Lê Tây Sơn/SGN
29/01/2023
Trước sự thuyết phục kiên trì của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cuối cùng đồng ý chuyển giao xe tăng hạng nặng cho Ukraine (ảnh: Boris Roessler/picture alliance via Getty Images)
Trong bối cảnh bất hòa giữa các nước đồng minh, sau nhiều tuần không thể thuyết phục Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho phép xe tăng Leopard 2 của Đức được chuyển đến Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải đưa ra một đề xuất mới. Cuối cùng, một tuần đàm phán không ngừng nghỉ đã giải quyết được bế tắc, khi Đức nhượng bộ và Mỹ cũng cam kết cung cấp xe tăng Abrams cho Kiev…
Tờ The Washington Post – tổng hợp từ các cuộc trò chuyện với hơn một chục quan chức đương nhiệm lẫn hưu, cũng như những người quen thuộc với các sự kiện – đã thuật lại vài chi tiết hậu trường…
Trong một cuộc gọi vào buổi sáng 17 Tháng Một với Olaf Scholz từ Toà Bạch Ốc, Tổng thống Biden đã thử một số chiến thuật để trấn an thủ tướng Đức. Lúc đó Vương quốc Anh tuyên bố sẽ gửi 14 xe tăng Challenger như một cách nhắc khéo Scholz, rằng Đức không phải là nước đầu tiên phải vượt qua lo ngại khi thách thức người Nga bằng cách cung cấp cho Ukraine một hệ thống vũ khí mới quan trọng. Biden cũng nhắc Scholz, rằng Hoa Kỳ và các đối tác NATO khác, sau các cuộc tham vấn giữa Tháng Mười Hai với “Bộ tứ” gồm các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp và Đức, đã tạm thời phê duyệt việc chuyển giao hàng trăm phương tiện chiến đấu bọc thép nhỏ hơn nhưng hiệu quả, gồm cả Bradley và Stryker của Mỹ.
Điều phối viên về truyền thông chiến lược (Coordinator for Strategic Communications) của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby trong một cuộc họp báo về việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine (ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Nhưng Scholz nói với Tổng thống Mỹ rằng Berlin và Washington phải cùng nhau đối mặt với thách thức từ Moscow. Ông “mặc cả”: Đức sẽ không gửi xe tăng chiến đấu chủ lực của mình đến Ukraine nếu Hoa Kỳ tiếp tục từ chối gửi xe tăng hạng nặng Abrams M1. Phần mình, Tổng thống Biden lo ngại rằng sự bất đồng về vấn đề cung cấp xe tăng cho Ukraine càng kéo dài thì càng gây ra nhiều thiệt hại cho ưu tiên số một của ông trong cuộc chiến Ukraine: Duy trì sự thống nhất phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo trước sự xâm lược của Nga.
Các nhà lãnh đạo quân sự từ hàng chục quốc gia ủng hộ Ukraine đã họp trong ba ngày tại một căn cứ Mỹ ở Đức và mọi người đều muốn có câu trả lời dứt điểm cho những tranh cãi về xe tăng. Tại Mỹ, chính Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng phản đối việc cung cấp xe tăng Abrams vì “quá phức tạp để có thể vận hành ngay, từ huấn luyện tổ lái cách vận hành, bảo trì đến tiếp vận”… Tuy nhiên, cuối cùng, gần một tuần sau, Biden xuất hiện trong Phòng Roosevelt của Toà Bạch Ốc để thông báo: “Hoa Kỳ sẽ gửi 31 xe tăng Abrams tới Ukraine – Ông nhấn mạnh – Nhờ sự đồng thuận của Thủ tướng Scholz, Đức đã đồng ý cung cấp xe tăng Leopard và sẽ dẫn đầu nỗ lực tổ chức đóng góp của châu Âu thêm hàng chục chiếc nữa. Chúng tôi hoàn toàn, hoàn toàn đoàn kết vững chắc”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (trái) cùng người đồng cấp Đức Boris Pistorius trong cuộc họp báo tại Berlin ngày 19 Tháng Một 2023 (ảnh: Abdulhamid Hosbas/Anadolu Agency via Getty Images)
___________
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine gần một năm trước, viện trợ Hoa Kỳ và các đồng minh luôn đi theo hướng nhỏ giọt, đáp ứng nhu cầu chiến trường theo kiểu “cần đến đâu cung cấp đến đó” và tốc độ đôi khi khá chậm chạp, phản ánh sự miễn cưỡng và lo ngại việc khiêu khích Moscow. Putin có thể sử dụng việc chuyển giao một số vũ khí tiên tiến nhất của phương Tây như cái cớ để tấn công các nước NATO.
Chuẩn bị cho mùa xuân thứ hai của cuộc chiến, Mỹ và đồng minh tận dụng thời gian tương đối yên tĩnh để huấn luyện hàng ngàn binh sĩ Ukraine về kỹ năng và chiến thuật để họ có thể tấn công hiệu quả hơn vào các tuyến cố thủ của Nga. Nhưng Phương Tây chỉ đồng ý giao cho Ukraine xe thiết giáp chở quân qua các cánh đồng rộng bằng phẳng ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Họ cam kết chuyển giao xe bọc thép Bradley của Mỹ, Marder của Đức và AMX 10-RC của Pháp.
Nhưng những chiếc xe tăng chiến đấu hạng nặng mà Ukraine mong muốn lại là một vấn đề khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nhắc rằng Kyiv đã có đủ các xe tăng thời Liên Xô và hàng trăm chiếc thu được từ quân Nga rút lui hoặc được tặng bởi các thành viên NATO khác từng thuộc khối Xô Viết. Hơn nữa, các phương tiện của Mỹ được bọc bằng áo giáp uranium chuyên dụng (depleted uranium armor), một thiết kế tuyệt mật, không thể để Nga tiếp cận.
Lời kêu gọi xe tăng của Ukraine tiếp tục nhùng nhằng, không đạt được nhiều tiến triển, cho đến khi Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Washington bốn ngày trước Christmas. Tuy nhiên, trả lời cho lời khẩn cầu của Zelensky chỉ là xe chiến đấu bọc thép nhẹ hơn. Chỉ có nước Anh hứa gửi 14 xe tăng Challenger 2. Cuộc thảo luận về việc đưa xe tăng hạng nặng sang Ukraine vẫn tiếp tục “nóng” ở Mỹ và châu Âu. Đức là quốc gia bị áp lực nhiều nhất.
Quả bóng chuyển sang Đức nhưng Mỹ tháo ngòi
Đức có khoảng 2,000 chiếc Leopard trong kho vũ khí của họ và ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu châu Âu. Nhưng quốc gia nào muốn chuyển xe tăng Đức sang Ukraine sẽ cần có giấy phép tái xuất khẩu của Đức. Các phương tiện do Đức chế tạo dễ vận hành hơn nhiều so với Abrams M1. Nguồn phụ tùng thay thế cũng dồi dào và các quốc gia lân cận Ukraine sẵn sàng gửi chúng đến chiến trường.
Với Thủ tướng Scholz, Leopard là một tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính trị. Kể từ những ngày đầu cuộc chiến, Đức đã cố gắng không hăng hái trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine, nêu lý do sợ Nga trả đũa hoặc bị xem là một bên tham gia trực tiếp. Nhiều người trong liên minh cầm quyền của Scholz thúc giục ông “tiến lên phía trước”, ngay cả khi một số người trong Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền tỏ ra kém nhiệt tình và các cuộc thăm dò cho thấy dân chúng bị chia rẽ sâu sắc. Những hình ảnh trái ngược được truyền thông Đức đưa ra. Một bên là Đức với tư cách đối tác miễn cưỡng trong liên minh toàn cầu chống ý đồ xâm lược của Nga, một bên là lần đầu tiên xe tăng Đức lại lăn bánh khắp châu Âu kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Vào Tháng Mười Một, sau khi Đức giao một trong những hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất cho Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết ông đã xin phép Đức tái xuất khẩu hệ thống này sang Ukraine. Vài ngày sau, Hoa Kỳ và Đức cũng tuyên bố sẽ gửi Patriot đến Kiev để giúp nước này đánh chặn tên lửa từ xa của Nga. Khi Đức tiếp tục nói không với Leopard, Ba Lan lại gây sức ép Berlin khi thông báo rằng họ sẽ gửi xe tăng Đức đến Ukraine dù có hoặc không có sự cho phép của Đức. Một số quốc gia khác có thể làm tương tự.
Tổng thống Joe Biden cùng Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Phòng Roosevelt (Tòa Bạch Ốc) ngày 25 Tháng Một 2023 thông báo về việc Hoa Kỳ chuyển giao 31 xe tăng M-1 Abrams cho Ukraine (ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Phần mình, Washington cuối cùng thống nhất nội bộ về việc chuyển giao xe tăng Abrams M1 cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Đức trong tuần đó để gặp người đồng cấp Đức và có cuộc họp vào ngày 27 Tháng Một tại Căn cứ Không quân Ramstein với Nhóm liên lạc Quốc phòng Ukraine (Ukraine Defense Contact Group) mà ông giúp thành lập vào mùa xuân năm ngoái để điều phối việc quyên góp và vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Sáng thứ Hai 23 Tháng Một, Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, gặp Tổng thống Biden tại Toà Bạch Ốc. Bộ trưởng Quốc phòng chính thức khuyến nghị tiến hành kế hoạch cung cấp cho xe tăng Abrams.
Ngày 25 Tháng Một, Scholz họp Nội các và có bài phát biểu trước Bundestag (Quốc hội Đức) để thông báo hai tiểu đoàn Leopard – khoảng 80 xe tăng – từ Đức và các tiểu đoàn khác ở châu Âu sẽ đến Ukraine. Biden tổ chức một cuộc họp qua điện thoại với các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Ý. Tuy nhiên, 31 xe tăng Abrams M1A2 mà Biden uỷ nhiệm chuyển giao cho Ukraine sẽ không lấy từ kho dự trữ của quân đội Mỹ mà được bán theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (Ukraine Security Assistance Initiative). Chúng không có áo giáp uranium chuyên dụng để tránh bí mật rơi vào tay người Nga, và sẽ được bàn giao vào cuối năm 2023 hoặc 2024…
Không có nhận xét nào