Võ Thái Hà tổng hợp
G7 cam kết ‘hỗ trợ vững chắc’ cho Ukraine
13/12/2022
Tổng thống Ukraine Zelenskiy tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 qua liên kết video ở Kiev.
Lãnh đạo nhóm G7 hôm 12/12 tái khẳng định sự hỗ trợ và tình đoàn kết vững chắc đối với Ukraine, cam kết đáp ứng các yêu cầu cấp bách của Ukraine về quân sự và thiết bị quốc phòng để chống lại Nga xâm lược.
Trong thông cáo của Tòa Bạch Ốc, nhó G7 lên án “Nga tiếp tục các cuộc tấn công tàn bạo và vô nhân đạo nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các cơ sở điện nước và các thành phố trên khắp đất nước Ukraine.”
Thông cáo gọi “các cuộc tấn công tùy tiện” này là “tội ác chiến tranh”, đồng thời lên án những ai “hỗ trợ cuộc chiến phi pháp của Putin.”
Thông cáo được đưa ra một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh của G7 tại Paris bàn về tái thiết hậu chiến cho Ukraine. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, tham dự cuộc họp trực tuyến này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, hiện là chủ tịch của G7, cam kết tái xây dựng sự ổn định tài chính cho Ukraine và so sánh công cuộc tái thiết Ukraine với Kế hoạch Marshall của Mỹ giúp châu Âu gầy dựng lại sau đệ nhị thế chiến.
Trong khi đó, lực lượng Nga hôm 12/12 tiếp tục dùng phi đạn, máy bay không người lái và đạn pháo oanh tạc miền đông và miền nam Ukraine.
Tất cả nhà máy thủy điện và nhiệt điện của Ukraine đã bị hư hại bởi làn sóng tấn công gần đây của Nga nhắm vào lưới điện quốc gia của Ukraine, Thủ tướng nước này cho biết hôm 11/12.
Ukraine nói quân Nga đang chịu tổn thất nặng nề trên mặt trận phía đông trong giao tranh khốc liệt.
Các ngoại trưởng EU bàn thảo về những đợt chế tài mới nhắm vào Nga và tăng thêm viện trợ giúp quân đội Ukraine tại một cuộc họp hôm 12/12 trong khi Mỹ cam kết hỗ trợ tiếp tục cho Ukraine giữa các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng cấp thiết của Ukraine.
Gói hỗ trợ của EU đang được bàn thảo ở Brussels sẽ cung cấp khoảng 2,1 tỷ đô la để chuyển giao võ khí cho Ukraine.
EU đã áp đặt 8 vòng chế tài nhắm vào các nhân vật Nga và các ngành công nghiệp của Nga để đáp trả cuộc xâm lược khởi sự từ tháng Hai. Vòng trừng phạt thứ 9 sẽ bao gồm các giới chức chính phủ cũng như ngành công nghiệp quốc phòng và ngân hàng của Nga.
Trung Quốc kiện Mỹ ra WTO vì lệnh cấm vận với hàng bán dẫn
13/12/2022
Hình chụp từ trên cao xuống nhà máy của TSMC (Đài Loan) chuyên sản xuất chip bán dẫn tại Nam Kinh, Trung Quốc
AFP
Trung Quốc vừa nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 12/12 về các biện pháp cấm vận đối với hàng bán dẫn.
Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo cho biết “Trung Quốc có các hành động pháp lý này trong khuôn khổ WTO là cần thiết để đề cập đến vấn đề quan ngại của Trung Quốc và để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình”.
Thông báo của Trung Quốc cũng cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ “đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu”.
Hồi tháng 10 vừa qua, Mỹ đã đưa ra một loạt các quy định nhằm vào việc hạn chế ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Các hạn chế mới của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc bao gồm: hạn chế bán thiết bị sản xuất chip và bán dẫn cho khách hàng Trung Quốc, đưa 31 tổ chức của Trung Quốc vào danh sách “chưa xác minh”- giới hạn khả năng mua công nghệ nước ngoài của họ.
Đơn kiện của Trung Quốc đã kích hoạt quá trình giải quyết tranh chấp của WTO. Mỹ hiện có 60 ngày để tham gia tham vấn giữa các bên. Nếu hoà giải không thành công, phía Trung Quốc có thể yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm WTO và tiếp tục các bước tiếp theo.
Adam Hodge – người phát ngôn của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ - cho biết Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu tham gia tham vấn từ Trung Quốc.
Thông báo của ông Hodge viết rằng Mỹ đã trao đổi với phía Trung Quốc rằng những hành động của Mỹ là về an ninh quốc gia và việc sử dụng WTO làm diễn đàn thảo luận vấn đề này là không liên quan gì đến an ninh quốc gia.
Lần đầu tiên Mỹ thử thành công hoàn toàn hỏa tiễn siêu thanh
12/12/2022
Chiếc B 52 tại RAF Fairford ở Gloucestershire sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ do động cơ gặp trục trặc nằm 2020. (ảnh: Steve Parsons/PA Images qua Getty Images)
Lực lượng Không quân Hoa Kỳ thực hiện cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên đối với hỏa tiễn siêu thanh hoàn chỉnh phóng từ trên không, theo CNN.
Lực lượng Không quân cho biết trong tuyên bố phát đi hôm 12 Tháng Mười Hai, chương trình trước đó phải chịu một loạt thất bại vì thử nghiệm thất bại.
Một nguyên mẫu đầy đủ của Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không, được gọi tắt là ARRW, được phóng từ một chiếc oanh tạc cơ B-52 ngoài khơi bờ biển California vào Thứ Sáu, 9 Tháng Mười Hai.
Hỏa tiễn AGM-183A đạt tốc độ siêu thanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh và phát nổ ở khu vực nhà ga, Cánh thử nghiệm thứ 96 cho biết. Tất cả các mục tiêu của cuộc thử nghiệm đã được đáp ứng, theo Lực lượng Không quân.
Chiếc B-52 Mỹ lần đầu phóng thành công nguyên mẫu AGM-183A với đầy đủ tính năng, sau nhiều lần vũ khí này gặp trục trặc trong thử nghiệm. “Đây là lần đầu nguyên mẫu đầy đủ tính năng của tên lửa được khai hỏa, các sự kiện trước đó chỉ tập trung vào kiểm tra tính năng của tầng đẩy,” Lực lượng Không quân thông báo.
ARRW là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm đang được Lực lượng Không quân thực hiện, bên cạnh các dự án vũ khí siêu vượt âm của các quân chủng khác, nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc. AGM-183 được thả rơi tự do từ phi cơ như bom thông thường, sau đó kích hoạt động cơ hỏa tiễn để giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao phù hợp. Vỏ bảo vệ sau đó bung ra và đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ trên 4,000 dặm mỗi giờ. Mỗi chiếc B-52 có thể mang tối đa bốn hỏa tiễn AGM-183.
Chiếc B-52 Mỹ mang mô hình tên lửa AGM-183A dưới cánh trong thử nghiệm hồi năm 2020. (ảnh: Matt Williams/USAF)
Không quân Mỹ cho biết AGM-183 do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, chuyên diệt “các mục tiêu có giá trị cao”. AGM-183 được đánh giá cho phép lực lượng Mỹ nhanh chóng tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt trên mặt đất.
Dự án hỏa tiễn AGM-183A từng nhiều lần gặp trục trặc nhiều lần trong quá trình thử nghiệm. Đợt thử đầu tiên vào Tháng Tư 2021 gặp trục trặc khi quả đạn mô hình không tách khỏi chiếc B-52. Trong cuộc thử nghiệm thứ hai hồi Tháng Bảy 2021, hỏa tiễn AGM-183A tách khỏi phi cơ và thể hiện đầy đủ quá trình khởi động, nhưng động cơ hỏa tiễn không kích hoạt. Trong vụ thử hồi Tháng Mười Hai 2021, quả đạn tiếp tục gặp trục trặc, khiến tổ bay B-52 phải hủy lệnh khai hỏa. Hỏa tiễn được đưa về nhà máy để phân tích tham số bay và dữ liệu nhằm tìm ra nguyên nhân bất thành.
Ngũ Giác Đài tăng cường chú trọng vào việc thử nghiệm và phát triển vũ khí siêu thanh, đặc biệt khi Trung Quốc và Nga cho thấy những tiến bộ trong các chương trình của riêng họ. Nga triển khai tên lửa siêu thanh Kinzhal ở Ukraine, có thể nói là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh. Trong một cuộc thử nghiệm năm ngoái, một hỏa tiễn siêu thanh của Trung Quốc bay vòng quanh thế giới trước khi bắn trúng mục tiêu.
Khi các siêu cường khác trên thế giới đẩy mạnh phát triển vũ khí siêu thanh của họ, Hoa Kỳ nhận thấy mình ngày càng tụt lại phía sau do thất bại trong các cuộc thử nghiệm. Và lần này, họ đã thành công!
Liệu áp lực lạm phát đã giảm ở Mỹ chưa?
Trong năm qua ở Mỹ, cứ mỗi khi lạm phát giảm nhẹ là áp lực giá cả lại phục hồi mạnh mẽ. Do đó, giới đầu tư và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sẽ xem xét kỹ lưỡng các số liệu mới nhất, được công bố vào thứ Ba, để xem liệu chu kỳ ảm đạm này có chấm dứt chưa. Dự báo hiện tại cho rằng chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, tức không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,3% trong tháng 11, tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ đó.
Nếu đúng, đây sẽ là đợt lạm phát hai tháng nhẹ nhất kể từ năm 2021. Chi phí của nhiều mặt hàng tiêu dùng đang giảm nhờ chuỗi cung ứng được thông thoáng hơn. Giá bất động sản cũng suy yếu khi lãi suất lên cao. Nhưng áp lực sẽ không tự nhiên biến mất. Tiền lương tăng nhanh vì thị trường lao động tiếp tục nóng. Và giá dầu có thể tăng vọt bất cứ lúc nào khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine kéo dài. Thận trọng có lẽ là cách tiếp cận đúng nhất vào lúc này.
Mỹ muốn cải thiện quan hệ với châu Phi
Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi đang là cái gai trong mắt phương Tây, bên cạnh những can thiệp của Nga. Nhưng Mỹ cũng có ảnh hưởng trong khu vực. Sự hiện diện của hàng chục nhà lãnh đạo châu Phi vào thứ Ba tại Washington, cho Hội nghị Thượng đỉnh Các Lãnh đạo Mỹ-châu Phi đầu tiên kể từ năm 2014, là minh chứng cho điều đó.
Đối với nhiều nước châu Phi, Mỹ là một đồng minh an ninh không thể thiếu. Các điều khoản thương mại của Mỹ cũng mang lại quyền tiếp cận ưu đãi cho hàng xuất khẩu từ châu Phi. Và viện trợ nhân đạo của Mỹ đã giúp cứu sống hàng triệu người. Nhưng các chính trị gia châu Phi muốn nhiều hơn từ mối quan hệ với Mỹ, đặc biệt khi nền kinh tế của họ chìm trong khó khăn bởi đại dịch, chiến tranh Ukraine và quản lý yếu kém.
Trước đây Donald Trump luôn đặt châu Phi trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng Joe Biden muốn chứng tỏ rằng ông coi trọng quan điểm của lục địa. Giới chức Mỹ nói hội nghị thượng đỉnh là dịp để lắng nghe từ người châu Phi. Nhưng người châu Phi sẽ muốn nghe nước Mỹ có thể mang lại điều gì.
Tổng thống Pháp Macron đồng tổ chức hội nghị về tái thiết Ukraine
Vào thứ Ba, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Pháp của ông, Emmanuel Macron, sẽ cùng tổ chức một hội nghị tại Paris về viện trợ cho Ukraine. Ông Zelensky sẽ họp online, trong khi thủ tướng của ông, Denys Shmyhal, đích thân đến thủ đô nước Pháp để kêu gọi ủng hộ. Ông Shmyhal ước tính việc tái thiết toàn diện Ukraine sẽ tiêu tốn 750 tỷ USD.
Hội nghị có hai phần. Một hội nghị bàn tròn quốc tế sẽ xem xét cách giúp Ukraine sống sót qua mùa đông. Ông Macron muốn có cam kết cung cấp máy phát điện, thiết bị y tế và các viện trợ khác. Sau đó một cuộc thảo luận song phương sẽ tìm cách để các công ty Pháp giúp đỡ tiến trình tái thiết.
Cuộc gặp diễn ra khi ông Macron muốn chứng tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Pháp đối với Ukraine, bất chấp những cáo buộc từ các đồng minh Đông Âu rằng ông mềm mỏng với Nga. Theo Viện Kiel, một tổ chức nghiên cứu ở Đức, chỉ có Đức cam kết viện trợ nhiều hơn Pháp trong số các nước EU.
Ukraine kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp 1 tỷ USD để khôi phục cơ sở hạ tầng
Một trung tâm thương mại ở Kyiv, Ukraine bị trúng tên lửa của Nga vào tháng 2. (Ảnh: Drop of Light/Shutterstock)
Hôm 12/12 vừa qua, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết quốc gia này cần hỗ trợ khẩn cấp tổng số tiền 1 tỷ USD để khôi phục cơ sở hạ tầng, cụ thể là đưa lưới điện và hệ thống sưởi ấm trung tâm hoạt động bình thường trở lại, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Thủ tướng Shmyhal cho biết rằng 50% cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này đã bị hư hại do xung đột trong những tuần gần đây.
Theo ông, quá trình khôi phục cần 3 giai đoạn, nhưng giai đoạn ưu tiên nhất hiện nay là nhanh chóng phục hồi cơ sở hạ tầng trọng yếu và ngành năng lượng để vượt qua mùa đông này. Vậy nên, chi phí ước tính hỗ trợ khẩn cấp cho ngành điện là 500 triệu USD và cho các hệ thống sưởi ấm trung tâm là 500 triệu USD.
Thủ tướng Shmyhal dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay rằng tính đến tháng 6 năm nay, Ukraine cần đến 349 tỷ USD cho tái thiết đất nước. Hàng triệu người ở Ukraine hiện không có điện, nước sạch và không được sưởi ấm khi nhiệt độ giảm mạnh.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc (LHQ), khoảng 18 triệu người, tương đương 40% dân số Ukraine, đang phụ thuộc vào nguồn viện trợ, trong khi 7,8 triệu người khác đã rời khỏi đất nước đến các quốc gia khác ở châu Âu.
Trong bối cảnh đó, Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Ngày 12/12, các quan chức Mỹ cho biết nước này đã vận chuyển một phần của gói viện trợ thiết bị điện tới Ukraine nhằm giúp khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng của quốc gia Đông Âu này.
Theo một quan chức Mỹ, đợt viện trợ đầu tiên này bao gồm các thiết bị điện có tổng trị giá khoảng 13 triệu USD. Đây là đợt hỗ trợ đầu tiên trong gói viện trợ 53 triệu USD được thông báo hồi tháng trước.
Phan Anh
Theo sau Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan thắt chặt kiểm soát chip xuất sang Trung Quốc
Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc cùng với Hoa Kỳ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, một đòn có khả năng làm suy yếu thêm tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, Bloomberg News đưa tin hôm thứ Hai.
Vào tháng 10, chính quyền Biden đã công bố một loạt biện pháp kiềm chế nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip và một số loại chip được sản xuất thông qua thiết bị của Hoa Kỳ ở bất kỳ đâu trên thế giới sang Trung Quốc.
Báo cáo của Bloomberg cho biết, ngoài một số nhà cung cấp thiết bị của Hoa Kỳ, Tokyo Electron Ltd của Nhật Bản và chuyên gia in thạch bản Hà Lan ASML Holding NV là hai bên đóng vai trò quan trọng để thực hiện các biện pháp trừng phạt có hiệu quả.
Với động thái này, các quan chức Hà Lan và Nhật Bản về cơ bản sẽ hệ thống hóa và mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có của họ để hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ chip tiên tiến.
Hai chính phủ đang lên kế hoạch áp đặt lệnh cấm bán máy móc có khả năng chế tạo chip 14 nanomet hoặc cao cấp hơn cho Trung Quốc.
Các biện pháp này phù hợp với một số quy tắc mà Washington đặt ra vào tháng 10. Công nghệ 14nm chậm hơn ít nhất ba thế hệ so với những tiến bộ mới nhất hiện có trên thị trường, nhưng nó đã là công nghệ tốt thứ hai mà nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corp sở hữu.
Theo báo cáo, các hạn chế mới có thể được công bố trong vài tuần tới.
Liên minh ba quốc gia được cho là sẽ tạo ra sự phong tỏa gần như hoàn toàn đối với khả năng của Trung Quốc trong việc mua thiết bị cần thiết để tạo ra những con chip hàng đầu.
“Không đời nào Trung Quốc có thể tự mình xây dựng một ngành công nghiệp mũi nhọn. Không có cơ hội nào,” nhà phân tích Stacy Rasgon của Sanford C. Bernstein cho biết.
Hôm thứ Hai, Trung Quốc đã đệ đơn tranh chấp về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ Thương mại nước này cho biết trong một tuyên bố.
Bộ này cho biết: “Trung Quốc thực hiện các hành động pháp lý trong khuôn khổ WTO như một cách cần thiết để giải quyết các mối quan ngại của chúng tôi và bảo vệ lợi ích hợp pháp của chúng tôi”. Bộ nói thêm rằng Hoa Kỳ kiềm chế “đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu”.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai ở Washington về một thỏa thuận tiềm năng với Nhật Bản và Hà Lan, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết: “Tôi sẽ không nói gì trước bất kỳ thông báo [chính thức] nào.”
Ông nói: “Chúng tôi rất hài lòng với sự thẳng thắn, nội dung và cường độ của các cuộc thảo luận đang diễn ra tại nhiều quốc gia có chung mối quan tâm với chúng tôi”. “Sự liên kết là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đang làm việc hướng tới điều đó.”
Xuân Lan (theo Bloomberg)
Một số nước EU phản đối phát biểu của Tổng thống Pháp về Nga
13/12/2022
Tổng thống Pháp Emanuel Macron và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại hội nghị G7.
Các nước Baltic và các nước châu Âu khác, phẫn nộ trước phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về những bảo đảm an ninh cho Nga, đã đệ trình phản đối và giải thích quan điểm của họ với Pháp hôm 12/12, các nhà ngoại giao cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn với đài TF1 của Pháp hôm 3/12, ông Macron nói châu Âu cần chuẩn bị kiến trúc an ninh tương lai của mình và cũng cần phải nghĩ “cách làm sao cho Nga những sự đảm bảo khi Nga trở lại bàn đàm phán.”
Phát biểu này ngay lập tức bị Ukraine và các nước Baltic khiển trách. Dù phía Pháp tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của sự việc, nhưng sự phẫn nộ dường như vẫn chưa nguôi ngoai.
Cộng hòa Czech, nước hiện đang nắm chức chủ tịch Hội đồng EU, đã giúp sắp xếp hậu thuẫn cho sự thể hiện quan điểm ngoại giao chính thức vừa kể.
Các nước ủng hộ bao gồm các nước Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania, cùng với Ba Lan và Slovakia, hai nhà ngoại giao cho biết. Không biết có tổng cộng bao nhiêu nước ủng hộ hành động này.
Bộ Ngoại giao Pháp, Cộng hòa Czech và Slovakia không hồi đáp yêu cầu bình luận. Bộ Ngoại giao Ba Lan từ chối bình luận.
Các ý kiến phản đối cho rằng các nỗ lực trước đây của Nga đối với vấn đề kiến trúc an ninh châu Âu là nhằm chia rẽ và làm suy yếu châu Âu.
Kể từ khi Nga xâm lược Urkaine hôm 24/2, các nước châu Âu và các thành viên NATO đã tìm cách duy trì một mặt trận thống nhất chống lại Moscow, phát động một số vòng chế tài và đồng thời cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine.
Thư phản đối liệt kê những khía cạnh hợp tác và đối thoại với Nga, từ văn kiện NATO-Nga năm 1997 tới các đề nghị hồi tháng 12 năm ngoái kể cả những sự đảm bảo mà Nga đòi hỏi, các nhà ngoại giao cho biết.
Hai nhà ngoại giao nói phía Czech cùng với một số đại diện các nước thành viên khác đã giao thư phản đối cho Giám đốc châu Âu Lục địa thuộc Bộ Ngoại giao Pháp hôm 12/12.
Phát biểu với báo giới hôm 9/12, một giới chức Pháp nói phát biểu của Tổng thống Pháp chẳng có gì mới và phù hợp với điều mà Ukraine đã nói rằng sẽ có một cuộc thương lượng vào cuối cuộc chiến.
Oanh tạc cơ H-6 Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan với số lượng kỷ lục
13/12/2022
Ảnh minh họa: Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc. © Wikimedia Commons / Li Pang
Chính phủ Đài Loan hôm nay 13/12/2022 cho biết 18 oanh tạc cơ Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn hạt nhân loại H-6 đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, một con số cao chưa từng có. Thông báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan được đưa ra chỉ một hôm sau khi các quan chức cấp cao Mỹ - Trung kết thúc cuộc thảo luận 2 ngày tìm cách cải thiện quan hệ song phương, trong đó có hồ sơ nhậy cảm « Đài Loan ».
Sáng hôm nay 13/12/2022, bộ Quốc Phòng Đài Loan thông báo, trong vòng 24 giờ, Trung Quốc đã điều tổng cộng 21 phi cơ bay vào vùng tây nam của khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan, trong đó có 18 oanh tạc cơ H-6 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Oanh tạc cơ H-6 là loại máy bay ném bom chính của Trung Quốc có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
AFP lưu ý rất hiếm khi Trung Quốc điều trên 5 oanh tạc cơ H-6 xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan chỉ trong một ngày. Trong tháng 11/2022, số chuyến máy bay H-6 xâm nhập vùng ADIZ của Đài Loan là 21, con số này trong tháng 12 được ghi nhận đến nay là 23. Như vậy là các vụ máy bay Trung Quôc xâm nhập khu vực ADIZ của Đài Loan ngày càng nhiều trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng.
Hồi tuần trước, Trung Quốc áp các lệnh cấm nhập khẩu mới nhắm vào các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, rượu và nhiều hải sản của Đài Loan. Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) tố Bắc Kinh vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và thể hiện « sự phân biệt đối xử » với hòn đảo.
Không có nhận xét nào