Nhiều người chờ đợi Đảng Cộng sản Việt Nam cải cách hơn nữa để chống tham nhũng.
Một số nhà bình luận nói với VOA rằng công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam, còn gọi là “đốt lò”, chưa và có lẽ sẽ không làm thay đổi triệt để tệ nạn này vì vẫn chưa thấy bóng dáng của những cải cách mang tính gốc rễ về thể chế và quyền giám sát của cả các cơ quan nhà nước lẫn của người dân.
Trong số ba vị chuyên gia mà VOA phỏng vấn hôm 29/1, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, đưa ra quan sát tích cực nhất về chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trong chỉ đạo trong nhiều năm qua đến nay.
Ông cho rằng chiến dịch này nhận được sự hưởng ứng của toàn dân và “có tác động tích cực làm bộ máy trong sạch hơn”. Sự nhũng nhiễu đã “giảm rõ rệt”, các bộ, ngành địa phương “có tiến bộ” trong nỗ lực làm việc và được các doanh nghiệp xác nhận, ông Doanh nói.
Thiếu giải pháp từ gốc
Chính thể chế sinh ra điều kiện tạo ra tham nhũng. Nếu không có biện pháp thay đổi từ gốc, cuộc ‘đốt lò’ cứ đốt mãi, đốt mãi, tham nhũng cũng khó có thể hết được.
Doanh nhân Trần Quốc Quân
Trong khi đó, hai ông Nguyễn Quang A và Trần Quốc Quân, đều là doanh nhân kỳ cựu và vẫn thường bình luận về thời cuộc Việt Nam, nhận xét rằng “đốt lò” đã kéo dài nhiều năm nhưng không hiệu quả vì không ngăn chặn được từ gốc, tức là “nơi sinh ra củi”, nên “khó chống được triệt để”.
Doanh nhân-nhà văn Trần Quốc Quân nói cụ thể:
“Chính thể chế sinh ra điều kiện tạo ra tham nhũng. Nếu không có biện pháp thay đổi từ gốc, cuộc ‘đốt lò’ cứ đốt mãi, đốt mãi, tham nhũng cũng khó có thể hết được. Nhưng như các cụ nói ngày xưa, có còn hơn không. Nếu không có ‘đốt lò’, sẽ tái hiện lại tình trạng tham nhũng khủng khiếp của năm 2010-2012”.
Với hiểu biết của người từng sống và làm ăn trong hàng chục năm ở đất nước Ba Lan đã chuyển đổi thành công từ chế độ cộng sản sang thể chế tư bản-dân chủ, ông Quân dự báo việc thay đổi về gốc rễ ở Việt Nam sẽ không diễn ra trong ngày một ngày hai.
Doanh nhân này, hiện có những dự án đầu tư ở Việt Nam, nhìn nhận rằng chế độ chính trị hiện nay sẽ “khó thay đổi trong thời gian trước mắt”, nhưng vẫn có thể cải cách một số lĩnh vực:
“Thay đổi về quy định pháp luật có thể hạn chế tham nhũng. Ví dụ, quốc hội cứ bàn mãi về sở hữu toàn dân đối với đất đai mà không đưa đến thay đổi cơ bản. Đất đai chính là mỏ vàng để quan chức lãnh đạo từ trung ương đến địa phương tham nhũng rất lớn. Các đại biểu quốc hội, hồi đồng nhân dân các cấp rất ngại động vào cái bánh sinh ra miếng ăn cho cả hệ thống quan chức”.
Quan trọng không kém là cần đưa ra quy định nói rằng kinh tế nhà nước cũng chỉ đứng ngang hàng các thành phần kinh tế khác, theo ông Quân:
“Chưa dám nói đến thay đổi căn bản về thể chế, về chế độ, thì cũng cần giảm sự lũng đoạn của cơ sở kinh tế nhà nước, không khẳng định kinh tế quốc doanh làm chủ trong hệ thống kinh tế-xã hội, không được khẳng định nó như là sự độc tôn của chế độ xã hội”.
Nói rộng hơn, cái gọi là “sở hữu toàn dân” cần bị xóa bỏ, vẫn ý kiến của ông Quân:
“Toàn dân chẳng được hưởng gì cả. Chỉ có lợi lộc cho hệ thống quan chức đục khoét cái mỏ vàng ấy để tham nhũng”.
Một phiên tòa xử quan chức tham nhũng trong hãng nhà nước Petrol Vietnam, tháng 1/2018.
Một là các cơ quan nhà nước giám sát lẫn nhau, cái này kiểm soát cái kia, quốc hội kiểm soát hành pháp… Thứ hai, nhân dân với tư cách là người làm chủ có quyền giám sát. Nhân dân phải được tự nguyện tổ chức lại, đấy là các tổ chức xã hội dân sự.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Từ góc nhìn của mình, tiến sĩ Nguyễn Quang A lưu ý với VOA về điều quan trọng số 1 đối với việc chống tham nhũng, hay nói thiết thực hơn là làm giảm tham nhũng ở Việt Nam, là phải có thượng tôn pháp luật, không ai đứng trên pháp luật.
Yếu tố thứ hai, theo lời vị tiến sĩ, người cũng là một nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội, đó là sự giám sát lẫn nhau:
“Việc này có hai ý. Một là các cơ quan nhà nước giám sát lẫn nhau, cái này kiểm soát cái kia, quốc hội kiểm soát hành pháp… Thứ hai, nhân dân với tư cách là người làm chủ có quyền giám sát. Nhân dân phải được tự nguyện tổ chức lại, đấy là các tổ chức xã hội dân sự, họ có đủ nguồn lực để giám sát, phân tích, khảo sát… Những người dân thường rời rạc như những chiếc đũa không có khả năng làm việc đấy”.
Bên cạnh đó là yếu tố thứ ba giúp sức đắc lực cho việc giám sát, được tiến sĩ Quang A chỉ ra là tự do báo chí:
“Báo chí của người dân để làm những việc như vậy, tức là báo chí độc lập. Có 3 yếu tố đấy thì tham nhũng có thể giảm được. Tôi không nói là tham nhũng có thể diệt được vì tham nhũng dính đến quyền lực. Chừng nào còn có quyền lực, còn có tham nhũng”.
Với việc vận dụng kinh tế số, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử ... thắc mắc của công dân sẽ được công khai, đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền sẽ được cải thiện, và có thể dẫn đến giảm bớt các phiền hà đối với doanh nghiệp và công dân.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh dẫn kết quả khảo sát các doanh nghiệp, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, cho thấy 49% doanh nghiệp báo cáo rằng họ phải trả thêm chi phí ngoài pháp luật, con số này giảm 20 điểm phần trăm so với trước, nhưng vẫn còn cao.
Trong quan điểm của mình, ông Doanh bày tỏ hy vọng với VOA rằng việc “chuyển đổi số” trong hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ là một cải cách quan trọng giúp giảm tham nhũng:
“Thí dụ, công khai minh bạch về chi tiêu ngân sách của nhà nước, công khai các nguồn thu, các khoản thu… Với việc vận dụng kinh tế số, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử, và có các quy định cụ thể, chi tiết; các chi tiêu, thắc mắc của công dân sẽ được công khai, đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền sẽ được cải thiện, và có thể dẫn đến giảm bớt các phiền hà đối với doanh nghiệp và công dân”.
Lương thấp, chống tham nhũng thế nào?
Theo quan sát của VOA, nhiều người lâu nay đề cập đến vấn đề lương của công chức, quan chức Việt Nam quá thấp nên không thể không tham nhũng.
Mức lương của các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam hiện chưa đến 1.000 đô la Mỹ/tháng.
Hiện nay, mức lương của tổng bí thư đảng và chủ tịch nước Việt Nam là gần 19 triệu 400 nghìn đồng/tháng, của thủ tướng là hơn 18 triệu 600 nghìn đồng/tháng. Từ ngày 1/7/2023, các mức lương này sẽ tăng lên lần lượt là 23,4 triệu và 22,5 triệu đồng/tháng.
Nếu chính thức hóa được [các khoản thu ngoài pháp luật], để cho những người bây giờ đang tham nhũng không cần phải tham nhũng nữa mà nhận một cách đường hoàng và phải đóng thuế, tôi nghĩ cũng là một bước tiến quan trọng trong việc chống tham nhũng.
Tiến sĩ Quang A
Tiến sĩ Quang A khẳng định rằng việc tăng lương cho công chức, quan chức là điều “nhất quyết phải làm” nhưng không dễ do đặc điểm kinh tế-chính trị của Việt Nam:
“Một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa dưới sự cai trị độc tài. Giải quyết như thế nào, cần phải xem xét rất kỹ. Dù sao đi nữa, việc bớt tham nhũng đi, bớt bổng lộc đi để tăng lương cho quan chức tôi nghĩ là giải pháp rất tốt”.
Liệu trong thời gian tới nhà nước có đi đến công nhận chính thức một thực tế là các cơ sở nhà nước thu các khoản nằm ngoài pháp luật, và lấy đó làm nguồn thu công khai để tăng lương hay không? Tiến sĩ Quang A đưa ra nhận định:
“Việc ‘chính thức hóa’ hay là ‘khoán’ được nhiều người hiểu ở Việt Nam. Nếu chính thức hóa được chuyện như thế, để cho những người bây giờ đang tham nhũng không cần phải tham nhũng nữa mà nhận một cách đường hoàng và phải đóng thuế, tôi nghĩ cũng là một bước tiến quan trọng trong việc chống tham nhũng”.
Một cách khác để tăng lương, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh là giảm biên chế và việc này cần phải có kế hoạch mang tính hệ thống, toàn diện. Đây cũng là một đòi hỏi đối với bộ máy Việt Nam vì mức chi ngân sách thường xuyên của quốc gia đã rất cao trong những năm gần đây.
Hồi đầu tháng 1 năm nay, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng các cơ chế, thể chế, chính sách, quy chế để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.
Ông Trọng cũng nhắc lại nguyên tắc chống tham nhũng là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và lưu ý rằng các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vị lãnh đạo có thực quyền lớn nhất Việt Nam cũng đề cập đến việc “phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Theo quan sát của VOA, trong khi phần đông dư luận tiếp tục hoan nghênh công cuộc “đốt lò” của vị tổng bí thư, cũng có không ít người mang thái độ hoài nghi rằng khi ông Trọng hết nhiệm kỳ, với việc thiếu vắng các cải cách cần thiết, rồi đây chiến dịch chống tham nhũng sẽ đi đến đâu.
https://www.voatiengviet.com
Không có nhận xét nào