Quê Hương sưu tầm và tổng hợp
15/01/2023
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán --- (Tác giả : Phuong Vy - BM)
Đây là dịp lễ lớn nhất trong năm của Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở Đông Á như: Trung cộng, Nhật Bản,… Vậy ý nghĩa của Tết Nguyên đán là gì? Cùng Nguyễn Kim tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích qua bài viết này nhé!
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam được tính vào đầu năm Âm lịch, Tết Nguyên đán thường có nhiều tên gọi khác nhau như: Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền,…
Theo phiên âm của chữ Hán - Việt thì “Tết” theo chữ Hán là tiết, “nguyên” theo chữ Hán sẽ là sự khởi đầu và “đán” là buổi sáng sớm. Do đó, cách đọc đúng nhất phiên theo âm chữ Hán Việt là Tết Nguyên đán.
Thời gian của Tết Nguyên đán được tính như thế nào?
Tết Nguyên đán được tính bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm âm lịch, thông thường sẽ muộn hơn Tết Dương lịch từ 1 đến 2 tháng do quy luật 3 năm nhuận 1 tháng của năm Âm lịch. Vậy nên thời điểm bắt đầu Tết Nguyên đán sẽ rơi vào khoảng thời gian từ ngày 21 tháng 01 đến ngày 09 tháng 02.
Tết Nguyên đán diễn ra vào thời điểm nông dân nhàn rỗi, nghỉ ngơi để chuẩn bị tiếp vụ mùa mới. Vì theo truyền thống thì hầu hết mọi người dân Việt Nam đều làm nông do đó những lúc có thời gian rảnh rỗi sẽ có tâm lý phấn khởi, bù đắp những ngày làm việc vất vả.
Nguồn gốc của Tết Nguyên đán là gì?
Nguồn gốc của Tết Nguyên đán hiện nay vẫn có rất nhiều tranh cãi về vấn đề này.
Phần lớn thông tin sẽ cho rằng Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung cộng và du nhập vào Việt Nam vào thời điểm 1000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên theo như truyện cổ tích lịch sử Việt Nam truyện “Bánh chưng bánh dày” thì người Việt Nam đã có dịp lễ này từ đời vua Hùng nghĩa là trước 1000 năm Bắc thuộc.
Theo như Khổng Tử có viết rằng “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”, từ đó cũng có thể suy luận rằng Tết Nguyên đán là bắt nguồn từ Việt Nam.
Tuy có nhiều tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của Tết Nguyên đán là bắt nguồn từ Việt Nam hay Trung cộng nhưng có thể thấy được Tết Nguyên đán ở mỗi nước đều có những nét đặc trưng riêng và đây là dịp lễ quan trọng của người dân mỗi nước.
Ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền là gì?
Tết Nguyên đán là thời điểm giao thoa giữa trời và đất
Tết Nguyên đán được xem là thời điểm thể hiện cho sự giao thoa giữa trời đất, thần linh với con người. Tết trong Tết Nguyên đán có nghĩa là tiết (ở đây biểu hiện cho thời tiết) sẽ vận hành theo 4 mùa trong năm Xuân - Hạ - Thu - Đông, một chu trình kết thúc và có nghĩa đặc biệt cho nền kinh tế xưa khi còn dựa vào nông nghiệp là chủ yếu.
Tết Nguyên đán là dịp để tỏ lòng thành kính lên ông bà tổ tiên
Có thể nói đây là dịp quan trọng nhất trong năm mà con cháu trong nhà sẽ tập trung lại để chuẩn bị và dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên những mâm cơm, mâm ngũ quả trang trọng nhất.
Theo quan niệm từ xưa, vào dịp lễ này ông bà tổ tiên sẽ về nhà ăn Tết cùng con cháu và phù hộ cho gia đình mình được mạnh khỏe, hòa thuận hơn.
Tết Nguyên đán là ngày may mắn và hy vọng
Năm mới tượng trưng cho mở đầu mới, vì vậy mỗi dịp Tết đến mọi người thưởng rủ nhau đi chùa để cầu phúc và cầu may mắn cho một năm sắp tới.
Từ xưa đến nay luôn có quan niệm rằng Tết Nguyên đán đến sẽ xua đuổi đi những điều không may của năm cũ và đón nhận những niềm hy vọng tốt đẹp hơn cho năm mới. Vì vậy, đây là thời điểm được nhiều người lựa chọn để mở đầu công việc cho năm và là thời điểm tốt để khởi nghiệp nhờ vào vận khí năm mới.
Tết Nguyên đán là thời gian để gia đình quây quần bên nhau
Không phải gia đình nào cũng được ở gần nhau, vì vậy Tết Nguyên đán chính là thời điểm mà mọi người trong gia đình mong ngóng nhất để được đoàn tụ bên những người yêu thương. Được cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng đêm giao thừa thì đây là điều mà mọi người đều mơ ước.
Ngoài ra, đây là cũng là thời gian để con cháu tỏ tạ ơn cho ông bà, cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng bằng tình cảm chân thành nhất hay đơn giản bằng những món quà cho ngày Tết.
Tết Nguyên đán là dịp để bày tỏ lòng thành kính tới thần linh
Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam rất xem trọng việc thờ cúng ông bà tổ tiên để cầu phúc cho gia đình. Đây cũng là dịp lễ được mọi người chú trọng nhất, theo tín ngưỡng dân gian thì người nông dân sẽ bày tỏ lòng biết ơn của mình đến thần Mưa, thần Đất, thần Mặt trời,… một năm qua đã giúp đỡ họ.
Tết là sinh nhật của mọi người
“Mừng thêm tuổi mới”: Đây là câu cửa miệng quen thuộc của ông bà, ba mẹ, cô chú khi chúc tết nhau để mừng nhau thêm một tuổi.
Vào dịp này mọi người sẽ gửi đến nhau những lời chúc may mắn nhất, hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn. Người lớn sẽ mừng tuổi cho người già và trẻ nhỏ để mong cho các cụ được sống lâu khỏe mạnh, còn các cháu sẽ lớn nhanh, ngoan ngoãn và học giỏi.
Tết Nguyên đán:Những phong tục tập quán của người Việt
Cúng ông Công, ông Táo
Trước Tết Nguyên đán, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Vào ngày này thì mỗi nhà sẽ dọn dẹp sạch sẽ căn bếp, sau đó chuẩn bị một mâm cỗ gồm trái cây, đồ mặn và phóng sinh một con cá chép. Việc này có mục đích là chuẩn bị cho ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo những việc xảy ra trong gia đình một năm qua cho triều đình.
Gói bánh chưng, bánh tét
Vào dịp Tết đến Xuân về là các hàng quán ngoài chợ đầy ắp các sạp bán lá dong, lá chuối, ống nứa để phục vụ cho công việc gói bánh ngày tết. Bởi vì bánh chưng, bánh tét chính là 2 loại bánh truyền thống nằm trong danh sách các món ăn ngày Tết không thể thiếu để dâng lên bàn thờ tổ tiên hoặc làm quà tết cho người hay bạn bè.
Ở một số khu vực hiện nay, người dân vẫn còn duy trì thói quen là vào trước Tết các gia đình trong dòng họ, hàng xóm sẽ tập trung lại với nhau để gói bánh, luộc bánh và trò chuyện xuyên đêm. Thật ý nghĩa khi truyền thống gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết vẫn còn được duy trì và truyền lại cho các thế hệ sau này đến tận bây giờ.
Lau dọn nhà, cửa
Với người dân Việt Nam việc lau dọn nhà cửa mỗi dịp cuối năm mang ý nghĩa là sẽ loại bỏ đi những điều không tốt của năm cũ chuẩn bị đón chào điều may mắn và tài lộc cho năm mới. Vì thế mà đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình được cùng nhau dọn dẹp làm mới cho các vật dụng trong nhà mình.
Ngoài ra, để trang trí nhà cửa đón Tết người Việt còn mua rất nhiều loại hoa chưng Tết với nhiều màu sắc và ý nghĩa khác nhau như: Hoa Thủy Tiên, Hoa Đồng Tiền, Hoa Cúc,...
Bày mâm ngũ quả
Một mâm ngũ quả để dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên là nét đặc trưng không thể thiếu trong dịp lễ Tết Nguyên đán, nó bày tỏ cho sự tôn kính và lòng biết ơn của con cháu trong nhà đến bề trên.
Tại mỗi vùng miền sẽ có những cách bày trí mâm ngũ quả khác nhau cũng như các loại trái cây cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên tất cả đều mang ý nghĩa chung là cầu mong cho năm mới được may mắn và bình an hơn năm cũ.
Tảo mộ
Đây là phong tục được diễn ra vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Vào ngày này con cháu trong nhà sẽ tập trung tại mộ của ông bà tổ tiên đế làm sạch khu mộ cũng như thăm viếng. Phong tục này thể hiện sự kính trọng và đạo hiếu của con cháu đối với ông bà cha mẹ và tổ tiên đã khuất.
Cúng tất niên
Cúng tất niên là nét truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đây là nghi lễ quan trọng thường được làm vào ngày 30 Tết để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Đồng thời là cột mốc đánh dấu thời điểm năm cũ qua đi để chuẩn bị đón một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.
Xông đất
Sau thời khắc giao thừa đón chào năm mới thì người đầu tiên bước vào nhà sẽ là người xông đất cho gia đình. Theo quan niệm từ xưa đến nay, người xông đất nên là người hợp tuổi với gia chủ để mang lại cho gia đình một năm làm ăn thuận lợi, sức khỏe dồi dào và gia đình hòa thuận.
Chúc tết, mừng tuổi
Năm mới đến tượng trưng cho mỗi người sẽ được thêm một tuổi, do đó mà mọi người sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất để hy vọng một năm mới nhiều thành công hơn. Thông thường, vào ngày mồng một tết con cháu sẽ đến để mừng tuổi cho ông bà , cha mẹ sau đó những người lớn sẽ lì xì lại cho trẻ con những bao lì xì đỏ cho một năm mới may mắn và học giỏi hơn.
Bài viết đã trình bày ý nghĩa của Tết Nguyên đán là gì và những hoạt động ngày Tết phổ biến của người dân Việt Nam. Hy vọng qua đây các bạn sẽ có thêm thông tin về ngày Tết cổ truyền và chúc các bạn có một cái Tết ấm cúng bên gia đình.
Phuong Vy
2. Thế gian có những Ông Táo Bà Táo nào?
Trung Hòa /13/01/23
Hình tượng Táo Quân mà người Hoa thờ cúng là một Ông Táo, hoặc là một Ông Táo và một Bà Táo, còn người Việt thờ cúng là hình tượng hai Ông Táo và một Bà Táo. (Ảnh: baike.baidu.com)
Ngày 23 tháng Chạp là ngày cúng Ông Táo, đưa ông Táo lên Trời báo cáo với Ngọc Hoàng Đại Đế, đến đêm Giao thừa thì Ông Táo trở lại nhân gian. Đây là tín ngưỡng và tập quán của người dân cả ở Việt Nam và Trung Quốc, họ cho rằng Táo Quân là chức quan được Ngọc Hoàng Đại Đế phái xuống nhân gian để theo dõi việc thiện ác của một gia đình.
Tập quán cúng Ông Táo là gửi gắm mong muốn tốt đẹp trừ tà, tiêu tai, cầu phúc. Ngoài người Việt và người Hoa ra, các nước khác đều không có Táo Quân, Nhật Bản có Thần Bếp Kamado được thờ ở bếp và những nơi dùng lửa, nhưng tính chất giống như Thần Lửa, bảo hộ nông nghiệp, chăn nuôi và gia đình, hoàn toàn không có tục cúng tiễn Táo Quân về Trời.
Táo Quân còn được gọi là Táo Công, Táo Thần, Táo Vương Gia, Táo Quân Tư Mệnh. Trong Đạo giáo gọi Táo Quân là Cửu Thiên Tư Mệnh Định Phúc Đông Trù Yên Chủ Báo Táo Hộ Trạch Chân Quân, gọi tắt là Tư Mệnh Chân Quân, hoặc tôn là Cửu Linh Nguyên Vương Bảo Táo Hộ Trạch Thiên Tôn, Cửu Thiên Vân Trù Giám Trai Sứ Quân, Cửu Thiên Hương Trù Diệu Cống Chân Quân, Định Phúc Táo Quân.
Truyền thuyết Táo Quân ở Việt Nam
Tuy nhiên Táo Quân ở Việt Nam là hai ông Táo và một bà Táo, còn được gọi là hai ông một bà đầu rau hay sự tích Thần Bếp, có khá nhiều dị bản, nhưng cốt chuyện đều khá thống nhất là hai ông một bà, trong đó sự tích phổ biến nhất như sau
1. Trọng Cao - Thị Nhi - Phạm Lang
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:
Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.
Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Táo quân Việt Nam, hình vẽ thế kỷ 19. (Ảnh: Wikipedia)
2. Hai ông một bà Đầu Rau
Có hai vợ chồng nghèo, chồng làm nghề buôn hương, vợ làm ruộng. Chồng thường xa vợ thi thoảng mới về một lần. Có lúc ông ta đi suốt năm chỉ gửi tiền về cho vợ tiêu mà thôi.
Một chuyến chồng đi biền biệt không tiền nong tin tức gì cả, người vợ chờ mãi đến gần mười năm mà vẫn không thấy tăm dạng.
Rồi đó, người vợ nối duyên với một người khác chuyên nghề săn bắn và làm ruộng. Người này có nuôi một người đầy tớ tên là Lốc. Người chồng mới rất yêu quý vợ.
Một hôm, trong khi chồng mới và đầy tớ đi săn vắng thì người chồng cũ đột nhiên trở về sau bao nhiêu năm cách biệt. Ông bị giặc bắt lưu lạc trong rừng núi mãi đến nay mới trốn thoát được. Người vợ chỉ còn biết ôm lấy chồng cũ khóc than rồi dọn cơm rượu cho ăn. Khi chồng mới sắp về, vợ đưa chồng cũ ra ngoài đống rơm để tránh tiếng không hay.
Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm mọi thứ để làm một bữa chén. Trong khi người đàn bà đi vắng thì người đầy tớ đốt đống rơm để thui con cầy. Lửa vô tình đã đốt chết người bán hương đang lúc ngủ say.
Giữa lúc đó thì vợ về. Thấy thế, nàng rất đau đớn, tự coi như mình phạm tội giết chồng cũ, vội nhảy vào đống lửa. Người chồng mới thương vợ đâm đầu vào đó thiêu nốt. Người đầy tớ thương chủ, lại thêm hối hận vì tay mình đốt chết người nên cũng nhảy vào lửa chết theo.
Ba vợ chồng sau đó được Diêm vương cho hóa thành ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa thành cái dùng để chặn đống nhấm, người ta quen gọi là thằng Lốc.
Truyền thuyết Táo Quân ở Trung Quốc
Khác với Việt Nam, Trung Quốc có rất nhiều thuyết về Táo Quân khác nhau, cụ thể như sau:
1. Hoàng Đế
Sách Vật Sự Nguyên Hội cho rằng, Hoàng Đế phát minh ra bếp, sau khi chết làm Táo Thần.
Hoàng Đế được người Hoa coi là ông tổ của họ, là người đã đánh thắng Viêm Đế, và đánh thắng Xi Vưu, thống nhất Trung Nguyên cách đây khoảng 5.000 năm, khởi đầu nền văn minh Trung Hoa. Thế nên nền văn minh Trung Hoa được cho là có lịch sử 5.000 năm. Hoàng Đế là người có công trong việc sáng tạo ra chữ viết, làm nhà, đóng xe thuyền, may được quần áo ngũ sắc, chế kim chỉ nam, làm lịch, y thuật.
2. Viêm Đế
Sách Hoài Nam Tử viết: "Viêm Đế tạo ra lửa, sau khi chết làm Táo". Cao Dụ chú thích: "Viêm Đế dùng Hỏa đức quản lý thiên hạ, sau khi chết được thờ cúng làm Táo Thần.
Viêm Đế tức Thần Nông, được cả người Hoa và người Việt coi là Thủy Tổ, là ông tổ nông nghiệp, người đã dạy dân trồng ngũ cốc và chế tạo ra cày bằng gỗ, ông tổ nghề gốm sứ và nghề y dược. Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên chép: "Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương".
Vị Viêm Đế cuối cùng thua trận Xi Vưu nên đã đầu hàng, về đầu quân cho Hoàng Đế.
Táo Quân Trung Hoa. (Ảnh: Wikipedia)
3. Chúc Dung
Sách Chu Lễ Thuyết viết: "Chuyên Hiệt có cháu trai là Lê, là Thần lửa Chúc Dung, được thờ làm Táo Thần".
Theo truyền thuyết, Chúc Dung chính là vị Thần Lửa phụng mệnh Thiên Đế giết Cộng Công, Cổn thời Đại Vũ trị thủy, và trợ giúp nhà Thương diệt nhà Hạ.
4. Bà lão Tiên Xuy
Sách Nghi Lễ của Khổng Dĩnh Đạt cho rằng: Táo Thần không phải Thần lửa, cũng không phải người phát minh ra bếp, mà là một bà lão cai quản bếp núc tên là Tiên Xuy.
5. Trương Đan
Trong dân gian dân tộc Hán có lưu truyền Trương Đan lấy vợ là Đinh Hương, nàng rất hiếu kính với cha mẹ chồng. Sau này Trương Đan đi xa kinh doanh phát tài, phải lòng cô kỹ nữ Hải Đường nên trở về nhà ly hôn Đinh Hương. Đinh Hương lấy con trai bà cụ đốn củi nghèo khó. Hải Đường thích ăn ngon mặc đẹp, lười lao động, lỡ tay để lửa cháy hết cả gia sản, thế là vứt bỏ Trương Đan tái giá. Trương Đan đành phải lưu lạc xin ăn. Ngày 23 tháng Chạp, ông đến nhà Đinh Hương xin cơm, sau khi bị vợ cũ nhận ra, ông xấu hổ quá chui vào bếp lò và chết ngạt trong đó. Do ông và Ngọc Hoàng Đại Đế là người có duyên, vốn người cùng họ Trương, nên được Ngọc Hoàng Đại Đế phong làm Táo Vương.
6. Trương Khuê và Cao Lan Anh
Bình nguyên Ký Châu (Hà Nam Hà Bắc ngày nay), nhà nhà đều thờ Táo Vương, dán tranh chân dung Táo Vương gồm Táo Vương Gia (Ông Táo) và Táo Vương Nãi (Bà Táo). Tương truyền Táo Vương Gia và Táo Vương Nãi chính là Trương Khuê và phu nhân Cao Lan Anh được Khương Tử Nha phong làm Thần trong "Phong Thần diễn nghĩa".
Như vậy, Táo Quân Trung Quốc không cố định, có nhiều nhân vật được thờ làm Táo quân. Tuy nhiên hiện nay, dân gian Trung Quốc phổ biến thờ Táo Quân theo truyền thuyết Trương Đan, hoặc Ông Táo Trương Khuê và Bà Táo Cao Lan Anh ở vùng Hà Nam, Hà Bắc, Trung Quốc. Hình tượng Táo Quân mà người Hoa thờ cúng là một Ông Táo, hoặc là một Ông Táo và một Bà Táo, còn người Việt thờ cúng là hình tượng hai Ông Táo và một Bà Táo.
Trung Hòa
3. Ngày ông Táo ông Công, tản mạn về cá chép
Học Cứu /15/01/2023
“Vì cớ gì người Á Đông lại trọng vọng cá chép đến vậy?” Cá chép xuất thiện từ những câu chuyện thần thoại, trong những nghi lễ hình thức tín ngưỡng, cho đến món ăn khoái khẩu của người Việt... (Ảnh: Shutterstock)
Kể chuyện con cá chép lắm lúc thực chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bởi vì cá chép đâu chỉ đơn thuần là “Thần thú” mà ông Táo dùng để bay về trời. Trong dòng chảy mấy nghìn năm lịch sử Á Đông, cá chép có một thân thế không hề tầm thường vậy…
Trước khi đặt bút viết, một câu hỏi cứ quanh quẩn mãi trong đầu tôi: “Vì cớ gì người Á Đông lại trọng vọng cá chép đến vậy?”. Cá chép bước ra từ những huyền thoại “vượt Vũ Môn hoá rồng”, “ông Táo cưỡi cá về trời”… Cá chép đường hoàng xuất hiện trong lễ phóng sinh của nhà Phật. Cá chép treo mình ẩn hiện trên những văn vật nghệ thuật từ đồ gốm sứ đến tranh phong thuỷ. Cá chép, cuối cùng, nằm yên vị trên bàn ăn như một món khoái khẩu của người Việt. (Tất nhiên tôi không có ý định bàn tới món… cá chép om dưa đang ngày càng xuất hiện dày đặc hơn trên bàn nhậu của những “hảo hán” uống rượu trừ bữa).
Cá chép, rốt cuộc thì ngươi có tài gì?
Trong truyền thuyết, khi vua Thuỷ tề hội họp các giống loài lại và loan báo cuộc thi “vượt Vũ Môn hoá rồng” do nhà Trời tổ chức, có một con cá chép lạ xin ứng thí. Con cá thật đẹp:
Mắt ngời như ngọc, vảy như vàng
Đuôi dài quẫy sóng nước mênh mang
Nghìn năm giấu hạt Thần trong miệng
Giống quý Trời sinh cũng lạ lùng
Con cá lạ vừa ngoi lên mặt nước thì đã được Thần gió giúp một tay, nổi cuồng phong, vỗ sóng lớn, nâng thân cá một lèo vượt hết ba đợt sóng, bay qua Vũ Long Môn, hoá rồng. Ồ, một sự an bài kỳ diệu của đấng hoá sinh! Con cá chép tầm thường sống ở đáy sông, chẳng có danh phận gì, bỗng phong vân gặp hội, thoắt cái đã trở thành rồng nơi thượng giới, phun mây nhả mù, bay lượn trên vòm trời cao.
Con cá chép tầm thường sống ở đáy sông, chẳng có danh phận gì, bỗng phong vân gặp hội, thoắt cái đã trở thành rồng nơi thượng giới, phun mây nhả mù, bay lượn trên vòm trời cao. (Ảnh: Shutterstock)
Tới đây, có một câu hỏi hóc búa hơn nảy sinh: Vì sao trong bao loài thuỷ tộc, Thần gió lại chọn giúp cá chép vượt Vũ Môn? Phải chăng là Thần gió có chút thiên vị cho vẻ ngoài lộng lẫy của con cá quý?
Cũng có thể. Nhưng cá chép vượt Vũ Môn không phải là câu chuyện của kẻ tiểu nhân đắc chí gặp thời. Để có phút giây tung mình toả sáng, con cá đã phải âm thầm, nhẫn nhục hàng nghìn năm. Miệng nó ngậm một viên ngọc quý, cứ lặng lẽ dưới đáy vực mà tu luyện như vậy. Nó còn khác với tất cả loài thuỷ tộc ở một điểm này: dám có ước mơ hoá rồng! Nhẫn nại là thế, kiên gan bền chí là thế, khi thời vận đến, chỉ cần một cơn gió nhẹ là cá ta đã cất mình lên chín tầng không. Chuyện rất dễ hiểu.
Nhà thơ thời Đường, Chương Hiếu Tiêu từng làm hẳn một bài vịnh cá chép có tên là “Lý Ngư”. Thơ rằng:
Nhãn tự chân châu lân tự kim
Thì thì động lãng xuất hoàn trầm
Hà trung đắc thướng long môn khứ
Bất thán giang hồ tuế nguyệt thâm
Dịch nghĩa: Mắt như viên ngọc thật, vảy như vàng. Lâu lâu lại quẫy sóng phóng mình khỏi mặt nước rồi lại lặn xuống. Muốn từ con sông này biến thành rồng bay đi. Thì đừng có than ở lâu năm trong nước.
Dưới Thuỷ phủ có trăm nghìn loài vật, riêng họ cá chép cũng đếm không xuể giống loài nhưng đâu phải con nào cũng dám hoá rồng, được hoá rồng? Thành rồng ắt phải là con cá miệng ngậm ngọc quý, lòng ôm chí lớn. Nói cách khác, ngay từ ban đầu con cá ấy đã phải mang chí của một con rồng.
Để có phút giây tung mình toả sáng, con cá đã phải âm thầm, nhẫn nhục hàng nghìn năm. Miệng nó ngậm một viên ngọc quý, cứ lặng lẽ dưới đáy vực mà tu luyện như vậy. (Ảnh: Shutterstock)
Tạm không kể đến chuyện cá hoá rồng, trong truyền thống Á Đông vẫn còn một hình ảnh rất tinh mỹ, hàm súc về con cá chép rất đáng phải bàn: Lý ngư vọng nguyệt (cá chép trông trăng).
Khác với con cá chép ở trên, con “Lý ngư vọng nguyệt” này không hoá thành rồng, cũng chẳng có chí hoá rồng, được miêu tả ở tư thế dũi đầu xuống đáy nước mà ngắm trăng. Thực lạ. Trăng trên bầu trời, muốn ngắm trăng mà lại lộn ngược đầu đuôi như thế sao? Mà nữa, trăng thật chẳng ngắm, lại lúi húi nhìn bóng trăng trong nước! Hàng nghìn năm qua, những người mua tranh phong thuỷ, tranh chơi Tết… có lẽ ít để ý đến chi tiết này. Thực ra ý vị của nó vượt xa tầm mức của một bức tranh trang trí.
Trong tranh, ta thấy chú cá chép nọ toàn tâm toàn ý mà nhìn ánh trăng đáy nước. Dường như chú quên mất mình đã bỏ lỡ ánh trăng thực sự ở sau lưng. Chú bị thôi miên cái vẻ lóng lánh tuyệt mỹ, đung đưa yểu điệu của ánh trăng gieo trên làn nước. Bị thôi miên đến mức chú chẳng thể nào tin nổi trên đời lại còn có ánh trăng nào khác đẹp hơn! Và đó là bi kịch của chú.
Chú cá chép nọ toàn tâm toàn ý mà nhìn ánh trăng đáy nước. Chú bị thôi miên đến mức chú chẳng thể nào tin nổi trên đời lại còn có ánh trăng nào khác đẹp hơn! Và đó là bi kịch của chú. (Miền công cộng)
Để chỉ những thứ huyễn hoặc, không có thực, người xưa nói là: “Hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước”. Trăng trên bầu trời, bóng trong làn nước, tuy đẹp đấy nhưng chạm tay vào là vỡ tan thành muôn mảnh, vẫn là bọt nước ảo mộng mà thôi. Nhân sinh như mộng, lắm khi người ta bị chính cái mộng tưởng ấy khoá chặt đường về. Chốn hồng trần cuồn cuộn tựa như một phiên chợ phù hoa, danh lợi tình bày bán như món hàng thượng phẩm, ấy thế mà sau trăm năm tất cả bỗng xoà một cái, tan như bóng trăng dưới mặt hồ.
“Lý ngư vọng nguyệt” kia phải chăng là lời nhắc nhở cho một kiếp người chớ vì tham luyến những ảo mộng mà quên mất giá trị đích thực của sinh mệnh mình? Giá như con cá chép ngắm trăng nọ có thể nuôi chí bền, ngậm trong miệng viên minh châu quý, lặng lẽ dưới đáy nước mà tu luyện nghìn năm, chưa biết chừng một ngày kia nó lại được vút bay chín tầng mây, thoả thích ngắm “ánh trăng thực” trong hình hài của một con rồng thiêng rồi.
Bạn thấy đấy, nãy giờ vài “lời quê góp nhặt dông dài”, bàn mãi mà chưa đi hết đuôi của một con cá chép?! Càng thắc mắc, càng cố gắng truy tầm sự hiểu biết, tôi càng thấy hồ đồ hơn. Nội hàm văn hoá truyền thống Á Đông quả thực thâm sâu khó lường, mấy nghìn năm truyền thừa như vậy một lời sao nói hết? Có lẽ hãy lẳng lặng mà nói với nhau lời của Socrates: “Tôi chỉ biết duy nhất một điều là tôi chẳng biết gì cả!”. Tôi cứ tưởng đang nuôi chí của một con cá vượt Vũ Môn hoá rồng nhưng thực ra lắm khi tôi thấy mình chỉ là một con “lý ngư vọng nguyệt” ngốc nghếch mà thôi…
Học Cứu
Trúc Nhi/ Theo Aboluowang
4. Cuộc phiêu lưu ngày 23 tháng Chạp: Câu chuyện của một chú cá chép hóa rồng
Nguyên Phong • 13/01/2023
Táo Quân cưỡi chép vàng. (Tranh Mona-ETViet)
Câu chuyện phiêu lưu của một chú cá chép từ ngày lễ cúng Táo quân để lại bao suy ngẫm thú vị về ý nghĩa của sinh mệnh và cuộc sống
(Mến tặng hết thảy những chú cá chép vẫn bơi ngược dòng!)
Trong hồ nước gặp được quý nhân
Bộp!
Một vật lạ từ thành cầu rơi xuống mặt hồ. Nước bắn tóe lên. Cái vật lạ màu cam kia nằm đờ ra trên mặt nước vài giây rồi sau đó cong mình cựa quậy, rồi cái mang phập phồng, vây và đuôi ve vẩy. Hóa ra là một chú cá chép vàng to cỡ bàn tay người lớn với thân hình mảnh dẻ.
Qua cơn choáng váng, chú nhìn ra xung quanh. Và rùng mình. Có những chú cá vàng khác cũng bị ném xuống nước nhưng giờ nằm ngửa bụng ngáp ngáp vì bị va đập mạnh. Có chú mắc mãi trong túi bóng không ra được đành chờ chết.
Thì ra hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, ngày con người cúng Táo quân. Chép vàng bị người ta ném từ trên thành cầu xuống hồ nước, rồi họ lên xe phóng đi. Lẽ ra phóng sinh đúng cách phải là nâng cá bằng hai bàn tay, rồi nhẹ nhàng thả xuống nước cho cá bơi đi. Nhưng cuộc sống nay khác rồi, con người mới vội vàng làm sao.
Nên có nhiều chú cá xấu số đã không tránh khỏi cái chết.
Chép vàng bị người ta ném từ trên thành cầu xuống hồ nước, rồi họ lên xe phóng đi
Một khối đen sì xô đến, có tiếng gọi giật giọng: “Nhanh. Trốn đi. Đứng đây để chờ bị bắt lại à?”
Trước mặt chép vàng là một chú cá chép đen to lớn, khỏe mạnh. Chép vàng nhìn lên bờ, có mấy người cầm vợt đứng gần mép nước, họ chỉ chờ người trên cầu vứt cá xuống sẽ vợt lại đem bán cho người mua phóng sinh. Chần chừ là sẽ bị bắt lại.
Vả lại gần bờ nước bẩn và nhiều rác, không thở được.
Chép vàng búng nước lấy đà, vọt lẹ cùng chép đen.
Bơi đã xa khỏi bờ, chép vàng mới cất lời:
- Chào đằng ấy, tớ tên Chép Vàng. Còn đằng ấy?
- Dĩ nhiên tớ là Chép Đen. Hì hì
- Đằng ấy ở đâu tới?
Chép Đen vểnh râu, có vẻ đắc ý:
- Tớ ở trong cái hồ này thôi. Cũng được thả phóng sinh như đằng ấy, nhưng lâu rồi. Hình như ngày 23 tháng Chạp của hai năm trước.
- Vậy sao đằng ấy vẫn ở đây?
- Thì đi đâu mà chả thế. Chỗ nào sống được thì tớ ở. Trong cái hồ này có đủ thức ăn, dù tớ bị con người lùng bắt suốt, nhưng tớ tránh được.
Chép Vàng thở dài:
- Còn tớ thì phải làm tròn sứ mệnh của mình.
- "Sứ mệnh gì?" Chép Đen hỏi.
- Tớ đưa các vị Táo quân lên chầu Đức Ngọc đế. Họ phải cưỡi lên lưng tớ để thăng thiên.
- Tớ có thấy ai đâu?
- Họ ở không gian khác, đằng ấy hiểu không. Có hai ông và một bà. Nhưng giờ ở trong cái hồ nước tù đọng này thì biết thăng thiên làm sao. Chép Vàng chép miệng, bần thần.
Chép Đen tò mò:
- Vậy thì phải ra đâu mới thăng thiên được?
- Ra sông lớn, nơi dòng nước cuộn chảy từ thượng lưu xuống hạ nguồn, như dòng chảy liên tục của thời gian, cũng là đường đi lên thượng giới.
Chép Đen nháy mắt tinh nghịch:
- Ở hồ này có một lối thông ra sông.
- "Thật không?" Chép Vàng háo hức. "Đằng ấy có thể dẫn tớ ra đó được không?"
- "Được thôi, để tớ dẫn đi". Chép Đen trả lời.
Hồ nước khá rộng. Nước giữa hồ trong xanh hơn ở gần bờ, làm nền cho sắc đỏ của những bông hoa súng đang nở rộ. (Ảnh: Shutterstock)
Hồ nước khá rộng. Nước giữa hồ trong xanh hơn ở gần bờ, làm nền cho sắc đỏ của những bông hoa súng đang nở rộ. Hai chú cá vừa bơi vừa trò chuyện:
- “Sông đó rộng, nước chảy xiết. Tớ đã có lần ra đến đó rồi lại quay về đây. Nói thật, sức vóc như đằng ấy, chẳng biết sẽ bơi thế nào”. Chép Đen nói và ái ngại nhìn thân hình mảnh dẻ của bạn.
- “Tớ cũng không biết. Nhưng đã là sứ mệnh thì tớ sẽ phải làm. Tớ còn phải bơi ngược dòng ấy chứ”. Chép Vàng cũng không giấu được vẻ lo lắng.
- Để làm gì?
Chép Vàng mơ màng:
- Mẹ tớ kể cho tớ câu chuyện từ tổ tiên xa xưa của họ nhà cá chép. Một con cá chép ngoài nhiệm vụ chở các Táo quân lên chầu Đức Ngọc đế vào ngày 23 tháng Chạp thì cũng phải tìm đường quay về với cội nguồn sinh mệnh của mình.
- "Bằng cách nào?" Chép Đen hỏi.
- Bơi ngược dòng một con sông lớn, rồi vượt thác. Xưa kia tổ tiên cá chép chúng ta đã từng có vị bơi vượt thác Long Môn trên sông Hoàng Hà để hóa rồng và bay lên trời. Đã lâu lắm rồi, từ thời vua Đại Vũ trị thủy.
- Nghe hay nhỉ. Nhưng không biết có thật không?
- “Tớ tin là có thật”, Chép Vàng cả quyết. Ánh mắt nó ngời lên đầy tin tưởng, cứ như linh hồn những cụ tổ oai hùng của loài cá chép đã quay về nhập vào trong nó, lúc ấy thân hình mảnh dẻ của nó toát lên một sức mạnh không ngờ khiến Chép Đen cảm thấy kính nể. Chép Đen nghĩ đến hình ảnh một ngọn thác hùng vĩ, nước đổ sầm sập từ trên cao xuống, một chú cá chép tung mình nhảy lên thật cao hết lần này đến lần khác…
- Được, tớ sẽ đi cùng đằng ấy. Tớ không nghĩ đến hóa rồng, nhưng hẳn sẽ là một chuyến đi thú vị.
Chép Vàng mừng lắm. Nó chưa từng đi đâu ra khỏi ao nuôi cá. Giờ có Chép Đen, một tay tháo vát thế này đi cùng, cơ hội thành công sẽ cao hơn.
So với Chép Vàng trầm lặng mơ mộng, Chép Đen hơi thiếu óc tưởng tượng nhưng giỏi xoay sở, thạo đời, lại hoạt ngôn, đặc biệt là rất nghĩa khí. Trên đường đi, Chép Đen dạy cho Chép Vàng cách kiếm mồi từ phù du trôi ngang dòng nước, từ việc tóm những con tép nhỏ hay thậm chí cả châu chấu, cào cào sa xuống mặt nước. Chép Đen cũng dạy cho Chép Vàng cách tránh những mồi câu, những lưỡi lục của dân câu, những vó, nơm… của vô số những người bắt cá. Chép Đen quả là sự bổ sung tuyệt vời cho Chép Vàng.
“Đằng ấy phải trải nghiệm, va chạm nhiều hơn, đời giờ nhiều cạm bẫy lắm”. Chép Đen thường dặn Chép Vàng như vậy trên đường đi. Và Chép Vàng cũng cố gắng ghi vào lòng những bài học ấy.
Màu nước bắt đầu thay đổi, đôi bạn sắp đi tới lối thông từ hồ ra sông. Chép Đen hào hứng:
- Tớ sẽ thi vượt thác với đằng ấy. Chắc chắn tớ sẽ nhảy lên thật cao, cao hơn đằng ấy cho mà xem.
- Tớ tin là thế, Chép Đen ạ. Đằng ấy sẽ làm tốt hơn tớ.
- “Biết đâu tớ cũng hóa rồng nhỉ”, Chép Đen cười vang trêu chọc. “Lối thông ra sông kia rồi, nước xiết quá, ta lấy đà chuẩn bị nhé. Một, hai… Ối, thả tôi ra, thả tôi ra”.
“Biết đâu tớ cũng hóa rồng nhỉ”, Chép Đen cười vang trêu chọc. (Ảnh: Shutterstock)
Chép Đen đã mắc vào một tấm vó, người ta kéo vó lên, Chép Đen vùng vẫy nhưng không thoát ra được. Chép Vàng cuống quýt bơi loanh quanh ở dưới mà không nghĩ ra cách nào để giúp bạn.
- “Trốn đi, trốn đi Chép Vàng, họ bắt đấyyy”... Chép Đen gào to.
- “Tớ không đi đâu, tớ phải cứu đằng ấy”. Chép Vàng bật khóc và bất lực nhìn bạn. Chép Đen đã bị kéo lên cao.
- Đằng ấy không cứu được tớ đâu. Đi và làm tròn sứ mệnh của đằng ấy đi. Hãy vượt thác cả phần của tớ nữa. Đi ngay đi, ở đây nguy hiểm lắm.
Một chiếc lưới được ném vù xuống. Chép Vàng chợt động linh cơ tránh được. Rồi ngoảnh nhìn Chép Đen lần cuối, Chép Vàng gạt nước mắt, phóng ra sông.
Trưởng thành nơi sông lớn
Không ai có thể nhìn thấy nước mắt của một con cá, nhưng ai dám bảo đảm rằng cá không biết khóc? Còn chúng tôi thì biết rằng Chép Vàng đã khóc thảm thiết vì thương bạn. Vả lại, chú còn lo lắng từ nay mất đi sự hỗ trợ của Chép Đen, chú biết xoay sở thế nào nơi sông lớn?
Nhưng rồi Chép Vàng cũng dần bình tĩnh lại. Chú đã bắt đầu chuyến đi một mình, giờ đây chú lại có thêm những kinh nghiệm mà Chép Đen đã dạy chú. Chép Vàng thấy mình cần tự tin hơn.
Phải tiếp tục lên đường.
Ban đầu, nước sông chảy xiết, lại bơi ngược dòng nên chú rất mệt. Cứ bơi một quãng chú lại phải tìm chỗ nghỉ. Thức ăn ở đây cũng khó kiếm hơn, vì nước chảy mạnh nên thức ăn trôi qua rất nhanh, chú phải đớp mồi khẩn trương hơn. Về sau chú cũng biết tìm đến nơi nước lặng hơn một chút, thường là sau những tảng đá lớn ở lòng sông, vừa để kiếm cái ăn, vừa tìm chỗ nghỉ. Dần dần, chú cũng biết kiếm ăn dưới bùn hay bắt con tôm con tép.
Ban đầu, nước sông chảy xiết, lại bơi ngược dòng nên chú rất mệt. (Ảnh: Wikipedia-CC BY 2.5)
Cuộc sống luôn vận động mạnh khiến thân thể chú cường tráng hơn, mạnh mẽ hơn, đôi râu cũng mọc dài ngạo nghễ. Nếu Chép Đen còn sống mà nhìn thấy chú, chắc sẽ rất tự hào.
Chú cũng gặp nhiều loài cá khác và cả cá chép, nhưng phần lớn họ chỉ bơi xuôi dòng. Đôi khi, chú cũng làm quen với những chú cá chép khác để tìm kiếm bạn đồng hành. Nhưng hầu như ai cũng cười nhạo ý tưởng “viển vông” của chú.
Chú chỉ biết một mực ngược dòng tiến lên.
Đã qua Tết Nguyên Đán, có lẽ các vị Táo quân đã rời lưng chú để thăng thiên chầu Đức Ngọc đế và tâu bày kết quả một năm làm việc ở cõi trần này. Giờ này có lẽ họ đã được tạm nghỉ ngơi, nhưng chú Chép Vàng của chúng ta vẫn hàng ngày phải đối mặt với sóng dữ. Và không chỉ có thế, ở trên sông lớn, Chép Vàng dù ít gặp con người hơn, nhưng kẻ thù trong tự nhiên lại nhiều hơn. Chẳng hạn như con giải, rắn và các loài cá lớn.
Mới hôm qua, chú bị một con giải đớp hụt. Nó nằm im ở lòng sông trông như một tảng đá lớn. Chép Vàng định nép vào đó nghỉ ngơi thì con giải thò cái đầu ra táp. Chép Vàng lanh lẹ né được. Hú hồn. Những con giải - loại baba cực lớn ở vùng này có cái mai to như cái chiếu con và có thể cắn đứt gân chân của trâu mộng.
Một hôm, Chép Vàng lọt vào một vùng nước lặng hơn và nông dần đi. Ở đây, đáy sông ít bùn và cứng hơn, hầu như chỉ có cát và đá. Cá tôm cũng thưa thớt. Chép Vàng cảm thấy lo ngại, chú chưa biết chuyện gì đang xảy ra, bèn tới bắt chuyện với một cụ cá nheo đang sửa soạn lên đường:
- Cụ ơi, cụ sắp đi đâu vậy? Cho cháu hỏi thăm đường ạ.
- Chào anh. Anh muốn đi đâu?
- Cháu muốn lên thượng nguồn cụ ạ.
Cụ cá nheo già, da bạc phếch nheo mắt nhìn Chép Vàng tò mò:
- Anh muốn lên thượng nguồn làm gì? Đi làm sao được. Đã lâu lắm rồi có ai đi lên thượng nguồn được đâu.
- Vì sao vậy hả cụ?
Cụ cá nheo thở dài:
- Anh bơi ngược lên một quãng nữa sẽ gặp một con đập cực lớn, đó là đập thủy điện. Vì cái đập ấy mà nhiều năm nay, tôi không thể đi lên thượng nguồn. Tôi cũng bị chia cắt với gia đình mình. Họ ở lại phía lòng hồ nằm sau cái đập thủy điện này. Trầm tích, phù sa cũng bị giữ lại phía bên ấy. Anh xem, đáy sông ở đây trơ ra toàn sỏi với đá thôi, sống làm sao được. Ăn gì bây giờ? Khi nào có lũ về hay mùa mưa thì còn đỡ. Còn bây giờ nước cạn thế này, chúng tôi phải bơi về xuôi.
Anh bơi ngược lên một quãng nữa sẽ gặp một con đập cực lớn, đó là đập thủy điện. Vì cái đập ấy mà nhiều năm nay, tôi không thể đi lên thượng nguồn. (Ảnh: Getty Images)
Ngừng lại một lát, cụ cá nheo nhìn chú nói tiếp:
- Mà anh cũng nên về xuôi thôi. Đợi đến mùa lũ rồi quay trở lại. Nhưng kể cả vậy thì làm sao anh vượt qua được con đập cao ngất kia. Thôi, về đi. Muốn vượt qua được phải có thần tích. Thời nay làm gì còn thần tích.
Dứt lời, cụ cá nheo quay lưng, lầm lũi bơi về xuôi.
“Thời nay làm gì còn thần tích”. Câu nói đầy chán nản ấy của cụ cá nheo còn làm chú Chép Vàng hụt hẫng, đau khổ hơn hết thảy những bầm dập trên thân xác cho đến lúc này. Chú đã bắt đầu chuyến đi với lòng tin vào truyền thống xa xưa của họ nhà cá chép, về thần tích hóa rồng. Dọc đường, chú đã gặp được Chép Đen, người bạn duy nhất ủng hộ chú. Nhưng liệu Chép Đen có tin vào chuyện hóa rồng hay không? Chú cũng nhớ đến tiếng cười nhạo của các bạn cá dọc đường, trong đó có không ít đồng loại cá chép của chú. Giờ lại thêm lời này.
Nhưng nghĩ lại, chú sẽ không bỏ cuộc. Mẹ vẫn dạy chú: “Trên đời này không mất thì không được. Được thì phải mất.” Và thần tích sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho một kẻ lười nhác và thiếu lòng tin. Vả lại, đằng nào cũng sẽ chết, thà là chết trong dòng nước xiết vì đã sống một cuộc đời có ý nghĩa còn hơn một cuộc sống vô vị nhạt nhẽo trong bùn lầy của ao tù nước đọng.
Chép Vàng vượt vũ môn
Đêm hôm ấy Chép Vàng nhịn đói đi ngủ. Trong giấc mơ, chú mơ thấy mẹ mình và lời ru êm êm của mẹ, lời ru đưa chú về với những tổ tiên oai hùng xa xưa của họ cá chép - những bậc đã hóa rồng. Chú cũng mơ thấy Chép Đen và bạn có hỏi chú rằng đã vượt thác chưa. Chú mơ thấy cả ba vị Táo quân đang chầu Đức Ngọc đế và họ nói rằng: “thần tích sẽ xảy ra với những kẻ mạnh mẽ có đủ lòng tin.”
Chép Vàng bỗng choàng tỉnh dậy vì trời bắt đầu mưa.
Mưa? Giữa tiết hanh khô tháng Giêng này? Ồ! và mưa ngày càng lớn chứ không phải mưa phùn. Một trận mưa rào cực lớn.
Mưa suốt cả mấy ngày, nước dềnh lên nhanh chóng. Nước mưa cuốn theo thảm mục trên rừng chảy xuống dòng sông, phù du lại nhiều lên. Các loài cá tôm lại quay trở lại. Chép Vàng cũng có thể tiến sát đập thủy điện.
Lúc này, lũ trên thượng nguồn đã đổ về sầm sập. Đập thủy điện mở cửa xả mặt khiến nước đổ xuống như một dòng thác cực lớn. Chép Vàng thầm nghĩ: “Cứ như lời kể, xưa kia vua Đại Vũ phải xẻ núi Long Môn cho nước sông Hoàng Hà thoát đi, đó là thuận theo tự nhiên để trị thủy. Còn ngày nay người ta làm ngược lại, xây những con đập cực kỳ to lớn để chắn nước. Nhưng liệu họ có thể chặn được sức mạnh của thiên nhiên không nhỉ?”
Nhưng giờ chú cũng không nghĩ lâu về việc đó nữa. Chú phải chuẩn bị cho việc vượt thác. Ai biết cơn lũ sẽ còn kéo dài đến lúc nào. Chú không thể bỏ lỡ cơ hội Trời cho này được.
Chép Vàng kiếm mồi thật nhanh và dự trữ dưới khe một tảng đá lớn bên bờ nước. Chú ăn đến no nê và bắt đầu tập nhảy.
Rồi tiến đến gần dòng thác nước đang chảy xuống dữ dội, chú bật nhảy thật cao vào dòng thác. Ngày càng cao hơn. Nhưng con đập cao vút thế kia, chú làm sao nhảy tới?
Chép Vàng không nản, chú quay về chỗ cất thức ăn, ăn một bữa no, nghỉ một lúc rồi quay trở lại chỗ thác nước. “Mình phải nhanh lên”, chú thầm nghĩ.
Chép Vàng liên tục nhảy, hết lần này đến lần khác. Chú vừa nhảy vừa rạch thân mình như một chú cá rô, đè lên dòng nước khổng lồ đang ầm ào đổ xuống. 1000, 1001, 1002… chú thầm đếm. “Mình sẽ không bỏ cuộc đâu. Sẽ nhảy đến khi không còn hơi sức. Cùng lắm thì ta lại được gặp Chép Đen ở dưới âm kia”.
Trong đôi mắt đã mờ dần đi của chú hiện lên hình ảnh tinh nghịch thân thương của Chép Đen và lời trăng trối của bạn: “Hãy vượt thác cả phần của tớ nữa nhé”. Chép Vàng thu hết tàn lực, nhảy lên một cú thật cao…
Quả đúng là:
“Cá thần vùng vẫy vượt qua đăng,
Được nước, nào ai dám rỉ răng?
Cưỡi gió giương vây lên cửa Vũ,
Xông mây rẽ sóng động vừng trăng,
Giếc, rô ngứa vẩy khôn tìm lối,
Trê, chuối theo đuôi dễ mấy thằng!
Gặp hội hoá rồng nơi chót vót
Đã lên, bay bổng tít bao chừng?” (1)
Ở trên Thiên đình, Đức Ngọc đế đang dõi theo chú Chép Vàng, và Ngài đã mỉm cười.
Từ trong thác nước, một chú rồng vàng cực lớn gầm vang, cuộn mình nhe nanh múa vuốt và bay vượt lên trên đập nước trước sự sững sờ của muôn loài thủy tộc. (Ảnh: Shutterstock)
Từ trong thác nước, một chú rồng vàng cực lớn gầm vang, cuộn mình nhe nanh múa vuốt và bay vượt lên trên đập nước trước sự sững sờ của muôn loài thủy tộc. Chú rồng có thân mình dài và lớn như một cây đại thụ, vàng rực như được dát những chiếc vảy vàng khổng lồ lấp lánh có hình dạng như vảy cá chép; cặp râu dài mềm tung bay oai vệ; cặp mắt sáng rực nhìn thấu cả trần gian và âm giới... cùng đôi sừng dài và bộ vuốt to lớn sắc nhọn. Bên cạnh chú rồng vàng đó là hào quang của một chú cá chép đen quấn quýt như một người hộ vệ trung thành. Cả hai song song bay thẳng lên cửa Nam Thiên nơi thượng giới.
Cửa Trời mở ra, quần tiên hoan hỉ chào đón sinh mệnh đã trở về nguồn cội.
Nguyên Phong
(1): Thơ “Cá chép vượt đăng” (Lý ngư bạt hỗ) của thi hào Nguyễn Khuyến
5. Phong tục cúng ông Táo của người xưa
An Hòa 15/01/2023
(Tranh minh họa: Vương Thì Mẫn, Minneapolis Institute of Art, Public Domain)
Trong văn hóa truyền thống của người Á Đông, phong tục cúng ông Táo (hay có nơi gọi là Thần Táo) vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay. Vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp hàng năm, khi ông Táo trở về Thiên đình để tấu lên Ngọc Hoàng về kết quả thiện ác công đức của từng hộ gia đình nơi thế gian, người dân sẽ cử hành lễ cúng tiễn Thần Táo
Phong tục này có từ rất lâu đời. Vào thời nhà Chu đã có nghi thức cúng Thần Táo, đây là một trong “ngũ tự” của năm. “Ngũ tự” là cúng tế Môn Thần, Hộ Thần, Tỉnh Thần, Thần Táo, Trung Lựu Thần. Năm vị Thần này đều là những vị Thần có ân đức với dân chúng.
Thần Táo là vị thần giúp Ngọc Hoàng trông coi việc bếp núc của nhân gian. Dân gian cho rằng những thưởng phạt của Trời cao đối với các gia đình sẽ được căn cứ dựa vào bản tấu của Thần Táo. Vì thế từ xưa dân gian đã rất coi trọng việc cúng tiễn ông Táo.
Trong sách “Chu Lễ” viết: “Thần Táo là chắt của Hoàng Đế, là con của Chuyên Húc”. Thời nhà Chu, việc cúng Thần Táo được cử hành vào mùa hè, đến thời nhà Hán được thay đổi thành mùa đông. Trong cuốn “Phong tục thông nghĩa tự điển” thời nhà Hán viết: “Mạnh đông chi nguyệt, kì tự táo dã”, nghĩa là tháng đầu đông cúng tế Thần Táo.
Phong tục cúng tiễn Thần Táo phát triển đầy đủ nhất là vào thời nhà Đường. Nhưng người dưới triều đại nhà Đường cúng tiễn Thần Táo vào đêm cuối năm. Vào ngày này, mọi người mời các nhà sư và đạo sĩ đọc kinh, chuẩn bị rượu và trái cây, và gửi lời mời đến các vị Thần, còn có giấy vẽ hình Thần Táo để cúng. Đến thời Bắc Tống, việc cúng Thần Táo diễn ra vào ngày 24 tháng Chạp âm lịch, được xem là “cửa ải” cuối cùng để tiến vào thời điểm giao thoa giữa năm mới và năm cũ.
Vào thời đại nhà Thanh, theo ghi chép trong “Yên kinh tuế thời ký” và “Đế kinh tuế thời kỉ thắng” thì dân chúng thường dùng rất nhiều loại kẹo để cúng Thần Táo, như kẹo nam, kẹo quan đông, kẹo mạch nha, khô vừng. Vào ngày tiễn Thần Táo, dân chúng cũng sẽ đốt rất nhiều pháo.
Trong dân gian cũng có một câu chuyện liên quan đến việc đánh giá thiện ác của Thần Táo, tên là “Hoàng dương tự Táo”. Chuyện này diễn ra vào thời nhà Hán.
Vào thời nhà Hán, có một gia đình họ Âm là con cháu đời sau của Quản Trọng. Dưới thời Hán Tuyên Đế, nhà họ Âm đã sinh hạ một người con trai tên là Âm Tử Phương. Âm Tử Phương lớn lên là người con chí hiếu, thiện lương nhân từ, thường xuyên giúp đỡ người khác.
Một năm nọ, vào lúc sáng sớm ngày mồng 8 tháng Chạp cuối năm, lúc Tử Phương cúng tế Thần Táo thì nhìn thấy Thần Táo hiện lên. Tử Phương vô cùng mừng rỡ, bái tạ sự chiếu cố phù hộ của Thần minh. Vừa hay lúc này trong nhà có một con dê vàng, Tử Phương liền dùng con dê để cúng tế.
Từ sau hôm Thần Táo hiện hình, gia sản của Âm Tử Phương đều tăng thêm nhanh chóng. Ông trở thành một người vô cùng giàu có, ruộng đất có hơn 700 khoảnh, trong nhà nhiều xe, ngựa và nô bộc. Người nhà họ Âm được phúc ấm, ba đời phồn hưng, con cháu được phong tước phong hầu, phong hậu. Trong đó, người cháu của Âm Tử Phương là Chấp Kim Ngô Âm Thức được thọ phong làm Nguyên Lộc hầu, Âm Hưng được thọ phong làm Đồng Dương hầu, cháu gái của Âm Tử Phương là Âm Lệ Hoa chính là Hoàng hậu của Hán Quang Võ Đế.
Câu chuyện lấy dê vàng cúng tế Thần Táo của Âm Tử Phương cũng được truyền lưu và trở thành phong tục dân gian. Vào thời nhà Thanh, trong cung đình còn có lễ cúng tế dê vàng đến Thần Táo.
Cổ ngữ có câu: “Người đang làm, Trời đang nhìn”. Âm Tử Phương hiếu thảo, nuôi nấng thờ phụng cha mẹ tận tâm, hơn nữa thích làm việc thiện giúp đỡ người khác. Nhờ vậy mà ông được ưu ái ban cho thiện báo, lại còn là “hiện báo” (phúc báo ngay trong đời), thậm chí đời con cháu cũng được hưởng “hậu báo” (phúc báo đời sau). Đạo lý “Trời phù hộ người lương thiện” cũng là cách tốt nhất để thể hiện lòng tôn kính Trời cao, tôn kính Thần Táo.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
6. Tản mạn mùa xuân
Trần Bạch Thu/12 tháng 01, 2023
Minh họa: evie-s-unsplash
Sáng nay một người bạn gọi điện thoại cho tôi biết, trong mục “Vườn Thơ Người Việt” trên báo Người Việt Online, có giới thiệu một bài thơ cũ của nhà thơ Phùng Minh Tiến. Tôi tò mò vào trang báo nầy và thấy thật có giới thiệu bài thơ “Lưu Đày” cùng rất ít dòng về tác giả. Sau khi đọc xong trang báo, tự dưng trong trí nhớ của tôi lại tràn về với biết bao kỷ niệm cùng những giai thoại về anh, thi sĩ Phùng Quân.
Tôi biết anh vào khoảng năm 1971 trong Đại Hội Sinh Viên Phật Tử ở trường Hành Chánh. Khi ấy anh đang là sinh viên lớp Cao Học, một số thành viên thuộc ban chấp hành cũ có đề cử anh làm Chủ tịch của Đoàn, nhưng anh từ chối và tiến cử một người bạn cùng lớp là anh Nguyễn Thanh Minh, sau đó anh Minh đắc cử Chủ tịch; tôi cùng với Lê Hiếu Liêm, Trần Bộ Mân và Trần Thị Mỹ Dung lần lượt được đề cử vào thành viên của Tân Ban chấp hành Đoàn, nhiệm kỳ 1971-1972.
Mặc dù không nhận đề cử của Đại Hội nhưng anh luôn hoạt động tích cực trong sinh hoạt của đoàn như một thành viên cốt cán. Tuy gương mặt thỉnh thoảng để râu tóc bờm xờm nhưng anh trông thật hiền từ. Đó là điều khác biệt so với “râu hùm hàm én mày ngài.” Lại thêm ăn nói nhỏ nhẹ nên anh rất được lòng nhiều người nhất là phụ nữ.
Từ lâu tôi vẫn thích gọi anh theo bút hiệu là Thi sĩ Phùng Quân, nghe thấy như cả một trời thơ hơn là gọi bằng nhà thơ. Cũng như ngày còn trẻ học ở trường, hồi đó giáo sư môn Việt văn vẫn gọi là thi sĩ Tản Đà chứ gần như chưa bao giờ gọi là nhà thơ Tản Đà. Có lẽ do thói quen mà cũng có thể do khuynh hướng xã hội lặp đi lặp lại nhiều lần, viết mãi, gọi mãi trở thành chuẩn. Có một thời trên báo chí, truyền thông người ta thường chỉ trích cách dùng các từ ngữ có nguồn gốc Hán Việt. Nói rõ ra, tôi thích gọi họ là thi sĩ vì họ xuất hiện trước con mắt người đời với những điều đặc biệt, với phong cách và ý tưởng khác thường. Điều nầy cũng không ngoại lệ với thi sĩ Phùng Quân.
Minh họa: evie-s-unsplash
Trước kia anh cũng có một mối tình đẹp thuở mới lớn, cũng vô cùng lãng mạn và dễ thương đầy ắp kỷ niệm êm đềm bên bờ sông Thu Bồn, Hội An quê anh. Lúc bấy giờ anh làm không biết bao nhiêu bài thơ trên giấy học trò đề tặng và dán khắp nơi, đến nỗi bạn bè cùng lớp gọi anh là thi sĩ từ dạo đó. Nhưng rồi mối tình sớm tan vỡ khi anh vào Đà Lạt theo học trường Chính trị, Kinh doanh với những mong sẽ sớm thi đỗ để “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Vì thời gian chờ đợi mỏi mòn xa cách quá lâu nên sau đó nàng vâng lệnh song thân lập gia đình môn đăng hộ đối còn anh thì vẫn tay trắng. Từ đấy anh thả lòng trôi nổi theo những mối tình với bao người đẹp ở xứ lạnh sương mù, đầy thơ mộng.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Đà Lạt, anh về Sài Gòn, thi đậu vào Ban Cao Học khóa 6, Học viện QGHC. Ra trường anh chọn nhiệm sở về cơ quan Giám Sát Viện và làm công chức ở đây cho đến ngày chính quyền VNCH tan rã.
Sau 30 Tháng Tư, anh sang Hoa Kỳ theo đợt di tản đầu tiên của người Việt. Khi sang đến Mỹ, anh sinh hoạt hầu như trong tất cả hội đoàn, không phân biệt thành phần quân nhân hay công chức, chỗ nào cũng có anh, nhưng không bao giờ giữ bất cứ chức vụ gì. Có lẽ vì anh thích để râu ria, không siêng cắt tỉa nên không thích hợp với cương vị lãnh đạo xuất hiện trước công chúng chăng? Nhưng điều hay nhất của anh và cũng thuận tiện nhất trong mọi cuộc họp hành hay đi đây, đi đó mà không bị vướng bận giờ giấc là vì anh “độc thân bền vững”.
Nhà anh ở thành phố Lake Elsinore, Riverside, nhưng cuối tuần hay xuống khu Bolsa sinh hoạt chung với anh em, đủ mọi hình thức từ cà phê, quán xá, họp hành cho đến tham gia biểu tình. Anh là một trong những người sáng lập viên danh xưng thủ phủ Little Saigon.
Có hôm bạn bè ở quán cà phê hỏi suốt tuần ở Lake Elsinore chắc anh tha hồ ngắm cảnh đẹp hoàng hôn xuống bên hồ hay dạo bước trên triền đồi phủ đầy những thảm hoa đủ màu sắc, đẹp nhất vùng Riverside rồi làm thơ, anh trả lời:
-Cửu niên diện bích. Ngày hai thời kinh Phật.
Thật vậy, rải rác trên các báo chí hay đặc san chỉ in lại hoặc sưu tầm những bài thơ cũ của anh mà thôi. Lâu lắm rồi, anh không còn làm thơ nhiều như trước nữa. Thỉnh thoảng khi có cảm hứng thì cũng viết ít dòng. “Còn sáng tác là còn sống”, anh thường nói vậy. Bây giờ anh đã là ẩn sĩ tại gia, ăn mặn và ngủ chay từ hơn mấy mươi năm trường kể từ dạo ấy.
Tác giả (thứ tư từ trái) cùng thi sĩ Phùng Minh Tiến (thứ hai từ trái) và những người bạn trong một lần thăm cụ Doãn Quốc Sỹ (giữa)
Thế rồi cách đây không lâu, trong lúc lập danh sách những anh em ở Nam Cali dự Đại Hội Liên Khóa QGHC toàn thế giới được tổ chức tại Washington DC vào những ngày cuối Tháng Chín 2019, chúng tôi nhận được một cú điện thoại từ Canada của một anh bạn QGHC đi một mình xin được xếp vào chung phòng với Phùng Minh Tiến.
Thường thì các anh chị đi có đôi vợ chồng rất dễ dàng sắp xếp đặt phòng ở khách sạn, nhưng đối với những người đi một mình thì cũng phải chọn người cùng phòng sao cho thích hợp. Rồi con số người đi tham dự đơn nam, đơn nữ đôi khi cũng không chẳn, rất rắc rối, cho nên khi có yêu cầu đăng ký share phòng, chúng tôi rất hoan nghênh vì đỡ phải dò xét thăm hỏi các anh chị có thuận tiện hay không. Đây cũng là dịp để những đôi bạn thân tình có dịp sinh hoạt chung trong suốt thời gian hội họp hay đi chơi, thăm viếng danh lam thắng cảnh, hầu tạo nên những kỷ niệm đẹp trong quãng đời xế bóng.
Dĩ nhiên việc xếp chung phòng cho hai người đi một mình là điều bình thường, nhưng khi anh bạn đề nghị ở chung phòng với Phùng Minh Tiến thì anh em lại có những suy đoán hơi bất thường. Xưa nay anh Tiến giao du thân thiết với tất cả mọi người. Tánh tình hiền lành, vui vẻ, phong thái tao nhân mặc khách là bẩm sinh, văn chương thi phú thì cũng đủ để góp mặt với đời. Biết là vậy, nhưng từ xa mà có người ái mộ đến độ muốn trọ chung phòng thì cũng hơi lạ. Hỏi anh thì chính anh trả lời:
-Lần đầu tiên mới nghe tên anh bạn ấy.
Khi đến Washington DC, chúng tôi được các bạn ở địa phương tổ chức đón rước chu đáo. Những cặp vợ chồng về chung trong một khu, còn những anh em đi một mình thì ban tổ chức sẽ tập họp cho biết rõ số phòng để hai người cùng nhau về phòng. Riêng thi sĩ Phùng Minh Tiến về cùng phòng với anh bạn đã đăng ký từ trước. Hai người hơi ngô ngố, y thật như là mới gặp lần đầu.
Sáng sớm hôm sau, trong sảnh đường của khách sạn, anh em có buổi cà phê tọa đàm với một số anh em thân tình, nhất là chúng tôi đã biết rõ lai lịch của cả hai người nhưng thật tình muốn biết duyên cớ vì sao mà anh bạn nầy lại muốn share chung phòng với Phùng Minh Tiến. Một đại huynh khóa đàn anh của cả nhóm mở đầu câu chuyện:
-Anh Thanh có quen biết ra sao với anh Tiến?
-Chỉ nghe tên Phùng Minh Tiến có một lần.
-Thế thì có giây dưa ân oán gì không?
-Không ân mà cũng không oán… chỉ hơi gờm nhau như người “giấu mặt”
Anh Thanh sau khi tốt nghiệp ra trường về nhận nhiệm sở ở tỉnh Tuyên Đức, Đà Lạt vào cuối năm 1967 và được cử giữ chức chỉ huy hành chánh tại địa phương. Trong quan hệ công tác, anh có thân quen với một người bạn đồng liêu lớn tuổi có cô con gái lớn xinh đẹp, hoa khôi của trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân, Đà Lạt. Anh Thanh để ý rồi đem lòng yêu mến và muốn tiến tới hôn nhân, và trong thời gian tìm hiểu cũng muốn biết xem cô ấy sinh hoạt xã hội, học đường như thế nào.
Một hôm có người báo cho anh Thanh biết là thường sau khi tan trường có một anh chàng lúc nào cũng đi sóng đôi với người đẹp. Hình ảnh mường tượng ra… trên những con dốc sương mù buổi chiều rợp bóng hàng thông trữ tình và lãng đãng khiến anh tò mò muốn biết thêm; và sau nhiều nguồn tin khả tín thì người thanh niên ấy là sinh viên năm thứ tư trường Chính trị, Kinh doanh Đà Lạt – đích danh Phùng Minh Tiến. Chỉ có vậy thôi và anh nhớ cái tên ấy hằng bao nhiêu năm trời mà chưa hề biết mặt.
-Còn anh Tiến thì sao? Anh em cùng lên tiếng hỏi.
-Lâu quá rồi cũng không nhớ. Hơn nữa quen nhiều người nên cũng không biết rõ.
-Nhưng với người đẹp hoa khôi của cả tỉnh thì làm gì mà không nhớ hả bạn. Nói thiệt đi.
Anh Tiến kể lại trong đời anh quen với rất nhiều người đẹp khắp vùng, miền từ quê ra tỉnh thành, riêng ở Sài Gòn cũng có nhiều mối tình chân thật, nhưng đến hồi gần kết thúc thì anh lại biến đi… cho tới ngày hôm nay.
-Có lẽ chim sợ cành cong chăng? Đã một lần tan vỡ khiến phải sợ cả đời.
-Không phải vậy.
Anh viện dẫn là đã đọc được ở đâu đó hay có khi là do chính anh nghĩ ra rồi nói tránh đi: “Yêu một người suốt đời là có thể, nhưng sống chung với một người suốt đời là một bi kịch”. Vì vậy anh chọn lối sống độc thân bền vững cho đến hết cả đời nầy.
Sau đó hai anh quàng vai nhau chụp một tấm hình chung khiến ai cũng cảm động. Hình ảnh ấy khiến mọi người sực nhớ lại bài thơ nổi tiếng của Thi sĩ Phùng Quân:
ĐÔI NẺO CÓ KHÔNG
Hữu dã hồi
Vô dã hồi
Mạc tại giang biên lãnh phong xuy
(Bài Kệ cổ của Phật giáo)
Có cũng về
Không cũng về
Sao còn đứng đợi bến sông mê
Bốn phương gió nổi mùa hư ảo
Ngoảnh lại hoa xuân rụng não nề
Có cũng về
Không cũng về
Về đâu, non nước về đâu nhỉ
Chảy xiết cuồng lưu, vọng khứ hề
Có cũng về
Không cũng về
Sáu bảy mươi năm làm khách lạ
Một chiều tuyết phủ với sương che
Có cũng về
Không cũng về
Thanh xuân giờ đã xa biền biệt
Dừng lại bên sông, lạnh bốn bề.
Ngoài sân, tiếng còi xe buýt giục mọi người lên xe đi tham quan Điện Capitol ở thủ đô Washington trong một buổi sớm mai trời trong xanh, nắng rõ, ghi dấu một cuộc hạnh ngộ đầy thú vị.
7. Mùa đào Tết năm nay ở Việt Nam có gì mới?
Đằng Vân tổng hợp
12 tháng 1, 2023
Đào rừng thu hút người mua bởi sự hoang dại, rêu mốc và thế tự nhiên. Ảnh: Lao Động
Chỉ còn hơn một tuần nữa đến Tết Nguyên đán, tại các con đường Hồ Sen, Lê Hồng Phong, thị trấn Núi Đèo,… (TP Hải Phòng), các thương lái bắt đầu mang những “sản phẩm” Tết ra trưng bày chật các vỉa hè. Trong đó, những cành đào rừng thu hút người xem bởi sự hoang dại, rêu mốc và thế tự nhiên.
Đào rừng chủ yếu là các thương lái tự tay chọn, mua gom từ các tỉnh Sơn La, Mộc Châu, Sapa,… rồi vận chuyển xuống Hải Phòng. Là tiểu thương có kinh nghiệm buôn đào rừng từ nhiều năm nay, ông Đào Xuân Thủy chia sẻ: “Tôi cũng mới chỉ bày bán khoảng 4, 5 hôm nay nhưng cũng có khá đông người hỏi mua. Để có những cành đào đẹp theo đúng ý, tôi lên Mộc Châu từ mùng 6 tháng Chạp (âm lịch) để thu mua rồi thuê xe chở về. Mỗi chuyến xe chở được khoảng hơn 100 cành đào, có giá khoảng 16 – 20 triệu đồng/xe.
Những bông hoa đào rừng mỏng manh bung nở khoe sắc, thu hút người mua. Ảnh: Lao Động
Về tới Hải Phòng, sau khi tuyển lựa lại, mỗi cành đào rừng thường có giá bán hơn 1 triệu đồng trở lên, nhiều cành có giá từ 10 – 40 triệu đồng/cành.
Một chủ sạp đào trên đường Hồ Sen cho biết: “Những cành đào đẹp nhận được rất nhiều sự chú ý của người mua, như cành đào này tôi rao bán với giá 20 triệu, được nhiều khách hàng quan tâm hỏi mua nhưng tôi chưa muốn bán”.
Giới thương lái chọn Hải Phòng làm nơi xuống đào bán Tết vì theo họ, dân Hải Phòng thích đào rừng hơn dân các nơi khác, nên thị trường đào rừng sôi động hơn, giá bán cũng cao hơn. Tuy nhiên, do mấy ngày nay mưa nhiều nên khách đến chọn đào vẫn chưa đông.
Chị Mai Trang – người chơi đào rừng nhiều năm – kể: “Mấy năm nay rồi, cứ khu vực Hồ Sen bày đào là tôi đến mua. Tôi thích đào rừng bởi thế tự do và màu hoa của nó. Vì tôi xác định sẽ chơi và mua đào rừng nên năm nào tôi cũng đi mua sớm, về bày trí ở nhà cho có không khí Tết nữa”.
Những gốc đào “khủng” này có tuổi đời hàng chục năm được chào bán với giá từ 50 triệu đồng tới gần 100 triệu đồng ở Thanh Hóa – Ảnh: VTV
Tại Thanh Hóa, ngoài nhiều loại hoa Tết được bày bán, những gốc đào “đại thụ” với nhiều thế đẹp cũng được mời chào. Đào đưa về TP. Thanh Hóa đa dạng các chủng loại, giá cả cũng khác nhau, có những gốc có giá khoảng 10 triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng. Cũng có nhiều gốc đào được nhà vườn chào giá tới gần 100 triệu đồng.
Theo các nhà vườn, đào cổ thụ thường được người dân mua hoặc thuê về chơi Tết rất sớm, vì loại này thường được trưng ở cơ quan, công sở, các doanh nghiệp hoặc nhà vườn.
Một nhà vườn trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) cho biết đối với những gốc đào to như thế này, người dân sẽ lựa chọn việc thuê. Giá cho thuê cũng nhiều mức, tùy vào từng thế cây, tuổi đời, dao động ở từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, thậm chí có nhiều gốc đào được cho thuê với giá gần 100 triệu đồng – Ảnh: VTV
Ở Hà Nội, giá đào vườn xem ra đắt hơn đào rừng Hải Phòng. Anh Nguyễn Tuấn, chủ kinh doanh đào (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên chăm sóc thế đào cũng tốt hơn. Đào gốc nhỏ có giá từ 2-3 triệu đồng; đào thế gốc to có giá từ vài triệu đến vài chục triệu tùy theo thế cây, gốc cây được nuôi dưỡng lâu giá sẽ đắt hơn gốc cây non”.
Đặc biệt, tại chợ hoa Tết trước sân vận động Mỹ Đình, một gốc đào cổ thụ 100 năm tuổi được vận chuyển từ Lai Châu về chào bán với giá 368 triệu đồng.
Gốc đào cổ thụ 10 năm tuổi được chảo bán giá 368 triệu đồng tại Hà Nội – Ảnh: VTV
Chủ nhân gốc đào cổ thụ này cho biết trước khi mang xuống Hà Nội bày bán, cây đào là của một gia đình người dân tộc ở Lai Châu. Khi nhận, cây đào này chỉ còn phần gốc nên phải ghép cành mới để cây có dáng, thế như mong muốn.
Người chủ đầy đào cổ thụ này cũng tiết lộ đây thực sự là một cây đào quý, nếu từ giờ đến 23 Tháng Chạp (tức 14 Tháng Giêng) không có người mua, gốc đào này sẽ được bán đấu giá, số tiền thu được sẽ dành một phần để làm từ thiện.
8. ‘Xuân Này Con Không Về,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trịnh Lâm Ngân
January 14, 2023/ Vann Phan/NV
SANTA ANA, California (NV) – “Xuân Này Con Không Về,” ngoài giá trị của một bản nhạc tình mùa chinh chiến còn là một bản “nhạc lính” chân thành và thiết tha, nói lên tâm tình thương nhớ mẹ hiền và em thơ của những người lính xa nhà tại miền Nam tự do thời Chiến Tranh Việt Nam.
Nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân. (Hình: Tài liệu)
Nếu nhạc phẩm “100 phần 100” của Ngọc Sơn và Tuấn Hải tìm ra cái vui trong nỗi buồn bị cấm trại của các anh chiến sĩ Cộng Hòa bao nhiêu thì nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân lại khiến cho mọi người cảm thấy bùi ngùi, thương cảm cho đời lính gian lao của những người con, người chồng và người cha trong các gia đình tại miền Nam Việt Nam thời chinh chiến bấy nhiêu.
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai, đào nở vàng bên nương/ Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về/ Nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa.”
Từ nơi chiến trường gai lửa, con rất biết hiện giờ mẹ đang ngóng chờ tin con, coi thử năm nay con có được phép về ăn Tết với gia đình hay không, bởi vì hoa mai đang nở rộ báo hiệu mùa Xuân sang và chim én cũng đang bay đầy trước ngõ rồi mà sao con vẫn biền biệt tăm hơi, không thấy nhắn nhủ gì về cho mẹ biết?
“Ôi nhớ Xuân nào thuở trời yên vui/Nghe pháo Giao Thừa rộn ràng nơi nơi/ Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng/ trông bánh chưng chờ trời sáng/ Ðỏ hây hây những đôi má đào.”
Mẹ vẫn còn nhớ như in về những ngày Tết thuở đất nước còn chưa gặp nạn đao binh khi tiếng pháo Giao Thừa nổ ran từ đầu xóm đến cuối thôn. Và nhà mình vào đêm Giao Thừa thì từ lớn đến bé đều canh thức bên nồi bánh chưng để chờ trời sáng bước sang năm mới, nhất là nhìn những đôi má đỏ hây hây của đám trẻ thơ đang ráng thức cùng người lớn để mong đợi giây phút tuyệt vời của một năm mới tràn đầy hy vọng cho tương lai.
“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm/ Mái tranh nghèo không người sửa sang/ Khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân/ Ðàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai/ sẽ đem về cho tà áo mới/ ba ngày xuân đi khoe xóm giềng.”
Con vẫn biết nếu Tết năm nay mà con lại không về thăm nhà nữa thì mẹ sẽ buốn lắm, vì nhà mình đang cần bàn tay sửa sang của đứa con trai đang là lính xa nhà, từ mái tranh nghèo che nắng, che mưa cho tới khu vườn thưa thớt cây lá mà một mình mẹ chăm nom không xuể. Và buồn nhất là nếu con không về thì năm nay mấy đứa em nhỏ của con đâu có áo quần mới nào để mặc vào mà đi khoe với hàng xóm trong ba ngày Xuân nhật!
“Con biết không về mẹ chờ em trông/ Nhưng nếu con về bạn bè thương mong/ Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường/ không lẽ riêng mình êm ấm?/ Mẹ ơi, con Xuân này vắng nhà.”
Mẹ ơi, đã biết rằng nếu con không về thì mẹ và các em ngóng trông, nhưng ngó chung quanh con thì ai cũng vậy mẹ ơi: Tất cả đều ở lại chiến trường, ghìm súng giữ yên quê nhà cho bao người dân được hưởng một cái Tết thanh bình. Trong hoàn cảnh hiện tại, nay nếu một mình con được về thăm nhà thì không lẽ chỉ có riêng mình con được êm ấm, còn những người bạn chiến hữu từng vào sinh, ra tử với con thì sao đây, hả mẹ? Thôi nhé, con xin mẹ đừng buồn vì năm nay con vẫn chưa được về nhà ăn Tết cùng với mẹ và các em.
“Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”
Và mẹ có thương con thì xin hãy ráng đợi ngày mai, biết đâu lúc đó hòa bình trở lại trên quê hương ta, và mẹ con mình sẽ cùng nhau đoàn tụ trong một mùa Xuân tươi đẹp hơn, một mùa Xuân thanh bình, phải không mẹ yêu?
*
Nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về,” tuy là một bản “nhạc lính” có lời nhạc tuyệt diệu và âm điệu thiết tha của một bản tình ca thời chiến, còn là một nhạc phẩm tiêu biểu nói lên những khổ ái cùng những hy sinh to lớn của các anh chiến sĩ Cộng Hòa trong cuộc chiến đấu cam go để bảo vệ miền Nam tự do trước cuộc chiến tranh xâm lược do Cộng Sản Bắc Việt gây ra, gieo bao đau thương bao điêu tàn trên đất Mẹ mến yêu.
Trong khi phần đông dân chúng miền Nam Việt Nam tại các thành thị và vùng quê, nhờ được các anh chiến sĩ Cộng Hòa xả thân bảo vệ an ninh, đang yên bình tận hưởng những ngày Tết thiêng liêng của dân tộc thì tuyệt đại đa số các quân nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều phải ở lại nơi tuyến đầu hay đồn trại để ngăn chặn mọi mưu toan phát hoại cái Tết truyền thống của dân tộc. Bản “Xuân Này Con Không Về” phản ảnh một thực tế về sự hy sinh vô bờ bến của người chiến sĩ Quốc Gia trong sứ mạng “bảo quốc, an dân” mà đất nước đã giao phó vào tay họ.
Dù rất biết rằng nếu mình không về thăm nhà Tết này thì gia đình buồn lắm, nhất là mẹ già, nhưng người chiến sĩ Cộng Hòa dạt dào tình cảm cũng chẳng có thể làm gì hơn được.
Mẹ trông con trai về không chỉ để vui Xuân với gia đình mà còn để cậy nhờ con làm công kia, việc nọ, sửa sang chỗ này, chỗ kia trong ngôi nhà cứ hư hao dần theo năm tháng, như “mái tranh nghèo không người sửa sang” và “khu vườn thiếu hoa vàng mừng Xuân.” Và nhất là đàn em thơ sẽ mừng hụt khi nếu anh trai không về thì làm gì có ai sắm cho chúng áo quân mới để “ba ngày Xuân đi khoe xóm giềng?”
Vì chiến cuộc đang lan tràn, biết bao quân nhân miền Nam Việt Nam đã không được phép về thăm nhà để ăn Tết cùng gia đình, chứ đâu phải chỉ một mình ai đó thôi: “Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường/ không lẽ riêng mình êm ấm?” Vì thế, đứa con trai xa nhà chỉ còn biết nhắn nhủ người mẹ già đang mỏi mòn trông đợi con về trong ngày đoàn tụ truyền thống của một năm dài: “Mẹ ơi, con xuân này vắng nhà.” Và rồi “Mẹ thương con xin đợi ngày mai”… nghe thật não lòng!
Bút danh Trịnh Lâm Ngân là tên chung của hai nhạc sĩ Nhật Ngân và Trần Trịnh cùng với một người bạn chỉ biết chơi đờn tên là Lâm.
Nhạc sĩ Nhật Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân quê quán ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhưng trong hầu hết cuộc đời, ông sống tại Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và Hoa Kỳ.
Nhật Ngân gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và phục vụ trong Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng. Ông lập gia đình năm 1969 và có ba người con.
Nhật Ngân xuất hiện trong làng nhạc miền Nam Việt Nam vào thập niên 1960 với bản nhạc đầu tay “Tôi Đưa Em Sang Sông” viết chung với Y Vũ. Ông cũng thành công với những bản “nhạc lính” với các ca khúc như “Mùa Xuân Của Mẹ,” “Xuân Này Con Không Về,” “Qua Cơn Mê” (dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân)…
Sau 30 Tháng Tư, 1975, nhạc sĩ Nhật Ngân bị chính quyền mới cấm hoạt động, nhưng ca khúc “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh?” vẫn được phổ biến ở hải ngoại.
Năm 1982, Nhật Ngân vượt biển sang Thái Lan, rồi được cho định cư tại Hoa Kỳ năm 1984. Nhật Ngân từng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày nhưng sau đó được tạm thời chữa khỏi. Bài hát đầu tiên mà Nhật Ngân sáng tác tại hải ngoại mang tên “Hương,” dựa trên ý thơ của Nguyễn Long.
Kể từ năm 1993, Nhật Ngân hỗ trợ Trung Tâm Thúy Nga trong việc viết nhạc cảnh và ca khúc cho các chương trình của trung tâm này. Trung Tâm Thúy Nga đã thực hiện “Paris By Night 66 – Người Tình và Quê Hương,” vinh danh ông cùng hai nhạc sĩ Trần Trịnh và Ngô Thụy Miên.
Nhạc sĩ Nhật Ngân mất ngày 21 Tháng Giêng, 2012, tại California, thọ 70 tuổi.
Các sáng tác của Nhật Ngân khá nhiều, với gần cả trăm bài được nhiều người ái mộ cả thời trước 1975 và hiện nay.
Trước và sau năm 1975, trong số các nhạc phẩm nổi tiếng dưới bút danh Nhật Ngân có thể kể đến “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh,” “Cảm Ơn” (ký Ngân Khánh), “Cho Người Vào Cuộc Chiến” (với Phan Trần), “Đêm Nay Ai Đưa Em Về,” “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” (ký Ngân Khánh), “Ngày Đá Đơm Bông” (với Loan Thảo), “Tôi Đưa Em Sang Sông” (với Y Vũ), “Vẫn Nhớ Về Đà Nẵng” …
Các nhạc phẩm nổi tiếng và được nhiều người ái mộ dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân bao gồm: “Chiều Qua Phà Hậu Giang,” “Gặp Nhau Trên Phố,” “Lính Xa Nhà,” “Mùa Xuân Của Mẹ,” “Qua Cơn Mê,” “Xuân Này Con Không Về,” “Yêu Một Mình”…
Ngoài ra, Nhật Ngân còn sáng tác khá nhiều bản nhạc ngoại quốc lời Việt, trong đó có bài “Bến Thượng Hải,” nhạc Hoa.
Nhạc sĩ Trần Trịnh, tên thật là Trần Văn Lượng, sinh ra tại Thái Lan nhưng lớn lên ở Hà Nội. Ông Theo gia đình vào Nam hồi năm 1946, lúc mới lên 9 tuổi, và theo học trường Trung Học La San Tabert ở Sài Gòn. Ông theo học đàn với thầy Rémi Trịnh Văn Phước nên chọn bút danh sáng tác nhạc là Trần Trịnh.
Năm 17 tuổi, Trần Trịnh sáng tác nhạc phẩm đầu tay “Cung Đàn Muôn Điệu,” được nhà xuất bản An Phú phát hành và được nhiều ca sĩ đương thời hát.
Năm 1958, sau khi giã từ quân ngũ, nhạc sĩ Trần Trịnh đi biểu diễn dương cầm tại các phòng trà và vũ trường ở Sài Gòn. Ông còn tham gia Ban Văn Nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nơi ông gặp gỡ và kết thân với nhạc sĩ Nhật Ngân. Sau đó, nhạc sĩ Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng Ban Đại Hòa Tấu và Hợp Xướng Đống Đa trên đài Truyền Hình Việt Nam.
Sau cuôc gặp gỡ với thi sĩ Hà Huyền Chi, Trần Trịnh sáng tác nhạc phẩm “Lệ Đá,” với lời của Hà Huyền Chi. Bài hát được mọi người yêu thích ngay với số bản nhạc in và bán ra phá kỷ lục thời đó. Năm 1971, bản “Lệ Đá” được dùng làm nhạc nền cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Võ Doãn Châu.
Năm 1995, nhờ gia đình bảo lãnh, Trần Trịnh cùng ngườ vợ sau – người vợ trước của ông là nữ danh ca Mai Lệ Huyền – và hai người con đặt chân đến Hoa Kỳ và cư ngụ tại Orange County ở miền Nam California. Tại đây, người nhạc sĩ đã có những hoạt động âm nhạc khá mạnh trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Trung Tâm Thúy Nga đã thực hiện chương trình “Paris By Night 66 – Người Tình và Quê Hương,” vinh danh ông cùng hai nhạc sĩ Nhật Ngân và Ngô Thụy Miên.
Nhạc sĩ Trần Trịnh qua đời tại California năm 2012, hưởng thọ 75 tuổi.
Nhạc sĩ Nhật Ngân (trái) và nhạc sĩ Trần Trịnh. (Hình: Tài liệu)
Tuy nhạc sĩ Trần Trịnh sáng tác không dồi dào bằng người bạn đồng hành Nhật Ngân của ông, nhưng khá nhiều bản nhạc của ông được thính giả khắp nơi ái mộ, một phần cũng nhờ ở lời nhạc và ý nhạc của ông rất hay và thâm thúy, chẳng hạn như trong bản “Tiếng Hát Nửa Vời,” ra đời hồi năm 1973.
Ngoài các nhạc phẩm nổi tiếng viết chung với nhạc sĩ Nhật Ngân dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân, trong số các nhạc phẩm được ưa chuộng của Trần Trịnh phải kể đến “Cung Đàn Muôn Điệu,” “Chiếc Lá Cuối Cùng,” “Hai Sắc Hoa Tigôn,” “Hoa Nắng,” “Lá Thư Kỷ Niệm” (với Thanh Vũ), “Lệ Đá” (lời Hà Huyền Chi), “Nhớ Về Một Mùa Xuân,” “Tiếng Hát Nửa Vời”… (Vann Phan) [qd]
Nhạc phẩm ‘Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai, đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ,
mà tin con vẫn xa ngàn xa.
Ôi nhớ Xuân nào thuở trời yên vui
Nghe pháo Giao Thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng,
trông bánh chưng chờ trời sáng
Ðỏ hây hây những đôi má đào.
Đ.K.:
Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
Mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa vàng mừng Xuân
Ðàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai
sẽ đem về cho tà áo mới,
ba ngày Xuân đi khoe xóm giềng.
Con biết không về mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường,
không lẽ riêng mình êm ấm?
Mẹ ơi, con Xuân này vắng nhà.
Mẹ thương con xin đợi ngày mai.
Quê Hương Sưu tầm và tổng hợp
16/01/2023
Không có nhận xét nào