Nhạc sĩ Việt Dzũng mất khi chỉ còn vài ngày nữa là đến đêm Giáng Sinh, bỏ lỡ những cuộc hẹn trước với bạn bè, không kịp nói lời chia tay. Anh mất vào ban mai ngày 20 tháng Mười Hai, năm 2013. Buổi sáng định mệnh ấy, khi những người thân loan tin cho nhau, không ai tin được. Mọi người sửng sốt hỏi lại dè dặt, vì biết đâu có thể đó là một trò đùa nào đó ngày thường của Việt Dzũng chăng?
Giống như một trò đùa của tạo hóa. Mới đêm hôm trước anh còn ngồi với những người bạn trẻ, anh còn nói về ước mơ của mình, nếu như có một ngày mai khác ở Việt Nam, anh sẽ về làm đài phát thanh, một trong những nghề mà anh thành danh trước khi đến Hoa Kỳ. Nhắc đến Giáng Sinh, anh hát không đàn cho mọi người nghe vài câu trong bài Noel Rồi, Đừng Hờn Anh Nữa, Bé Ơi. Bài tình ca Giáng Sinh này, anh viết năm 1999 và tự mình hát theo yêu cầu của Trung Tâm sản xuất, cùng với các danh ca như Duy Quang, Khánh Ly… Đây cũng có lẽ là bài hát về Giáng Sinh duy nhất của anh, lọt về Việt Nam trong những ngày tháng còn đầy những khó khăn về kiểm duyệt văn hóa. Trên Youtube, những khán giả thời thanh xuân cùng anh đã ghi lại nhiều cảm xúc của mình khi nghe lại. Một trong những comment, của một người có tên Ngọc Anh, viết rằng “anh ấy đã ra đi mãi mãi rồi mong cho linh hồn anh dưới đây được an nghỉ trong Chúa. Amen.”
Việt Dzũng đã rời khỏi cuộc chơi trần gian 9 năm, nhưng tiếng hát và hình ảnh của anh vẫn đọng lại trong rất nhiều người, bao gồm trong cả âm nhạc và lý tưởng sống. Tháng 4 năm 1975, anh cùng bà ngoại đi ra biển tìm một cuộc sống mới, và cập cảng Singapore. Sau đó anh chờ định cư nước thứ ba ở trong trại tỵ nạn Subic, Phi Luật Tân.
Nhớ về chuyến đi đó, Việt Dzũng kể anh không muốn mình sống tẻ nhạt trong cuộc đời tỵ nạn nên tình nguyện làm nhiều thứ, từ việc đón tiếp đồng bào tị nạn mới tới, sinh hoạt trong hội Hồng Thập Tự, hội USCC, cộng tác với tờ báo của trại, làm thông dịch viên giúp đỡ rất nhiều người chung quanh, và đặc biệt nổi tiếng với cái tên “Việt Dzũng phát thanh” của trại tỵ nạn. Những năm chờ đi nước thứ ba, bằng tài ăn nói và văn nghệ, Việt Dzũng là ngôi sao tin tức và giải trí của trại. Thời gian đó, anh được nhiều người đưa những băng cassette nhạc mang theo để nhờ phát trên đài, nhắn tìm người thân, Việt Dzũng nhanh chóng nhận ra rằng sức mạnh của âm nhạc trong một cộng đồng đang tuyệt vọng. Ông quyết định đánh ra nhiều băng, phân phối trong cộng đồng người Việt vượt biển với tôn chỉ “mang âm nhạc bên mình là mang theo cả quê hương”. Ảnh hưởng của âm nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975 tiếp tục lan truyền trong mỗi gia đình mới định cư, chính là sự thôi thúc các trung tâm âm nhạc hải ngoại ra đời, dựng lại một không gian văn hóa của người Việt ly hương.
Ở lại trại gần đến ngày cuối cùng trước khi trại đóng cửa, anh được Đức cha Bernard Law, Giám Mục địa phận Springfield, Missouri, bảo trợ và gởi đến tạm trú trong một gia đình người Mỹ.
Năm 1976, Việt Dzũng tiếp tục học lớp 11 ở trường trung học St. Agnes, Missouri và tự trau dồi thêm về âm nhạc theo như sở thích và đam mê từ nhỏ của anh. Tại đây, anh bắt đầu sinh hoạt ca hát với các anh chị em thuộc cộng đồng Việt Nam. Anh cũng từng xuất hiện trên đài truyền hình KOZK21 ở Springfield.
Năm 1976, khi vừa đặt chân đến Mỹ, Việt Dzũng bắt tay vào cuộc đời âm nhạc của mình. Nhanh chóng ông nhận được giải thưởng Iowa Grand Ole Opry. Năm 1985, Việt Dzũng đã cho ra đời một băng nhạc hoàn toàn bằng Anh ngữ Children of the Ocean, được coi là hình ảnh của một tinh thần vượt lên và hòa hợp với đời sống mới từ cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Được mời tham gia âm nhạc dòng chính của Hoa Kỳ lúc này, nhưng nhạc sĩ Việt Dzũng từ chối, quyết học thêm và dùng sức của mình cho cộng đồng Việt Nam ngoài quê hương.
Năm 1993, nhạc sĩ Việt Dzũng bước vào một lĩnh vực khác là truyền thanh. Sự cách tân, thoát khỏi phong cách truyền thông nghiêm nghị và một chiều của radio đã làm cho nhiều người thích thú: Việt Dzũng xem buổi truyền thanh như một cuộc trò chuyện gia đình với khán giả, vui cười và gần gũi. Phong cách này đã tác động lớn đến khối truyền thanh của người Việt hải ngoại. Bằng lối nói chuyện vui và không ngại trêu ghẹo người đối diện khiến khán giả lẫn người được phỏng vấn đều thích thú. Nhạc sĩ Việt Dzũng là người duy nhất phỏng vấn được gần như toàn bộ ca nhạc sĩ hải ngoại như Chế Linh, Thái Thanh, Hà Thanh, Văn Phụng, làm thành một kho dữ liệu văn nghệ vô cùng sống động và quý giá. Người được coi là khép kín và khó tiếp cận nhất là ca sĩ Ngọc Lan, cũng đã đồng ý thực hiện một talkshow trên đài VOA với Việt Dzũng, vào tháng 10 năm 1994.
Bài hát cuối về Giáng Sinh mà những người bạn của nhạc sĩ Việt Dzũng ở Little Saigon được nghe anh Dzũng hát, là nằm trong số gần 500 bài hát đủ thể loại của anh. Đặc biệt khán giả ghi nhớ là hai album Kinh Tỵ Nạn (1980) và “Lưu Vong Khúc” (1982). Những bài hát như Một chút quà cho quê hương, Lời Kinh đêm… không chỉ là những bài hát khiến nhiều thế hệ người Việt lặng nghe trong tâm cảm mà còn là những bài sử ca về một giai đoạn đau thương của người Việt Nam. Tên tuổi của Việt Dzũng còn gắn liền với phong trào của Hưng Ca, cùng với người sáng lập là ca sĩ Nguyệt Ánh. Ít ai biết Việt Dzũng được cha của ca sĩ Nguyệt Ánh là ông Đại tá Nguyễn Văn Y (1922-2012) nhận làm con nuôi. Ông Y nguyên Tổng Giám Đốc Cảnh sát Công an Đô Thành Sàigòn kiêm Đặc ủy trưởng Trung Ương Tình báo. Phong trào âm nhạc chính trị Hưng Ca với sự có mặt của Việt Dzũng đã phát triển rộng khắp nhiều quốc gia và trở thành làn sóng sinh hoạt âm nhạc mạnh nhất, cho đến nay chưa có đối thủ.
Tháng Tư 1985, Ca sĩ Nguyệt Ánh (Sao đành xa em, Em vẫn mơ một ngày về, Trả ta sông núi, Biển Đông dâng sóng tự do…) khởi xướng Phong trào Hưng Ca Việt Nam tại Washington DC và Houston, Hoa Kỳ. Từ đó lan đi Canada, Hòa Lan, Úc… Những gương mặt đầu tiên trong đó Hà Thúc Sinh là trưởng đoàn, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Châu Đình An, Huỳnh Công Ánh, Khúc Lan, Trần Lãng Minh, Tuấn Minh, Nguyễn Hữu Nghĩa, và Phan Ni Tấn. Phong trào lặng dần kể từ khi sức khỏe của nhạc sĩ Việt Dzũng và Nguyệt Ánh yếu đi, không còn đi lưu diễn nữa, kể từ sau năm 2015.
Nhạc sĩ Việt Dzũng ghi dấu ấn lớn trong lòng người Việt, và mãi mãi với các chương trình ca nhạc của Trung tâm Asia, mà ông tham gia với vai trò người dẫn chương trình từ năm 1996. Sự có mặt của ông cùng lời dẫn là một thái độ chính trị khác biệt và dứt khoát, khiến thu hút hàng triệu người đồng chí hướng. Trên các chuyến xe đò đi liên tỉnh vào ban đêm tại Việt Nam, giới tài xế vẫn im lặng phát các bản đĩa video của Trung tâm Asia, bất chấp là nội dung có thể bi gây khó, đơn giản vì khán giả vẫn yêu thích và yêu cầu. Năm 2006, Bộ Văn Hóa Thông Tin Việt Nam buộc phải ra lệnh riêng, chấm dứt không được phát các bản ca nhạc của Trung Tâm Asia, và tối thiểu thì phải cắt toàn bộ phần giới thiệu và trò chuyện của Việt Dzũng và Nam Lộc.
Nhạc sĩ Việt Dzũng có vô số người hâm mộ, quen biết hoặc bạn bè. Thế nhưng với một ít người chung quanh mà anh có thể tâm tình, anh nói mình cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Là một người Công giáo lý trí, anh hầu như không đi nhà thờ nhưng viết và hát rất nhiều về Chúa. Một tháng trước khi mất, anh liên tục bảo ghi âm cho anh hát các bài về Thiên Chúa và cậy mong Chúa dẫn đường. Lúc đó tiếng hát của anh đã khàn, hơi đã yếu nhiều lắm rồi, anh như dự cảm trước những điều sẽ tới. Bác sĩ khuyên anh bỏ thuốc và nghỉ ngơi thì mới có thể sống được. Lúc đó, anh tăng lượng thuốc hút đến hơn 2 gói mỗi ngày. Cứ chốc lát, anh lại châm thuốc như thể nuôi cuộc sống bằng đốm lửa. Anh cười và hỏi đùa bác sĩ “vậy thì tôi sẽ sống trong lành như vậy đến bao lâu?”.
Bác sĩ cũng từng thuyết phục anh dùng mạch máu từ tim heo, để thay cho một số sợi ở tim đã hư hại. Lẽ ra với người thường, thì sẽ được lấy mạch máu từ chân để dùng nhưng đôi chân anh đã khuyết tật từ bé, nên mạch máu không thể dùng được. Anh lại cười, nói với những người quen “Chết, anh không thể đối diện Chúa bằng trái tim heo. Anh không thể cho heo vào tim mình”.
Trước khi mất, vài lần anh đã suýt đi cấp cứu vì mệt bất thường. Chung quanh anh bao giờ cũng có kẹo để mỗi khi vậy, anh ăn vội vào, kịp lấy hơi thở bấm máy gọi cho người quen. Sáng ngày 20 đó, lẽ ra anh sẽ đến phòng ghi âm của đài Radio Bolsa như thường lệ, nơi anh làm việc và cất tiếng chào thính giả, nhưng anh đã nằm lại, không kịp chia tay với ai. Người nhà cố gắng đưa anh nhanh đến bệnh viện Fountain Valley, Orange County, nhưng có lẽ anh đã mệt. Có lẽ anh muốn ngừng cuộc hành trình ở tuổi 55.
Đám tang nhạc sĩ Việt Dzũng là một trong những đám tang hiếm hoi ở miền Nam Califfornia, có đến hàng ngàn người đi viếng và khóc. Nhiều người đã xếp hàng dài để nhìn anh lần cuối ở Good Shepherd Cemetery, thành phố Huntington Beach, miền Nam California. Mọi thứ thật hụt hẩng. Âm nhạc và sinh hoạt cộng đồng sau khi Việt Dzũng ra đi, cũng không còn được như trước. Ngày 1 tháng Năm, 2014, Thượng Viện Tiểu Bang California đã đồng thuận đặt tên cho đoạn xa lộ Highway 39 thuộc Orange County, là Việt Dzũng Human Right Memorial Highway, nhằm tưởng nhớ và vinh danh cho những họat động không mệt mỏi của một người nhạc sĩ tỵ nạn mang tên Việt Dzũng, một cái tên mãi nằm ký ức cộng đồng người Việt ly hương vì tự do trên toàn thế giới.
Không có nhận xét nào