Header Ads

  • Breaking News

     Bóc trần sự thật về việc đảng tôn trọng nhân quyền

    Ts. Phạm Đình Bá

    Báo Quân đội ngày 12/12/2022 trong chủ đề - Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” – có bài tựa đề “Kiên định cùng thế giới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người” với nhận định là vai trò và uy tín của VN về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người là không thể phủ nhận được và đã được bạn bè và dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. [1] 

    Bài nầy nói rằng bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại VN nhận định: “Trong số những cam kết của VN khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, điều đáng khích lệ là VN đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người”. [1]

    Thực ra báo Quân đội chỉ trích một phần trong một câu của bà Pauline Tamesis, toàn vẹn câu ấy là như sau: “Trong số các cam kết của VN khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn 7 trên 9 điều ước; tăng cường giáo dục về nhân quyền; và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng nhân quyền, đặc biệt quan tâm đến quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.” [2]

    Đảng đã làm gì để giúp dân có nhân quyền?

    Đầu tiên, đảng dùng cụm từ “quyền con người” thay vì từ “nhân quyền”, để lập lờ về các khái niệm và điều ước quốc tế về nhân quyền, thường là rất khác với khái niệm mà đảng muốn tuyên truyền là “quyền con người”. Để bóc trần sự thật về việc đảng tôn trọng nhân quyền, cần chỉ ra là việc đảng tránh các điều ước quốc tế mà đảng đã phê chuẩn, và làm lẫn lộn người đọc với cách dùng hai cụm từ nầy. 

    Người xưa có câu “đục nước béo cò”, đảng ở đây là kẻ cơ hội lợi dụng sự lẫn lộn của người đọc để mong che dấu thành tích về việc đảng bảo vệ nhân quyền. Nhưng sự thật là đâu?

    Điều 25 Hiến pháp năm 2013 do đảng làm có ghi 2 câu: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. 

    Cách viết hiến pháp kiểu hàng hai nầy tạo nên lầm lẫn mà kẻ tạo cơ hội để đục nước béo cò là đảng, khi đảng cố tình dàn dựng để thủ lợi. Một bên, xã hội dân sự diễn giải câu đầu tiên trong hiến pháp là câu chính và cho rằng họ có các quyền căn bản theo các khái niệm và điều ước quốc tế về nhân quyền. 

    Ngược lại, đảng có tầm kiểm soát gắt gao trong quá trình làm luật và vì vậy đảng đạo diễn đủ thứ luật để hạn chế nhân quyền, mặc dù trong hiến pháp có qui định về các quyền ấy để “làm cảnh”.

    Các tội danh trong bộ luật hình sự có nghịch lý với hiến pháp thường được đảng dùng để đàn áp nhân quyền là "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"(Điều 79 Luật Hình sự cũ), "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" (Điều 88 luật hình sự cũ) và "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân"(Điều 258 Luật Hình sự cũ). Từ ngày 1/1/2018, các tội danh nầy được giữ lại nhưng thay đổi số thứ tự và bổ sung thêm sự chế tài trong cả trường hợp "chuẩn bị phạm tội" mà luật hình sự cũ chưa từng quy định. [3]

    Dùng các tội danh nầy trong bộ luật hình sự, và sự kiểm soát của đảng trong cách làm việc của tòa án, đảng không từ cơ hội nào để lạm dụng luật pháp và tòa án để đạt được lợi ích mà đảng muốn. Cụ thể, bộ trưởng Bộ Tư pháp thường là Ủy viên Trung ương Đảng. [4] Ban Nội chính Trung ương đảng bám sát tiến độ các vụ án, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo yêu cầu, kế hoạch của ban Chỉ đạo. [5]

    Về mặt kiểm soát và trấn áp, ngân sách năm 2021 của bộ Công an là 4,19 tỷ đô la Mỹ, gần tương đương với ngân sách bộ Quốc phòng (5,3 tỷ). Năm 2017, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quân đội VN, xác nhận rằng VN có một đơn vị tác chiến mạng Lực lượng 47 mới gồm 10.000 dư luận viên để chống lại những chỉ trích về đảng và chính phủ trên mạng. [6] 

    Một phần ngân quỹ Quốc phòng nêu ra ở trên là để trấn áp và kiểm soát dân. Năm 2017, đảng đã đổi hiến pháp để xác định rõ ràng “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa” là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của quân đội. [7] Bộ Quốc phòng có 450 ngàn người làm việc. Với ngân quỹ tương tự, bộ Công an chắc cũng có cả 300 ngàn người làm việc. Đảng có hơn 5 triệu đảng viên. Thế thì dưới trướng, đảng có thể huy động khoảng 6 triệu người nếu cần để đàn áp nhân quyền, nếu đảng thấy nhân quyền đe dọa “chế độ xã hội chủ nghĩa”. 

    Đây là một lực lượng đồ sộ mà mỗi cá nhân phải đối mặt nếu tác nhân ấy thực sự muốn thực hiện những khái niệm và điều ước quốc tế về nhân quyền. Câu hỏi được đặt ra trong cán cân quyền lực như thế giữa thể chế và cá nhân, những tác nhân cho thay đổi có sợ không?

    Đảng trấn áp nhân quyền như thế nào?

    Các anh Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đang bị giam cầm tổng cộng 47 năm bởi vì họ làm hội Nhà báo Độc Lập và làm báo Việt Nam Thời Báo. [8] Tội ác ở đây là từ đảng cố tình trấn áp quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin.

    Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, hơn 150 tù nhân chính trị tại VN hiện đang bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của họ. [9] Các blogger và nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an hàng ngày. Các nhà hoạt động phải đối mặt với thời gian dài bị giam giữ trước khi xét xử, không được tiếp cận với luật sư hoặc gia đình trong một nhà nước công an độc đảng không dung thứ bất cứ bất đồng chính kiến nào.

    Nhà báo công dân Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An sau một thời gian dài đau ốm và được cho là không được khám chữa bệnh đầy đủ. [10] Tội ác ở đây là thể chế kiểm soát do đảng lãnh đạo đối xử tàn ác và khốc liệt với dân muốn tường trình cho xã hội những bất công mà xã hội phải gánh chịu bởi độc tài toàn trị. 

    Ngày 9/8/2022, gia đình của 27 tù nhân lương tâm đã kêu gọi “các tổ chức nhân quyền quốc tế, đại diện các chính phủ tự do hãy cùng chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền con người của các tù nhân lương tâm Việt Nam - được cung cấp nước sạch, thực phẩm an toàn và chăm sóc y tế kịp thời.” [10]

    Bà Cấn Thị Thêu, một nông dân mất đất, hiện đang thụ án tù tám năm, từng nói với đài BBC trong lần bà được ra tù cách đây vài năm, rằng nước trong tù rất bẩn, nhà tù mùa hè nóng đến ngất xỉu, mùa đông lạnh cóng, quá khổ sở khiến bà từng đi tiểu ra máu. [10]

    Người nhà ông Trần Huỳnh Duy Thức từng nói với đài BBC rằng ông 'có biểu hiện ngộ độc' và không dám ăn đồ ăn trại giam. Nhưng khi thấy ông ăn mì gói thì trại giam không chịu cấp nước sôi cho ông để nấu mì... [10]

    Để đi đến tận cùng của sự khốn nạn, đảng đưa những tù nhân lương tâm đi thi hành án xa nhà như một hình phạt bổ sung. [11] Mới đây nhất là hai trường hợp ở Hà Nội trong cùng một vụ án, bà Nguyễn Thị Tâm bị chuyển đến Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai cách nhà gần 1.200 km, còn ông Trịnh Bá Phương bị chuyển đến Trại giam An Điềm ở tỉnh Quảng Nam.

    Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Phương cùng bố chồng và em chồng xuất phát từ quê nhà ở tỉnh Hòa Bình vào sáng 25/9/2022 và đến sáng hôm sau mới có mặt ở trại giam để thăm gặp ông Phương. Bà Thu nói “Từ nhà đến Trại An Điềm và quay về hết 29 tiếng. Chi phí cho một người ít nhất là 1 triệu, cả đi lẫn về.” [11]

    Đảng có thành công trong trấn áp nhân quyền không?

    Đinh Thảo nhà hoạt động trẻ khoảng 30 tuổi nói về ước nguyện cô ôm ấp bấy lâu: ''Mục tiêu cuối cùng của tôi là vận động để Việt Nam trở thành một quốc gia tôn trọng nhân quyền, có dân chủ.'' [12]

    Đinh Thị Thu Thủy, sinh năm 1982, đang chấp hành bản án 7 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước. Thu Thủy dùng Facebook để lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị. [9]

    Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1994, sinh viên Đại học Luật TP.HCM và là thành viên của Sáng kiến ​​thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, bị kết án 6 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” vì đăng tài liệu chỉ trích chính quyền VN. Anh bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội trong những năm gần đây, bao gồm giúp đỡ nạn nhân lũ lụt ở miền Trung Việt Nam và tham gia các hoạt động ủng hộ nhân quyền. [9]

    Lê Hữu Minh Tuấn, sinh năm 1989, đang chấp hành bản án 11 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước. Tuấn tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng và từng là sinh viên Đại học Luật Hà Nội. Anh gia nhập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vào tháng 8 năm 2014. Với bút danh Lê Tuấn, anh đã viết về nhiều chủ đề khác nhau bao gồm nghiên cứu về sự phát triển của xã hội dân sự ở Nga và các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông. [9]

    Trong bài “Tuổi 20 và quyền tự do phản kháng theo lương tâm” trên Việt Nam Thời Báo, một cựu tù nhân lương tâm chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy bất công tràn lan trong xã hội ngày hôm nay, bất nhân giữa con người với nhau, bất trung của những vị lãnh đạo đối với đất nước và nhân dân, vì lẽ đó, chúng tôi cần phải lên tiếng.  Trong tâm hồn chúng ta định sẵn một tình yêu mãnh liệt với quê hương, với đồng bào, cho nên chúng tôi đau đáu, thổn thức, lắng lo trước hiểm họa xâm lăng đất nước mà Trung Quốc đã, đang thực hiện. Lên tiếng, phải lên tiếng, đó là mệnh lệnh của hồn thiêng sông núi và mệnh lệnh của lương tâm mình”. [13]

    Thế thì sự thật về việc đảng tôn trọng nhân quyền là thế nào?

    Trở lại bài của báo Quân đội về “Kiên định cùng thế giới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người”, bài nầy cho rằng “Xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước VN qua vỏ bọc “dân chủ, nhân quyền”, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở VN là chiêu bài cố hữu của các thế lực phản động.” và “… với việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, VN sẽ có cơ hội tham gia chủ động, tích cực hơn vào việc thúc đẩy những sáng kiến, giải pháp nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của con người.” [1]

    Tôi đọc bài phát biểu của bà Pauline Tamesis về “Nhân phẩm, Tự do và Công lý cho Tất cả” một vài lần. [2] Tôi có thể tin vào nội dung của bài ấy. Bà Tamesis có hơn 20 năm kinh nghiệm về quan hệ quốc tế, điều phối phát triển, quản lý khủng hoảng mà bà đã có được khi nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao tại Liên Hiệp Quốc ở nhiều khu vực. 

    Ngược lại, với quá trình làm việc có hệ thống và hèn hạ của đảng trong việc đàn áp nhân quyền trên quê hương, tôi không tin một câu nào trong bài viết của báo Quân đội.

    Nhân đây, tôi xin mượn lời từ mẹ của anh Phạm Chí Dũng để thay lời kết cho bài nầy “…Trong tâm trạng của một người mẹ có con bị tù đày “tay đứt ruột xót”, gia đình rất đau buốt, nhất là những ngày năm hết Tết đến, sự thiếu vắng, đoàn tụ gia đình thật tẻ lạnh, xót xa. [14]


    Nguồn:

    1. Báo Quân đội Nhân dân. Kiên định cùng thế giới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. 12/12/2022; Available from: https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/kien-dinh-cung-the-gioi-thuc-day-va-bao-ve-quyen-con-nguoi-713588.

    2. Pauline Tamesis. Dignity, Freedom and Justice for All. 09/12/2022; Available from: https://vietnam.un.org/en/210743-dignity-freedom-and-justice-all.

    3. BBC. Luật Hình sự VN mới sửa Điều 79, 88 và 258. 04/01/2018; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42526567.

    4. Wikipedia. Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Việt Nam). 2022; Available from: https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%99_tr%C6%B0%E1%BB%9Fng_B%E1%BB%99_T%C6%B0_ph%C3%A1p_(Vi%E1%BB%87t_Nam).

    5. Hoài Nguyễn. VNTB – Việt Nam tuyên bố tiếp tục làm án theo chỉ đạo. 30/12/2022; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-tuyen-bo-tiep-tuc-lam-an-theo-chi-dao/.

    6. Wikipedia. Censorship in Vietnam. 2022; Available from: https://en.wikipedia.org/wiki/Censorship_in_Vietnam.

    7. Thayer, C.A., Military politics in contemporary Vietnam: political engagement, corporate interests, and professionalism, in The Political Resurgence of the Military in Southeast Asia. 2012, Routledge. p. 63-84.

    8. VOA. VNTB – Nhà báo Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, 3 năm quản chế. 05/01/2021; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-nha-bao-pham-chi-dung-bi-ket-an-15-nam-tu-3-nam-quan-che/.

    9. Human Rights Watch. Free Vietnam’s Political Prisoners! 2022; Available from: https://www.hrw.org/video-photos/interactive/2022/12/21/free-vietnams-political-prisoners.

    10. BBC. Ông Đỗ Công Đương chết trong tù và lời kêu gọi 'quyền chữa bệnh' cho tù nhân. 10/08/2022; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62488326.

    11. RFA, Tù nhân lương tâm bị đưa đi thi hành án xa nhà như một hình phạt bổ sung. 27/09/2022.

    12. BBC. Nhà hoạt động Đinh Thảo: Biết là sẽ gặp khó khăn 'nhưng vẫn phải về'. 15/11/2019; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50429803.

    13. Paulus Lê Sơn. VNTB – Tuổi 20 và quyền tự do phản kháng theo lương tâm. 08/07/2017; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-tuoi-20-va-quyen-tu-do-phan-khang-theo-luong-tam/.

    14. Xuân Minh. https://vietnamthoibao.org/vntb-pham-chi-dung-chong-hay-bao-ve-nha-nuoc-viet-nam/. 26/02/2021; Available from: VNTB – Phạm Chí Dũng chống hay bảo vệ nhà nước Việt Nam?


    Không có nhận xét nào