Trần Hiếu Chân/Gửi bài ý kiến tới BBC từ TP.HCM
29 tháng 1 2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 2 này của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau bốn năm kể từ khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2018 đang được giới quan sát ở Việt Nam chú ý.
Nếu Mỹ, Trung tăng cường can dự, liên kết; nếu lợi thế trong chiến tranh ở Ukraine ngày càng nghiêng về phía quân và dân Ukraine, Việt Nam "còn có cửa ra" về đối ngoại, tình hình Biển Đông sẽ đỡ căng thẳng hơn. Đó là nhận định của một quan chức Bộ Ngoại giao ở Hà Nội mà người viết bài này nghe được.
Sự đón đợi chung: Giai điệu chủ đạo của chuyến thăm sắp tới là, Hoa Kỳ và Trung Quốc rồi sẽ giao lưu nhiều hơn trong năm 2023 để cùng nhau xử lý những bất đồng, tránh gây xung đột trực tiếp, nhưng hai bên vẫn tiếp tục cạnh tranh trong những lĩnh vực buộc phải cạnh tranh, vì lợi ích sát sườn của mỗi bên.
Theo GS. Vương Dũng, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, chuyến thăm của ông Blinken có một tiêu chí chính trị rất quan trọng. Bang giao Trung - Mỹ đã xấu đi rõ rệt trong 4 năm qua, giờ là lúc cần phải làm ngưng sự sa sút ấy và làm cho mối quan hệ ổn định trở lại.
Ông Blinken được cho là có ba nhiệm vụ trọng tâm: Quản lý và kiểm soát các đầu mối khủng hoảng, tránh để cả hai bên đi đến va chạm gay gắt; Nối lại các cuộc giao lưu bị gián đoạn trong lĩnh vực truyền thông và học thuật; Bàn về sự hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực có quan tâm chung như biến đổi khí hậu…
Riêng với VN, có một lo ngại mang quán tính rằng liệu sự xích gần lại của Hoa Kỳ và TQ trong năm 2023 này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp gì đến quan hệ Việt-Mỹ hay không?
Thời Tổng thống Carter đã qua…
Nếu các nhà viết sử rồi đây chọn chuyến thăm cấp nhà nước của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Hà Nội vào tháng 9/2021 làm "cột mốc", thì quá trình "giãn cách" các quan hệ giữa Hà Nội với Washington đã xảy ra ngay từ thời điểm kịch tính ấy, bất kể nguyên nhân sâu xa là do đâu.
Chụp lại hình ảnh,
Quan hệ Hoa Kỳ - TQ có tác động sâu rộng đến tình hình khu vực châu Á-TBD
Quá trình "giãn cách" ấy bắt đầu bằng việc Việt Nam trên thực tế hoặc bị nhìn nhậ như đã "hạ cấp" sự hiện diện của PTT Harris khi chuyên cơ sắp cất cánh.
Ngó sang quốc đảo Singapore, đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long mời, trực tiếp hội đàm và họp báo chung với bà Harris. So với mức độ trọng thị mà Singapore dành cho PTT Mỹ, Việt Nam hạ xuống mấy cung bậc trong các thủ tục về khánh tiết. Đặc biệt, đã không đáp ứng yêu cầu lớn nhất của Mỹ là nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt lên "đối tác chiến lược", như trang RFA bản tiếng Anh đã nêu.
Những "động tác giả" của Việt Nam sau đó được đáp lại: Hàng không mẫu hạm Mỹ không cập cảng Đà Nẵng như mong đợi, các chuyến thăm đã lên kế hoạch của các quan chức cấp cao Mỹ trong tháng 7/2022 cũng bị hủy.
Phía Hoa Kỳ chưa hồi đáp, dẫu có đến cả sáu lần Việt Nam nhắc đi nhắc lại lời mời ông Biden thăm Hà Nội; Mỹ cũng đánh bài lờ cuộc điện đàm được công bố giữa TT Biden với TBT Nguyễn Phú Trọng.
Hẳn nhiên, bang giao Việt - Mỹ giờ này khác xa thời Tổng thống Jimmy Carter. Cuối những năm 1980, theo "Hồi ức và suy nghĩ" của Thứ trưởng Ngoại gioa VN, ông Trần Quang Cơ, lúc đó, Mỹ đã quyết định dứt bỏ quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, vì Việt Nam tham gia khối Comecon và ký hiệp ước với Liên Xô.
Việt Nam không còn là đề tài mặc cả
Nguồn hình ảnh, U.S. Embassy in Hanoi
Chụp lại hình ảnh,
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper thăm nhà máy của GE và VinFast ở Hải Phòng hôm 18/4/2022
Nhưng ông Trần Quang Cơ đã không nhắc đến một lý do quan trọng khác: Trong chính quyền Mỹ thời bấy giờ, thế lực muốn thúc đẩy việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc năm 1978 lấn lướt, nhất là khi Bắc Kinh lại có yêu cầu muốn Washington bình thướng hóa quan hệ với Trung Quốc trước Việt Nam…
Không còn là đề tài mặc cả, nhưng Việt Nam giờ đây vẫn liên quan đến một số vấn đề khu vực rất đụng chạm đến các quyền lợi của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Cách Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển trong chiến lược vùng xám đang làm náo động không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nước ASEAN khác, là một điển hình.
Chưa hết, mặc dầu TBT Tập Cận Bình có hạ giọng, nhưng tình hình Biển Đông ngày từ những ngày đầu 2023 này vẫn không yên tĩnh. Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh các cơ sở phòng không ở Biển Đông, đặc biệt xây dựng các bệ phóng tên lửa trên đảo Su Bi, Vành Khăn, Chữ Thập và một số đảo khác của Việt Nam.
Trong khi Hà Nội "nằm yên" và ưu tiên cho các xàn xếp nhân sự nội bộ thì Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã chủ động đề xuất với Trung Quốc cần có cơ chế tham vấn ở cấp các Ngoại trưởng để ngăn chặn bất cứ sự leo thang nào trong khi các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn.
Mới đây thôi, tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng rượt đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, các hành động bồi lấp của Trung Quốc tại Trường Sa trước đó cũng được giới quan sát đánh giá là động thái chưa từng có nằm trong mưu đồ lâu dài của Bắc Kinh củng cố các yêu sách đối với lãnh thổ tranh chấp.
Trung Quốc hiện đang sử dụng các lực lượng bán quân sự để gây áp lực với Việt Nam và một số nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Bắc Kinh.
Các lực lượng dân quân biển này còn phối hợp với các tổ chức quân sự để tiến hành các hoạt động tình báo và ngăn chặn tàu bè nước ngoài, theo Báo cáo thường niên về an ninh năm 2023, do Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản công bố trên aspistrategist.org.au (16/01).
Ngoại trưởng Blinken sẽ phản ứng thế nào đối với "Sáng kiến Phát triển Toàn cầu" (GDI) và "Sáng kiến An ninh Toàn cầu" (GSI) là hai khuôn khổ đa phương do Trung Quốc vừa công bố, sẽ là một thử thách cho quan hệ tới đây. TBT Trọng trong chuyến thăm Bắc Kinh năm ngoái đã bày tỏ sự hưởng đối với các nỗ lực của ôngTập nhằm định hình trật tự thế giới theo thiết kế riêng của Bắc Kinh.
Lõi của "trật tự mới" ấy là "hợp tác không giới hạn" Nga - Trung. Nếu Putin "làm cỏ" được Ukraine, tôi nghĩ ông Tập Cận Bình không kiêng nể gì mà không động thủ ở Biển Đông hay Đài Loan.
Liệu ông Blinken có nêu quan ngại của ASEAN về dân quân biển của TQ mà việc triển khai lâu nay ở Biển Đông làm tăng nghi ngờ, căng thẳng về TQ ở các nước trong vùng, và ở Mỹ, bấy chấp chương trình FONOP của Hải quân Hoa Kỳ?
Nếu chiến thắng sẽ thuộc về quân và dân Ukraine, ông Tập phải "tính bài lùi", tình hình Biển Đông sẽ đỡ căng thẳng hơn, Việt Nam "còn có cửa ra" về đối ngoại. Đó là nhận định của một nhà ngoại giao VN, xn tạm ẩn danh ở Hà Nội.
Và có chăng một định mệnh 'đi trước về sau'?
Thời của bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ đã qua, nhưng thời của nâng cấp bang giao song phương lên "đối tác chiến lược" dường như chưa tới. Những "lỡ trớn" trong năm 2023 gần như lặp lại một định mệnh.
Thật khó vượt qua được "lời nguyền địa lý" ấy. Trong quan hệ tay ba Việt - Mỹ - Trung, nhìn lại lịch sử, chúng ta luôn bị "nhỡ tàu", mà "nhỡ tàu" phần chủ yếu là do bị Trung Quốc cản phá.
Trong bang giao với Mỹ, điều gì cản trở nâng cấp "đối tác chiến lược toàn diện"? Nhưng Trung Quốc là thế, ân uy rõ ràng, hàng sống chống chết. Việc Đảng CSVN loại hai Phó thủ tướng được cho là "kỹ trị", Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam "về vườn" hôm 08/01 xảy ra lại đúng ngày giờ Trung Quốc mở cửa biên giới cho Việt Nam thông xe. Vậy là sao?
Cùng lúc, ai quan sát tình hình đều ghi nhận từ phía Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Daniel Kritenbrink, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin và cả Đại sứ Marc Knapper luôn nhấn mạnh đến nhu cầu nâng cấp mối quan hệ song phương.
Xuân Quý Mão này, thông điệp của Đại sứ Knapper gửi lời chúc Tết đến tất cả mọi người dân Việt Nam quá rõ ràng.
Nhưng có phải một định mệnh gì đó khiến Việt Nam luôn phải chờ Trung Quốc "làm thân thành công với Hoa Kỳ trước", rồi mới bám theo sau?
Không có nhận xét nào