Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Có cần giải phóng đồng bằng sông Hồng khỏi độc tài toàn trị không?

    Nguồn ảnh: Coal miners in Vietnam từ Shutterstock - https://vietcetera.com/en/coal-dependent-vietnam-seeks-g7-support-in-energy-transition-at-climate-conference

    Ngày 29/11/2022, ông Nguyễn Phú Trọng đã đọc một diễn văn dài khoảng 10 trang về phương hướng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030. Tầm nhìn của đảng đến năm 2045 là: "Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm hàng đầu của cả nước về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại, thông minh và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.” [1]

    Khoảng 3 triệu trong 22 triệu người dân ở đồng bằng sông Hồng vẫn còn nghèo. [2]  Đã bao nhiêu lần năm nay, những cơn mưa lớn vừa bắt đầu khoảng 1 giờ là nhiều khu phố, nhiều đường, nhiều ngõ của Hà Nội ngập sâu biến thành sông, nước tràn vào nhà dân? [3] 

    Phần lớn diện tích đồng bằng sông Hồng được đặc trưng bởi độ cao thấp so với mực nước biển. Thủ đô Hà Nội nằm ở tám mét trên mực nước biển, trung bình. Các thành phố lớn khác trong khu vực bao gồm Hải Phòng và Nam Định, trung bình cả hai đều nằm trên mực nước biển ba mét. [4]  

    Mực nước biển ở Việt Nam ước tính tăng 2.5 đến 3 centimet mỗi 10 năm do biến đổi khí hậu. Các khu vực đồng bằng dự kiến ​​sẽ giảm dần theo thời gian, có thể làm trầm trọng thêm thiệt hại do mực nước biển dâng ở đồng bằng sông Hồng. [5] 

    Với biến đổi khí hậu, khoảng 10% của tổng sản lượng của khu vực đồng bằng sông Hồng dễ bị tổn hại vĩnh viễn do mực nước biển dâng, và hơn 40% dễ bị thiệt hại do lũ lụt định kỳ, với dự toán là ít nhất một cơn bão và nước dâng đến năm mét mỗi 49 năm. [4] 

    Ông Trọng dùng 6.300 chữ cho bài diễn văn, chỉ nhắc chung chung đến “môi trường” 9 lần nhưng tầm nhìn đến năm 2045 của ông Trọng lại không đối phó với rủi ro lũ lụt trên đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt nhất, ông Trọng không đề cập gì về công nghệ than đá và liên hệ của công nghệ than đá, nhà máy nhiệt điện than và biến đổi khí hậu.

    Với biến đổi khí hậu, ngập lụt, mất đất và xâm nhập mặn do nước biển dâng, lượng mưa tăng lên và các sự kiện lốc xoáy sẽ gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho đời sống và lối sống của dân trong vùng đồng bằng sông Hồng. [4]

    Biến đổi khí hậu là tác động toàn cầu, lâu dài và nghiêm trọng nhất của than đá. [6] Về mặt hóa học, than chủ yếu là cacbon, khi đốt cháy, phản ứng với oxy trong không khí để tạo ra khí cacbonic, một loại khí giữ nhiệt. Khi được thải vào bầu khí quyển, khí cacbonic hoạt động giống như một tấm chăn, làm trái đất nóng lên trên mức bình thường.

    Hậu quả của sự nóng lên toàn cầu bao gồm hạn hán, mực nước biển dâng, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt và mất mát các loài. [6] Mức độ nghiêm trọng của những tác động đó liên quan trực tiếp đến lượng khí cacbonic mà chúng ta thải ra, kể cả từ các nhà máy than. 

    Khi than được đốt cháy, nó thải một số chất độc và chất gây ô nhiễm trong không khí. Chúng bao gồm thủy ngân, chì, lưu huỳnh dioxit, nitơ oxit, hạt bụi và nhiều kim loại nặng khác. Các tác động sức khỏe có thể bao gồm từ hen suyễn và khó thở, đến tổn thương não, các vấn đề về tim, ung thư, rối loạn thần kinh và tử vong sớm.

    Việt Nam là một trong bốn nước châu Á đứng đầu thế giới về xây dựng mới nhiệt điện than. [7] Sau khi đã khai thác gần hết tiềm năng thủy điện vào những năm cuối 2000, nhà nước đã chuyển sang phát triển nhiệt điện than. Một lượng khá lớn than sử dụng ở Việt Nam là than nhập khẩu (từ đâu?), làm gia tăng sự lệ thuộc của đất nước vào các nguồn nhập khẩu đắt đỏ. 

    Nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam cho ra đời Quy hoạch điện 7 điều chỉnh công bố tháng 3/2016. [7] Quy hoạch này giảm đáng kể số nhà máy nhiệt điện than so với kế hoạch trước đây đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21% trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030. 

    Nhưng tháng 01/2022, bà Ngụy Thị Khanh bị bắt với cáo trạng trốn thuế. Trước đó vào tháng 6/2021, ba nhà hoạt môi trường là Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Đường và Đặng Đình Bách cũng đã bị bắt sau khi bị buộc tội trốn thuế. [8] Luật sư môi trường Đặng Đình Bách nổi tiếng trong việc bảo vệ các cộng đồng yếu thế khỏi ô nhiễm nhà máy điện than. 

    Trong bài phát biểu trước hơn 4.300 đại biểu của vùng đồng bắng sông Hồng, ông Trọng kêu gọi tinh thần: "Tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng", "trên dưới đồng lòng" và "dọc ngang thông suốt". Cách làm chính sách theo kiểu “trên hô dưới dạ” nầy có vẻ rất lạ.

    Một chính sách ảnh hưởng đến 22 triệu dân từ năm 2022 đến năm 2045 mà có vẻ không có ý kiến đóng góp, phản biện và thông tin đầu vào từ các bên liên quan chính cần thiết cho việc hình thành và triển khai chính sách. 

    Ai đóng góp tiếng nói bảo vệ môi trường khi những nhà hoạt động môi trường trong vùng đồng bằng sông Hồng đang ngồi tù từ 3 đến 5 năm trong khám đường của ông Trọng?

    Ai đóng góp tiếng nói cho khoảng 3 triệu dân nghèo khi rất nhiều đại biểu trong hình ảnh đại hội có vẻ như béo bở bụng phệ? 

    Ai thực sự đại diện cho công nhân khi họ đình công cố gắng bảo vệ quyền lợi của công nhân. Chỉ riêng tháng 1 và 2 năm nay, có 28 cuộc đình công diễn ra tại 12 tỉnh, bao gồm Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh và Nghệ An, theo Tổng liên đoàn Lao động cho biết. [9]

    Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, ai đại diện cho dân oan bị cưỡng chế nhà đất trên 11 tỉnh và các khu trực thuộc trung ương trên đồng bằng sông Hồng? [10]

    Tôi là người ở xa nhưng tôi cảm thấy đau lòng khi xem xét, học hỏi và nghiên cứu cách sống của nhiều người dân trên vùng đồng bằng sông Hồng, những người đối mặt với lũ lụt thường xuyên 4 tháng mỗi năm, những thanh niên trẻ lam lũ làm việc trong công nghiệp điện than, và những ngư dân bám biển lênh đênh để ráng kiếm sống cho gia đình. 

    Những chi tiết trình bày ở trên và lịch sử triển khai chính sách kinh tế xã hội của đảng gợi lên những tâm tư và lo lắng.

    Có nhiều cách để tạo dựng và triển khai chính sách kinh tế xã hội một cách tốt đẹp, nhưng cách của ông Trọng không phải là một trong những cách làm đó. 

    Với những nhà hoạt động tích cực trong xã hội dân sự, đất nước có nhiều nhóm có kỷ năng để làm chính sách một cách hữu hiệu, nhưng cái đại hội “tiền hô hậu ủng” của ông Trọng dù với hàng chục trang trí hoa lá đẹp đẻ lại không phải là một trong những nhóm đó. 

    Và về triển khai, lại càng không tưởng để tin vào ông Trọng. 

    Nguồn:

    https://media.qdnd.vn/long-form/vung-dong-bang-song-hong-can-thuc-hien-that-tot-vai-tro-la-trung-tam-dau-nao-chinh-tri-hanh-chinh-quoc-gia-va-dong-luc-phat-trien-kinh-te-hang-dau-cua-dat-nuoc-55958

    World Bank. Đánh giá nghèo theo vùng Vùng đồng bằng sông Hồng. Nhóm Hành Động Chống Đói Nghèo. Tháng 3/2005. https://documents1.worldbank.org/curated/en/907831468308964846/pdf/415750VIETNAME10Delta0200501PUBLIC1.pdf

    Tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/ha-noi-mua-chua-day-1-gio-nhieu-tuyen-pho-thanh-song-nuoc-tran-vao-nha-dan-20220613212208004.htm

    Neumann JE, Emanuel KA, Ravela S, Ludwig LC, Verly C. Risks of Coastal Storm Surge and the Effect of Sea Level Rise in the Red River Delta, Vietnam. Sustainability. 2015; 7(6):6553-6572.

    Ministry of Natural Resources and Environment (MoNRE). Vietnam Initial National Communication under the United Nations Framework Convention on Climate Change; MoNRE: Hanoi, Vietnam, 2003.

    https://www.ucsusa.org/resources/coal-power-impacts

    https://www.goldmanprize.org/recipient/khanh-nguy-thi/

    https://www.theguardian.com/global-development/2022/sep/14/vietnam-urged-to-free-green-activist-nguy-thi-khanh-as-it-bids-to-join-un-human-rights-council

    https://www.rfa.org/english/news/vietnam/tet-strikes-02182022114927.html

    https://thuonghieucongluan.com.vn/tinh-hai-duong-dat-nong-nghiep-bien-thanh-dat-o-a21720.html


    Không có nhận xét nào