Có lẽ mục địch chính của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là nhắm vào khối ASEAN, kêu gọi và củng cố các cam kết của Hoa Kỳ tại khu vực để đối phó với cách hành xử và cạnh tranh thế lãnh đạo của Hoa Kỳ ngày càng quyết liệt từ Trung Cộng.
Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ được tòa Bạch Ốc công bố ngày 12 tháng 2 năm nay. Đây là một văn bản liên quan đến chiến lược của Mỹ tại khu vực lần đầu tiên được ban hành từ nội các của ông Biden sau hơn 1 năm nắm hành pháp Hoa Kỳ. Nhiều nhà bình luận cho rằng thời điểm ban hành được tính toán trước khi cuộc xâm lăng Ukraine của Nga nổ ra và trước khi tổng thống Biden gặp các nhà lãnh đạo trong khối Đông Nam Á – ASEAN tại Hoa Kỳ. Tuy cả hai là sự kiện lớn trong đầu năm 2022, nhưng có lẽ mục địch chính của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là nhắm vào khối ASEAN, kêu gọi và củng cố các cam kết của Hoa Kỳ tại khu vực để đối phó với cách hành xử và cạnh tranh thế lãnh đạo của Hoa Kỳ ngày càng quyết liệt từ Trung Cộng. Nói về thời điểm, tưởng cũng nên nhắc lại ngày 4 tháng 2 Trung Cộng và Nga tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược không giới hạn trong một văn bản chung trong đó họ đặt lại các nguyên tắc về nhân quyền, dân chủ, chiến lược, đối tác, vv. gần như đang có ý định thiết lập một trật tự thế giới mới.
Chiến lược của Hòa Kỳ tại Ấn Độ và Thái Bình Dương được ban hành trong lúc cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine ngày càng nghiêm trọng và hình ảnh Hoa Kỳ bỏ rơi Afghanistan còn mới vẫn còn ám ảnh các quốc gia nhỏ như kinh nghiệm của miền Nam Việt Nam năm xưa, Hoa Kỳ hơn bao giờ hết cần phải xác định lại cam kết với các đồng minh chiến lược tại Á Châu trước mộng bá quyền của Trung Cộng trong khu vực. Theo thiển ý, đó chính là thông điệp Hoa Kỳ muốn gửi đến các quốc gia trong khu vực là Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác trong tinh thần tôn trọng các giá trị cũng như kinh nghiệm đặc thù của họ.
Ngay trong những dòng đầu của văn bản, Tòa Bạch Ốc nêu rõ “Ấn Độ và Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trên thế giới và tương lai của khu vực này ảnh hưởng đến tương lại của mọi người, mọi nơi”. Với dân số trẻ, sức sáng tạo, năng lực hoạt động, yếu tố địa chiến trị, quả không quá ngoa ngôn khi Hoa Kỳ có nhận định như vậy. Văn bản mở đầu với lời hứa của chính tổng thống Hoa Kỳ “chúng tôi mong muốn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương được rộng mở, nối kết, thịnh vượng, mạnh mẽ, an ninh và chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bạn để đạt mục tiêu đó”. Chiến lược mới này của Hoa Kỳ có thể xem như là một mắt xích trong chuỗi các quan hệ đã được Hoa Kỳ tham gia xây dựng như “Bộ tứ” là diễn đàn chiến lược giữa Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ và Úc, có tên chính thức là Đối thoại An ninh 4 bên (Quadrilateral Security Dialogue) được gọi tắt là Quad. Mục tiêu thành lập Quad hay “bộ tứ” của các nước thành viên năm 2007 là nhằm duy trì trật tự an ninh dựa trên quy tắc quốc tế tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng đến tận 13/2/2021, sau 14 năm thành lập, người đứng đầu chính phủ của 4 nước “Bộ tứ” mới cùng nhau ngồi lại trong khuôn khổ một hội nghị để vạch ra những mục tiêu chiến lược nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ngoài ra phải kể đến một liên minh khác được thành lập tháng 9, 2021 là hiệp ước quân sự công nghiệp Úc-Anh-Mỹ gọi tắt là AUKUS, một liên minh phòng thủ chiến lược giữa ba quốc gia cam kết hợp tác với nhau tại khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, để phát triển kỹ thuật đóng tàu ngầm hạt nhân và những công nghệ tiên tiến khác.
Bằng thứ ngôn ngữ ngoại giao, các văn kiện và tuyên bố về 3 liên minh nói trên đã nói khá rõ mục tiêu thành lập là để duy trì tự do, dân chủ, cởi mở của cả khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và đối phó sự trỗi dậy đầy mặc cảm và bá quyền của Trung Cộng. Các chiến lược và liên minh củng cố vững chắc hơn vị thế của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời qua Hoa Kỳ và Anh, Pháp các liên minh tại Á Châu cũng tăng cường sức mạnh cho cả khu vực trong quá trình đó.
Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền Biden lần này có thể nói đuợc lập lại lần thứ ba một chiến lược chung của Hoa Kỳ đối với khu vực, sau chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Obama và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tổng Thống Trump. Việc này cho thấy một điều Hoa Kỳ từ chính quyền Obama, Trump và bây giờ Biden, ngày càng tăng sự chú ý đối với khu vực, tuy kết quả không đồng đều.
So sánh sự khác biệt giữa ba chính quyền, chúng ta thấy có sự nhất quán về một số đặc điểm chính trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ. Với bản chất toàn cầu của các lợi ích của Mỹ, mỗi chính quyền không nhất thiết là có nguyên thủ thuộc đảng cộng hoà hay dân chủ luôn đặt ưu tiên hàng đầu khu vực này như một chiến trường chính nếu cần Hoa Kỳ can thiệp.
Từ sự nhấn mạnh mới vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho đến việc gia tăng đáng kể trong các cuộc họp với các đồng minh và đối tác trong khu vực, chính quyền Biden đã thể hiện rõ ràng cam kết của mình đối với khu vực ngay trong năm đầu tiên nắm chính quyền.
Nhìn kỹ những nét chính trong chiến lược của Biden ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chúng ta thấy họ sẽ tập trung vào kế hoạch hỗ trợ cho một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở ở nhiều cấp độ từ cá nhân, đến quốc gia và khu vực; kết nối mạnh mẽ hơn trong và ngoài khu vực; thịnh vượng hóa và tăng khả năng phục hồi cho khu vực trong một khuôn khổ an ninh ưu tiên ngăn chặn các cuộc đối đầu và xung đột.
Đối với các đồng minh thân cận như Úc, một số câu hỏi bao gồm chương trình nghị sự kinh tế khu vực của chính quyền Hoa Kỳ và các bước tiếp theo trong thỏa thuận AUKUS chúng ta đề cập vẫn chưa được trả lời ngay cả sau khi chiến lược khu vực được công bố.
So với chiến lược của chính quyền Trump chiến lược của Biden có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, Biden tập trung nhiều hơn vào hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Thứ hai, có ý đưa các kế hoạch cho “Khung kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” sắp tới nhấn mạnh “các cách tiếp cận mới đối với thương mại đáp ứng các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường”. Giống như dưới thời Trump, Obama và Bush, Tòa bạch ốc của Biden đã đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ cho Ấn Độ trỗi dậy trong vai trò lãnh đạo khu vực.
Cũng nói thêm, trong chiến lược của Biden vai trò của các quốc gia nhỏ hơn được chú ý theo cách mà các chiến lược trước đây không thấy chú trọng. Chiến lược mới cũng cho thấy Châu Âu ngày càng chú ý vào khu vực qua các hợp tác quân sự và chiến lược giữa Liên hiệp Âu châu ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chiến lược AUKUS là một ví dụ về vai trò ngày càng tăng của Châu Âu trong khu vực và đặt ưu tiên hàng đầu vào hợp tác công nghệ giữa ba quốc gia trong liên minh AUKUS.
Nhiều nhà quan sát cho rằng ngoại trưởng Antony Blinken đã đưa ra chính sách đối phó với Trung Cộng của chính quyền Biden trong một bài phát biểu của ông tại Đại học George Washington ở Hoa Thịnh Đốn vào cuối tháng 5 vừa qua. Ông nói bất chấp việc Nga xâm lăng Ukraine, Trung Cộng vẫn là quốc gia cạnh tranh chính với Hoa Kỳ. Xin nhắc lời của ông như sau “Trung Cộng là quốc gia duy nhất có ý định tái lập trật tự thế giới và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó”. Ông đưa ra lập luận Hoa Kỳ không thể tin Trung Cộng tự thay đổi hướng đi và không thể trực tiếp định đoạt hành vi của Bắc Kinh và do đó, phải áp dụng chiến lược “định hình môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh”. Nói cách khác là tìm cách vượt xa Trung Cộng trong các lĩnh vực địa chiến lược và kinh tế. Mặc dù, chính quyền Biden vẫn chưa công khai chính sách về Trung Cộng, nhưng theo nhiều nhà phân tích, bài phát biểu của Blinken là bản tóm tắt chiến lược của chính quyền Biden sẽ được thi hành.
Nhìn chung Hoa Kỳ đạt nhiều lợi ích qua việc củng cố liên minh phương Tây mà các nước chủ chốt là Anh, Đức và Pháp đã đồng ý tăng ngân sách quân sự và nhận trách nhiệm nhiều hơn trước tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Liên minh “không giới hạn” giữa Trung Cộng và Nga đã thuyết phục Nhật Bản công khai tuyên bố họ sẽ coi việc xâm lăng Đài Loan là mối đe dọa an ninh của họ, dẫn đến quyết định tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Đông Kinh, đây là một thay đổi lớn đẩy Nhật Bản thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung Cộng. Tóm lại, chiến lược liên kết của Hoa Kỳ đang hoạt động tốt và được hồi sinh nhờ cuộc chiến Ukraine. Chiến lược kinh tế vẫn còn là một dấu hỏi, và có thể được xem là một công việc đang được hoàn thiện. Về vấn đề cạnh tranh, chính sách kinh tế khó hiểu của Tập Cận Bình phần nào đã giúp Hoa Kỳ, nhưng hiện tại Hoa Kỳ đang phải đối mặt với tình hình tài chính đầy biến động. Trong bài phát biểu trên, ngoại trưởng Blinken nói rõ mục tiêu của chính sách của Mỹ không phải “cắt đứt nền kinh tế của Trung Cộng khỏi Hoa Kỳ”. Nguợc lại, Hoa Kỳ theo ý tưởng của Blinken sẽ tiếp tục kinh doanh và đầu tư vào Trung Cộng miễn điều đó không ảnh hưởng đến an ninh của họ. Hoa Kỳ sẽ thân thiện hơn, nếu Bắc Kinh nghiêm túc giải quyết những lo ngại của Mỹ. Chúng ta còn phải chờ xem cách áp dụng chính sách đối phó mới này của Hoa Kỳ.
Một câu hỏi lặp đi lặp lại trong vài năm qua là liệu khi nào Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đạt đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Nhiều nhà nguyên thủ và ngoại giao Hoa Kỳ đã đề xuất, thúc đẩy tiến trình này từ nhiều đời tổng thống sau chiến tranh lạnh và gần đây trong chuyến viếng thăm của phó tổng thống Hoa Kỳ, Harris. Trong buổi điều trần đề cử tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2021, Ông tân đại sứ Knapper cho biết nâng cấp quan hệ sẽ là ưu tiên, cho cả ông và Hoa Kỳ, là phát triển mối quan hệ chiến lược với Việt Nam trong thời gian ông nhận trách nhiệm đại sứ tại Hà Nội. Theo Knapper, mục tiêu này có thể được thực hiện bằng cách tập trung vào ba khía cạnh là tăng cường hơn nữa các hợp tác về an ninh, thương mại và kinh tế và tìm cách gắn bó hơn trong mối quan hệ với các nhân sự lãnh đạo cũng như người dân Việt Nam. Knapper nhắc lại điều này trong một cuộc phỏng vấn với các báo trong nước và còn đề nghị năm 2023 là thời điểm thích hợp để nâng cấp quan hệ thành chiến luợc đánh dấu kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong khi Việt Nam đặt nặng quan hệ đến cả ba nước Hoa Kỳ, Trung Cộng và Nga. Hai quốc gia này, được coi là đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ, lại là “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam – một quan hệ cao cấp nhất trong cách phân loại quan hệ ngoại giao của Hà Nội. Việt Nam duy trì hợp tác với Trung Cộng và Nga trong cả ba lĩnh vực mà Đại sứ Knapper đề cập. Việt Nam nhập khẩu vũ khí, kỹ thuật dầu mỏ và hoạt động khí đốt ở Biển Đông từ Nga và nhập khẩu nhiều nguồn sản xuất từ Trung Cộng. Hà Nội không muốn đảo lộn các mối quan hệ với Trung Cộng và Nga bất chấp áp lực của phương Tây. Trong cuộc gặp giữa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội vào tháng 3 năm nay, Ông Phạm Minh Chính tiếp tục đưa ra ý tuởng là quan hệ đối tác toàn diện hay chiến lược cần dựa trên cơ sở “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị và các khác biệt”. Khác biệt đó chắc chắn bao gồm tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam mà Hoa Kỳ nhiều lần cảnh báo. Tuy nhiên, ngay cả yếu nhân quyền xem ra cũng không hẳn là điều trở ngại trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Vì muốn tập trung vào hợp tác kinh tế và chiến lược với Hà Nội để chống lại những thách thức của Trung Cộng, Hoa Thịnh Đốn gần đây đã bớt chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Hà Nội. Một điều đáng buồn cho các nhà tranh đấu và ước muốn một đất nước dân chủ và cởi mở hơn của đại đa số người dân Việt Nam.
Nhìn chung mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng tốt đẹp và quan hệ đã đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trong nhiều mặt, nhưng quan hệ đó khó đi đến mức độ Hoa Kỳ mong muốn vì rào cản chính là Trung Cộng. Bắc Kinh có nhiều ưu thế để buộc Việt Nam theo hướng có lợi cho họ. Thứ nhất Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kinh tế và thương mại với Trung Cộng và dễ lãnh hậu quả nặng nề khi Trung Cộng ngưng hay ngăn chặn cung cấp các nguồn sản xuất mà Việt Nam lệ thuộc, ngay cả quyết định đơn giản là đóng cửa khẩu giao thương như chúng ta từng thấy. Rào cản thứ hai là một liên hệ ý thức hệ lâu dài giữa hai đảng cộng sản lãnh đạo của hai nước. Rào cản thứ ba là sự chênh lệch quá lớn về sức mạnh quân sự của hai bên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể đóng vai trò tích cực trong chiến lược Ấn độ – Thái bình dương mới của Hoa Kỳ bằng cách tận dụng vị thế đang có để giảm bớt các khó khăn nêu trên qua việc tăng cường mối quan hệ với Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh của Hoa Kỳ trong một chiến lược mới mà Hoa Kỳ không buộc họ phải chọn bên nhưng hợp tác để học hỏi, trang bị bảo vệ an ninh cho mình, và mở rộng, nối kết với đồng minh chống lại các ý đồ bá quyền của ông hàng xóm phương Bắc.
*Tiến sĩ Phan Quang Trọng đã từng phục vụ 33 năm tại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Ông nghỉ hưu tại Texas.
Không có nhận xét nào