Nguồn: Lê Thy đánh máy từ bản PDF của Việt Books
PHỤ LỤC
I- LỜI TUYÊN CÁO CỦA NỘI CÁC TRẦN-TRỌNG-KIM
Ngày 25 tháng hai năm Ất Dậu tức là ngày mồng chín tháng ba năm 1945 quân đội Đại-Nhật-Bản đã đánh đổ chủ quyền người Pháp trong toàn hạt Đông Dương. Sau đó Đức Kim Thượng đã tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Đồng thời thủ tướng Kolso báo cáo rằng nước Nhật không tham vọng nước ta.
Thế là sau 80 năm áp chế, nước ta đã khôi phục nền tự chủ và địa vị của một nước văn hiến ở cõi Á Đông.
Chúng ta không thể quên ơn nước Đại-Nhật-Bản đã giải phóng cho ta, không quên ơn Đức Kim Thượng đã quả quyết dắt dân ta lên đường độc lập, không thể quên ơn bao nhiêu nghĩa sĩ xưa nay đã hy sinh để nêu cao cái tinh thần phấn đấu của giống nòi.
Muốn giữ vững nền độc lập, quốc dân ta phải gắng sức làm việc và chịu nhiều sự hy sinh nữa. Hiện nay thế giới còn ở trong vòng chiến tranh, công cuộc kiến thiết quốc gia còn nhiều nỗi khó khăn. Lại vì bom đạn của quân địch sang tàn phá làm cản trở sự giao thông, khiến cho mấy mươi vạn người sinh trưởng trên khoảng đất phì nhiêu mà đành phải chịu chết đói.
Tuy kinh tế khó khăn, nhưng trên nhờ lòng tin cậy của Đức Kim Thượng, dưới nhờ sự ủng hộ của quốc dân, ngoài tin vào lòng thành thực của nước Đại-Nhật-Bản, chúng tôi hết sức theo đuội mục đính là hợp nhất tất cả các phần tử quốc dân để củng cố độc lập của Quốc Gia và gây mạnh cái tinh thần yêu nước trong mọi giai tầng xã hội.
Chính phủ sẽ lập ra một Kỷ-niệm-đài để ghi công các bậc anh hùng vì nòi giống, sẽ tìm mọi cách để các chính khác còn phiêu lưu được trở về tổ quốc, sẽ xoá bỏ những hình án bất công, để những người ái quốc còn bị giam cầm trong lao ngục có thể tùy tài sức mà tham dự vào công cuộc kiến thiết quốc gia.
Ngoài việc tiếp tế lương thực cho nhân dân và việc chuẩn cấp cho hàng triệu người bị khủng hoảng về nạn đói ở miền Bắc, thuế khóa lần lần định lại cho công bằng và cho từ Bắc chí Nam thuế nghịch thành duy nhất.
Công việc kiến thiết quốc gia sẽ cần đến tài lực và nhiệt tâm của tất cả mọi người trong nước. Đoàn kết quốc dân để gây thành một mãnh lực, đặt những cơ quan để liên lạc mật thiết chánh phủ và dân chúng, đó là những việc mà nội các sẽ chú ý đặc biệt.
Nội các sẽ trù tính cách thống nhất pháp luật trong toàn quốc và tránh sự lạm quyền, sẽ tìm phương chia quyền hành chính và tư pháp.
Nạn tham nhũng là cái tệ dung túng từ trước, cần phải trừ cho tiệt, nước ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, kẻ nào không biết cải tà qui chánh, sẽ phải bị trừng trị rất nghiêm.
Vận nước mai sau là cốt ở thanh niên bây giờ cho nên chính phủ rất chú trọng đào tạo những người mạnh mẽ, khí khái, có nghề nghiệp, có tổ chức, có huấn luyện, để bảo vệ nền độc lập đương gây.
Về phương diện kinh tế trong lúc chiến tranh chưa kết liễu và phải sống cách biệt với ngoài, nước ta chưa có thể thực hành ngay một chương trình to tát. Nhưng chính phủ sẽ dự bị một công cuộc tổ chức mới, chú trọng nhất là nâng cao trình độ sinh hoạt của dân chúng. Muốn thi hành chính sách ấy, tuy quốc gia phải đảm nhận một phần lớn trách nhiệm, nhưng cũng cần sự hợp tác của tất cả đoàn thể và cá nhân.
Lĩnh mệnh Đức Kim Thượng, đương trách nhiệm nặng nề đối với quốc dân, chúng tôi hiểu rõ ràng bước đầu phải đi mà đi phải thận trọng. Chúng tôi xin tuyên thệ với quốc dân đem hết tâm trí để theo đuổi mục đích duy nhất là xây đắp nền độc lập nước nhà, không tư vị cá nhân hay đảng phái. Chúng tôi chắc rằng mọi người trong quốc dân cũng một lòng vì nước, giữ thái độ bình tĩnh và tuân theo kỷ luật, để làm hết phận sự. Mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu.
II- Sau khi được tin đích xác nước Nhật Bản đã đầu hàng, Vua Bảo Đại có ban tờ chiếu sau nầy:
VIỆT-NAM HOÀNG-ĐẾ BAN CHIẾU
Cuộc chiến tranh thế giới đã kết liễu. Lịch sử nước Việt Nam hiện tới một thời kỳ nghiêm trọng vô cùng.
Đối với dân tộc Nhật Bản, trầm có nhiệm vụ tuyên bố rằng: Dân tộc ta có đủ tư cách tự trị và nhất quyết huy động tất cả lực lượng, tinh thần và vật chất của toàn quốc để giữ vững nền độc lập cho nước nhà.
Trước tình thế quốc tế hiện thời, Trẫm muốn mau có nội các mới.
Trẫm thiết tha hiệu triệu những nhà ái quốc hữu danh và ẩn danh đã nổ lực chiến đấu cho quyền lợi dân chúng và nền độc lập nước nhà mau mau ra giúp Trẫm để đối phó với thời cuộc. Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, trẩm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện.
Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẩm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thê quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm.
Trong sự chiến đấu mà ta cần phải đương đầu với một cuộc tái hồi ngoại thuộc, dân tộc Việt Nam chắc chắc ở sự đắc thắng của công lý và nhân đạo và tin rằng chỉ một nước Việt Nam độc lập mới có thể cộng tác một cách có hiệu quả với tất cả các nước để gây dựng một nền hòa bình vững chắc ở hoàn cầu.
Khâm thử
Phụng ngự ký: «Bảo Đại»
Ban chiếu tại Thuận Hóa
ngày 10 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20
(Dương lịch ngày 17 tháng 8 năm 1945)
Số 181 CT Ngự tiền Văn phòng cung lục
Thuận Hoá ngày 11 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20
(Dương lịch ngày 18 tháng 8 năm 1975)
Quan Tổng Lý
Ký tên: Phạm Khắc Hoà
III- Hai tờ chiếu của Vua Bảo Đại thoái vị ban cho Quốc dân và Hoàng tộc:
1- VIỆT-NAM HOÀNG-ĐẾ BAN CHIẾU
– Hạnh phúc của dân Việt Nam
– Độc lập của nước Việt Nam
Muốn đạt được mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hy sinh hết cả mọi phương diện, và cũng vì phương diện ấy nên Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải có bổ ích cho tổ quốc.
Xét thầy điều bổ ích cho tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng: trong giờ nghiêm trọng nầy đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.
Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc Hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam, Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người lợi dụng.
Cho nên, mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh, vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hoá đến Hà Tiên.
Mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lọi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.
Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều này:
1/- Đối với Tông Miếu và Lăng Tẩm của Liệt Thánh, chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.
2/- Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia, nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hoà xử trí để những phần tử ấy cũng có thê giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ dân chủ cộng hoà nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
3/- Đối với quốc dân, Trẩm khuyên tất cả các giai cấp, các đảng phái, cho đến cả người Hoàng-phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ, giữ vững nên độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và Hoàng Gia mà sinh chia rẽ.
Còn về phần Trẫm, sua 20 năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay, Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng Gia mà lung lạc quốc dân nữa.
Việt Nam độc lập muôn năm
Dân chủ Cộng Hoà muôn năm
Khâm thử
Phụng Ngự ký :«Bảo Đại»
Ban chiếu tại lầu Kiến Trung
ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20
(25 tháng 8 năm 1945)
Số hiệu 1871 GT
Ngự tiền Văn phòng cung lục
(dấu Ngự tiền Văn phòng)
2- VIỆT-NAM HOÀNG-ĐẾ BAN CHIẾU
cho bà con trong Hoàng-tộc
Kể từ ngày Đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế vào trấn ở Thuận Hóa đến nay đã 388 năm.
Trong non 4 thế kỷ Liệt Thánh chúng ta trước đã trải qua biết bao nhiêu sự gian lại nguy hiểm vì nước vì dân mới truyền ngôi lại cho Trẫm được đến ngày nay.
Cái gia tài quý báu di truyển đã gần 400 năm ấy, nay trong giây phút Trẫm bỏ hết cả. Bà con trong Hoàng-tộc ai mới nghe cũng phải đau đớn ngậm ngùi.
Song Trẫm biết rằng, đó chỉ là một cái cảm tình thoáng qua trong chốc lát mà thôi, chớ bà con ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét gần thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định lấy ba chữ «Dân vi quí» làm một khẩu hiệu của chính thể mới, sau khi đã tuyên bố: «Để hạnh phúc dân lên trên ngai vàng» «Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ» nay Trẫm nhất định thoái vị để giao vận mệnh quốc gia lại cho một chính phủ có đủ điểu kiện huy động hết thẩy lực lượng của toàn quốc mà giữ vững nền độc lập của nước, hạnh phúc cho dân.
Độc lập của nước, hạnh phúc của dân, vì tám chữ đó mà trong 80 năm vừa qua biết mấy mươi ngàn vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa, trong lao đen ngục tối.
Đối với sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt sĩ ây, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, Trẫm cho sự thoái vị của Trẫm là thường.
Vậy Trẫm chắc rằng bà con trong Hoàng-tộc sau khi nghe lời chiếu thoái vị, ai ai cũng vui lòng để nợ nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập cho tổ quốc. Thế mới là một cách chân chính cao thượng, giữ chữ Trung với Trẫm và chữ Hiếu với Liệt Thánh.
Việt Nam độc lập muôn năm
Dân chủ Cộng Hoà muôn năm
Khâm thử
Phụng Ngự ký :«Bảo Đại»
Ban chiếu tại lầu Kiến Trung
ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20
(25 tháng 8 năm 1945)
Số hiệu 1872 GT
Ngự tiền Văn phòng cung lục
(dấu Ngự tiền Văn phòng)
https://baovecovang2012.wordpress.com
Không có nhận xét nào