Quê Hương tổng hợp
Covid: Dù Trung Quốc mở cửa, dịch khó bùng phát mạnh ở Việt Nam
Thanh Phương /RFI
02/01/2023
Chích ngừa Covid tại Củ Chi, Sài Gòn, Việt Nam, ngày 27/10/2001. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ chích ngừa cao nhất thế giới. AP - Thu Huong
Trung Quốc nay đã từ bỏ hoàn toàn chính sách “zero-Covid”, mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài, cụ thể là kể từ ngày 08/01/2023 sẽ không còn áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào Trung Quốc, đồng thời người dân Trung Quốc sẽ được tự do ra nước ngoài.
Tác động kinh tế
Việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn vào quý 2/2023 là một thông tin tích cực cho toàn thế giới nói chung và cho Việt Nam nói riêng, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc với số lượng lớn sẽ được hưởng lợi.
Việc nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến thương mại toàn cầu và giúp tái khởi động chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Nhiều hãng hàng không đã thông báo nối lại đường bay giữa Trung Quốc và Việt Nam, thúc đẩy ngành du lịch của Việt Nam cũng như giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo tập đoàn quản lý đầu tư VinaCapital, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp kích thích tăng trưởng của Việt Nam vào năm 2023, vì nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam.
Trong báo cáo mới công bố, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, dự báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% vào năm tới, do lượng khách du lịch Trung Quốc trở lại vào nửa cuối năm 2023.
Riêng về mặt giáo dục, theo tờ vnExpress, nhiều sinh viên Việt Nam du học ở Trung Quốc đã thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Trung Quốc sắp mở cửa trở lại, bởi vì trong gần 3 năm qua, nhiều người trong số họ đã phải học trực tuyến với rất nhiều khó khăn, áp lực, còn những ai vẫn sang Trung Quốc để tiếp tục học thì phải gánh những khoản chi phí rất lớn cho vé máy bay, cho cách ly tập trung …
Tuy nhiên, phải chờ thêm một thời gian để thấy rõ hơn tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với nền kinh tế thế giới và hiện vẫn chưa biết các chính sách của Trung Quốc sẽ như thế nào sau thời kỳ hậu "zero- Covid".
Lo ngại dịch lây lan
Nhưng Trung Quốc mở cửa trở lại đúng vào lúc mà tại quốc gia 1,4 tỷ dân này số ca nhiễm Covid-19 đang bùng nổ, có thể đã lên đến hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu ca. Trước tình hình đó, nhiều nước trên thế giới, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ý… đã thông báo những biện pháp hạn chế đối với các hành khách đến từ Trung Quốc, cụ thể là xét nghiệm Covid-19 và cách ly bắt buộc đối với họ, nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ Hoa lục lây lan sang.
Riêng đối với Việt Nam, về mặt kinh tế, Trung Quốc mở cửa trở lại có nghĩa là giao thương giữa hai nước sẽ dần trở lại bình thường, nhất là ngành du lịch sẽ đón tiếp trở lại lượng du khách Trung Quốc, vốn chiếm đông nhất trong tổng số du khách quốc tế.
Nhưng vấn đề đặt ra là với lượng du khách Trung Quốc sẽ ồ ạt đổ sang, có nguy cơ là dịch Covid sẽ lại bùng phát mạnh ở Việt Nam hay không? Theo các chuyên gia dịch tễ học, như bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, Việt Nam có một mức độ miễn dịch cao, nên không lo ngại lắm. Theo thống kê chính thức, cho đến nay Việt Nam đã tiêm gần 265,5 triệu liều vac-xin Covid-19, chích đủ ba mũi cho gần 80% dân số trên 18 tuổi:
“ Quan trọng là mức độ miễn dịch của Việt Nam. Độ miễn dịch ở Việt Nam khi làm xét nghiệm thử một vài vùng đã đạt được đến hơn 90%. Việt Nam cũng đã trải qua một thời gian ứng phó với Omicron. Nếu Omicron biến thể mà vẫn là trong một nhánh của Omicron thì không đáng lo đối với một nước có mức độ miễn dịch cao như vậy.
Còn sự xuất hiện của một biến thể khác theo tôi thì rất là khó, tại vì Trung Quốc tuy họ đóng cửa, nhưng họ cũng có bị nhiễm, họ cũng có Omicron. Tác nhân của dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc cũng là một nhánh của Omicron thôi. Nếu một biến thể nhẹ của Omicron xâm nhập vào Việt Nam, với mức độ miễn dịch của Việt Nam, tỷ lệ chích mũi 3 cao, thì cũng không đến nổi phải quá sức lo lắng như những nước khác. Với một nền miễn dịch như vậy thì cũng không cần thiết phải làm một cái gì thật dữ dội. Chỉ những nước nào mà nền miễn dịch còn kém và đặc biệt là dân số lớn tuổi mà miễn dịch nền cũng kém, thì mới đáng lo ngại.”
Nguy cơ xuất hiện biến thể mới
Sự bùng nổ số ca nhiễm ở Trung Quốc hiện nay chính là do biến thể BF.7, một biến thể của Omicron BA.5. Theo các chuyên gia, BF.7 có chỉ số R0 (tỷ lệ sinh sản của virus) từ 10 đến 18,6, có nghĩa là một người bị nhiễm sẽ truyền virus cho từ 10 đến 18,6 người khác. Đây là một tỷ lệ lây nhiễm cực cao, so với mức R0 từ 6 đến 7 của biến chủng Delta, 5,08 đối với biến thể Omicron hay 3 của chủng gốc SARS-CoV-2.
Do có tốc độ lây lan nhanh chóng như vậy, biến thể BF.7 có thể gây ra mối đe dọa mới trên toàn thế giới hay không? Đáng lo ngại hơn nữa, từ Trung Quốc có sẽ xuất hiện một biến thể nào khác với Omicron hay không?
Đối với bác sĩ Trương Hữu Khanh, trước mắt, biến thể mới ở Trung Quốc chưa đáng ngại lắm:
“ Nếu nói về một tỷ lệ lây mà có thể dẫn đến một biến thể lạ hơn nữa, thì tốc độ lây lan ở những nước khác hiện nay vẫn là do Omicron, ví dụ như hiện nay có một vài nước, sau khi có Omicron cũng có những đợt sóng với số ca bệnh rất cao, nhưng vẫn không có biến thể khác với Omicron, tức là một bậc cao hơn Omicron, với những thay đổi cấu trúc. Với cách lây như vậy và với tốc độ lây như vậy mà cũng không xuất hiện biến thể cao hơn Omicron, thì có lẽ với tốc độ lây ở Trung Quốc, nó cũng khó mà thay thế Omicron.
Biến đổi một thể sang một cái khác cho tới hiện nay, theo nhận định của tôi, rất là khó. Bởi vì Omicron đã xuất hiện cả một năm nay rồi, thậm chí hơn nữa, những chỉ có những biến thể nhánh, tức là chỉ có khác về tốc độ lây thôi, chứ không gây bệnh nặng. Nguy cơ đó rất là thấp. Thứ hai là mình có tìm nguy cơ cao hơn thì phải tìm thêm nó là một biến chủng như thế nào. Không chỉ riêng Việt Nam mà cả tất cả các nước đều phải tìm biến chủng đó, nếu nó xuất hiện.
Theo tôi cái quan trọng nhất là có một biến thể nào sớm hay không, có nghĩa là có biến thể nào khác với những biến thể đang xuất hiện ở những nơi khác ngoài Trung Quốc hay không, để mình có thể dự đoán cho tất cả các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nếu nó đã lây ra một nước ngoài Trung Quốc thì nó sẽ lây khắp thế giới. Mình cũng phải chuẩn bị tư thế để tìm xem có biến thể nào mới không. Nhưng nếu nó vẫn là biến thể trong dòng của Omicron thì nó không đáng ngại.”
Không cần xét nghiệm du khách Trung Quốc?
Trong khi một số nước đã thông báo áp dụng xét nghiệm Covid với hành khách Trung Quốc, thì những nước khác như Úc, Đức, Thái Lan thì không ban các quy định gì mới đối với những người đến từ Hoa lục. Riêng Việt Nam thì cho đến cuối tuần qua chưa có thông báo gì. Nhưng đối với các chuyên gia như bác sĩ Trương Hữu Khách, chưa cần thiết áp dụng xét nghiệm toàn bộ du khách Trung Quốc vào Việt Nam:
“ Kiểm soát thì cũng có lợi hơn một chút thôi, tức là khi có kết quả dương tính thì chúng ta phải phân tích, chạy sequencing, để coi nó thuộc biến thể nào. Nhưng đòi hỏi phải lấy mẫu cho tất cả những người từ bên Trung Quốc sang thì tương đối là khó, bởi vì giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc khá là nhiều. Chắc chắn là Việt Nam sẽ nghe ngóng, sẽ phân tích các số ca nhiễm sau khi giao thương lại với Trung Quốc để xem nó thuộc biến thể gì, chứ còn làm xét nghiệm với tất cả mọi người thì hơi phí, trong khi nền miễn dịch của mình đã đạt được như vậy.
Họ sang đây, nếu họ có biểu hiện bệnh mà tình cờ mình xét nghiệm hoặc mình chủ động tìm những ca điển hình và mình nghe ngóng xem là khi nó lây ra ngoài cộng đồng của Việt Nam thì mình cũng phân tích nó loại biến thể nào thì mình mới ứng phó kịp thời, chứ nếu mình làm từ đầu thì rất là tốn kém, mà cũng làm mất đi một cơ hội để làm ăn kinh tế với Trung Quốc.”
Theo báo chí trong nước, bộ Y Tế hiện chưa có ý kiến đánh giá tình hình dịch sau khi Trung Quốc thông báo sắp mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 19 Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 23/12, bộ trưởng Y Tế Đào Hồng Lan đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát các làn sóng Covid-19 do biến chủng mới. Dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể làm gia tăng số ca nhiễm Covid-19.
Tháng 8, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng chưa công bố hết dịch, chưa xem Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam. Bộ cũng cho rằng hiện Việt Nam "cơ bản đáp ứng" những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững, nhưng vẫn cần cảnh giác với các biến chủng mới của virus.
Nguyễn Thông - Bạn cây tre
Trên báo chí quốc doanh chứ không phải tôi bịa:
- Ngay đầu năm mới, suốt ngày tết dương lịch 01.01.2023, Nga dồn dập bắn hàng trăm quả tên lửa phá hạ tầng của Ukraine, tập trung vào hệ thống điện để người Ukraine chịu một "mùa đông chết chóc" (cách nói của báo chí Nga, được báo chí An Nam dùng lại).
Trước đó, ngày chính lễ Giáng sinh 25.12, Nga đã bắn hàng trăm quả dội lên đầu người kính Chúa (bọn "đế quốc Mỹ hung ác" năm 1972 còn biết chừa ngày này).
- Hôm nay 01.01, ngày đầu năm 2023, Triều Tiên chúc mừng năm mới bằng việc phóng tên lửa đạn đạo, bất chấp sự phản đối của Liên Hợp Quốc. Trước đó, ngày 31.12, Ủn đã tranh thủ phóng 3 quả để khinh thường nhân loại.
- Nga và Triều Tiên lâu nay, và cho tới bây giờ, vẫn là bạn thắm thiết của ngoại giao cây tre. Chả hiểu ra làm sao.
Những ai đã từng cực lực lên án Mỹ ném bom nhà máy điện Yên Phụ năm 1972 mà lại im hơi không nửa lời về việc quân xâm lược Nga hủy diệt hệ thống điện của Ukraine, thật không hiểu họ là loại người gì.
Biên niên sử nhân loại chắc chả bỏ qua những chuyện như vậy. Sau này con cháu đọc sẽ ngượng.
NGUYỄN THÔNG 01.01.2023
Nông dân Việt Nam được khuyến khích sử dụng phân hữu cơ
Thanh Phương
Ảnh minh họa: Phân hữu cơ do công ty của một sinh viên ở bang Utah, Hoa Kỳ, sản xuất, được trao giải thưởng năm 2017. AP - Steve Griffin
Sau hội nghị Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học ( COP15 ) tại Montréal, Canada, các nước trên toàn thế giới đã thông qua một thỏa thuận "lịch sử" để ngăn chận sự tàn phá hệ sinh thái trên hành tinh của chúng ta. Một trong những mục tiêu được đề ra là thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững, không sử dụng thuốc trừ sâu, cũng như từ bỏ phân hóa học để chuyển sang phân hữu cơ. Nông dân Việt Nam cũng được khuyến khích đi theo hướng này.
Trong sản xuất nông nghiệp, để bảo vệ cây trồng và đạt năng suất cao, nông dân bắt buộc phải sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Riêng ở Việt Nam, nông dân sử dụng nhiều phân bón hơn nhiều nước khác.Tờ Tuổi Trẻ ngày 17/03/2022 trích dẫn số liệu của Cục Bảo vệ thực vật ( Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho thấy là trong giai đoạn 2017 - 2020 cả nước sử dụng bình quân 10,3 triệu tấn/năm, trong đó phân bón hóa học chiếm đến 7,6 triệu tấn, còn lại là phân bón hữu cơ. Lượng phân bón sử dụng trung bình cả nước như vậy là cao hơn so với mức trung bình trên thế giới.
Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học không chỉ tạo ra những sản phẩm thiếu an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nước.
Chưa kể là hiện nay trên thế giới, người tiêu dùng ngày càng chọn các thực phẩm “sạch”, tức là được sản xuất mà không dùng đến các hóa chất độc hại. Ngoài ra, nhiều nước hiện nay đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho hàng nông phẩm từ các nước, ví dụ như để chinh phục thị trường Nhật Bản với 126 triệu dân, nông sản Việt Nam phải đạt một trong những tiêu chuẩn khắt khe, đó là Organic JAS (nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản).
Chiến tranh Ukraina càng khiến cho giá các loại phân bón tăng cao hơn nữa, khiến chi phí sản xuất tăng thêm, trong khi giá bán nhiều loại nông sản lại không tăng, thậm chí giảm, khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Đây được xem là cơ hội để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam khuyến khích nông dân chuyển sang sử dụng phân hữu cơ vi sinh, có nhiều mối lợi hơn.
Phân hữu cơ là gì?
Phân hữu cơ là những loại phân bón có nguồn gốc hình thành từ chất thải gia súc gia cầm, tàn dư thân lá cây, thụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ thải từ sinh hoạt, nhà bếp, nhà máy sản xuất thủy, hải sản…
Phân hữu cơ có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng dưới dạng những hợp chất hữu cơ và được dùng trong sản xuất nông nghiệp. Dựa vào các nguồn nói trên, phân hữu cơ có thể được CHIAthành hai nhóm chính: Thứ nhất là phân bón hữu cơ công nghiệp (phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, phân bón vi sinh và phân bón hữu cơ khoáng) và thứ hai là phân bón hữu cơ truyền thống (phân rác, phân xanh, phân chuồng,…), tức là những loại phân bón mà cha ông chúng ta đã dùng từ bao đời nay.
Không chỉ đến bây giờ, mà từ lâu giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, vẫn hô hào nông dân Việt Nam nên thay đổi thói quen canh tác, từ bỏ việc sử dụng phân hóa học.
Trả lời báo Người Lao Động ngày 20/03/2022, giáo sư Võ Tòng Xuân nhắc lại : “ Trong kỹ thuật trồng lúa của Việt Nam có đặc điểm là thích trồng lúa cao sản, ngắn ngày, 2-3 vụ/năm và có năng suất cao. Nếu nông dân vẫn còn bảo thủ với cách bón phân từ trước đến giờ thì sẽ phải tiếp tục bón nhiều phân hơn để cây cối đạt sản lượng bằng những năm trước, chi phí cho phân bón sẽ tăng đáng kể trong khi đầu ra của nông sản rất phập phù.”
Những mối lợi của phân hữu cơ
Tác động của chiến tranh Ukraina càng cho thấy là đã đến lúc nông dân Việt Nam nên dứt khoát chuyển qua sử dụng phân hữu cơ vi sinh, vì ngoài việc giúp làm giảm chi phí sản xuất, loại phân này mang lại rất nhiều mối lợi.
Cụ thể đó là những mối lợi nào? Khi bón vào đất phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng độ tơi xốp phì nhiêu cho đất bằng việc bổ sung, cung cấp các loại vi sinh vật, chất mùn, chất hữu cơ cho đất đai và cây trồng.
Trả lời phỏng vấn RFI ngày 18/03, giáo sư Võ Tòng Xuân giải thích thêm:
“Phân hữu cơ vi sinh dùng rất ít phân đạm hóa học, mà chủ yếu dùng đạm của thực vật và những chất hữu cơ trích ra từ phân bùn, rong biển, để lấy acic và các chất vi lượng. Những người nông dân dùng phân hữu cơ sinh học cũng vẫn đạt được năng suất gần tương đương, chứ không cao bằng, với năng suất dùng phân hóa học.
Khi đưa chất hữu cơ vi sinh vào trong đất thì đất sẽ phục hồi theo dạng nguyên sơ của nó, nên có đầy đủ các loại vi sinh vật trong đất, côn trùng cũng được phục hồi, thành ra rễ cây đưa được rất nhiều chất bổ lên thân cây và có đầy đủ các loại vi sinh vật.
Cây trồng sử dụng phân sinh học hữu cơ giống như là nó được tiêm vac-xin, bởi vì khi nông dân mình sử dụng phân hữu cơ sinh học này thì sẽ sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật, hầu như là không dùng đến, cho nên sản phẩm không chứa các chất hóa học, nên gạo ngon hơn, xoài ngọt hơn, các cây trồng khác cũng vậy.
Do đó những người nông dân đã đi đầu trong vấn đề này từ năm ngoái bây giờ họ đã thấy rõ ràng những mối lợi. Giá phân hóa học bây giờ có tăng lên thì họ cũng không màng tới, bởi vì họ đã chuyển quan phân hữu cơ sinh học rồi.
Nhờ sử dụng phân hữu cơ sinh học mà không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, cho nên giá thành một kg lúa bây giờ chỉ còn 2.500 đồng, còn những nông dân sử dụng phân hóa học thì một kg lúa luôn luôn tốn tới 4.000 đồng. Lý do là vì phân họ bỏ vào đó nhưng cây lúa không được xài hết, phân nửa lượng phân đó bị bốc lên vì bị oxy hóa thành khí nitơ NO2.
Đồng thời phân đạm hóa học khi vào trong đất rồi, nó không còn gì bổ dưỡng cho các loại vi sinh vật, nên trong đất, mà mà con mình gọi là đất chai, cây lúa và các cây trồng khác không có được các vi sinh vật đó để bảo vệ cho cây, thành ra bị sâu, bệnh phá hoại, do đó người ta phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trị sâu bệnh”
Chống biến đổi khí hậu
Ngoài những mối lợi nói trên, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, với việc sử dụng phân hóa học, nông dân Việt Nam cũng sẽ góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu:
“ Tôi chắc chắn mình cũng phải đạt được một phần những cam kết của chính phủ Việt Nam tại hội nghị khí hậu COP 26. Khi ta dùng phân hóa học rải lên mặt đất, thì dưới lớp nước ruộng với đất thì có một màng mỏng đất gọi là oxy hóa. Khi nông dân rải phân như thế thì ít nhất 15% lượng phân đó bị oxy hóa, bốc lên thành khí NO2, tức là khí độc gấp 310 lần khí CO2.
Thành ra khi chúng ta phát triển việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh thì bà con nông dân chúng ta cũng sẽ góp phần vào việc giảm thiểu lượng khí gây hiệu ứng nhà kính bay vào trong khí quyển, góp phần vào việc thực hiện các cam kết của chính phủ Việt Nam tại hội nghị khí hậu COP 26.”
Theo lời giáo sư Võ Tòng Xuân, hiện ở Việt Nam mới có khoảng 10% nông dân chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, vì nông dân chỉ mới bắt đầu dùng loại phân bón này vào năm ngoái:
“ Các nhà nông, các nhà khoa học của Mỹ, Anh, Đức đều thấy là bây giờ phải thay đổi, không nên dùng phân hóa học nhiều, mà phải chuyển sang phân hữu cơ vi sinh. Năm ngoái khi mình bắt đầu là mình cũng bắt chước bên Mỹ, Anh, Đức, nhất là Ấn Độ bây giờ cũng dùng rất nhiều.
Bên mình tuy chỉ mới có 10% nông dân đi theo hướng này, nhưng họ rất là sung sướng khi thấy được kết quả. Cho nên bây giờ, bộ Nông Nghiệp cũng sẽ tính làm một hội nghị lớn, mời rất nhiều nông dân, đưa họ lên truyền hình trực tuyến, để cho bà con nông dân thấy những người đã đi đầu từ năm ngoái trình bày những kết quả của họ cho bà con nghe. Hy vọng làm như thế sẽ đưa tới một phong trào mới nông dân mình sử dụng phân hữu cơ vi sinh”.
Tờ Dân Việt ngày 25/11/2021 cho biết là theo tính toán, mỗi năm Việt Nam có khoảng 280 triệu tấn chất thải hữu cơ từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản có thể sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ có chi phí thấp. Đây là một trong những yếu tố có thể thúc đẩy việc sử dụng phân hữu cơ ở Việt Nam, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, thân thiện môi trường.
Việt Nam giã từ sổ hộ khẩu sau hơn nửa thế kỷ
01/01/2023
Sổ hộ khẩu (minh hoạ) /PLO
Bắt đầu từ ngày 1/1/2023, Việt Nam bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu đối với toàn dân và thay bằng sổ hộ khẩu điện tử.
Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại kể từ năm 1964 khi Chính phủ ban hành nghị định về hệ thống hộ khẩu chính thức áp dụng trên toàn quốc, sổ hộ khẩu bị cho là gây nhiều phiền phức cho người dân trong gần như tất cả mọi hoạt động sinh hoạt đời thường, từ mua thực phẩm (thời bao cấp), đến đăng ký khai sinh, cho con đi học, kết hôn, báo tử…
Ngày 13/1/2020, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo Luật này, "Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022”.
Theo quy định mới, người dân muốn chứng minh về thông tin cư trú, thay vì dùng sổ hộ khẩu, sẽ dùng các giấy tờ khác để chứng minh bao gồm: căn cước công dân (hoặc giấy chứng minh nhân dân), giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Không có nhận xét nào