Vi và Nam thân,
Tôi xin cám ơn các anh chị đã hỏi về những dữ liệu liên quan đến mức độ tham nhũng hiện nay và khả năng chống tham nhũng của nhà nước VN. Tôi đã tìm mấy ngày nhưng dường như chỉ có hai tài liệu là có thể thích hợp với những câu hỏi mà các anh chị đặt ra.
Tài liệu thứ nhất là cuốn sách mới xuất bản của cô Kimberly Kay Hoang, một học giả, tác giả và giáo sư khoa Xã hội học tại Đại học Chicago ở Mỹ. Cô từng đoạt các giải thưởng trong những nghiên cứu. Cuốn sách của cô tựa “Chủ nghĩa tư bản mạng nhện: Cách giới tinh hoa toàn cầu khai thác các thị trường đang phát triển” đã được Nhà xuất bản Đại học Princeton xuất bản cuối năm 2022. [1]
Cuốn sách mô tả cách những người giàu có và quyền lực sử dụng các tập đoàn vỏ bọc ở nước ngoài để che giấu tài sản của họ, lũng đoạn ngân quỹ các nước đang phát triển và khiến họ trở nên giàu có hơn. Cô khám phá cơ chế đằng sau các mạng lưới giữa những người rất giàu, những người có quyền lực và các tập đoàn vỏ bọc trung gian (gồm luật sư, kế toán viên, thư ký công ty và các tác nhân “sửa chữa” khi công việc đi trật đường) để tạo điều kiện cho sự di chuyển bất hợp pháp của các ngân khoản khổng lồ qua biên giới và trên toàn cầu.
Cô sử dụng các trường hợp của VN và Myanmar để mô tả các cách khác nhau để vốn di chuyển từ các quỹ nước ngoài (ví dụ ở Singapore và Hồng Kông) trước khi đến các thị trường mới nổi và cận biên (VN và Myanmar) để đầu tư. Bằng cách phỏng vấn các tác nhân và các tổ chức trong mạng lưới (dùng các cách nghiên cứu khéo léo để những người được phỏng vấn không lo sợ vì bị lộ), cô diễn tả diện mạo cho vốn toàn cầu bằng cách tập trung vào những người làm việc phối hợp với nhau để cùng nhau thực hiện các giao dịch.
Các giao dịch nầy là chuỗi kết nối từ những hoạt động có liên quan đến 1) nguồn vốn (ngoài và trong các nước đang phát triển), 2) các giao dịch tài chính hợp pháp để che dấu những dịch vụ bất hợp pháp, và 3) những người cực giàu có mức độ kiểm soát trên toàn hoạt động của mạng lưới (nhưng dấu mặt) và những người thực thi các hoạt động giao dịch một cách công khai. Bằng cách cấu trúc mạng lưới theo ba chiều sâu này, những người cực giàu làm việc trong bóng tối, bao gồm cả việc cất giấu tiền mà họ cướp được từ ngân quỹ của các nước đang phát triển, và che dấu cho những nhân tố quyền lực ở các nước nầy trong việc thâm thủng ngân quỹ.
Vào năm 2016, một nguồn ẩn danh đã rò rỉ 11,5 triệu tài liệu tài chính thường được gọi là Hồ sơ Panama. Những trang này, đã được giữ kín bởi đặc quyền của luật sư-khách hàng, đã kết nối hơn 140 cá nhân cực kỳ giàu có—bao gồm cả Vladimir Putin, Quốc vương Ả Rập Saudi và nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc Tập Cận Bình—trên 50 quốc gia với các công ty nước ngoài vào 21 nơi được coi là thiên đường trốn thuế, chẳng hạn như Quần đảo Cayman, Panama và Quần đảo Virgin thuộc Anh, để kể tên một số.
Cuộc điều tra năm 2015 của công ty 1Malaysia Development Berhad [1MDB] đã tiết lộ rằng 4,5 tỷ đô la Mỹ từ quỹ hưu trí công của Malaysia đã bị bòn rút vào tài khoản cá nhân của cựu Thủ tướng nước này, Najib Razak, và nhà tài chính người Malaysia, Taek Jho Low. Trong cuộc điều tra về 1MDB, nhà băng Goldman Sachs, có trụ sở chính tại New York và là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất toàn cầu, thừa nhận đã âm mưu thực hiện một kế hoạch hối lộ hơn 1 tỷ USD cho các quan chức ở Malaysia và Abu Dhabi để có được các giao dịch kinh doanh béo bở.
Hai vụ bê bối điển hình nầy cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về mạng lưới sâu rộng, đan xen giữa các thị trường hợp pháp và bất hợp pháp, đồng thời tiết lộ mức độ mà các cấu trúc tài chính toàn cầu đã tạo ra một “hố đen” kinh tế, trong đó một nhóm rất nhỏ gồm các thành phần ưu tú về chính trị và kinh tế có đặc quyền di chuyển và quản lý tiền thông qua các tập đoàn vỏ bọc ở nước ngoài. Đây là những công ty giấy không có hoạt động kinh doanh tích cực được thành lập chỉ nhằm mục đích nắm giữ tiền, quản lý các giao dịch tài chính của một thực thể khác, giảm nghĩa vụ thuế một cách hợp pháp và che giấu chủ sở hữu thực sự của tài sản tẩu tán từ trong nước.
Những người dân thường ở Nga, Trung Quốc hay VN thường lo lắng rằng chính phủ của họ có thể bất cứ lúc nào có thể tịch thu tài sản của họ. Ở những quốc gia này, giới tinh hoa chính trị, gia đình ruột thịt của họ và các cộng sự thân thiết của họ thường hoạt động đằng sau những tập đoàn vỏ bọc xuyên qua nhiều nước, đứng đầu bởi những người quản lý tài sản tư nhân được trả thù lao cao, những người đầu tư tiền thay mặt họ.
Tăng trưởng kinh tế ở các nước kém phát triển thường là hệ quả của mối quan hệ chặt chẽ giữa giới tinh hoa kinh tế (nhà đầu tư trong nước và nước ngoài) và giới tinh hoa chính trị (ví dụ như đảng viên và cán bộ ở VN) dẫn đến nhiều loại tham nhũng và một loạt các cấu trúc thuế cho phép giới tinh hoa toàn cầu thao túng thị trường các nước này mà không bị trừng phạt. [1] Giới tinh hoa kinh tế nuôi dưỡng mối quan hệ với giới tinh hoa chính trị để tiếp cận thị trường. Sử dụng kết hợp các hoạt động bất hợp pháp và hợp pháp, họ bao che hối lộ cho giới tinh hoa chính trị thông qua các tập đoàn vỏ bọc nước ngoài để che giấu sự giàu có của họ và sự di chuyển bất hợp pháp của cải qua biên giới và trên toàn cầu.
Giới tinh hoa sử dụng nhiều chiến lược che giấu dẫn đến nhiều loại tham nhũng. Họ làm việc trong vùng xám thông qua sự kết hợp của các hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, đặc biệt là trong các mối quan hệ ràng buộc các quan chức chính trị chủ chốt và giới tinh hoa kinh tế. Bằng cách bóc tách sự giao thoa giữa các hoạt động bất hợp pháp và hợp pháp, tác giả của cuốn sách minh họa cách các nhà đầu tư lừa bịp dân và che dấu các khoản hối lộ cho giới tinh hoa chính trị. Trong vùng xám này, hoạt động bất hợp pháp định hình các khoản đầu tư hợp pháp.
Các giao dịch đầu tư mà tác giả cuốn sách đã nghiên cứu nằm trong khoảng từ 200.000 đô la Mỹ đến 450 triệu và đại diện cho các lĩnh vực như bất động sản, sản xuất, khai khoáng, công nghệ, dịch vụ ngành, thương mại. Một lý do chính đầu tư như vậy vào các lĩnh vực đa dạng của nền kinh tế là đối với hầu hết các nhà đầu tư, việc tiếp cận ít tùy thuộc vào chuyên môn hơn là vào các mạng lưới quan hệ với quyền lực. Mối quan hệ quyền lực là vấn đề cốt lõi nhất trong tất cả các loại môi giới giao dịch, và một khi giao dịch hoàn tất, các tập đoàn võ bọc sẽ dàn dựng công ty, sẽ thuê phù hợp giám đốc điều hành để thực hiện các kinh doanh thật sự, chẳng hạn như quản lý nhân viên và điều hành hoạt động của công ty.
Tài liệu thứ hai là từ Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính, một cơ quan liên chính phủ độc lập để phát triển và thúc đẩy các chính sách để bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. [2] Báo cáo của tổ chức ghi lại một trường hợp liên quan đến VN, bao gồm một cấu trúc công ty phức tạp dường như không đòi hỏi mức độ phức tạp đó hoặc không thể biện chứng về làm thương mại.
Ca số 80 – New Zealand - Các công ty vỏ bọc có trụ sở tại Panama, Belize và Vương quốc Anh với các cổ đông và giám đốc dàn dựng đã được sử dụng để mở tài khoản ngân hàng ở Latvia để thực hiện các khoản thanh toán quốc tế trị giá hàng trăm triệu đô la. Phần lớn các giao dịch là các khoản thanh toán được thực hiện thay mặt cho cá nhân và các tổ chức VN đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc thanh toán cho người VN ở nước ngoài thay mặt cho những người gửi ở VN. Kết nối đặc trưng từ VN cho thấy các tài khoản có thể được kiểm soát hoặc quản lý từ bên trong VN. Các tài khoản ngân hàng ở New Zealand đã được sử dụng để nhận tiền chuyển từ các tài khoản ngân hàng ở Latvia, Campuchia và Trung Quốc. Các tài khoản ở New Zealand là tài khoản của sinh viên hoặc của các nhà bán buôn và xuất khẩu trái cây. Hơn 15 tài sản ở New Zealand đã được mua bằng tiền từ các tài khoản ngân hàng của Latvia.
Tôi xin ứng dụng những kiến thức nhỏ tôi học được từ hai tài liệu nầy vào một trường hợp đầu tư gần đây ở VN - dự án đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ với mức giá 9 tỷ Mỹ kim. [3] Dự án được đề nghị là đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, nhà nước chi trả giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn để xây dựng, thử nghiệm hạ tầng và bàn giao cho nhà nước theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê. Các nhà đầu tư bỏ tiền vào xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng và cho nhà điều hành thuê trong 30 năm.
Tôi không rõ chi tiết về dự án thành thử những phỏng tính kế tiếp chỉ là để minh họa mà thôi. Giả sử dự án cần 10 tỷ Mỹ kim để trang trải chi phí về xây dựng, thiết lập và bảo trì tuyến đường và cơ sở hạ tầng để cho nhà điều hành thêu trong 30 năm. Giả sử nữa là 10 tỷ nầy là từ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo dữ liệu từ những nghiên cứu trích trong cuốn sách của cô Hoàng, [4] khoảng 30% tiền đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được dàn dựng thông qua mạng lưới với các công ty vỏ bọc. Hay nói cách khác, 3 tỷ trong số 10 tỷ nầy có thể phải chịu rủi ro từ gian lận, lừa dối, sai trái nhằm mục đích thu lợi tài chính hoặc cá nhân.
Hậu quả thất thoát khoảng 3 tỷ Mỹ kim là tương đương với giảm chi tiêu hàng năm 18% cho sức khỏe (ngân khoảng mỗi năm là 17,2 tỷ), với giảm chi tiêu hàng năm là 27% cho giáo dục (ngân khoảng là 10,9 tỷ). Bởi vì 7% dân mình (hay 6,72 triệu người) sống với 3,2 Mỹ kim một ngày, nếu chúng ta ngăn chận được sự thất thoát đến 3 tỷ, chúng ta có thể tạo một chương trình bổ sung thu nhập cơ bản cho 2,57 triệu người. Đây chỉ là chống thất thoát từ 1 dự án lớn.
Nhà nước hiện nay khua chiêng gióng trống về đốt lò tham nhũng, với không mấy hiệu quả qua bằng chứng là rất nhiều vụ án tham nhũng xảy ra vào năm 2022, với cường độ và mức trầm trọng có phần hơn cả những năm trước, bao gồm việc cách chức hai ông Phó Thủ tướng cùng thời điểm cuối năm 2022. Việc chống tham nhũng chỉ là cào nhẹ vào một lớp mặt của một thực thể lũng đoạn của công rất lớn, ăn sâu trong xương tủy và cùng khắp. So với tham nhũng, hậu quả của lũng đoạn và tẩu tán tài sản ra nước ngoài có tác động độc hại sâu rộng hơn rất nhiều lần. Việc chống tham nhũng của ông Trọng chỉ là ruồi bu, mạch sống cả nước bị thâm thủng rất sâu ăn vào nội tạng của dân mình.
Như đã bàn với các anh chị lúc trước, chúng ta phân tích vấn đề để tìm ra cách giải quyết. Những bài học từ hồ sơ Panama và công ty 1Malaysia Development Berhad cho thấy vai trò của phóng sự điều tra của báo chí độc lập trong việc khám phá và giải trình trách nhiệm đến những nhân sự liên hệ trong những vụ thâm thủng và ăn cắp của công khổng lồ nầy. Phóng viên và nguồn từ nhiều tờ báo lớn như The Guardian, BBC, Le Monde, SonntagsZeitung, Falter, La Nación, đài truyền hình Đức, và đài truyền hình Áo, và nhiều đài truyền hình khác làm việc bằng 25 ngôn ngữ đã sử dụng các tài liệu từ hồ sơ Panama để điều tra các cá nhân và tổ chức có liên quan đến những vụ thâm thủng tiết lộ từ hồ sơ.
Tôn trọng nhân quyền, nhất là tự do lên tiếng, tự do lập hội, tự do làm báo và thiết lập một thể chế dân chủ do dân từ dân và giải trình thường kỳ trước dân để họ lựa chọn người đại diện là phương pháp chống lũng đoạn của công và chống tham nhũng hữu hiệu, theo các tài liệu nghiên cứu. Với cách làm như thế, chính phủ không phải dốc năng lực thật lớn vào chống tham nhũng, bởi việc làm ấy có thể được gánh vác một phần bởi xã hội dân sự.
Tôi hy vọng tôi đã cố gắng để trả lời các câu hỏi của các anh chị. Việc làm bổ sung nhau qua câu hỏi từ trong và tìm dữ liệu từ ngoài để chuyển lửa về bên nhà là rất đáng trân trọng. Tôi vui khi đi tìm kiếm và giải thích những thắc mắc đó. Mong các anh chị tiếp tục đặt câu hỏi về những chủ đề tiếp cận với tình hình dân mình bên nhà. Hẹn các anh chị vào thư sau!
Thân mến, Bá
Nguồn:
1. Hoang, K.K., Spiderweb Capitalism: How Global Elites Exploit Frontier Markets. 2022: Princeton University Press.
2. Force, F.A.T., Concealment of beneficial ownership. Paris: Egmont Group, 2018.
3. Định Tường. VNTB – Dự án đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ quay trở lại mức giá 9 tỷ Mỹ kim. 09/01/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-du-an-duong-sat-sai-gon-can-tho-quay-tro-lai-muc-gia-9-ty-my-kim/.
4. The Guardian. The truth about tax havens: part 2. 09/01/2011; Available from: https://www.theguardian.com/business/2011/jan/09/truth-about-tax-havens-two.
Không có nhận xét nào