Võ Thái Hà tổng hợp
Pháp và Đức không loại trừ khả năng cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina
Thanh Hà/RFI
Xe tăng Leclerc của Quân đội Pháp tại đại lộ Champs-Elysees, Paris. Ảnh chụp ngày July 14, 2017. ALAIN JOCARD / AFP
Trong cuộc họp báo hôm 22/01/2023 kết thúc lễ kỷ niệm 60 năm hiệp định hữu nghị Pháp – Đức, tổng thống Emmanuel Macron cho biết bộ Quốc Phòng Pháp nghiên cứu khả năng và « không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào » về việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina. Về phần mình, Đức muốn « phối hợp chặt chẽ với các đồng minh » và sẽ « không chống » việc cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina. Nga đe dọa dọa trả đũa.
Vào lúc lãnh đạo Pháp Đức họp tại Paris đúng ngày kỷ niệm 60 năm ký kết hiệp định hữu nghị, được biết dưới tên gọi là Hiệp Ước Elysée, mọi chú ý vẫn tập trung vào câu hỏi liệu rằng Pháp và nhất là Đức có thỏa mãn đòi hỏi của Ukraina muốn được cung cấp xe tăng hạng nặng để đối phó với quân đội Nga hay không.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: « Liên quan đến xe tăng lớp Leclerc tôi yêu cầu bộ trưởng Quân Lực tìm hiểu vấn đề ». Paris đang cân nhắc « mọi khả năng » và đây sẽ là một quyết định « tập thể ». Ngụ ý Pháp phối hợp hành động cùng với các đối tác trong Liên Âu, mà đứng đầu là Đức.
Đây cũng là quan điểm của thủ tướng Đức Olaf Scholz: Phối hợp hành động cùng các đồng minh. Ba Lan và ba nước trong vùng Baltic duy trì áp lực đòi Berlin cho phép chuyển giao xe tăng hạng nặng Leopard 2 do Đức chế tạo cho Ukraina.
Trả lời đài truyền hình Pháp LCI hôm 22/01/2023, ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết là Berlin « không chống » việc cung cấp xe tăng hạng nặng của Đức cho Ukraina, nhưng Ba Lan chưa có đề nghị chính thức: :
« Có những quy định để kiểm soát (việc trao xe tăng của Đức cho một quốc gia). Trước mắt câu hỏi này chưa chính thức được nêu lên với chúng tôi. Nhưng nếu được hỏi, Đức sẽ không chống. Đương nhiêu đây là một quyết định quan trọng. Tôi đã từng đến biên giới giữa Ukraina và Nga, và đã chứng kiến cảnh tên lửa được phóng đi như thế nào. Khi đó thì người ta chỉ có 45 giây để phản ứng với hy vọng mình không bị trúng tên lửa.
Tôi hoàn toàn ý thức được điều mà ngoại trưởng Ukraina Kuleba yêu cầu. Có xe tăng không phải là để diễu hành trên đường phố mà Ukraina cần phương tiện này để tự vệ. Tôi cũng hiểu rõ tầm mức quan trọng của việc có chiến xa để đối phó với tình huống hiện nay. Chúng tôi hoàn toàn ý thức được điều đó. Do vậy Đức đang trong quá trình tham khảo ý kiến các đối tác. Điều mà chúng tôi mong mỏi là giải phóng Ukraina và cứu lấy sinh mạng của người dân nước này ».
Nga dọa trả đũa
Ukraina chưa biết có được cấp xe tăng hạng nặng để tự vệ hay không, chủ tịch Hạ Viện Nga, Vyacheslav Volodin hôm 22/01/2023 đe dọa : những quốc gia nào trang bị thêm vũ khí lợi hại cho Ukraina sẽ bị « tiêu diệt ». Mỹ và NATO cấp thêm vũ khí cho Ukraina thì Nga sẽ « trả đũa đích đáng » bằng những vũ khí còn « nguy hiểm hơn ».
Tập đoàn vũ khí Đức sẵn sàng cung cấp 139 xe tăng Leopard cho Ukraine
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Trong lúc chính phủ Đức còn chần chừ chưa ra quyết định gửi xe tăng chiến trường Leopard cho Ukraine, tập đoàn vũ khí Rheinmetall, chuyên sản xuất loại xe tăng này, nói họ có thể cung cấp 139 chiếc cho Ukraine “nếu được yêu cầu”.
Một người phát ngôn cho Rheinmetall nói với đài RND ở Đức rằng ngay trong tháng 4 và tháng 5 năm nay, họ có thể chuyển sang cho Ukraine 29 chiếc Leopard loại 2A4, và có thể gửi thêm 22 chiếc cùng loại vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.
Công ty Đức còn cho hay họ sẵn sàng chuyển cho Ukraine 88 chiếc Leopard 1, thế hệ cũ hơn loại mà Đức và Ba Lan dự tính trao cho Ukraine, theo Reuters.
Tuy thế, đến 24/01/2023, câu chuyện về xe tăng Đức “chuyển cho Ukraine” vẫn chưa ngã ngũ dù chính phủ Đức có dấu hiệu mềm mỏng hơn.
Một mặt, Đức nói chưa thể cung cấp Leopard 2 cho Ukraine nếu Hoa Kỳ không đồng ý. Mặt khác, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, bà Annalena Baerbock vừa nói nếu Ba Lan chuyển xe tăng Leopard 2 của họ, vốn mua từ Đức, cho Ukraine, thì Berlin không phản đối.
Trước đó, Đức không đồng ý để Ba Lan đem xe tăng “Made in Germany” này cho Ukraine, viện cớ hợp đồng xuất khẩu xe tăng với Ba Lan không có điều khoản bán hay xuất khẩu tiếp cho bên thứ ba.
Chính phủ Ba Lan tỏ ra cứng rắn hơn và nói dù Đức đồng ý hay không thì họ sẽ vẫn chuyển xe tăng cho Ukraine.
Nay, sau phát biểu của bà Baerbock, Ba Lan nói sẽ xin phép Đức để đưa 14 chiếc Leopard 2 của mình cho Ukraine.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Đây là con số tượng trưng chứ không giúp Ukraine thay đổi cán cân lực lượng về thiết giáp với Nga.
Ukraine cần ít nhất 300 chiếc xe tăng chiến trường thì mới chống lại được một cuộc tấn công mới của Nga.
Trên toàn châu Âu có chừng 2000 chiếc Leopard mà Đức bán ra cho các đồng minh, đối tác.
Leopard 2 là loại “battle tank” – xe tăng chiến trường, có khả năng tác chiến trên các bình nguyên trong những trận đấu tăng.
Giới quan sát quân sự tin rằng Leopard 2 với nòng pháo lớn và độ chính xác khi tác xạ từ xa, là “đối thủ nặng cân” để Ukraine chống lại tăng T-90 của Nga.
Nhu cầu xe tăng hạng nặng được Ukraine coi là “vấn đề sống còn” cho cuộc chiến chống lại quân Nga.
Tuy thế, Hoa Kỳ cũng chưa đồng ý cho Ukraine xe tăng Abrams vì lo ngại chiến tranh leo thang.
Estonia, Lithuania và Latvia vừa cùng lên tiếng yêu cầu Đức cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine “ngay lập tức”.
Vì sao Ukraine muốn có xe tăng Leopard của Đức?
Chris Partridge, nhà phân tích vũ khí của BBC
Xe tăng Leopard 2 là vũ khí đẳng cấp thế giới được hơn chục quốc gia sử dụng.
Ukraine coi xe tăng là một phần quan trọng khác trong hệ thống phòng thủ chống lại quân đội Nga và loại xe tăng Leopard đã tham chiến ở Afghanistan và Syria.
Điều khiến loại xe tăng này đặc biệt hấp dẫn đối với Kyiv là gần 2/3 số lượng xe tăng Leopard được sản xuất vẫn ở châu Âu. Vì vậy, trên thực tế việc đưa những chiếc Leopard vào cuộc chiến là điều tương đối đơn giản. Lý do này cũng khiến cho việc bảo trì và sửa chữa - những khía cạnh quan trọng của bất kỳ hệ thống vũ khí nào - cũng trở nên dễ dàng hơn.
Điểm cần chú ý trong tất cả những điều trên là Đức đang cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không quan trọng, chẳng hạn như tên lửa phòng không IRIS-T và Patriot, cũng như các xe bọc thép.
Liên Âu tránh đưa Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố
Thanh Hà/RFI
Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell phát biểu với giới truyền thông trước khi tham gia cuộc họp các ngoại trưởng Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 23/01/2023. AP – Virginia Mayo
Ngày 23/01/2023 ngoại trưởng khối Liên Hiệp Châu Âu thông qua một đợt trừng phạt mới nhắm vào một số quan chức Iran vì trách nhiệm trong cái chết của cô Mahsa Amani hồi tháng 9/2022. Tuy nhiên Bruxelles tránh đưa tổ chức Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran vào danh sách đen các tổ chức khủng bố.
Trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, Thụy Điển thông báo Bruxelles mạnh mẽ lên án chính quyền Iran « thô bạo và sử dụng sức mạnh một cách bất tương xứng nhắm vào người biểu tình » từ mùa thu vừa qua. Phòng trào nổi dậy bùng lên tại Iran. 519 người bị hành quyết, hơn 19.000 người bị bắt giữ theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch. Đây là một trong hai lý do khiến Liên Hiệp Châu Âu ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số các quan chức trong chính quyền Teheran.
Hãng tin Mỹ trích dẫn hai nguồn tin ngoại giao của châu Âu đưa ra con số 37 nhân vật trong chính quyền Iran bị đưa vào danh sách đen hôm nay.
Tuy nhiên Liên Âu bác bỏ khả năng đưa Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đây là một nhánh độc lập với bên quân đội. Vai trò của tổ chức này nhằm bảo vệ hệ thống chính trị của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.
Lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josph Borrell sáng nay cho biết Bruxelles không thể đưa tổ chức này vào danh sách trừng phạt như Mỹ đã từng làm từ năm 2019, dưới thời tổng thống Donald Trump. Ông giải thích : để trừng phạt tổ chức Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo thì cần phải có một phán quyết của Tư Pháp trước đã.
AP bình luận, Liên Hiệp Châu Âu lo ngại trừng phạt trực tiếp Vệ Binh Hồi Giáo Cách Mạng Iran sẽ làm tiêu tan những hy vọng vốn rất mong manh, để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.
Song theo một số nhà quan sát Liên Hiệp Châu Âu cần có hành động cụ thể để trừng phạt Iran cung cấp drone cho Nga trên chiến trường Ukraina.
Úc tăng tốc mua thủy lôi để tăng cường phòng thủ trên biển
Trọng Nghĩa/FRI
Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu trước Quốc hội Papua New Guinea, ngày 12/01/2023. AP
Chính quyền Úc ngày 23/01/2023 cho biết sẽ đẩy nhanh kế hoạch mua các loại thủy lôi tối tân để bảo vệ các tuyến hàng hải và hải cảng. Quyết định tăng cường phòng thủ trên biển được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có kế hoạch gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Theo một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Úc được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, Canberra “đang đẩy nhanh việc mua các loại thủy lôi thông minh, sẽ góp phần đảm bảo an ninh cho các tuyến hàng hải và bảo vệ hướng ra biển của Úc… Việc bố trí các bãi thủy lôi hiện đại để phòng thủ sẽ là một sự răn đe đáng kể đối với những kẻ xâm lược tiềm tàng.” Thủy lôi “thông minh” được thiết kế để phân biệt các mục tiêu quân sự với các loại tàu khác.
Mặc dù bộ Quốc Phòng Úc không nêu rõ bất kỳ chi tiết nào khác, nhật báo Úc The Sydney Morning Herald vào hôm nay tiết lộ rằng Canberra sẽ chi tới 1 tỷ đô la Úc (698 triệu đô la Mỹ) để mua loại vũ khí này. Trích dẫn một số nguồn tin công nghiệp quốc phòng, tờ báo cho rằng chính phủ Úc sẽ sớm công bố hợp đồng mua “một số lượng đáng kể” thủy lôi từ một nhà cung cấp vũ khí châu Âu.
Trên kênh truyền hình Úc ABC, thủ tướng Anthony Albanese xác định rằng nước Úc cần phải có được những phương tiện tự vệ thuộc loại tốt nhất, và chính quyền đã quan tâm đến các vấn đề từ phòng thủ tên lửa, an ninh mạng, cho đến tất cả những vấn đề khác.
Theo ghi nhận của Reuters, Trung Quốc hiện có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở vùng Thái Bình Dương và đã ký kết một hiệp ước an ninh với Quần Đảo Solomon vào năm ngoái. Các động thái đó đã gây lo ngại ở Mỹ và Úc, những nước trong nhiều thập kỷ đã coi khu vực này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Trong những năm gần đây, Úc đã tìm cách tăng gia ngân sách quốc phòng, trong đó có việc ký kết một thỏa thuận vào năm 2021 để mua tàu ngầm hạt nhân từ Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Trung Quốc : Vũ Hán bước vào cuộc sống hậu Covid-19
Thả bóng bay đón Tết dương lịch tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 01/01/2023. REUTERS – TINGSHU WANG
Phan Minh
Người dân Vũ Hán tại Trung Quốc hôm nay 23/01/2023 cho biết lạc quan về tương lai và không còn sợ Covid-19 nữa, tròn 3 năm sau khi thành phố bị phong tỏa do đại dịch.
Khi Trung Quốc tổ chức Tết Nguyên Đán vào cuối tuần qua, hình ảnh của Vũ Hán đã thay đổi hoàn toàn so với những cảnh tượng ảm đạm bao trùm thành phố 11 triệu dân này hồi đầu năm 2020.
Người dân địa phương chen chúc vào các khu chợ và nhiều người không đeo khẩu trang đi mua đồ chơi và ném đá xuống sông Dương Tử. Nhiều người đổ xô đến chùa Quy Nguyên, một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của Vũ Hán, lần đầu tiên mở cửa đón Tết Nguyên Đán sau 3 năm. Một số cư dân trả lời AFP rằng họ rất phấn khởi vì cuộc sống đã trở lại bình thường.
Cách đây đúng 3 năm, đại dịch Covid-19 bùng lên tại Vũ Hán, tiếp theo đó là nhiều nơi trên khắp thế giới. Trong một cuộc họp báo mới đây, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh « chia sẻ thông tin về nguồn gốc của virus ». Ba năm sau, bí ẩn vẫn bao trùm thực trạng của đại dịch ở Vũ Hán trong giai đoạn đầu tiên.
Nga huy động tên lửa siêu thanh tập trận chung với Trung Quốc và Nam Phi
Thanh Hà/RFI
Tàu chiến Nga Gorshkov phóng tên lửa siêu thanh Zircon,từ biển Trắng, phía bắc Nga, ngày 19/07/2021. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố. AP
Tàu chiến của Nga Gortchkov được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon có tầm bắn trên 1.000 km lên đường trực chỉ cảng Durban, Nam Phi, chuẩn bị tập trận chung với hải quân Trung Quốc và Nam Phi. Hãng tin Tass ngày 23/01/2023 loan tải tin trên vào lúc ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hội đàm với đồng cấp Nam Phi, Naledi Pando về chiến tranh Ukraina.
Trích dẫn một nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Nga xin được giấu tên, hãng tin TASS tiết lộ, tàu chiến Gortchkov đang hướng tới hải cảng Tartous tại Syria chặng đầu trước khi đi tiếp sang Nam Phi. Tàu được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới Zircon. Theo Matxcơva, tên lửa này có thể bay với tốc độ « cao hơn gấp 9 lần tốc độ của âm thanh » và tấn công các mục tiêu cách xa hơn 1.000 cây số.
Theo Pretoria, cuộc tập trận chung lần này ra từ ngày 17 đến 27/02/2023 ở ngoài khơi cảng Durban và vịnh Richard Bay, bờ đông Nam Phi. Đây là lần thứ nhì hải quân ba nước thành viên BRICS (khối các nền kinh tế đang trỗi dậy) cùng diễn tập. Lần đầu là vào năm 2019.
Tổng thống Vladimir Putin trong thời gian gần đây đã ra lệnh cho hải quân Nga điều chiếc Gortchkov ra ngoài khơi Na Uy và theo giới phân tích, đây là tín hiệu báo trước Matxcơva không lùi bước trong cuộc chiến ở Ukraina.
Đang có mặt tại Pretoria trong một cuộc họp với đồng cấp Nam Phi, khi được hỏi về cuộc tập trận vào tháng tới giữa hải quân Nga, Trung Quốc và Nam Phi, và Matxcơva huy động cả tên lửa siêu thanh, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trả lời ngắn gọn : Phía Nga không muốn gây « ồn ào » và Matxcơva cung cấp « tất cả những thông tin cần thiết » về các chương trình diễn tập quân sự.
Về phần ngoại trưởng Nam Phi, Naledi Pando, bà giải thích cuộc tập trận chung với hai đối tác lớn trong khối BRICS nằm trong khuôn khổ các hoạt động « bình thường » hàng năm, trong « quan hệ » giữa Nam Phi với Nga cũng như với Trung Quốc. Tới nay, tại Liên Hiệp Quốc, Nam Phi tránh bỏ phiếu lên án Nga xâm lược Ukraina.
EU dọa sẽ trừng phạt Twitter nếu không kiểm duyệt theo ý họ
Phó Chủ tịch phụ trách Giá trị và Minh bạch của Ủy ban Châu Âu Věra Jourová tuyên bố, mạng xã hội Twitter sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu không tuân thủ các quy định trực tuyến mới của Liên minh Châu Âu (EU).
“Thời Miền Tây hoang dã đã qua rồi,” phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Věra Jourová nói với EuroNews Next tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, khi ví hoạt động những ngày nay ở Twitter với thời Miền Tây hoang dã những năm đầu của Hoa Kỳ, theo EuroNews.
Từ khi tỷ phú Musk tiếp quản Twitter, ông được đông đảo cư dân mạng hoan nghênh vì đã thực hiện cam kết đem lại tự do ngôn luận cho nền tảng xã hội này. Tuy nhiên, EU đã vài lần tỏ ý không hài lòng về cải cách này của ông. Bà Jourová cho biết EU sẽ có một bộ các quy tắc mới để bảo vệ quyền ngôn luận và Twitter sẽ bị trừng phạt nếu không tuân theo.
“Chúng tôi sẽ có Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số [DSA]. Chúng tôi sẽ có Quy tắc thực hành như một phần của luật này,” bà Jourová nhấn mạnh.
“Vì vậy, sau khi ông Musk tiếp quản Twitter với ‘chủ nghĩa chuyên chế về quyền tự do ngôn luận’, chúng tôi cũng là những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận.”
“Nhưng đồng thời, chúng tôi không thể chấp nhận, chẳng hạn như nội dung bất hợp pháp trực tuyến, v.v. Vì vậy, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi có các quy tắc phải tuân thủ, nếu không sẽ có các biện pháp trừng phạt,” bà nói thêm.
Một bộ luật mới, bao gồm DSA và Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA), đã được quốc hội EU ký ban hành vào tháng 10 năm ngoái và dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo khung pháp lý mới, nhằm bảo vệ quyền của người dùng trực tuyến và xóa nội dung bất hợp pháp hoặc thông tin sai lệch, các nền tảng có thể bị phạt tới 6% doanh thu hàng năm nếu bị cơ quan quản lý của EU phát hiện vi phạm các quy tắc.
Khi được hỏi liệu các biện pháp trừng phạt tài chính có đủ để khiến các nền tảng như Twitter tuân thủ các quy tắc mới hay không, bà Jourová nói rằng “luật pháp chưa bao giờ là lựa chọn duy nhất” để buộc các nền tảng phải tuân thủ.
“Tôi đã làm việc với các nền tảng, các ‘ông lớn’, và đôi khi là các ‘bà lớn’, đã được vài năm. Và đối với tôi, luật pháp chưa bao giờ là lựa chọn duy nhất,” bà nói với Euronews Next.
Bà có nhắc đến biện pháp Gentlemen Agreement (Thỏa thuận của quý ông), qua đó các bên lập ra một số thỏa thuận không nhất định phải bằng văn bản khi giải quyết vấn đề mà bà miêu tả là chống lại nội dung gây thù hận.
“Làm thế nào để thúc đẩy họ làm mọi việc? Chúng tôi đã có một số ‘thỏa thuận của các quý ông’, như Quy tắc ứng xử chống lại nội dung gây thù hận, điều này rất quan trọng vào năm 2016 khi chúng tôi chứng kiến sự gia tăng cực độ của sự thù hận trực tuyến nhắm vào những người hoặc nhóm công dân cụ thể.”
“Vì vậy, tôi luôn muốn kết hợp giao tiếp và thảo luận đàng hoàng, đồng thời kiểm tra xem họ có thể đi bao xa trong khuôn khổ của một số loại trách nhiệm xã hội.”
Khi được hỏi liệu ông Musk có hành động thiện chí với EU hay không, bà Jourová khẳng định EU “khá bối rối” trước “các quyết định tùy tiện” của ông Musk trong thời gian vừa qua.
Từ khi ông Musk tiếp quản Twitter, một loạt các tài khoản đã được ông khôi phục, điển hình là tài khoản của Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người bị Twitter thời chủ cũ “bịt miệng” vào tháng 2/2021.
Ông Musk cũng công bố cái mà ông gọi là “Hồ sơ Twitter” vạch trần việc cơ quan chính phủ nhúng tay vào kiểm soát nội dung trên Twitter phục vụ mục đích chính trị. Ví dụ che dấu vụ bê bối ổ cứng Hunter, hay che dấu thông tin về dịch bệnh virus Vũ Hán và vắc-xin của nó. Lối mở cửa của ông Musk cho phép không ít những thông tin trái chiều có thể xuất hiện và đến được cư dân mạng. Ông Musk cũng triển khai mạnh mẽ việc ngăn chặn các thông tin độc hại như khủng bố và lạm dụng tình dục trẻ em.
Thiên Đức (T/h)
Trong vòng 18 tháng, ông Tập ba lần đổi tư lệnh chiến khu trung ương
Mary Hong
Các binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân đứng trước một màn hình lớn khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập chính quyền ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2019. (Ảnh: Jason Lee/Reuters)
Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương (CTC) của Trung Quốc đã bổ nhiệm vị tư lệnh thứ ba trong vòng một năm rưỡi. Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng hành động này là một nỗ lực khác của ông Tập Cận Bình nhằm bảo đảm có người thân tín trong quân đội. Nhưng một số điểm bất thường cũng chỉ ra sự bất an của ông Tập trong mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Hôm 18/01, ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), đã phong quân hàm cấp tướng cho ông Hoàng Minh (Huang Ming), tư lệnh mới được thăng chức của CTC ở Bắc Kinh. Thượng tướng 60 tuổi Ngô Á Nam (Wu Yanan) đã từ chức tư lệnh CTC.
Trước đó, ông Ngô đã thay thế Tư lệnh tiền nhiệm Ất Hiểu Quang (Yi Xiaoguang) hồi tháng 01/2022.
Ông Ất đảm nhận chức vụ này từ tháng 08/2021 và được thuyên chuyển sang Chiến khu Đông Bộ khi ông Ngô tiếp quản.
Không rõ chức vụ hiện tại của ông Ngô là gì. Tuy nhiên, ông đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước CCTV hôm 13/01 trong bản tin nói về cuộc họp mở rộng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của CMC.
Ông Tập muốn giành được sự ủng hộ của quân đội
CTC bảo vệ 7 tỉnh, trong đó có Bắc Kinh, nơi đặt sở chỉ huy. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là bảo vệ thủ đô và hỗ trợ hoạt động tại các chiến khu khác.
Hôm 19/01, nhà bình luận Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng ông Tập đã thăng cấp tướng cho cả ba tư lệnh CTC. Việc thường xuyên thay đổi chỉ huy CTC và thăng chức cho thấy ông Tập đã cố gắng lấy lòng quân đội bằng cách mở rộng đội ngũ tướng lĩnh của mình.
Kể từ khi ông Tập trở thành Chủ tịch CMC vào năm 2012, ông đã thăng chức cho một số tướng lĩnh để xây dựng nhóm người thân tín của mình trong quân đội. Chẳng hạn, ông đã thăng hàm tướng cho bảy quân nhân cao cấp hồi tháng 01/2022.
Tuy nhiên, ông Lý nghi ngờ tính hiệu quả của những nỗ lực từ ông Tập. Khi nói về lý lịch của những người được bổ nhiệm, ông Lý cho hay, “Cả ông Ngô và ông Hoàng đều là người của ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou), Quân đoàn 16 ở Đông Bắc.”
Ông Từ, trước đây là phó chủ tịch CMC và là người quyền lực thứ hai trong quân đội Trung Quốc, được cho là không trung thành với ông Tập Cận Bình. Ông Từ qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2015, nhưng bị cách chức và bị điều tra về tội hối lộ hồi tháng 03/2014.
Dữ liệu công khai cho thấy ông Hoàng trước đây là tham mưu trưởng của Quân đoàn 16, và được thăng cấp thiếu tướng hồi tháng 07/2014.
Ông Ngô là phó tư lệnh của Quân đoàn 16 hồi tháng 07/2013 và được thăng cấp thiếu tướng hồi tháng 07/2014.
Ông Lý cho biết ông Tập cần sự an toàn cho một vị trí thực chất như chỉ huy của một chiến khu. Tuy nhiên, không có nhiều người mà ông có thể thực sự tin tưởng.
“Ông ấy phải dựa vào các vị trí chính thức để thu phục họ,” ông Lý cho hay.
Những bất thường trong Quân đội
President Xi Jinping, left, speaks after he reviewed the Chinese People’s Liberation Army (PLA) Navy fleet in the South China Sea. From Asia to Africa, London to Berlin, Chinese envoys have set off diplomatic firestorms with a combative defense whenever their country is accused of not acting quickly enough to stem the spread of the coronavirus pandemic. (Li Gang/Xinhua via AP, File)
Vào ngày 03/01/2018, ông Tập Cận Bình đã ban hành các chỉ thị huấn luyện quân sự trong một buổi lễ huy động lớn tại một căn cứ huấn luyện và yêu cầu quân đội nâng cao khả năng chiến thắng cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Kể từ đó, ông Tập đã ký một lệnh huy động hàng năm, được gọi là Quân lệnh số 1, cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vào ngày làm việc đầu tiên sau ngày 01/01.
Tuy nhiên, không có thông tin gì về Quân lệnh số 1 cho năm 2023, và hai tuần đã trôi qua kể từ ngày 01/01 năm nay.
Hôm 14/01, nhà bình luận Thẩm Chu (Shen Zhou) cho biết trong một bài báo rằng việc không có Quân lệnh số 1 cho năm 2023 có thể là do hành động khiêu khích quân sự gần đây của PLA ở Biển Đông đã phơi bày điểm yếu của Bắc Kinh.
Ông cũng nghi ngờ rằng cuộc “Cách mạng Giấy Trắng” chống phong tỏa, vốn đã buộc ông Tập phải từ bỏ chính sách zero COVID, đã khiến ông Tập cân nhắc thêm. “Nếu xảy ra chiến tranh, điều khiến ông Tập quan tâm nhất có thể là sự đảo chính trong nội bộ, điều mà sẽ nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền,” ông Thẩm cho hay.
Các cuộc biểu tình bằng giấy trắng diễn ra sau khi một vụ cháy chung cư kinh hoàng ở thành phố Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) xảy ra ở phía tây bắc Trung Quốc, khiến 10 người, bao gồm cả trẻ em, thiệt mạng hồi tháng 11/2022. Nhiều người cho rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của ĐCSTQ là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này.
Do đó, một số người biểu tình đã giơ những tờ giấy trắng như một biểu tượng của sự thương tiếc, và để phản đối sự kiểm duyệt đồng thời bày tỏ sự kháng nghị của họ đối với chế độ cộng sản.
Đảo chính trong nước có thể xảy ra
Sự bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc, kết hợp với việc chính quyền đột ngột dỡ bỏ các hạn chế đi lại và các hạn chế COVID khác, đã dẫn đến thiệt hại nhân mạng thảm khốc đối với người dân Trung Quốc. Trong số những người tử vong có cả các quan chức và lãnh đạo quân đội cao cấp.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, người con của một quan chức cao cấp nói với The Epoch Times rằng đã có nhiều lời phàn nàn về khả năng lãnh đạo phòng chống COVID-19 của ông Tập trong số các nguyên thủ quân đội đã về hưu, vì nhiều sĩ quan đã về hưu sống trong các khu chung cư quân sự của ĐCSTQ đã qua đời trong những làn sóng lây nhiễm COVID này.
Thiên Minh (Tian Ming) (hóa danh) cho biết một điều gì đó lớn như đảo chính trong giới quan chức cao cấp có thể xảy ra trước tháng Ba, khi ĐCSTQ tổ chức hai cuộc họp chính trị hàng đầu hằng năm kéo dài nhiều tuần được gọi là Lưỡng Hội.
Có lẽ ông Tập quả thực đã lo lắng.
Cuối năm 2022, ông Tập kêu gọi các thành viên Bộ Chính trị duy trì sự thống nhất cao với Ủy ban Trung ương Đảng, để ủy ban này có thể tiếp tục thực hiện “sự lãnh đạo mạnh mẽ, tập trung, và thống nhất” tại cuộc họp sắp tới.
Ông yêu cầu các thành viên Bộ Chính trị nhanh chóng báo cáo Ủy ban Trung ương những quyết sách và vấn đề lớn, cũng như những diễn biến quan trọng trong lĩnh vực họ phụ trách.
Trong bài diễn văn Năm Mới 2023, ông Tập cũng sử dụng một giọng điệu xoa dịu.
“Việc những người khác nhau có mối quan tâm khác nhau hoặc có quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề là điều tự nhiên,” ông nói, mặc dù không rõ chính xác ông đang đề cập đến ai.
Nhã Đan biên dịch
Hoa Kỳ : Một cựu quan chức cấp cao FBI bị bắt vì quan hệ với tài phiệt Nga
24/01/2023
Charles McGonigal, cựu nhân viên FBI ở New York, Hoa Kỳ, lúc rời tòa án ngày 23/01/2023. AP - John Minchillo
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm qua 23/01/2023 cho biết đã bắt giữ Charles McGonigal, một cựu quan chức cấp cao của FBI hôm 21/01. Người này bị cáo buộc có mối liên hệ với nhà tài phiệt người Nga Oleg Deripaska, thân cận với tổng thống Putin.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm chi tiết :
Ông đã từng là lãnh đạo phản gián cấp cao nhất tại văn phòng FBI ở New York. Ông thậm chí từng làm việc ở đó trong vòng 22 năm trước khi rời FBI vào năm 2018. Nhưng Charles McGonigal đã mang theo thứ quý giá nhất và cũng là thứ có thể gây nguy hại nghiêm trọng nhất : sổ ghi địa chỉ các mối quan hệ của ông. Bộ Tư pháp cáo buộc ông McGonigal đã phản bội lời thề của mình, nhận tiền để lập mạng lưới cho mượn tên, phục vụ một nhà tài phiệt Nga làm giàu trong ngành nhôm, Oleg Deripaska, được cho là thân tín với Vladimir Putin.
Charles McGonigal bị buộc tội tìm cách giúp ông Deripaska lách các lệnh trừng phạt trong khi công việc của ông là làm điều ngược lại và đồng thời phải điều tra về các nhà tài phiệt đối thủ. Ông cũng sử dụng các mối quan hệ của mình để tìm một chỗ thực tập trong cơ quan chống khủng bố thuộc sở cảnh sát New York cho con gái của một nhân viên của đối tác quỷ quyệt của ông, và chính nhân viên này cũng từng là một nhà ngoại giao của Liên Xô cũ và sau đó là Nga.
Trong một hồ sơ khác, ông ta bị cáo buộc đã nhận hối lộ từ các quan chức Albania. Trái với quy định của FBI, Charles McGonigal đã không báo cáo việc ông thiết lập quan hệ với các quan chức nước ngoài, bao gồm cả thủ tướng Kosovo. Ông bị bắt vào thứ Bảy lúc xuống máy bay tại New York khi từ nước ngoài trở về.
Không có nhận xét nào