Quê Hương tổng hợp
Việt Nam phát hiện biến thể phụ XBB của Omicron tại TP. HCM
05/01/2023
Tiêm vắc-xin tại Việt Nam.
Bộ Y tế Việt Nam hôm 5/1 đăng tin của tờ Sức khỏe và Đời sống trên trang web của Bộ này, cho biết rằng biến thể phụ XBB của Omicron đã được phát hiện tại TP. HCM.
Tờ Sức khỏe và Đời sống, vốn là cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, đưa tin rằng biến thể phụ XBB được ghi nhận tại TP. HCM vào tháng 12/2022 nhưng tỷ lệ thấp.
Theo Bộ Y tế, đây là kết quả do nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford thực hiện trên 526 bệnh nhân COVID-19, vốn là những ca COVID nhập viện từ ngày 1/7/2022 đến 25/12/2022.
Reuters hôm 5/1 dẫn dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, đưa tin rằng tuần trước, biến thể phụ XBB và XBB.1.5 của Omicron được ước tính chiếm 44,1% số ca mắc COVID-19 tại Hoa Kỳ, tăng từ 25,9% mức trong tuần trước đó.
Biến thể phụ này cũng đã được phát hiện ở 28 quốc gia khác trên toàn thế giới, WHO cho biết. Reuters cho biết rằng XBB.1.5 đang gây lo ngại cho các nhà khoa học sau khi nó lan truyền nhanh chóng ở Hoa Kỳ cuối tháng 12 năm ngoái.
Theo Reuters, Omicron là biến thể dễ lây lan nhất của COVID-19 và hiện đang chiếm ưu thế trên toàn cầu.
Bùng phát dịch mạnh, Trung Quốc vẫn sẽ mở cửa biên giới với Việt Nam từ ngày 8/1
Dịch bùng phát mạnh, hàng nghìn người chết mỗi ngày, nhiều quốc gia yêu cầu xét nghiệm du khách từ Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Tổng hợp / Đức Minh)
Sau khi Bắc Kinh phát đi thông tin mở cửa kinh tế từ ngày 8/1, lãnh đạo các tỉnh biên giới của Trung Quốc – Việt Nam cũng đã thông báo về việc khôi phục hoàn toàn việc giao thương ở các cửa khẩu như: Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn,… Điều này vừa mang lại hy vọng xuất nhập khẩu thuận lợi hơn nhưng đồng thời cũng để lại sự lo lắng cho người dân về biến chủng COVID-19 đang bùng phát rất mạnh ở Trung Quốc, gây ra cái chết của hàng nghìn người mỗi ngày.
UBND tỉnh Lào Cai vừa cho hay hôm 4/1, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã nhận được thư liên hệ của Ban ngoại vụ, Chính quyền nhân dân huyện tự trị dân tộc Dao Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thông báo về việc khôi phục hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Cụ thể, từ ngày 8/1, Trung Quốc sẽ khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới.
Ngay sau khi nhận được thư từ phía Trung Quốc, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết đã họp với các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất các phương án quản lý và giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình sắp tới.
Về phía Việt Nam, quốc gia này đã lựa chọn chính sách “Sống chung với COVID” như phần lớn các nước trên thế giới hiện nay, mở cửa hoàn toàn từ hôm 15/3/2022. Với việc áp đặt chính sách Zero COVID, Bắc Kinh đã khiến hàng nghìn tấn nông sản Việt Nam ùn tắc ở cửa khẩu, hư hỏng và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng hồi đầu năm 2022.
Đối với hoạt động tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, chiều 5/1, ông Vi Công Tường – Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết tỉnh này vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể về kế hoạch thông thương bình thường trở lại của chính quyền tỉnh Bằng Tường (Trung Quốc) – tỉnh giáp biên giới với Việt Nam, Tuổi Trẻ đưa tin.
“Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày 8/1, nên để tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, hy vọng cuối tuần này chính quyền tỉnh Bằng Tường và tỉnh Lạng Sơn sẽ cùng hội đàm để thống nhất các biện pháp chống dịch, thời gian thông quan… đối với hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh tại các cặp cửa khẩu trên hai nước”, ông Tường nói.
Trước đó, đối với cửa khẩu tại tỉnh Quảng Ninh, hôm 3/1, UBND TP Móng Cái cho biết sẽ dừng việc xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR với người và hàng hóa xuất khẩu để thích nghi với những thay đổi trong công tác phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc, giúp giảm chi phí và đảm bảo việc lưu thông hàng hóa được thuận tiện.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái khẳng định đến thời điểm hiện tại, TP Móng Cái đã sẵn sàng đón công dân, du khách, chủ doanh nghiệp của cả hai bên trong hoạt động xuất nhập cảnh.
Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị bắt vì giúp đỡ Việt Á trục lợi
Bị can Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (ảnh: Tiền Phong).
Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an hôm 4/1 đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Bạch Thùy Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings và Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên chuyên viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam.
Theo VnExpress, bà Thuỷ, 56 tuổi cùng bà Linh, 45 tuổi bị khởi tố, tạm giam để điều tra tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, theo khoản 3 Điều 366 Bộ luật Hình sự.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, hai bị can có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số Bộ, ngành để tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh kit test Covid-19 để trục lợi.
Liên quan đến vụ án này, tính tới nay, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố, bắt tạm giam 104 người để làm rõ nhiều tội danh khác nhau.
Trong số các bị can, có tới 8 người là cựu lãnh đạo, quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ KH-CN, trong đó có ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN). Các bị can còn lại phần lớn là lãnh đạo, cán bộ tỉnh ủy, UBND, CDC, sở y tế… nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.
Hội An
Gỡ bỏ hơn 2,000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chữa bệnh sai sự thật trên YouTube
An Vui
05/01/2023
Quảng cáo thuốc chữa bá bệnh, có quảng cáo đội lốt phóng sự truyền hình – Ảnh Tuổi Trẻ
Trong Tháng Mười Hai 2022, Google phải gỡ bỏ hơn 2,000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chữa bệnh sai sự thật trên YouTube, theo yêu cầu của Bộ thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ y tế.
Tuổi Trẻ đưa tin hôm 5 Tháng Giêng dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, cho biết: “Con số này bằng tổng số quảng cáo vi phạm đã gỡ của bốn năm trước cộng lại”.
Hiện nay, các video quảng cáo phóng đại với những chữ như “gia truyền”, “thần y”, “cam kết chữa khỏi bệnh” tràn lan trên YouTube, khiến nhiều người Việt tin mua về sử dụng, tiền mất tật mang, vì bỏ luôn việc điều trị theo chỉ định của bệnh viện.
Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ thông tin truyền thông) đã yêu cầu Google ngăn chặn những quảng cáo phóng đại, sai sự thật liên quan đến thuốc và thực phẩm chữa bệnh. YouTube đã mất gần ba tháng nghiên cứu, thay đổi thuật toán để truy tìm và xóa bỏ hơn 2,000 quảng cáo.
Một quảng cáo đem hình ảnh tiến sĩ, bác sĩ ra mời chào – Ảnh Tuổi Trẻ
Trước đó, Tuổi Trẻ có hàng loạt các bài báo điều tra về việc này, trong đó có bài viết “Tiêu tùng gan, thận vì tin quảng cáo ‘nhà tôi ba đời làm thuốc gia truyền’ trên mạng” xuất bản hồi Tháng Tư 2021, trong đó nêu cụ thể trong vòng hai tuần có hai trường hợp phải cấp cứu ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) vì uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng đến mức suy gan, suy thận.
Không chỉ đe dọa tính mạng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong do dùng thuốc (có chứa chất cấm) mua qua mạng. Tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có thời điểm đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong do uống “tiểu đường hoàn” – thuốc điều trị tiểu đường có chứa phenformin, chất đã bị cấm từ năm 1978.
Các video quảng cáo thuốc và thực phẩm chữa bệnh trên YouTube dùng nhiều chiêu thức để đánh lừa bệnh nhân, chẳng hạn như gắn tên nhãn hàng với một vị bác sĩ, giáo sư nổi tiếng chữa trị giỏi; giả vờ dựng phim quảng cáo như một phóng sự với tên của phóng viên nào đó; sử dụng người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ để quảng cáo sai sự thật; dựng những câu chuyện giả về các bệnh nhân đã chữa trị khỏi; tự nhận là “thần y” với trang phục sắc tộc thiểu số, giới thiệu mình có bài thuốc gia truyền ba đời….
Thống kê từ YouTube cho biết mỗi tháng có hơn hai tỷ người dùng đăng nhập và mỗi ngày họ xem hơn một tỷ video, vì thế nền tảng này đang trở thành kênh bán thuốc gia truyền và thực phẩm chức năng sôi động ở Việt Nam, với nhiều chiêu thức lừa đảo.
“Chú Phúc” được cộng đồng NLG Việt Nam xem là vị thần linh. Ảnh cắt từ video của An Ninh TV
Nổi tiếng có lượng fan đông đảo nhất là kênh YouTube “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” và kênh Facebook “NLG Việt Nam” với gần 200 ngàn lượt theo dõi, do ông Lê Văn Phúc (sinh năm 1956 ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, hiện là Việt kiều Mỹ, sinh sống ở Turnberry Dr, Dublin, California), thường được fan của ông âu yếm gọi là “chú Phúc”. Ông này sáng lập tổ chức phi lợi nhuận NLG-Energy source – “Năng lượng gốc” (NLG) ở Mỹ năm 2016 và từ đó đến Tháng Tư 2021, ông Phúc liên tục về Việt Nam, thông qua số học viên “NLG” để liên hệ, kết nối với một số đơn vị, tổ chức các lớp học “NLG”… theo các cấp độ khác nhau. Cộng đồng NLG của “chú Phúc” tin vào việc ông chữa được bách bệnh bằng cách truyền năng lượng, thông qua điện thoại, bằng cách chỉ cần nhìn vào trán của ông!
Xem điện thoại để nhận năng lượng gốc chữa lành từ… trán “chú Phúc”. Ảnh cắt từ video An Ninh TV
Hiện cộng đồng NLG của ông Phúc tại Sài Gòn rất đông đảo, đa số là quý bà trên 50, khá giả và mang nhiều thứ bệnh. Họ sùng tín ông đến mức coi ông là vị thần linh, theo ông sang tận Thái Lan để học các lớp nâng cao và sẵn sàng đóng góp vào Quỹ cộng đồng “Năng lượng gốc” hay nộp học phí… đến mức tiền tỷ (VND).
Trước sự phát triển rầm rộ của NLG, một nhóm tẩy chay NLG với hơn 10,000 người tham gia trên Facebook, trong đó chủ yếu là người nhà của các học viên và các cựu học viên, nhằm thức tỉnh những người còn đang u mê.
Đình chỉ cán bộ công an Nội Bài bị tố đòi tiền tip của du khách
05/01/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Hình minh hoạ
Báo chí Việt Nam đưa tin, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết đơn vị đã tạm đình chỉ cán bộ liên quan để xác minh làm rõ hành vi và sẽ xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm.
Một lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an cho biết đơn vị đã có bước xử lý ban đầu.
"Chúng tôi đã xác định được cán bộ và đình chỉ công tác người này để làm rõ hành vi", đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh nói và cho hay đơn vị đã có trao đổi với các bên liên quan cũng như du khách đã phản ánh sự việc.
Đề cập nội dung tường trình của cán bộ công an vừa bị đình chỉ, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho hay sự việc đang trong giai đoạn xác minh nên chưa cung cấp thêm thông tin nhưng cam kết sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm.
Trước đó, bài viết của một công dân Singapore tố bị cán bộ an ninh xuất nhập cảnh đòi tiền khi làm thủ tục an ninh ngày 2/1 được chia sẻ chóng mặt trên Facebook với hơn 20.000 tương tác.
Bị xin tiền tip?
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 3/1, chủ nhân của bài viết, anh Kugan Pillai, thông tin rằng anh là công dân Singapore, đã du lịch nhiều nơi và đến Việt Nam nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên gặp phải chuyện vòi tiền ở sân bay Việt Nam cũng như là lần đầu trong đời.
"Tôi đến Việt Nam để du lịch vào dịp lễ Giáng Sinh và năm mới từ ngày 24/12/2022 đến ngày 2/1/2023 và vì thế tôi không cần phải xin visa và tôi cũng không ở quá hạn hay phạm pháp gì," Pillai nói với BBC.
Anh cũng tường thuật lại sự việc đã xảy ra ở cửa khẩu sân bay Nội Bài vào ngày 2/1 khi Pillai chuẩn bị rời Việt Nam trở lại Singapore:
"Tôi đang xếp hàng ở chỗ làm thủ tục an ninh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội để chuẩn bị về lại Singapore thì khi đến lượt mình, tôi đưa hộ chiếu cho cán bộ an ninh xuất nhập cảnh thì ông ấy đưa tôi lại vé máy bay của mình và chỉ vào từ “TIP” trên vé. Lúc đó tôi rất bối rối, tôi tưởng là ai đó đã ghi lên thẻ máy bay của tôi và rồi tôi sực nhận ra ông ta chính là người viết nó.
"Tôi hỏi ông ấy tôi phải đưa thêm gì, ông ấy không nói gì mà cứ chỉ vào từ TIP khi vẫn giữ hộ chiếu của tôi trong tay. Tôi lo sợ rằng nếu mình không đưa tiền, việc xuất cảnh của tôi sẽ bị làm khó dễ, trục trặc. Cuối cùng, tôi hỏi tôi cần phải đưa bao nhiêu thì cán bộ đó kiểu như 200.000 VND. Mà tôi chỉ có tờ 500.000 VND, tôi mới hỏi tôi có được thối lại tiền không thì ông ấy gật đầu, ý như là ông ấy sẽ trả lại. Nhưng sau khi tôi đưa tiền, ông ấy dửng dưng như không hề có chuyện gì xảy ra và cũng không thối lại tiền cho tôi. Và tôi phải rời quầy khi ông ấy kêu tôi đi và gọi người tiếp theo.
"Khi ấy, trong đầu tôi lo sợ nên đã đưa tiền trong lo sợ, vì tôi từng nghe những chuyện không hay xảy ra và khi ấy tôi đi cùng bạn gái nữa nên tôi sợ họ sẽ làm tổn hại gì cô ấy nếu tôi không chịu thoả hiệp," Kugan Pillai nhớ lại.
BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công An Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nguồn hình ảnh, UGC
Chụp lại hình ảnh,
Bài viết của Pillai lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội
'Đã làm việc với Bộ ngoại giao Singapore'
Sau khi sự việc xảy ra, Kugan Pillai cho biết anh rất tức giận và ngay lập tức gọi cho Đại sứ quán Singapore ở Hà Nội nhưng không có ai bắt máy.
Anh tiếp tục gọi Bộ Ngoại giao Singpore và báo cáo họ về vụ việc. Sau khi kết thúc cuộc gọi với Bộ Ngoại giao, Pillai đã lén chụp nhanh một tấm hình của viên chức đó trong khi xếp hàng chờ kiểm tra hành lý.
"Tôi chấp nhận rủi ro dù tôi biết không nên dùng điện thoại ở khu vực đó nhưng tôi thực sự không có lựa chọn nào. Tôi từng đọc và nghe về chuyện tham nhũng nhưng không phải ở sân bay. Sân bay là nơi vốn để bảo vệ mọi người. Tôi thành thực đã nhượng bộ dù không làm gì sai và tôi cảm thấy vì sao tôi phải trả tiền cho viên chức đó – cho họ làm công việc của mình khi đi qua chỗ kiểm tra an ninh.
"Bộ Ngoại giao Singapore đã liên hệ lại với tôi hôm nay. Họ chỉ kiểm tra lại những gì tôi nói sau khi thấy bài đăng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Tôi thực sự không chắc họ sẽ có hành động gì nhưng tôi đã nói với họ rằng, tôi thường không phải là kiểu người thích đăng bài trên Facebook nhưng bài viết này đã được chia sẻ rộng rãi và cũng là để nâng cao nhận thức cho mọi người về vấn nạn này.
"Với tôi, là người chống tham ô và khi tôi tận mắt chứng kiến nó, đó là điều tôi không thể nuốt trôi. Vì vậy, nội dung viết bài này, nó đi ngược lại với nguyên tắc và giá trị của tôi khi mà tôi đầu hàng tham nhũng, nhất là đối với những người mà mọi người vốn đặt niềm tin nơi họ," Pillai khẳng định.
Là người làm việc cho chính phủ và hiểu rõ luật pháp nghiêm khắc của Singapore, Kugan Pillai khẳng định những điều anh nói thực sự là những điều anh đã trải qua và khi bài viết lan truyền chóng mặt, anh nhận được nhiều lời chia sẻ về việc vòi vĩnh tương tự từ người Việt Nam lẫn người ngoại quốc.
"Có rất nhiều người Việt Nam đã nhắn tin cho tôi nói rằng họ rất biết ơn vì bài viết vì chính họ cũng gặp phải chuyện như vậy, họ đã phàn nàn về nó nhưng không có hành động nào được thực thi cả. Nếu điều này giúp ích cho những người ở Việt Nam, tôi rất vui vì mình đã lên tiếng. Tôi cũng dự trù được rằng sẽ có những người ghét và tấn công tôi trên Facebook nhưng thực sự có rất nhiều người đứng về phía tôi và bảo vệ tôi," Pillai bộc bạch.
Công dân người Singapore cho biết, dù có trải nghiệm không hay về việc vòi vĩnh tiền bạc ở cửa khẩu sân bay Nội Bài, anh vẫn sẽ đến thăm Việt Nam trong tương lai gần vì đất nước có rất nhiều người tốt, thân thiện cũng như ẩm thực ngon:
“Tôi rất thích đồ ăn Việt Nam, đặc biệt là bún chả và chả cá. Cà phê trong những con hẻm khuất cũng là điều tôi cực kỳ thích. Thành thật mà nói, tôi không biết sẽ có hành động gì được thực thi và ở mức độ nào vì không bên nào muốn căng thẳng ngoại giao. Liệu vấn đề này có bị cho chìm xuồng hay không? Và thực tình tôi cũng không muốn gây áp lực cho chính phủ mình nhưng tôi vẫn muốn họ biết được chuyện gì đã xảy ra với tôi và bảo vệ công dân của họ nếu có điều gì tồi tệ hơn xảy ra."
Nhiều người trên Facebook 'bức xúc'
Dưới bài viết với gần 20.000 lượt tương tác bao gồm yêu thích, chia sẻ, bình luận của Kugan Pillai, nhiều người tự nhận là công dân Việt Nam để lại lời xin lỗi và đồng thời, kể lại trải nghiệm của họ tại nơi kiểm tra an ninh khi về nước lẫn khi xuất cảnh.
Một người tên Kevin Lee cáo buộc: "Chuyện này thực sự có. Và thực sự đây không phải ngày may mắn của bạn và trong bối cảnh Tết cận kề, thì nhiều người làm việc cho chính phủ cố gắng kiếm chác thêm đại loại vậy. Tôi sống ở đó gần được tám năm, và đây là điều rất có tính nhất quán. Và công bằng mà nói, không phải nhân viên công chức nào cũng nhắm vào khách nước ngoài, vì tôi thấy cũng có nhiều người rất tốt bụng."
Nhiều Việt kiều, đặc biệt từ Mỹ về Việt Nam cũng phản ánh với BBC News Tiếng Việt rằng họ thường bị hỏi chút "trà bánh" khi làm thủ tục an ninh.
"Khi về thì bị hỏi tiền cà phê, khi đi thì có cán bộ hỏi đi du lịch Việt Nam còn dư tiền Việt Nam không, có thì cho anh em. Nếu không xì tiền ra thì bị hỏi tới hỏi lui, giữ chân thật lâu và vì tránh phiền phức, mọi người kháo nhau là phải có chút tiền 10-20 đô gì đó mới qua cổng được, riết rồi thành luật bất thành văn luôn," một người Mỹ gốc Việt nói với BBC.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Sân bay Nội Bài, thủ đô Hà Nội, Việt Nam
Ông Hoàng Hùng, một trong những quản trị viên của trang 'Tôi và Sứ quán' chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng khi về Việt Nam vào dịp Tết, vợ của ông cũng bị hỏi "xin tiền mừng tuổi".
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngày 4/1, ông Hùng nhận định các việc lạm thu ở các sứ quán Việt Nam cũng là một hình thức tiền TIP chứ không chỉ ở chỗ làm thủ tục an ninh:
"Theo tôi thì trước hết nhà nước phải trả lương xứng đáng với việc của công chức và xử lý nghiêm các trường hợp vòi vĩnh này. Về phía người dân cũng phải kiên quyết không đưa tiền cho công chức và phản ánh ngay khi bị vòi vĩnh. Nếu ai cũng như công dân Singapore kia thì công chức nào dám vòi tiền nữa.
"Tuy nhiên, nhiều lúc phải chấp nhận nộp tiền cho được việc. Sau đó lưu bằng chứng để kiện cáo. Tất nhiên đó là cách không hay nhưng cũng là cách để không mất việc của mình. Ví dụ, các anh chị em ở nước ngoài, tôi khuyên những ai ở xa sứ quán là cứ nộp tiền như phía sứ quán yêu cầu, nhưng phải lưu bằng chứng để kiện sau. Chứ nhiều khi chỉ vì vài chục đô mà phải đi về vài trăm km và mất thêm một ngày làm thì sẽ khổ cho anh chị em. Tất nhiên nếu cứng rắn và làm đúng pháp luật thì là không trả tiền cao hơn qui định cho dù có không được việc, nhưng ít người làm được vậy," ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, nhiều người khác cũng nói với BBC rằng họ chưa từng gặp cảnh tiêu cực khi ở sân bay Việt Nam, và rằng thủ tục giấy tờ ở các sân bay Việt Nam ngày càng thông thoáng, nhanh gọn.
Nội Bài là sân bay duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 100 sân bay "tốt nhất thế giới" năm 2020, xếp thứ 87, theo giải hàng năm của Skytrax. Tuy vậy, hai giải gần đây nhất, năm 2021 và 2022 không có tên sân bay nào của Việt Nam.
Theo ghi nhận của BBC, đến ngày 4/1, trang Facebook của Pillai vẫn nhận rất nhiều bình luận từ bạn bè và cộng đồng mạng, tố chuyện họ cũng "bị vòi tiền" ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất và Nội Bài của Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw0xw4xj2ryo
Vụ án ‘chuyến bay giải cứu’: Bắt thêm cựu đại sứ Việt Nam ở Malaysia
Lê Thiệt
05/01/2023
Hành khách trên một “chuyến bay giải cứu” về đến sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) vào tháng Sáu năm 2020 – Ảnh: Thanh Niên
Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, liên quan đến hơn 40 cựu lãnh đạo, cán bộ công tác tại các Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, chính quyền Hà Nội, Quảng Nam, các công ty du lịch.
Tối ngày Năm Tháng Giêng, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can với ông Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia và cán bộ dưới quyền là ông Nguyễn Hoàng Linh.
Hai bị can mới nhất này cùng bị khởi tố cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó ông Thái bị bắt tạm giam còn ông Linh được cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
Nhân vật cao cấp nhất trong số hơn 40 bị can bị khởi tố trong vụ án này là Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), bị bắt về tội “nhận hối lộ”.
Ông Nguyễn Quang Linh – trợ lý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh – cũng đã bị bắt về tội nhận hối lộ.
Công dân Việt Nam tham gia chuyến bay giải cứu, về nước qua sân bay Nội Bài (Hà Nội) – Ảnh: Tuổi Trẻ
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân.
Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng Sáu năm ngoái, lãnh đạo Cơ quan an ninh điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” người Việt từ nước ngoài về trong các đợt COVID-19 vừa qua, có chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỉ đồng/chuyến.
Tại họp báo Chính phủ tối ngày Ba Tháng Giêng, ông Tô Ân Xô cho biết tổng số tiền đã kê biên, phong tỏa và các bị can nộp khắc phục hậu quả là 80 tỷ đồng.
Nếu so sánh với số tiền các bị can trục lợi thì chưa thấm vào đâu.
Không có nhận xét nào