Header Ads

  • Breaking News

    Có thể nào đoán đến bao giờ đảng hết bắt giam niềm tin?



    Bối cảnh và giới thiệu:

    Những năm gần đây, điều kiện để người dân thực hiện niềm tin của họ ở VN nhìn chung có xu hướng xấu đi vì nhà nước vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Chính quyền bức hại các thành viên của tổ chức tôn giáo độc lập chưa đăng ký và giam cầm với án tù dài hạn những tù nhân lương tâm ủng hộ tự do tôn giáo. [1]

    Trong vài năm nay, chính quyền địa phương quấy rối, giam giữ, đe dọa và lạm dụng thể chất các thành viên của Hội thánh Tin lành người Thượng ở tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk. Các hội thánh nầy đã cố gắng đăng ký với chính quyền nhưng không nhận được phản hồi. [1]

    Năm 2022, các tăng ni Tịnh thất Bồng Lai đã bị các phương tiện truyền thông nhà nước cáo buộc nhiều chuyện chưa có bằng chứng, một phần bởi vì thiền am nầy từ chối gia nhập “Giáo hội Phật giáo VN”. Những tấn công vào nhóm tôn giáo nầy rõ ràng là có chỉ đạo từ trên và huy động nhiều năng lực lề đảng. Tuy nhiên, cuối cùng nhà chức trách chỉ có thể truy tố nhóm Tịnh thất Bồng Lai với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và cá nhân,” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. [2]

    Tính đến nay ở vùng núi phía bắc VN, có khoảng 300.000 trong số 1.000.000 người H'Mông là tín đồ Tin Lành. Trước sự lớn mạnh của đạo Tin Lành trong người H'Mông, chính quyền phản ứng bằng cách bác bỏ, và không công nhận sự tồn tại của đạo này, phát tán các ấn phẩm tuyên truyền chống lại đạo này và hạn chế tự do tín ngưỡng. [3]

    Tháng 12/2021, khoảng 30 nhân viên y tế vào thôn Ngòi Sen ở tỉnh Tuyên Quang để truy tìm một ca nghi nhiễm covid. Sau đó có tới 300 công an tiến vào thôn để đàn áp người H'Mông tín đồ Tin Lành mà chính quyền tuyên bố là nhiều tín đồ không hợp tác với việc làm của nhân viên y tế. Theo nhân chứng, tổng cộng trong các ngày từ 12-15/12/2021, có khoảng 48 người bị bắt, 11 người bị tạm giam. Một tổ chức nhân quyền cho VN ở Đức tố cáo vụ việc nầy là đàn áp tôn giáo nhân danh y tế, và nhiều nhân chứng cho là nhà nước có nhiều hiểu lầm nghiêm trọng về tín ngưỡng của người H'Mông. [3]

    Nhà cầm quyền sách nhiễu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập và làm gián đoạn các nghi lễ trong những ngày lễ tôn giáo quan trọng của họ, buộc họ phải sinh hoạt tôn giáo tại gia. Tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh tín đồ Cao Đài Chơn Truyền mỗi lần sinh hoạt tôn giáo đều bị ngăn cản và đánh đập và Chức việc Bàn trị sự địa phương lúc nào cũng bị công an đến nhà sách nhiễu, không cho sinh hoạt tôn giáo. [4]

    Tranh chấp đất đai giữa cộng đồng tôn giáo và chính quyền địa phương vẫn tiếp diễn. Giáo xứ Công giáo An Hòa đã kiến ​​nghị chính quyền TP Đà Nẵng trả lại đất của giáo xứ khi tư nhân bắt đầu xây trên mảnh đất nầy vào tháng 3/2021. Chính quyền ở xã Loan Mỹ, tỉnh Vĩnh Long từ chối không cho một nhóm Phật giáo người Khmer-Krom xin xây chùa. [1]

    Tháng 11/2022, tù nhân lương tâm Phan Văn Thu, một người đang thụ án tù chung thân vì điều hành một nhóm tôn giáo độc lập, chết trong trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai sau một thời gian bệnh nặng mà không được chữa trị đầy đủ và kịp thời. [5]

    Ngày 02/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa VN vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” vì có tham gia hoặc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo. [6] Để tiện việc đối chiếu, với các vi phạm nghiêm trọng hơn thì các nước bị Mỹ đưa vào “Danh sách Quan ngại Đặc biệt” gồm Trung Quốc, Cuba, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, và Saudi Arabia, cùng những nước khác.

    Mục tiêu: Xem xét các lựa chọn chính sách hiện tại và tương lai trong quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước.

    Phương pháp:

    Phỏng theo cách làm của một nghiên cứu sinh Việt ở New Zealand, [7] chúng tôi sử dụng các công cụ khái niệm về trí tưởng tượng xã hội và khả năng khao khát để xem xét chính sách đàn áp tôn giáo hiện nay của đảng cộng sản VN và định hướng chân trời khát vọng của xã hội dân sự để bảo vệ tự do tôn giáo trong tương lai.

    Khoảng thời gian phân tích của chúng tôi là từ ngắn đến trung hạn (ví dụ: 5 đến 20 năm) trong bối cảnh cuộc cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra giữa hệ giá trị cộng sản và hệ giá trị tự do dân chủ, có tính đến tác động biến đổi khí hậu toàn cầu và cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra chậm và dần dần ở Trung Quốc. Những năm và thập kỷ tới sẽ được đánh dấu bằng một cuộc khủng hoảng nợ do lạm phát đình trệ và các mối đe dọa lớn liên quan đến - chiến tranh, đại dịch, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo gây rối loạn và phi toàn cầu hóa - tất cả đều có tác động cho việc làm, nền kinh tế, thị trường, hòa bình và thịnh vượng. [8]

    Phân tích nầy được thực hiện từ quan điểm của xã hội dân sự, bao gồm ​​đóng góp trong ngoài, dựa trên những giả định sau đây:

    Thành công của một nền dân chủ phụ thuộc phần lớn vào sự tồn tại của một cộng đồng chính trị thực sự đồng ý và chia xẻ về một số giá trị và thể chế cơ bản. [9] Các giá trị văn hóa được chia xẻ xây dựng lòng tin và bôi trơn sự tương tác giữa các công dân với nhau. Xã hội dân sự hiện nay đang dần dần hình thành một cộng đồng chính trị như thế, mặc dù và trưởng thành dưới sự trấn áp khốc liệt của đảng đương quyền.

    Một xác suất tương đối là Trung Quốc đang đi trên con đường dẫn đến tự do, dân chủ và thịnh vượng thông qua một cuộc cách mạng màu bất bạo động có sự tham gia rộng rãi của quần chúng. Các cuộc biểu tình công khai vào đầu tháng 11/2022 là những dấu hiệu ban đầu của sự bất bình sâu rộng. Sự tham gia của tầng lớp dân khá giả và dân cư đô thị vốn bình thường thụ động khơi gợi viễn ảnh rằng đảng cầm quyền độc tài không thể mong đợi duy trì sự kiểm soát chính trị trong khoảng thời gian từ ngắn đến trung hạn, với một cuộc khủng hoảng tài chánh diễn ra trong tương lai tương đối gần hơn.

    Một khi Trung Quốc chuyển hướng, thì đảng ở VN sẽ không còn nữa để bắt giam niềm tin.

    Kết quả:

    Cách làm của đảng cộng sản hiện nay:

    Tạp chí Cộng sản cho rằng - Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là phải có giới hạn, quyền ấy sẽ bị hạn chế vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội, môi trường, chứ không như đòi hỏi vô lý của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế và một số giới chức Mỹ. [10]

    Báo Quân đội tháng 11/2022 viết – Các thế lực thù địch tìm mọi cách tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, tích cực thúc đẩy liên kết hoạt động giữa các tôn giáo hòng từng bước biến tôn giáo thành lực lượng chính trị đối trọng với Đảng và Nhà nước VN. [11]

    Cách làm của chính phủ trong tương lai:

    Tách biệt tôn giáo và nhà nước đề cập đến nỗ lực ngăn chính phủ ảnh hưởng đến tôn giáo và tôn giáo không ảnh hưởng đến chính phủ ở mức độ lớn nhất có thể - do sự phức tạp của cả hai. [12]

    Có hai quan điểm lịch sử về sự tách biệt. Một là quan điểm là sự tách biệt bảo vệ chính phủ khỏi ảnh hưởng quá mức của tôn giáo. Quan điểm khác là sự tách biệt bảo vệ tôn giáo khỏi chính phủ.

    Ngoài những quan điểm lịch sử này, còn có một quan điểm khác về sự tách biệt: Đó là ý tưởng về sự tách biệt là một cơ chế để bảo vệ chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo. Có nhiều tôn giáo ở VN, và nhiều giáo phái riêng biệt trong các tôn giáo đó. Sự tách biệt giúp ngăn chặn chính phủ quảng bá một tôn giáo hoặc một giáo phái hơn những tôn giáo khác. Điều đó thực sự giúp bảo vệ tính đa nguyên tôn giáo để chính phủ không thể áp đặt một tôn giáo lên tất cả mọi người.

    Trên nguyên tắc, không nên trộn lẫn tôn giáo và chính trị. Nguyên tắc này có một sự thật mạnh mẽ: rằng khi tôn giáo được sử dụng cho các mục đích chính trị, nó sẽ làm mất đi ý nghĩa vĩnh cửu của tôn giáo và trở thành một phương pháp thâu tóm quyền lực độc ác hơn như cách làm của đảng bây giờ. [13]

    Đề nghị:

    Quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người. Nó là một quyền con người phổ quát cần được bảo vệ ở mọi nơi và cho mọi người, bất kể họ là ai, họ sống ở đâu và họ tin hay không tin vào điều gì. Vai trò chính của nhà nước trong tương lai là việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo. [14] Chính trị và văn hóa trong tương lai tương đương với một cái lều lớn sẽ cung cấp phạm vi bảo hiểm và sự tham gia cho tất cả mọi người, bất kể tôn giáo và niềm tin của họ.

    Nguồn:

    1. Leo, L., United States commission on international religious freedom: Annual report 2009. Washington, DC: US Commission on International Religious Freedom, 2009.

    2. TheVietnamese. The Case Of Tinh That Bong Lai Temple: What You Need To Know. 15/07/2022; Available from: https://www.thevietnamese.org/2022/07/the-case-of-tinh-that-bong-lai-temple-what-you-need-to-know.

    3. BBC. Tuyên Quang: Bắt người H'Mông theo đạo 'để chống Covid hay trấn áp tôn giáo'? 29/12/2021; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59815134.

    4. BBC. Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam: Tin Lành, Cao Đài, Thiền Am. 15/12/2022; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ced9qk481nno.

    5. RFA. Tù nhân lương tâm Phan Văn Thu mất trong trại giam vì không được chăm sóc y tế kịp thời. 21/11/2022; Available from: https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/phan-van-thu-died-in-prison-11212022074529.html.

    6. BBC. Mỹ đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' vì 'vi phạm nghiêm trọng' tự do tôn giáo. 04/12/2022.

    7. Phan, A.N.Q., Why overseas? Vietnamese doctoral students’ motivations for a doctoral study abroad. Journal of Adult and Continuing Education, 2022: p. 14779714221105912.


    9. Fukuyama, F., The end of history and the last man. 2006: Simon and Schuster. 351.


    11. Báo Quân đội Nhân dân. Nhận diện và phòng ngừa các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá Việt Nam hiện nay. 05/12/2022; Available from: https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/nhan-dien-va-phong-ngua-cac-thu-doan-loi-dung-ton-giao-chong-pha-viet-nam-hien-nay-712975.

    12. Michigan State University Magazine. Ask the Expert: Separation of church and state. 14/07/2022; Available from: https://msutoday.msu.edu/news/2022/Ask-the-expert-separation-of-church-and-state.

    13. Time Magazine - JAMES LANKFORD, R.M. The Real Meaning of the Separation of Church and State. 16/01/2018; Available from: https://time.com/5103677/church-state-separation-religious-freedom/.

    14. Union, C.o.t.E. EU Guidelines on the Promotion and Protection of Freedom of Religion or Belief. 2013. Foreign Affairs Council meeting, Luxembourg.


    Ts. Phạm Đình Bá

    Không có nhận xét nào