Nguồn hình ảnh, Song May/Chụp lại hình ảnh,
Quốc lộ 22 chiều Chủ Bhật các dòng xe 2 bánh và 4 bánh vẫn chen nhau tìm chỗ chạy
Hôm 26/11, có hai vụ tai nạn giao thông ở Phú Yên và Thừa Thiên - Huế khiến tôi bần thần: tất cả các nạn nhân đều chết ngay tại chỗ.
Ở Phú Yên là ba mẹ con, còn Thừa Thiên – Huế là bốn mẹ con, đều đi chung một xe gắn máy; thủ phạm cả hai vụ đều là xe tải.
Cũng trong tháng 11, có ''Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” do Liên Hiệp Quốc quy định là tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm.
Năm 2022, rơi đúng vào ngày 19/11 và Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) trong ngày này.
Trong lễ tưởng niệm tối 19/11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Việt Nam mỗi năm có gần 7.000 người thiệt mạng do TNGT, trên 11.000 người mang thương tật suốt đời và trong 11 tháng của năm 2022, TNGT cướp đi sinh mạng gần 6.000 người.
Bộ trưởng Thắng kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và người dân hãy chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông, nhường nhịn, giúp đỡ nhau, nhưng ông không nêu trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải ở đâu và giải pháp khắc phục thế nào! Hóa ra lễ tưởng niệm cũng chỉ là hình thức, theo Kinh Tế Đô Thị.
Nguồn hình ảnh, Song May/Chụp lại hình ảnh,
Quốc lộ 22 một chiều chủ nhật tương đối vắng xe mà vẫn phải leo lề và đi ngược chiều
Giao thông hỗn độn đã lâu nay
Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi ngày có 31 vụ tai nạn, khiến 19 người tử vong. Năm 2019 – trước đại dịch – mỗi ngày Việt Nam có 21 người chết vì tai nạn giao thông, đa số đi xe gắn máy.
Số liệu của Tuổi Trẻ năm 2017 còn gây giật mình hơn: hóa ra số người chết được công bố là số thống kê tại hiện trường, bằng khoảng 50% số thực tế.
Nếu theo quy định quốc tế thống kê tử vong sau 30 ngày xảy ra sau tai nạn, thì Bộ Y tế cho biết năm 2015 có khoảng 15.386 người chết, tức mỗi ngày có 41 người chết, gấp đôi số người chết được công an ghi nhận.
Nhiều năm trước, hình ảnh người phụ nữ hiền lành tần tảo ở cạnh nhà cha tôi phải “sống đời thực vật” vì bị TNGT đến nay vẫn khiến tôi bị ám ảnh. Mỗi khi ra đường, ngồi sau lưng tài xế xe gắn máy, tôi đều có nỗi sợ bị cái gì đó “đâm vào từ đằng sau” nên thường tôi hay đeo cái ba lô to bự, vì cảm giác có “vật che chắn”.
Hơn 10 năm nay, tình trạng giao thông ở Sài Gòn ngày càng tồi tệ, không chỉ kẹt xe bất kể lúc nào trong ngày mà còn vô cùng hỗn độn, vì xe gắn máy và xe đạp phải đi chung với các loại xe bốn bánh, trong đó có hai “hung thần” là xe bus và xe tải.
Ngay trên Quốc lộ 22 hay đường Xuyên Á, nối trung tâm Sài Gòn đến biên giới Campuchia, dù có làn riêng cho xe hai bánh và xe bốn bánh thì vì kẹt xe, xe hai bánh vẫn được chạy vào làn xe bốn bánh (có khung giờ quy định) và ngược lại, xe bốn bánh chen lấn vào làn xe hai bánh và xe hai bánh phải leo lên lề, mặc kệ người đi bộ.
Vào khung giờ từ 17 - 19:00 các ngày thứ 2-6, có việc phải ra đường là bị kẹt cứng trong dòng xe. Nếu gọi xe bike công nghệ, bạn sẽ hồi hộp không biết người tài xế đưa mình đi theo kiểu nào. May mắn thì tài xế đi đúng làn đường, hãi nhất là họ luồn lách giữa hai chiếc xe bốn bánh hoặc vượt lên đầu xe bốn bánh, còn leo lề là chuyện quá thường!
Khổ nỗi, nếu muốn đi nhanh phải gọi bike, gọi xe hơi mất gấp đôi-gấp ba thời gian di chuyển. Có khi đoạn đường 200m mà di chuyển đúng 1 tiếng vì kẹt xe, chưa kể đang trớn xuống cầu mà bị kẹt đèn đỏ phải dừng lại.
Chắc chỉ ở Sài Gòn mới có đèn giao thông dưới chân cầu, vì có con đường chạy ngang qua.
Văn hóa đi đường làm gì có
Hầu như tất cả các lề đường ở Sài Gòn đều bị chiếm dụng buôn bán hoặc làm nơi đậu xe gắn máy, người dân đi bộ dưới lòng đường là một mối nguy hiểm khác.
Sử dụng xe đạp, tôi đang đi sát lề hoặc đang chờ đèn mà vẫn bị xe gắn máy hoặc xe hơi nhấn còi liên tục phía sau làm giật bắn, cảm giác giống như bị bắt nạt. Mỗi lần qua ngã tư, chỗ không có đèn giao thông, điều kỳ quặc là tôi thường phải dừng xe đạp, nhường xe gắn máy và xe hơi. Thi thoảng gặp một tài xế xe hơi hoặc xe gắn máy đi chậm, ra dấu hiệu cho xe đạp của tôi vượt lên trước, tôi thường ngạc nhiên, nghĩ chắc họ ở nước ngoài mới về chơi.
Điều làm tôi khó chịu nhất mỗi khi ra đường là tiếng còi xe hú liên tục, ngay cả kẹt xe không còn chỗ để đi vẫn hú. Mạnh ai nấy hú, từ xe hai bánh đến bốn bánh, và còi của xe hai bánh có khi chấn động như còi của xe tải, vì tài xế “độ xe, thay còi”. Ra đường là thấy ai cũng đang vội vã và muốn vượt lên trước, lạ lùng.
Người Việt vội vã nên đèn đỏ còn vài giây là vội chạy, hoặc đèn đã chuyển sang đỏ mà vẫn ráng lết tới. Khi đụng xe thì thường sinh sự cãi nhau trước, thay vì cùng tìm cách giải quyết.
Một cô bạn New Zealand đến Sài Gòn lần đầu tiên ngạc nhiên: “Sao xe cứu thương hú còi liên tục mà không xe nào chịu nhường đường cho họ vậy?”.
Một anh bạn người Anh sống ở Sài Gòn 5 năm nhận xét: “Đang chuẩn bị qua cầu Sài Gòn mà tự dưng thấy kẹt cứng phía trước, thì chắc là có tai nạn hay chuyện gì đó khiến người Việt mê dòm” (chữ “mê dòm” được anh bạn nói bằng tiếng Việt với nụ cười giễu cợt).
Anh bạn còn kể gớm nhất là nhìn thấy xác chuột đầy trên đường, và thỉnh thoảng dừng lại vì đèn đỏ, chống chân xuống đường thấy bị trượt thì chắc chắn là… đã dẫm phải xác chuột chết.
Nguồn hình ảnh, Song May/Chụp lại hình ảnh,
Tài xế xe bike chở khách luồn lách giữa dòng xe bốn bánh nguy hiểm trăm bề
Giao thông trên bộ và trên không... như nhau?
Một anh bạn người Ý – sếp một công ty ở Sài Gòn, than phiền: Bay ra Hà Nội muốn đi làm việc ở tỉnh nào phải thuê xe riêng đi mất nửa ngày hoặc hơn mới đến nơi, mất thời gian lắm. Tại sao Việt Nam không mở tuyến đường sắt, mua vé một lần có thể đi hết các tỉnh thành?
Đúng là giao thông ở Việt Nam thiếu hẳn sự liên kết giữa đường bộ - đường sắt-đường thủy. Đường bộ hiện nay là phương tiện giao thông chủ yếu nhưng các dự án mở đường ở phía Nam quá ỳ ạch, đa số nằm trên giấy, còn cái đang thực hiện thì cứ lùi ngày hoàn thành, không biết bao giờ mới xong.
Do thiếu vốn, quy hoạch hệ thống giao thông TP.HCM mới chỉ đạt 35%, theo một tờ báo.
Dù có yêu cầu đến năm 2020, TP.HCM có 1-2 tuyến đường bộ trên cao, 2-3 tuyến đường sắt đô thị (Metro) thế nhưng cuối năm 2022 vẫn chưa có đường bộ trên cao; còn Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhiều lần lùi ngày hoàn thành, Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vẫn chưa khởi công. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng tại TP HCM chỉ đạt gần 13%, kém 10% so với quy chuẩn; mật độ đường giao thông chỉ đạt 2,26 km/km2, bằng 1/5 quy chuẩn cả nước và thấp hơn các thành phố tương đồng như Bangkok, Đài Bắc, Singapore...
Đối với giao thông liên kết vùng, TP.HCM chỉ có hai tuyến cao tốc hoạt động là TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, vì vậy du lịch nội địa cũng khó phát triển vì cửa ngõ thành phố luôn kẹt cứng, muốn đến Đà Lạt hay các bãi biển miền trung thì chỉ có thể khởi hành ban đêm.
Du lịch các tỉnh miền trung và phía bắc giờ đây thuận tiện hơn nhờ có thêm đường bay, nhưng các hãng bay nội địa luôn kéo giãn giờ bay.
Từ Sài Gòn đi Cam Ranh có 45 phút nhưng trễ một tiếng rưỡi thành ra mất hơn hai tiếng. Lúc đi với VietJet tưởng giá rẻ phải chờ; ai dè lúc về với Việt Nam Airlines giá đắt hơn vẫn phải chờ tương tự.
Tin nhắn cáo lỗi cho biết chỉ trễ 30 phút nhưng thực sự một tiếng sau giờ bay cũ mới cất cánh. Hài nhất là khi chuẩn bị đáp xuống Tân Sơn Nhất thì lại cáo lỗi lần nữa do sân bay hết chỗ đậu nên phải lượn trên trời thêm 15 phút. Thế là mất đứt hai tiếng.
Giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế. Với sự hỗn độn và đình trệ trong giao thông, cả dưới đất lẫn trên trời, như vậy. Tình trạng này đã kéo dài từ lâu và tới cũng chưa thấy có giải pháp gì.
Phải chăng bao nhiêu đề án tốn kém về các đô thị “thông minh” của Việt Nam quả thực chỉ là trò đùa vẽ trên giấy?
Không có nhận xét nào