Quê Hương tổng hợp
Tịnh thất Bồng Lai: Tòa yêu cầu giám định tình trạng bệnh đối với ông Lê Tùng Vân
RFA
18/01/2023
Bị án Lê Tùng Vân được dìu đến tòa trong phiên xét xử trước đó
NLĐ
Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa đề nghị ông Lê Tùng Vân (người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai) có mặt tại Hội đồng giám định y khoa tỉnh Long An để kiểm tra sức khỏe.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 18/1 dựa theo nội dung thông báo của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa.
Việc Tòa yêu cầu ông Lê Tùng Vân đi kiểm tra sức khỏe do hôm 19/12/2022, người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai (TTBL) nay đổi tên thành Thiền Am bên bờ Vũ trụ đã có đơn gửi tòa xin hoãn chấp hành hình phạt tù năm năm do sức khỏe yếu vì tuổi già, mang nhiều bệnh tật như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, thiếu máu mạn tính, hẹp mạch vành, hội chứng viêm loét dạ dày…
Ba ngày sau khi nhận được đơn của ông Lê Tùng Vân, TAND huyện Đức Hòa đã ra quyết định trưng cầu giám định và đề nghị Trung tâm Giám định y khoa tỉnh Long An tiến hành giám định tình trạng bệnh đối với ông Lê Tùng Vân. Tuy nhiên, đến nay, ông Lê Tùng Vân vẫn chưa đến trung tâm này để giám định.
Trước đó, trong phiên xét xử vào ngày 5/12/2022, ông Lê Tùng Vân bị tuyên phạt năm năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân". Thời hạn phạt tù tính từ ngày 3/11/2022.
Các đệ tử của ông gồm Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, mỗi người bị án bốn năm tù; Lê Thanh Nhị Nguyên ba năm sáu tháng tù và bà Cao Thị Cúc (chủ hộ) ba năm tù.
Mỹ tham gia tài trợ khung chiến lược khí hậu cho Việt Nam
17/01/2023
Một phần thủ đô Hà Nội bị ngập vào tháng 7/2018.
Chính phủ Hoa Kỳ cho biết vừa cùng với các đối tác Nhật Bản và Australia công bố Khung Tài chính Khí hậu Việt Nam (VCFF), theo đó sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trong ngắn hạn.
Thông báo trên được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phát đi hôm 17/1, cho biết thêm rằng VCFF là một khuôn khổ chiến lược trong số những đối tác tham gia để thúc đẩy các dự án trong nhiều lĩnh vực nhằm giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính.
Truyền thông trong nước cho hay vào ngày 12/1, tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Tokyo, nhóm 3 tổ chức tài chính do chính phủ hậu thuẫn của Nhật Bản, Mỹ và Australia đã công bố tái cam kết hỗ trợ các nỗ lực cắt giảm khí thải carbon của Việt Nam.
Tin cho hay, tuyên bố chung về Khung Tài chính Khí hậu Việt Nam (VCFF) do nhóm 3 tổ chức trong Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng ba bên Australia-Nhật Bản-Mỹ (TIP) công bố, gồm các tổ chức tài chính Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Tài trợ Xuất khẩu Australia (EFA).
Thông cáo của DFC cho biết rằng VCFF sẽ hỗ trợ các dự án bằng cách sử dụng đầy đủ các công cụ tài chính, chẳng hạn như khoản vay, bảo lãnh và đầu tư vốn cổ phần, bao gồm thông qua các trung gian tài chính như ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng hoặc các nền tảng khác để hỗ trợ tiếp cận tài chính khí hậu cho những người chưa được phục vụ đầy đủ, và các công cụ phi tài chính, chẳng hạn như hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khả thi…
Ngoài ra, VCFF bổ sung cho các sáng kiến khác nhằm hỗ trợ Việt Nam thực sự không phát thải khí nhà kính vào năm 2050, bao gồm Cộng đồng Châu Á Không phát thải, Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng tại Việt Nam (JETP) và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), DFC cho biết trong thông báo.
DFC là tổ chức tài chính phát triển của chính phủ Mỹ được thành lập để huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vốn tư nhân vào phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia có thị trường mới nổi bằng cách cung cấp tài chính, bảo hiểm rủi ro chính trị và các công cụ tài chính khác cho các dự án phát triển.
Theo trang Mekong Asean, các đối tác của TIP đã cử một đoàn công tác chung đến Việt Nam vào tháng 10/2022 và trước đó, nhóm này cũng đã có các hội nghị trực tuyến với Ban Kinh tế Trung ương và một bộ liên quan vào tháng 1/2022 và tháng 10/2020.
Tại các cuộc họp này, các bên khẳng định sẽ hợp tác để giải quyết quá trình chuyển đổi năng lượng và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở Việt Nam, bằng cách tận dụng các cơ chế tài chính của mỗi quốc gia.
Vào tháng 9 năm ngoái, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry nói rằng Hoa Kỳ “cam kết làm việc với Nhóm G7 và các nước khác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đầy tham vọng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.
Trong khi Hà Nội cam kết với quốc tế rằng nền kinh tế của họ sẽ trung hòa carbon vào năm 2050, giới chức Việt Nam lại bắt bớ những tiếng nói chỉ trích và những người lên tiếng nghi ngờ về cam kết này. Gần đây, việc đàn áp những nhà hoạt động vì môi trường bị cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, lên tiếng phản đối.
Nguyên Cục trưởng Đăng kiểm bị bắt vì “nhận hối lộ”
RFA
17/01/2023
Ông Trần Kỳ Hình (bìa phải) cùng các bị can khác nghe đọc lệnh bắt ngày 17/1/2023
Công an Việt Nam
Ông Trần Kỳ Hình- nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam vào ngày 17/1 bị khởi tố và bị bắt giam theo cáo buộc “nhận hối lộ”.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) thông báo cho truyền thông Nhà nước biện pháp vừa nêu đối với ông Trần Kỳ Hình.
Đại diện CSĐT thuộc Công an TP HCM, Thượng tá Trần Văn Hiếu, cho biết trong quá trình điều tra mở rộng vụ án về hoạt động đăng kiểm trên cả nước, cơ quan này xác định từ năm 2014 đến tháng 8/2021, ông Trần Kỳ Hình, sinh năm 1961 và địa chỉ thường trú tại Quận Nam Từ Liêm Hà Nội, trong cương vị Cục trưởng Cục Đăng Kiểm đã trực tiếp hoặc thông qua ông Trần Anh Quân- quyền Trưởng phòng Kiểm định phương tiện cơ giới, nhận tiền hối lộ từ nhiều giám đốc trung tâm đăng kiểm. Mục đích của hoạt động này là để ký duyệt cấp mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm, cho dù chưa hội đủ các yêu cầu theo quy định.
Hôm 11/1, ông Đặng Việt Hà – Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam chính thức bị bắt giam về tội “Nhận hối lộ”.
Vào ngày 16/1 Bộ trưởng Giao thông- Vận tải- ông Nguyễn Văn Thắng tham dự Hội nghị Tổng kết Công tác của Cục Đăng kiểm. Tại đó ông Thắng phát biểu rằng thực tế nhiều cán bộ từ Cục trưởng Cục Đăng kiểm xuống đến trưởng phòng, rồi cán bộ các trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, bắt giam là sự cố rất nghiêm trọng và đau xót. Việc Cục Đăng kiểm nhận tiền theo tháng là "bảo kê tội phạm".
Quốc hội Việt Nam họp phiên bất thường mới
RFA
17/01/2023
Ảnh minh họa: Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Quốc hội ngày 20/7/2021
AFP
Quốc hội Việt Nam họp phiên bất thường sau khi Ban Chấp hành Trung ương đồng ý cho chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nghỉ hưu.
Quốc hội Việt Nam Khóa XV vào chiều ngày 18/1 sẽ họp phiên bất thường lần thứ ba.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vào tối ngày 17/1 thông báo quyết định vừa nêu của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội như vừa nêu. Mục tiêu được nói rõ để xem xét nội dung về công tác nhân sự.
Quyết định triệu tập phiên họp bất thường lần thứ ba, và đây là hai phiên họp bất thường của Quốc hội Khóa XV chỉ trong vòng hai tuần lễ, được thông báo sau khi Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam vào chiều ngày 17/1 đồng ý để ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nghỉ hưu.
Động thái cùa Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản và Quốc hội Việt Nam diễn ra đúng như mọi đồn đoán trong những ngày qua về sự ra đi của ông chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Ba công chức tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn bị bắt do dính vụ Thủ Đức House
RFA
17/01/2023
Ảnh minh họa: Cảng Sài Gòn
AFP
Ba cán bộ tại Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn, Khu vực 1 vào ngày 16/1 bị khởi tố và bị bắt do dính líu đến vụ Thủ Đức House.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) thuộc Bộ Công an Việt Nam tiến hành lệnh bắt đối với ba người gồm Hoàng Trung Kiên, Nguyễn Duy Linh và Phạm Duy Bình. Một người khác trong cùng vụ bị cấm đi khỏi nơi cư trú là ông Hồ Hoàng Hải.
Cả bốn người bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 360 Bộ Luật Hình sự năm 2015 để phục vụ điều tra trong vụ án của công ty Thủ Đức House, Công ty Hà Giang và Công ty Indovina.
C03 cho biết cơ quan này đang điều tra các vụ gồm buôn lậu; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam, Công ty TNHH TMDV điện tử Thế Hải, Công ty TNHH TMDV điện tử Indo Vina và một số đơn vị liên quan, theo Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 6888/QĐ-VKSTC-V3 ngày 30/11/2022 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Không có nhận xét nào