nơi sản xuất năng lượng sạch của thế giới. Và đó không phải là nói cường điệu; tôi thực sự có ý đó.”

    Ông Biden nói thêm: “Và chúng tôi cũng đang ở trong một tình huống mà chúng tôi đang tiến hành ở trong nước — và nước ông cũng vậy, và chúng ta đã nói về điều này — việc củng cố chuỗi cung ứng của mình để không ai có thể tùy tiện giữ chân chúng ta, hoặc một đại dịch ở Á Châu khiến chúng ta không thể tiếp cận các yếu tố quan trọng mà chúng ta cần để làm mọi thứ, từ chế tạo xe hơi cho đến rất nhiều thứ khác.”

    Tổng thống Biden đã ca ngợi Thủ tướng Trudeau, nói rằng “Ông đã luôn ở đó. Bất cứ khi nào tôi gọi, ông đã bắt máy. Rõ ràng là, ở đây cũng vậy.”

    Tổng thống Hoa Kỳ tiếp tục bằng cách đề cập đến cuộc trò chuyện giữa ông với một nhà lãnh đạo ngoại quốc khác.

    Ông nói, “Tôi đã nói với ông ấy — tôi nói, ‘Chà, tôi thật may mắn. Tôi có Canada ở phía bắc và Mexico ở phía nam và hai đại dương ở hai bên. Ông thì có … và sau đó tôi đã mô tả hoàn cảnh của ông ấy. Và ông ấy chỉ nhìn tôi kiểu ‘Ừ nhỉ.’”

    Canada đã bày tỏ lo ngại về một điều khoản dành cho xe điện trong Đạo luật Giảm Lạm Phát mà Tổng thống Biden đã ký hồi năm ngoái. Ông Trudeau đã tránh chủ đề đó khi bình luận về cuộc gặp với ông Biden.

    “Bắc Mỹ là khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, thậm chí còn lớn hơn cả Liên minh Âu Châu,” ông Trudeau nói. “Chúng ta có rất nhiều thứ để đóng góp cho thế giới về hàng hóa và dịch vụ cũng như về công nghệ và giải pháp mà thế giới thực sự cần.”

    Ông nói thêm, “Khả năng làm việc cùng nhau của chúng ta đã đưa chúng ta đến những mốc thành công phi thường. Nhưng tại thời điểm toàn thế giới đang có sự gián đoạn, thời điểm có những thách thức rất thực, chúng ta có thể và còn cần phải làm nhiều hơn nữa.”

    Hôm 09/01, ông Biden đã có cuộc gặp riêng với ông López Obrador và thúc giục người đồng cấp Mexico tạo ra các chính sách mới để tận dụng các sáng kiến ​​của Hoa Kỳ nhằm tăng sản xuất chất bán dẫn trong nước.

    Theo các quan chức biết về những gì diễn ra trong cuộc họp, ông Biden và ông López Obrador đã đồng ý thành lập các nhóm cao cấp để tạo ra sự hợp tác kinh tế trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và các lĩnh vực khác.

    Tháng Chín năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã đến thăm Mexico City và nói rằng Mexico sẽ được hưởng lợi cả từ các cơ sở sản xuất chất bán dẫn và từ việc thử nghiệm, đóng gói, và lắp ráp vi mạch bán dẫn.

    Bà nói thêm rằng Đạo luật CHIPS được Quốc hội thông qua và ông Biden ký vào năm ngoái sẽ tạo ra việc làm và cơ hội cho Hoa Kỳ và Mexico.

    Cuộc gặp đã diễn ra căng thẳng trong giai đoạn đầu.

    Các nhà lãnh đạo đã bắt tay và mỉm cười trước ống kính trước khi bước vào một căn phòng tại Palacio National để bắt đầu cuộc thảo luận.

    Ông López Obrador đã đề nghị ông Biden giúp cải thiện cuộc sống ở đất nước ông và chỉ trích Hoa Kỳ đã không làm nhiều hơn nữa.

    Ông López Obrador nói, “Tôi cho rằng đây là thời điểm để chúng ta quyết tâm loại bỏ sự bỏ rơi, thái độ coi thường, và sự lãng quên này đối với Châu Mỹ Latinh và Caribe, điều đi ngược lại chính sách ‘láng giềng tốt’ của đại quốc về tự do và tự chủ của ông FDR — Franklin Delano Roosevelt.”

    Ông nói thêm: “Tổng thống Biden, ông đang nắm giữ chiếc chìa khóa trong tay để mở ra và cải thiện đáng kể mối bang giao giữa tất cả các quốc gia trên lục địa Mỹ Châu.”

    Lãnh đạo Mexico cũng phàn nàn rằng có quá nhiều sản phẩm được sản xuất ở Á Châu so với Bắc Mỹ.

    Ông López Obrador nói: “Chúng tôi tự hỏi, chúng ta không thể sản xuất ở Mỹ những gì chúng ta tiêu dùng sao? Tất nhiên là có.”

    Ông Biden đã bảo vệ phản ứng của Mỹ bằng cách nói rằng “chỉ trong 15 năm qua, chúng tôi đã chi hàng tỷ USD ở bán cầu này — hàng chục tỷ USD ở bán cầu này. Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ và xây dựng các thể chế dân chủ ở bán cầu này.”

    Ông Biden nói thêm rằng “Hoa Kỳ cung cấp nhiều viện trợ cho ngoại quốc hơn mọi quốc gia khác, gần như tất cả cộng lại, trên thế giới… không chỉ ở bán cầu mà trên toàn thế giới.”

    Ông Biden nói tiếp, “Thật không may, trách nhiệm của chúng tôi không chỉ dừng lại ở Tây Bán Cầu. Đó còn là ở Trung Âu. Đó còn là ở Á Châu. Đó còn là ở Trung Đông. Đó còn là ở Phi Châu. Đó còn là ở Tây Nam Á.”

    Ông Biden nói thêm, “Tôi ước chúng tôi có thể chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất — chỉ một mục tiêu mà thôi. Chúng tôi có nhiều tiêu điểm. Và đó là những gì chúng ta phải làm việc dựa trên. Và tôi tin rằng chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn nữa cùng nhau.”

    Các ông Biden, ông Trudeau, và ông López Obrador dự kiến​ sẽ có bài diễn văn trước giới truyền thông sau cuộc họp chung vào chiều ngày 10/01.

    Jeff Louderback

    Ông Jeff Louderback là một phóng viên của The Epoch Times tại Ohio, chuyên đưa tin về Thượng viện Hoa Kỳ, Hạ viện Hoa Kỳ và các cuộc tranh cử chức thống đốc ở Ohio và các tiểu bang xung quanh.

    Nhật Thăng biên dịch

    Không có nhận xét nào