Header Ads

  • Breaking News

    Bùi Văn Phú - Cuối năm ta và trải nghiệm với 3C

    Vai trò, Gửi đến BBC Tiếng Việt từ Berkeley, California

    15/01/2023

    Virus corona

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    3C là cảm, cúm và Covid đang lây lan nhiều ở Mỹ vào mùa đông năm nay.

    Cảm và cúm đã có trên thế giới này từ lâu thật lâu rồi. Cảm làm người bệnh ho, sổ mũi. Cúm thường làm nhức đầu, sốt, đau mình. Nhẹ uống Tylenol, nặng uống Theraflu vài hôm là khỏi vì tôi đã từng trải nghiệm. 

    Bị cúm nhẹ, xức dầu cù là, ăn tô phở nóng với hành trần rồi xông là một hai hôm sẽ hết. Một lần bị nặng, đầu nhức như búa bổ, người quay cuồng, uống Theraflu làm ngủ lì bì, phải nghỉ làm việc và cả tuần sau mới hết.

    Tôi có quan sát này không biết có đúng không. Nhiều người Việt khi mới qua Mỹ định cư, những năm đầu không cần chích ngừa cúm và cũng ít bị cúm hơn người ở Mỹ lâu năm. Trong cơ thể người Việt ít nhiều có tính miễn nhiễm cúm hay sao? Và ở Việt Nam có khoảng thời gian nào gọi là mùa cúm hay không, như ở Mỹ thường là vào cuối thu và những tháng lạnh mùa đông.

    Hơn một trăm năm trước, vào các năm 1918-19 dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish flu) đã lây lan cho 500 triệu người trên thế giới, một phần ba dân số khi đó, và gây tử vong cho 50 triệu người. Theo Cơ quan Kiểm soát Bệnh dịch CDC của chính phủ Hoa Kỳ thì đã có 675 nghìn người Mỹ chết vì cúm Tây Ban Nha.

    Từ đó tới nay mỗi năm dân Mỹ đều phải đối mặt với các biến thể của loại cúm này. Có năm số người bị cúm tăng, số người nhập viện và số tử vong cũng tăng vì biến thể mới. Cúm đã trở thành căn bệnh thường niên tại Mỹ.

    Theo số liệu của CDC, trong mười năm vừa qua số tử vong vì cúm mỗi năm tại Mỹ là từ 12 nghìn đến 52 nghìn, tuỳ theo biến thể cúm lan tràn nhanh chậm ra sao và sự hiệu nghiệm của thuốc chích ngừa năm đó.

    Từ ba năm qua thế giới đã và đang phải đương đầu với siêu vi khuẩn mới là Covid-19, phát hiện vào cuối năm 2019 ở tỉnh Vũ Hán bên Trung Quốc rồi lan tràn ra khắp thế giới như một trái bom sinh học làm tê liệt sinh hoạt đời sống của mọi quốc gia, bất kể là đất nước tiến bộ hay còn chậm phát triển.

    Theo Worldometer.com trên toàn cầu đã có 670 triệu người bị nhiễm Covid và 6 triệu 700 nghìn ca tử vong. Hoa Kỳ là nước phát triển nhất thế giới nhưng lại đứng đầu với 103 triệu ca nhiễm và 1 triệu 200 nghìn người chết vì Covid. 

    Như nhiều người, sau ba năm cẩn thận áp dụng các biện pháp phòng ngừa và dù đã chích ngừa 4 mũi, nhưng tôi cũng không tránh khỏi và tôi đã bị nhiễm Covid khá nặng.

    Bị cảm một tuần trước lễ Giáng Sinh, chỉ ho nhiều, sổ mũi và khàn tiếng. Nhà có nhiều bộ xét nghiệm Covid từ chính phủ gửi đến nên cứ hai hôm là tôi lại thử, kết quả đều âm. Trong người không nóng sốt, ăn uống vẫn ngon miệng, vẫn thấy hương vị của thực phẩm vì thế vẫn ra ngoài hóng gió, đi bộ thể thao.

    Đến sau Tết Tây, sáng 3/1 thử Covid thì dương. Tôi cho là mình bị lây bệnh khi đi đi ăn nhà hàng mấy hôm trước đó.

    Báo qua email, rồi bác sĩ của Kaiser gọi lại. Câu đầu tiên bác sĩ nói với giọng vui tươi: “Welcome to the Covid club”, nghe như bình thường, không có gì khẩn cấp hay đáng quan ngại cho lắm. Nghe giải thích phác đồ trị liệu, vì tôi đã thuộc lớp người cao tuổi, không có bệnh nền, nên bác sĩ cho Paxlovid uống 5 ngày, mỗi ngày hai lần sáng và chiều, mỗi lần 2 viên. Cùng với thuốc giảm ho. Theo bác sĩ có người uống ngày chỉ 2 viên, có người ngày uống 6 viên tuỳ theo tình trạng sức khoẻ, tôi thuộc tình trạng bệnh không nặng không nhẹ nên ngày uống 4 viên.

    Bác sĩ còn căn dặn không được ra ngoài, phải cách li với mọi người, nhờ người nhà không có bệnh đi lấy thuốc, còn không sẽ cho thuốc giao đến tận nhà. Nhà tôi đi lấy thuốc, không phải trả đồng nào vì theo luật liên quan đến Covid của Hoa Kỳ, các bộ xét nghiệm và thuốc trị đều được chính phủ cung cấp miễn phí cho dân.

    Thế là cách li gia đình, nằm nhà trị bệnh. Thuốc Paxlovid mỗi lần uống đều để lại vị đắng trong cuống họng.

    Tôi đã chính thức cùng 670 triệu công dân của thế giới đón nhận Covid vào lòng và cũng là một trong số 99% bệnh nhân Covid được chữa khỏi sau một tuần.

    Tuy đã phục hồi sức khoẻ nhưng không có nghĩa là tôi sẽ không bị Covid nữa.

    Paxlovid, loại thuốc trị Covid

    Nguồn hình ảnh, BUI VAN PHU

    Chụp lại hình ảnh, 

    Paxlovid, loại thuốc trị Covid 

    Theo một bài viết trên tạp chí Scientific American ngày 8/8/2022 thì khả năng một người đã nhiễm Covid bị lại là từ 2% đến 10% vì các loại thuốc cho đến nay cũng vẫn còn trong vòng thử nghiệm, còn cần nhiều dữ kiện để điều chỉnh liều thuốc cho hiệu nghiệm hơn.

    Đã có nhiều bệnh nhân sau khi được chữa trị bằng Paxlovid, nổi tiếng như Tổng thống Joe Biden và Tiến sĩ Anthony Fauci, đã bị “Paxlovid Rebound”, nghĩa là sau khi bị Covid, uống loại thuốc này trong vài hôm, xét nghiệm đã âm mấy lần, nhưng sau đó xét nghiệm lại dương.

    Vì sao người bệnh được chữa trị hết bệnh mà sau đó lại có dấu hiệu bệnh trở lại. Có phải vì thuốc chưa trị dứt được siêu vi khuẩn trong người, như từng có chuyên gia đã đề nghị uống thuốc trong vòng 10 ngày thay vì 5 ngày, hay vì sau đó bệnh nhân lại bị lây từ người khác. Đó là những điều mà các nhà dịch tễ học và giới chăm sóc y tế còn đang tìm hiểu để biết rõ hơn nguyên do và đề nghị phương pháp trị bệnh tốt hơn.

    Lúc này biến thể Omicron XBB.1.5 đang lan nhanh tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới, giữa lúc Trung Quốc vừa mở cửa trở lại, sau ba năm bế quan toả cảng với chính sách “Zero Covid” không thành công, bắt cả tỉ người dân ở trong nhà suốt thời gian qua.

    Thế giới lo ngại cho một làn sóng lây lan Covid trong những ngày tháng tới, khi người dân Trung Quốc được phép đi du lịch trở lại có thể mang theo những biến thể khác vì theo các chuyên gia XBB.1.5 hiện không lan tràn ở Trung Quốc.

    Quan ngại về sự có mặt của du khách Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ý, Nhật, Hàn Quốc có chính sách buộc hành khách đến từ Trung Quốc hay quá cảnh nước này, trước khi lên máy bay phải đưa bằng chứng xét nghiệm âm trong vòng 48 giờ.

    Thế giới ngày nay nhìn Trung Quốc với nhiều nghi ngờ vì tính thiếu minh bạch của Bắc Kinh về số liệu Covid. Tới nay chỉ có 503 nghìn ca nhiễm và hơn 5 nghìn người chết ở Trung Quốc được ghi nhận trên mạng Worldometer.com. Các chuyên gia y tế thế giới cho rằng con số thực cao gấp hàng trăm lần hơn.

    Giới chức y tế thế giới cũng lo ngại về độ chính xác của các bộ xét nghiệm và sự hiệu nghiệm của thuốc trị Covid do Trung Quốc sản xuất.

    Sau khi siêu vi khuẩn Covid được phát hiện và lan tràn trên thế giới, cuộc chạy đua cấp kỳ trong việc tìm kiếm thuốc tiêm ngừa và thuốc chữa là một tiến bộ vượt bực của khoa học. Trong vòng chưa đến một năm, kể từ khi cấu trúc sinh học (genome) của Covid được xác lập vào đầu năm 2020 thì đến cuối năm các công ti dược của Mỹ, của Đức và của Anh đã có được các loại thuốc tiêm ngừa và việc tiêm chủng đại trà đã bắt đầu từ đầu năm 2021.

    Cho đến nay nguồn gốc của siêu vi khuẩn Covid vẫn chưa được xác định rõ. Theo David Quammen viết về Covid trong tác phẩm của ông, mang tên: “Breathless: The Scientific Race to Defeat a Deadly Virus” [Nxb Simon & Schuster, 2022] xuất bản vào tháng 10 năm ngoái, thì có nhiều khả năng nó xuất phát từ một loài động vật tại một chợ ở tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc rồi lây lan sang người.

    Nếu thực là như thế thì đây là một thử thách lâu dài cho nhân loại vì trước đây cũng đã có nhiều siêu vi khuẩn như cúm gia cầm, cúm heo, Ebola, SARS xuất phát từ động vật rồi nhảy sang người nhưng may mắn chúng ta đã ngăn chặn được lây lan rộng lớn. Với Covid thì con người đã thất bại.

    Bộ xét nghiệm Covid

    Nguồn hình ảnh, BUI VAN PHU

    Chụp lại hình ảnh, 

    Bộ xét nghiệm Covid được chính phủ cung cấp miễn phí cho người dân

    Cúm Tây Ban Nha bùng phát cách đây một thế kỷ và vẫn còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người cho đến hôm nay. Covid chỉ mới hoành hành ba năm và dường như đang theo lộ trình của cúm Tây Ban Nha với nhiều biến thể mỗi năm, có mạnh có yếu. Trong tương lai Covid có sẽ biến mất? Hay mỗi năm chúng ta lại phải chích ngừa, như chích ngừa cúm từ bao năm qua vì bảo vệ con người khỏi bị nhiễm bệnh hay tử vong là sứ mệnh của những nhà làm chính sách.

    Chúng ta chẳng ai muốn ốm, nhưng khi bị bệnh dù chỉ làm mệt mỏi cơ thể, chóng mặt, nhức đầu, ăn không còn thấy ngon, phải nằm trên giường cả ngày khi đó chúng ta thực sự thấy sức khoẻ là quan trọng.

    Steve Jobs, cha đẻ của Apple, khi bị bệnh có nói đại ý là có tiền chúng ta có thể mua được nhà cao, xe đẹp; có thể mướn người làm cho mình việc này, việc kia; nhưng khi ốm đau thì không thể thuê ai mang giùm bệnh. Câu nói “Sức khoẻ là vàng” quả là đúng.

    Miền bắc, và cả nam California mưa tầm rã trong nhiều ngày qua. Nhớ mấy câu ca dao của người mình, chế lại: “Nắng mưa là bệnh của Trời / Nhiễm nàng Covid là đời kém vui”.

    Cầu chúc bạn luôn có sức khoẻ tốt và bình an suốt năm mới dù bạn đang sống ở đâu, dù trời mưa nắng hay bão tuyết.

    Táo đã về trời. 2023 là năm Quý Mão và theo truyền thống Việt mồng Một Tết sẽ là ngày Chủ Nhật 22/1. Chúc bạn đọc một Tết vui.

    Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui

    Một đêm, một đếm gối chăn phòng the đón cha mẹ về

    Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ

    Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chang lòng mẹ

    Xuân xuân ơi, xuân hỡi, xuân ơi

    Xuân xuân ơi, xuân hỡi, xuân ơi…

    (Xuân ca, Phạm Duy)

    https://www.bbc.com/vietnamese


    Không có nhận xét nào