Phạm Đình Bá
Mùa Giáng sinh đang đến với chúng ta, và đó là mùa trong năm để truyền cảm hứng cho bối cảnh của nhiều biểu tượng. Biểu tượng tôn giáo của ngày lễ tượng trưng cho các chủ đề tái sinh, đổi mới, hy sinh, tha thứ, ân sủng và đặc điểm nguyên mẫu của người được chọn. Nhưng hơn thế nữa, Giáng sinh là một kỳ nghỉ gắn kết mọi người lại với nhau, và thời gian để chia sẻ với những người thân yêu, nghĩ đến và giúp đỡ những người kém may mắn phải chịu số phận khủng khiếp của nghèo đói hoặc vô gia cư.
Nhưng mùa Giáng sinh vẫn ra rả những cái loa phường không ngừng rao giảng về nỗi ám ảnh quyền lực của độc tài độc đảng. Báo Quân đội “Nhân dân” cảnh báo về nhận diện và phòng ngừa các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá Việt Nam hiện nay. [1] Nguyễn Phú Trọng với sự giả dối - “Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến những cán bộ nhân viên nằm trong danh sách phải thôi việc ở các doanh nghiệp, tập đoàn trong bối cảnh năm hết, Tết đến”. Nhưng không sao, “Còn Đảng thì còn mình. Tôi mong các đồng chí và đồng bào hãy tiếp tục đặt niềm tin vào Đảng, vào Bộ Chính trị…” [2]
Chủ nghĩa cộng sản là một triết học, nên về lý thuyết nó thực sự khá tốt. Mục tiêu cuối cùng là tạo dựng thiên đường - một xã hội nơi tất cả các nguồn lực được chia sẻ bình đẳng dựa trên nhu cầu, tài sản đều thuộc sở hữu tập thể, không có nhà nước và công việc được thực hiện dựa trên mong muốn cá nhân hơn là nhu cầu kinh tế.
Để đi đến thiên đường đó, trước tiên phải trải qua thời kỳ mà nhà nước có quyền lực và sự kiểm soát rất to để đặt nền móng cho sự giải thể của sở hữu tư nhân và bản thân nhà nước. Cho đến nay, chưa có thiên đường cộng sản ở nơi nào cả. Thay vào đó là các chế độ độc tài độc đảng toàn trị tự gọi là cộng sản. Độc tài độc đảng được xây dựng căn bản trên một tiên đề giả dối – Hãy đặt niềm tin vào độc tài độc đảng toàn trị để có thiên đường cộng sản.
Đảng dùng bạo lực và kiểm soát để áp đặt sự giả dối của chúng lên xã hội, nên đạo đức xã hội suy đồi. Thủ tướng Phạm Minh Chính ăn nói như côn đồ khi hắn tỏ vẻ sợ sệt trong khi gặp tổng thống Mỹ - “Rõ ràng, sòng phẳng. Mẹ nó! Có sợ gì đâu…” [3] Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Đất Quảng tên Nguyễn Viết Dũng, ‘em nuôi’ của bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dùng gậy đánh gôn đánh một nữ nhân viên đến mức gãy cả gậy. [4]
Phải chăng chúng ta là “người việt nam hèn hạ” như cô Phan Hân cảm thán “Gần 40 năm thống nhất, việt nam có hơn gì thời chiến ngoài đống xe máy chạy đầy đường… trong túi ai cũng có một cái điện thoại di động? Dù nhà ở không có, đất đai không có, bảo hiểm không có, tương lai cho con cái không có… nhưng bia rượu chảy tràn lan mỗi ngày trong quán nhậu. Người ta được ru giấc suốt 40 năm bằng niềm ước mơ cháy bỏng “cơm no, áo ấm.” Hạnh phúc chỉ thế thôi! Muốn hạnh phúc hơn thì hãy làm giàu, làm giàu, làm giàu! “Doanh nhân là chiến sĩ thời bình.” [5]
Thế thì lương tâm Việt Nam là đâu? Có thể nào kể hết lương tâm trong một xã hội suy đồi?
Phải chăng lương tâm là hơn 200 tù nhân chính trị hiện đang bị nhốt chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của con người? Phải chăng lương tâm là hơn 350 nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an hàng ngày? [6] Phải chăng lương tâm là đối mặt trong thời gian dài bị giam giữ trước khi xét xử, không được tiếp cận với luật sư hoặc gia đình vì không chấp nhận sự giả dối của độc tài độc đảng?
Phải chăng lương tâm là hơn 15 ngàn lao động trẻ em trồng điều, hơn 34 ngàn lao động trẻ em trồng cà phê, hơn 49 ngàn lao động trẻ em làm nghề đánh cá, và hàng ngàn lao động trẻ em khác phải chịu đựng để giúp đỡ gia đình. [7]
Phải chăng lương tâm đòi hỏi phải thừa nhận giá trị nội tại của mỗi cá nhân và quyền tự quyết của họ? Phải chăng công lý đòi hỏi phải đối xử với mọi người một cách công bằng và bình đẳng? Phải chăng công lý cũng đòi hỏi chúng ta xem xét sự mất cân bằng quyền lực có thể tồn tại giữa người và người trong xã hội? Có phải chăng việc mất cân bằng quyền lực có thể làm suy yếu quyền tự chủ của những người không may trong xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi của họ?
Một ngày nọ, thiếu nữ được chủ thuyền mướn để sơn chiếc thuyền. [8] Cô mang cọ, sơn, đồ nghề và bắt đầu sơn chiếc thuyền. Trong khi sơn, cô nhìn thấy một cái lỗ trên thân tàu và nhân tiện vá luôn cái lỗ đó. Sơn xong, cô nhận tiền rồi ra về.
Hai hôm sau, người chủ thuyền đến gặp cô và trao cho cô một số tiền nữa, cao hơn nhiều so với tiền trả hôm trước.
Cô ngạc nhiên:
- Ông đã trả tiền cho em để sơn thuyền rồi!
Người chủ thuyền nói
- Đây là để cám ơn cô vá cái lỗ trên thuyền.
- Ah! Nhưng đó là một chuyện nhỏ, chắc chắn không đáng để trả cho tôi như vậy cho một chuyện không đáng kể!
Người chủ thuyền giải thích
Cô không hiểu. Để tôi kể cho cô rõ.
Khi tôi nhờ cô sơn chiếc thuyền, tôi đã quên đề cập đến cái lỗ.
Khi thuyền khô, ba đứa con tôi lấy thuyền đi về ngoại qua mấy chặng sông hơn nữa ngày.
Chúng đâu có không biết rằng thuyền bị lủng.
Lúc đó tôi không có ở nhà.
Khi tôi về lại thì vợ tôi nói là các con tôi đã lấy thuyền đi hơn mấy giờ rồi.
Tôi đã rất lo vì tôi nhớ rằng thuyền có cái lỗ.
Hãy tưởng tượng tôi nhẹ nhõm và vui mừng khi gọi cho ngoại mấy lần hơn bốn giờ sau đó nữa để biết là chúng đến rồi.
Lúc tôi sang nhà ngoại chúng, tôi xem xét chiếc thuyền và thấy rằng cô đã vá lỗ thủng! Bây giờ, cô thấy đấy, cô đã làm gì?
Cô đã cứu mạng các con tôi! Tôi không có đủ tiền để trả cho việc "nhỏ" mà cô đã làm.
“Ông Bảy Xích lô”, tức Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói “Những chuyến về quê chỉ còn như một nghĩa vụ, về rồi vội vã rời đi. Vội vì công việc, nhưng cũng vì làng quê không còn cảm xúc thân thuộc, quyến luyến như ngày nào…” [9]
Ông nói tiếp, “… người quê cũng chẳng còn chân chất, hiền lành, làng xóm chẳng còn tắt lửa tối đèn có nhau nữa…”.
Trước năm 75, nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc bài thơ của A Khuê [10]
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây đứng khóc trên sông nước buồn
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn người vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhặt hoa xin tạ chút ơn
Hoang phế khi đã gặp nhau
Thế thì khi nào lương tâm xuống đường để đòi lại sự đồng cảm giữa người và người dù trong hoang phế?
Nguồn:
https://vietnamthoibao.org/vntb-cai-ngu-cua-pham-minh-chinh-o-my/
https://vietnamthoibao.org/vntb-vu-nguyen-viet-dung-se-la-gio-cao-danh-khe/
Mặc Lâm. “Người việt nam hèn hạ” - Một đoản văn làm sôi mạng xã hội. RFA 21/05/2016
https://the88project.org/human-rights-report-2021/
https://www.dol.gov/agencies/ilab/reports/child-labor/list-of-goods-print
https://www.kindspring.org/story/view.php?sid=137702
https://vietnamthoibao.org/vntb-vi-sao-lang-que-vo-hon-nguoi-que-chang-con-chan-que/
Không có nhận xét nào