Quê Hương tổng hợp
128 người chết vì tai nạn giao thông trong ba ngày nghỉ Tết
RFA
24/01/2023
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông
Báo Giao thông
Trong ba ngày nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão (từ 21 đến 23), Việt Nam ghi nhận 11.500 vụ tai nạn giao thông đường bộ, khiến 128 người tử vong.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho truyền thông hay tin trên trong ngày 24/1.
Theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, số người tử vong vì tai nạn giao thông tăng 12 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022.
Bên cạnh đó, cũng sau ba ngày nghỉ, có 311 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 103 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. 29 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, khiến hai người tử vong.
Tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn từ sáng mùng 1 đến sáng mùng 2 (tức 22 và 23/1) là 119 trường hợp. Trong đó, 68 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia; năm trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.
Tính chung trong ba ngày nghỉ Tết, đã có 306 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu. Ba ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh trên cả nước tăng gần 40% so với năm ngoái, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cho truyền thông hay.
Lịch nghỉ Tết Quý Mão 2023 của công chức, viên chức tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 20/1 và kéo dài đến hết ngày 26/1 (tức 29 đến Mồng 5 Âm lịch).
Nước mắt chợ hoa đêm giao thừa Nhâm Dần - Quý Mão
Bình luận của blogger Gió Bấc
23/01/2023
Hoa Tết hạ giá đêm 30 Tết Quý Mão
Photo: RFA
Đêm Ba mươi, Phút Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm trong ý nghĩa gia đình đoàn tụ, sum vầy. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã giản lược thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, chỉ cần vài khóm vạn thọ, cúc, nhành mai, nhành đào là đủ không khí Tết. Thế nhưng, đêm 30 Tết năm nay rất nhiều gia đình đã không đủ tiền mua hoa. Hàng vạn người trồng hoa, bán hoa mang không khí Tết cho xã hội, cho mọi nhà lại không dám về nhà mà khắc khoải, vật vã rơi nước mắt bên những thảm hoa tươi nguyên thừa ế trên đường phố. Họ không chỉ mất Tết mà có nguy cơ trắng tay, vỡ nợ. Năm mới sẽ đến với họ đầy bất trắc.
Hàng chục năm qua, những người cần lao thuộc giai cấp tiên phong của chế độ, không dám đi chợ Tết ở các siêu thị, không đánh giá Tết lớn, Tết nhỏ qua giá cả rượu bia, lạp xưởng. Cái Tết trong mắt họ là những khu chợ hoa Tết nhan nhản khắp nông thôn, phố thị. Không tốn kém như ăn bằng miệng với các thứ bánh mứt, rượu thịt đắt tiền, người ta ăn Tết bằng mắt với vài chậu hoa cũng đủ ấm lòng trong ba ngày Tết.
Người khá giả thuê xe tải bỏ ra năm mười triệu mua hoa đắt tiền phủ màu sắc lên ngôi biệt thự. Người nghèo đi xe máy bỏ ra trên dưới 100 ngàn đồng (gần 5 USD) đã có thể mang không khí Tết về nhà.
Chợ hoa Tết Việt rất đặc trưng là các loại hoa truyền thống của từng vùng miền trồng theo mùa vụ. Miền Bắc chủ lực là đào, quất, miền Nam mai vàng, vạn thọ, cúc đủ loại bình dân là mâm xôi, đại đóa…, sang trọng là Tiger. Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) trở thành thủ phủ hoa Tết của miền Nam với các loại hoa chất lượng cao được tỉa tót tạo hình tinh tế như mai bonsai, cúc, trạng nguyên. Ngoài ra ở từng tỉnh huyện cũng hình thành những tiểu vùng trồng hoa Tết với các loài hoa phổ biến như hướng dương, vạn thọ.
Trồng, bán hoa Tết thành một nghề quan trọng trong mùa vụ Tết. Thị trường hoa Tết trở thành hàn thử biểu nhạy cảm đo đạt mức phồn thịnh hoặc suy thoái của kinh tế. Mặc cho báo cáo, diễn văn chúc Tết của Đảng, Chính phủ nói nhăng nói cuội thế nào. Cứ nhìn vào sự nhộn nhịp, tấp nập của các chợ hoa Tết là biết ngay kinh tế ổn định, phát triển. Chợ hoa Tết eo sèo ế ẩm thì biết ngay kinh tế đang lụn bại chính xác như đinh đóng cột.
Năm nay, theo báo cáo của Chính phủ, theo báo đài tuyên truyền Nhà nước, năm 2022, tăng trưởng GDP ước đạt 8,02% với nhiều điểm sáng. Theo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12, tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi tích cực với những tiến triển tốt và đồng đều trên cả ba khu vực, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,36%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; dịch vụ tăng 9,99%. (1)
Đọc thấy phát ham. Tổng Trọng trong cơn mê cuồng đốt lò, tiêu diệt các đảng viên ưu tú do chính mình tuyển chọn, cơ cấu, đề bạt đúng quy trình trong nhiều nhiệm kỳ lại chai mặt lấy sức cạn hơi tàn đọc thư chúc Tết với những lời sáo rỗng muôn thuở: “vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả” (2)
Trung Quốc mượn cớ COVID cản trợ xuất khẩu nông sản, các măt hàng gia công chiến lược may mặc, giày da, gỗ bị đứt gãy đơn hàng, hàng triệu công nhân thất nghiệp. Kinh tế tài chính vỡ toang bởi chiêu trò lũng đoạn của các đại gia FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, bất động sản thừa ế đóng băng hàng trăm ngàn tỉ, người dân biểu tình đứng, biểu tình ngồi đòi tiền góp vốn ngân hàng, tiềm mua trái phiếu, công nhân đòi tăng lương khắp cả nước. Các con số GDP 8.02%, “phục hồi và phát triển kinh tế” là trò chơi chữ nghĩa, là cái bánh vẽ hy vọng mà chính quyền nhà sản vẫn rộng tay ưu ái tặng dân.
“GDP 8.02%”, “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” thực sự thê thảm thế nào hãy nhìn vào chợ hoa Tết năm nay. Gõ từ khóa “hoa tết ế” cho công cụ tìm kiếm của Google sẽ cho thấy con số hùng hồn khoảng 6.280.000 kết quả.
Chính báo chí lề phải có thể xem là thông tin vô thưởng vô phạt nên đã đồng loạt bỗng dưng nói thật. Với tựa đề “Mười mấy năm bán hoa Tết chưa năm nào ế như năm nay”, báo Zing News có lời dẫn “Chiều 29 tháng Chạp, nhiều tiểu thương bán hoa tại TP.HCM vẫn cầm cự ngồi chờ khách vì ế ẩm.” (3)
Báo Lao Động cũng có bài tương tự và có thêm cả phóng sự ảnh ở TP.Vinh Nghệ An “Hoa tết ế ẩm, tiểu thương chém gốc, vứt bỏ để về quê đón Tết” (4)
Đà Nẵng, nổi tiếng là TP đáng sống nhất cả nước nhưng “Chợ hoa xuân Đà Nẵng 29 Tết: Hạ giá bán như cho vẫn ế” (5)
Ngay Hà Nội thủ đô ngàn năm văn vật nơi tiền bạc cả nước đổ về cống nạp vẫn không thoát cảnh “Tiểu thương tại Hà Nội chặt bỏ đào quất ế trong chiều 30 Tết” (6)
Chợ hoa Tết về đêm
Đó chỉ là một phần nhỏ trong hàng ngàn bài báo về tình trạng chợ hoa ế ẩm trải dài trong cả nước từ bắc chí nam chứ không riêng một địa phương nào.
Nguyên nhân hoa ế không phải do yếu tố khí hậu, thời tiết hoặc do tăng sản lượng diện tích trồng đột biến làm tăng khoảng cách cung cầu. Số lượng hàng hóa vẫn như mọi năm. Địa điểm diện tích bày bán vẫn như truyền thống mọi năm. Hoa ế đơn giản chỉ do người dân không tiền mua sắm.
Thông thường hàng thừa ế, người ta bán xổ, bán rẻ mong thu về ít vốn liếng và cũng để không lãng phí mồ hôi, công sức vun trồng chăm sóc. Thế nhưng trong xã hội mang đầy chất nhân văn kiểu mới của thiên đường cộng sản từ Nghệ An quê Bác đến Hà Nội niềm tin và hy vọng của cả nước người bán dùng đến nghĩa cử cao cả là chặt bỏ chứ không bán rẻ chống lại tâm lý chờ hạ giá của người mua.
Những nhát dao này thật đau đớn hơn cả thất bát của mùa hoa, nó chặt đứt mối quan hệ đồng bào, tương thân của người mua, người bán.
Những thông tin báo chí đáng buồn nói trên đã thê thảm nhưng vẫn sáng sủa hơn nhiều so với những điều tôi trực tiếp chứng kiến khi có dịp hiếm hoi về ăn Tết ở một TP miền Tây. Nó không có chuyện quyết liệt tàn nhẫn chém hoa nhưng nó nghẹn uất kéo dài ngay đêm giao thừa.
Khu chợ Hoa tết của thành phố rộng khoảng vài héc-ta nằm trên vị trí đắc địa. Nằm ngay tại trung tâm TP, lại đúng vào cái thế trên bến dưới thuyền giáp với đại lộ rộng thênh thang và con sông là thủy lộ chính của địa phương.
Sáng ngày 30 Tết, khu chơ tràn ngập hoa đủ loài khoe sắc nhưng rất vắng nguời mua dù giá khá mềm. Một cặp cúc đại đóa, vạn thọ đẹp rực rỡ, có cả chậu bằng nhựa cứng chỉ tầm giá 150.000. Vạn thọ đẹp trong chậu nhựa mềm chỉ 90.000 một cặp. Lác đác một vài nơi đã treo bản đại hạ giá nhưng chừng như vẫn không hấp dẫn người mua.
Do các chợ hoa Tết là chợ dã chiến theo mùa vụ được sử dụng mặt bằng công viên của TP, ban quản lý phân lô hợp đồng cho thuê từ nhiều tháng trước. Theo quy ước, tiểu thương phải thu dọn cây kiểng hoàn trả mặt bằng từ giữa trưa 30 Tết để làm vệ sinh, giữ cảnh quan công viên nên phiên chợ 30 hoa rất ngắn, tầm 10 giờ sáng là phải bán xổ để không phải hủy hàng.
Thế nhưng do lượng khách mua thưa thớt, chủ hàng nấn ná tiếc nuối lượng hoa vẫn còn gần như nguyên vẹn đã dời hàng ra dọc theo hai bên lề đường quanh khu vực chợ để chờ bán tiếp.
9 giờ đêm 30 Tết, hầu hết các căn nhà trên trục lộ chính đã đóng cửa, hầu hết người dân TP đã về nhà họp mặt gia đình chào đón giao thừa thì hai bên lề đường của đại lộ dọc công viên vẫn còn đầy những bãi hoa hiu hắt treo bảng đại hạ giá. Những người bán hoa phờ phạc ngồi vật vã không biết đến lúc nào. Có lẽ họ sẽ đón giao thừa trên hè phố bên bải hoa ế ẩm ấy. Họ dư hiểu rằng khách hàng có tiền đã mua đủ hoa cho Tết, mua thêm họ cũng không còn chỗ để trưng bày. Người chưa mua không phải là không muốn mà do không có tiền nên dù hạ giá rất thấp vẫn không mấy người mua.
Những người bán hoa gần như lỗ trắng, công sức, vốn liếng, niềm hy vọng một mùa vụ làm ăn đã biến thành gánh nợ. Năm mới với mọi người là ước mơ, khát vọng về những điều tốt đẹp với họ sẽ là khó khăn chồng chất.
Sự phồn vinh, kinh tế ổn định và phát triển ở xứ thiên đường là như vậy đó. Sự ế ẩm của chợ hoa Tết không chỉ là nỗi đau nước mắt đêm 30 của người bán hoa mà còn là bức tranh ảm đạm của hàng triệu gia đình không có được số tiền ít ỏi để ăn tết nghèo bằng mắt
__________________
Tham khảo:
1-https://baochinhphu.vn/gdp-nam-2022-uoc-tang-802-lap-ky-luc-trong-hon-10...
2-https://baochinhphu.vn/loi-chuc-tet-xuan-quy-mao-2023-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-102230120205059628.htm
3-https://zingnews.vn/muoi-may-nam-ban-hoa-tet-chua-nam-nao-e-nhu-nam-nay-post1395528.html
4-https://laodong.vn/photo/hoa-tet-e-am-tieu-thuong-chem-goc-vut-bo-de-ve-que-don-tet-1139979.ldo
5-https://vtc.vn/cho-hoa-xuan-da-nang-29-tet-ha-gia-ban-nhu-cho-van-e-ar737791.html
6-https://vietnamnet.vn/tieu-thuong-tai-ha-noi-chat-bo-dao-quat-e-trong-chieu-30-tet-2103405.html
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/tet-flower-markets-with-very-few-buyers-01232023101951.html
Tàu hải cảnh Trung Quốc đuổi tàu cá Philippines khỏi Bãi Cỏ Mây
23/012023
Tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Scarborough hôm 25/12/2022 (minh họa)
AFP
Bất chấp những hứa hẹn giữa lãnh đạo hai nước Philippines và Trung Quốc hồi đầu tháng 1/2023, tàu hải cảnh Trung Quốc mới đây đã đuổi tàu cá của Philippines khỏi Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước.
Truyền thông Philippines cho biết sự việc xảy ra vào ngày 9/1 vừa qua và chỉ mới được báo cáo lại cho giới chức vào ngày 20/1 mới đây.
Thuyền trưởng tàu cá Philippines cung cấp một đoạn video cho giới chức Philippines cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc mang ký hiệu CCG 5204 đã đuổi tàu cá Ken-Ken của Philippines khi tàu này hoạt động gần Bãi Cỏ Mây.
Video cho thấy tàu Trung Quốc đã theo sát tàu cá của Philippines ở khoảng cách khoảng 800 mét và ra ký hiệu yêu cầu tàu cá phải đi khỏi khu vực này. Tàu cá của Philippines đã phải đáp ứng yêu cầu này.
Sau khi nhận được báo cáo, tuần duyên Philippines đã phái các tàu tuần tra đến khu vực để điều tra và dự định sẽ nộp báo cáo lên Bộ ngoại giao để chính thức đưa phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 4/1, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã có thông báo về việc Chủ tịch Trung Quốc đồng ý tìm giải pháp cho phép ngư dân Philippines tiếp cận các ngư trường truyền thống.
Bãi Cỏ Mây hiện đang bị tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Philippines là quốc gia đang kiểm soát bãi này.
Đại sứ Trung Quốc muốn thêm khách Trung Quốc du lịch đến Việt Nam
23/01/2023
Ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh (bên phải) đón tiếp đoàn công tác Đại sứ quán Trung Quốc.
Lao Động
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba hôm mùng 2 Tết (tức ngày 23/1) vừa có chuyến thăm Quảng Ninh và bày tỏ mong muốn phục hồi du lịch giữa hai nước, đưa khách du lịch Trung Quốc trở lại Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Theo truyền thông Nhà nước, ông Hùng Ba đến thăm Vịnh Hạ Long lần này là để trải nghiệm thực tế, đồng thời kiểm tra cơ sở vật chất để tiến tới xây dựng cơ chế chính sách phù hợp đón khách Trung Quốc quay trở lại Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đại sứ Trung Quốc cho biết, ngay khi Trung Quốc điều chỉnh một số chính sách về phòng chống dịch COVID-19, Cơ quan chủ quản về du lịch văn hóa đã trao đổi bàn bạc về việc khôi phục lại khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục du lịch, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng 17% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Quảng Ninh, những năm gần đây, khách du lịch Trung Quốc đến với Quảng Ninh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày một tăng. Từ 131 nghìn lượt năm 2014 lên gần 800 nghìn lượt năm 2019.
Trung Quốc và Việt Nam đã mở lại các cửa khẩu, nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về phòng chống COVID-19 tại biên giới từ ngày 8/1 vừa qua.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, ngay trong buổi sáng ngày 8/1 đã có hơn 1.000 người Trung Quốc làm thủ tục xuất cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái để nhập cảnh vào Trung Quốc qua Cửa khẩu Đông Hưng.
Trong khi đó một số người dân mà Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn sau đó cho biết, họ lo ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan khi khách Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam và các ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc đã tăng cao trong các tuần sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các lệnh phong tỏa.
Chuyên gia: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023
24/01/2023
Một người bán hàng tại khu phố cổ Hà Nội hôm 17/1/2023 (minh họa)
AFP
Chuyên gia kinh tế của VinaCapital trong một báo cáo mới được công bố trong tháng này nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam dù đã đạt mức cao nhất trong 25 năm trở lại đây là 8% vào năm 2022 nhưng sẽ giảm xuống còn 6% vào năm 2023.
Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của hãng tư vấn đầu tư đa lĩnh vực tại Việt Nam, nhận định trong báo cáo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bùng nổ hậu COVID hiện đã chấm dứt và về cuối năm 2022 Việt Nam đã gặp những vấn đề về hàng tồn đọng, công nhất thiếu việc do nhu cầu ở các nước Châu Âu và Mỹ giảm.
Lý giải về nguyên nhân VinaCapital đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam vào năm 2023, kinh tế trưởng của VinaCapital chỉ ra ba nhân tố bao gồm:
Bùng nổ sau COVID đã chấm dứt và nhu cầu đối với các mặt hàng “Made in Vietnam” chậm lại cùng với nền kinh tế toàn cầu
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa cũng giúp cho kinh tế Việt Nam vào năm 2023 chủ yếu là do khách du lịch Trung Quốc quay trở lại.
Chính phủ Việt Nam dự định tăng 50% đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ 4% GDP năm 2022 lên 7% GDP năm 2023 giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá về lĩnh vực sản xuất, báo cáo của VinaCapital cho rằng lĩnh vực này của Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào nền kinh tế trong các năm 2020 và 2021 vì nhu cầu ở Mỹ và EU đối với các mặt hàng được gọi là “cho người ở nhà”. Điều này đã giúp tạo công ăn việc làm cho công nhân của Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2022 nhưng đạt đỉnh vào giữa năm và đi xuống vào cuối năm khi nhu cầu giảm. Điều này đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.
Chuyên gia của VinaCapital dự báo các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể hồi phục lại vào nửa cuối năm 2023 vì phải mất ít nhất sáu tháng để các nhà bán lẻ ở Mỹ và EU giải quyết hết lượng hàng tồn kho.
Không có nhận xét nào