Đối với Simons, việc thuyết trình cho Henry Kissinger là “bộ phận khó khăn nhất trong toàn bộ quá trình công tác”. Sau này ông ta gọi nó là “trường hợp hiếm hoi đối với một viên đại tá bộ binh”. Chỉ có bốn nhân vật hiện diện trong buổi thuyết trình: Phụ tá của Kissinger là trung tướng Alexander Haig với Vogt, Blackburn và Manor. Tất cả đều tập hợp lúc 2 giờ 30 chiều thứ năm 8 tháng 10 tại văn phòng của Kissinger phía tây của Nhà Trắng. Cuộc họp kéo dài không đầy 30 phút.
Vogt giới thiệu mọi người và Blackburn trình bày đại cương trong khoảng một hoặc hai phút. Sau đó Manor đi thẳng vào việc trình bày chi tiết mà ông ta và Simons đã thuyết trình biết bao nhiêu lần trong 3 tuần lễ trước đây. Họ sử dụng một đèn rọi phóng ảnh và biểu đồ mà họ đã từng chiếu để trình cho các vị tham mưu trưởng xem. Cho đến lúc này Simons đã “nghe tướng Manor thuyết trình nhiều lần, đến nỗi ông ta muốn buồn ngủ”. Kissinger gật đầu một cách thông minh khi nghe thuyết trình. Manor chấm dứt thì Simons trình bày về phần công tác dưới đất. Ông ta chỉ nói vào khoảng hai phút rưỡi. Nhưng trước khi kết thúc ông ta bình luận thêm: “Tôi có nói cho ông ta rõ là chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng số lượng đạn tối thiểu cần thiết”. Nhưng Simons cũng cẩn thận nêu rõ việc khó tránh gây ra thương vong cho kẻ địch vì lẽ doanh trại quá hẹp.
Câu nói này đã làm cho Kissinger chú ý, ông ta hỏi Simons: “Anh đang nói điều gì đó?”.
Simons giải thích là ông ta sẽ không thực hiện một cuộc săn bắt lớn: “Chúng tôi đến đó để cứu tù binh chứ không phải để đánh nhau. Nhưng chúng tôi phải thi hành công tác nhanh chóng và phải sử dụng vũ khí khi cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ cần thiết thôi chứ không bừa bãi”. Có một điều ông ta muốn làm sáng tỏ là ông ta không muốn báo động cho một đơn vị canh gác ở phía bắc sông Cồn nếu điều đó có thể tránh được. Nhưng Simons nhấn mạnh là bất cứ ai cản đường chúng tôi thì sẽ bị bắn giết tại chỗ.
Kissinger trả lời: “Anh cứ làm bất cứ điều gì anh xét thấy cần. Việc va chạm quốc tế thì để chúng tôi lo chúng tôi có thể giải quyết được. Không có một người nào ở Nhà Trắng lại lo nghĩ đến việc thương vong của kẻ địch. Anh nên giới hạn những điều gì xét thấy cần thiết. Nhưng đồng thời cũng nên sử dụng đầy đủ bạo lực cho việc hoàn thành công tác có hiệu quả nhất”. Kissinger có một câu hỏi quan trọng: Trường hợp cuộc tập kích bị thất bại thì sao? Các anh có thể bảo đảm được bao nhiêu phần chắc là các anh sẽ không tạo thêm tù binh Mỹ trong các trại giam ở Bắc Việt Nam? Blackburn trình bày với Kissinger rằng ông ta nắm chắc sự thành công từ 95 đến 97%. Manor lại nhấn mạnh thêm điểm đó: phi hành đoàn của ông ta đã thực tập 697 giờ bay với 268 lần xuất phát để chuẩn bị cho công tác này. Họ đã tập đi tập lại trên dưới 170 lần.
Kissinger tỏ vẻ phấn khởi. Haig thì không thắc mắc điều gì và cũng không bình luận câu nào.
Sau đó Blackburn bày tỏ sự quan tâm của ông ta về một điều cần nghiên cứu rộng rãi thêm nữa cho cuộc tập kích này, đó là phần ảnh hưởng tâm lý có thể gây trở ngại cho việc hoà đàm ở Paris, và không biết Bắc Việt Nam sẽ đối xử với những tù binh còn lại trong các trại giam khác sau này như thế nào? Kissinger cắt ngang: “Thiếu tướng không cần phải lo việc đó. Thiếu tướng đừng dính vào việc chính trị. Đó là phần chúng tôi lo, chứ không phải phần của thiếu tướng”.
Đối với Simons thì phản ứng của Kissinger “xem ra tốt đẹp lắm”, bởi vì đây là điều phải làm, Simons thấy vị phụ tá an ninh của Tổng thống có đầu óc quyết định rất nhanh chóng.
Manor trình bày với Kissinger rằng, khoảng thời gian có thời tiết tốt là vào giữa 20 đến 25 tháng 10, trong đó ngày 21 tháng 10 là thời điểm thuận tiện nhất cho cuộc tập kích. Nếu thời điểm này được tổng thống chấp thuận thì các toán hành động của ông ta sẽ xuất phát đi ngay đến căn cứ Thái Lan trong hai ngày nữa. Đó là ngày 10 tháng 10. Thật ra thì Manor không dùng chữ “Tổng thống” mà ông ta lại nói “với giới chức lãnh đạo quốc gia”. Thời điểm thuận lợi thứ hai có thể là vào trước ngày lễ Tạ ơn. Nhưng ông ta lại nói nếu việc tập kích được thi hành vào khoảng giữa 20 đến 25 tháng 10 thì có vẻ hơi khó khăn vì lẽ vào ngày 24 tháng 10 thì tổng thống đã có chương trình đọc diễn văn trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày lễ kỷ niệm thứ 25, và sẽ có 31 vị nguyên thủ quốc gia dự buổi chiêu đãi tại Nhà Trắng vào đêm đó.
Kissinger ngập ngừng, ông ta nói Tổng thống bận công du và việc chấp thuận cuối cùng phải do Tổng thống quyết định.
Khi cuộc họp chấm dứt, Kissinger đặt một câu hỏi cuối: “Ai có sáng kiến về việc này?” Cả Vogt và Simons đều trả lời: “Có nhiều người tham gia kế hoạch. Đây là một công việc tập thể”.
Kissinger phát biểu một điều mà tất cả mọi người dự họp đều còn nhớ mãi. Ông ta nói: “Cho dù nếu việc này không được chấp thuận đi nữa thì tôi cũng xin cảm ơn tất cả các vị, về sáng kiến và trí tưởng tượng của các vị. Xin cảm ơn các vị nghĩ ra được một điều độc đáo”.
Trong khi lái xe về lại Lầu Năm Góc, một trong những người dự họp đã tự nghĩ rằng có một điều gì hơi lạ lùng trong buổi họp. Henry Kissinger thậm chí không hề hỏi họ có chắc chắn là có tù binh nào ở Sơn Tây không.
Tàu sân bay và điệp viên
Với những lý do mà Blackburn và Manor chưa hề được giải thích ngay sau khi buổi thuyết trình với Kissinger thì Nhà Trắng quyết định hoãn thi hành cuộc tập kích. Ba năm sau Manor giải thích với nhóm tù binh được thả vào năm 1972: “Ban đầu thì kế hoạch được tiếp nhận một cách rất hăng hái nhưng sau đó thì lại có quyết định phải hoãn công tác cho đến tháng 11, là thời điểm thứ hai đã dự kiến của chúng tôi. Một lý do khiến tôi muốn thi hành ngay vào tháng 10 là vì tôi rất quan tâm đến vấn đề an ninh. Nhưng dù sao việc đình hoãn này cũng giúp cho chúng tôi thêm thời gian để tiếp tục thực tập và phối hợp”.
Vào ngày thứ 2, ngày 19 tháng 10, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Thomas Moorer mời Blackburn đến văn phòng và nói cho biết là ông ta và Bộ trưởng Quốc phòng Laird sẽ quyết định tối hậu về công tác, không cần đệ trình cấp cao hơn nữa.
Thứ ba tuần sau, ngày 27 tháng 10, Moorer nói cho Blackburn biết ông ta muốn tập hợp một buổi họp nội bộ vào ngày chủ nhật 1 tháng 11 và sẽ cho các toán hành động xuất phát hai tuần lễ sau đó, vào thứ ba, ngày 10 tháng 12. Hôm sau, ngày 28 tháng 10 chuyến máy bay trinh sát Buffalo Hunter lần thứ 7 bay trên vòm trời tại Sơn Tây. Vì máy chụp ảnh quá sớm cho nên tấm ảnh mang về chỉ thấy hiện ra một chân trời ở cách xa trại Sơn Tây mà thôi. Bennett, Blackburn và Manor đều quyết định chấm dứt mọi sự cố gắng của loại máy bay Buffalo Hunter này. Cũng vào cuối ngày hôm đó Blackburn được tin Bộ tư lệnh Hải quân đã chỉ thị chấm dứt mọi chuyến bay BARCAP cho đến ngày 10 tháng 11. Đây là các loại máy bay có gắn hệ thống ra đa để theo dõi các phản lực MIG của Bắc Việt Nam và hướng dẫn máy bay oanh tạc của Mỹ bắn phá chúng. Việc chấm dứt các đường bay này làm cho các toán của Udo trở thành đui và điếc trong suốt 12 ngày. Nếu Bắc Việt Nam đột nhiên cho tất cả mọi máy bay chiến đấu tập trung ở vùng gần Sơn Tây nhất thì đến khi họ biết được đã quá muộn. Sáng hôm sau, ngày thứ năm 29 tháng 10, Blackburn hỏi Vogt có thể cho các máy bay BARCAP hoạt động trở lại được không.
Nhưng còn những chuyến bay khác hoạt động trên vùng trời Bắc Việt Nam thì ông ta muốn tạm chấm dứt. Đây là những chuyến bay C-130 về hoạt động tâm lý chiến. Thả truyền đơn khắp nơi ở Bắc Việt, cộng thêm với một vài chuyến bay Buffalo Hunter cũng để thả truyền đơn trong chiến dịch “Litterbug” mà những chuyên viên thi hành chiến dịch này thường gọi là máy bay thả “bom phân bò”. Vogt đồng ý và cho rằng đây là thời điểm sai lầm nếu tiếp tục các chuyến bay đó để “khuyến khích hệ thống báo động” của Bắc Việt Nam.
Cũng trong ngày hôm đó Blackburn đã phải giải quyết hai đều rắc rối nữa. Một là việc có liên hệ đến Hải quân, còn việc khác thì liên quan tới CIA. Vài tháng trước đây Bộ tư lệnh Hải quân có chương trình thay thế tàu sân bay America để dùng tàu sân bay Ranger cho toán hành động 77 ở vịnh Bắc Bộ. Trong khi đó thì các nhân viên phi hành trên tàu sân bay America đã được thực tập để đánh lạc hướng việc tập kích Sơn Tây. Vì việc thay phiên và thực hiện mọi việc tu bổ tàu sân bay là rất phức tạp nên những sự thay thế như vậy đòi hỏi phải dự liệu hàng tháng trước, đôi khi cả một năm. Nhưng Blackburn chỉ nhận được tin thay thế này vào ngày 29 tháng 10. Trong cuốn sổ tay riêng của ông ta, Blackburn có ghi chú vào ngày đó như thế này: “Thật lạ lùng, tôi được báo cho biết về nhu cầu thay thế tàu sân bay Ranger và Hancock vào ngày 19 tháng 11 giữ lại tàu sân bay Oriskany cho đến ngày 26 tháng 11. Như vậy thì phải chuyển phi hành đoàn và máy bay từ tàu sân bay America sang Ranger hay sao?”. Ông ta tìm gặp ngay Vogt. Vogt sững sờ: “Tại sao người ta lại không tính đến việc này trước đây”. Blackburn giải thích là nhu cầu này đã được ghi trong kế hoạch trước đó. Nhưng thông thường thì bất cứ trong những vấn đề quan trọng nào cũng có khe hở mà Lầu Năm Góc là một dinh cơ được xây cất cách đây 27 năm cho nên nó có nhiều khe hở lắm. Vogt phải tự lo giải quyết về việc thay đổi bất ngờ các tàu sân bay nói trên, nhưng ông ta lại gặp phải hai trở ngại: Một là không ai biết rõ khi nào thì Nhà Trắng sẽ cho phép thi hành cuộc tập kích, hai là các nhà vạch kế hoạch muốn mọi việc đều xảy ra với nhịp độ bình thường để cho Bắc Việt Nam khỏi lưu ý.
Vogt nói, ông ta sẽ cố gắng giải quyết việc thay đổi tàu sân bay. Nhưng việc này không phải là dễ. Khi điện của chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng được gửi đến Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thì vị tư lệnh của hạm đội Thái Bình Dương chạy ào vào gặp ông tham mưu trưởng của đô đốc J.McCain, là đại tướng Charles A. Corcoran. ông ta nói: “Có việc gì kỳ quặc đang xảy ra. Chúng ta nhận được nhiều lệnh lạ lùng, chỉ thị thay đổi các tàu sân bay khắp nơi trên Thái Bình Dương và các lệnh này thật là ngớ ngẩn. Không biết có cái quái gì đây?”
Corcoran nói với Blackburn: “Tôi chưa từng nói dối anh điều gì. Bây giờ tôi cũng không muốn nói dối anh. Nhưng tôi sẽ không giải thích được. Tôi chỉ mong anh nghe theo tôi một lần nữa. Cứ chấp hành mệnh lệnh đã”.
Như vậy là Blackburn chỉ còn có một việc rắc rối thứ hai nữa thôi. Vào ngày 29 tháng 10, ông ta phát hiện ra rằng CIA đang “quấy rối” ngay sau lưng ông ta.
Sáng hôm đó trong cơ sở rộng 213 sào dựng bằng vách gỗ của CIA tại Lancaster, tiểu bang Virginia, George Carver tưởng chừng như đang sống trong một cơn mê. Vừa mới ngày hôm qua ông ta đã bảo đảm với Blackburn rằng không có một điệp viên nào của CIA đang hoạt động tại Bắc Việt Nam. Thế mà bây giờ Blackburn đang thách thức ông ta về sự đoán chắc đó. Trong suốt những tháng hoạch định chương trình cho cuộc tập kích Sơn Tây, suốt trong 16 buổi sáng thứ bảy liền phối hợp chung với người liên lạc được chọn lựa đặc biệt của Carver, Blackburn đã bao lần nhấn mạnh về sự lo lắng của ông ta đến việc có thể có một vài điệp viên nào đó của CIA đang sục sạo ở miền Bắc vào đúng thời gian không thuận lợi, hoặc trong vùng hoạt động không thuận lợi, có thể là bị bắt giữ, và có thể báo động cho hệ thống phòng thủ của Bắc Việt Nam về một sự việc quan trọng nào đó đang xảy ra. Blackburn nhắc lại cho Carver biết về sự lo lắng của ông ta và nói rõ rằng ông ta đã tìm hiểu được qua một đường dây riêng có một hoạt động điệp báo của CIA đang tiến hành trong lúc này.
Carver phải thú nhận điều đó. Nhưng ông ta nhấn mạnh là sự hoạt động ở cách xa Sơn Tây về hướng Nam, gần con đường số 7 ở miền Nam biên giới Lào. Ông ta cãi là hoạt động này không thể làm nguy hại việc tập kích Sơn Tây. Đây chỉ là một hoạt động điệp báo loại nhỏ, vì lẽ đó ông ta đã không nghĩ đến điều này khi Blackburn hỏi về các hoạt động điệp viên trước đây.
Blackburn có cảm tưởng từ lâu là báo cáo của CIA về việc theo dõi các hoạt động điệp báo của họ không được nhanh chóng cho lắm. Hầu như mỗi một điệp viên được đưa vào miền Bắc kể từ năm 1964 đều bị chặn bắt có hàng trăm điệp viên người miền Nam và một vài người miền Bắc đã được CIA chiêu hồi để làm việc này. Ngay sau khi nắm quyền chỉ huy cơ quan SOG từ năm 1965, Blackburn đã được biết có vài toán điệp báo nhiều tháng nay đã không được tiếp viện.
Chính ông ta đã phản kháng việc đưa thêm người cho đến khi nào CIA đã tổ chức lại để lo liệu cho những người đã có mặt tại khu vực hoạt động từ lâu. Chính CIA đã làm mất nhiều điệp viên cừ khôi và suýt làm nguy đến tính mệnh của những người khác như Dick Meadows chẳng hạn trong khi lo đi cứu họ, nhưng Blackburn càng cố nhớ lại bao nhiêu thì càng thấy rõ tất cả hoạt động điệp báo đều không đem đến được một mẩu tin tức tình báo nào có ích lợi.
G.Carver là một trong những chuyên viên tình báo mà Blackburn ưa thích nhất. Carver cũng đồng quan điểm về các loại hoạt động bất quy tắc, chứ không tin tưởng nhiều về số lượng người, và đã hết sức ủng hộ cơ quan SACSA. Carver là một học giả tốt nghiệp Đại học Ross trước đây, và cũng là một chuyên viên tâm lý chiến, thuộc loại người nhanh tay lẹ chân. Ông ta có thừa năng lực và lúc nào cũng thích cầm điện thoại để hỏi cho ra lẽ. Trong bất cứ buổi họp nào nếu có ai thắc mắc điều gì thì ông ta thường chụp ngay điện thoại để tìm cho ra câu trả lời ngay tức khắc. Chính điều đó khiến Blackburn lo ngại là Carver không hoàn toàn thật lòng với ông ta. Khi ông ta hỏi Carver về địa điểm chính xác mà các điệp viên đang hoạt động tại Bắc Việt Nam thì Carver không chụp điện thoại để tìm câu trả lời. Trái lại Carver ngồi thừ người, không chối cãi không xác nhận, chỉ đề nghị theo thói quen của ông ta là nếu hoạt động gián điệp báo không làm phương hại đến kế hoạch của Blackburn thì Blackburn đừng nên tìm hiểu làm gì.
Blackburn cố gắng dằn lòng, cân nhắc từng lời nói một: “Tôi nghĩ là anh không sòng phẳng với tôi. Theo chỗ tôi biết thì cái tên điệp viên nào đó của anh đang hoạt động gần địa điểm 32 ở miền Bắc Lào chỉ cách Sơn Tây có 100 dặm thôi. Trong vòng 3 tuần lễ nữa chúng tôi sẽ cho xuất phát cuộc tập kích nhưng ngay bây giờ thì tôi lại biết được người của anh đang hoạt động ngay sau lưng tôi. Nhân viên đó có thể làm hỏng hết mọi việc. Và anh cũng không thèm nói cho tôi biết về sự hiện diện của đương sự. Tôi đang nói chuyện với anh là thay mặt cho Chủ tịch. Chúng tôi muốn tên điệp viên ấy chấm dứt ngay hoạt động. Người Bắc Việt có thể theo dõi điệp viên của các anh dễ dàng hơn là chúng tôi, còn chúng tôi cũng có thể tìm ra được hắn chẳng khó khăn gì. Đó là một lý lẽ khiến tôi đã để cho người của các anh tham gia vào việc hoạch định chương trình này để các anh giúp chúng tôi chấm dứt cái trò tệ hại này”. Blackburn còn nhớ là Carver phản ứng với một thái độ bình thản tinh đời, trầm ngâm, không tiết lộ điều gì. Ông ta chỉ nói là sẽ cố gắng làm bất cứ việc gì có thể được. Blackburn nổi xung lên, nói là chúng ta đều làm việc cho một tập thể v.v… và v.v…
Blackburn bỏ ra khỏi cơ quan CIA với sự bất mãn, chán nản, rối trí, và lo âu. Có một việc gì kỳ quặc đang xảy ra thế mà ngay chính cả người của CIA có trách nhiệm trong việc giúp đỡ cho cuộc tập kích Sơn Tây cũng không thèm nói cho ông ta biết việc gì và tại sao.
Năm năm sau Blackburn mới tìm hiểu được tất cả mọi lời giải đáp. Nhưng sau đó vài ngày thì Mayer có nói cho ông ta biết một phần lý do về sự bối rối của Carver. Cơ quan CIA đã mất địa điểm hoạt động 32. Cộng sản đã nắm được tin tức về địa điểm xuất phát phụ cho cuộc tập kích Sơn Tây, và các chuyên viên CIA đang cố gắng hết mình để tìm cho ra đầu mối liên lạc đã mất ấy.
Còn tiếp
Nguyên bản tiếng Anh: The Raid
Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer
Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ
Không có nhận xét nào