Quê Hương tổng hợp
Tình nguyện viên Peace Corps chính thức ra mắt tại Việt Nam
04/01/2023
Nhóm tình nguyện viên Peace Corps ở Việt Nam. Ảnh được Đại sứ quán Mỹ công bố hồi cuối tháng Mười năm ngoái.
Tân Tổng Giám đốc Peace Corps (Chương trình Hòa bình) của Hoa Kỳ mới đây đã chủ trì Lễ Tuyên thệ Tình nguyện viên lần đầu tiên tại Việt Nam.
Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm 3/1 cho biết rằng trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức, Tổng Giám đốc Chương trình Hòa bình, bà Carol Spahn, cuối tuần trước đã tới chủ trì và chúc mừng buổi Lễ tuyên thệ của nhóm tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình tại Hà Nội.
Tham gia buổi lễ mà cơ quan ngoại giao này nói là “lịch sử” này có đại diện các cơ quan Bộ, ban ngành của chính phủ Việt Nam và đại diện phía Chính phủ Hoa Kỳ là bà Melissa A. Bishop, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cùng ban giám hiệu và giáo viên từ các trường nơi mà các tình nguyện viên sẽ đồng giảng dạy.
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng các tình nguyện viên này “sẽ hỗ trợ thực hiện các trọng tâm giáo dục của hai quốc gia, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với mong muốn một tương lai kết nối chặt chẽ hơn”.
Theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ, bà Carol Spahn nói rằng “buổi Lễ Tuyên thệ ngày hôm nay là lúc chúng ta dành thời gian lắng đọng khỏi cuộc sống thường nhật bận rộn để trân trọng và nhận thấy sức mạnh của sự kết nối giữa con người”.
Bà được trích lời nói thêm: “Là quốc gia đối tác thứ 143 của Chương trình Hòa bình, chúng tôi chào đón Việt Nam tham gia vào mạng lưới toàn cầu của chúng tôi, và tôi mong chờ được thấy các tình nguyện viên và giáo viên cùng nhau làm việc truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo”.
Tin cho hay, chương trình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam của Chương trình Hòa bình, chính thức được thành lập từ sau lễ ký kết hiệp định thực thi vào tháng Bảy năm 2020, là sự hợp tác giữa chương trình này và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Sau Lễ Tuyên thệ, theo Đại sứ quán Hoa Kỳ, các tình nguyện viên sẽ bắt đầu nhận công tác tại các trường trung học phổ thông trên các quận huyện ở Hà Nội cùng các giáo viên và các học sinh Việt Nam.
Các tình nguyện viên của Peace Corps hiện đang có mặt tại hơn 60 quốc gia hỗ trợ về các lĩnh vực đa dạng từ môi trường, nông nghiệp, y tế, giáo dục, đến phát triển thanh niên, kinh tế, cộng đồng, theo trang web của tổ chức này.
Chương trình Peace Corps do Tổng thống John F. Kennedy sáng lập năm 1961 và từng có mặt ở miền nam Việt Nam trước năm 1975, khi đó được gọi là Đoàn Hòa Bình, hay đoàn Thanh niên Phụng sự Hòa bình. Tính đến nay, Peace Corps có mặt tại 142 quốc gia, và Việt Nam là quốc gia thứ 143.
Giá thuê mặt bằng ở các nước đều giảm, trừ Việt Nam
An Vui
04/01/2023
Shipper chờ lấy cà phê mang đi hồi tháng 9.2021 tại một quán cà phê Starbucks tại quận Phú Nhuận_Ảnh An Vui
Đó là nhận định của bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, được Tuổi Trẻ dẫn lời hôm 4 Tháng Giêng.
Bà cho biết chuỗi quán cà phê Starbucks ở Singapore được giảm 20%, các nước Thái Lan, Lào, Campuchia… cũng giảm ít nhất 10%, còn Việt Nam thì không.
Khó khăn hiện tại mà Starbucks phải đối mặt sau đại dịch chính là giá thuê mặt bằng ở Việt Nam không hề giảm, nếu có giảm thì cũng không đáng kể, chỉ được 3%. Bà Patricia so sánh: Ở Thái Lan, chủ bất động sản khi xây dựng trung tâm thương mại thường hoạch định từ trước là cần thương hiệu nào và chủ động hợp tác, ưu ái khách thuê, còn Việt Nam chưa có mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê nên muốn có vị trí đẹp phải trả giá rất cao.
Để giảm áp lực phí thuê mặt bằng ở khu trung tâm, Starbucks Việt Nam bắt đầu mở nhiều quán ở nhiều quận và chỉ thuê diện tích nhỏ, bắt kịp xu hướng người Việt hiện thích uống cà phê gần nhà hoặc sử dụng dịch vụ mang đi, thay vì phải ra trung tâm quận 1 như trước.
Giá thuê mặt bằng ở Việt Nam sau dịch vẫn đắt_Ảnh Tuổi Trẻ
Sau 10 năm vào Việt Nam, tính hết năm 2022, Starbucks đã có 87 quán cà phê tại Việt Nam, bao gồm 50 điểm ở Sài Gòn, 25 điểm ở Hà Nội, tiếp theo là Hải Phòng, Hưng Yên, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An. Điều đặc biệt chỉ có ở Việt Nam là trong và sau đại dịch, nhiều khách hàng sẵn sàng… chuyển khoản tiền để mua cà phê, đóng góp vào việc tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt của chuỗi Starbucks trong năm 2022. Nhận định về điều này, bà Patricia Marques cho biết sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là dấu ấn lớn nhất sau dịch. Ngoài thẻ ngân hàng, thẻ thành viên của hãng, khách hàng còn dùng mã QR để thanh toán qua ví điện tử.
Dự định của Starbucks Việt Nam là hướng đến 100 cửa hàng trong năm 2023. Hiện tại chuỗi này có trên 800 nhân sự và hơn 200 “coffee master” (chuyên viên pha chế cà phê theo tiêu chuẩn đào tạo nội bộ). So với các chuỗi đồ uống khác, số cửa hàng của Starbucks chỉ ở mức trung bình, đứng sau các chuỗi nội địa như Highlands, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên Legend. Tuy nhiên, đây là quán mang thương hiệu nước ngoài hiếm hoi, cùng với Café Amazon (Thái Lan) còn trụ lại được trong thị trường có hằng hà sa số các quán cà phê hẻm, cà phê lề đường, cà phê di động trên xe bán rong….
Số lượng các chuỗi cà phê nổi tiếng ở Việt Nam_Đồ họa Vnexpress
Báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khu vực châu Á của Kantar World Panel cho biết ngành đồ uống Việt Nam sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đã phục hồi, với tốc độ tăng trưởng trung bình 5.2%, chỉ kém tốc độ tăng trưởng trung bình của châu Á 0.4% trong Quý III/2022.
Allegra World Coffee Portal – nền tảng thông tin chuyên ngành về ngành cà phê của Anh – dự báo các chuỗi cà phê Việt Nam sẽ có tổng cộng khoảng 5,200 cửa hàng vào năm 2025. Nhìn chung, thị trường này về dài hạn vẫn được cho là có tiềm năng, nhưng sự cạnh tranh cũng khốc liệt không kém.
Bình Phước dừng qui hoạch khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú
RFA
05/01/2023
Bản đồ Đồng Phú (minh hoạ)
Vietnam daily
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Phước vừa ký công văn dừng qui hoạch dự án khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú với diện tích 6.300 hecta.
Quyết định dừng dự án trên được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền ký hôm 3/1 và được truyền thông nhà nước loan cùng ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước qua đó yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế làm việc với đơn vị tài trợ lập quy hoạch là Công ty Becamex – Bình Phước và đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn quy hoạch và hạ tầng đô thị Hoàng An kết thúc hợp đồng lập quy hoạch chung “Khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú”.
Nội dung quyết định còn thể hiện UBND tỉnh thống nhất về chủ trương thực hiện quy hoạch chung các Khu công nghiệp quy mô rộng 4.200ha vì đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời thực hiện các khu dân cư và tái định cư gắn với quy hoạch khu công nghiệp 4.200. Các tuyến đường kết nối cũng sẽ phải điều chỉnh lại hướng tuyến và điểm kết nối.
Bên cạnh đó, đối với các tuyến đường kết nối khu vực quy hoạch các khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú với các trục giao thông chính, UBND tỉnh Bình Phước giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát quy hoạch, hướng tuyến, điểm kết nối đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đồng bộ, tránh lãng phí.
Được biết, dự án trên được lãnh đạo tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2019.
Thêm hai người bị bắt trong vụ Việt Á
04/01/2023
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (trái) và Nguyễn Bạch Thùy Linh
Bộ Công an
Thêm hai người vào ngày 4/1 bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) thuộc Bộ Công an bắt do liên quan đến vụ test kit COVID-19 của Công ty Cổ phần Việt Á, theo thông tin từ công thông tin điện tử Bộ Công an. Hai người mới bị khởi tố và bị bắt giam là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - nguyên chuyên viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, và bà Nguyễn Bạch Thùy Linh- Giám đốc Công ty TNHH MỘt Thành viên SNB Holdings.
Tội danh của hai bà được C03 cho biết là “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Cụ thể, cả hai được nói dùng ảnh hưởng để can thiệp, tác động lãnh đạo một số Bộ, ngành để tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 để trục lợi.
Vào tối ngày 3/1, ông Tô Ân Xô- trung tướng Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam, cho biết số bị can trong hai vụ Việt Á và các chuyến bay giải cứu rất nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới.
Theo phát ngôn nhân Bộ Công an, đối với vụ Việt Á, tính đến ngày 3/1 cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã khởi tố 29 vụ và 102 bị can. Số tiền kê biên, phong tỏa, và các bị can nội để khắc phục hậu quả là 1670 tỷ đồng.
Bình Thuận: Bắt thêm ba cán bộ liên quan vụ quản lý thị trường nhận hối lộ
RFA
05/01/2023
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Anh Phong.
Tiền phong
Thêm ba cán bộ liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại tỉnh Bình Thuận đã bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Nam thi hành lệnh bắt tạm giam.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 5/1, nêu rõ ba người bị khởi tố bị can, bắt tạm giam gồm Phạm Minh Thắng - nguyên cán bộ Đội quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Anh Phong - cán bộ Phòng kinh tế hạ tầng huyện Hàm Thuận Nam; Phạm Phú Tưởng - cán bộ Chi cục thuế khu vực huyện Hàm Thuận Nam - Hàm Thuận Bắc.
Cả ba bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Công an huyện Hàm Thuận Nam cho biết việc bắt ba người trên nằm trong chuyên án mở rộng điều tra vụ đưa, nhận hối lộ xảy ra vào tháng 6/2022 tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam.
Liên quan vụ này, trước đó cơ quan CSĐT công an Hàm Thuận Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam ba cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Thuận. Cùng lúc, hàng loạt công chức thuộc Đội quản lý thị trường số 2 đã bị tạm đình chỉ công tác sau khi có thư tố giác nhiều cán bộ tại đơn vị này đã nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp sản xuất gạch khi tham gia đoàn kiểm tra khoáng sản đất sét cùng đoàn kiểm tra liên ngành.
Hiện công an vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra những người có liên quan.
Cần Thơ: Kỷ luật buộc thôi việc Chi cục trưởng thi hành án dân sự gây thất thoát 14 tỉ đồng
RFA
05/01/2023
Đầu tư &chứng khoán
Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện Phong Điền, Cần Thơ cùng một kế toán đã bị kỷ luật buộc thôi việc do gây thất thoát 14 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ Nguyễn Viết Xuân cho truyền thông hay tin trên trong ngày 5/1, một ngày sau khi đơn vị này ra quyết định kỷ luật công chức đối với ông Phạm Hoàng Hùng-Chi cục trưởng chi cục Thi hành án dân sự huyện Phong Điền và bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyền-phụ trách kế toán.
Cả hai, theo ông Xuân, đã gây thất thoát số tiền 14 tỷ đồng tại Chi cục huyện Phong Điền, được xác định có hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng về phòng, chống tham nhũng và pháp luật về công vụ, công chức; riêng bà Tuyền còn vi phạm pháp luật về tài chính kế toán.
Hồi cuối tháng 11/2022, ông Hùng đã “biến mất” khi đoàn kiểm tra của Cục thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ đến kiểm tra việc thu, chi tiền thi hành án tại đơn vị công.
Đoàn kiểm tra sau đó phát hiện ông Hùng đã chỉ đạo kế toán lập chứng từ tiền thi hành án không đúng qui định, gây thất thoát 14 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra đã gửi ba công văn yêu cầu ông Hùng có mặt tại đơn vị nhưng ông này vẫn bặt tăm.
Do đó, Cục thi hành án thành phố Cần Thơ đã có văn bản đề nghị cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác minh, xử lý theo qui định. Hiện, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tiếp nhận vụ việc và đang xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Không có nhận xét nào