Ngoại trưởng Hoa Kỳ công du Trung Đông giữa làn sóng bạo lực
30/01/2023
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Đại học Hoa Kỳ ở Cairo.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Trung Đông hôm Chủ nhật, bắt đầu chuyến thăm ba ngày, trong bối cảnh bạo lực bùng phát giữa người Israel và người Palestine, cũng như Iran và cuộc chiến ở Ukraine đang là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Sau khi dừng chân ở Cairo, ông Blinken hôm thứ Hai sẽ lên đường tới Jerusalem, nơi chính phủ cánh hữu mới của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gây lo ngại trong và ngoài nước về tương lai của các giá trị thế tục của Israel, các mối quan hệ sắc tộc bị rạn nứt và các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ với người Palestine.
Cũng đã có một loạt các vụ bạo lực chết người xảy ra trong những ngày gần đây, làm gia tăng lo ngại rằng bạo lực vốn đã leo thang sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Một tay súng Palestine đã giết chết 7 người trong một cuộc tấn công bên ngoài một giáo đường Do Thái ở Jerusalem hôm thứ Sáu tuần trước. Đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất như vậy nhắm vào người Israel ở khu vực Jerusalem kể từ năm 2008 và theo sau một cuộc tấn công chết người của Israel vào thành phố Jenin bị chiếm đóng ở Bờ Tây hôm thứ Năm tuần trước, vốn là cuộc tấn công đẫm máu nhất ở đó trong nhiều năm.
Trong các cuộc đàm phán với chính quyền mới của Israel, bao gồm các đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, ông Blinken sẽ lặp lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ về sự bình tĩnh và nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với giải pháp hai nhà nước, mặc dù các quan chức Hoa Kỳ thừa nhận các cuộc đàm phán hòa bình dài hạn không có khả năng diễn ra trong tương lai gần.
Ông Blinken cũng sẽ tới Ramallah để gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, các quan chức Palestine khác và các thành viên của xã hội dân sự.
Tại Cairo, ông Blinken sẽ gặp Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi và Ngoại trưởng Sameh Shoukry để tăng cường "quan hệ đối tác chiến lược" của Washington với Ai Cập và tăng cường hợp tác về các vấn đề khu vực như quá trình chuyển đổi của Sudan và bầu cử ở Libya, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về vùng Cận Đông, bà Barbara Leaf, cho biết.
Ông Blinken cũng sẽ chịu áp lực nêu lên những quan ngại về nhân quyền, theo Reuters.
Chính quyền Biden đã giữ lại hàng triệu đôla viện trợ quân sự cho Ai Cập do nước này không đáp ứng các điều kiện về nhân quyền, mặc dù các nhóm vận động đã thúc đẩy việc giữ lại nhiều hơn nữa, cáo buộc các hành vi lạm dụng phổ biến bao gồm tra tấn và cưỡng bức mất tích.
Phần lớn trong số 1,3 tỷ đôla viện trợ quân sự nước ngoài mà Washington gửi cho Ai Cập mỗi năm vẫn còn nguyên vẹn và Hoa Kỳ đã ghi nhận tiến bộ của chính phủ của ông Sisi đối với các vụ giam giữ chính trị.
Ông Sisi, người trở thành tổng thống vào năm 2014, đã nói rằng Ai Cập không giam giữ tù nhân chính trị, đồng thời lập luận rằng an ninh là tối quan trọng và chính phủ đang thúc đẩy nhân quyền bằng cách nỗ lực cung cấp các nhu cầu cơ bản như việc làm và nhà ở.
Thủ tướng Đức khẳng định Berlin không cấp chiến đấu cơ cho Ukraina
Trọng Thành /RFI
30/01/2023
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) phát biểu tại Quốc Hội Liên Bang Đức Bundestag, Berlin, Đức, ngày 25/01/2023. AP - Markus Schreiber
Các đồng minh của Ukraina bị chia rẽ trong vấn đề cấp chiến đấu cơ cho Ukraina, theo yêu cầu của Kiev. Hôm qua, 29/01/2023, thủ tướng Đức Olaf Sholz tuyên bố Berlin sẽ không viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraina, đồng thời nhấn mạnh sẽ không cho phép ‘‘căng thẳng leo thang’’ và ‘‘giữa NATO và Nga không có chiến tranh’’.
Theo AFP, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Tagesspiege, thủ tướng Đức khẳng định: ‘‘Vấn đề phi cơ chiến đấu không được đặt ra’’. Ông Olaf Sholz chỉ trích mạnh mẽ các áp lực buộc chính quyền Đức phản nhân nhượng trong việc cấp phi cơ chiến đấu cho Kiev : ‘‘ngay khi một quyết định được đưa ra (tức việc Đức quyết định viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraina), lại có thêm một cuộc tranh luận mới bắt đầu tại Đức’’ về viện trợ quân sự, và ‘‘đây là điều không nghiêm túc, làm suy giảm niềm tin của công dân Đức vào các quyết định của chính phủ’’. Olaf Cholz cũng nhắc lại là Đức hậu thuẫn Ukraina về nhiều mặt, từ tài chính, nhân đạo đến vũ khí, như nhiều nước khác, và ‘‘không có quốc gia nào ủng hộ Ukraina hơn Đức’’.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn nói trên, thủ tướng Olaf Sholz cho biết ‘‘cần’’ tiếp tục đối thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin, ông cam kết sẽ tiếp tục điện đàm với nguyên thủ Nga, nhưng không cho biết thời điểm cụ thể. Lần điện đàm cuối cùng giữa hai lãnh đạo Nga – Đức là vào đầu tháng 12/2022. Thông điệp mà thủ tướng Đức gửi đến chủ nhân điện Kremlin trong bài phỏng vấn hôm qua là: ‘‘nếu Nga tiếp tục cuộc xâm lăng Ukraina thì tình hình sẽ không thay đổi’’.
Vấn đề cung cấp chiếu đấu cơ cho Ukraina đang gây chia rẽ các đồng minh của Kiev. Trong những ngày gần đây, theo Le Monde hôm nay, nhiều giới chức Mỹ và châu Âu cho biết là không loại trừ việc cấp phi cơ chiến đấu F-16, do Mỹ sản xuất cho Ukraina. Hà Lan là một trong số các nước ủng hộ biện pháp này.
Brazil, Achentina và Chilê từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraina
Phát biểu của thủ tướng Đức được đưa ra trong chặng công du tại Chilê. Tổng thống Chilê Grabriel Boric hôm qua cam kết ‘‘đóng góp một cách đa phương cho hòa bình’’ tại Ukraina. Ngày hôm nay, thủ tướng Đức đến Brazil, chặng cuối trong vòng công du Nam Mỹ.
Trước cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Đức – Brazil, Le Monde dẫn lại thông tin trên báo chí Brazil cho hay, tân tổng thống Brazil Lula da Silva bác bỏ yêu cầu của Đức, cung cấp cho Ukraina đạn dược được dùng cho xe tăng Lepoard-2. Theo tổng thống Brazil, ‘‘không nên khiêu khích Nga’’. Achentina cũng có quan điểm tương tự. Hai quốc gia Nam Mỹ Brazil và Achentina đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina, nhưng không muốn hậu thuẫn Ukraina về quân sự.
Chính phủ cực hữu của Israel có lợi từ tình hình căng thẳng
Chính phủ cực hữu của Israel đã đáp trả cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất nhằm vào công dân Israel trong 15 năm qua bằng các hình phạt tập thể. Chính quyền niêm phong ngôi nhà của gia đình tay súng người Palestine đã sát hại bảy người qua đường ở Jerusalem vào tối thứ Sáu, một bước chuẩn bị cho việc phá hủy nó. Tương tự là ngôi nhà của cậu bé 13 tuổi đã bắn và làm bị thương hai người Israel hôm thứ Bảy. Người Palestine ở Jerusalem bị phát hiện có liên quan đến hoạt động khủng bố sẽ bị thu hồi quyền cư trú.
Tạm đặt các vấn đề pháp lý và đạo đức sang một bên, tất cả các chiến thuật này đều từng được thử nghiệm với thành công hạn chế trong quá khứ. Nhưng các bộ trưởng muốn nhắm đến khán giả theo chủ nghĩa dân tộc của họ. Một ví dụ là quyết định gây bức xúc của nội các an ninh Israel vào Chủ nhật, theo đó khuyến khích nhiều thường dân Israel mang súng hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khó có thể thay đổi được tình hình khi ông đến thăm vào thứ Hai. Sáng kiến nghiêm túc gần đây nhất của Mỹ nhằm giải quyết xung đột đã thất bại vào năm 2014.
Đức thoát suy thoái trong năm 2022
Con số cuối cùng về tăng trưởng GDP quý 4 năm 2022 của Đức, được công bố vào thứ Hai, sẽ rơi quanh quẩn ở con số không. Điều đó không tệ như người ta tưởng.
Đầu tháng này, các nhà thống kê ước tính tăng trưởng cả năm 2022 đạt 1,9%, cao hơn nhiều so với hầu hết các dự đoán. Chiến tranh Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài, và lạm phát gia tăng, đặc biệt là giá năng lượng, đã khiến cho nền kinh tế đói năng lượng và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Đức trở nên đặc biệt yếu ớt. Nhưng rồi họ đứng vững và, với thời tiết tương đối ôn hòa giúp giảm giá khí đốt tự nhiên xuống mức trước chiến tranh, trông tương đối vững chắc trong trung hạn.
Giới kinh tế giờ đây cho rằng mức tăng trưởng đi ngang vào cuối năm ngoái có thể đã là đáy của chu kỳ hiện tại. Thay vì rơi vào suy thoái nhẹ trong năm 2023, nền kinh tế lớn nhất châu Âu nhiều khả năng sẽ tăng trưởng khiêm tốn.
Đảng đối lập của Ấn Độ nỗ lực lấy lại vị thế
Nhà lãnh đạo trên thực tế của đảng đối lập Ấn Độ, Rahul Gandhi của Đảng Quốc đại, đã hoàn thành quãng đường gần 3.500 km của cuộc “Tuần hành Thống nhất Ấn Độ” vào thứ Hai. Đây là nỗ lực của ông nhằm phản đối chủ nghĩa dân tộc Hindu cực đoan của Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, và là một trong các sáng kiến để khôi phục triển vọng bầu cử của Đảng Quốc đại trước tổng tuyển cử vào năm tới. Trong những năm gần đây, đảng hùng mạnh một thời của Ấn Độ đã liên tiếp phải chịu những thất bại nhục nhã.
Những cuộc hành hương như vậy, gọi là yatras, từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng của chính trị Ấn Độ. Chính các cuộc tuần hành thời những năm 1990 đã giúp đưa BJP vươn lên. Ông Gandhi luôn thu hút các đám đông lớn; và ông đang lên kế hoạch tổ chức nhiều hơn để thu hút ủng hộ ở địa phương. Nhưng cũng không quá cần thiết: Quốc đại chỉ kiểm soát ba trong số 28 bang của Ấn Độ và chưa đến 10% số ghế trong hạ viện. Thăm dò cho thấy Narendra Modi, thủ tướng BJP, có số người Ấn ủng hộ gấp đôi so với ông Gandhi. Chuyến tuần hành dài ngày của ông Gandhi có thể đã kết thúc, nhưng Quốc đại vẫn còn một hành trình nhọc nhằn phía trước.
Thị trường bảo hiểm thiên tai ở Mỹ bất ổn
Cư dân ở bờ biển vùng Vịnh của Mỹ có vài tháng chuẩn bị trước khi mùa bão tới vào tháng 6. Hóa đơn bảo hiểm tài sản của họ cho thấy rủi ro thiên tai lớn đến đâu, khi phí bảo hiểm cho các chủ nhà ở Florida và Louisiana gần như cao nhất cả nước. Nhưng ngay cả các công ty bảo hiểm cũng phải vật lộn để duy trì hoạt động sau một loạt các cơn bão khủng khiếp. Có hơn tám công ty phá sản ở Louisiana vào năm ngoái; bên cạnh 15 công ty khác ở Florida kể từ năm 2020.
Kết quả là các bang phải miễn cưỡng hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm. Vào thứ Hai, các nhà lập pháp Louisiana sẽ tổ chức một phiên họp lập pháp đặc biệt và có thể sẽ phân bổ tiền — bên hành pháp yêu cầu 45 triệu đô la — để giúp các công ty tiếp tục hoạt động. Họ muốn hạn chế sự phụ thuộc của chủ nhà vào công ty bảo hiểm do nhà nước hỗ trợ, vì như vậy làm suy yếu thị trường tư nhân, nhưng cũng muốn chi phí bảo hiểm không được tăng quá cao. Nhưng hợp túi tiền đối với các chủ nhà đồng nghĩa mất tiền cho các công ty.
Chính trường Thổ Nhĩ Kỳ nóng lên trước thềm bầu cử
Các đảng đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ đang mơ về cơ hội lật đổ tổng thống Recep Tayyip Erdogan vào tháng 5, khi nước này tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội. Họ sẽ công bố chương trình hành động vào thứ Hai, trong đó bao gồm việc khôi phục lại hệ thống nghị viện cũ. Quyền ban hành luật hành pháp đã được chuyển giao cho tổng thống vào năm 2018. Nhờ đó, ông Erdogan tăng cường kiểm soát các tòa án và hội đồng bầu cử của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng đang muốn có nhiều thay đổi hiến pháp hơn, để ghi quyền đội khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo vào luật và bảo vệ các giá trị gia đình trước “các trào lưu biến thái.”
Để ngăn chặn điều đó, sáu đảng đối lập đã liên kết lại và đưa lên một ứng viên tổng thống duy nhất. Nhưng vấn đề là họ không thể thống nhất chọn ai. Lựa chọn khả dĩ nhất — Kemal Kilicdaroglu, chủ tịch không có sức lôi cuốn của CHP, đảng lớn nhất trong khối — đã đưa đảng ông đi qua bốn thất bại bầu cử quốc hội liên tiếp kể từ năm 2010. Liên minh còn hai tuần tranh luận cho đến khi phải ra thông báo theo kế hoạch.
Bắc Triều Tiên phủ nhận cung cấp vũ khí cho Nga
Minh Anh /RFI
29/01/2023
Ảnh minh họa : Một chuyến tàu hỏa từ Nga trở về Bắc Triều Tiên qua ngả Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh chụp năm 2011. Reuters
Chế độ Bình Nhưỡng đã phủ nhận cung cấp vũ khí cho Matxcơva sau những cáo buộc từ Washington cho rằng Bắc Triều Tiên giao đạn rốc-kết và tên lửa cho tập đoàn bán quân sự Wagner của Nga đang chiến đấu tại Ukraina.
Được hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA trích dẫn, ông Kwon Jong Gun, vụ trưởng Vụ Châu Mỹ của Bắc Triều Tiên, Chủ Nhật, 29/01/2023, đã bác bỏ « tin đồn được dàn dựng này », đồng thời, cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ hứng lấy « một kết quả thật sự không mong muốn », nếu cứ tiếp tục tung tin đồn. Quan chức Bắc Triều Tiên mạnh mẽ chỉ trích: « việc cố gắng bôi nhọ hình ảnh của Bắc Triều Tiên bằng cách tạo dựng tin giả là một hành động khiêu khích nghiêm trọng không thể chấp nhận được, và chỉ có thể dẫn đến hành động đáp trả ».
AFP nhắc lại, hồi tuần rồi, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh của Nhà Trắng, ông John Kirby đã trưng bày hình ảnh tình báo Mỹ thu thập, cho thấy nhiều toa tầu của Nga được cho là đến từ Bắc Triều Tiên, chở đầy trang thiết bị quân sự, trong đó có đạn rốc-kết cung cấp cho Wagner. Cùng lúc, Hoa Kỳ xếp tập đoàn bán quân sự này của Nga vào danh sách « tổ chức tội phạm » và tuyên bố chuyển giao những thông tin này cho Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ các trừng phạt quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng.
Theo quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên nói trên, Hoa Kỳ đã dùng cáo buộc nói trên « để biện minh » cho việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraina, trong đó có 31 chiến xa hạng nặng Abrams, và đây là một hành động « một ý đồ xuẩn ngốc ». Hôm thứ Sáu, 27/01, Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đã mạnh mẽ chỉ trích những cam kết gởi xe tăng chiến đấu đến Ukraina từ Mỹ và các nước đồng minh, cáo buộc những nước này là « đã vượt quá xa lằn ranh đỏ ».
Hãng tin Pháp lưu ý, Nga cùng với Trung Quốc là một trong số hiếm hoi các đồng minh quốc tế của Bắc Triều Tiên, và đã có một sự hậu thuẫn trực tiếp cho chế độ Bình Nhưỡng.
Trung Quốc nói làn sóng Covid hiện thời ở nước này 'sắp kết thúc'
Tác giả, Nicholas Yong/ BBC News
30/01/2023
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh,
Trung Quốc bị một làn sóng Covid lớn tấn công sau khi nước này gỡ bỏ chính sách hạn chế hà khắc hồi tháng 12/2022
Giới chức y tế Trung Quốc cho biết làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện thời của nước này "sắp kết thúc".
Số ca mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do Covid đang có xu hướng giảm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nói trong một báo cáo.
Cơ quan này cũng cho biết "không có sự bùng lại rõ ràng" nào trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hồi tuần trước, khi hàng triệu người về nhà sum họp gia đình.
Từ lâu nay đã có những câu hỏi được đặt ra về việc Trung Quốc báo cáo tình trạng lây nhiễm Covid.
Nhưng các chuyên gia cho biết sự suy giảm được báo cáo hiện nay tương ứng với thời điểm dự kiến kết thúc làn sóng lớn này.
Dịp Tết yên bình
Virus đã lan nhanh tới các thành phố, thị trấn của Trung Quốc sau khi chính quyền dỡ bỏ chính sách "không Covid" hồi tháng 12. Tuy nhiên, tỷ lệ đến các trạm xá, phòng khám đã giảm hơn 90% trong tháng Giêng và tỷ lệ nhập viện giảm hơn 85%.
Đã có những lo ngại rằng virus có thể bùng phát trở lại trong thời gian lễ hội, nhưng điều này đã không xảy ra.
Trong báo cáo của mình, CDC cho biết: “Không có sự bùng lại rõ ràng nào về số ca nhiễm Covid trong dịp Tết Nguyên đán.
"Trong thời gian này, không có biến thể mới nào được phát hiện và làn sóng lây nhiễm hiện nay của đất nước sắp kết thúc."
CDC cũng báo cáo sự sụt giảm mạnh về số người tử vong vì Covid hàng ngày mà các bệnh viện báo về - từ mức cao nhất là 4.300 người chết vào ngày 4/1 xuống còn 896 ca tử vong vào ngày 23/1.
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Hsu Li Yang nói với BBC: "Tình trạng các ca tử vong thấp đi sau việc đi xuống của làn sóng nhiễm bệnh khổng lồ đầu tiên sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế; đây là điều có thể hiểu được và nó đã xảy ở hầu hết mọi quốc gia từng hứng chịu làn sóng Covid lớn.
“Chúng tôi sẽ sớm biết liệu kỳ nghỉ lễ đón Tết Nguyên đán có gây ra một đợt bùng phát nữa ở Trung Quốc hay không, nhưng nhiều khả năng là điều đó sẽ không phù hợp với những gì đã xảy ra trong tháng 12 và đầu tháng 1/2023.”
Một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc - đồng thời là cựu giám đốc CDC, Zeng Guang - hồi đầu tháng này đã cảnh báo rằng các ca bệnh sẽ gia tăng ở các vùng nông thôn trong dịp năm mới.
BBC cũng đã tìm thấy bằng chứng về một số lượng đáng kể các ca tử vong liên quan đến Covid ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, khi virus lây lan từ các thành phố lớn đến các vùng xa xôi hơn, nơi dân số già hơn.
Tuy nhiên, CDC cho biết không có sự tăng đột biến ngay lập tức sau thời gian lễ hội.
Ước tính đã có 226 triệu lượt hành khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 22 đến ngày 27/1 - tăng 70% so với năm ngoái khi các hạn chế về đại dịch vẫn được áp dụng trên nhiều vùng của Trung Quốc.
Đảo ngược chính sách
Vào tháng 12, Bắc Kinh đột ngột chấm dứt các biện pháp kiểm soát Covid hà khắc, vốn khiến hàng triệu công dân nước này bị phong tỏa trong ba năm qua.
Điều đó dẫn đến sự gia tăng nghiêm trọng số ca nhiễm và tử vong do Covid, với một số chuyên gia ước tính phần lớn dân số nhiễm Covid trong những tuần sau đó.
Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh cho biết tính đến ngày 11/1, khoảng 900 triệu người ở Trung Quốc đã bị nhiễm virus corona, trong bối cảnh có nhiều báo cáo về các bệnh viện và lò hỏa táng quá tải.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc ban đầu khẳng định rằng chỉ có bảy trường hợp tử vong kể từ khi kết thúc chính sách "không Covid" vào ngày 7/12, sau khi thu hẹp định nghĩa thế nào thì được coi là tử vong do Covid.
Ủy ban Y tế Quốc gia sau đó đã báo cáo gần 60.000 trường hợp tử vong liên quan đến Covid từ ngày 8/12 đến ngày 12/1, sau khi bắt đầu tính các trường hợp tử vong do bệnh nền và các ca suy hô hấp do Covid gây ra.
Số liệu chính thức về Covid của Trung Quốc được cho là chưa được báo cáo đầy đủ, và giới chức đã ngừng công bố báo cáo về số ca nhiễm hàng ngày vào tháng trước.
Bắc Kinh cho biết họ đã chia sẻ dữ liệu Covid một cách “kịp thời, công khai và minh bạch theo quy định của pháp luật”.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào